Dịch giả Lê Chu Cầu
Chương 18 -21

18
Đã gần một tháng nay cậu làm việc cho chủ tiệm pha lê, nhưng công việc không làm cậu thoải mái lắm. Ông ta đứng suốt ngày sau quầy hàng với vẻ mặt ngán ngẩm, luôn miệng nhắc cậu phải cẩn thận kẻo vỡ. Tuy thế cậu vẫn tiếp tục làm vì tuy ông già này bẳn tính nhưng sòng phẳng và tiền hoa hồng cho mỗi món bán được cũng kha khá, thành ra cậu cũng đã dành dụm được một chút ít. Sáng hôm ấy cậu nhẩm tính: nếu tiếp tục làm như từ trước đến giờ thì cậu cần một năm mới mua nổi dăm ba con cừu.
“Cháu muốn đóng một cái kệ bày hàng pha lê”, cậu nói với chủ tiệm. “Ta có thể kê kệ trước cửa tiệm để lôi kéo khách đến đây”.
“Ta không đóng kệ cũng bởi vì sợ người đi va phải, bể hết li tách”, chủ tiệm đáp.
“Ngày trước, khi cháu dẫn cừu đi thì lúc nào cũng có nguy cơ chúng bị rắn cắn, nhưng đã làm thân cừu và người chăn chúng thì phải chấp nhận thôi”.
Người chủ tiệm tiếp một ông khách, ông này mua luôn ba bình hoa. Hàng họ bán chạy hơn bao giờ hết, khác nào thế giới quay lại cái thời mà con đường này là một trong những nơi hấp dẫn du khách nhất Tanger.
“Hàng họ bán chạy quá”, chủ tiệm nói với cậu sau khi người khách kia đi khỏi. “Tiền này sẽ cho phép ta được sống thoải mái hơn và chẳng bao lâu nữa cậu lại có một bầy cừu. Thế thì việc gì phải làm thêm cho nhọc nhằn chứ?”.
“Vì chúng ta phải làm theo dấu hiệu”, cậu đáp để rồi hối tiếc đã lỡ lời, vì chủ tiệm pha lê đã từng gặp ông vua nào đâu. “Cái đó gọi là thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Vì cuộc đời muốn rằng anh phải đi theo con đường của riêng mình”, ông vua già đã nói thế mà.
Thế mà ông chủ tiệm cũng hiểu ý cậu đấy. Ngay sự có mặt của cậu trong cửa tiệm đã là một dấu hiệu rồi. Rồi khi tiền bắt đầu vào như nước thì ông không hối tiếc đã thuê chàng trai Tây Ban Nha này. Lúc đầu vì ông nghĩ rằng không thể bán nhiều hơn trước nên đã đề nghị trả cậu tiền hoa hồng khá cao, thành ra cậu kiếm được nhiều hơn bình thường. Nhưng trực giác ông cho biết chàng trai này nay mai thế nào cũng trở về với lũ cừu của cậu thôi.
“Vì lí do gì cậu lại muốn biết Kim Tự Tháp chứ?”. Ông hỏi để lái khỏi chuyện cái kệ.
“Vì cháu nghe kể hoài về chúng”, cậu đáp nhưng tránh không đả động đến giấc mơ. Cái kho tàng đã trở thành một kỉ niệm đau đớn nên cậu cố không nghĩ tới nữa.
“Ta chẳng quen biết một ai ở đây muốn vượt sa mạc chỉ để xem Kim Tự Tháp cả”, chủ tiệm nói. “Đó chẳng qua chỉ là những đống đá thôi. Cậu có thể tự xếp lấy một cái ngay trong vườn cũng được cơ mà”.
“Coi bộ ông không mơ ước được đi đây đi đó nhỉ”, cậu đáp rồi quay qua tiếp một người khách mới bước vào tiệm.
Hai hôm sau chủ tiệm tìm cậu để nói về vụ cái kệ. “Ta không ưa thay đổi”, ông nói. “Cậu và ta không giống như nhà đại phú thương Hassan kia. Lỡ mua nhầm hàng thì ông ta cũng chẳng bận tâm gì. Nhưng nếu một trong hai chúng ta nhầm lẫn thì khổ thân to”.
“Đúng thế thật”, cậu thầm nghĩ.
“Cậu cần cái kệ để làm gì?”. Chủ tiệm hỏi.
