Phần 11
Một số bài viết để ngỏ

Những trở trăn… trăn trở muộn mằn!
Một bước lỡ ngàn thu mang hận.
Ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm!
Cổ học tinh hoa
Lại một mùa thu nữa về... Ngoài hiên tí tách mưa rơi, gió se se lành lạnh. Lặng lẽ ngồi bên “phin” cà phê chậm rãi nhỏ từng giọt, ngắm bức ảnh màu to choán gần hết mặt tường. Cũng lại “mùa thu”, hàng cây trải dài sâu hút về phía xa xa, lá vàng rơi ngập lối. Cái gì chờ đợi cuộc đời ta ở cuối bìa rừng?... Cuộc đời của một người bình dân thường như bao nhiêu triệu triệu người như ta. Nếu có một cái gì khác về số phận bình thường thì là số phận của một người lính già và được một người bạn thường trêu khi nhìn mái tóc pha sương khói:
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên phong!
Tiếc thay không có chữ “sát thát” trên cánh tay của thời xa xăm ấy. Cơn mộng du chơi vơi thường hay xuất hiện vài ba lần trong một ngày với nỗi ám ảnh êm dịu bao giờ ta lại về với cõi vĩnh hằng! Ta như một hòn sỏi vô danh tí xíu bị bàn chân đầm đìa máu me của Đấng cứu thế Giê-Xu đang gồng mình vác cây thập giá trên con đường hành xác dẫm đạp nên bỗng biến thành “gái góa vô duyên lo việc của triều đình”. Giây phút viển vông mây gió chợt bừng tỉnh khi tiếng nhạc hiệu của buổi truyền hình “Diễn đàn doanh nghiệp” chói vào tai.
Nhìn vào lịch: 16 tháng 08 năm 2000. Cô biên tập viên duyên dáng giới thiệu nội dung chuyên đề “nền kinh tế tri thức”. Trên màn hình xuất hiện 2 vị quan chức cấp bộ (do tuổi già mắt kém không nhìn rõ quí danh) trong đó có một vị bộ trưởng bộ môi trường gì đó. Hai vị quan chức khả kính đó thay nhau xuất hiện trên màn hình giải thích khá dài về “nền kinh tế tri thức” đánh giá tầm quan trọng của nó trong nền kinh tế quốc dân. Nói thì miên man ta không lĩnh hội hết được, nhưng đại ý là: Trước đây “chúng ta” thường quan niệm những sản phẩm của xã hội là do sức lao động chân tay của người công nhân, của người nông dân mà quên rằng những sản phẩm xã hội đó ngày càng tăng trưởng, càng đẹp, càng tốt hơn, càng hiện đại văn minh hơn là còn nhờ vào phần tri thức của con người: các nhà quản lý, khoa học, các phát minh sáng chế... và... 2 ông còn viện dẫn lời cổ nhân dạy: một người hay lo bằng một kho người hay làm! những lời vàng ngọc của 2 ông trên đúng đến nỗi tưởng như không còn gì cần phải bàn bạc, tranh luận. Sở dĩ ta đặt chữ chúng ta ở trên vào trong “nháy” vì trong chữ “chúng ta” đó dứt khoát không có cá nhân ta. Và ta chắc chắn rằng sự hiểu biết của toàn dân Việt Nam và nhân dân thế giới với hàng tỷ người không nằm trong chữ “chúng ta” như hai vị chức sắc ở trên đã nêu.
Giá vấn đề “coi trọng tri thức” coi trọng tầng lớp trí thức được các nhà lãnh đạo đem ra dạy dỗ để mở mang trí tuệ cho toàn dân từ những năm 1945 thì hay quá hoặc có muộn thì đến năm 1975 là cũng quá thể lắm rồi. Thế mà mãi đến năm 2000 mới dạy cái bài học vỡ lòng của chủ nghĩa Tư bản đã bước qua hàng trăm năm rồi.
Ta tạm coi thành ngữ: “Một người hay lo bằng một kho người hay làm!” Là một đẳng thức toán học, nghĩa là: 1 (Nhà phát minh hoặc nhà kinh doanh) =1.000 công nhân.
Chứng minh
: Phương pháp sản xuất dây truyền có cách đây hàng 100 năm càng ngày càng được cải tiến và nâng cao đã đưa năng xuất tăng gấp trăm lần thậm chí có sản phẩm tăng gấp 1000 lần đã đưa toàn nhân loại có mức sống dồi dào như ngày nay. Công lao này không phải là của 1000 công nhân mà là của Taylo, một kỹ sư người Mỹ cha đẻ phương pháp sản xuất dây truyền cách đây đã hàng trăm năm rồi. Còn Marx sinh ra khoảng đầu thế kỷ 19, thời kỳ tiền tư bản nền công nghiệp còn vô cùng thô sơ, chủ yếu vẫn là thủ công nên Marx đánh giá rất cao sự lao động chân tay của giai cấp công nhân. Với sức lao động sản xuất thủ công năng xuất thấp chắc Marx chưa hình dung hoặc chưa nghĩ ra cái CNXH và CNCS. Rồi đến khi R. Phun–Tơn nguời Mỹ (1765 - 1815) phát minh ra tàu chạy bằng hơi nước rồi những người kế thừa sáng chế ra tàu hỏa chạy trên đường sắt (xin nhớ công suất máy hơi nước thời đó rất thấp) mà Mác đã vội có cái ảo tưởng với cái máy chạy trên đường sắt này sử dụng nó rẻ, rẻ như không khí. Và nó sẽ tồn tại vĩnh cửu, tiến tới sử dụng không mất tiền và ông tưởng tượng đó có thể là cơ sở vật chất của xã hội cộng sản!... ở đây ta không bàn về cái nhìn lầm lẫn và phiến diện của Marx làm gì có công cụ máy móc nào có thể đẻ ra sản phẩm rẻ như không khí và cũng khá muộn mấy năm sau Marx mới thấy mình lầm. Nhưng cái ta bàn ở đây là Marx đã “tỉnh ngộ” là sản phẩm xã hội không thể trông chờ ở cái lao động chân tay với năng xuất vô cùng thấp của giai cấp công nhân. Mà muốn có CNCS thì phải có một “nền công nghệ tri thức, một nền kinh tế tri thức” ông thầy thì đã thấy “vấn đề” hơn trăm năm nay rồi mà chỉ vì những ông trò dốt “học không đến nơi, đến chốn về Marx nên mãi đến năm 2000 mới bàn đến “vấn đề cũ rích ngớ ngẩn” này!
