Phần 20
Sự ngộ nhận và những lý sự khiên cưỡng về CNXH

Đã tưởng buông bút không định viết lách gì nữa, vì đã quá cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” tuổi sáu mươi nghe điều gì cũng thấy thuận để tiến tới tuổi “cổ lai hy”. Nhưng khi đọc bài “Kiên định con đường đi lên CNXH ở nước ta” của tác giả Minh Thư đăng trên Tạp trí TTCTTT số 3 năm 2001, không thể không có vài suy nghĩ muốn trao đổi cùng tác giả.
CNXH đã từng là khát vọng tạm coi là một nửa nhân loại với câu nói khá ngạo nghễ: “Mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh địa của CNXH: Cũng như người Ănglê thường nói: Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Hồng Mao”. Niềm tin vào CNCS với thế giới đại đồng cũng như niềm tin của các tín đồ Jesus Christ với chốn thiên đàng, các tín đồ Thính ca mâu ni với cõi niết bàn, những niềm tin giống nhau về một niềm cực lạc, không hình hài, không vóc dáng mơ ước chỉ là để mơ ước!
Theo tác giả: CNXH là kết quả tất yếu của sự phát triển xã hội loài người:
Hình như để “nặng ký” cho sự khẳng định của mình nên bài viết chỉ có 4 trang mà tác giả lặp đi, lặp lại tới 66 cụm từ CNXH. Nếu là “chùa thiêng có bồ tát giỏi” thì khách thập phương nô nức kéo tới hà tất phải “nam mô” luôn miệng làm gì!
Những năm 1960 đã “dựng” lên một thứ CNXH vẫn là con trâu đi trước cái cầy như cái thời dân chủ cộng hòa mà giao cho nhân dân và quân đội phải: chiến đấu xây dựng và bảo vệ. Rồi đến năm 1976 một lần nữa lại giao nhiệm vụ cho nhân dân cả nước phải xây dựng và bảo vệ vẫn cái XHCN cái cầy đi sau con trâu. Thôi thì cứ cho cái xã hội mà con trâu đi trước cái cày là CNXH định mệnh đi, tạm yên tâm như vậy rồi. Bỗng nhiên đến năm 1991, Đảng mới phác họa ra mô hình CNXH ở nước ta!... Cũng xin nhớ cho là từ “phác hoạ mô hình” đến “mô hình thực sự” cũng còn là một khoảng cách khá xa cũng giống như từ “giai đoạn quá độ” đến XHCN cũng phải trăm năm. Xong lại mãi đến Đại Hội VIII, Đảng ta khẳng định: Con đường đi lên CNXH ngày càng được xác định rõ ràng hơn, ở đây không phải chỉ thấy bộ khung, mà phải thấy rằng nhận thức về CNXH và con đường đi lên đã có phần da thịt của nó?... Khẳng định về CNXH gì mà lạ vậy?... từ một bộ khung “xương” đã có phần da thịt...mà gọi là CNXH ư! Lại một lần nữa thôi thì chấp nhận cái “phác hoạ mô hình” và “cái bộ khung đã có phần da thịt của CNXH ” là CNXH đi. Vậy cái XHCN suốt từ những năm 60 rồi lại đến 76 là cái XHCN gì? Không lẽ:
Sinh con rồi mới sinh cha.
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông!...
Sau khi Liên Xô cùng phe XHCN Đông Âu sụp đổ kéo theo cả Mông Cổ ở Châu Á cũng đổ theo thì việc giải thích về CN Mác-Lê và CNXH ngày càng “tắc tị” nên các nhà Marxologue Made in Viet Nam lại nặn óc để nghĩ ra 6 đặc trưng của CNXH để giải thích, mà càng giải thích càng rối mù, đến nỗi bác Trần Văn Giầu là “bậc cây đa, cây đề” về CN Mác - Lê, từng học ở Đại học Phương Đông với Ti Tô đã nói cũng chưa biết CNXH ra sao!... Rồi nữa bác Lê Giản cũng vào hàng “cổ thụ cộng sản” cũng coi CNXH chỉ là một ẩn số!... Vậy thì làm sao mà hơn 80 triệu nhân dân Việt Nam biết hình thù CNXH ra sao mà đã dứt khoát lựa chọn? Đúng là nói lấy được. Lẽ thường ở đời thì: nói phải củ cải cũng nghe!
