Dịch giả: Giang Hà
Chương 3

Khi tôi trở lại mặt trận thì chúng tôi vẫn còn đóng tại thành phố đó. Trong những vùng quanh đấy người ta có đặt thêm nhiều đại bác và xuân đã đến. Cánh đồng xanh rờn, trên giàn nho đã có những mầm non nho nhỏ. Cây dọc theo đường bắt đầu trổ lộc và gió mát từ biển thổi vào. Tôi lại thấy thành phố với ngọn đồi xưa và toà lâu đài cũ kỹ nằm trong một hẻm đất trên đồi với những rặng núi màu nâu thẫm, hai bên sườn đã có hơi điểm màu xanh non. Trong thành phố đã có thêm súng, vài bệnh viện mới. Ngoài đường người ta gặp những người đàn ông, thỉnh thoảng vài người đàn bà Anh và thêm một vài ngôi nhà nữa mới bị bắn phá. Tiết trời ấm áp như mùa xuân, tôi đi xuống con đường nhỏ đầy cây, người tôi ấm lên nhờ ánh nắng phản chiếu trên tường. Tôi nhận thấy chúng tôi vẫn ởtrong ngôi nhà cũ và mọi vật quanh tôi đều giữ y nguyên như khi tôi rời chúng để ra đi. Cửa mở, một anh lính ngồi trên chiếc ghế dài dưới ánh nắng mặt trời. Một chiếc Hồng thập tự lưu động đang đợi ở cửa bên. Bên trong, khi bước chân vào, tôi ngửi thấy hơi lạnh ở sàn đá và mùi thuốc men bệnh viện. Tất cả vẫn nguyên như trước khi tôi ra đi – chi trừ có điều bây giờ là mùa xuân. Tôi nhìn vào cửa của gian phòng lớn, và thấy viên thiếu tá đang ngồi ở bàn viết, cửa sổ mở rộng, ánh sáng tràn vào căn phòng. Ông ta không thấy tôi và tôi cũng không biết là mình nên vào để tường trình mọi việc với ông ta hay là nên đi thẳng lên gác trước để rửa ráy đã. Tôi quyết định lên gác trước.
Cửa phòng của tôi ởchung với trung uý Rinaldi nhìn ra sân. Cửa sổ mở toang. Giường tôi được trải một tấm nệm và đồ đạc của tôi thì treo trên tường, chiếc mặt nạ phòng hơi ngạt đựng trong một cái hộp sắt hình chữ nhật, chiếc mũ sắt cũng treo cùng một chiếc giá trên tường. Chiếc rương của tôi nằm sát dưới chân giường và đôi ủng mùa đông, da giày bóng loáng vì dầu mỡ nằm trên đó. Cây súng tôi đoạt được của tên Áo chuyên môn bắn trộm, với nòng súng xám xanh hình bát giác, báng súng màu nâu sậm treo giữa hai chiếc giường. Tôi chợt nhớ ra chiếc ống rất hợp, khóa bỏ trong rương. Trung uý Rinaldi nằm nghỉ bên giường kia. Khi tôi bước vào phòng, anh thức giấc và ngồi nhỏm dậy.
- Chà – anh nói – đi chơi thế nào?
- Tuyệt!
Chúng tôi bắt tay nhau, anh choàng tay qua cổ tôi và hôn.
- Cậu bẩn thật – anh bảo – tắm rửa cho sạch sẽ đi. Nhưng hãy kể liền bây giờ cho tôi nghe xem cậu đã đi những đâu và làm những gì nào.
- Tôi đi khắp nơi. Milano này, Florence, La Mã, Naples, Villa San Gionvanni, Messina, Taormina…
- Cậu liệt kê như bảng chỉ dẫn xe lửa ấy. Cậu có nhiều chuyện phiêu lưu thú vị không?
- Có chứ.
- Ở đâu?
- Milano, Firenze, Rome, Napoli…
- Thôi đủ rồi. Nói rõ xem ở đâu hay nhất.
