Chương VII
Ai muốn hoá ra sư tử

Trước mắt Thế Lữ, con hổ già ở chuồng trong vườn Bách Thảo đã muốn gầm: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!”
Tuy đã là hổ – hoặc sư tử – mà nay về già rồi, bà Đội Tứ của tôi cũng không bao giờ muốn than như vậy. Nếu bà đã hết oanh liệt thì những cái khác làm nên oanh liệt bà còn có thể đem ra dạy dỗ bọn đàn em ngây thơ. Các me ở Thị Cầu, mỗi khi nhắc nhỏm đến bà đều ra vẻ kính cẩn mà rằng: “Chị Đội Tứ của chúng tôi là người đáo để ít ai bì kịp, thằng chồng nào đầu trâu mặt ngựa đến đâu cũng phải e sợ”. Và ngay cả Đi-mi-tốp nữa, khi trông thấy bà ta, cũng đã nháy mắt bảo tôi: “Mụ này là mụ đáng sợ nhất trần đời!”
Những lời tiến cử như vậy khiến tôi chẳng dám coi thường một bà già trạc 60 tuổi, tóc mun đã pha màu bạc, một mắt hỏng, cái mũi dọc dừa tô điểm cho bộ mặt có cái vẻ Tây phương, răng lại nhuộm đen, ngồi thản nhiên nhai trầu bỏm bẻm ngắm nghía cuộc “hội kiến” của Đi-mi-tốp với Ái và Tích. Cái vẻ thản nhiên của bà Đội Tứ lúc này thế mà đáng sợ, vì Đi-mi-tốp cứ vừa nói với Ái vừa nhìn trộm bà ta. Đi-mi-tốp có dáng diều hâu bay cao lăm le nhìn bọn gà con, song cũng nơm nớp sợ mỏ và cánh của con gà mẹ. Đo đắn chán chê xong lão mới nói thêm thế này.
- Bạn tôi chẳng phải kẻ không ra gì. Chính là một người đứng đắn và tử tế. Khốn nỗi, cái tính rượu chè quá chén thì người lính nào chả có. Mà bạn tôi đã cam đoan rằng xin chừa. Nếu cô bằng lòng tha thứ, hắn sẽ phải nghĩ cách chuộc tội. Tôi mong cô đừng đi vội, nán lại mươi ngày nữa, chờ kỳ lương sau...
Ái nhìn bà Đội và hỏi:
- Bà bảo con nên giả lời thế nào? Nó chỉ chi có 18 đồng thôi, con muốn...
- Thế nó có hay ghen không?
- Con không biết... Dễ thường không ghen lắm, như người khác đấy thôi.
Nghe xong, bà Đội bảo Đi-mi-tốp:
- Alo điếc luý vơ nia đô nê xanh biệt! La bơ tít đoa bẩy dề pho băng xương ăng co đít dua. Xăng qua en đoa bờ lắc kê bua Hanoi buýt cơ y a cảm soóc giăng đơ măng đê xa manh. (1)
Đi-mi-tốp cau mày, cắn môi không nói gì cả. Sau cùng ông ta bắt tay một lượt, vẫn không nói gì cả, chỉ cắm đầu ra. Bà Đội nhìn theo nói thêm: “Cần đến thì phải có tiền. Bắt đợi mười ngày thì phải mất năm đồng... mà nếu tiếc năm đồng thì cứ việc chạy đủ cả một tháng! Bao giờ mình lại chịu nước lép!”
Thì ra gian nhà ở Suối Hoa này đã nghiễm nhiên thành một nơi quan trọng để cho một ông dân Nga lấy tư cách thuyết khách đến nối lại cuộc giao hảo (do một “điều ước trăm năm” ràng buộc, nhưng lại bị cái vấn đề khô và ẩm làm gián đoạn) giữa nước Nam Việt ký kết với một nước bên Âu châu!
- Tích! Làm sao đến nỗi có mấy ngày mà đã bỏ nhau?
