Chương VI
Con rất cần có bố

Một hôm, không hiểu sao Côlia tới xưởng làm việc có vẻ buồn, lúc nào cũng muốn tách riêng ra một chỗ. Khi Nunhikianốp khen cậu:
- Làm việc khá lắm, Côlia ạ. Con giống bố. Dạo này Xtêpan có khoẻ không? Không buồn chứ? – Côlia chỉ khịt khịt mũi im lặng.
- Côlia, làm sao chỉ khịt mũi? Miệng ngậm hột thị rồi hay sao? - Nunhikianốp lại hỏi - Bố dạo này thế nào, không nghe à? Định đến chơi đã lâu nhưng chẳng có một phút nào rỗi cả.
- Thì chuyện gì có thể xảy ra với bố cháu? Vẫn sống… - Côlia lúng búng trong miệng, không nhìn bác thợ nguội.
- À, mày nói về bố mày thế hả? Bằng này tuổi đã bướng rồi thì hơi sớm đấy, cháu ạ! - Nunhikianốp nghiêm khắc nói. – Hay mày nghĩ bố mày bây giờ không trị được mày nữa… Thế thì tao có thể giúp ông ấy một tay... Ghê nhỉ!
Côlia lúng túng bỏ chiếc búa xuống bàn
- Thôi, hãy nhìn thẳng và nói cho bác nghe nào, bố đánh à? - Nunhiakianốp dịu giọng hỏi và đặt tay lên vai cậu – Không được trách bố, cháu ạ. Có chuyện gì xảy ra à?
- Cháu hút thuốc, thế là bố cháu… Cháu bảo cháu có quyền, chưa gì bố cháu đã cầm lấy roi…
- Chỉ có thế mà bị ăn đòn, ha ha! - thằng Rỗ nói chen vào - Từ năm mười hai tuổi tớ đã phì phèo, có ai làm gì tới được đâu? Mà giả sử có định làm gì đi nữa thì mình sẽ…
- Không ai nói chuyện với cậu! Nhà ai có phép tắc luật lệ nhà ấy! - Nunhiakiacốp ngắt lời hắn rồi quay sang Côlia. – Đau lắm hả?
- Đau. Bác đã biết cánh tay bố cháu rồi đó. Đánh mấy người vẫn không mệt…
- Tớ mà thế thì thế nào tớ cũng… - thằng Rỗ lại chêm vào - Cậu làm việc có phiếu lương thực công nhân…
- Đã bảo là không được nói leo, khi người lớn đang nói chuyện với nhau! - Nunhikianốp xẵng giọng, - Còn cháu, Côlia ạ, đừng giận bố cháu. Xtêpan làm thế là để giữ cho cháu đấy thôi.
- Lúc nhỏ bố cháu có đánh cháu bao giờ đâu, thế mà bây giờ…
- Bác hiểu, bực mình lắm chứ! Nhưng cần hiểu bố cháu. Thần kinh căng thẳng, cháu là người biết điều, phải hiểu bố cho đúng. Một người bố như thế chẳng bao giờ muốn điều xấu cho con mình đâu… Còn hút thuốc thì không nên. Sau này còn kịp dùng cái của nợ ấy.
Khi Nunhikianốp đi khỏi, Giamin mơ màng nói:
- Nếu mình có bố, Côlia ạ, bố mình làm gì mình cũng sẽ chịu được hết. Cậu biết không, thấy mọi người có bố, mình rất thèm! Hầu như mình không nhớ gì về bố mình cả. Khi bố mình mất, mình hãy còn rất bé…
… Một lần, cách đây đã lâu nhưng Giamin vẫn còn nhớ rất rõ, mặc dù lúc ấy cậu mới hơn năm tuổi. Cậu cùng bố đi trên một đoàn tàu dài, rất dài, màu sặc sỡ, toa đỏ, toa xanh lẫn lộn nhau, không hiểu sao được gọi là “Maxim Goócki”. Giamin rất thích ngồi bên cửa sổ toa tàu nhìn ra những làng mạc, thành phố đang chạy nhanh về phía sau như sợ người ta bốc bỏ lên đoàn tàu dài, rất dài này mà chở đi, nhìn ra những ngôi nhà nhỏ màu vàng vụt thoáng qua, những người nhân viên đường sắt tay cầm những lá cờ bé tí vẫy đoàn tàu.
