Phần 9
Một nền dân chủ nhọc nhằn!

Đã lâu lắm rồi mới về Hà Nội, nhân dịp lên ăn cưới con gái cô em ruột tôi. Thủ đô thay đổi nhiều quá, lộng lẫy hơn, sống động hơn, xôn xao, nhộn nhịp và cũng lộn xộn, nhộn nhạo hơn. Đêm đầu tiên ngủ trên gác 3 tầng, tuy tĩnh lặng nhưng có lẽ vì lạ nhà (hoặc vì một linh cảm gì khác) nên cứ trằn trọc mãi. Gió vẫn rì rào nhè nhẹ len qua kẽ lá cây sấu già vườn bên cạnh.
Thảng thốt đôi ba lần nghe tiếng ré khóc oa oa của trẻ sơ sinh. Nằm mãi rồi sáng cũng đến, tôi ra sân thượng làm vài động tác thể dục quen thuộc thì đã thấy chú em rể tôi (một đại tá về hưu hơn tôi 4 tuổi) đang sửa soạn ấm pha trà. Thì ra chú ấy dậy từ lúc 4h30’ và đã hoàn tất một cuộc đi bộ dưỡng sinh ra tận Bờ Hồ rồi về. Thấy bóng cây đa ở phía xa, tôi hỏi: “ở Hà Nội mà cũng có một cây đa lão làng quá nhỉ?” Đang cho trà vào ấm, chú em rể trả lời tôi với giọng nhát gừng như thái từng nhát 1 trong câu nói và đều đều như anh lính bắn tiểu liên từng nhịp 3 phát 1”: ồ! Bác chưa biết cây đa nổi tiếng này à?... Nổi tiếng về những giai thoại cay đắng ở trong nước và cả nước ngoài đấy!... Bác à! Sự nghiệp cây đa gắn liền với sự nghiệp của một ông tướng đấy!... Khởi đầu binh nghiệp vĩ đại từ “Cây đa Tân Trào”... kết thúc binh nghiệp vẻ vang tại “cây đa nhà bò” đấy! “Cứ cái giọng thùng thẳng 3 phát 1 chú ấy bắn những lời nói vào tâm thức của tôi, bắn liên tục: “Đầu đời là những chiến tích chỉ huy hàng binh đoàn xe tăng, đại bác... kẻ địch là: Nhật, Pháp, Mỹ!... cuối đời vũ khí là “bao cao su” để chống kẻ thù đông hơn và vô hình hơn... Đó là “tinh trùng” bác à! Trà đã ngấm, anh vợ già và em rể cũng già cùng ngồi vào đối ẩm. Cứ vẫn “đấy” với “à”, chú ấy cứ đều đều bắn ngôn từ 3 phát 1 nhưng dần dần tôi hiểu chú ấy không bắn vào tôi mà bắn vào nỗi ấm ức vô hình nào đó, vào quá khứ, vào hiện tại, thỉnh thoảng chú ấy cũng ngừng lời, nhấp một ngụm trà, ngồi thừ ra như chờ đợi... chờ những loạt đạn của tương lai bắn trả. Bác à! Ngày xưa Chu Công Cẩn 3 lần hộc máu... Tam Khí Chu Du mà... Thôi thì, mất thành, mất đất còn gượng được... Con nhà võ, làm tướng mà thắng, bại âu cũng là lẽ thường tình... Đến khi nhận được bộ áo váy đàn bà của Khổng Minh... nhục đến cùng cực rồi, chết là tất yếu!... Mất nhân phẩm danh dự giữa thanh thiên bạch nhật mà không có phản ứng gì là... mất hết! Chu Du chết bi lụy quá, thương cảm quá, không da ngựa bọc thây giữa sa trường mà đời sau vẫn giành cho ông lòng kính trọng... Một vị tướng hết lòng vì sự nghiệp, trung thực có liêm sỉ... thì sử sách quên ông sao được?... Gần 18 thế kỷ trôi qua rồi, gương người xưa còn đó... từ tướng lĩnh đến người lính chúng ta hình như ngày hôm nay không có cái mà Chu Du có... Bác à! Tôi nói thế có cực đoan không?... à quên! có một vị tướng Việt Nam cũng cần phải nhắc đến: Trần Nguyên Hãn...! vị đệ nhất công thần của triều Lê, Công lao hãn mã, khi nằm gai, nếm mật vua tôi chia xẻ ngọt bùi, lúc sinh tử chỉ là gang tấc thì xả thân cứu chúa... lúc vinh quang phú quí thân anh hùng lại đáy nước gieo mình...
- Khi tin vị tướng về chỉ huy theo dõi các trận chiến trên “Sân Hàng Chiếu”, tôi mới là thằng trung tá... ức quá! nhưng tự nghĩ chắc sẽ có những thằng đại tá hoặc cao hơn lên tiếng... Mấy chục năm im lặng trôi qua mới biết mình nhầm... Nếu có một thằng nào hèn, thằng nào vô liêm sỉ để chỉ mặt... chính là mình! Là tôi, Bác ạ!... trung tá chả là cái quái gì ở bậc thang quyền lực lính tráng... anh binh nhất hy vọng anh hạ sĩ lên tiếng. Anh hạ sĩ là chờ anh trung sĩ... cứ từng nấc chờ đến tận cấp tướng. Các tướng cũng im lặng nốt, không một ai có ý kiến, có phản ứng để bảo vệ thanh danh “vị tướng của các vị tướng” kính yêu của mình... Nghĩ cũng lạ suốt mấy chục năm đánh đông dẹp bắc, đạn lửa của địch phun phì phì vào mặt mình cũng dùng súng các cỡ nhổ bọt vào mặt chúng để bảo vệ sự vẹn toàn của tổ quốc, bảo vệ danh dự cho các chỉ huy của mình chỉ có thắng không có thua... Thế mà khi thấy rõ ràng làn đạn “đồng chí” bắn vào vị chỉ huy kính yêu của mình.. khẩu AK câm lặng, ông tên lửa, tàu bay cũng câm lặng luôn... Và một nỗi buồn sâu thẳm là người bị làm nhục cũng im lặng... Sự kính trọng, tin yêu như một viên ngọc lung linh bỗng như mơ hồ có một vết xước đâu đó... Ông định để lưỡi gươm rỉ nát mà không một lần nữa tuốt gươm sao?... Có cậu bạn lý lẽ “cao siêu” bảo tôi: đó là cái thế của Câu Tiễn?... Nếm phân chịu nhục để chờ thời cơ phục hồi giang sơn xã tắc... Còn thân bại danh liệt thì chờ cái gì?... Bây giờ, từ ông tướng đến thằng lính còn công hầu khanh tướng gì mà chờ... còn mơ ước cao sang gì mà chờ... chỉ chờ một xã hội ấm no, hạnh phúc và tự do dân chủ thực sự mà cách đây 55 năm, những người của cách mạng tháng 8 đã hứa... Nào, Bác chỉ xem bây giờ cái xã hội ấy nó ở đâu?