Cô Tích bẽn lẽn mãi không đáp. Cái dáng người còn măng sữa với cái áo the kép, chiếc khăn nhung, đôi giày nhung ấy tôi phải kinh ngạc, muốn than như quan Thống lĩnh Doumer lúc bị đạn: “Có thể đến thế được chăng?” Vì rằng Tích chưa đủ dày dạn phong trần, còn thiếu tư cách...
Tôi đã thừa hiểu như vậy, song bà Đội lại còn cắt nghĩa thêm:
- Ông tính có ai lại ngu dại như thế không? Bán nhẫn đi ứng tiền thuê nhà cho nó, rồi để nó ăn ở với mấy ngày, bây giờ không thành chuyện gì cả! Mất không cái nhẫn!
Tích rụt rè:
- Khốn nạn nào con có ngờ đến nỗi thế đâu!
- Thế mày bỏ nó hay nó bỏ mày?
- Nó chẳng bỏ con thì con cũng đến bỏ nó. Nào bà có biết đâu...
Bà Đội ngắt lời:
- Úi chao ôi! Gái già này lại còn cái gì mà chẳng biết. Nghĩ đến các cô mà sốt ruột! Ấy là đã đi học, có chữ nghĩa hẳn hoi mà còn thế!
Tiện dịp, tôi vội hỏi đến đoạn đời về trước khi Ái và Tích chưa đến nỗi trôi dạt sang đây! Rồi từ chuyện nọ đến chuyện kia, lại nhờ cái vẻ ngạo mạn khinh đời của bà Đội, cái gì cũng không thèm giấu giếm cả, nên trong ít lâu tôi đã có thể phác hoạ nổi hai cảnh ba đào.
Ái và Tích là một cặp bạn thân. Cái nghèo khổ chung đã khiến hai cô yêu nhau như ruột thịt. Xưa kia không rõ đã đi học với nhau ở những trường tư nào. Chỉ biết không theo học được nữa thì hai người vào làm cho một hiệu mũ áo ở Hà Nội do một bà đầm chủ trương. Mỗi ngày làm 10 giờ, lương tháng có 6 đồng bạc!
Cả hai cam còng lưng chịu khổ, song vẫn lấy thế làm bằng lòng, nếu không có sự xảy ra. Phải, ở đời bao giờ cũng vẫn có cái “sự gì” nó xảy ra, để người ta đương sướng phải hoá ra khổ, hoặc đã khổ lại phải khổ hơn nữa.
Tích ít chữ nghĩa cứ càng ngày càng bị bà chủ đem tên những súc vật mà tặng cho.
Thông minh, không bị cái nạn ấy, lại đẹp hơn bạn. Ái được bà chủ yêu, yêu vô cùng. Bà chủ yêu thì ông chủ lại yêu hơn. Tai hoạ ở đấy.
Một hôm, bà chủ đi vắng, ông chủ nắm tay Ái, lôi Ái vào buồng.
Hôm sau Ái bị đuổi ra.
Tích cũng theo nốt!
- Tấm thân đã như hòn ngọc có vết rồi, không bao giờ tôi dám nghĩ đến việc lấy một người chồng tử tế nữa. Khi một người đã sa ngã, hoặc tự mình, hoặc do người khác xô đẩy cũng vậy, đã ngã một lần là rồi cứ ngã mãi, có phải thế không, ông? Đã như tôi rồi mà lại lấy chồng An-nam, sao nên! Lấy người tử tế thì nhục cho người ta, mà lấy người không ra gì thì tôi không muốn. Nghĩ thế rồi hai chị em cùng sang đây.
Tôi chưa hiểu hẳn lời tâm sự của Ái. Nếu Ái đã nghĩ cho Ái như thế, kể cũng đã cao kiến, song còn Tích? Cô này đã đến nỗi gì mà cũng nhắm mắt huỷ hoời. Ấy là bà Cai mấy hôm nay vừa bị ông Cai chạy làng cho một vố, nghĩa là bị chồng bỏ, nghĩa là bà vừa trải qua một trận phong ba, mà còn có gan bông lơn như thế. Đủ biết quả tim kia không rung động nữa rồi. Lấy chồng hay bỏ chồng, bà này chỉ thấy là tậu được một cái chén hoặc nhỡ tay đánh vỡ mất mà thôi!
