Chương 2

Cậu trông thấy Đức mồm đen kịt những mực, nằm dưới sàn, nhưng Đức không khóc thì biết rằng việc cũng không to mấy, liền cố làm ra giận dữ:
- Cái gì đấy? Có dậy không nào, đòn bây giờ!
À, giá cậu thấy Đức khóc thì cậu không dám.
Đức biết rằng cậu chỉ dọa như thế, chứ không bao giờ dám đánh Đức, nên chỉ mở to mắt nhìn cậu mà chẳng nhúc nhích.
Cậu thấy Đức chẳng nhúc nhích liền tiến lại, đỡ em Năm:
- Thế nào, đầu đuôi thế nào?
Em Năm mếu máo:
- Anh ấy đòi lấy con búp bê của con đem ra bể cho nó bơi, con không cho, nên anh đập bẹp con búp bê của con, rồi tát con sưng cả má.
Cậu xoa xoa má em Năm:
- Thôi nín đi, rồi cậu đánh nó cho. Từ giờ đừng có thèm chơi với nó nữa.
Đức thấy thế là òa lên khóc, rồi lăn tít ở dưới sân, đầu đập vào gạch chan chát.
Mợ thấy thế, xót con điên cả người, nín khóc ngay, chạy đến ẵm lấy Đức:
- Thôi mợ lạy con rồi, rồi mợ đánh nó cho con.
Đức hất mợ ra rồi cứ lăn, cứ khóc.
Chị Cả ở ngòai cửa hàng nghe tiếng Đức khóc chạy vào, rồi chị Hai cũng chạy vào.
Hai chị sà xuống toan bế Đức thì đều bị Đức cào dào, chẳng cho ai lại gần.
Mợ cứ than luôn miệng:
- Thế kia thì còn gì là đầu nữa, còn gì là người.
Ai dỗ cũng không được, ai tới gần cũng không được, Đức cứ khóc cứ lăn. Bỗng chị Cả nghĩ được một kế, chạy ra ngòai rồi lại chạy vào:
- Kìa, Đức có nín đi không, thằng Mão nó đến chơi kia kìa! Nó trông thấy thế, nó cười chết!
Đức bật ngay dậy như con mèo, mắt ráo hoảnh, rồi hét vang:
- Lấy nước đây cho tôi súc miệng!
Chị Hai vội rót chén nước đưa cho Đức, rồi thấy mồm Đức, răng Đức đen kịt, phì cười:
- Thế làm sao mồm em lại ruộm đen như thế?
Mợ còn thút thít:
- Nó đánh em nó, tôi bảo nó, nó giận tôi, nó uống cả lọ mực đấy.
Chị Cả vội chạy đến xem lọ mực:
- Không, lọ mực còn nhiều đây mà. Chắc nó chỉ mới ngậm một chút đấy thôi, mợ ạ.
Mợ chùi nước mắt:
- Rõ ràng tôi trông thấy nó uống ừng ực đấy mà.
- Không, còn đầy đây mợ ạ.
Mợ không nghe lời con gái, cứ rền rĩ:
- Uống thế thì còn gì là ruột, là gan!
Ai bàn tán gì mặc. Đức súc miệng, rồi chùi vội chùi vàng mặt mũi, chạy ra.
Đức chạy ra thì mợ đã vội bảo ngay con gái:
- Cả! Mày có chạy đi trốn đi, không nó vào nó lại đánh chết bây giờ đây này. Khổ quá, con quái, con quỷ như thế này thì tôi đến chết mất thôi!
Rồi thấy con gái chưa kịp trốn, mợ vội vàng đẩy ngay vào sau phía tủ.
Chị Cả vừa nép xong, thì Đức chạy vào:
- À, đánh lừa người ta!
Rồi Đức lại toan nằm xuống ăn vạ để nối tiếp cái cuộc ăn vạ bỏ giở lúc nãy.
Mợ vội vàng ôm lấy:
- Thôi, con thương mợ, con ơi!
Thấy Đức vùng ra để nằm, mợ gọi ồn nhà:
- Vú em đâu, ra giữ lấy nó cho tao mày!
Vú em ở trong bếp chạy ra:
- Thôi, thôi, "em" xin, "em" xin. Ồ, đã nằm, dậy rồi, ai lại còn nằm nữa.
Đức thấy hình như thế nó cũng khi khỉ thế nào, nên Đức không nằm nữa. Nhưng Đức dẫm chân xuống sàn:
- Thế thì phải bảo chị Cả trốn ở đâu ra đây.
Chị Cả ở trong xó tủ cười ồ, chạy ra ôm lấy Đức:
- Ồ, có chú bị tẽn tò!
Đức túm lấy chị Cả, thoi lấy thoi để:
- À, đánh lừa người ta, đánh lừa người ta!
Chị Cả nắm lấy tay em:
- Thôi chị xin, đừng đánh chị nữa, chóng chốc đi học, chị cho năm xu.
Đức cần tiền để mua con quay của thằng Mão, dừng ngay tay:
- Không, phải cho một hào cơ.
- Ừ, cho một hào.
- Thế phải đưa ngay đây cơ.
Mợ thấy con gái còn trùng trình, liền bảo:
- Thôi thí cho nó, cho yên chuyện đi, con.