Nghe chừng “thùng đạn” của chú em rể tôi còn nhiều đạn nhưng tạm ngừng bắn vì cô em gái tôi bê mấy suất ăn sáng vào. Cô cười nhẹ nhàng: “thôi! Bác và anh sơi sáng đã. Còn vấn đề tự do dân chủ, hạnh phúc ấm no ăn xong sẽ bàn tiếp chưa muộn”. Cũng thật kỳ lạ, khi nghe tiếng cô em tôi, lũ chim ríu rít hót vang trong 5 cái lồng treo ở ngoài hiên. Cô khoe: “em chỉ có 3 con: chào mào, hoàng yến và sáo này thôi. Còn con thanh tước và con họa mi kia là do em bẫy được. Chúng nó cũng là chim cảnh của nhà ai xổng chuồng, ra tự do nhưng không quen sống trong môi trường tự cấp, tự túc nên đói mềm. Hôm trước hai con cứ quanh quẩn trên cành sấu nhìn vào lũ chim của em ăn trong lồng. Thế là em mua cái lồng khác, mở sẵn cửa lồng cho kê, cho nước vào. Hai chàng đói quá, bay ngó nghiêng thăm dò một lúc rồi chui tọt vào lồng, ăn lấy, ăn để khi em sập cửa lồng chúng cũng chẳng thèm bay ra.
Từ hai câu chuyện con chim cảnh, chuyển sự suy nghĩ của tôi sang một hướng khác. Thân phận con người của mấy chục năm trước nào có khác thân phận con chim trong lồng là mấy! Cả một xã hội thị thành sống phụ thuộc vào sổ gạo, thực phẩm thì phụ thuộc vào các ô phiếu li ty, rồi cái quần, cái áo đến manh vải màn phụ nữ... trăm tội đổ đầu tại chiến tranh, vì miền Nam ruột thịt. Thế là điều hành cái guồng máy của xã hội, ta thấy một bức tranh quái dị là các “đầy tớ” nắm các ngành vật tư, lương thực, thực phẩm, ngân hàng... tác oai, tác quái hành hạ cả xã hội công dân được mệnh danh là “chủ” thật là ghê gớm. Cái thời xếp hàng luôn luôn thường trực bộ mặt lấy lòng từ chị mậu dịch bán rau muống đến chị bán thịt, cá, trứng... lại càng lễ phép, cầu cạnh hơn. Và chị hàng gạo là vào loại “siêu nhân”. Thế là cái XHCN công bằng, thân ái đẻ ra cái lũ được nấp sau “hoàn cảnh chiến tranh” làm mưa, làm gió bán cho cái gì thì được cái ấy. Cái ngon lành, cái béo bở chúng giành cho chúng, cho gia đình, họ hàng, bạn bè chúng. Còn đám nhân quần tội nghiệp gồm: trí thức, văn nghệ sỹ, công nhân, bộ đội... rau úa héo, dập nát cũng ăn, cá ươn, thịt bèo nhèo, bạc nhạc cũng ăn, gạo hẩm, mì mọt trông đến ghê người cũng phải ăn. Thói vô trách nhiệm, thói cửa quyền táng tận lương tâm, đục khoét đều được “vì chiến tranh” chạy tội cho chúng hết. Không có quyền đòi hỏi, không có quyền phê bình. Nếu có phê bình đó là trò chơi “nước đổ lá khoai” để cả một lũ tiếm quyền vênh mặt thách thức. Mất dân chủ trong miếng ăn thành quen, thành trơ lỳ dần dần tiến tới mất dân chủ trong suy nghĩ vì cũng lại có một bọn được cái quyền cho anh được nói gì, nghĩ gì, viết gì! Cái khủng khiếp tàn bạo đến mức vô lý, vô luật pháp, vô đạo đức của C.C.R.Đ dù đã qua đi, dù đã được xin lỗi trước toàn dân, nhưng cái hèn, cái sợ làm cả xã hội co mình lại vì bóng đen của nó vần vũ trên thinh không sẵn sàng chụp xuống. Rồi hậu duệ của nó cũng chụp xuống giáng đòn đầu tiên vào “nhóm nhân văn giai phẩm” ngu ngơ, tội nghiệp tưởng đòi được tự do, dân chủ trong mấy vần thơ, trong vài quyển truyện, mấy trang tiểu thuyết bóng gió, ẩn dụ bị nghi ngờ động chạm tới “đấng cửu trùng”. Đòn tiếp theo là “lũ chống Đảng” vô hình với vài luận điểm vu vơ truyền miệng khi “trà dư, tửu hậu” bỗng biến thành “cương lĩnh” thành “âm mưu lập đổ” để bị bắt bớ tù đày, quản thúc từ: Uỷ viên Bộ chính trị, ủy viên TW Đảng, các tướng lĩnh, các thứ bộ trưởng, các trí thức, các văn nghệ sĩ... dễ dàng thò tay vào bắt những con chim cảnh trong lồng. Cái lồng của một trăm năm nô lệ còn nóng hổi mới phá tan bằng cuộc cách mạng tháng 8 thì lại vẫn có khác gì xưa! Nước chảy qua cầu lịch sử, nào Duy Tân, nào Cần Vương rồi Đông Kinh nghĩa Thục với bao đấng tiên liệt: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Thái Phiên, Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái... đến Nguyễn Thái Học, Xứ Nhu, Phó Đức Chính... của Việt Nam Quốc dân Đảng người thì khóc thương đất Việt máu hòa nước mắt, người bị chém đầu hiên ngang đòi được ngửa mặt nhìn bầu trời tự do lồng lộng và ngắm lưỡi dao máy chém ở giây phút cuối đời, người nổ tiếng bom rền trời Sa Điện rồi tuẫn tiết dưới lòng sông Châu cuồn cuộn... nhưng vẫn không làm thay đổi được số phận của đất nước lầm than.
