PHẦN II - Chương I
Người Bônsêvích ngoài Đảng

Đã hai tháng trôi qua kể từ ngày cụ mất.
Đưa đám cụ xong, các cậu ngơ ngác như gà con mất mẹ. Xtêpan là người đầu tiên nhận ra điều đó. Bác thấy con trai trở nên ít nói, không còn kể về việc làm của mình ở xưởng, không hỏi về chiến tranh, không hỏi loại xe tăng nào khoẻ hơn – “con hổ”, “KV”, “IX” hay “T-34” như trước nữa. Còn chuyện đi câu thì cậu hoàn toàn không nhớ tới nữa.
- Có chuyện gì xảy ra với thằng bé nhà mình thế nhỉ? - một hôm Grunhia hỏi chồng khi nhận thấy con trai lặng lẽ ăn xong, bỏ đi tới nhà Giamin.
Xtêpan như đã chờ câu hỏi này từ lâu:
- Ngoài mặt trận chuyện như thế vẫn thường xảy ra với cánh lính trẻ - bác im lặng một lúc rồi đáp - Một anh lính trẻ, khi người bạn chí thiết của mình hi sinh, dễ trở nên buồn rầu. Nhưng thường họ hay gan dạ hơn, dũng cảm hơn - đối với họ, mìn không còn là mìn, đạn không còn là đạn nữa. Những lúc thế, người ta có vẻ như không còn thích đùa nghịch. Đấy là do tuổi trẻ, Grunhia ạ. Là vì tâm hồn còn trong trắng, thơ ngây. Tiếc là càng ngày, tâm hồn ấy càng phải chai lại… Chỉ có cụ Cudia, con người thật giàu tình cảm, là giữ được nó trong sáng mãi tới ngày cuối cùng của đời mình. Nhưng không sao, rồi thời gian sẽ hàn gắn tất cả, sẽ làm dịu bớt vết thương. Bọn trẻ chúng ta sẽ được tôi luyện dày dặn, và trái tim chúng sẽ hiểu được cần phải yêu cuộc sống thế nào… - Xtêpan dựa trên hay tay trống bằng gỗ rồi tìm cách ngồi thoải mái trên chiếc giường ọp ẹp phủ tấm da gấu đã cũ.
Grunhia đứng đối diện nghe chồng nói, đôi bày tay chai sạn dấu dưới yếm áo. Chiếc chảo đựng khoai tây luộc và bắp cải muối còn để trên bàn.
- … Như ngoài mặt trận chẳng hạn, tại sao ai cũng có thể sẵn sàng hi sinh vì người khác? Mẹ nó hiểu chứ, hi sinh vì bạn… Trong khi ai cũng có gia đình, người thân - thế mà ai cũng sẵn sàng hi sinh cả… Là vì chiến tranh, ai cũng giống ai. Mọi người đều chung một giường là mặt đất, chung một chăn là bầu trời, cùng ăn chung từ một nồi, đều phải chịu đựng như nhau. Số phận của ai cũng giống nhau là có thể bị giết bất cứ lúc nào, và cũng giống nhau về mục đích là tiêu diệt kẻ thù… Chính điều này làm cho người ta thân thiết với nhau. Không ai có bí mật riêng, có chăng chỉ là những điều thuộc tâm tình. Thế mà bây giờ, thử nhìn vào cuộc sống hàng ngày xung quanh chúng ta xem, và thấy những gì? Ai cũng có cái tổ riêng của mình… Như láng giềng của ta, Prônca chẳng hạn. Cùng làm việc với nhau, cùng tắm chung kì lưng nhau, thế mà hoá ra hắn lại là một con quỉ, một con chó sói… Còn cụ Cudia…
- Sao hôm nay bố nó bỗng nói say sưa thế? Cứ như là một nhà diễn thuyết ấy! – Grunhia ngắt lời chồng - Bố nó nên nói chuyện với Côlia và hỏi nó xem nó nghĩ gì trong đầu. Dù sao thì cụ Cudia cũng có phải là bà con của nó đâu mà nó cứ phải rầu rĩ thế mãi.
- Rõ bà này – Xtêpan thở dài - Chiến tranh đã cho thấy là những người hoàn toàn không quen biết có thể trở thành người thân và sẵn sàng hi sinh tất cả vì nhau. Hãy thử nhìn những người sơ tán đến Taisét mà xem! Ở đây với chúng ta, họ có cảm thấy xa lạ không? Cho nên mẹ nó đừng làm phiền lòng thằng bé… - Xtêpan nhìn ra cửa sổ và nở một nụ cười rộng mở. Bên ngoài con mèo vàng đang đứng cạnh mé cửa, giơ hai chân trước cào cào vào cửa kính, không ngớt kêu meo meo đòi được cho vào nhà.