Đức cầm đồng hào đút túi, rồi mới không sinh sự nữa. Mợ, lúc ấy mới chạy lại ôm lấy Đức. Và nhìn môi nhìn răng:
- Sao con lại phải thế cho nó khổ cái thân con. Thế mợ hỏi thật: Con đã uống ngụm mực nào chưa?
Đức nhe răng:
- Uống ba ngụm rồi.
Mợ sợ hãi:
- Giời ơi! Có thật không?
Đức ngồi lên đầu gối mợ:
- À quên, uống hai ngụm thôi.
- Thật không, hở con? Uống thế nó tối ruột, tối gan đi, còn học hành gì được nữa.
Chị Cả ngúyt Đức một cái:
- Không, nó không uống đâu. Lọ mực còn đầy đấy, mợ ạ.
Mợ vẫn chưa tin lời con gái, lay tay Đức:
- Con có uống không thế? Con bảo mợ để mợ liệu.
Đức cúi xuống, chẩu mõm vào tai mợ, quát inh nhà:
- Không uống, chỉ mới ngậm thôi!
Mợ sung sướng, sẽ phát vào tay Đức:
- Thằng chó! Thế mà làm cho mợ sợ điên cả người. Từ giờ, con đừng có dại dột như thế, nghe không con. Vú em, lấy nước đây rửa mặt cho cậu. Chị Cả đâu, lấy thuốc đánh răng, đánh cho em đi.
Đức đẩy mợ ra:
- Không đánh, không rửa.
Mợ lại phải van lơn:
- Con để cái mặt nhem nhuốc như thế này đi học, không sợ chúng nó cười cho à?
Sau khi Đức đã sạch sẽ, cắp sách đi học rồi, mợ nhìn theo hút, bảo cậu:
- Con nhà đáo để và quá quẩn đến thế thì thôi!
Cậu, phải chăng hơn:
- Mợ cứ chiều nó thế thì nó đừng thế à?
Mợ nhìn cậu bằng một cái nhìn trách móc:
- Phải cái đứa nó thế, không thế thì làm thế nào?
Cậu ngẫm nghĩ một lát:
- Hay thôi, cứ cho nó lên Bắc Giang với bác Giáo, để cho nó đua các anh, các chị nó, nó ngoan đi.
Mợ phản đối ngay:
- Nó còn nhỏ như thế, đã đi xa thế nào được!
Chị Hai nói ngay:
- Nó nhỏ gì! Nó khoẻ hơn con ấy chứ lị. Đấy, xem thằng Quý, con ông Đại Ích, mới có bảy tuổi đã theo anh nó về tận Nam Định học. Bây giờ đã đọc chữ Tây làu làu.
- Nhưng nó ở với anh nó.
- Ồ, nó ở với bác Cả thì cũng như ở nhà ấy, chứ mợ cứ để cho nó ở nhà thì suốt đời nó dốt đấy thôi. Và hư hỏng là khác nữa.
Mợ bâng khuâng nghĩ đến tương lai:
- Nhưng biết nó có chịu đi không?
Cậu, lúc ấy mới can thiệp:
- Hỏi nó thỉ đời nào nó chịu đi. Đời nào nó muốn rời mợ.
Chị Hai lại nói:
- Đấy thì thằng Quý đấy, trước nó có chịu đi đâu. Cứ bắt buộc là phải đi tuốt.
Mợ nghĩ đến sự phải xa con:
- Nhưng nhà người ta con đàn, cô ạ.
Chị Cả, hình như khổ về chỗ mợ quý con giai hơn con gái:
- À, thì con một mới càng cần phải cho nó đi. Để cho nó ở nhà thì nó chỉ hư đi, chứ được cái gì!
Mợ như hiểu sự hằn học của con gái:
- Phải, nó hư. Cô lúc bé lại không bằng mười nó.
Cậu, lúc ấy hình như cũng lo cho tương lai của con. Cậu tìm cách để cho mợ ưng thuận:
- Nó tuy thế, nhưng nó biết thẹn với bè bạn. Đấy, mợ xem lúc nãy đấy. Biết đâu nó lên trên ấy, nó lại không đua đòi chúng bạn mà khá lên được. Xưa nay, ai dạy được con. Các cụ xưa đều gửi con cho bạn nhờ dạy hộ cả đấy. Nó lên trên ấy với bác ruột nó, chứ với ai mà bảo phải lo. Bác nghiêm khắc và biết dạy trẻ. Vả nó vẫn sợ bác, bác lại quý nó. Thôi, hôm nào bác về đây cứ cho nó lên.
Mợ vẫn biết những lời nói ấy là phải, và như thế là lợi, nhưng xa nó thì mợ vẫn khổ:
- Đành hiểu thế. Nhưng nó đi thì nhớ lắm cơ. Mà biết nó có chịu ở không?
- Nhớ thì cũng phải chịu chứ. Nếu nó không chịu ở thì nó lại về chứ có sao.
Chị Cả nói ngay:
- Nó sợ bác, mợ cứ bằng lòng cho nó lên là tự khắc nó phải ở. Bác bảo thì nó chả dám bí beng như ở nhà. Mợ cứ cho nó đi đi, mợ ạ. Rồi khi nào mợ nhớ nó, mợ lên thăm. Hai giờ tàu, chứ có bao lâu.
Mợ ngùi ngùi:
- Ừ, thôi thế cậu viết thư mời bác về chơi để hỏi xem thế nào đã.