“Cháu muốn được trở về với lũ cừu càng sớm càng tốt. Chúng ta phải tận dụng thời gian được may mắn. Người ta gọi đó là nguyên lí đãi ngộ hay thánh nhân đãi kẻ khù khờ.”
Ông chủ tiệm già im lặng một lúc rồi nói: “Đấng tiên tri cho chúng ta kinh Koran và để lại có năm điều răn thôi để chúng ta tuân thủ trong đời sống. Điều răn quan trọng nhất là: chỉ có một Thượng đế duy nhất. Những điều răn kia là: mỗi ngày cầu nguyện năm lần, ăn chay trong tháng Ramadan, giúp kẻ bần hàn”.
Ông ngừng nói. Mắt ông rưng rưng khi nhắc đến Đấng Tiên Tri. Vì ngoan đạo cho nên dù đôi khi bẳn tính ông vẫn cố sống theo lời răn của đạo Hồi.
“Thế còn điều răn thứ năm?”. Cậu hỏi.
“Hai hôm trước cậu bảo rằng ta không có ước mơ đi đây đi đó”, nhà buôn pha lê đáp. “Bổn phận thứ năm của một người Hồi giáo là ít nhất một lần trong đời hành hương đến thánh địa Mekka. Mekka còn xa hơn Kim Tự Tháp nhiều. Hồi trẻ, ta muốn dành dụm ít tiền để mua cửa tiệm này. Lúc ấy ta nghĩ đến một ngày đủ khá giả để đi Mekka. Rồi ta kiếm được khá tiền nhưng lại không nhờ ai trông hàng được vì pha lê rất dễ vỡ. Mà ta lại thấy nhiều người đi hành hương Mekka kéo qua trước cửa nhà. Có vài người giàu kéo theo cả đoàn người làm và lạc đà, nhưng phần lớn họ nghèo hơn ta nhiều. Ai nấy hớn hở trở về và treo dấu hiệu của chuyến hành hương trên cửa. Một người trong bọn họ, chỉ là thợ sửa giầy thôi, kể ta nghe rằng ông ta đã mất suốt gần một năm để vượt sa mạc, thế mà vẫn thấy không cực bằng đi lùng trong khu phố Tanger tìm cho ra loại da thuộc thích hợp”.
“Nếu thế thì sao ông không đi Mekka ngay lúc này?” Cậu hỏi.
“Vì Mekka giúp ta có được sức sống, chịu đựng nổi cái đơn điệu nhàm chán của đời sống ngày này qua ngày khác đối diện với những món hàng vô tri trên kệ kia và nuốt cho trôi những bữa ăn trong cái quán kinh khủng nọ. Ta sợ sau khi đã đạt được ước mơ rồi thì không còn thúc đẩy mình tiếp tục sống nữa. Cậu mơ có cừu và được thấy Kim Tự Tháp. Cậu khác hẳn ta vì cậu muốn đạt được ước mơ. Còn ta chỉ muốn mơ về Mekka thôi. Ta đã từng trăm lần hình dung mình vượt sa mạc, đến được quảng trường có đặt tảng đá thiêng và phải đi quanh bảy vòng trước khi được sờ tảng đá. Ta đã mường tượng sẽ có những ai ở quanh mình lúc đó, những kinh cầu và cả những lời chúng ta nói với nhau. Song sợ bị thất vọng não nề, nên ta chọn cách chỉ mơ thôi.”
Hôm ấy chủ tiệm đồng ý cho đóng kệ trưng bày hàng. Ông và cậu, mỗi người có một quan niệm riêng về mơ ước.
19
Lại thêm hai tháng nữa trôi qua và cái kệ đã đem lại cho tiệm pha lê thêm nhiều khách. Chàng trai tính rằng sáu tháng sau cậu sẽ về lại Tây Ban Nha và sẽ mua lại sáu chục con cừu và không chừng thêm sáu chục con nữa ấy chứ. Chưa đầy một năm sau đàn cừu của cậu sẽ tăng gấp đôi và cậu sẽ có thể buôn bán được với người Arập vì bây giờ cậu hiểu được thứ ngôn ngữ lạ lùng này rồi. Từ cái buổi sáng đầu tiên trên bãi chợ không người đến nay cậu không đụng tới hai viên đá Urim và Thummim nữa, vì đối với cậu Ai Cập chỉ còn là giấc mộng, xa xôi như thể Mekka đối với chủ tiệm pha lê. Giờ thì cậu thích việc mình làm và luôn nghĩ đến lúc sẽ đặt chân lên Tarifa như một kẻ chiến thắng.