- Này bố, mấy bác kia có biết con không? - cậu hỏi khi thấy họ, và lần nào cậu cũng rụt rè giơ tay vẫy lại
- Sao lại không? Nếu các bác ấy không vẫy cờ với con thì nghĩa là đường không đi được. Con đã biết là gặp người quen thì phải chào, mà mấy bác này thì biết hết tất cả những ai đi trên tàu.
- Vâng! – Giamin đáp, gật đầu ra chiều suy nghĩ, cái đầu khá to, hai tai vểnh lên. Đôi mắt xanh của cậu long lanh sung sướng.
Lần nào Giamin cũng cố nhìn thấy người nhân viên cầm cờ trước và gọi to:
- Bác ơi, chào bác! – và vẫy tay cho tới khi người này khuất hẳn mới thôi.
Không hiểu sao ở các ga người ta gọi tất cả hành khách đi trên tàu cùng bố cậu là những người đi di cư. Giamin thích điều đó vì thế nghĩa là cả tàu đều là bà con. Tuy nhiên, không ít “người bà con” của Giamin hay cãi lộn với nhau vì nước sôi, vì củi vụn, than đốt lò sưởi, hay chửi, giơ xô, giơ ấm lên doạ nhau, hay thậm chí còn đánh nhau nữa. Thấy vậy, các bác đội cát két đỏ mặc áo có hàng cúc trắng doạ sẽ cho họ xuống tàu và tống vào nhà giam. Có lẽ nhà giam là cái gì đáng sợ lắm vì những người đang đánh nhau nghe thế liền lặng lẽ ai về toa người ấy. Nhưng tàu vừa chuyển bánh, họ đã thò đầu qua cửa sổ tiếp tục chửi nhau, người này cầu mong người kia phải chết sặc, chết nghẹn vì nước sôi và củi vụn đáng nguyền rủa kia… Giamin không hiểu sao nước lại đáng nguyền rủa? Vì nó làm hại ai đâu. Và làm sao người ta có thể chết sặc, chết nghẹn vì nước?
Tới các nhà ga lớn, những “người bà con” của Giamin ùa ra khỏi toa và toả đi các góc hẻm vắng vẻ.
- Phải cho tàu đi ngay thôi, mấy bác đội cát két đỏ nói - kẻo không, họ lại gây dịch ở đây mất. Nhìn xem họ đang làm gì kìa, - rồi chỉ tay về phía những người di cư đang ngồi chồm hổm dưới các toa tàu, sau các nhà, trong góc vườn…
Nói rồi mấy bác này rung chuông to giống như chiếc mũ của một chiến binh ngày xưa. Đầu đấm của các toa chạm vào nhau ầm ầm rồi đoàn tàu từ từ chuyển bánh.
Đoàn tàu nấn ná như không muốn đi tiếp.
Giamin rất thích ngồi trên đùi bố nghe người lớn nói chuyện. Tối tối, người lớn thường hay mở cửa sổ rồi ngồi xuống giường và bắt đầu nói với nhau đủ mọi chuyện. Mọi người cùng nhớ lại quê hương cũ Baskiria, làng xóm, những người ở lại… Không hiểu sao họ nói chuyện rất khẽ dù chưa ai ngủ. Mặt trăng như một quả bóng vàng nhợt lăn trên bầu trời, chạy theo như được cột với đoà tâm.
Đốc công ngồi quay lưng ra cửa, đang giận dữ nói chuyện với một người nào đấy qua điện thoại.
- Chào anh, Piốt Pêtrovích, - Xtêpan cho xe lăn vào phòng.