Chỉ đến khi có Đảng cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng lao động Việt Nam và Đảng cộng sản Việt Nam với lời hứa hẹn “vàng son không có thật” mới làm được chuyện đổi đời cho Tổ quốc. Mùa thu năm 1945, mùa thu bất diệt ghi dấu ấn vàng son vào lịch sử Việt Nam, đất nước có hình hài nhưng chưa có tên in trên bản đồ thế giới. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cùng với bài Tiến Quân Ca hùng tráng đi vào 9 năm kháng chiến trường kỳ. Với mười mấy năm chống Mỹ, một lần nữa Đảng lao động Việt Nam lại ghi vào sử sách một dấu son chói lọi: giang sơn thu về một mối, thống nhất vẹn toàn. Nỗi vui mừng của toàn dân không sao tả xiết và lòng dân biết ơn Đảng và Bác Hồ là vô bờ.
Đáng lẽ những người lãnh đạo Đảng nắm lấy thời cơ ngàn năm có một này cùng với 2 Đảng anh em là: Đảng dân chủ Việt Nam và Đảng xã hội Việt Nam, các nhà trí thức, các nhà khoa học và các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, một khối trí tuệ, một khối kiến thức khổng lồ về Đông - Tây - Kim - Cổ cùng ngồi vào một chiếu bàn kế sách xây dựng đất nước sau chiến tranh. Một Đảng sáng suốt, một khối đoàn kết toàn dân; Công - nông - binh và trí thức một lòng, một dạ gắn bó với Đảng suốt hơn nửa thế kỷ thì khó khăn nào không vượt qua, trở ngại nào không khắc phục để đến nỗi 25 năm trong hòa bình mà số liệu mới nhất trong 55 nước nghèo nhất của thế giới thì Việt Nam vẫn đứng ở thứ 48. Đáng lẽ phải dân chủ cùng trí tuệ toàn dân bàn bạc điều chỉnh lại mục tiêu của cách mạng, rà soát lại chủ nghĩa Mác - Lê điều gì còn hợp với thực tiễn của Việt Nam thì vận dụng, điều gì không còn thích hợp lạc hậu với thời đại thì phải kiên quyết cắt bỏ. Thế mà những người lãnh đạo lúc bấy giờ vẫn mắc cái bệnh kinh niên muôn thuở là “bệnh kiêu ngạo cộng sản” mục hạ vô nhân nhìn thiên hạ không thấy người. Chính Lê - Nin nói “bệnh kiêu ngạo Cộng sản” là bệnh tởm nhất trong các bệnh. Các Mác là tổ sư của chủ nghĩa Cộng sản, của lý luận Cộng sản, chữ nghĩa đầy mình mà cũng chỉ dám khiêm tốn: Chủ nghĩa Mác “là những gì người ta sẽ có thể tin”! hoặc: Tư tưởng của Mác về tính tất yếu lịch sử đồng thời cũng là tư tưởng về “khả năng lịch sử! Điều này cũng có nghĩa là Mác không phải là một nhà triết học theo “quyết định luận”. (Mác, nhà tư tưởng của cái-có-thể (le possible)!). Cái XHCN của Mác kể cả cái CSCN của Mác mà còn đặt tên “Vương quốc tự do” cũng chỉ là một xã hội dự đoán trong tương lai, còn dò dẫm, chưa ai từng thấy nó, chưa ai từng đi tới đó bao giờ!...
- Các văn bản của Mác không hề có từ “qui luật của lịch sử”!
(Theo tiến sĩ Michel Vadée, giáo sư triết học) thế mà các vị đệ tử sau Mác hàng trăm năm liệu có bằng cái lông chân của Mác không, mà dám khẳng định (positif) cái mà Mác cũng chưa dám khẳng định. Sau khi Liên Xô và các nước CNXH Đông Âu sụp đổ, Đảng đàn anh Trung Quốc cũng đã đổi giọng là “giai đoạn quá độ CNXH phải trải qua hàng trăm năm” hoặc “có thể có CNXH phải phấn đấu vài chục đời con cháu hoặc vài trăm đời con cháu” theo tiến sĩ Thẩm Kỳ Như. Vậy xin hỏi mấy ngàn năm nữa cái đích cuối cùng là Chủ Nghĩa Cộng Sản sẽ có mặt trên đất nước Việt Nam!... Khi bàn bạc dân chủ, có ý kiến đúng, có sai, nhưng ai dám tự vỗ ngực cho mình là “thiên kinh, vạn quyền” trên tường thiên văn, dưới thông địa lý, lý luận Mác - Lê chưa đầy lá mít đã tự coi mình là vô địch, là không còn gì phải bàn và không cho phép ai được bàn. Giỏi và danh tiếng như Khổng Khâu thì trong thiên hạ Hạng Thác là vô số. Giỏi như Mác - Lê, nhưng Mác - Lê có người học trò xuất sắc vượt qua cả thầy lại chính là Hồ Chí Minh. Khi còn sống, Hồ Chí Minh khi viết vẫn nhắc đến lý luận Mác - Lê nin. Nhưng phải đến khi Hồ Chí Minh từ biệt cõi đời này, Hồ Chí Minh mới nói hết với con cháu, với chúng ta là cái gì Người cần ở Mác - Lê nin và cái gì Người khéo léo không theo Mác - Lê nin. Căn cứ vào di chúc của Người. Trước khi Người đi xa, Người vẫn lạc quan “nói vui” là Người về với Mác - Lê nin, về với thế giới người hiền. Vì Người vô cùng biết ơn Mác - Lê nin là người thầy đầu tiên vạch cho Người con đường giải phóng dân tộc, giải phóng Tổ quốc của Người. Nhưng cái đích cuối cùng của Mác-Lê nin Người không hề nhắc đến Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản của Hồ Chí Minh chính là: Hòa bình - Thống nhất - Độc lập - Dân chủ và Giàu mạnh. Đó là một xã hội vận dụng sáng tạo rất Mác-Lê nin nhưng không giống cái xã hội cộng sản chủ nghĩa lý thuyết của Mác-Lê nin. Cái xã hội mà:
Cuộc sống như thần tiên.
Người ngợm như thánh hiền.
Của cải như không khí.
Mấy câu thơ trên chính là xã hội cộng sản chủ nghĩa của Các Mác mà Mác còn gọi là “Vương quốc của tự do”. Giá mà đất nước ta có cơ quan thăm dò dư luận như Viện Ga-lớp của Mỹ hoặc trưng cầu của dân ý xem 80 triệu nhân dân Việt Nam theo con đường của Hồ Chí Minh hay của Các Mác. Vì cái xã hội của Hồ Chí Minh là cái xã hội có thực, sờ mó được, làm được. Còn cái xã hội của Mác-Lê nin là xa vời, là không tưởng!