Nếu XHCN có 6 đặc trưng theo “quy luật tất yếu” thì tại sao những năm 60 không thấy công bố 6 đặc trưng này cho toàn dân được biết. Lạ lùng thay khi bắt toàn dân tôn thờ một thứ CNXH trải qua 70 năm ở Liên Xô và 40 năm ở Việt Nam, có “bí mật” gì mà đã đến tận bây giờ nó đã từng sụp đổ mới được nghe 6 đặc trưng về nó!...
Tôi lại cùng tác giả ta lại đi vào từng đặc trưng và phân tích xem nó có gì khác với cái thông thường:
° Đặc trưng Thứ nhất: Chế độ ta do nhân dân lao động làm chủ!
Thưa với tác giả, từ những năm 1776, Tổng thống Mỹ A.Lincoln đã có câu nói ghi ở bia đá: “Governemt of people, by people, for people!” tức là Nhà nước của Dân - do Dân - vì Dân. Vậy thì nước Mỹ cũng đã có đặc trưng này. Chỉ có điều Nhà nước nào thực sự của Dân - do Dân - vì Dân xin nhường các bậc thức giả uyên thâm phân tích.
° Đặc trưng thứ hai: Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. (Nếu tôi không lầm thì cụm từ: chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất “chủ yếu”! Chữ “chủ yếu” này mới được thêm vào vì trước đây đã là tư liệu sản xuất là công hữu tuốt!).
Bàn về có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại!... để mà so sánh với 200 nước trên thế giới hoặc so sánh gần ta là các nước Asean thì sợ buồn cười chẩy ra nước mắt nên tôi không dám bàn tiếp. Còn vấn duy trì, vẫn khẳng định chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, thì phải bàn cận thẩn! Ai mà dám yên tâm làm ăn tư hữu, tư doanh khi vẫn còn thấy lù lù trước mắt đám mây đen “công hữư” cứ đang vân vũ trên bầu trời CNXH chưa biết đến lúc nào ụp xuống. Trước nguy cơ dẫn đến sụp đổ của một nền kinh tế nghèo nàn, què quặt không tránh khỏi, người ta tạm phân chia tư liệu sản xuất ra loại “chủ yếu” để nhà nước thả sức độc quyền, còn loại “thứ yếu” xin mời các bạn cứ tự do bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh cho đến khi tình hình tạm ổn, cơn hoạn nạn qua đi thì biết đâu các nhà lý luận lại “đẻ” ra luận điểm mới trong cái bài bản cũ là: mọi tư liệu sản xuất của xã hội đều quan trọng cả, không thể phân chia cái này là “chủ yếu”, cái kia là “thứ yếu”... vậy “hầm bà làng” đều là “chủ yếu” cả, vậy lúc đó xin các vị kinh tế cá thể, các chủ trang trại, các vị tư bản tư nhân chớ có kêu trời!...
Như vậy cái đặc trưng thứ hai này, 200 nước trên thế giới đều có chỉ có khác khúc đuôi thôi!...
° Đặc trưng thứ ba: Có một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đặc trưng thứ ba có lẽ chẳng cần phải bàn nhiều, vì có nước nào trên toàn thế giới lại không có và không phấn đấu cho mục tiêu truyền thống cao cả này. Đâu có riêng gì Việt Nam. Làm sao múa chèo Việt Nam bị lẫn với lam-ba-đa của Mỹ latinh được?...
° Đặc trưng thứ tư: Con người được giải phóng khỏi áp bức, bót lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.... và coi đây là đặc trưng riêng của CNXH!
Đặc trưng thứ tư nếu nhận là đặc trưng riêng của CNXH thì đúng là các nhà lý luận lại mắc phải “bệnh ngộ nhận chủ nghĩa”. Việt Nam lại còn thiếu hoặc không có áp bức, bất công chăng? Công nhân thì bị chủ xí nghiệp liên doanh bắt làm lao động thêm giờ đến kiệt sức, rút đế giày đập vào mặt, bắt quỳ, bắt phơi nắng, thậm chí bắt chui qua háng, mắng chửi, sỉ nhục... Nông dân thì bị bọn cường hào mới ở nông thôn đày đoạ sưu cao, thuế nặng cái gương: Đồng Nai, Thọ Xuân, Thanh Hoá, Uy Nỗ Đông Anh, Quỳnh Phụ Thái Bình... rồi Đầm dơi Cà Mau và gần đây nhất là Đắc Lắc hàng vạn nông dân nổi dậy chống lại bọn cầm quyền địa phương chẳng lẽ không nói lên điều gì sao?...
