Đôi Gi Đá

     t lâu nay, có một loài lạ lạc vào vườn. Anh chim Sẻ xưa nay vẫn to hó đứng trong đầu nhà, kêu tẹc tẹc không được điềm tĩnh và đều đặn như mọi khi. Ra vẻ thảng thốt. Như thể lo rằng có những kẻ lạ nào đương dò dẫm, tìm kiếm nơi ăn chốn ở trong vườn nhà mình.
Quả đúng như nỗi lo của Sẻ.
Có hai con chim Gi Đá, mấy bữa rày thường lai vãng đến vườn. Chúng nhấm nhoắt chuyền từ cây bưởi sang cây khế, đến cành hồng bì. Sẻ ta đứng băn khoăn trên nóc đầu hồi, nhớn nhác nhìn, ra điệu ghét lắm.
Bấy giờ là đầu mùa đông. Ngoài ruộng, lúa chín vàng hây. Những bông thóc nếp mập và tươi ong óng, trĩu gù lưng xuống. Màu vàng san sát giải từ cánh đồng làng Nghĩa Đô mênh mông đến tận bờ tre làng Phú Gia.
Theo với mùa lúa, từng đàn chim Gi bay về mọi cánh đồng. Và hai con Gi Đá kia thẩn thơ vào trong vườn này.
Đó là một đôi vợ chồng. Chàng và nàng. Có lẽ là đôi vợ chồng mới cưới nhau mùa thu vừa rồi cũng nên.
Nếu nói so sánh, ta có thể nói so sánh rằng đôi Gi Đá ấy tựa như một cặp vợ chồng quê mùa mới rủ nhau lên tỉnh. Họ lờ khờ, ngẩn ngơ - nghĩa là đặc nhà quê! Họ thuộc loài Gi Đá chính tông. Và có hiệu là Gi Sừng. Người loắt choắt, bé chưa bằng Gi Cam, mà lại bé hơn cả chim Sẻ. Trông một Gi Đá chỉ bằng nửa chim Sẻ. Vừa như chiếc hạt mít mập mạp, có dính chút đuôi. Đôi mắt nâu lờ đờ. Cặp mỏ ngắn, cục mịch thây lẩy trước đôi mắt như một viên cuội xam xám. Lông màu nâu, mượt, trơn và mịn. Đôi chân cũng xám như mỏ. Ở con chim Gi, có bóng hình một người cù rù nhưng nhẫn nại, lam lũ và luôn luôn chân lấm tay bùn - người cần lao của đồng ruộng.

 