Nếu buổi “Diễn đàn Doanh nghiệp” mấy ông tuyên huấn nói với nhau kin kín trong một buổi nói chuyện hẹp thì cho là tạm được vì đã dốt học chậm một tí cũng không ai trách, nhưng truyền hình cho cả nước, cả thế giới xem làm xấu hổ lây cho giới trí thức chân chính.
Nhân câu chuyện trên ta nhớ tới câu danh ngôn của Victor Huygo: “Chỉ có kẻ ngu mới tin mình là bậc thánh và chỉ có bậc thánh mới biết rõ cái ngu của mình!” Xem ra vẫn còn răn dạy được khối kẻ sinh sau ông gần 200 năm.
Nhâm nhi ngụm cà phê đăng đắng lại tiếp tục thả hồn vào cõi triền miên. Trên đời này, chắc sự trăn trở chẳng phải của riêng ai.
Các tổng thống, thủ tướng, tổng bí thư... chắc cũng đang trăn trở về cái thế giới đầy biến động này, mỗi ông một cách nhưng đó là trăn trở của “các bậc quân vương”. Còn ta, ta cũng cho ta được cái “quyền” trăn trở. Hôm qua, ta trăn trở cái trăn trở của một đảng viên. Hôm nay ta vẫn trăn trở, một sự trăn trở muộn mằn của một người bình thường, của một công nhân.
Ta từng là một đảng viên. Nhưng với ta, Đảng chỉ là phương tiện, còn nhân dân được hưởng Hạnh phúc no ấm - Tự do - Dân chủ mới là mục đích của đời ta. Ta đã từng gắn bó gần hết cuộc đời ta với phương tiện này, mà cái quỹ thời gian về sự sống không còn được bao nhiêu nữa, ta có quyền dành cho ta được tự do suy ngẫm về phương tiện mà ta vẫn canh cánh trong lòng.
Năm 1930, Đảng cộng sản Đông Dương ra đời. Như một thần đồng cậu cất tiếng oa oa dõng dạc chào đời báo cho thế giới biết sự sinh sôi phát triển và cậu sẽ làm biến đổi diện mạo đất nước lầm than nô lệ. Trong đêm dài bị đô hộ, toàn dân hân hoan, ngưỡng vọng về Đảng của mình. Nhung đồng thời mọi người lặng người khi nghe cậu đã nghiến răng hét: “Trí - Phú - Địa - Hào, đào tận gốc trốc tận rễ!” Báo điềm chẳng lành cho vận nước mai sau! Ta không có ý định “chẻ sợi tóc làm tư”, tưởng lời nói gió bay có ngờ đâu cái khẩi hiệu, cái khẩu khí thần đồng đã 70 năm trôi qua đã để lại bao tác hại và còn tiềm ẩn đến mãi hôm nay.
Với một Đảng tiên phong phất lên ngọn cờ cứu nước chưa lấy “diệt giặc, an dân” làm trọng, lấy “trí nhân mà thu phục nhân tâm” lại theo vết xe đổ của giai cấp phong kiến tàn bạo khi xưa dùng thủ đoạn “đào tận gốc, trốc tận rễ” nào có khác gì “chu di tam tộc”!... Không phân tích về mặt triết học mà phân tích về phần đạo lý thì học thuyết Mác với CNCS là một học thuyết đầy tính nhân văn thế mà lại có một cái khẩu hiệu chỉ đạo chiến lược xuyên suốt đến “tận ngày hôm nay” nghe cứ như là ta đang sống ở thời trung cổ. Thảo nào, khi còn sống cụ Nguyễn Tuân có một câu nói “bất thành văn” nhưng truyền tụng khá rộng rãt trong giới văn nghệ sĩ: “Nước ta là một pháp trường trắng. Không có đầu rơi, không có máu chảy, nhưng có người chết!... thì mới thấy chuyện về Côpécních với GaliLê chẳng có gì là lạ. Ta hãy thử gõ cánh cửa của lịch sử để xin lịch sử trả lời: “Ai là người chấp bút cái khẩu hiệu gớm ghiếc này?... “Và người đó có từ trí thức ra không? Và... đến bao giờ Đảng Cộng sản Việt Nam mới tuyên bố hủy bỏ cái khẩu hiệu ngu xuẩn và tàn bạo trên để “yên lòng dân tộc”! Bao án oan, án giả làm tan nát bao gia đình, làm bao Trí - Phú - Địa - Hào chân chính sống còn ngậm hờn, chết không nhắm mắt mà bao năm qua chưa có lời giải đáp. “Tiền sư chi sự, hậu sự chi sư!” (Rút kinh nghiệm việc làm trước mà dè chừng việc làm sau!) tưởng cũng cần phải phân tích cho công khai, cho rành mạch.