- Ở Milano.
- Vì đó là nơi đầu tiên chứ gì.
- Cậu gặp nàng ở đâu? Ở Cova à? Cậu đi đâu? Và cảm thấy thú vị ra sao? Kể mau nghe coi. Cậu có ở lại suốt đêm với nàng không?
- Có.
- Không đáng kể. Hiện giờ ở đây chúng ta có nhiều gái đẹp, nhiều nàng mới chưa từng thấy ở mặt trận từ trước đến giờ.
- Tuyệt quá.
- Cậu không tin à? Chiều nay tớ sẽ đưa đi xem ngay. Trong thành phố còn có nhiều cô người Anh nữa. Tớ hiện đang yêu cô Barkley. Tớ sẽ giới thiệu cậu với cô ấy. Tớ sẽ cưới nàng.
- Thôi để tớ còn phải đi tắm rửa rồi lên trình diện. Giờ còn việc gì làm nữa không?
- Từ ngày cậu đi nghỉ phép đến nay chẳng có gì ngoài bệnh tê cóng nẻ, vàng da, lậu, những vết thương tự gây ra, sưng phổi và hạ cam cứng và mềm. Mỗi tuần lại có người bị những mảnh đá vỡ gây thương tích. Chỉ có một vài người bị thương thật sự. Tuần tới chiến tranh lại bắt đầu. Có thể thế…Nghe cấp trên nói vậy. Sao, cậu bảo có nên cưới Barkley không? Dĩ nhiên là sau chiến tranh kia.
- Được hẳn đi chứ - tôi vừa nói vừa đổ nước đầy bồn tắm.
- Đêm nay cậu hãy kể mọi việc cho tớ nghe nhé – Rinaldi bảo tôi – Bây giờ tớ phải ngủ lại cho khoẻ khoắn, tươi tỉnh để đến thăm nàng Barkley chứ.
Tôi cởi áo choàng và sơ mi rồi ngồi trong bồn nước lạnh tắm. Vừa lấy khăn kỳ cọ mình mẩy, tôi vừa nhìn chung quanh gian phòng, nhìn ra cửa sổ rồi nhìn Rinaldi đang nằm dài trên giường, đôi mắt nhắm lại. Anh từ Amalfi đến, trạc tuổi tôi, đẹp trai. Anh rất yêu nghề giải phẫu và hai chúng tôi là đôi bạn chí thân. Khi tôi nhìn, anh mở mắt ra hỏi:
- Cậu có tiền không?
- Có.
- Cho tớ vay 50 đồng lia.
Tôi lau tay khô rồi với lấy ví trong chiếc áo choàng treo trên tường. Rinaldi cầm lấy tiền gấp lại rồi cứ nằm trên giường mà nhét tiền vào túi quần đùi ghết. Anh mỉm cười bảo:
- Tớ phải làm cho cô Barkley tưởng là giàu có mới được. Cậu là bạn chí thân của tớ đồng thời cũng là vị cứu tinh của tớ về vấn đề tiền bạc.
- Thôi yên đi – tôi bảo hắn.
Đêm đó trong buổi ăn chung, tôi ngồi gần cha tuyên uý. Ông ta tỏ vẻ thất vọng và bỗng nhiên cảm thấy bị chạm tự ái khi biết tôi không đi Abruzzi. Ông đã viết thư cho cha ông biết tôi sẽ đến đó, gia đình ông đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón tôi. Chính tôi cũng cảm thấy ân hận như ông nhưng tôi chẳng hiểu tại sao tôi lại không đến Abruzzi. Thực ra thì tôi cũng đã có ý định đi đến đó. Tôi cố gắng giải thích cho vị linh mục hiểu lý do thế nào mà định một đàng lại đi một nẻo. Sau cùng ông hiểu ra và biết rằng trong thâm tâm tôi rất muốn đi và mọi việc đều tạm ổn. Tôi đã uống nhiều rượu không kể cà phê và rượu Strega. Tôi lè nhè giải thích vì sao chúng tôi không làm những điều chúng tôi muốn làm; chúng tôi không bao giờ làm như thế cả.