Một buổi sáng, vợ chồng Gi Đá ở đâu sà đến cây bưởi. Chúng kêu kéc kéc nho nhỏ. Thế là, trên nóc nhà, chim Sẻ lắng tai nghe tiếng bỗng tẹc tẹc ầm ĩ. Dáng hẳn chàng ta chửi đứa nào dám vào nhà mình. Nhưng Sẻ chỉ nỏ mỏ công kích suông thế thôi, không dám xuống tận nơi.
Vợ chồng Gi Đá điềm nhiên, chẳng để ý đến sự lèm bèm đó. Chàng nghiêng má nhìn cây hồng bì rồi rún cẳng nhảy sang. Nhẹ như một chiếc lá rơi, và cũng lẩn ngay vào lá, không động tĩnh gì hết. Nàng bay theo chàng, dáng bay hơi nặng nề, đôi cánh vỗ sè sè, bởi người nàng có đẫy đà chút đỉnh. Không hiểu nàng Gi Đá đã có con lần nào chưa, chứ thực trông nàng chẳng được gọn mấy. Đầu bơ phờ. Lông bụng bạc phếch. Cườm ngực, cườm cổ không đen nhánh và bóng mượt như của chàng. Có cái lối của những người đàn bà xười xĩnh từ khi còn con gái đã ăn mặc xốc xếch, bây giờ chẳng thiết điểm trang gì nữa.
Chàng xáo xác trong cây hồng bì. Cây hồng bì thấp nhưng dày lá. Vả lại, với một anh Gi bé bỏng, thế đã là khá cao rồi. Nàng cũng sục sạo trong cây, như kiếm chác một cái gì. Chẳng có lẽ. Họ tìm chi trong tụm lá hồng bì đó? Loài Gi Đá không biết ăn sâu. Mà đâu có bông lúa vàng ở đây. Kìa, đôi vợ chồng lại bay ra đậu ở một cành cây cụt. Họ nghiêng má nhìn trời. Trời cao và xanh, không cùng. Vụt một cái, bốn cánh bay đi loang loáng.
Người ta thấy ở ngoài đầu xóm, hai vợ chồng Gi Đá đến đậu trên một mái rạ cũ. Rạ đã bạc trắng và nát mủn. Chị chim Gi hé mỏ mổ vào cuộng rạ. Anh cong đuôi lên để lôi cuộng rạ đứt ra. Khi đã lôi được, anh quắp lấy và bay vụt đi. Cô ả cũng bay liền ngay theo. Họ bay về cây hồng bì. Cây hồng bì ở ngay trước sân, bên cạnh một bể nước. Những lá mùa đông rụng xuống, vàng úa trên giại nứa. Chàng đặt cuống rạ vào một cành hồng bì kín và cao nhất. Rồi họ lại bay đi, vợ theo đuôi chồng, đến lấy rạ ở lớp mái nhà nát nọ, chị mổ và anh kéo. Dù được mẩu dài hay mẩu ngắn, anh không phiền hà, quắp ngay lấy, mang về cây. Công việc như thế, đều đều suốt ngày, như người ta mắc cửi.
Được chừng ba hôm, bác chim Sẻ hay qua cây hồng bì, đã thấy trong có lù lù một nắm rạ lòng thòng, bẩn thỉu như một mớ rơm rửa bát. À, ra hai vợ chồng con Gi Đá đến ngụ cư ở nơi này. Họ đương làm nhà.
Bao nhiêu công việc xây dựng, người chồng phải đương lấy cả. Chàng tha rác liền liền về cây. Chàng xếp đặt cho thực khéo, thực gọn. Trong khi ấy, nàng chỉ biết có việc mổ đứt cuống rạ và việc bay nhởn nhơ theo chồng. Thỉnh thoảng nàng lại khẽ hát kéc kéc, như để khuyến khích hoặc nói bông cho chàng được buồn cười. Chẳng hiểu chàng có thấy vui không, nhưng chàng vẫn hậm hụi, cắm cúi làm như thường.
Chàng đặt móng cho lớp nhà mới bây giờ một lớp rạ. Rồi chàng đi tìm ở những bẹ cau và bẹ dừa lấy những sợi dây rất nhỏ. Việc tha những sợi dây này vẫn là việc của anh chồng chịu khó. Chàng đem về, đánh đai rất xinh, vòng trong những cuộng rạ dựng thành một khung tròn hình lòng tổ.
Cái lòng tổ êm ái đã hoàn thành, sau ba ngày chịu khó.
Bây giờ chàng đi tìm lá khô. Chẳng biết chàng mò mẫm thế nào mà tha về được từng nạm lá duối, đem chất lù lù cả lên xung quanh thành tổ. Mỗi chuyến chàng mang về chừng đôi ba tờ lá nhỏ.
Một chuyến kia, vợ chồng Gi Đá song song bay từ ngoài bờ giậu vào vườn. Vừa sà xuống cây hồng bì, anh Gi Đá đã hoảng hốt buông rời mấy chiếc lá, cuống cuồng nhào lên, bay tít tắp ra tận ngoài đồng. Chị vợ cũng nhớn nhác ruổi theo.
Có gì đâu! Dưới gốc cây hồng bì lộn xộn bao nhiêu là người. Khắp sân, đầy đống những lượm lúa vàng rượi. Người ta kê một chiếc cối đá hổng đáy ra đấy. Lượm lúa chắc nịch được cặp vào hai thanh tre rồi người ta đập lên cối đá từng hồi, cho thóc rơi vung vãi ra bốn phía. Họ vừa làm vừa cười cười, nói nói ồm ồm, cả đàn ông lẫn đàn bà. Thấy thế, vợ chồng nhà Gi Đá sợ hết vía. Không dám bén mảng về nữa. Nói của đáng tội, chiều hôm đó cậu mợ cũng về. Nhưng ở sân vẫn còn tíu tít ồn ã những người, nên lại vội vàng bay đi. Sáng hôm sau, chàng lại về. Mỏ ngậm rác cẩn thận. Song người ta vẫn thi nhau đập lúa thình thịch. Chàng lại bỏ đi, để rơi mấy chiếc lá khô xuống đất.
Người đập lúa trong sân, bác Sẻ mon men xuống kiếm chác, nhặt những hạt thóc rơi rụng. Không thấy bóng vợ chồng anh Gi Đá đâu, ý chừng Sẻ ta hả hê lắm.