- Ồ, Xtêpan đấy à? Chào anh, hay lắm! – Xamôrucốp mừng rỡ đáp lại, một tay bịt ống nghe, nói tiếp: - Chờ tôi tí nhé, - rồi quay sang quát vào ống nghe – Không một người nào hết! Thế chỉ có gọi là ăn cướp! Không thế người ta cũng gọi tôi là giám đốc nhà trẻ rồi. Cái gì? Thế nào? Tôi có thể mất thẻ đảng à? Tôi chẳng sợ. Thẻ của tôi bây giờ là một bộ phận của cơ thể tôi!... Anh bảo những người cộng sản không làm thế phải không? Thế thì làm thế nào? Anh muốn đình chỉ công việc lại à? Không được! Vâng, vâng! Tôi cũng chịu trách nhiệm trước đảng, trước nhân dân! Đấy, anh xem, đã bao lâu nay tàu vẫn chạy liên tục… Còn tai nạn? Thì anh cũng thừa biết là không phải do tình trạng đường sắt! Anh biết rõ hơn tôi! Có tai nạn là do người bẻ ghi nhận tàu vào đường đã có đoàn tàu rồi. Tại sao à? Tại vì anh ta đã ba ngày ba đêm không ngủ một tí nào. Chính anh chẳng bảo tôi nhân viên bẻ ghi ngồi không và đã rút đi một số đó ư… Anh không cần phải doạ tôi! Một khi công việc được giao cho tôi, tội chịu trách nhiệm về nó! – Xamôrucốp mệt nhọc treo ống nghe vào máy, quay lại – Chào anh, Xamôrucốp! - rồi từ bàn bước ra, cầm hai tay Xtêpan lắc mạnh – Hay lắm! Xin lỗi là tôi đã bắt anh chờ nhé. Có anh chàng định gây sự với tôi – ông quay đầu về phía máy điện thoại - Người ta giao quyền hành cho mà không biết sử dụng thế nào. Anh ta bảo anh ta làm nhiệm vụ đảng. Còn chúng ta thì không? Thế đấy… Không biết đâu là đâu mà cứ bắt người khác theo mình, - Xamôrucốp nói, vẫn còn tức giận – Lúc nào cũng giở các chỉ thị và qui định từ thời kì trước chiến tranh ra, cái mà anh ta bảo anh ta đặt ra, mà chúng ta thì không chấp hành. Tôi bảo lỗi không phải tại chúng ta, mà là cuộc sống, là chiến tranh, nhưng anh ta không chịu nghe… Vấn đề phức tạp thế đấy. Sao anh ngồi im thế? – Xamôrucốp bỗng hỏi.
“Không biết bây giờ anh ta có giở qui chế, chế độ ra không?” – Xtêpan nghĩ bụng và bắt đầu bình tĩnh nói.
- Tôi đến gặp anh, Piốt Pêtrôvích ạ, để nhờ anh nhận tôi vào làm việc.
- Hừm!... Tất nhiên, Xtêpan ạ, thế là tốt… - Xamôrucốp đi đi lại lại trong phòng – Nhưng anh làm tôi khó nghĩ quá. Thế anh định làm gì?
Xôlôcốp cho xe lăn về chiếc lò sưởi kiểu Hà Lan đang đứng trong góc phòng như một chiếc cột đèn lớn.
- Vào phân xưởng dụng cụ… Lúc đầu có thể với tư cách là người học việc, nếu anh chưa tin tôi…
- Khó đấy, - Piốt Pêtrôvích ngồi xuống chíêc ghế dài.
Xtêpan chờ đợi, căng thẳng đến nỗi cổ bác đỏ ửng
- Thôi được, Xtêpan ạ, - Xamôrucốp đặt tay xuống đầu gối của mình - Luật lao động không cho phép, nhưng tôi sẽ tìm cách thu xếp. Bây giờ thêm người nào làm việc, hay người ấy. Và rồi anh sẽ thấy mình như sống lại! Đúng thế không, Xtêpan?
- Cảm ơn anh, Piốt Pêtrôvích
- Anh cảm ơn tôi đã vi phạm luật lao động à? - đốc công cười lớn
- Không, cảm ơn anh đã hiểu tôi…
- Sao anh lại nói thế được, tôi mà không hiểu anh thì hiểu ai, - Xamôrucốp bối rối nói.
Ngày hôm sau bác đi làm. Trước bữa ăn trưa, bác làm quen với trách nhiệm công tác không lấy gì làm phức tạp lắm của người công nhân phân phát dụng cụ. Bác nhớ thuộc lòng dụng cụ nào để ở đâu, và hình dung trong đầu nên xếp nó thế nào để có thể làm việc mà không cần người khác giúp đỡ.