Còn nói là: không có bóc lột ư?... Xin hãy nghe phát biểu của ông V.Đ.L một thành viên trong cái gọi là Hội đồng nghiên cứu lý luận phát biểu: “Tôi xin báo cho các anh là “quốc doanh” bóc lột lao động ghê gớm! Trả lương thấp như thế, các giám đốc tham nhũng như thế có bóc lột không?... Trong đó người lao động có quyền gì không?... “Và muốn rõ hơn nữa về đặc trưng thứ tự này xin hãy hỏi các VIP hay ra nước ngoài và các con cháu các vị có đi lao động ở các nước tư bản xem họ phát biểu ra sao?... ở Việt Nam không có bóc lột, sao công nhân thế giới “ngu” thế xin sang Việt Nam lao động có sướng hơn không? Và sao công nhân Việt Nam cũng ngu thế, ở lại lao động tại nhà nước được gần vợ, gần con, lại không bị bóc lột!... Đi nước ngoài làm gì?
° Đặc trưng thứ năm: Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau...
Xin tác giả chỉ cho khoảng 200 nước trên thế giới có bao nhiêu nước mà các dân tộc trong nước họ không được sống bình đẳng, không đoàn kết và không biết giúp đỡ lẫn nhau? Hãy chỉ coi!
° Đặc trưng thứ sáu: Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới!
Đọc nội dung cái đặc trưng thứ sáu này cứ cảm thấy nó cũ như trái đất! Sự phát triển vũ bão của công nghệ tin học làm cho các nước trên thế giới ngày càng xích lại gần nhau sống như trong một khối phố, xu thế toàn cầu hoá là bất khả kháng. Khi đã toàn cầu hoá là một sân chơi hoàn toàn bình đẳng, hai bên đều có lợi. Nó đã bỏ xa cái quan hệ hữu nghị: vay xin của thời phe XHCN với nhau. Nhất là đối với nước nghèo, chậm tiến, nói thì như rồng leo, làm như mèo mửa quan hệ hữu nghị và hợp tác chỉ “nhăm nhăm”: vay và xin viện trợ không hoàn lại. Ngày nay quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế không phe phái cũng chỉ cầu mong người ta đầu tư, cho vay vốn, viện trợ không hoàn lại...
Cái quan hệ hữu nghị và hợp tác kiểu trên thì phải kể trên một trăm nước vượt quá xa cái đặc trưng vừa hình thức, vừa lạc hậu, vừa ăn bám này.
Điểm qua 6 đặc trưng của CNXH Việt Nam thì thấy 6 tượng trưng đặc biệt chẳng mấy khác ai, thậm chí hầu hết các đặc trưng tưởng chỉ Việt Nam mới có còn thua kém xa các nước họ chẳng hề liên quan đến CNXH.
Những suy nghĩ trên đây của tôi là chỉ muốn trao đổi chứ không khẳng định tranh luận với tác giả. Nếu không thuận tai thì chỉ xin coi đây là một “ý kiến ngược” chứ tôi không định “chống” ai cả.