Bây giờ chúng ta lại phải đặt câu hỏi vì sao các vị lãnh đạo lại kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê nin đến vậy? Tóm lược toàn bộ học thuyết của Mác là “Công hữu” (trong tuyên ngôn cộng sản và cả thư của Các Mác gửi Veydemeyer)
Một thời người ta dùng “công hữu” lương thực và thực phẩm, tức là dùng “miếng ăn” để nắm nhân tâm, nắm thiên hạ. Thậm chí có cán bộ tuyên huấn ngu dốt và láo xược đến nói chuyện ở một buổi thời sự của Cựu chiến binh. (mà người viết bài này trực tiếp nghe) đã nói như sau để chửi bóng gió những cán bộ lão thành cao cấp có những ý kiến “ngược”: “có những kẻ ăn cơm của Đảng, mặc áo của Đảng, đi xe của Đảng, ăn lương của Đảng mà lại “chống Đảng”! Tôi không bình gì về cái lời bẩn thỉu này.
Bây giờ miếng ăn không còn nắm được nữa và cũng là chuyện vặt, họ quay sang nắm cái “công hữu” lớn hơn: đất đai, ruộng đồng, nhà cửa, các dự án đầu tư, đấu thầu độc quyền xuất nhập khẩu, cấp hộ chiếu xuất khẩu lao động và du lịch... Cái bùa “công hữu” của Mác linh thiêng lắm, họ đâu dám rời nó. Vì rời nó là mất ghế, mà mất ghế thì có nghĩa không tất cả: không ô tô, nhà lầu, không đô la gửi ở các nhà băng nước ngoài... “Công hữu” chính là “Con bài tẩy” của canh bạc chính trị và học thuyết. Nguồn gốc của chống đa nguyên, đa đảng, chống tự do báo chí, tự do ngôn luận, cấm hội thảo, đối thoại, từ chối tổ chức hội nghị “Tiểu Diên Hồng” để toàn dân góp ý cũng là bảo vệ cái anh “công hữu” này đây! Gần đây có mấy bài phát biểu của mấy ông cộng sản đàn anh: Chu Dung Cơ, Lý Thụy Hoàn mới thấy ngay mấy ông ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc cũng chán ngán chế độ “độc đảng”, chế độ XHCN chế độ dân chủ giả hiệu... lắm rồi. Các ông ấy chẳng cần phải phát biểu theo khuôn phép của Bộ Chính Trị, nói thực lòng mình cùng nhân dân Trung Quốc. Đã đến lúc không còn độc quyền mãi được trong lý luận triết học, trong khoa học kỹ thuật, trong đường lối chính sách và nhiều mặt khác trong quốc kế dân sinh, các nhà lãnh đạo đă chấp nhận tổ chức đối thoại với các ý kiến thuận nghịch với các quan điểm ngược cho toàn dân. Bước đầu nếp sinh họat dân chủ đã nhích lên một chút nhưng vẫn còn nằm trong dự kiến. Thôi thì cây hoa “dân chủ” đã chớm có nụ, ta mừng nụ. Hy vọng ngày gần đây có hoa, ta lại mừng hoa.
Với phương hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp được xếp vào mặt trận hàng đầu, tôi người viết bài này cũng vốn là một nông dân xin góp đôi ba dòng nói lên những suy nghĩ về: Nông dân - nông thôn – nông nghiệp.
Công cuộc CCRĐ như một cơn cuồng phong dữ dội tràn vào làng quê bình yên Việt Nam, không chỉ phân hóa giữa giai cấp địa chủ và nông dân, mà còn làm đảo lộn đạo lý nhân hậu, nghĩa tình nơi thôn xóm, làm thay đổi nếp làm ăn tuy còn lạc hậu nhưng cũng còn bằng năm, bằng mười cái hợp tác xã như đã làm. Suốt mấy ngàn năm kể từ hàng ngàn năm Bắc thuộc, qua bao triều đại phong kiến rồi thuộc địa vô cùng hà khắc, nông thôn luôn biến động theo thời cuộc: thời của minh quân, minh chủ thì no ấm thanh bình, âu ca hoan lạc, thời hôn quân, bạo chúa, ác bá cường hào thì muôn vàn khốn khổ đói rách vì sưu cao, thuế nặng. Gặp khi thù trong nổi dậy, giặc ngoài xâm lăng lại cùng minh vương, minh tướng xả thân cứu nước giữ yên bờ cõi, bảo vệ xóm làng qua bao triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê - Nguyễn biến đổi thăng trầm nhưng chưa bao giờ có chuyện trước hàng nghìn, hàng vạn con mắt nhìn vào mà con túm giật râu bố, vợ xỉa xói đấu tố chồng, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, đùm bọc quấn túm không hề có thù hận bỗng dưng đặt điều điêu ngoa cắn xé lẫn nhau gây ra bao nhiêu đổ vỡ, gia đình ly tán... kể từ Đức Tổ Hùng Vương chưa thời nào có chuyện bạo ngược vô luân thường, đạo lý đến vậy! Sau cái màn bi kịch đấu tố nhễ nhại, mới hôm qua được chia vài sào ruộng với một góc trâu chưa kịp làm ăn tự do, thơ thới thì... hôm sau lại thu ngay nhập vào hợp tác xã. Thay vào thằng địa chủ, cường hào túm đầu, túm cổ làm khổ dân cày lại là mấy “ông đầy tớ” chủ nhiệm và ban quản trị hợp tác xã. Thật là “ghét của nào trời trao của ấy”, đã tưởng thoát kiếp chị Dậu năm nào lại rơi vào “đêm ấy đêm gì”? của Phùng Gia Lộc. Vẫn tiếng trống thúc thuế liên hồi, năm xưa thì một lũ “Khuyển ưng” Kẻ tay đao, người nách thước thì nay là mấy chú dân quân hùng hùng, hổ hổ K44 lăm lăm. Trước kia thì cùm chân tại sân đình để thỏa lòng bọn ác bá thì nay bị trói giật cánh khuỷu trước cửa trụ sở ủy ban và Đảng ủy quan chiêm. “Đầy tớ” thì cưỡi Pha-vô-rít, đít đeo ô-ri-ông-tông hò hét tăng cường sản xuất, một ngón tay cũng không dính bùn mà nhà cửa, vườn riêng thì cứ cao mãi, rộng mãi. “Ông chủ” thì một nắng, hai sương dầu dãi, công điểm dăm ba lạng thóc. Thế là kẻ nào có tí vốn còm thì bung ra chạy chợ, người không còn gì để bấu víu thì được cấp cái giấy “chứng nhận được phép đi ăn mày” có dấu đỏ hẳn hoi để ra Hà Nội và các tỉnh ăn xin độ nhật. Kể chuyện cũ không phải là để cười ra nước mắt vì cái giấy chứng nhận “độc nhất vô nhị” trên thế giới Đông, Tây, Nam, Bắc chưa có bao giờ!... Xin đừng trách tôi chuyện cũ đã qua rồi xin đừng nhắc lại mà đau lòng, mà làm ai đỏ mặt. Vậy sao năm 45 cách mạng oai hùng, mùa thu tháng tám rồi Điện Biên chấn động địa cầu đã nửa thế kỷ trôi qua vẫn kể công đỏ thắm từng hàng trên báo có. “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” lời xưa các cụ dặn lại con cháu há quên sao?