Giờ nghỉ trưa, bác lại cho xe lăn sang phân xưởng rèn. Bạn bè chuyện trò với bác như người ngang hàng, yêu cầu bác chú ý trong khi lắp các mũi khoan, giũa, vì chúng hay gẫy và chóng cùn quá…
Cuối ngày làm việc, Xtêpan cảm thấy rất mệt, nửa người phía dưới bị tụ máu phù lên. Qua ô cửa sổ mà bác vẫn giao dụng cụ cho phân xưởng nguội, bác gọi con trai và Giamin đến, bảo các cậu giải chiếc áo ấm lên bàn làm việc và đặt bác nằm lên đó. Nằm nghỉ khoảng 15 phút, Xtêpan lại ngồi vào xe, làm việc một mạch đến tan tầm.
Tháng Mười sắp hết, tuyết phủ đầy khắp nơi. Trời hơi lạnh, làm tai và má buôn buốt, đầu óc tỉnh táo hẳn lên. Giữa buổi hoàng hôn, tuyết trắng ngả màu tím một cách kì lạ.
Xtêpan về nhà cùng các bạn của con trai và một số công nhân già. Những người kia cảm thấy ngượng ngùng bên chiếc xe chở người tàn phế, nhưng không để lộ ra mặt. Thậm chí cả những khi xe rơi xuống ổ gà, tuyết che không thấy, họ cũng làm ra vẻ không để ý, kéo xe lên, tiếp tục nói chuyện công việc, về nhà ăn của xưởng, về mùa thu đến sớm, về việc năm nay được mùa khoai tây… Vẫn những câu chuyện thường ngày. Không ai hỏi Xtêpan sức khoẻ thế nào, và bác ta rất cảm ơn về điều đó.
Ở nhà, người ta cũng không hỏi han làm phiền Xtêpan. Mấy đứa bé sung sướng chạy ra đón bố, leo lên xe ôm bố, cười nói ầm ĩ. Côlia nhanh chóng bảo bọn em im lặng trở lại. Xtêpan rửa ráy và ăn xong, lần đầu tiên trong thời gian gần đây, ngủ một giấc say như chết, thậm chí không nghe hết câu chuyện của con trai về những gì mới xảy ra trong đội cậu. Trong đội đã xảy ra một chuyện bất thường.
Đã ba ngày nay không thấy Lênca đi làm. Theo luật thời chiến, bỏ việc như thế, hắn phải bị đưa ra toà. Các cậu hỏi thì biết được Lênca không đến trạm y tế, không có giấy nghỉ của bác sĩ. Nhưng chuyện gì xảy ra, cậu ta ở đâu thì không ai biết. Hai ngày đầu, Giamin còn giấu chuyện Lênca bỏ việc, cả đội phải gánh phần việc của nó. Có ai hỏi về nó, khi thì các cậu bảo là nó đang mài đục, khi thì nói là đang đi nhặt các thanh ốp hỏng để sửa.
- Này Giamin, hai ngày qua đội các cậu thế nào mà vất vả lắm mới làm hết định mức? Có chuyện gì xảy ra à? – Xamôrucốp hỏi
- Chúng cháu vẫn cố đấy ạ. Mấy hôm nay không hiểu sao lại thế… Không đủ nguyên liệu, phải mất nhiều thời gian chọn thanh ốp…
- Xem đấy, đừng chán nản! - thấy Giamin lúng túng, Xamôrucốp nói – Làm lãnh đạo không dễ đâu, cháu biết đấy, - Ông vỗ vào lưng cậu - Chịu trách nhiệm không chỉ riêng về mình mà cả người khác nữa.
Nói chuyện với các bạn xong, Giamin quyết định sau giờ làm việc sẽ đến nhà Lênca.
Lênca cùng mẹ sống với một ông già ở đường Giao thông sau ngõ cụt đường sắt, nơi người ta vẫn rửa buồng đốt thông nồi hơi, đầu máy.