Trí = Trí thức
. Cách đây khoảng 250, Lê Quý Đôn nhà bác học lớn của thời hậu Lê đã tiên tri tổng kết sự phát triển của một xã hội: Phi Trí bất Hưng - Phi công bất phú - Phi nông bất ổn – Phi thương bất hoạt! Thế mới biết thời nào cũng vậy, Quốc gia nào văn minh, hưng thịnh lại không cần trí thức. Ngàn xưa đã vậy, và ngày nay càng khẳng định chân lý của điều này. Vậy trí thức có “tội tình” gì mà được “ưu tiên” đứng hàng đầu để Đảng “đào tận gốc, trốc tận rễ”! Cụ luật sư Vũ Trọng Khánh từng viết bài trên báo Đại đoàn kết, đại ý: “suốt một đời đi theo cách mạng, cụ cứ đau đớn trăn trở mãi vì cái khẩu hiệu trên!” Chả lẽ: Marx - Engels - Lénine - Dimitrov... không phải là trí thức?... Chả lẽ Nguyễn ái Quốc - Trần Phú - Nguyễn Văn Cừ - Phạm Văn Đồng - Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp,... không phải là trí thức?... ai là người trả lời đây?.
Phú = giàu có
. Trước năm 1945 thì ta chưa được biết, nhưng từ sau 1945 với tuổi ta, ta cũng dẫn chứng điều này. Khi cách mạng tháng tám cướp chính quyền thắng lợi, một chính quyền vô sản không một xu trong quỹ két. Một bộ máy nhà nước hoạt động điều tiên quyết không thể không nói đến, đó là: Tiền! Không lẽ lúc bấy giờ lại trông chờ ở những người thợ thuyền còn lầm than trong nhà máy, hầm mỏ hay ở những người nông dân còn đang ngắc ngư trong nạn đói Ất Dậu khủng khiếp. Vậy ai là người có tiền ủng hộ cái chính quyền non trẻ? Cũng vẫn là Phú thôi! Những tấm gương quý giá, những tấm lòng vàng ấy khá nhiều không thể nêu hết được, chỉ đơn cử vài ba người tiêu biểu: Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà ở Hải Phòng ủng hộ “Tuần Lễ Vàng” 105 lạng vàng và đóng góp cho buổi đầu sự nghiệp cách mạng cái quý báu nhất của cuộc đời ông mà không một thứ của cải nào so sánh được: Người con trai cả Nguyễn Sơn Lâm, chỉ huy trưởng Tự vệ liên khu: Tự vệ khu 10 (Cấm- Gia viên) - Tự vệ khu 11 (Đông Khê) - Tự vệ khu 12 (Lạc Viên) hi sinh ngay trận đầu tiên khi Hải Phòng thay mặt cho toàn Bắc Bộ nổ súng chiến đấu chống quân xâm lược Pháp. (Xin được vài dòng về cái chết oanh liệt của người con trai nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà. Khí đó là khoảng 9 giờ sáng, tiếng liên thanh và móoc-chi-ê của quân Pháp bắn dữ dội về phía trận địa làng Cấm. Khi lao ra trận địa, anh thấy một chiến sĩ đầu trần không mũ, anh vội lấy cái mũ sắt đang đội trên đầu chụp vào đầu người chiến sĩ nọ và lấy chiếc mũ rộng vành xì - cút đeo lơi sau lưng đội đầu rồi chạy ra trận địa. Chiếc mũ sắt nhường cho chiến sĩ là cả tấm lòng đầy nhân ái của người chỉ huy đã dẫn đến cái chết của anh. Một mảnh moóc-chi-ê oan nghiệp đã xuyên qua trán trên hốc mắt trái của anh. Ôi! Giá như có cái mũ sắt... Một sự hi sinh âm thầm lặng lẽ mà suốt năm mươi lăm năm qua không một ai nhắc đến, không một dòng tin trên báo chí, âu cũng chỉ vì chữ Phú này đây. Những dòng này của tôi nhắc về anh, anh Lâm ơi! Thay cho một nén hương thắp tưởng nhớ tới hương hồn anh của người lính bé bỏng cũ của anh.
Nhà tư sản Cát Thành Long (tên gọi Nguyễn Thị Năm) đã ủng hộ “tuần lễ vàng” năm 1945 ấy 110 lạng vàng và cũng đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Pháp một người con trai là Phó chính ủy một đơn vị trọng pháo về tham gia chiến dịch Trần Đình (Mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Nhưng anh đã không tới được nơi chiến dịch vì anh bị bắt ngang đường và bà mẹ anh bị xử bắn ở Đồng Bẩm Thái Nguyên trong C.C.R.Đ!
Nhà tư sản Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ngay từ đầu cách mạng đã ủng hộ vào quỹ Chính phủ hàng triệu đồng Đông Dương (vì quỹ chính phủ có hai triệu đồng đã bị Nguyễn Tường Tam đào nhiệm mang đi) và 5.147 lạng vàng. Trong số hơn năm nghìn lạng vàng đó có 1.000 lạng vàng được “đấm mõm” cho 2 tướng Tàu Tưởng: Tiêu Văn và Lư Hán để chúng đem đại quân chết đói của chúng rút về nước để Bác Hồ của chúng ta tránh được cái thế “lưỡng đầu thọ địch” mà dồn sức đối phó với giặc Pháp. Và Bác Hồ từng nói với ông, bà Bô: “Cô, chú là ân nhân của Đảng này, của đất nước này!”
