Chương 10

Phòng khám bệnh của Giáo thật là một gian phòng yên tĩnh và ấm áp. Đạm ngồi trong một chiếc ghế phô tơi màu xanh thẫm, nhìn ngoài cửa sổ. Giờ ấy các người giúp việc của Giáo đã nghỉ cả. Một cành lá im lặng gió thổi đưa qua đưa lại trước mắt nàng. Đạm có cảm tưởng đương ngồi ở một chốn xa thành thị. Ngoài vườn hoa có tiếng cuốc xới cỏ của người làm vườn, và tiếng con chim sâu nhỏ. Bác sĩ Giáo ngồi trước bàn giấy của mình mà khởi chuyện. Chàng không dám nhìn vào mặt Đạm mà nói, nên chàng nhìn thẳng. Giáo làm như mình không trông thấy những dòng nước mắt đương tràn trên mặt người bạn gái cố tri:
- Hiện lúc này, thì sự nguy hiểm là ở chỗ Phan biết rõ cảnh ngộ của mình. Sự đau đớn về phần xác và phần hồn trong những hôm đầu không thể nào kể xiết. Khốn nạn! Thật tội nghiệp anh Phan. Tuy vậy, nhờ có được một sức khỏe hơn người, nhờ ở cuộc đời thanh sạch của mình từ nhỏ, nên anh thắng được. Vết thương đau đối với anh, giờ không đáng kể nữa, nhưng còn cái đau đớn của tinh thần. Con mắt đối với anh thế nào, chắc chị cũng hiểu rồi, cái đẹp của hình thức, cái đẹp của màu sắc, với anh Phan, với người nghệ sĩ là ở trên mọi sự.
Nhưng vậy mà bây giờ... Người ta kể lại với tôi rằng anh ấy không chịu nói ra một lời than oán. Thực là một người can đảm, một người đàn ông khỏe. Bây giờ một người thầy thuốc chuyên về cân não, thần kinh, có lẽ lại cần hơn là một người chữa mắt. Vì mắt thì thực vô hy vọng rồi. Tôi hiểu vậy, nên ngày nào tôi cũng thăm anh.
Bác sĩ ngừng lại, xếp dọn những giấy má bừa bộn trên mặt bàn, rồi bưng lọ hoa mà vợ chàng để trước mặt chàng từ ban sáng lên gần mũi. Chàng ngắm kỹ càng từng bông hoa một ra vẻ bằng lòng. Rồi đặt lọ hoa vào chỗ cũ chàng nói tiếp:
- Cứ kể ra thì tôi cũng không lấy gì làm lo ngại cả. Nhất là bây giờ lại gặp chị. Nhưng anh Phan hiện phải cần có một người bạn để nhìn hộ cho anh những vật chung quanh. Anh ấy cần có một bàn tay nắm lấy tay anh, và làm cho anh ấy hiểu rằng mình được người ta hiểu rõ. Những kẻ như anh không cần đến lòng thương hại. Ai không khéo nói chỉ tổ làm cho anh bực bội, đau xót mà thôi. Phải có một người bạn chân thành đến với anh, nói với anh những lời đại khái thế này - nhưng điều cốt yếu nhất là phải lựa cho đúng lúc-: “Tôi chắc rồi thế nào cũng vượt qua được buổi khó khăn này. Bởi vì chết đi thì dễ, nhưng chết đi thì tỏ ra là mình thua, mình bại mất rồi; chúng ta phải sống để mà thắng cuộc. Tôi biết anh không phải là người hạng người chịu bại”. Chính tôi đã nói với Phan những lời này rồi chị Đạm ạ. Và chị có biết anh Phan đã trả lời tôi thế nào không? Trời, tôi chỉ lo anh ấy mỉm một nụ cười chế nhạo; hay chua chát. Nhưng không, chị có biết thế nào không? Anh ấy hát. Vâng, anh ấy hát lâm râm một bài hướng đạo của các trẻ em thường hát lúc lên đường. Trong đó có chí kiên nhẫn, lòng yêu đời; và sự chiến thắng vẻ vang. Tôi chưa từng bao giờ nghe một giọng hát cảm động sâu xa hơn thế.
Bác sĩ Giáo không nói nữa, bởi vì Đạm nghe đến đây, thì úp mặt vào tay mà khóc lên rưng rức. Giáo biết là những lời an ủi không có hiệu lực gì giữa lúc này. Nước mắt được chảy ra bao giờ cũng hơn là đóng lại thành khối ở trái tim. Đợi một lúc thấy Đạm đã nguôi, chàng lại nói:
- Anh Phan có những tính tình sâu xa hơn là chúng ta thường nghĩ. Anh ấy thường không có gia đình, hiện giờ anh ấy ở một mình, giữa một cái trại vắng. Không một ai ngoài bọn chúng ta hiểu rõ được tâm hồn Phan, cái tâm hồn người đàn ông chìm ẩn dưới mặt ngoài hời hợt.