Giamin tìm đến nhà Lênca, đi vào cái sân ngập tuyết. Theo một đường mòn nhỏ, cậu bước lên bực thềm. Cửa đóng kín. Giamin cầm quả đấm, khẽ giật rồi đứng chờ. Không thấy ai trả lời. “Không lẽ lại ngủ sớm thế à?” - Cậu tự hỏi rồi lại gõ cửa. Phía nhà để đồ đạc từ sau đống cỏ, một con chó màu hung đỏ, cụt đuôi chạy ra, vươn mình cất tiếng sủa giận dữ. Thấy người lạ không định rút lui, nó lại càng sủa mạnh, và từ từ tiến lại gần, thỉnh thoảng lại nhe răng đe doạ. Giamin đã định bỏ chạy ra sân nhưng thầm ước lượng thấy chưa kịp vượt qua khoảng sân đầy tuyết đến cổng thì con chó cụt đuôi kia sẽ cắn vào người cậu rồi. Con chó có lẽ cũng chỉ chờ cậu bỏ chạy. Nó giận dữ sủa, nhưng vẫn đứng yên một chỗ.
- Thôi đi đi, ngoan nào… - Giamin bình tĩnh nói với nó
Hình như con chó đã cảm thấy ưu thế của mình, nó lại gần Giamin, cong người, sủa càng khoẻ hơn trước. Giamin lấy chân đạp không ngớt vào cánh cửa, miệng vẫn nói nhỏ nhẹ:
- Giỏi lắm, mày ngoan lắm, tao có phải là kẻ trộm đâu…
- Ai đấy? - từ trong nhà có một người phụ nữ giọng khàn khàn hỏi ra.
Con chó chồm lên sủa từng hồi như muốn để bà chủ thấy lòng tận tuỵ của mình
- Tôi đây… bà mở cửa hộ… Tôi là bạn của cậu Rỗ - Giamin đáp rồi vội nói chữa lại – Tôi là bạn cùng làm việc với Lênca…
- Thế thì mời vào. Mà sao con Giunbaxơ nó chưa xé xác cậu ra nhỉ? - người phụ nữ hé tấm cửa nặng ra.
Giamin bước vào phòng ngoài tối om, theo tiếng chân bà kia đi về phía trong.
Một chiếc đèn dầu, bóng ám khói, để trên bàn. Bên cạnh là chai rượu vốt ca. Mùi thịt và khoai tây rán dầu thực vật bay ra thơm ngậy.
Bà ta nom khoảng 40 tuổi.
- Lạnh lắm hở? Hay uống cốc rượu nhé?
- Không, tôi không uống. Tôi đến để gặp Lênca…
- Hoá ra cậu không phải từ chỗ nó lại đây à? Thế cậu là ai? – bà ta cầm chiếc đèn lại gần sát mặt Giamin – Lính mới à?
Lênca giống bà ta, có lẽ là mẹ cậu ấy
- Bà đang nói gì? Tôi cùng làm việc với con bà, nhưng đã ba hôm nay không thấy cậu ấy, - Giamin chậm rãi nói, cố cho bà ta hiểu cậu là ai
- Hắn không có nhà, - bà ta đặt cây đèn lên đít chiếc chảo bị lật sấp rồi ngồi xuống chiếc giường ọp ẹp
“Cậu con trai không ở nhà, bà mẹ thì say rượu” – Giamin nghĩ bụng rồi hỏi:
- Thế cậu ấy ở đâu?
- Thằng Lênca,… bị công an bắt rồi…
Có tiếng chân người bước trên sàn gỗ cọt ket. Từ sau tấm chắn làm bằng nhiều thanh gỗ ghép lại, một lão già đầu tóc rối bù, mặt gian xảo, mình mặc độc chiếc quần ngủ, bước ra.
- Bà đang nói chuyện với ai đấy? - hắn vươn vai đến nỗi xương kêu răng rắc
- À, có cậu bạn của con trai…
- Công nhân hả?
- Vâng…
- Đến một mình à? – Lão già xoi mói nhìn Giamin, hỏi rồi ngồi xuống chiếc ghế bẩn thỉu cạnh bàn.
- Có mấy người đang chờ ngoài kia, - Giamin nói dối. Cậu thấy sợ hắn.
- Mày không nói dối đấy chứ? - hắn đưa tay nhấc cằm Giamin, - Mày cũng biết là nói dối thường sẽ bị trừng phạt thế nào rồi chứ?