Khắp 3 miền: Bắc - Trung - Nam không thể kể hết được những Phú như thế đấy!
Địa = Địa chủ
, địa chủ một trong nhiều thành phần giai cấp của một xã hội, nó là sản phẩm tất yếu của bối cảnh lịch sử trong quá trình tiến hóa. Hai Bà Trung, Bà Triệu, Lê Chân... cũng chẳng từng là con lạc hầu, lạc tướng, chả lẽ không là từ cái lò Địa chủ mà ra?...
Các vua chúa, tướng lĩnh anh hùng ngàn năm xưa chả lẽ không từ Địa chủ mà ra? Từ Lê Lợi đến Quang Trung, những anh hùng nông dân áo vải từ đâu ra nếu không từng là Địa chủ. Không hiểu liệu Marx và LêNin nếu cũng sinh vào thời đó, liệu các ông có biến đổi cái chế độ xã hội lúc đó không “được phép” có giai cấp Địa chủ không? Vậy theo phép biện chứng của Marx thì giai cấp Địa chủ cũng là cái tất yếu, nó không phải là “quái thai” của xã hội. Cho nên những người Marxisme muốn điều chỉnh, muốn cải tạo lại xã hội theo học thuyết “chuyên chính vô sản” thì cứ việc tịch thu lại ruộng đất rồi chia lại cho dân cày nghèo, hà cớ gì gây nên đấu tố đẫm máu và nước mắt, làm đảo lộn luân thường đạo lý hàng ngàn năm yên bình nơi thôn dã!
Hào = Các chức sắc cai trị
. Những loại vật sống quần thể như con ong, cái kiến cũng còn có hẳn một tổ chức cai trị nên mới có ong chúa, kiến vua. Với hàng ngàn vạn ong thợ lao động kiếm hoa tìm mật, ong canh cổng để duy trì kỷ cương lao động, bảo về thành trì, ong làm nhiệm vụ duy trì nòi giống... Cho tới loài vượn, loài khỉ sống bầy đàn đều có một bộ máy cai trị giản đơn để mà tồn tại. Còn loài người từ xa xưa có tù trưởng, tộc trưởng, lạc hầu, lạc tướng, vua chúa, quan lại đến ngày nay có chủ tịch, bí thư... thời nào mà lại không cần một bộ máy cai trị, Còn cái ác, cái thiện của các chức sắc cai trị thời nào chẳng có, cấp nào chẳng có, từ anh lý trưởng đến ông tể tướng đầu triều, giai cấp nào chẳng có, hễ cứ được giao chút quyền lực là bộc lộ ngay thiện tâm hay ác chí, Vậy thì quan tốt thì biểu dương, ca ngợi như: Tô Hiến Thành, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Còn quan xấu thì thời “cộng sản” đâu có ít như: Trần Dụ Châu, Thân Trung Hiếu, Nguyễn Thiện Luân, Vũ Xuân Trường... kể sao cho siết. Người nào có công thì khen thưởng, lịch sử ghi nhận. Kẻ nào có tội thì có nhà tù đợi chúng, hà cớ gì vơ đũa cả nắm để mà “đào tận gốc, trốc tận rễ” làm nhân tâm khiếp đảm!
Ngay thời vua nhà Trần sau khi đánh đuổi giặc Nguyên Mông, những kẻ tư thông với giặc còn lại hồ sơ cũng cho đốt hết, tha tội chết để tỏ lượng hải hà. Nhìn sang nước Nga thời Sa Hoàng, Xa-Xa anh ruột của LêNin âm mưu ám sát Sa Hoàng bị treo cổ thì chị gái LêNin và LêNin vẫn yên vị tại trường đại học.. Nghĩa là “tội ai nấy chịu” chứ không phải mang án “chu di tam tộc”. Vậy mà ở thế kỷ 20 này lại sống dưới chế độ XHCN luôn “quảng cáo” là đầy lòng nhân ái thì đời cha dính vào “Trí - Phú - Địa - Hào” dù có là “Nguyễn Hiền tái thế” cũng đừng mơ đến cửa trường đại học. Câu nói: “Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ!” của Trần Thủ Độ với ông vua cuối cùng thời Lý đã xuống tóc đi tu, ẩn nấp nơi cửa thiền cũng không thoát khỏi cái chết, tưởng cái “âm khí” đó đã qua gần một nghìn năm rồi vẫn còn phảng phất đến ngày hôm nay. Sở dĩ ta nói cái “âm khí” đó còn phảng phất đến ngày hôm nay bởi vì cha có tội với Đảng thì cha “chết” đã đành mà sống dưới thời văn minh dân chủ cực đại mà con cũng phải “chết” theo. Ví dụ ư! Có rất nhiều đấy... Sự kiện còn nóng hổi: Khoảng đầu năm 1999, Tiến sĩ Viện sĩ Nguyễn Thanh Giang bị cầm quyền bắt bỏ tù “với lý do có giời mà biết”. Sau mấy tháng bị cầm tù rồi được thả thì người con trai Tiến sĩ là một chuyên viên ở ngành dầu khí có bằng thạc sĩ tại Mỹ và cô con gái có bằng thạc sĩ ở ấn Độ đang công tác ở các cơ quan nhà nước dù chẳng có tội tình gì nhưng vì mang “vạ” của cha mà đều bị thải hồi. Cái uế khí từ thời Lý mà vẫn còn nồng nặc tới thời Lê bây giờ!... Thế mới biết tìm được một tấm lòng, một tầm nhìn “giết Cổn dùng Vũ” cách đây mấy nghìn năm ở dưới chế độ XHCN của thế kỷ 20 khó biết chừng nào!...