 

Gió may dạt dào, đánh lúc lắc những cành hồng bì mảnh khảnh. Cái tổ hoang kia, không chim nào ngó đến, những ruộng rạ ở xung quanh đã ải sẵn, cứ trệ xuống dần. Rồi nó chỉ còn là một nắm rác, một nắm bùi nhùi của một đứa trẻ nào gài vu vơ lên đấy Hai con chim sợ người đã bỏ phí mất một cái nhà đương dựng. Nó sắp rơi hoài xuống cỏ mất.
Công việc gặt hái đã xong. Sân vườn lại trở về hiu quạnh như thường ngày. Chỉ còn tiếng chim Sẻ rền rĩ trên đầu hồi. Cây hồng bì không phải mùa quả, hoang vắng lạnh lùng như một cây rừng. Đôi chim Gi chẳng trở về nữa hay sao?
Không, họ lại trở về. Một hôm, từ lúc mới vừa rạng sáng, đã nghe có tiếng lạt xạt trong cây. Bấy giờ bác Sẻ chưa trở dậy. Đến khi trở dậy, ra đứng ngoài đầu ống, thì bác đã thấy vợ chồng Gi Đá đương nối đuôi nhau tha rác về cây hồng bì. Bác lại trông xuống mà hé cái mỏ, bắt đầu kêu khan kêu vã. Họ tha về những cuộng rạ nát. Lại những cuộng rạ nát nhũn! Bởi vì họ lại bắt đầu. Nghĩa là vợ chồng chim Gi lại kì cục xây lên trên cái tổ dở dang kia, một cái tổ khác, mới nguyên. Lại những cuống rạ mục, lại những dây dợ ở những bẹ dừa, bẹ cau. Lại những chiếc lá duối khô, lá quăn quăn. Và lại vẫn anh chồng còm cọm tha rác suốt ngày để cho chị vợ thẩn thơ bay theo. Có khi, chàng bắt được ở đâu cả một mảng mạng nhện nhăng nhít, cũng lôi thôi tha về.
Chẳng bao lâu, cái tổ đã có lòng trũng xuống, và những chiếc lá khô thì làm thành một vòng tường cao. Ở trên trông vào, tựa hình một cái tổ bé tí tẹo của trẻ con chơi. Giá ở nhiều loài chim khác, như bọn chào mào, sáo sậu ắt hẳn cái tổ kia đã được khánh thành. Nhưng với Gi Đá, chưa thể gọi thế là xong được. Họ còn tạo tác thêm. Nói là họ, cho ra vẻ có vợ có chồng mà thôi, kỳ thực công việc xây dựng đều do mỏ và chân của chồng. Chàng nựng vợ đủ điều.
Chàng đi kiếm ở các xó vườn lạ về những cẳng lá xoan, cẳng lá khế đã khô đét. Chàng xếp thành từng lượt ngang dọc trên nóc tổ. A! Anh chàng lợp một cái mái. Cái mái nhà để che mưa che nắng. Chàng lại đi khuân lá duối, khuân cẳng rạ về và xếp một lượt dày lợp lên trên những lượt cẳng. Xong xuôi đâu đấy cả rồi, chàng loay hoay khoét một cái lỗ. Khi đục xong lỗ, ấy là lúc công cuộc làm tổ đã hoàn thành. Chàng chui vào trong tổ cất lên mấy tiếng ke ke. Ở ngoài, vợ chàng cũng đáp lại như thế. Chàng liền bay ra, đứng cạnh nàng, tỏ vẻ như âu yếm. Chàng xích lại một chút, chị vợ cũng rún rún đôi chân và rung rung đôi cánh. Hai cái mỏ chíu vào nhau, chịn đuôi vào nhau. Đôi chim hoan hỉ nhìn nhau và cùng xù lông ra giũ phành phạch. Chàng khoan khoái bay tung tăng đi vu vơ đâu một lúc, rồi lại trở về, cùng chui tọt vào tổ. Cái tổ kín và riêng tây như một nếp nhà của người ta.
Thế là tổ đã làm xong. Trông nó xù xì tựa như một mớ rác lộn. Song đó chỉ là cái bề ngoài không quan trọng thôi. Này, ta hãy đến gần, ló đầu vào một tí xem. Đường cửa tổ tròn, xung quanh nhẵn thín, chui ra chui vào rất gọn, không vướng víu mảy may. Cái lòng tổ thì êm và mịn, vừa chỗ cho nàng Gi cái nằm. Gi đực chỉ rón rén nằm ghếch bên cạnh. Hai cái mỏ cùng chìa ra phía cửa.
Từ hôm ấy, sớm mờ mờ đã nghe tiếng Gi động lạt xạt trong cây hồng bì. Họ đùa nhau chắc? Chị vợ thì nằm xù xù trong tổ cả ngày. Nàng nằm ấp dọn cho những ngày sắp sinh trứng. Đến khi hoàng hôn xuống, thì cả hai vợ chồng cùng chui vào tổ, lại cùng nằm chầu mỏ ra ngoài cửa.
Họ chờ đến ngày đẻ trứng.