- Sao tôi phải nói dối? – Giamin hất mạnh tay hắn ra
- Để cậu ấy yên, Aphônia, quả cậu ấy không đến một mình thật. Ông không nghe con Giunbaxơ đang sủa đấy à? – bà kia uể oải nói
- Mày làm tao thích đấy, nhưng kể ra giết mày cũng không thừa, - lão già phá lên cười, cái cười của người say.
Giamin thấy lạnh khắp người
- Thôi đi, Aphônhia! - người phụ nữ nghiêm giọng bảo hắn - Nốc vào cho lắm, bây giờ nói lung tung. Còn cậu đi đi, kẻo bọn bạn chờ lâu rồi đấy… - bà ta đứng dậy, đẩy Giamin về phía cửa.
Giamin không nhớ trong phòng ngoài tối om cậu đã tìm ra cửa và đi tới cổng thế nào. Chỉ khi chiếc cổng đã khép lại sau lưng và tiếng sủa giận dữ của con chó đã xa, cậu mới tin là có thể về nhà an toàn đựơc. Suýt ngạt thở vì lạnh, cậu chạy một mạch không nghỉ, và như trêu cậu, suốt dọc đường cậu không hề gặp một người nào. Cậu chạy bổ vào nhà Côlia, mệt suýt chết. Mọi người đã đi ngủ, chỉ còn thím Grunhia đang ngồi cạnh bàn vá áo lót của một người nào đấy.
- Có chuyện gì thế? – thím Grunhia hỏi - Mẹ cháu vừa lại đây hỏi cháu
- Lênca bị bắt rồi! – Giamin vừa nói vừa thở hổn hển.
- Thật thế à?
- Cháu vừa ở đằng ấy… Mẹ cậu ta là một người say rượu… Một lão đàn ông đầu tóc bù xù… Sợ lắm bác Grunhia ạ, - Giamin vô tình tự thú nhận như vậy và nói thêm: Hay báo cho bác Xtêpan biết?
- Bác ấy vừa mới ngủ. Đánh thức dậy bây giờ không nỡ. Thôi để sáng mai cũng được. Cháu về nhà đi. Bác không thích thằng Lênca của cháu đâu. Sao lại cho một thằng như thế vào đội?
Giamin ra về. Cậu thấy bối rối và tự trách mình đã ba ngày giấu chuyện thằng Rỗ trốn việc. Cậu tưởng làm thế tốt hơn. Ai ngờ bây giờ lại phiền phức đến thế.
Ngày hôm sau thì mọi chi tiết đều đã rõ.
Người ta bắt thằng Rỗ khi hắn đang bán dầu thực vật có trộn sơn. Lần xảy ra tai nạn đổ tàu, tuy thế thằng Rỗ vẫn lấy được bốn thùng dầu. Hắn đem đổ vào một chiếc thùng sắt dùng đựng dầu xô-li-đon. Hắn giấu cả một ít thuốc nổ nữa. Lúc đầu hắn tin thật đó là bột trứng nhưng sau thấy đồng chí đại uý bảo là thuốc nổ, hắn chợt nghĩ là: “Phải lấy một ít, sau có thể dùng để đánh cá”.
Một hôm mẹ hắn dẫn Aphônhia từ chợ về. Lão già vẫn thích tự gọi mình như vậy. Hắn nói hắn bị thương ngoài mặt trận, cả gia đình đều bị giết ở Rôxtốp. Mẹ Lênca thương hại hắn. Lúc đầu hắn tìm mọi cách làm vừa lòng bà chủ nhà, giúp đỡ việc gia đình. Ở chưa được một tháng, hắn đã hiểu được tính tình của Lênca, thấy ngay được cái thói hay tắt mắt của nó, biết được nó giấu dầu và thuốc nổ. Anphônhia dạy hắn cách bán các hàng này.
Thằng Rỗ không đồng ý ngay vì nó còn nhớ lời của đồng chí đại uý.