Hai chúng tôi nói chuyện với nhau trong khi những người chung quanh thi nhau tranh luận. Thực ra tôi đã có ý định đi Abruzzi. Tôi không thấy một nơi nào mà đường sá đóng băng cứng như sắt, thời tiết thì lạnh, khô và tuyết vừa khô vừa nhẹ rơi lấm tấm như bụi mù, mà người ta thấy những vết chân thỏ rừng trên tuyết. Tôi chẳng đi đến nơi nào như thế cả, ngoài những nơi quyện đầy khói thuốc, của những quán rượu, những đêm khi gian phòng quay cuồng và phải nhìn vào tường để thấy nó dừng lại; những đêm say mèm, nằm trong giường thấy cõi đời này chỉ có thế, khi mình cảm thấy tỉnh táo lạ thường và chẳng biết mình nằm cạnh ai và trong bóng đêm mọi vật đều hư hư thực thực. Rồi bỗng nhiên mình lại quá lo lắng và ngủ thiếp đi để rồi sáng ra thức giấc với những ý tưởng lo lắng trở lại, tất cả những gì đã xảy ra hôm qua đều biến đi đâu mất, cuộc đời hiện ra với những đường nét rõ ràng sắc nhọn và đầy khó khăn hoặc đôi khi là một cuộc cãi nhau về giá cả. Cũng có lắm lúc lòng lại thấy thoải mái, thích thú và ấm áp. Rồi đi ăn điểm tâm, cơm trưa hoặc đôi khi quên hết mọi chi tiết nhỏ nhặt và sung sướng được đi dạo phố. Nhưng rồi một ngày khác lại bắt đầu và tiếp theo là đêm với cuộc sống không thay đổi. Tôi cố gắng nói lên sự khác biệt giữa ngày và đêm. Tôi muốn diễn tả cho mọi người biết đêm hơn ngày biết bao chỉ trừ khi nào ban ngày trong sáng và lạnh, nhưng tôi không sao nói lên được điều ấy; và bây giờ tôi cũng không sao diễn tả được cảm nghĩ đó. Nhưng ai cũng đã từng có ý nghĩ đó sẽ biết. Vị linh mục không hề có ý nghĩ đó như tôi nhưng ông ta đã hiểu được thực ra tôi đã có ý muốn đi Abruzzi nhưng tôi không đi được. Chúng tôi tuy vẫn là bạn, với nhiều ý thích giống nhau, nhưng giữa chúng tôi đã có điểm khác nhau. Ông luôn luôn biết những điều mà tôi không được biết và những điều mà khi học tôi không thể nào nhớ nổi, và dù sau đó có học lại đi chăng nữa tôi cũng chẳng hề biết gì cả. Lúc này tất cả đều dự bữa ăn chung. Khi ăn xong thì cuộc tranh luận lại tiếp tục. Hai chúng tôi ngừng nói chuyện. Vị đại uý lớn tiếng nói:
- Cha không được vui…
- Tôi vui chứ - vị linh mục trả lời.
- Cha không vui. Cha muốn bọn Áo thắng – Đại uý nói tiếp. Mọi người lắng tai nghe.
Vị linh mục lắc đầu trả lời:
- Không.
- Cha muốn chúng tôi đừng bao giờ tấn công cả. Có phải rằng cha muốn chúng tôi đừng bao giờ tấn công địch không?
- Không phải thế, chúng ta đánh nhau, tôi nghĩ chúng ta nên đánh chứ.
- Ta phải tấn công! Cha tán thành đi. Chúng ta sẽ tấn công.
Cha tuyên uý gật đầu.
- Thôi hãy để cha yên – thiếu ta bảo – Cha rất tốt.
- Vả lại nữa cha cũng không thể làm gì được trong cuộc chiến này – viên đại uý nói.
Tất cả chúng tôi đều rời bàn đứng dậy.