Bây giờ lại trở lại với nền kinh tế tri thức
Cái xã hội của chúng ta trong suốt mấy chục năm trường, có thể tạm lấy cái mốc 1945 sau khi hòa bình lập lại của “nền đệ nhất dân chủ cộng hòa”. Bị chi phối bởi một học thuyết mà nguời ta coi công nông như là “gốc của nước”. Còn các thành phần khác như “một thứ ăn theo” vô tích sự. Đặc biệt là trí thức, một bộ phận của xã hội mà các nhà lãnh đạo chính trị luôn luôn phải để mắt: để cải tạo, để cảnh giác đề phòng chứ không phải để sử dụng. Cái từ “Liên Minh Công Nông” luôn ở đầu lưỡi, ánh hào quang “ảo” ở hai cái giai cấp đó tỏa ra làm các thành phần khác trong xã hội tự cảm thấy mình thảm hại quá, ăn bám như một “bướu thừa” trên cơ thể xã hội. Trên các bức “áp phích” cổ động chính trị, bộ đôi Công - Nông có mặt khắp các mảnh tường khắp đất nuớc từ đô thành đến thi trấn xa vắng. Nếu có một nhân vật được thân cận đứng lấp ló sau lưng cái bộ ba “Công - Nông - Binh” là một ông trí thức với cặp kính trắng “bẽn lẽn” giơ lên một mô hình nguyên tử cũng là một “ưu ái chiếu cố” cho thân phận người trí thức.
Để chứng tỏ sức sáng tạo của giai cấp công nhân, ngày 2-9 năm 1958 người ta mang lên dâng tặng Bác Hồ cái xe ô tô du lịch đầu tiên mang nhãn hiệu “chiến thắng 01” của Việt Nam sản xuất. Cái ô tô đầu kiểu Von-ga đuôi kiểu xe Mỹ (Lúc đó đại sứ quán Indonesia có), tức là một cái ô tô “đầu Ngô, mình Sở”. Nghe đâu mấy hôm sau 2-9, họ lên xin với Bác đem về hoàn chỉnh tiếp!... một cái ô tô chỉ có cái vỏ tôn chụp bên ngoài, còn các chi tiết và máy móc đều của “nước ngoài” cả. Thế mà hồi đó báo chí tuyên truyền rùm beng cái ô tô này một tấc đến trời để chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam tài trí biết chứng nào. Không hiểu các hãng “Pho”, “Méc-xê-đét”, “Vôn-vô”, “Tô-dô- ta”... lúc đó có sợ xanh mắt về sự cạnh tranh về ngành công nghiệp ô tô trong tương lai của Việt Nam không? Nhưng suốt từ hối đó đến bây giờ chưa thấy vị lãnh tụ nào “dám” ngồi lên chiếc ô tô đó diễu hành cho quần chúng quan chiêm!... Kèm theo cái ô tô “đàn anh” đó còn một chiếc “Xai-đờ-ca” tức là cái “bình bịch kèm” chụp tưng bừng trên các họa báo, báo chí rồi cũng mất tăm không thấy nhông nhông trên đường phố bao giờ. Cứ cái đà phát minh sáng tạo của giai cấp công nhân lúc bấy giờ cứ tới tấp đăng trên báo chí: Một cái ô tô tải kéo theo đuôi 17 cái rơ - móoc trên đường Hà Nội - Sơn Tây. Chụp ảnh tuyên truyền để biết vậy thôi chứ có họa là ngu thì mới dám dùng cái “tối kiến” này! Rồi “Xăng pha nước lã” để tiết kiệm nhiên liệu, rồi máy chạy xăng chuyển sang chạy dầu diesel... về “tối kiến nông nghiệp” cũng không kém, thuyền đua thì lái cũng đua: nào máy cấy lúa bằng gỗ, nào máy thái sắn, thái cây chuối cho lợn... mà người phát minh là một ông nông dân Tày mù mắt (cũng xin có lời xin lỗi ông Đàm Trung Pồn, ý chí sáng tạo của ông là rất đáng trân trọng, nhưng họ lợi dụng sáng kiến của ông để đạt được mục đích đề cao công - nông chứ thực tế các sáng kiến đó chẳng ai dùng cả!) Rồi nữa... nuôi lợn cắt tai, nuôi vịt thắt cánh may mà chưa thấy những “quái vật” ấy được bán ở thị trường tiêu dùng. Một công thức ăn cho lợn ăn cũng rất “không còn gì để nói”, là trộn cứt trâu tươi với cám đun lên cho lợn ăn, vừa chóng lớn lại vừa tiết kiệm được cám! có một ông nhà văn nào đó in một truyện ngắn đăng trên Báo văn nghệ Quân đội minh họa quảng cáo cho cái sáng kiến “cứt trâu” này. Nhắc lại chuyện này ta không phải là tác giả mà cũng thấy đỏ mặt.