Vết thương tay trái chém vào tay phải đã lành nhưng còn vết sẹo. Ngày hôm nay ta tĩnh trí lại để đánh giá “lũ địa chủ” ngày ấy tưởng cũng không là vô ích nếu còn coi “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”.
Địa chủ hàng trăm, hàng ngàn mẫu đó là chuyện ở Liên Xô, Trung Quốc hoặc các địa chủ Bạc Liêu, địa chủ Cần Thơ, của chú Hỏa... kẻ hèn này chỉ nghe danh mà chưa kiến kỳ hình. Còn ngoài Bắc, có dăm ba cái như đồn điền Chu Văn Luận, Phạm Lê Bổng, Gauthier... mà kẻ hèn này có qua thì gọi là trăm mẫu nhưng núi đồi lau lách cũng quá nửa. Còn lại có dăm, ba mẫu tới vài chục mẫu thì quả nơi nào cũng có. Việc người ta chiếu phim “Bạch Mao Nữ” có địa chủ Hoàng Thế Nhân, một loại địa chủ sừng sỏ của Trung Quốc tàn ác, đểu giả có lẽ không một làng xã nào của miền bắc là không được xem. Không hiểu sau khi giải phóng miền Nam, nông dân miền Nam có được “nếm” bộ phim này không? Hồi đó khi xem, bộ đội, nông dân khóc nức nở đã đành. Công nhân và dân thị thành xem cũng đầm đìa nước mắt thương xót cho số phận nàng Hỉ Nhi và căm giận tên địa chủ Hoàng Thế Nhân đến thấu xương. Giai thoại kể rằng: Có anh bộ đội nào đó đã thể hiện lòng căm thù bắn cả một loạt tiểu liên vào tên Hoàng Thế Nhân trên màn ảnh, chằng hiểu có thật hay không mà truyền miệng để mọi người nêu cao ý chí căm thù. Bộ phim đã rất thành công nên cứ nói đến 2 chữ địa chủ thì dù địa chủ chỉ có dăm ba mẫu cho đến vài chục mẫu mà bị đem đấu tố là lớp người “cuồng phim” nghĩ ngay đến hình ảnh Hoàng Thế Nhân, họ hăng hái, họ căm thù đấu tố thật lòng. Họ cũng hò, cũng thét khi thấy tên địa chủ run rẩy van lạy một bà nông dân trẻ ranh và nói: “Bẩm bà, năm ấy bà vẫn còn nằm trong bụng mẹ làm sao con cưỡng hiếp bà được!” Thế nhưng tiếng “Đả đảo địa chủ” vẫn cứ vang lên không dứt. Chỉ tội cho những tên địa chủ, dù to, dù nhỏ cũng đều được đối xử “bình đẳng” như Hoàng Thế Nhân cả. Vâng! Tội ác tầy trời của địa chủ báo chí, đài phát thanh nói quá nhiều rồi có lẽ chẳng cần nhắc lại mối thù muôn đời, muôn kiếp không tan này! Nhưng có một tài của địa chủ (nghe đến đây có thể có vị nào nóng mặt sẽ quát: Địa chủ mà có tài ư?... ) Vâng xin ngài bình tâm để cho tôi “chạy tội” hộ họ. Nếu người nào tự vỗ ngực là rất hiểu về nông thôn những năm dưới thời Pháp thuộc thì đâu có phải địa chủ nào cũng nhà cao cửa rộng, lên xe xuống ngựa như những: Nghị Quế, Bá Kiến, Lý Kiên... hay như những địa chủ Bạc Liêu, Cần Thơ đốt tờ bạc 5$ (số tiền đong được gần 2 tạ gạo đấy) để cho người đẹp nhặt đồng 5 xu đánh rơi.
Đa số địa chủ là thế này đây: Cuối năm chum vại rửa sạch xếp ra mươi chiếc. Tát ao bắt cá ăn tết, còn phần lớn ướp muối làm chượp nấu mắm. Mùa đỗ tương, mùa tôm tép rộ giá rẻ làm tương, làm mắm. Ao sâu thì thả muống, vũng nông thì reo cần, vừng, muối thì nhằm lúc giá rẻ nhất mua vào, tất cả chỉ tính toán cái ăn cho thợ khi mùa cày, mùa cấy, mùa gặt năm tới. Thóc thì trữ sẵn thứ thóc chiêm đỏ sẫm (chiêm chanh hay chiêm bầu gì đó lâu ngày không nhớ có thể chính xác) ăn chắc dạ no lâu. Tối đến đôn đốc kẻ ăn người ở kiểm tra trâu vào chuồng, gà vào ổ, cám bã cho lợn. Đêm nằm chưa yên còn suy tính thửa 5 sào thôn Đoài đất thịt nặng vai cày, lấy trâu đực đầu đàn cùng lực điền nào khỏe. Mảnh 2 mẫu giáp sông đất sa bồi tới xốp đưa con trâu cái 2 tuổi với ông thợ cày gài là tạm ổn. Bữa cơm mang ra đồng cho thợ và trâu hết công tròn buổi, thả trâu nghỉ ăn cơm thì việc đã hòm hòm. Cứ như thế địa chủ Việt Nam cha truyền con nối quản lý đất đai, đồng ruộng của tổ tiên để lại bền vững trải qua hàng ngàn năm, đã sản sinh ra vua giỏi như: Lê Lợi, Quang Trung, tôi hiền như: Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, anh hùng khởi nghĩa có Nguyễn Danh Phương, Nguyễn Hữu Cầu... cùng bao Tiến Sĩ, trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn... tài tử, danh nhân thời nào cũng có.