- Thôi được, để tôi vào xưởng gặp chúng nó, nói chuyện với đốc công. Có thể họ sẽ kiếm cho tôi một việc làm nào đó cũng nên – Xtêpan bỗng quay sang nói chuyện khác.
- Kiếm việc à? Còn lâu! – Grunhia đặt đĩa xuống bàn đánh “cạch” một tiếng trách chồng: - Cứ ngồi yên ở nhà có hơn không? Làm như không có bố nó thì mọi việc sẽ hỏng cả hay sao? Cống hiến như thế cũng đủ rồi…
- Thì tôi nói là nói thế thôi chứ - Xtêpan an ủi vợ - Chính bà chẳng bảo tôi gần gũi với bọn trẻ đấy mà…
Một lúc sau Côlia trở về, cùng đi có cả Giamin và Gôga. Mọi người chào nhau. Đã lâu Xtêpan không gặp các bạn của con trai, bây giờ thấy các cậu đã lớn hẳn lên, vai rộng ra, tiếng nói nghe ồm ồm…
- Nào, vào đi, các chàng trai, vào đi!
- Bố ạ, - Côlia bắt đầu – chúng con, con và các bạn đã làm cho bố một cái… - rồi cậu sung sướng nhìn các bạn, làm mấy cậu này đỏ mặt, nói tiếp:
- Không, chẳng có gì đặc biệt đâu ạ…
- Đâu nào, đâu nào… Mang lại bàn xem nào. Như người ta vẫn nói, trao hàng phải cho xem tận mặt đã chứ - chủ nhà nói đùa, thân mật nhìn các cậu. Chống tay xuống đất, Xtêpan lê tới cạnh bàn.
- Lại thêm trò gì nữa thế? - từ sau bức tường chắn làm bằng những mảnh gốc ngăn góc bếp, Grunhia lấy que cời gõ vào chảo gang, nói vọng ra, giọng tức tối.
- Nhưng cái này không đặt lên bàn được ạ, - Giamin lúng túng trả lời – Nó ở kia, ngoài đường…
- Không sao, cứ mang lại đây! – Xtêpan vui vẻ nói. Bác chống tay nhấp nhỏm như muốn nhảy từ giường xuống và cùng các cậu chạy ra ngoài đường.
Gôga và Giamin vội lao ra sân. Côlia mở cửa và đứng giữ thế. Xtêpan nghe ngoài hiên có tiếng gì va vào bậc thang lạch cạch, và sau là tiếng thì thầm:
- Khẽ chứ, khéo gẫy bây giờ…
- Ngộ nhỡ bác không thích thì sao?
- Thôi nhanh lên, làm gì ngoài kia mà lâu thế?
Xtêpan lê người tới tận mép giường rồi vươn cái cổ ngắn và to về phía trước, như một đứa trẻ tò mò, nhìn qua khe cửa.
- Chà, cái máy hay thật! – bác ngạc nhiên khi thấy các cậu đẩy vào một chiếc xe ngồi có ghế tựa, bánh xe đạp – Khéo nghĩ đấy!
- Bố thích không? – Côlia hỏi
- Rất thích. Trông cứ như là mới từ dây chuyền nhà máy ra ấy. Mấy đứa em của mày tha hồ mà thích.
- Nhưng đây là để cho bố… - Côlia nói, giọng buồn rầu nhưng rất nghiêm túc - Từ nay bố tha hồ muốn đi đâu thì đi…
Xtêpan chăm chú nhìn từng cậu một rồi thở dài rõ to như mới ngoi từ nước lên
Các cậu nhìn Xtêpan hầu như cùng chung một ý nghĩ. “Nếu bây giờ bác ấy kêu lên: “Chúng mày điên rồi hay sao? Chúng mày xem tao là ai à? Tao là một đưa bé năm tuổi như thằng Xasa à? Thật khéo vẽ chuyện! Sao không mang đến cho tao chiếc núm vú cao su nữa…?””
Đã có một chuyện tương tự như thế xảy ra… Một lần vào mùa đông, một số công nhân trước cùng làm việc với Xtêpan ở xưởng, chở gỗ và củi dến, dỡ củi xuống xong, bắt đầu cưa. Xtêpan suýt làm vỡ kính cửa sổ vì những nắm đấm to lớn của mình, miệng không ngớt kêu to: “Các anh cho tôi là người tàn phế à? Cứ nghĩ là không còn chân thì đời tôi vứt đi hay sao…?”
