Chương XV
Người không thể mất được

Cả đội vừa mới từ rừng taiga về, đốc công đã cho gọi đội trưởng Giamin đến gặp ngay.
“Không lẽ đã có người kể lại chuyện ẩu đả rồi hay sao” - Giamin nghĩ bụng.
- Sao mũi lại sưng vù lên thế, đội trưởng? Có phải bị đánh không? - Piôt Pêtrovich hỏi rồi xem qua các giấy tờ trên bàn.
- Mũi à?... Tại cháu ngã vào đống củi đấy!
- Ừ, cũng có khi xảy ra như thế - bác đốc công nói, vẫn không ngẩng đầu - Vì chở củi mùa đông, tuyết ngập đến đầu gối có phải chuyện dễ đâu. Bác biết rõ điều ấy. Người biết lo bao giờ cũng chuẩn bị sẵn từ mùa xuân. Xung quanh mùi hương thơm ngát, chim hót líu lo, mà người thì cứ đánh trần đến lưng, kéo cưa không ngớt... Tốt như thế nào? Không có cái loài ruồi muỗi kinh khủng ấy! Thế mà các cậu đã làm xong củi một cách tốt đẹp. Phải nói thẳng là giỏi lắm. Khi người ta mang cụ Cudia về, bác những tưởng thế là hỏng, giỏi lắm. Còn hôm nay bác cho gọi cháu lên đây là để nói cái này. Học, phải học, cháu ạ. Hiệu trưởng trường cháu có tới đây. Ông ấy bảo xem chừng kẻo chiến tranh kết thúc lại chẳng có ai để vào đại học, và nhờ bác nói lại với các cháu.
Mãi tới giờ Piôt Pêtrovich mới ngửng đầu, thấy Giamin còn đứng:
- Cháu ngồi xuống đi, chuyện quan trọng đấy. Và bác nghĩ đúng thế. Biết làm thế nào được, phải không cháu? Bác đồng ý với ông hiệu trưởng. Nhưng rồi ai sẽ làm việc ở đây? Bây giờ các cháu tất cả là 17 người. Phần sửa chữa thanh ốp là hoàn toàn do các cháu đảm nhận. Tàu chạy được là nhờ có vai các cháu đỡ đấy. Bác đang định đưa vài người trong số các cháu sang phân xưởng rèn. Ở đấy công việc khá nặng. Người thì ngày một ít hơn, mà công việc, chỉ tiêu thì lại tăng. Tình hình là thế đấy cháu ạ, hiểu chứ?
Giamin gật đầu.
- Thế là tốt. Như vậy ai muốn học cứ viết đơn. Dần dần thì ta sẽ sắp xếp được, hiểu chứ?
Chưa bao giờ Giamin thấy đốc công mệt như bây giờ. Thậm chí ông nói rất khó khăn.
Và chẳng thể nào khác được vì ông thường về nhà rất muộn, chỉ để chợp mắt một chút. Tan tầm, công nhân về hết, còn ông ở lại thêm bốn năm giờ nữa, để giao định mức cho ca hai, gọi điện thoại lên cấp trên yêu cầu tiếp nhận lúc thì lưỡi khoan, lúc thì đá nhám, lúc thì than và các thiết bị… Và còn bao nhiêu việc khác nữa! Cứ thế ngày này sang ngày khác. Chẳng trách công nhân vẫn thường nói về ông một cách kính phục: “Người bác ta làm bằng thép hay sao mà thế mãi được nhỉ? Không hiểu bác ấy ngủ vào lúc nào?”
- Cần phải học, các cháu ạ, cần phải học… Thời này mà không có học vấn thì không làm đựơc gì đâu. Chẳng hạn bây giờ xưởng ta mà có mấy kỹ sư xem có đỡ vất vả hơn không? Có họ ta sẽ làm được khối việc nữa. Đằng nay ta đây, cháu xem, chỉ được độc cái nhiệt tình thôi… Giá mà thằng Vanhiusa của bác bây giờ mà… - Ông khoát tay vẻ mệt mỏi.
Giamin bước ra. Côlia đứng đợi sẵn ngoài cửa.
- Gọi lên vì chuyện thằng Rỗ phải không? - Côlia hỏi
- Khô…ông
- Thế mà bọn tớ cứ nghĩ chắc thằng Rỗ lại giở trò nữa. Một thằng như hắn thì việc gì mà chẳng dám làm.
- Đốc công đề nghị chúng ta đi học. Bác ấy bảo nếu không sau chiến tranh sẽ không có người làm kỹ sư và chủ nghĩa cộng sản mà không có học vấn thì cũng chẳng khác gì đầu máy hơi nước mà không có hơi nước - to đấy, khỏe đấy nhưng chết ỳ một chỗ.