Thế là bao nhiêu nhà khoa học, phát minh, các kỹ sư, các trí thức... đành đứng ngoài bất lực nhìn những “ông công nông” học chưa hết cấp I và II thi đua nhau sáng tạo. Những năm tháng của một thời trung cổ hiện đại, các ông “công nông” từ cấp cơ sở đến cấp trung ương là “những ông trời con” chớ có đụng vào. Cái loại “cây ngay không sợ chết đứng” như Nhân văn Giai phẩm, như nhóm chống Đảng thì đã bị “dính đòn” rồi, bị đánh tả tơi, tan tác với “nhổ cỏ phải nhổ cả rễ” nên mấy đời con cháu không chết thì cũng lầm than, đày đọa. Số còn lại thì “cũng thương anh lắm” nhưng không dám “nhào vô” vì miếng cơm, manh áo đành sống khép nép cho qua ngày. Còn lại loại “thân lươn đâu quản vũng lầy” uốn lưỡi cú diều xúm vào đánh “hội đồng” để những bạn văn chương, trí thức cùng trang lứa trải qua bao gian khổ trong 9 năm kháng chiến trường kỳ biết thế nào là “đòn hội chợ ngôn từ” nào là: lũ bất mãn, cơ hội, bọn diễn biến hòa bình... Trí thức Việt Nam bị phân hóa thảm hại đến nỗi giáo sư sử học Trần Quốc Vượng cũng phải than phiền:
Việt Nam chỉ có cá nhân trí thức riêng lẻ, làm gì có giới trí thức!...
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ buổi đầu trứng nước với khối đoàn kết trong chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ta thấy đủ mặt Trí - Phú - Địa - Hào. Trí có những: Tạ Quang Bửu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hữu Nam..., Phú - Địa - Hào cũng có đủ mặt anh tài: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà... đó là chưa kể đến 2 cố vấn: Bảo Đại và Đức giám mục Lê Hữu Từ, một thứ “đoàn kết sách lược” chứ không “đoàn kết thật lòng”! Và hai người đó rời bỏ chính quyền cách mạng ra đi được giải thích bởi “bản chất phản động” của họ đã đành. Rồi tiếp sau đó, từng thời gian, từng giai đoạn những trí thức hoặc là đảng viên, hoặc là ngoài đảng nhưng đều gắn bó máu thịt suốt một đời với Đảng cộng sản Việt Nam gồm: Uỷ viên bộ chính trị, Uỷ viên trung ương Đảng, bộ thứ trưởng, các tướng lĩnh, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ ưu tú... với danh sách nêu tên cụ thể thì phải đến mấy trăm người: Ung Văn Khiêm, Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Nguyễn Vịnh, Đặng Kim Giang, Lê Vinh Quốc, Vũ Đình Huỳnh,... rồi: Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Văn Cao... cho đến những năm tháng gần đây: Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Trung Thành, Lê Hồng Hà, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương... người thì “xin” ra Đảng, người thì trả lại thẻ Đảng, người bị lấy cớ để khai trừ... đều dần dần xa rời Đảng. Nói “xa rời Đảng” là không thật đúng vì Đảng là máu thịt của họ. Vì Đảng mà họ bị tù đầy, tra tấn, nằm gai nếm mật. Vì Đảng mà họ sẵn sàng cầm bát cứt ghê tởm ăn “ngon lành” trước mặt kẻ thù để bảo vệ Đảng và bao tấm gương trung liệt khác sống chết với Đảng của mình thì làm sao có thể “xa rời Đảng” được? Họ xa rời là xa rời lũ tiếm quyền trong Đảng, đang từng là những lãnh tụ cách mạng chân chính tự xóa bỏ mình để trở thành tổ chức của một nhóm người làm nghề cai trị… ”(theo Danny Goldstick, giáo sư triết học Canada trong “bàn về LêNin”) Những người Marxisme chân chính, hiện còn đang cầm quyền thử bình tâm tĩnh trí tự xét lại mình, chả lẽ không có lỗi gì về nỗi đau đớn “tan đàn, xẻ nghé” này chăng? Đây là chưa kể đến số lượng 2 triệu đảng viên còn cầm thẻ Đảng trong tay mà trong sâu thẳm của tâm thức liệu còn bao người gắn bó?...
Sau cách mạng tháng 8, tháp tùng Bác Hồ sang hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô toàn những trí thức trong Đảng và ngoài Đảng nào có thấy bóng dáng “Công - nông”. Tự hào biết bao khi trước cử tọa mấy trăm giáo sư, tiến sĩ Pháp ở Paris, nhà bác học Bửu Hội dõng dạc chỉ tay giới thiệu với Bác Hồ: “Ce sont tous mes éleves!” Rồi hội nghị Giơ-ne-vơ tiếp đến hội nghị Pa-ri có bao giờ thiếu mặt trí thức nếu không nói toàn bộ là trí thức!
Viên ngọc bị vùi lấp trong cát đã được lau chùi bầy biện. Sau từ “công - nông - binh”, người ta bắt đầu nói đến “và” trí thức. Ta đưa chữ và vào trong nháy là bởi nếu có nói: khối công - nông - binh - trí là viết cho gọn thôi nhưng các vị trí thức nhớ cho là giữa “Binh... ” vẫn còn có chữ “và”!...
Cho nên năm cuối cùng của thế kỷ 20 này, họ lại ồn ào bàn về “nền kinh tế tri thức” tức là bàn về vai trò vô cùng quan trọng của giới trí thức đấy! Vậy cũng xin báo tin vui chung này với các nhà trí thức Việt Nam nói chung và giáo sư sử học Trần Quốc Vương, nói riêng. Nhưng sự liên minh này là “thật” hay “liên minh sách lược” khó biết trước được!. Vì trí thức vẫn là đối tượng “năm-bờ-oăn” để xoá sổ!...