Hồi lâu Xtêpan ngồi im, làm vợ bác ta phải nói vọng từ bếp lên, giọng lo lắng:
- Cãi nhau rồi hay sao mà im lặng thế? Tôi hỏi mọi người, ngậm hột thị cả rồi à?
Các cậu lúng túng nhìn nhau, đã định kéo xe ra ngoài nhưng cuối cùng Xtêpan lên tiếng:
- Các cháu ạ, thật bác không biết cảm ơn các cháu thế nào nữa… - giọng bác run run – các cháu không biết là đã giúp đỡ bác thế nào đâu. Có thể nói, các cháu, chính các cháu đã trả chân lại cho bác… - Rồi Xtêpan bỗng kêu lên to: - Mẹ nó đâu, Grunhia! Lên mà xem các cậu tặng tôi cái gì này! Nào, đẩy xe lại đây!... – Xtêpan cười như một đứa trẻ.
Các cậu chen nhau đẩy xe lại gần, giúp bạc tuột từ giường xuống chiếc ghế ngồi bọc vải bạt trong xe.
- Thật cứ như ngồi trên yên ấy! Cừ lắm! mẹ nó trông này, trông kĩ vào xem bọn này có giỏi không! – Xtêpan khéo léo cho xe nhanh nhẹn đi lại giữa những chiếc ghế, quanh căn phòng rộng của mình. Bác cười khà khà, thỉnh thoảng lại vừa lắc đầu vừa kêu to: “Tuyệt thật, thế này thì tuyệt thật”. Còn Xasa thì cứ bám riết sau xe, luôn miệng năn nỉ:
- Bố ơi, cho con đi với! Bố tiếc à?
Côlia bế Xasa ngồi lên cổ mình:
- Để anh làm ngựa cho em cưỡi, đồng ý không? Không được lại gần bố nhé!
- Thế thì thích quá! Em thích cữơi ngựa hơn! – Xasa kêu to
Grunhia mỉm cười, nói:
- Sao không mang đầu máy xe lửa về đây luôn thể?
- Mẹ nó xem, các cậu ấy tặng tôi đấy nhé – Xtêpan sung sướng nói to – Khoái thật! Bây giờ thì tôi có thể đi đâu tuỳ ý! Tự đi, không cần ai giúp đỡ.. Chà! Trước hết phải làm một vòng khắp đường đã…
Grunhia đứng nhìn chồng vui thích và thấy các cậu bé sung sướng, không hiểu sao bỗng oà lên khóc rồi bế xốc Xasa trên tay, chạy ra ngoài.
Xtêpan nhận thấy các cậu đang bối rối:
- Không sao, không sao đâu các cháu ạ. Bà ấy vẫn thế đấy… Người lớn có khi như vậy. Tốt hơn là bây giờ nói cho bác nghe các cháu kiếm đâu ra những chiếc bánh xe thế này. Và cả bi, trục nữa. Một lần, thậm chí bác còn định tháo từ cày ra. Bác nghĩ vào xưởng người ta sẽ giũa lại… Các cháu khó hình dung nổi phải cảm thấy mình là một đứa bé thì khó chịu thế nào. Suốt 35 năm đi bằng chân, thế mà đùng một cái, cả hai chân đều mất. Thế đấy, khi lành lặn thì ít người nghĩ đến sức khoẻ, ít nghĩ đến giá trị từng bộ phận của cơ thể mình.
Xtêpan cảm động đến nỗi các cậu phải lấy làm ngạc nhiên, vì từ khi từ mặt trận về tới nay, có ai nghe bác than phiền về một điều gì đâu, thế mà bây giờ, lại thổ lộ nỗi lòng…
- Ai đã nghĩ ra chuyện này thế, các cháu?
- Cậu này – Côlia chỉ Giamin – Nó đã tháo bánh xe đạp của nó. Còn làm thì bọn con làm chung…
- Lúc vẽ mẫu, chúng cháu đã cái nhau đấy, bác Xtêpan ạ! Đứa nào cũng muốn làm chiếc xe kiểu thật mới – Gôga nói thêm
- Thế cháu có bị mắng không? – Xtêpan hỏi Giamin
- Không, mẹ cháu có biết. Thật ra, lúc đầu mẹ cháu nói là sau này các anh cháu từ mặt trận trở về sẽ trách, nhưng sau lại bảo: “Thôi, bác Xtêpan cần hơn, lấy đi!”. Chúng cháu làm cả tháng mới xong đấy – Giamin đáp
- Bố ạ - Côlia nói – Chúng con còn định dựng bia cho cụ Cudia. Cụ ấy chẳng có ai là người thân cả…
- Tốt lắm! Người tốt thì bao giờ cũng phải nhớ đến… - Xtêpan ủng hộ - Thế định làm bia bằng gì?