 

Những con chim hét đen chậm chụi mỏ vàng bệch, đã từ phương xa bay về. Những dấu hiệu mùa lạnh sắp đến.
Gió may trở về đã từ lâu, hiu hiu và hiền lành. Nhưng chiều ấy, gió may bỗng đột nhiên nổi cơn đùng đùng. Trời đất âm u sẫm lại. Từng làn mây nước lớn xám xịt, chuyển vận theo gió bay xuôi hỗn độn, tới tấp như ở trong một cuộc thay đổi kỳ lạ của trời đất. Sáng hôm sau, trời đổ mưa xuống đều đều nhưng không to lắm, vòm không mù trắng những nước. Và trời cứ mưa đều đều, lai rai, nhỏ nhẻ như thế, hết ngày ấy sang ngày khác. Ông mặt trời đã đi đâu mất để cho nơi nơi thi nhau khóc ra mưa ra gió. Người ta đều phải ở trong nhà. Đường cái làng lầy lội, bùn xám ngập cao tới lưng ống chân.
Đôi chim Gi cũng phải ở trong nhà. Chúng nằm ro ró mà nhìn ra xem mưa. Chao ôi! Cái thứ trời gì mà cứ xối mãi nước xuống, xối mãi nước xuống. Mưa vài hôm, đôi chim đã bắt đầu thấy buồn buồn. Mưa được bốn ngày thì lành lạnh. Những hạt nước đọng ở trên mái tổ rích vào, thấm xuống, ướt hết cả xung quanh. Nhưng sự lạnh và sự thấm nước đó chưa đáng để ý bởi đôi chim mặc bộ lông dày và họ có hơi ấm của nhau. Song chúng không dám bay ra ngoài. Nằm nhịn đói cũng đã thường quen, không hề chi. Trời vẫn mưa. Bây giờ lại có những giọt nước mới dột đến, lá và cành khô không chịu thấm được hơn. Hạt nước lăn trên mái tổ rồi rỏ tạch tạch xuống đầu vợ chồng gã chim Gi. Lại có thêm gió. Gió đu đưa cành cây hồng bì. Từng loạt nước rơi xuống rào rào, liên tiếp. Vợ chồng Gi Đá xù lông ra lắc bụi nước. Nhưng rồi bụi nước, tuy đã lắc mãi, cũng bám được vào lông chim. Hai cái đầu thấm nước, bết lông vào với nhau, bé tọp hẳn lại. Trông thảm như hai người ốm liệt giường mà bị cạo trọc đầu. Lúc này là lúc mà vợ chồng chim Gi không thể nén được nữa. Nếu họ không đi tránh mưa, nước cứ rỏ tạch tạch luôn vào đầu thì đến chết rét mất. Bởi trời lạnh. Buổi sáng, người ta mó tay vào trong nước thấy buốt thon thót. Mưa thì liên miên. Giọt tranh chảy rinh rích xuống bốn bên xung quanh.
Một hôm, hai vợ chồng chim Gi đành lòng rời cái tổ ẩm ướt, đi tìm một mái nhà nào để tạm ẩn. Chúng bay đi trong bụi mưa, bốn cánh ướt vỗ nặng nề. Bấy giờ mới xế trưa, nhưng trời đầy mây xám và trắng những nước, tưởng như trời đã sắp tối. Vợ chồng chim Gi rời tổ, bác Sẻ già kia không biết. Mấy bữa nay mưa gió, bác ta rúc tránh vào trong ống tre.