Ta thử nhìn sang Liên Xô, đất nước của “vị sư tổ Lê Nin” nông trường, nông trang mới có 70 năm lăn đùng ra giãy chết. Nhìn sang “vị sư huynh Mao sếnh Sáng” công xã nhân dân với Đại Trại anh hùng ngắc ngoải lìa đời, Nghe đâu ở Bắc Triều Tiên dưới thời cha con Kim tướng quân vĩ đại theo mô hình anh cả để đến nỗi CNXH thiên đường mà có hàng triệu người chết đói. Còn ở tận vịnh Ca- ra- íp xa xôi nửa vòng trái đất, đất nước Cu Ba xinh đẹp giàu có là thế cũng “bập” vào trò làm chủ tập thể nông thôn mà trẻ em trên 6 tuổi không biết mùi quả trứng. Gạo tháng dăm cân độn cùng chuối xanh và sắn. Còn Việt Nam ta đi vào cải tạo và phát triển nông thôn vì một học thuyết đấu tranh giai cấp mà quên đi một điều tưởng giản đơn ông cha dặn lại: “Dụng nhân như dụng mộc!” Người bần cố nông sống nghẽo khổ một tấc đất cắm dùi không có, cái cày, cái cuốc cũng không chứ chưa nói đến có một con trâu, con bò. Hàng ngày cam chịu cái kiếp làm thuê lao động cơ bắp, hàng trăm năm vẫn là con trâu đi trước cái cày. Tôi là một nông dân nên không hề có ý định đánh giá thấp người nông dân, nhưng đánh giá vai trò của họ phải hết sức khách quan và khoa học. Bao đời nay người dân cày nghèo hiền lành, chất phác, trung thực, lam làm có nhược điểm chung là không được học hành và do không được học hành thường kèm theo tính tự ty hoặc ít hoặc nhiều, hiểu biết xã hội tầm nhìn không vượt qua lũy tre làng, Mọi biến cố xã hội, vận nước hưng vong ít tác động vào tầm suy nghĩa của họ nơi thôn dã. Khi giặc Pháp xâm chiếm 6 tỉnh miền Nam, nông dân Nghệ An, Thái Bình... đâu có biết và cần biết. Việc Hoàng Diệu tuẫn tiết khi giữ thành Hà Nội, Phan thanh Giản uống thuốc độc tự tử vì cái hèn nhượng đất họ cũng chẳng quan tâm. Chỉ có khi nào bị áp bức, bóc lột tàn tệ, đối rét cơ hàn lại gặp lúc một lãnh tụ nào hưng binh, tụ nghĩa là họ vùng lên chiến đấu dưới cờ. Lãnh tụ thì cần mưu đồ vương bá, còn nông dân cần đổi đời áo ấm, cơm no. Họ cũng chẳng phân biệt phong trào Duy Tân, Cần vương hay Đông Kinh nghĩa thục. Chính ở điều này ta mới thấy sự tài tình nắm bắt thời cơ vận động tuyên truyền cách mạng rộng khắp tới nông dân của Đảng cộng sản Đông Dương qua mặt trận Việt Minh. Năm 1945, người nông dân nhất tề đứng lên theo Mặt trận Việt minh, theo Hồ Chí Minh với Việt Nam dân chủ cộng hòa, với Độc lập tự do hạnh phúc “Người cày có ruộng”.
CCRĐ thổi vào nông thôn một luồng gió mới phẩn khởi, đổi đời nhưng màn bi kịch của nông thôn cũng bắt đầu từ người bần cố nông lên nắm chính quyền. Việc người bần cố nông lên nắm chính quyền là hoàn toàn xứng đáng, hoàn toàn chính xác vì họ là chủ lực quân của cuộc cách mạng này. Hồi đó có những “thuyết” rất là bất thành văn, “thuyết cán bộ cách mạng như con dao pha làm gì cũng được” hoặc là “thuyết ba anh thợ da thành Gia Cát Lượng” của Mao chủ tịch, cứ đồn vậy chẳng hiểu có đúng không? Nhưng nếu quả thật “thuyết ba anh thợ da... ” của Mao chủ tịch thì đúng là giữa một thiên tài với kẻ ngu xuẩn chỉ cách nhau sợi tóc, vì đã là lãnh tụ nói là tuyệt đối đúng đua nhau nói theo như những con vẹt mà người ta quên rằng dù nghĩa đen hay nghĩa bóng thì “ba anh thợ da thì chỉ trở thành tên đồ tể giết lợn, giết bò hoặc anh thợ đóng giày” chứ sao dám sánh, dám trở thành nhà chỉ huy chiến lược thiên tài như Gia Cát Lượng. Cái bộ ba: Đảng - Hợp - Chính Quyền (Đảng ủy - Hợp tác xã - Uỷ ban) là những người bần cố nông khả năng chỉ có thể chăm lo cho dăm ba sào ruộng với lao động cơ bắp đi theo sau con trâu và cái cày bỗng nhiên được giao cho quản lý vào trăm mẫu ruộng, hàng trăm con trâu. Quyền chức thì to nhưng nằm nghĩ suốt đêm cũng không hình dung nổi quản lý và điều hành sản xuất một mô hình đồ sộ mà suốt đời không mơ tới. Thế là cái bộ ba trên cứ nghĩ rằng biến những suy nghĩ dốt nát của họ thành những nghị quyết của đảng cứ thế mà đẩu mạnh sản xuất. Chẳng chịu học hành, tự bồi dưỡng kiến thức quản lý nhong nhong xe đạp hết họp huyện lại họp xã. Để tỏ ra sản xuất nông nghiệp hiện đại, thế là cây đa đầu làng được treo cái kẻng để cho xã viên sáng bạch canh mới vác cuốc ra đồng. Cứ năng nổ trong mò mẫm trở thành công thức. Nhiệt tình cách mạng cộng với ngu dốt thành kẻ phá hoại. Họ là những nông dân hiền lành, họ không định phá hoại ai cả mà cấp trên của họ mới là tác nhân phá hoại nền sản xuất nông nghiệp bằng cách tiêu diệt những người quản lý giỏi ở nông thôn chính là những người bị quy tội là địa chủ lớp người có từ dăm ba mẫu ruộng có kiến thức quản lý, cùng tham gia lao động chân lấm, tay bùn, mà mức sống ở nông thôn nhọc nhằn cũng không hơn họ là bao. Tôi còn được biết rất cụ thể một địa chủ ở tỉnh Hà Nam cũ có một đồn điền trong vùng rừng núi đầy sim mua, lau lách, nghĩa là mới mua chừng dăm năm chưa kịp khai thác, còn bỏ hoang hóa vì chủ của