- Có thể lấy một tấm sắt hàn lại, trên đắp một ngôi sao đỏ với dòng chữ: “Tưởng nhớ đảng viên Bônsêvích Bêlôgrivưi Cudơma Mitrôphanôvích – các đoàn viên thanh niên cộng sản Taisét”.
- Thế là tốt các cháu ạ. Có điều hơi phiền một tí là cụ Cudia không phải là đảng viên.
- Sao lại không? - Cả ba đồng thanh hỏi
- Chúng con vẫn thường nghe cụ nói: “Lão là một người Bônsêvích cả tâm hồn lẫn thể xác, vì lão hoàn toàn ủng hộ các tư tưởng của Lênin” – Côlia nói, lúc bối rối nhìn bố, lúc nhìn các bạn.
- Không, cụ Cudia không phải là đảng viên, - Xtêpan nhắc lại và thấy các cậu có vẻ thất vọng, hạ giọng nói tiếp – Nhưng cụ ấy, các cháu ạ, trong tâm hồn là một người cộng sản chân chính. Bản thân việc làm của cụ đã chứng minh điều đó. Cho nên, theo bác, cụ xứng đáng được ghi dòng chữ ấy trên bia. Vâng, Bêlôgrivưi Cudơma Mitrôphanôvích xứng đáng được ghi như thế…
Bỗng Gôga hỏi:
- Bác Xtêpan, thế bác có phải là đảng viên cộng sản không?
- Có
- Lâu chưa?
- Mới thôi. Từ khi ở ngoài mặt trận…
- Sao lại từ khi ở ngoài mặt trận? – Côlia đỏ mặt hỏi
Câu trả lời của bố đã làm cậu ngạc nhiên. Trước chiến tranh, nếu có ai hỏi cậu bố có phải là đảng viên không, cậu sẽ không do dự mà trả lời là có. Ở chỗ làm việc, bố cậu được mọi người kính trọng, là lao động tiên tiến, trong các cuộc họp trọng thể, bố cậu luôn được bầu vào đoàn chủ tịch, các ngày lễ, thường dẫn đầu đoàn người diễu hành và bao giờ cũng cầm cờ. Người khác thường tìm đến bố cậu hỏi ý kiến, nhờ giúp đỡ.
- Sao lại chỉ từ khi ở ngoài mặt trận thôi hả bố? – Côlia hỏi lại
- Con hỏi tại sao à? Được, bố sẽ trả lời. Có điều, chuyện này cũng khá dài đấy… Bây giờ các cháu chưa hiểu hết đâu. Các cháu còn phải hiểu biết nhiều. Đời các cháu còn dài. Trong đầu nghĩ thế nào thì ngoài đời sống thế ấy. Cũng như làm bánh mì ấy mà. Bánh nướng có xốp, có ngon hay không là nhờ vào men chua đấy.