- Nhưng học vào lúc nào? Mà chẳng có lớp buổi tối.
- Bác ấy bảo rồi cũng sẽ nghĩ cách bố trí được. Chỉ cần chúng ta muốn học mà thôi. Ý cậu thế nào?
- Mình chẳng biết…
- Mình cũng thế… Cần phải bàn thêm với mẹ mình đã.
- Mình cũng vậy
Các cậu trong đội ai về nhà nấy đã lâu rồi. Đốc công cho nghỉ bù đến ngày mai để có thời gian vào nhà tắm, giúp đỡ gia đình.
Sắp tới nhà, Côlia gặp bà nội của Gôga. Mụ bước nhanh nhẹn, mặc dù trên người, ngoài chiếc áo bành tô bằng dạ, mụ còn mặc cả một chiếc áo khoác bằng nhung nữa. Đôi môi mỏng dính của mụ làm thành một vòng nhăn nheo, mở ra đóng vào như miệng một con trai nước ngọt. Côlia đứng ngập vào đống tuyết, nhường lối đi hẹp cho mụ. Mụ dừng lại trước mặt cậu, hấp háy đôi mắt độc ác rồi rít lên:
- Quỷ tha ma bắt mày đi, thằng đáng nguyền rủa kia!
“Sao mụ lại lồng lên như con chó tuột xích vậy nhỉ?” - Côlia tự hỏi.
Ở nhà, một nỗi buồn lớn đang chờ cậu. Láng giềng tụ tập rất đông. Thím Samsura đứng trông mấy đứa em cậu. Thấy mẹ đang được mấy người đàn bà khác dìu đi, Côlia khẽ rùng mình: “Giấy báo tử”. Như một cái máy, cậu treo quần áo lên giá, khe khẽ chào các bà láng giềng.
- Đừng quá buồn rầu như thế, cô Grunhia ạ. Có thể anh ấy còn sống - các bà an ủi mẹ cậu.
Các bà còn nhắc đến một người nào đấy tên là Đasa ở đường Beredopxcaia những ngày đầu chiến tranh cũng nhận được một giấy báo như vậy, thế mà cô ấy mãi đến bây giờ vẫn tin là Arochom của cô sẽ trở về. Lúc này Grunhia mới nhìn thấy Côlia.
- Côlia con! Mẹ con ta biết làm thế nào bây giờ? - Chị lao tới ôm con trai.
Mẹ cậu không kêu than, chỉ nức nở khóc, toàn thân rung lên, nghe thật não ruột.
- Rồi đâu sẽ vào đấy, mẹ ạ - Côlia vuốt lưng mẹ đang run lên vì khóc - đâu sẽ vào đấy…
Cậu không biết nói gì thêm nữa để an ủi, để làm yên lòng mẹ. Chính cậu cũng muốn òa lên khóc: cậu thấy thương hại cho mình, cho mẹ và mấy đứa em đang ngơ ngác đưa mắt nhìn người lớn, tay bám chặt thím Samsura. Và thương nhất là bố! Cậu không thể tưởng tượng được là cậu sẽ chẳng bao giờ được thấy mặt bố nữa…
Qua những lời nói gián đoạn của các bà láng giềng, Côlia biết được là mụ Xuđacốp, bà của Gôga cũng có tới nhà cậu, nhưng người ta đã đuổi mụ đi, vì mụ đến dỗ dành mẹ cậu như thế này: đấy, giá Xtêphan, chồng cô, theo ý Chúa mà ở nhà mà không hăng máu vịt lên tình nguyện ra mặt trận, thì anh ta, một người khỏe như thế, đâu đến nỗi bây giờ phải để lại cho cô một mình nửa tá con thế này, và anh ta đâu đến nỗi phải chết, tội nghiệp…
Từ trước tới giờ vẫn im lặng, lúc ấy thím Samsura mới bắt đầu trút lên đầu mụ tất cả những gì thím nén trong lòng từ ngày Prônca, con mụ, đào ngũ tới nay.
- Quân trời tru đất diệt! Vì thế Chúa sẽ trừng phạt chúng mày! - từ ngưỡng cửa, mụ còn nói với lại. Tới cửa sổ, mụ lại còn chõ thêm:- Đồ phản Chúa, đồ vô đạo!
Dần dần láng giềng ai về nhà nấy. Trước khi về, ai cũng nói:
- Một người như thế không thể mất được, Grunhia ạ.