Lúc này, một lũ trẻ con bà Cai dắt díu nhau lúc nhúc kéo sang. Đứa nào trông cũng hay hay, tinh khôn nhanh nhẹn lạ. Nhất là đứa bé ba năm trông y như trẻ quảng cáo của hiệu sữa “con chim” vậy.
Tôi buồn rầu vì chợt nghĩ đến bố mẹ chúng. Bọn trẻ ấy sau này sẽ có tương lai ra sao?
- Má ơi, má trông thằng Gioong nó đeo vào yếm rãi nó cái mỏ neo nó nhặt được đây này!
Con chị rầm rộ chạy vào, giơ thằng em ra khoe.
- Bước ngay! Bà đang có khách, đừng có đến ám quẻ bà nhé!
Quát rồi, bà Cai Bu-Dích nhặt cái guốc giơ rõ cao. Mấy chị em hãi hùng, dắt bíu ẵm bế nhau cút mất!
Không, một người đàn bà, dù là quái vật đi nữa, khi đã thành một người mẹ rồi thì khi nào lại nỡ cứ quái vật với cả lũ con mình rứt ruột đẻ ra. Vậy thì sao trước lũ trẻ đang hôn hít nâng niu kia, mẹ chúng lại có cái cử chỉ như của cai ngục đối với tù nhân thế?
Tôi đã muốn bất bình...
May sao, tôi nghĩ ra ngay.
Trong khi người đàn bà chỉ nghĩ đến tiền, người đàn ông chỉ nghĩ đến nhục dục, giữa hai bên hầu như có bức tường ghê gớm mà sự thành thực không thể nhảy qua được, chưa chi người ta đã nghi ngờ rồi. Những lời ân ái tự đáy lòng thốt ra đều đã bị coi là giả dối cả!
Khốn nỗi, không phải ai cũng có gan dùng đến cách đề phòng sự sinh dục cả. Từ những cuộc... cẩu hợp đó có những kết quả là bọn trẻ kia. Có con là sự quý báu đối với ai, chứ đối với hạng vợ chồng này, có con là một cái hoạ. Người đàn bà hầu như chửa đẻ để rồi mà hối hận. Anh đàn ông, nếu không hối là đã điên có khi cũng bán tín bán nghi đánh mấy cái dấu hỏi: có phải chính đó là lũ con cùng máu với mình?
Sự nghi hoặc đã sinh ra lòng căm hờn, mà bao nhiêu lẽ công phạt của lòng căm hờn đều chỉ trút lên đầu những đứa bé ngây thơ và vô tội!
Những đứa trẻ kia rất đáng yêu thương.
Song le, hoặc con người, hoặc con ta, bà Cai có cần... “đếch” gì?
Bà cũng y như nhà nước! (2)
Vì rằng bà lại thản nhiên cho tôi nghe thêm mấy chuyện:
- Bà Đội Chóp chỉ được tiếng là tiên phong thôi chứ cũng chẳng vẻ vang gì. Một người đã khóc ma mướn cho qua ngày đoạn tháng thì còn hay hớm gì nữa! Cứ kể cho đúng, trong bọn chúng tôi mà oanh liệt nhất thì có một số rất ít. Xin kể: bà Tây Cú, bà Chánh Tý, bà La Oa, bà Đuy Kiềng. Ngoài ra còn nhiều bà lấy được những ông xi-vin sang trọng, quan cai trị, tây buôn. Thế mà, những bà hiển đạt liệu có vì ái tình không? Chắc ông chẳng dám phán đoán. Thôi, ông cứ yên tâm... Một người lấy Tây, cả họ được nhờ!