“Hãy luôn nhớ đến điều cậu muốn đạt được”, ông vua già đã từng bảo thế. Bây giờ thì cậu hiểu và cố công thực hiện. Có thể kho tàng của cậu chính là đến được xứ lạ này, gặp phải một tay bợm và rồi tậu được bầy cừu nhiều gấp đôi mà chẳng phải trả tí gì hết. Cậu thấy tự hào. Chả gì cậu cũng đã học được nhiều điều quan trọng, chẳng hạn biết bán hàng pha lê, dùng ngôn ngữ không lời nói và hiểu dấu hiệu.
Một buổi xế trưa nọ cậu gặp một người trên triền núi, ông ta phàn nàn rằng sau cái dốc cao vòi vọi này chẳng tìm ra đâu một chỗ cho đàng hoàng có bán giải khát. Do đã hiểu được ngôn ngữ của dấu hiệu, cậu bèn tìm chủ tiệm, nói rằng: “Ta nên bán trà cho những người leo dốc lên đây.”
“Quanh đây đã có đủ nơi bán trà rồi”, chủ tiệm đáp.
“Ta có thể mời trà đựng trong ly pha lê. Trà sẽ ngon hơn và người ta sẽ mua luôn cả li, vì cái đẹp thường quyến rũ con người nhiều nhất”.
Chủ tiệm lặng im nhìn cậu một lúc. Ông không nói gì cả. Nhưng chiều tối hôm ấy, sau khi cầu nguyện xong và đóng cửa tiệm, ông ngồi xuống lề đường rồi bảo cậu cùng hút Nargileh - một loại ống điếu thuốc lào nước độc đáo người Arập thường hút - với ông.
“Cậu chủ tâm muốn gì chứ?” Chủ tiệm hỏi.
“Như đã nói, cháu muốn tậu lại bầy cừu, nên cháu cần tiền”. Chủ tiệm bỏ thêm than vào điếu rồi rít một hơi dài.
“Từ ba mươi năm nay ta làm chủ cửa tiệm này. Ta phân biệt giữa pha lê xấu và tốt; ta cũng biết rõ phải buôn bán cách nào. Nay nếu cậu bán trà trong li pha lê hàng họ sẽ phất đấy nhưng mà ta sẽ phải thay đổi nếp sống.”
“Như thế có gì là không hay?”
“Ta đã quen sống thế này rồi. Trước khi cậu đến ta vẫn còn nghĩ rằng mình đã bỏ phí quá nhiều ngày giờ ở đây, trong khi các bạn ta dọn đi nơi khác rồi hoặc họ làm ăn khấm khá, hoặc thất bát. Ta lấy thế làm buồn. Nhưng rồi nhận ra rằng mình nghĩ sai: tầm cỡ cửa tiệm này đúng như ta mong muốn. Ta không muốn sửa đổi gì nữa cả chỉ vì không biết sửa đổi thế nào. Ta đã quá quen sống thế này rồi.”
Vì chàng trai không biết trả lời sao nên ông nói tiếp: “Cậu đúng là phước lành Thượng đế ban cho ta. Ngay nay ta mới hiểu nếu cự tuyệt thì phước lành sẽ thành mối họa. Ta thật không còn mong ước gì cho đời mình nữa. Nhưng cậu lại ép ta nhìn thấy sự giàu sang phú quý và vô vàn chân trời mới lạ ta chưa hề biết. Bây giờ thấy những thứ ấy rồi và thấy cả khả năng vô hạn của ta nữa thì ta lại cảm thấy mình khốn khổ hơn vì biết rằng muốn thì sẽ được, thế mà ta lại không muốn”.
“May mà hồi đó mình không nói gì với anh chàng bán kem”, cậu thầm nghĩ.
Mặt trời bắt đầu lặn mà họ vẫn ngồi hút Nargileh thêm một chặp nữa. Họ trò chuyện tiếp và chàng trai hài lòng vì nói được tiếng Arập. Có một thời cậu đã nghĩ rằng lũ cừu có thể dạy được cho cậu biết mọi thứ trên đời, nhưng tiếng Arập thì chúng không dạy cậu được.