Những năm tháng đầu còn xanh, tuổi còn trẻ của ta, ta từng được nghe cương lĩnh chắc như “đinh đóng cột” tưởng như chỉ khi nào mặt trời mọc đằng tây thì “chân lý” đó mới thay đổi: Đảng ta theo chủ nghĩa Marx - Lénine - Staline, tư tưởng Mao Trạch Đông và tác phong Hồ Chí Minh... ta cứ băn khoăn mãi về một Đảng vĩ đại của một dân tộc “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...” lại “đội trên đầu 3 ông Tây và 1 ông Tàu, còn Bác Hồ kính yêu của chúng ta được gắn chữ “tác phong” mà nói nôm na là “làm theo”! Nhưng lúc đó có gan trời cũng không dám có ý kiến. Mọi cái đầu trí tuệ đều câm lặng, theo phép biện chứng của Marx: cũng đúng thôi!...
Đến hôm nay chúng ta đã tạm yên lòng khi thấy “bớt” đi đã được một ông Tây và một ông Tàu và Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã được trả đúng về cái vị trí vĩ đại của người là “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nhưng cũng còn “trần ai khoai củ” lắm vì liệu người ta có thực hiện đúng tư tưởng của Hồ Chí Minh không? Mà tư tưởng Hồ Chí Minh có cao xa gì đâu, một người dân bình thường cũng hiểu được, cũng biết được và gần gũi thân thương với họ biết chừng nào.
Hòa bình - Thống nhất - Độc lập - Dân chủ và giàu mạnh!
Và khi lịch sử đã trả đúng vị trí của Hồ Chí Minh ta cũng thiết tha nói với những người Marxisme cầm quyền hãy trả lại đúng vị trí của người trí thức “một người hay lo bằng một kho người hay làm hoặc ba quân dễ kiếm một tướng khó tìm” như Hán Cao Tổ dùng Hàn Tín, như Hồ Chí Minh giao quyền “tướng quân tại ngoại” cho Võ Nguyên Giáp trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ.
Và cao thượng hơn nữa cất tiếng “xin lỗi” người còn sống và những oan hồn đã chết trong C.C.R.Đ, trong nhóm nhân văn và giai phẩm, trong án oan của nhóm chống Đảng, trong việc xử lý những lão thành Cách Mạng, những trí thức gần đây. Không dưng cái ông thủ tướng Nhật Bản tự mình bới đống rác lịch sử để xin lỗi nhân dân Triều Tiên, nhân dân Trung Quốc và Châu Á nói chung (cũng chưa rõ nguyên cớ gì mà ông ấy chưa thấy xin lỗi nhân dân Việt Nam hay vì mấy ông giáo sư, tiến sĩ “dởm” nào đó gọi phát xít Nhật xâm lược Việt Nam là người Nhật hiện diện ở Việt Nam hoặc hơn 2 triệu người chết đói năm 1945 thành còn hơn một triệu nên ông thủ tướng Nhật Bản thấy tội ác của Phát Xít Nhật có đáng là bao nên chưa cần xin lỗi?... ) Vì họ biết chỉ cất lên một lời xin lỗi là làm nguội đi triệu triệu tấm lòng căm giận và sự cảm thông với nghĩa cử đầy liêm sỉ của họ. Dây oan nghiệt, dây oan thù giờ đây nên cởi không nên tiếp tục thắt lại, đừng để lớp trẻ hậu sinh phải nghe những lời của các bậc tiền bối oan khuất dạy lại: “một lần bị rắn cắn mười năm sợ dây thừng!” phải làm một điều gì đó đi, thưa các ông! Vì khi sống trên thế gian này không ai làm gì được các ông... nhưng ngày mai không còn bao xa nữa chúng ta còn gặp nhau ở thế giới người hiền, còn đứng trước mặt các vị tiên liệt để trả lời phải trái! Vĩ đại như Nê - rô, như Tần Thủy Hoàng, như Thành Cát Tư Hãn... cứ đốt sách đi, cứ chôn sống học trò đi... nhưng chưa có vua chúa hung hãn nào chôn sống được lịch sử, chôn sống được quy luật tiến hóa.
Với thái độ “coi trời bằng vung”, tự kiêu, tự mãn mà nhắc lại tưởng cũng không thừa là “bệnh kiêu ngạo Cộng sản” đem so sánh hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ là vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam mà trước đây các vị vua chúa anh hùng, các vị tiên liệt chưa ai làm được mà chỉ có Đảng của giai cấp vô sản mới lập được chiến công hiển hách như thế! Thành ngữ đã có câu: “ Mọi sự so sánh đều khập khiễng!”. Ta thử làm một sự so sánh giản đơn kiểu học trò tiểu học thôi chứ chưa cần phải viện dẫn sách này, sách nọ để làm nguội bớt các cái đầu “ếch ngồi đáy giếng”! Thế kỷ thứ 13, quân đội Nguyên Mông của Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan 1167 – 1227) cùng cháu là Hốt Tất Liệt (Khu bi lai) với vó ngựa của hàng vạn chục quân tràn qua Nước Nga làm rung chuyển một phần của Châu Âu không sức gì cản nổi! Mở rộng đế chế phía bắc tới hồ Baikal, phía Nam đến Sông Hoàng Hà, phía Đông đến Từng Hoa (?), phía tây đến tận biển Caspienne. Sức mạnh ghê gớm đó trở thành thành ngữ: “Vó Ngựa Nguyên Mông đi tới đâu cỏ không mọc được!” Đối phó với một đội quân đông đảo, hung hãn và thiện chiến như thế (lúc đó nước ta mới có khoảng chừng 4.900.000 xuất đinh theo tư liệu của Nguyễn Trãi) nhưng vua tôi nhà Trần dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trần Hưng Đạo đại vương đã 3 lần chiến thắng: Lần thứ 1 chỉ hai tháng đầu năm 1258 đánh tan tác 3 vạn quân Nguyên. Lần thứ 2 cũng chỉ từ tháng 1 năm 1285 đến tháng 6 năm 1285 với chừng nửa năm đã tống sạch hơn 50 vạn quân Nguyên Mông về nước. Lần thứ 3, tháng 12 năm 1287 đến 1288 làm hàng vạn thủy binh cùng 500 chiến thuyền của quân Nguyên Mông máu nhuộm đỏ sông bạch đằng lịch sử mà âm hưởng hào hùng còn vang vọng đến hôm nay: Đằng giang tự cổ huyết do hồng!
