Chương V
Suzanne muốn… và không muốn

Tại sao bà Ách không những cho phép mà lại còn muốn tôi với Suzanne cùng sóng đôi nhau thăm thú Thị Cầu và Đáp Cầu? Hay đó là một cuộc xếp cảnh? Hay đó là chứng nhận lòng tin.
Không bao giờ tôi biết rõ được và tưởng cũng chẳng cần biết rõ. Các ngài cứ hiểu cho rằng sau vài tiếng đồng hồ trò chuyện thì, trước mắt Suzanne, tôi đã tỏ ra là một kẻ biết điều phải trái, đại lượng, đáng yêu, không khinh người.
Cho nên trong khi đi đường, tôi hỏi thật Suzanne rằng:
- Cô đi chơi với tôi thế này mà không ngại điều tiếng gì hay sao?
Thì Suzanne cúi đầu đáp:
- Tôi tưởng chính tôi đã coi ông như một người anh thì ai muốn bảo sao cũng mặc họ chứ? Cứ biết, chính tôi, tôi không nghi tôi, thế là đủ rồi.
Nghe thấy thế tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì được người tin và không vui vì... chỉ được tin thôi, phải đâu đó là sự đáng cho mình tự đại!
Đã quá huyện Võ Giàng. Trên đường về Bắc Ninh, chúng tôi lộn bước; tiết trời hơi lạnh, lại vừa lạnh mưa, nên đi chơi Đông chúng tôi cũng có cái cảm tưởng như đi chơi Xuân.
Những me...
Những me...
Lại những me...
Nào hai chúng tôi có thể là một đám rước đâu mà các me chạy ra xem đông đến thế! Quần trắng lồm lộp, răng cũng trắng với những cái áo len hoặc áo di-lê, các me khiến tôi muốn hỏi: “Nhàn hạ thế, không họp nhau đánh chắn đi à?” Dù đẹp, dù xấu các me đều có những nét mặt khó tả cả. Thập thò bên trong cánh cửa hay sau cái mành mành, các me khiến tôi muốn đổi lại câu thơ của Ôn Như Hầu:
Bóng gương lấp ló trong mành,
Cỏ cây cũng... sợ nổi tình mây mưa!
Tôi hỏi Suzanne:
- Tại sao phần nhiều các me Tây vẫn già, vẫn xấu, mà vẫn đắt chồng?
- A, cái điều ấy tôi biết rõ lắm. Tây họ có con mắt nhận sự đẹp khác xa ta. Ông trông thấy một người đàn bà đẫy đà, mặt đầy đặn, hoặc béo núc béo ních chẳng hạn... Thế thì ông đủ ghê sợ, cho là thô phải không? Ấy đại khái thế, người Tây họ lại cho là đẹp. Ông có biết mặt bà Bé Tý không? Ấy chính tại tôi đã được nghe một ông Tây khen bà ta có cái đẹp hoàn toàn: người đàn bà đẹp nhất nước Nam! Còn khi ông thấy một người yêu kiều, thướt tha như liễu, rồi ông say mê... Người Tây thì lại cho thế là cái đẹp đáng sợ. Lấy người mảnh dẻ, sinh đẻ vài chuyến thì nguy to ngay chứ gì? Hai nữa, cái đẹp mảnh dẻ là cái đẹp không bền, có phải thế không?
Tôi cười và hỏi thêm:
- Thế thì người Tây phương ưa mua những đồ có thể giữ được lâu bền?
Suzanne khẽ cho tôi một khuỷu tay vào mạng mỡ:
- Ông, thí dụ ông sắm bộ đồ gỗ hay may bộ quần, áo, liệu ông có thích cho những cái ông sắm chóng cũ chóng nát, chóng hỏng đi không?
Những sự đó đã đủ cắt nghĩa tại sao dân Âu châu ham mê thể thao và đã chế tạo ra vật gì thì vật ấy phải bền, không những kể đẹp. Chỉ có Đông phương, thí dụ như nước Nhật, là ưa cái đẹp mảnh dẻ chóng hỏng mà thôi.
Song le lời cắt nghĩa của Suzanne chỉ mới cho tôi rõ hai quan niệm về vẻ đẹp. Tôi còn muốn biết tại sao người xấu như ma cũng vẫn lấy được chồng. Mà xấu thì bà Ách kể đã là xấu! Vậy thì... ăn làm sao nói làm sao bây giờ? Tôi bèn xa xôi:
- Có lẽ không phải họ chỉ thích đẹp mà thôi đâu. Chắc cũng có nhiều người trọng nết, muốn vợ là người đức phụ. Phải thế những người không có nhan sắc mới không đến nỗi ế chồng.
Chính tôi, tôi đã không thật thà, để cho Suzanne tỏ ra là hơn tôi: đã thật thà... Vì rằng Suzanne nói:
- Ông tưởng thế chứ tiếng đức phụ không bao giờ nên để tặng cho một người đã đi lấy Tây. Tại làm sao xấu họ cũng lấy, già họ cũng lấy? Những người Tây ấy là những người chán đời. Nuôi đầy tớ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người vợ, vừa được sai bảo vừa được... việc khác nữa. Đã không cùng nói một thứ tiếng, người vợ lại chỉ coi ông chồng là cái tủ bạc thì người chồng dễ mỗi lúc đã đem tấm thân ái tình ra tặng vợ hay sao? Vả lại, một người Tây đã sang đây thì ai biết rõ đoạn đời về trước của người ấy thế nào? Khối óc họ không nhẽ chỉ để làm việc cho ái tình! Hai người đều có địa vị, cùng chí hướng, cảnh ngộ cần nhau, mà yêu nhau, đó mới là yêu. Muốn có ái tình thì hai bên không ai có thể khinh được ai. Chứ còn yêu để mà “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” thì đó là yêu vì thương chứ còn đâu là yêu vì yêu nữa?
Thật vậy, Suzanne còn trẻ mà đã hiểu sự đời biết bao! Nhưng cái đó cũng chẳng hay gì. Người nào hiểu sự đời lắm thì không mấy khi sướng cả. Sung sướng là cái phần của ai không hiểu biết sự gì mới được hưởng mà thôi.
Mới chuyện có một lúc mà đi đã được khối đường đất rồi. Trái đồi có nhà thương đã qua, phố ga qua, bây giờ trước mặt chúng tôi là cầu và sông, bên trái là đường hoả xa, bên phải là ngọn đồi có trại binh pháo thủ.
- Hay là chúng ta lên đồi?
Suzanne gật đầu, chúng tôi vòng nhà máy Gạch, qua những dãy nhà đằng sau chợ Đáp Cầu thủng thỉnh bước lên. Những nhà ở đây có thi vị lạ. Tôi bỗng có cái cảm tưởng như đi du lịch một nơi xa lạ nào. Những gian nhà nhũn nhặn đắp bằng đất đỏ chen chúc nhau mái thấp, mái cao hoặc cách biệt nhau bằng những lối đi quanh co như vết rắn, do những tảng đá xanh và xám nối nhau, bắc bậc nhau như những cái thanh ở một hòn giả sơn nào. Đẹp quá đi mất!
Bây giờ đã đến lúc để tôi tìm mọi cách khám phá cho ra những ý nghĩ âm thầm của m!!!7991_8.htm!!! Đã xem 115252 lần.