Đương dở chuyện, có hai me nữa bước vào, Me đi giày đầm và khoác áo tơi nói oang oang:
- Gớm! Con mẹ Bôn bây giờ đắt lựa, hợm hĩnh tệ!
Me thứ hai vứt ô trên bàn đánh sình một cái:
- Bà cho bị chạy làng một vố thì lại hiện nguyên hình! Chị em còn nhớ chuyện me cai Phăng-Xoa không?
Thế rồi đến những chuỗi cười rúc rích. Bà Cai bảo một me vẫn ngồi im từ nãy:
- Muốn nhờ ông ấy làm đơn cho thì nhờ đi. Tôi xin phép ông nhé?
Rồi thì... đám chắn tay tư.
Một me không đánh, kéo tôi ra chỗ cái bàn.

°

° °

Trong cái hộp Nhật Bản mà tôi tưởng là hộp trầu, có năm cái ảnh và một đống thư. Trong năm cái ảnh, hai cái là con gái nay mới lên tám của me ấy, với ba cái của ba ông chồng. Lại có cả quyển sổ tay bìa xanh.
- Thưa ông, chỉ có tôi là dám tự phụ rằng trong bọn chị em làm nghề này, tôi lấy ít chồng nhất. Bao nhiêu năm trời mà số chống chỉ mới có là ba. Hai nữa, tôi là người kể cũng nhiều chữ nghĩa cơ đấy. Nhưng đến việc can hệ nhờ ông vẫn hơn. Ba si ba tú quá sợ quan trên người ta chê cười.
Me này, vì muốn “bước thêm một bước” nữa nên định tống cái cô con gái cho hội trẻ con lai.
- Mai sau khi 16 tuổi, thì người ta kiếm việc cho nó ở đây hoặc mang nó về Pháp. Con gái chả ích gì mà nuôi. Nếu nó có dân Tây, bảo tôi cũng có lẽ nuôi con mãi. Khốn nỗi lúc tôi đẻ nó tôi nói với cả hai anh chồng. Trước pháp luật biết để anh nào nhận anh nào không? Thôi chả chơi dại. Nhỡ ra chúng giết tôi thì làm thế nào?
Tôi đã rút cái bút máy để trên bàn, vui lòng thảo đơn. Nhưng người đàn bà tinh quái này đương lúc cao hứng còn muốn tôi hãy nghe mấy cái “tuých” dùng để lừa hai bác lê-dương đã lần lượt kế chân làm chồng mình đã.
- Đây, ảnh người chồng thứ nhì, mà đây, người thứ ba. Anh thứ nhì tuy có hàm râu Trương Phi song bụng rất tốt. Còn anh chàng đẹp trai này, mặt mũi đầy đặn thế mà là trùm xỏ lá, đại ma lanh! Nhưng mà cũng chưa đọ với óc tôi đây, tôi có ngu gì... Thì ra biết chữ nghĩa cũng có lợi, ông ạ. Nếu tôi ngày xưa học quá được lớp ê-lê-măng-te thì bây giờ nhiều anh chết nữa!
Nói xong, me ấy đưa ra tập thư với quyển sổ bìa xanh.
- Quyển sổ này là thế nào? Việc gì phải chép bút chì chữ lại như thư nhà buôn thế?
- Việc gì à? Lại còn việc gì! Ăn gian nói dối như quỷ mà không tìm cách nhớ những lời đã nói, ngộ nhầm mà râu ông nọ cắm cầm bà kia, để đến nỗi tiền hậu bất nhất thì sao.
- Thế hiện giờ, hai người này không có ở đây?
- Lão già hiện giờ đã vào ngạch cô-lô-nhần hiện hàng ngũ ở Mạc-xây. Ở đây quan thầy thuốc bảo không hợp. Còn anh chàng trai trẻ này thì phải đổi về nước Tây đen dẹp loạn đã hơn năm nay rồi. Thế mà... Thế mà cả hai người vẫn gửi tiền về nuôi con tôi!


© 2006 - 2024 eTruyen.com