Đạm ngước mắt nhìn Giáo và trả lời rầu rĩ: - Tôi thì tôi hiểu rõ Phan anh ạ. Hiểu hơn ai hết.
- À, nếu vậy thì hay. Vì tôi thường vẫn nghĩ đến một người đàn bà có thể ở gần anh lúc này, mà không khiến anh ấy cáu kỉnh, như là mỗi lần anh ấy nghe thấy giọng nói của cô khán hộ riêng tôi cho xuống trại để trông nom anh. Trước kia, tôi tưởng trong lúc này có lẽ anh yếu đuối như một đứa trẻ con, như vậy thì một người đàn bà nhẹ nhàng, khéo léo có thể hợp với tính tình anh ấy. Nhưng Phan lại muốn rằng giá không có bàn tay của người đàn bà săn sóc đến anh, thì dễ chịu hơn. Tuy thế, tôi cũng chưa tìm được người nào thay cô khán hộ. Cô này làm việc đã lâu ở phòng khám bệnh của tôi, học lực khá, tính hạnh lại nhu mì. Anh Phan dẫu sao cũng cần có người đọc báo, xem thư cho anh ấy. Bình nhật, Phan vẫn là người quen nhiều bạn hữu, Phan vẫn là người ham xem sách, ham biết tin tức lạ. Nếu không có người thư ký riêng, một kẻ thông minh giúp anh những việc vặt ấy, thì anh chịu làm sao nổi. Nhưng thôi, ta hãy để riêng việc đó ra, sẽ bàn sau. Bây giờ chị hãy cho tôi nghe chuyện chị. Chị hãy kể hết đầu đuối cho tôi được rõ. Cơm hôm nay có lẽ hơi chậm, vì chắc nhà tôi còn phải đi mua thêm vài thức gì thêm để tiếp khách. Đàn bà bao giờ cũng vẽ vời, nhưng chu đáo.
Khi bác sĩ Giáo châm xong một điếu thuốc thì Đạm thấy rằng mình có thể nói được rất dễ dàng rồi. Lòng nàng đã lại trở nên bình tĩnh. Đạm nghĩ đến cái tình bè bạn trong trẻo ngày nào trong buổi hoa niên. Nàng tưởng không còn có điều gì giữ kín một mình nữa. Sự vui sướng được trút bớt gánh nặng của lòng sang một người thân, khiến nàng nhẹ nhõm cả người.
- Anh Giáo ạ, tôi sẽ kể hết cho anh rõ. Tôi sẽ giải bày hết tâm tôi, ý nghĩ của tôi, tình cảm của tôi, như là kẻ có bệnh cần phải phơi bày gan phổi ra trước mặt người thầy thuốc. Anh sẽ là người nghe tôi xưng tội vừa là người cứu chữa tôi.
Giáo nhìn những ngón tay rất đẹp của mình, gật đầu tủm tỉm cười.
- Anh Giáo ạ, đời tôi, anh cũng biết đấy, từ thuở bé là một đời cô độc. Tôi không được ai tha thiết chú ý. Tôi không được người nào hiểu rõ cả.
Bác sĩ Giáo định lên tiếng nói rằng ít ra cũng có chàng thường ở gần Đạm và hiểu được nàng đôi chút, nhưng chàng lại gật đầu.
- Tôi chưa từng bao giờ được yêu bằng cái tình yêu tuyệt đối nó đặt mình lên hàng thứ nhất trong một tấm lòng người. Lòng tôi giá lạnh, khô khan. Tôi chỉ có những tình thân mật bàn bè. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu những cái đó không phải là ái tình.
Nét mặt bác sĩ Giáo, hơi rầu đi một chút. Nhưng chàng mỉm cười. - Đúng lắm!
- Tôi có rất nhiều bạn tâm giao thường trẻ hơn tôi. Trước mặt tôi thì họ gọi tôi là “chị Đạm” nhưng vắng mặt tôi họ gọi là “bà cô Đạm” bởi tôi “già” hơn họ.
Giáo cố nhịn cười nhưng không được. Chàng cũng đã thường nghe nhiều người gọi thế bằng một giọng thân mật thực tình, chẳng có chút gì chế nhạo.
- Những bạn đàn ông vẫn thường hiểu tôi hơn là bạn đàn bà. Bạn đàn bà, họ
cho tôi là một cái quái quỷ, và họ sợ tôi. Đối với bạn nhỏ tuổi hơn, tôi vẫn là người bạn tâm tình, một người chị cả, họ không giấu gì tôi cả. Phan cũng là người bạn thiết của tôi trong số đó.