nó là một công chức hạng trung ở thành phố thì cách mạng tháng tám và kháng chiến. Bỏ thành phố theo kháng chiến ông về cái đồn điền hoang dã chưa có nông dân để mà thu tô bóc lột. Và ông có 4 người em ruột tham gia quân đội ngay từ những ngày đầu cách mạng (trong đó có 3 đảng viên và 1 liệt sĩ). Trên đất đồn điền của ông có một cái hang rất rộng lớn, năm 1947 cả một nhà máy sản xuất súng Ba - Dô - Ka chống xe tăng của ngành Quân giới đặt ở trong hang, nhà ở cho công nhân quốc phòng và ban chỉ huy làm trên đất của ông (tên cái hang này được ghi trong quyển lịch sử Quân giới của Quân đội nhân dân Việt Nam). Đến CCRĐ, ông bị bắt rồi trốn thoát về Hà Nội. Rất tình cờ một lần trở về cũng rừng núi đó, đồn điền lau lách của ông đã trở thành một thôn trù phú của dân di cư từ xuôi lên. Và cũng rất tình cờ khi ăn cơm ở nhà một người bạn bộ đội cũ trên mảnh đất ấy, tôi hỏi một lão nông dân chừng 74, 75 tuổi là: Cụ có biết ông cụ B và ông con trai là Ng, chủ đồn điền này không? Ông cụ trả lời “Cụ B thì già quá nên trở về Hà Nội còn ông Ng vẫn ở lại với kháng chiến vì lúc đó ông còn 3 người em ruột ở bộ đội. Khi nhà máy ở đây, vì hoàn cảnh tản cư ông ấy cũng chẳng giàu có gì nhưng cũng hết lòng ủng hộ nhà máy và anh em công nhân. Khốn nạn đã có mấy mảnh ruộng mà phát canh thu tô đâu, toàn lau lách cả có như bây giờ đâu. Khi CCRĐ ông ấy bị dân quân bắt. Tôi thấy từ cụ B với ông Ng là dân thành thị về đây chả làm điều gì ác với ai cả, nên đêm hôm sau tôi lẻn vào cởi trói cho ông ấy trốn. Còn lúc ấy họ cũng bắt tôi tố ông ấy đôi điều, bây giờ già rồi tôi thấy mình có lỗi nhưng họ ép tôi không tố không được. Nếu có điều kiện ông gặp ông Ng, ông nói giúp tôi đôi lời... ” Vâng, tôi sẽ nói với cái ông Ng đó, cái ông già Ng năm nay 83 tuổi sống nghèo khổ, sống trong một căn nhà nhỏ gần Bảo tàng của Cụ Hồ. Địa chủ cũng dăm bảy loại địa chủ, nhưng đa số địa chủ Việt Nam có tấm lòng với kháng chiến, với Cụ Hồ như vậy đấy, sao nỡ đang tâm mà tiêu diệt!...
Lại trở lại với bộ ba: Đảng - Hợp - Chính. Kết quả sự yếu kém trong lãnh đạo và quản lý của họ, họ đã làm cho những người cùng giai cấp vừa được chia nhà, chia sân của địa chủ thì chỉ năm sau lại dỡ ngói, nậy gạch sân để bán chống đói.
Đến khi họ bập bẹ hiểu biết đôi chút về quản lý nông nghiệp thì căn bệnh thâm căn cố đế của anh tiểu nông là tư hữu trỗi dậy, họ nghĩ đủ mưu mẹo để ăn bớt, ăn xén để chiếm đoạt công sức của xã viên.
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho quản trị xây nhà, xây sân.
“Làm thì ngắn, cắn thì dài”, họp to: ăn, họp nhỏ cũng: ăn, tổng kết cũng: ăn. Thế là trại lợn tập thể của hợp tác xã biến thành “chùa” để xuất “lợn chùa”.
Bộ ba: Đảng - Hợp - Uỷ ban
Mỗi lần họp bàn, lợn lại chết theo.
Cứ thế những chùm ca dao dân dã chua cay chẳng làm động lòng thiên đình. Dân thì không dám nói, vài anh hơi cứng đầu đấu tranh thì lũ cường hào mới đưa ra con ngoáo ộp “chống Đảng, chống chính quyền” lăm lăm cầm 2 thanh gươm: 49NQ/TVHQ và 31/CP-1997 sẵn sàng đâm chém đã làm sờn lòng không ít nguời dũng cảm và làm khiếp đảm dân lành. Cánh cửa “Dân chủ” mà Hồ Chí Minh hứa với toàn dân từ buổi đầu trứng nước của cách mạng cứ bị khép chặt dần.
Có thể cách đây hơn 80 năm, trong một bối cảnh nào đó vị lãnh tự kính yêu của giai cấp công nhân Liên Xô trong không khí chan hòa giữa vị chỉ huy tối cao với những người thợ bình thường, Người cảm thấy “dân chủ quá” so với thợ thuyền Châu Âu cùng các ông chủ tư bản của họ nên LêNin nhân cái dân chủ của LêNin lên gấp “một triệu lần”. Trong cơn ồn ào và hứng khởi của chính trị, LêNin nói bốc đồng một chút cũng chẳng sao và tất nhiên một người thông minh và vĩ đại như LêNin không thể hiểu dân chủ chỉ giản đơn có vậy, hình ảnh lãnh tụ vỗ vai thân mật với người thợ bình thường là dân chủ rồi, là tuyệt vời rồi, nhưng ngày hôm nay nói đến “một triệu lần dân chủ” hơn chủ nghĩa tư bản thì hơn 6 tỷ người trên thế giới dù lịch sự cũng không tránh khỏi nụ cười mỉa mai tế nhị vì cái thành ngữ lố bịch này!.
Tiện đây xin trích một đoạn trong bài diễn thuyết dài 22 trang với nội dung: Nghị quyết Trung ương 4 một nghị quyết rất quan trọng về kinh tế trong thời kì đổi mới tháng 1 - 1998 của ông Hữu Thọ, Trưởng ban tư tưởng - văn hóa Trung ương Đảng:
“...Ba là, quyền làm chủ của nhân dân không được phát huy. Khẩu hiệu: “Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra” được nêu từ đại hội VI năm 1986 đến nay là 11 năm mà chưa được cụ thể hóa. Dân được biết thì được biết cái gì, Dân được bàn thì bàn cái gì, Dân làm có lẽ là rõ, còn Dân kiểm tra thì kiểm tra cái gì, kiểm tra ai, kiểm tra theo cơ chế nào. Sau 11 năm, khẩu hiệu ấy đến nay về cơ bản vẫn nguyên là khẩu hiệu, chưa có một cơ chế thực hiện. Chưa có cơ chế thì Dân chưa được làm chủ...!”