 

Nhưng cũng còn cuộc trở về của đôi chim. Ấy là một ngày mùa đông có nắng, sau trận mưa dai dẳng liên miên đến nửa tháng. Mọi vật vẫn chưa khỏi hẳn ẩm ướt, nước ẩm nhiều quá. Bức tường ngoài ngõ, thảm rêu xanh om. Tuy nắng, nhưng nắng chưa đủ gây ấm. Không khí vẫn phảng phất hơi giá.
Đôi chim Gi lìa tổ ngơ ngác ở đâu về đậu bên cây bưởi. Bác Sẻ ở dưới sân, đứng trong ánh nắng để hong lông, hong cánh, trông thấy đôi chim đáng ghét liền bay vù lên nóc nhà và kêu choe chóe như bị ai bóp cổ. Chàng Gi đực liệng vào trong chòm lá hồng bì. Chàng vào thăm lại tổ. Trận mưa cũng có làm hư hại mất đôi chút. Mấy chú nhện lạc lõng nơi nào tới đã chăng mạng kín cả cửa ngõ. Gi ta mới tức làm sao. Gi mổ luôn cho mấy mỏ tan hoang cả khung cửi nhện. Vào trong tổ, chàng dùng mỏ và cẳng, bới xếp, dọn lại một lát thì giường nệm lại phẳng phiu và gần được như cũ. Chàng chui ra, nhường chỗ cho vợ vào. Chị vợ lại nằm xềm xệp thò chiếc mỏ ngắn ngủn ra cửa.
Và hai vợ chồng lại thay nhau ấp tổ. Mươi hôm, Gi cái đã đẻ ra một chiếc trứng nhỏ xíu. Trước sau chị đẻ ra được bốn chiếc trứng. Bốn chiếc trứng chỉ nhỉnh hơn bốn củ lạc lớn, màu trắng đục, lốm đốm nâu, nằm đều đặn, gọn thon lỏn trong lòng tổ. Chị Gi phải xoè lông bụng ra mới đủ che kín được cho cả bốn trứng.
Trong cái tiểu gia đình này, cứ nửa mừng và nửa lo. Sáng ngày ra, hai vợ chồng hát nho nhỏ. Họ hát ra sao? Chỉ có mỗi một điệu hót ke ke. Và riêng khi nào vui lắm, âu yếm nhau lắm, họ mới rung hai cánh mà làm điệu mỏ ri ri ri… Họ ăn ở dè lén, bình lặng, chịu khó, ít ồn ã. Cuộc đời trôi chảy âm thầm dưới khe lá xanh, y như cuộc đời của những người Nghĩa Đô, cần cù và nghèo khó trên cái khung cửi, trong bốn lũy tre già. Họ ít nói năng, trái hẳn với loài Sẻ láu táu, luôn kêu lải nhải.
Bốn trứng đã tới kỳ nở. Những cái mỏ non nớt tự mổ rạn bốn vỏ trứng để thoát ra. Thế là bốn con Gi nhỏ vào ánh sáng. Mẹ chúng nhảy ra cửa, đứng doạng chân, ngó bố của chúng đứng gần đấy. Bốn con mắt nâu đục nhìn nhau lơ láo.
Bây giờ cái tổ là chiếc giường của người đàn bà con mọn. Bừa bãi đầy những vỏ trứng vỡ, nhớp nháp như mấy cái tã. Nhớp nháp bốn nhách chim đỏ hỏn. Mụ Gi cái lại càng phờ phạc, đờ đẫn tợn. Anh chồng cũng ra vẻ lo lắng thay. Song giờ đương là đầu tháng chạp. Không còn mưa rớt của tháng bảy như trận mưa tầm tã hôm xưa nữa. Thời tiết lạnh, nhưng hanh và khô cứng.
Bốn con Gi cũng đã nhớn nhao. Bố mẹ chúng rạc cả người về nỗi kiếm mồi nuôi con. Chúng lớn dần dần cùng với tết Nguyên đán cũng lần lần nghiêng đến với mọi người.