- Thế cậu tưởng nếu biết cậu giấu thuốc nổ thì người ta sẽ xoa đầu cậu à? – Aphônhia bảo hắn, - Tốt hơn hết là phải bản ngay, tâm hồn thoải mái mà lại có tiền tiêu. Phải thông minh một chút, chú mày ạ… - Họ mua, lên toa ngồi - thế là xong. Họ sẽ cảm ơn cậu đã giúp họ khỏi chết đói, mà cậu thì cứ việc đứng mà vẫy tay theo.
Lần đầu bán dầu trót lọt, thằng Rỗ mừng lắm, thầm cám ơn lão già và lại càng thêm cởi mở với lão.
Thấy con trai thậm thụt với Aphônhia, một hôm nhân Lênca đi vắng, bà kia nói:
- Aphônhia, ông dạy cho con tôi những điều xấu… - rồi bà suýt khóc – Tôi cho ông đến ở nhờ như một người đồng hương, một người gặp nạn…
- Vâng, đúng thế, thưa bà. Con bà giỏi lắm và hoàn toàn không ngoan như bà nói đâu. Chính bà cũng biết giá trị của con bà. Thưa bà, cậu nhà bán lậu dầu hướng dương trộn lẫn dầu sơn. – đôi mắt màu vàng của lão già nheo nheo như muốn cười – Thế nào, bà không tin à?
Bà kia muốn đứng dậy khỏi ghế, nhưng lại khoát tay vẻ hoảng sợ.
- Không thể thế được…
Như bộ không nghe thấy gì, lão già nói tiếp:
- Và bà hãy nhớ cho một điều này nữa, là trong một thời gian dài bà đã che giấu một tên ăn cắp chuyên nghiệp. Bà cho hắn ăn, hắn uống… Thành ra bây giờ chúng ta là một bộ ba tuyệt đẹp…. Mỗi người đều có tội cả. Vâng, vâng, thưa bà, bà cũng có tội… Mà theo pháp luật, bà cũng khó hình dung nổi điều này có thể dẫn bà tới đâu. Cho nên, tốt hơn hết là bà hãy im lặng. Bà đừng nghĩ là tôi dạy nghề cho con trai bà. Lâu nay cậu nhà cũng đã hoạt động rồi, có điều chưa làm cái gì lớn lắm. Tôi chỉ giúp cậu ta thôi. Mà chính bà cũng biết là con bà giấu dầu, làm giả giấy phép nghỉ việc. Chính bà khuyên cậu ta làm thế… Rồi bà đã bày cho cậu ta làm thế nào để tăng nhiệt độ cơ thể lên… Chính cậu ta bảo tôi thế…
- Đồ khốn nạn, tao là mẹ của nó. Nó là con tao, còn mày, mày có quyền gì mà dám thế? – bà ta oà lên khóc.
- Thì tôi có cướp cậu ấy đi đâu, thưa bà. Tôi chỉ gọt giũa, làm cho cậu ấy trở nên đẹp hơn, tinh xảo hơn thôi, như gia công đồ trang sức ấy mà…
Sau lần ấy, thằng Rỗ công khai làm mọi việc Aphônhia giao. Còn mẹ hắn thì làm ngơ như không biết gì. Vốn trước đã quen nhấp nháp, bây giờ dần dần bà càng hay tìm đến chai rượu hơn.
Chỉ ngay trước khi con trai bị bắt, bà mới hỏi nó hai ngày vừa rồi đã cùng ông khách trọ đi đâu, và lấy đâu ra nhiều thịt thế.
- Lấy tiền bán dầu mua, - thằng Rỗ nói dối.
- Tao hỏi mày đã đi đâu hai ngày? - mẹ hắn nghiêm mặt hỏi lại
- Ở Nhigiơnheuđinxcơ. Ở đấy dễ bán hơn, - hắn lại nói dối.
Aphônhia bước vào, người đầy tuyết. Thời gian gần đây do ăn nhiều, đôi má trễ của hắn nhầy mỡ. Hắn xử sự như một ông chủ thực sự. Hắn đã làm bạn được với ông lão cho mẹ Lênca thuê nhà. Ông cụ mù, nặng tai, không ngớt cảm ơn Chúa đã gửi đến cho bà thuê nhà mình một người bạn tốt bụng như thế. Nốc rượu xong, ông cụ thường leo lên lò sưởi nằm, lè nhè nói xuống:
- Con là một người tốt. Aphônhia ạ. Bố chết sẽ để lại cho con tất cả. Nhà này, con Giunbaxơ này… Nào, lại đây con, bố muốn hôn con…
Bây giờ ông cụ đang nằm say ở đây, vừa ngủ vừa khịt khịt như trẻ con khóc.