Đọc xong mới thấy ông Hữu Thọ đã nêu nổi bật được cái “tài tình” của những người lãnh đạo Đảng. Cứ hứa cho đi và chẳng cho gì cả. Vấn đề “dân chủ” Đảng hứa cho trong cương lĩnh từ những năm 1930 và năm 1945 cướp được chính quyền lại long trọng “hứa” cho “Dân chủ” và khi thấy Dân quá hiểu cái “Dân chủ” kiểu giả vờ nên năm 1986 lại một lần nữa toàn Dân lại được ban cho “Dân chủ”. “Dân chủ” lần này “nặng ký” hơn và thống thiết hơn, dài dòng hơn: “Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra”. Bạn đã được xem cái tinh quái của anh xà ích đánh xe ngựa chở hàng hóa nặng bao giờ chưa? Muốn ngựa chở nặng đi được xa mà lại tiết kiệm được cỏ tươi và thóc ngựa, anh ta treo bó cỏ tươi và giỏ thóc ở càng xe cạnh mồm con ngựa. Khốn nạn cho con ngựa, vai thì kéo nặng, mồm thì dây cương hàm thiếc có cỏ tươi và thóc đầy cách có gang tấc, cố dướn mà kéo, mà hi vọng. Hoặc khi bạn đang túng cần vay tiền được ông chủ hứa cho vay 50 triệu. Từ khi ông ấy hứa đến bây giờ đã 11 năm rồi (nếu tính đến năm 2000 thì 13 năm) mà ông ấy vẫn chưa đưa tiền. Nhưng không thể để mất lòng ông ấy, vợ chồng bạn vẫn phải “tung hô” ông ấy, hàng năm vẫn “sống tết, chết giỗ” và 13 năm trôi qua ông ấy thì chưa chết nhưng vợ chồng bạn vẫn chưa “ngửi” thấy tiền! Tuyệt đấy! Dựa vào câu nói của ông Hữu Thọ, bạn nào là nhà văn bịa ra được khối chuyện hay chẳng kém gì Ê-Dốp và La-Phông-Ten
Cô Bê - Rét đầu mang liễu sữa
Kê đệm bông đội giữa đỉnh đầu
Bài thơ dài của La-Phong-Ten cách đây dễ đến 60 năm rồi vẫn văng vẳng bên tai để nói với tôi những cái mộng mơ, hão huyền của một thời thơ dại!
Đất nước có nhiều biến đổi trong quản lý và phát triển, nhưng yêu cầu về dân chủ vẫn là nỗi nhức nhối với mọi tầng lớp. Tôi lại trích mấy dòng trong bài: “Dại khôn Nguyễn Khải” của Nguyễn Đăng Mạnh đăng ở báo Văn nghệ ngày 27/5/2000: cách đây vài chục năm có một vị đàn anh trong nghề dạy tôi thế này: Chúng ta là những con chuột, muốn an toàn phải đào nhiều hang. Mất hang này ta chạy vào hang khác. Nguyễn Khải có cái hang sáng tác, có biến anh chui tọt vào ngay... Lý ra thì người viết thì chả ai phải đào cho mình cái hang sáng tác. Nhưng đào có dễ đâu...! Ôi chao! Cái nghề “văn” là một trong những nghề cao quý mà cái vị đàn anh vào ví các nhà văn như những con chuột, viết thì phải “lách”, nhỡ có “biến” thì phải chui tọt vào lỗ ngay. Nghe lời khuyên này ta chợt nhớ cái nước nào mà có một câu nói cũng nổi tiếng: “Nghe thấy hai chữ văn hóa là ta đã phải nắm ngay lấy khẩu súng lục...” Một đất nước có triệu lần dân chủ, có điều 69 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 1992) ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Và là nước đã kí vào công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị của con người năm 1982:
- Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận: quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý tưởng, không phân biệt danh giới hoặc bằng lời nói, hoặc bằng bản viết, bản tin hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ một phương tiện nào khác, tùy sự lựa chọn của họ. (Điều 19) Hiến pháp của nhà nước thì rành rành như vậy mà ông nhà văn đàn anh khuyên ông nhà văn đàn em trong dáng rác liệu đào nhiều lỗ khi có “biến” thì chui tọt vào. Vấn đề trên lại đưa vào lúc Đại hội VI nhà văn diễn ra năm 2000 thành công tốt đẹp thì ai là người còn chút lòng tự trọng, còn chút liêm sỉ cũng phải lắc đầu, đỏ mặt. Nhưng cũng xin nhắc ông Nguyễn Đăng Mạnh và cả ông Nguyễn Khải nữa chớ có chủ quan, ở nước ta chưa từng có “con chuột” nào gây “biến” mà trốn thoát đâu. Một lỗ chứ trăm lỗ cũng chạy đằng trời. Liệu các ông có giỏi bằng Salman Rushdie tác giả của “nhưng vần thơ của quỷ sa tăng” không?
Chỉ có tự do – Dân chủ thực sự thì chả ai phải đào cái lỗ nào để chui cả, nếu không thì thân phận của dân tộc cũng chẳng khác gì lúc chim cảnh được chuyển từ cái lồng sắt đen sì của chế độ thuộc địa sang cái lồng sơn son thiếp vàng lòe loẹt. Ngạn ngữ cũng đã có câu “Cái lồng đẹp không nuôi sống được con chim!”. Chả lẽ cả một dân tộc đi xuyên suốt một chặng đường dài máu lửa để được đổi từ cái lồng này sang một cái lồng khác hay sao?...
Thân phận tôi chỉ là một chiếc lá nhỏ trong hàng triệu triệu chiếc lá của cuộc đời này xin được góp một tiếng rì rào qua kẽ lá và rất mong được gửi tới các vị sĩ phu câu danh ngôn để kết thúc bài viết còn rất nhiều thiết sót và nông cạn này.
“Kẻ nào không lớn tiếng gào lên sự thật khi mình biết rõ sự thật... là đồng lõa với bọn giả mạo, bọn dối trá, bọn lừa bịp!”.
Pê – Guy
Hà Nội, ngày đầu thu năm 2000
Lê Quang
“... Với bộ máy công quyền quan liêu và xa rời lợi ích của dân thì dân chủ không từ trên trời rơi xuống và cũng đừng bao giờ chờ đợi ở một đấng quyền năng nào ban cho...”
V.C.Q