Xtêpan suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp, giọng chậm rãi, long trọng:
- Bác sẽ cố gắng giải thích tất cả cho các cháu nghe như bác đã hiểu. Còn sau thì tự các cháu suy nghĩ lấy, có còn bé nữa đâu. Các cháu ai cũng đã học hết lớp bảy. Bác nghe nói các cháu còn định học tiếp nữa. Bác tán thành điều đó. Bác nghĩ thế này: người đảng viên của đảng chúng ta phải là người trong sạch như pha lê. Như một người mẹ hiền nghiêm khắc, bản thân không ăn miếng nào chừng nào chưa cho người khác ăn no. Anh ta phải là người nghĩ về mình ít nhất và chỉ được nghĩ về người khác. Các cháu biết Lênin và những đồng chí cùng hoạt động với người là người như thế nào rồi đấy. Trách nhiệm của người cộng sản lớn lắm… Nói thực với các cháu, trước chiến tranh bác không dám vào đảng, sợ không gánh vác nổi trách nhiệm nặng nề đó. Trách nhiệm không riêng đối với bản thân mà còn đối với người khác. Tự mình phải làm gương cho người khác. Nhưng ngoài mặt trận, sau vài lần giáp mặt với cái chết không thấy sợ, lúc ấy bác mới hiểu là mình có quyền trở thành đảng viên cộng sản. Trước trận đánh cuối cùng, bác đã làm đơn xin được kết nạp… Có thể bác nói không trôi chảy lắm… Nhưng bác thấm thía và hiểu đảng mình rất rõ. Bác biết chắc một điều là người cộng sản là một người đặc biệt, nhưng đồng thời cũng là người bình thường. Đúng thế đấy, các cháu ạ. Vì danh hiệu ấy bác đã đổ máu, và nhiều người khác hi sinh cuộc sống của mình… Nghĩa là bác không thể và không có quyền sống dễ dàng và no đủ hơn người khác… - Xtêpan dừng lại một lúc xem các cậu tiếp thu lời của bác thế nào – không hiểu bác nói thế các cháu có hiểu không? Hơn nữa, cái này khó nói lắm… Cũng khó như nói bác yêu cuộc sống, yêu quê hương, tổ quốc thế nào… Thế này nhé: bác yêu các cháu, yêu cái nhà của bác, yêu xưởng cơ khí, yêu rừng taiga, yêu mưa, yêu tuyết… Nhưng phải thể hiện cái tình yêu ấy ra nữa chứ! Thành ra, các cháu ạ, người cộng sản là người ngay thẳng nhất, nguyên tắc nhất. và dứt khoát là anh ta phải biết hiểu và giúp đỡ người khác. Thế nào, con hiểu bố chứ?
Côlia gật đầu, nhìn các bạn như muốn hỏi: “Còn các cậu thì nghĩ thế nào?”
- Hẳn là thế - Gôga nói thay cho cả bọn, và tiếp – Làm đoàn viên trách nhiệm đã không dễ rồi… còn đảng viên cộng sản, thì khỏi phải nói…
- Phải, không dễ, đúng thế. Nhưng nó cũng không phải là gánh nặng. Đó là một vinh dự lớn – Xtêpan nói rồi tự ngắt lời mình – À mà sao bác nói nhiều quá rồi. Hôm nay các cháu mang tặng… Thôi, mà các cháu đi làm đi! – Xtêpan quay xe sang phải, một tay lăn bánh đi về phía hiên. Đến cạnh cây cảnh sum suê lá, bác dừng lại, lấy tay vuốt nhẹ những chiếc lá to óng ánh - Mẹ nó ơi, nhớ tưới nước cho cây! – bác gọi vọng vào nhà
Các cậu phấn khởi ra khỏi nhà. Mọi việc hôm nay đều tốt đẹp cả. Bác Xtêpan rất hài lòng khi nhận chiếc xe, ủng hộ ý kiến dựng bia cho cụ Cudia, và các cậu lại còn được nghe bác nói hay như thế về những người cộng sản nữa. Xtêpan ngả người vào lưng xe rồi bỗng bấc lên không thành tiếng. Bác lấy tay lau khô nước mắt, hồi lâu nhìn trân trân về phía trước
- Thế nào, các cậu ấy đi rồi à? - vợ bác bước vào và hỏi
- Đi rồi, Grunhia ạ, đi rồi, - giọng bác hơi khàn – Chúng là những đứa bé tốt, sau này sẽ trở thành những con người chân chính
- Vâng, đúng thế, cảm ơn chúng…
- Mẹ nó biết đấy, chúng tình cảm lắm! Nghĩ ra cái xe này, không quên cụ Cudia…. Cuộc sống bây giờ khó khăn là thế mà chúng vẫn đứng vững, không kêu ca, chịu đựng tất cả… Trong bọn, Gôga là khó hơn cả, thế mà nhìn xem, cũng đứng vững…
Grunhia nhận thấy có sự thay đổi nào đấy trong giọng chồng, bước lại gần, áp người vào vai bác, hỏi:
- Bố nó định đi làm thật đấy à? Tôi biết, tôi biết mà - chị thở dài – Lúc nào bố nó đi? Bố nó sợ không có mình thì người ta không làm được việc hay sao? – Grunhia khóc thút thít như một đứa trẻ rồi khẽ yêu cầu – Xtêpan, đừng giận tôi. Tôi nói không đâu vào đâu. Xung quanh bao nhiêu là điều đau khổ…
- Không sao, không sao. Tôi hiểu… Bây giờ mẹ nó vất vả hơn bao giờ hết. mà nói chung phụ nữ ở đâu bây giờ cũng thế. Còn chuyện đi làm… - Xtêpan nói chậm lại, âu yếm nhìn vợ rồi cương quyết nói: ngay ngày mai, thứ hai, tôi sẽ đi làm…