Thím Samsura là người ra về cuối cùng. Trước khi ra về, thím ngồi xuống giường cạnh Grunhia, đưa vòng tay ôm vai chị rồi lấy giọng bình tĩnh, nghiêm khắc nhưng với vẻ dịu dàng của một người mẹ, nói:
- Phải biết vì con mà sống, Grunhia ạ… Côlia đã lớn… Bỗng nhiên thím Samsura cũng òa lên khóc - Tôi về đây. Con tôi có lẽ cũng đã về..
Hôm ấy Côlia không đem việc đi học ra bàn với mẹ. Việc này bây giờ đối với cậu trở nên vụn vặt và không cần thiết.
...Mấy ngày sau tất cả láng giềng nhà thím Samsura đều biết là một lúc, cùng với Grunhia, cả thím Samsura cũng nhận được một giấy báo tương tự. Nghe tin này, Grunhia bế đứa con nhỏ chạy vội tới nhà thím Samsura. Chị dặn với hai đứa lớn:
- Không được nghịch. Không đi chân đất ra đường!
Thím Samsura không có ở nhà. Gõ cửa hồi lâu không thấy ai trả lời, Grunhia đành bỏ về.
Dọc đường chị tự trách mình: “Mình, mình chỉ biết có cái thân mình thôi… Không thấy nỗi khổ của người khác. Cặp mắt mình thật là không biết hổ thẹn.”
Lúc này thím Samsura đang ở phòng quân vụ. Ở nhà Grunhia về, thím thấy Giamin đang ngồi bên bàn, trước mặt là tờ giấy báo.
- Cả Grunhia cũng nhận được một giấy báo như thế, con ạ - thím nói - Tội nghiệp chị ấy, thiếu Xtêphan sẽ gay đấy - Rồi thím ngồi xuống cạnh con trai, buồn rầu nói: - Hay có thể họ nhầm, con nhỉ? Làm thế nào mà mất tích được khi xung quanh có nhiều người như thê? Có phải rừng taiga đâu mà lạc được, phải không?
Giamin không biết nói gì với người mẹ đang bị nỗi buồn dầy vò. Mà biết nói gì được khi cậu mới 15 tuổi, khi nhìn vào mảnh giấy đáng sợ kia cậu chỉ thấy người anh thân yêu mình trước mặt.
Giamin nhớ có lần, một năm trước chiến tranh, anh cậu, Gida, đã mang từ Ircutxco về một bộ đồ trượt tuyết chính cống, do nhà máy sản xuất có dây quàng chân hẳn hoi, và những chiếc gậy chống bằng tre. Mẹ cậu trách Gida đã bỏ tiền mua những thứ không cần thiết. Anh cậu mỉm cười, đôi lông mày đen lánh kéo thẳng về phía mũi, nói đùa:
- Thì con vào bộ đội, để còn có cái mà nhớ tới con nữa chứ!
Các bà láng giềng vẫn nói là Gida đẹp trai nhất nhà “Con giống bố mà” - mẹ cậu phụ thêm.
Gida thích ngủ với em trai trên lò sưởi và lần nào cũng kể cho cậu nghe chuyện cổ tích rùng rợn. Nếu Giamin nói là không sợ thì anh cậu bảo:
- Thì em cứ nhắm mắt, nhắm mắt thật chặt vào rồi tưởng tượng..
Bây giờ Giamin mới nhận thấy là cậu yêu Gida ơn cả. Thế mà nay Gida không còn nữa, anh cậu đã mất tích.
Thím Samsura quyết định đi tới phòng quân vụ “Họ đã lấy con mình ra mặt trận, thì họ phải biết nó ở đâu” Thím nghĩ thế.
- Cái gì cũng có thể xẩy ra được, mẹ ạ - ủy viên quân vụ nói với thím như vậy - Có thể anh ấy bị bao vây…
- Bị bao vây thế nào được? Chẳng phải quân ta đang bao vây bọn Đức ở Xtalingrat đấy ư?
- Và cũng có thể người ta không nhìn thấy anh ấy bị… Không ai ở cạnh đấy… Không ai nhìn thấy mà…
- Tại sao lại không nhìn thấy? Cùng ở với nó còn có bạn bè, đồng chí. Nó to khỏe, lại đẹp trai! Anh cũng biết nó đấy! Một người như thế không thể không nhìn thấy được… - Thím Samsura bướng bỉnh đáp lại.
Và thím đã đi đến kết luận là các thủ trưởng quân sự đã gửi nhầm cho thím tờ giấy kia. Người không phải đồ vật, không thể mất được, thím hoàn toàn tin như thế.