Mác từng phê phán: “Ông Phơ-bách, khi ông đổ chậu nước bẩn vô tình hắt luôn cả cậu bé khi tắm còn ngồi trong chậu nước. Đây là một sự phủ định sạch trơn!...” Tôi không rõ ông Phơbách có ngớ ngẩn như Mác trách không, còn tôi khi nhìn vào chậu nước “lịch sử” chỉ thấy nước bẩn của một thời vận dụng những sai lầm của một học thuyết chứ không thấy có cậu bé (CNXH) nào ngồi trong đó. Tôi có hắt nước đi nhưng là hắt đi những sự ngộ nhận bắt mọi người cứ phải tưởng tượng có cậu bé (CNXH ) ngồi trong đó! Đừng vội trách Karl Johann Kautsky nhận xét về nền chuyên chính vô sản và CNXH ở Nga chẳng khác nào: “Một phụ nữ mang thai nhảy nhót điên cuồng, nhằm rút ngắn thời gian mang thai mà nó không thể nào chịu đựng nổi rồi dẫn đến đẻ non...” Thậm chí ông còn tiên đoán khá chính xác: “Đứa trẻ sinh ra như thế thông thường không thể sống nổi!” Dù có ai đó coi đây là những lời lẽ cay độc thì vẫn không thể không thừa nhận đây là “một nhận xét tiên tri”! May thay Kautsky đã đúng!... Đến ngay ĐCS Pháp một đảng cũng đáng bậc đàn anh về học thuyết Mác cũng không dùng khái niệm CNXH mà thay vào đó bằng cụm từ “vượt qua CNTB”. ĐCS Nhật Bản cũng tuyên bố chia tay với CN Mác cùng nhiều ĐCS Châu Âu, nơi thì giải tán Đảng, nơi thì đổi tên Đảng... cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu đã chứng minh một sự thật hiển nhiên là “chiếc thai CNXH bị đẻ non khi nó chưa kịp có hình hài!”. Trong Dự thảo văn kiện có đoạn viết:
“Thế kỷ XX để lại trong lịch sử loài người những dấu ấn cực kỳ sâu sắc. Đó là thế kỷ phát triển kinh tế mạnh mẽ xen lẫn những cuộc khủng hoảng lớn của CNTB thế giới, thế kỷ của những tiến bộ vượt bực về khoa học và công nghệ, tạo ra giá trị sản xuất vật chất tăng gấp 15 lần so với thế kỷ trước và lớn hơn cả toàn bộ giá trị của hai thiên niên kỷ trước cộng lại...”
Dấu ấn cực kỳ sâu sắc đó với những thành tựu vĩ đại chính là nhờ sự ra đời và phát triển không ngừng của CNTB. Với chiếc máy hơi nước của James Watt năm 1776 (cuộc cách mạng công nghiệp lần I) rồi nhờ phát minh ra điện của Edison (cuộc cách mạng công nghiệp lần II). Cách mạng sinh học đã dẫn đến công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh và công nghệ enzim... rồi đến chiếc máy tính điện tử đầu tiên ra đời 1946 dẫn đến kỷ nguyên tin học ngày hôm nay đều từ CNTB. Vậy chính là Mác chứ không phải ai khác là người chẳng những chỉ có “dự kiến” mà thẳng tay quẳng luôn cả chậu nước cả cậu bé (TBCN) với luận điểm “giai cấp vô sản sẽ là người đào mồ chôn CNTB!...
- L’habit ne fait pas le moine!
Cái áo choàng chẳng thể làm nên thầy tu!
Câu ngạn ngữ Pháp này nói lên một điều là sự ngộ nhận một hiện tượng, một sự vật không có thực... thì dù có hàng ngàn câu lý sự khiên cưỡng cũng không “làm nên thầy tu” đâu!
Thưa tác giả Minh Thư! Người viết những dòng này cũng đã đi theo và hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho tới lúc mái đầu điểm bạc cho CNXH, là người trong cuộc. Nếu định ví von một chút thì tôi cũng đã từng là “can phạm” trước khi là một “quan toà”. Tôi không có ý định phủ định sạch trơn CNXH, vì với tôi (như đã trình bầy ở trên) CNXH làm quái gì có thực mà phủ định!
Để kết thúc bài viết này tôi nhớ tới bài báo “Chủ nghĩa Marx và những quyền của con người” của Giáo sư Maria Hire - szowicz đăng trên “Riss” (Ba Lan) số 157 tháng 9 - 1998 có đoạn viết:
... Marx miêu tả những người cộng sản như là những con người không đối thoại với “dư luận sáng suốt” hoặc với đám đông vô danh...”.
Tôi không hiểu “thâm ý” của Marx, nhưng qua “thánh ý” này tôi hiểu rằng bài viết của tôi trở thành vô nghĩa với những người cộng sản đương thời vì họ không thích đối thoại, dùng dùi cui tiện hơn. Nhưng thôi đã “trót” viết rồi tôi xin được thả vào dòng đời phán xét.
Hải Phòng, ngày 1 tháng 4 năm 2001
Vũ Cao Quận
Ghi chú
: Xin tham khảo Tạp Chí TTCTTT số 6 và số 8 năm 2000. Số 3 năm 2001