“Chắc chắn trên đời này còn nhiều thứ lũ cừu không dạy mình nổi”, cậu lặng thinh ngẫm nghĩ và quan sát người chủ tiệm. “Nói cho cùng thì chúng chỉ lo tìm cái ăn và nước uống. Có thể nói không phải chúng dạy mình mà chính là do mình học được”.
“MAKTUB”, chủ tiệm lên tiếng
“Nghĩa là gì?”
“Phải là người Arập mới hiểu được”, ông đáp. “Nhưng tạm dịch ra thế này: Trong kinh thánh Koran có viết …”
Rồi trong khi dập tắt than trong Nargileh ông bảo rằng từ nay cậu có thể bán trà trong li cà phê được đấy. Đôi khi không có cách gì ngăn được dòng đời.
20
Người nào leo hết dốc tới nơi đều mệt nhoài. Rồi họ thấy ở cửa hàng pha lê trên đó có bán trà bạc hà. Họ vào uống và trà được bưng ra trong những li mài rất đẹp.
“Thế mà bà vợ mình không nghĩ ra”, một người trầm ngâm rồi mua vài cái li, vì tối hôm ấy nhà ông có khách. Khách của ông ta nhất định sẽ trầm trồ những cái li đẹp này. Kẻ khác quả quyết rằng trà đựng trong li pha lê ngon hơn nhiều vì giữ được mùi thơm hơn. Người thứ ba cho rằng truyền thống của phương Đông là uống trà trong li pha lê mài vì chúng có những lực kì diệu. Chẳng bao lâu sau tin lan truyền đi và nhiều người cố công leo lên dốc tìm cho được một cửa tiệm xưa nay chuyên bán một loại hàng, giờ thêm một thứ mới. Nhiều tiệm khác cũng bắt chước bán trà trong li pha lê nhưng lại không nằm trên đỉnh dốc, thế là luôn luôn vắng khách. Ít lâu sau, ông chủ tiệm đã phải thuê thêm hai người nữa. Cùng với bình pha lê, ông nhập một khối lượng lớn trà cho các ông, các bà ngày ngày khao khát thưởng thức cái mới. Sáu tháng liền như thế trôi qua.
21
Chàng trai thức dậy trước cả lúc mặt trời mọc. Từ đó đến nay đã mười một tháng chín ngày, kể từ khi cậu đặt chân lên lục địa châu Phi lần đầu tiên. Khác trên người chiếc áo choàng bằng vải gai màu trắng cậu sắm để dành riêng cho ngày hôm nay rồi cậu trùm khăn lên đầu và dùng một cái vòng làm bằng da lạc đà chít khăn lại. Cậu xỏ chân vào đôi dép mới rồi đi xuống dưới, không gây tiếng động. Thành phố còn chìm trong giấc ngủ. Cậu lót dạ với một cái bánh mì mè và uống trà nóng trong li pha lê. Rồi cậu ra ngồi ở ngưỡng cửa, hút Nargileh một mình. Cậu cứ rít tràn, chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ lắng nghe tiếng gió rì rào đem đến mùi thơm sa mạc. Rồi cậu thọc tay vào túi áo khoác lấy ra một gói nhỏ, ngắm nghía hồi lâu. Đó là một cuộn tiền, đủ để tậu một trăm hai mươi con cừu, mua vé tàu về nước và xin giấy môn bài buôn bán giữa quê hương cậu và cái đất nước mà cậu đang ngồi đây. Cậu kiên nhẫn chờ cho đến khi ông già chủ tiệm thức dậy, mở cửa hàng. Rồi hai người lại uống một tuần trà.
“Hôm nay cháu sẽ lên đường”, cậu mở lời. “Hiện cháu đã đủ vốn liếng để chuộc lại bầy cừu, còn ông cũng đủ tiền để hành hương đến Mekka.”
Ông già ngồi lặng thinh.
“Xin ông hãy ban phước lành cho cháu”, cậu nói. “Ông đã giúp cháu rất nhiều.”
Ông già lặng thinh khuấy trà. Cuối cùng ông quay sang cậu nói: “Ta rất hãnh diện vì cậu. Cậu đã đem đến cho cửa hàng của ta một sức truyền cảm mới. Nhưng cậu biết rõ rằng ta sẽ không đi Mekka. Cũng như cậu tự biết rằng mình sẽ không mua cừu.”
“Ai bảo thế?” Cậu hốt hoảng hỏi.
“Maktub”. Người chủ tiệm pha lê chỉ đáp có thế. Rồi ông ban phước lành cho cậu.