- Hai mẹ con mày vắng tao vừa nói chuyện gì thế? – Aphônhia hỏi vẻ đe doạ, chủ yếu là Lênca.
- Mẹ tôi hỏi chúng ta đã đi đâu hai ngày và lấy đâu ra nhiều thịt thế?
- Và tao hi vọng là mày đã nói hết cả rồi, phải không? Bà ấy muốn giữ cho tâm hồn mày trong sạch mà! – lão già nghiến răng nói
- Vâng, cháu nói là ta đi Nhigiơnheuđinxcơ và lấy tiền bán dầu mua thịt…
- Thì các anh đi đâu, mua gì, tôi chẳng cần biết, - bà kia đang say rượu nói vọng vào.
- Đấy, tôi thích như thế! – Aphônhia cười khà khà – Đáng lẽ bà phải nói thế từ lâu rồi cơ - Hắn rót một cốc rượu lậu, chóp chép nhai mấy chiếc nấm dưới chân có màu xanh nhạt. Hắn lại gần mẹ Lênca, thô bạo đặt bàn tay nặng của hắn lên vai bà – Ê, em yêu, rồi tất cả sẽ theo ý anh.
- Này, Aphônhia, tốt hơn là ông đừng sờ vào người mẹ tôi - thằng Rỗ giận dữ nhìn hắn, hất tay lão ra khỏi vai mẹ.
Aphônhia hằn học nhìn thằng Rỗ từ đầu đến chân, suy nghĩ một lát rồi mỉm cười độc ác, nói:
- Còn mày thì ngang bướng, giỏi lắm…
Trưa hôm ấy, một đồng chí công an đến bắt thằng Rỗ đem đi, sau khi bảo mẹ hắn là người ta nghi ngờ con bà một vài việc.
Những ngày đầu Lênca còn tỏ vẻ cứng rắn, nói là chỉ bán dầu ở ga, ngoài ra không biết gì hơn. Nhưng khi người ta đem thuốc nổ tìm thấy trong khi khám nhà hắn đặt lên bàn, hắn buộc phải thú nhận. Lúc này người hỏi cung hỏi hắn:
- Thế ông già có râu người ta thấy đi cùng anh ở ga là ai? Nhìn bề ngoài ông ta không phải là người ở đây.
Lênca sợ không dám khai Aphônhia, nhún vai đáp:
- Tôi làm sao biết được! Ngoài ga thì thiếu gì người quanh tôi?
- Được.. Thế còn cái này anh biết không? – anh kia hỏi tiếp và đặt lên bàn một chiếc rìu dính máu.
Thằng Rỗ tái mặt, cúi đầu nói:
- Lần đầu tiên tôi thấy nó…
- Chúng tôi cũng cho là thế, vì khó mà tin nổi anh có thể làm được điều này, nhưng… vết tay lại là của anh. Kể ra ở đây còn có vết tay của người khác nữa… Hay là của người lạ mặt ở sân ga?
Thằng Rỗ khịt mũi, đưa nắm tay lên chùi nước mắt nói:
- Của ông ta…
- Nghĩa là các anh làm thịt bò ở Acunsét, rồi pha thịt bằng chiếc rìu này?
- Vâng…
- Nếu lúc ấy chủ bò đi ra thì sao?
… Aphônhia trốn ngay đêm Giamin đến. Người ta kết án Lênca Crítsốp ba năm tù. Mẹ hắn bị một năm tù treo. Giamin cũng bị vạ lây. Cậu đã bị kiểm điểm ra trò trong cuộc họp đoàn. Người ta nghiêm khắc báo cho cậu biết là nhờ được chiếu cố làm việc tốt, chứ không, khó mà biết trước cậu sẽ bị rầy rà đến mức nào, vì cậu đã làm cho vụ án thêm phức tạp. Mà thời chiến, điều này cũng quan trọng như tội phạm.