Tương quan lực lượng thì sao? Từ ngọn dáo đến con voi của Đức Thánh Trần cùng hàng vạn cọc gỗ trên sông Bạch Đằng không hề có nhãn hiệu “Made in China” hoặc “C.C.C.P”. Hùng dũng thay! Oai hùng thay đơn thương, độc mã không hề có liên minh, liên kết, không hề có phe phái trợ giúp cũng chẳng hề có tiếng nói nào của toàn thế giới bênh che. Lương ăn, áo mặc đều là tự cung, tự cấp. Cộng cả 3 lần chống Nguyên Mông thời gian không đến 2 năm một cuộc chống xâm lược thần tốc dễ gì sánh nổi!
Rồi đến thời Quang Trung Hoàng đế (dân số mới khoảng 7 triệu xuất đinh) và vẫn với ý chí tự lực tự cường, người anh hùng áo vải chi có mười ngày đánh đuổi 20 vạn quân Thanh xô nhau tháo chạy làm gẫy cầu qua Nhị Hà thây trôi đầy sông, máu loang đỏ nước.
Còn 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ của ta ở thế kỷ 20, mọi người đều rõ lẽ chẳng cần phân tích dài dòng. Từ máy bay, đại bác, xe tăng, tên lửa hiện đại... đến quân trang, quân dụng cái bát ăn cơm đến cái bi đông đựng nước, gói lương khô... không Liên Xô thì cũng Trung Quốc cùng hàng chục nước XHCN anh em viện trợ. Một cuộc chiến tranh không cân sức làm xúc động triệu triệu trái tim nhân ái của toàn thế giới với tiếng hô phản đối chiến tranh Việt Nam làm rung chuyển lầu 5 góc và khiến cho nhà trắng ngả nghiêng. Một cuộc chiến tranh kéo dài xấp xỉ 30 năm, xương cao đày núi, máu nhuộm đỏ sông của bao anh hùng liệt sĩ. Thử hỏi trong hàng triệu nấm mồ tỷ lệ Đảng viên có được bao lăm? Ngay chuyện 81 ngày đến 26-6-1972 —> 16-9-1972 giữ thành cổ Quảng trị, mỗi đêm một đại đội (tạm tính 100 người) sáng hôm sau chờ để đại đội khác thay phiên chỉ còn 6, 7 người trở lại. Tính sơ sơ cũng xấp xỉ 6000 liệt sĩ, anh hùng. Trong số này liệu có bao nhiêu con cái của các vị lãnh tụ cấp tỉnh đến trung ương? hay con các vị còn “bận đi trời Tây học tập” theo nhiệm vụ quan trọng của Đảng giao cho?
Khơi khơi vài dòng này ra nói để ai kia hãy hạ bớt cái giọng huênh hoang vỗ ngực và cứ bám mãi vào quá khứ hào hùng để che lấp “sự ruỗng nát của chế độ là nguy cơ có thực” theo nhận định của Trần Bạch Đằng trong báo phụ nữ TPHCM ngày 4 tháng 9 năm 1999!” Thường thì “con hơn cha là nhà có phúc”, nếu quả con có hơn cha thì cũng phải khiêm tốn huống chi còn thua cha về so sánh tương quan mọi mặt thì đúng là “Đồ con bất hiếu” và có một điều cũng phải cần nhắc “qua sông rồi...” thì nhớ đến “bát cơm Xiếu mẫu trả ơn ngàn vàng”, nhớ mà trả ơn cho đầy đủ, cho xứng đáng các bà mẹ anh hùng các liệt sĩ, thương bệnh binh, thanh niên xung phong, các hậu quả da cam... cho đủ mức sống chứ đừng trợ cấp theo kiểu tượng trưng để tuyên truyền!
Quay lại với chuyên đề “Nền kinh tế tri thức” vì ta đi hơi lan man. Mãi đến năm 2000 này mới “tỉnh ngộ” về vấn đề trí thức là rất quá muộn nhưng lại tạm an ủi muộn còn hơn không. Để vấn đề “Tỉnh ngộ” này là thực lòng, thực tâm của những người lãnh đạo thì phải huy động “nguồn trí thức khổng lồ” đang nằm trong các bộ óc của các nhà trí thức, hãy để họ được tự do bộc lộ, đóng góp vào xây dựng một bộ máy “Lập pháp - Hành pháp - Tư pháp. “Nguy cơ lớn nhất của đất nước ta hiện nay không sợ chệch hướng về một học thuyết không sợ ai cướp quyền của ai, mà một đất nước cùng với mỗi người dân sẽ nhục nhã, sẽ đau đớn nhất khi bước sang thế kỷ 21 - thiên niên kỷ III:
Tụt hậu!
Cảm nghĩ tháng tám và quốc khánh 2000
Người lính già