 

Năm nay, ở Nghĩa Đô, người ta ăn một cái tết Nguyên Đán không vui. Bởi vì làng có mỗi nghề làm lĩnh. Lĩnh, lụa lại ế. Hàng dệt ra không bán đi được. Chẳng có ai mua. Nhiều khung cửi phải xếp lại. Những vày tơ bỏ trống. Vắng tiếng lóc cóc ran rỉ của cái vày tơ. Ngày phiên không có những bác thợ cửi say rượu, mặt đỏ gay đi chệnh choạng trên đường cái làng. Công việc chẳng có, bao nhiêu dấn vốn đếu hết cả, người ta đã phải đi quảy đất thuê, đi làm thợ nề và đi lên tỉnh kéo xe. Có những kẻ liều lĩnh đã ký giấy “mộ phu” sang bên “Tân thế giới”.
Cái tết hờ hững đến với mọi sự lạnh nhạt. Giá gạo cao tới ba đồng rưỡi một chục đấu nhỏ. Xưa nay chưa cao thế bao giờ! Túng quẫn quá, người ta không cần và không thể nghĩ đến lo tết lắm nữa. Hàng lá rong vào làng rao ơi ới, rồi lại ê hề quảy ra. Làng mạc buồn teo.
Chiều hôm ba mươi, cả làng vắng lạnh. Ấy là một buổi chiều bồn chồn và khó chịu. Người ta ở cái hoàng hôn u uất đó để đợi một năm mới vẫn hằng mong ước sắp đến. Một năm mới đầy những bí mật của hy vọng còn khuất ở bên kia một lần lặn mặt trời và một đêm đen thẫm, nặng trịch nữa. “Nhờ phép tổ” mà nghề nghiệp có được khá khẩm chăng!
Gia đình tôi cũng không còn phong lưu như xưa. Ngày mồng một, không có pháo để đốt. Tôi mặc tấm áo vải chéo go cũ, đi đôi guốc sơn bóng nhoáng, đầu vuốt nước lã lên để rẽ cho được mượt. Tôi thơ thẩn trong cổng, hai tay thủ túi, buồn ngẩn ngơ. Cả làng, chỉ có vài nhà đốt pháo. Nghe lẹt đẹt như gõ mẹt vậy.
Nhưng sáng ngày mồng hai, nhà tôi được có một người đến lễ tết, khách đem theo một bánh pháo. Bác quyền Vực, người bên làng Phú Gia, một học trò “tam tự kinh” ngày xưa của ông ngoại tôi. Bác Vực đi lính, tết được nghỉ phép về chơi quê.
Bác ăn vận rất ngộ. Đầu bác đội chiếc mũ Tây lợp vải vàng và mặc quần áo cũng màu vàng, xù ra. Bắp chân quấn xà cạp chặt chẽ lên tận đầu gối. Bác dận một đôi giày có cổ rất to, da mốc thếch như da cóc. Đi giày nện gót trên sân gạch, nghe kêu kệt kệt, đến ghê.
Lặc cầm bánh pháo của bác Vực, đem ra sân. Bánh pháo dài chưa đủ một gang tay. Hắn treo lên trên cây hồng bì. Rồi hắn cầm một cái sào dài, đầu có mồi lửa, một tay bịt tai, một tay run run châm. Pháo bén lửa nổ xì toạch, xì toạch toang toang. Mươi cái xác pháo toàn hồng, rắc ra sân như những cánh hoa đào bích.
Con Đực đương luẩn quẩn dưới bếp, đột nhiên nghe tiếng pháo, hốt hoảng chúi cổ cúp đuôi chạy biến ra ngoài đồng. Nó sợ, Lặc phải đi tìm và lôi nó, nó mới dám về.
Nhưng cái gia đình chim Gi ở trên cây hồng bì thì không bao giờ về nữa. Sớm ấy, bỗng nghe tiếng pháo kinh khủng nổ vang động trong cây, cả nhà chim Gi cuống cuồng bay đi. Những con chim nhỏ ngã xuống, cố vỗ cánh bay ngoi ngóp. Tan tác mỗi con về một phía. Ai cũng lạc lõng. Tội nghiệp, bốn con chim nhỏ mới ra ràng. Ngày nào chúng cũng đứng chen chân ở cửa tổ để ngơ ngác nhìn ra xung quanh và nhìn lên trời. Bố mẹ chúng thì lượn xập xoè như muốn bay cho các con bắt chước.
Sớm ngày mồng hai tết Nguyên đán ấy, sợ những tiếng pháo nổ một cách rất vô tình ở dưới gốc hồng bì, đôi vợ chồng Gi Đá chịu khó và nhẫn nại kia, cùng một đàn bốn đứa con thơ dại, tan tác bay đi, không bao giờ còn trở về cây nữa. Chẳng ai biết được cái bầu đoàn khốn khổ long đong bạt đi đâu và về sau ra làm sao.
Đến độ tháng ba năm đó, đương mùa hoa bưởi nở, cũng có một đôi chim Gi lảng vảng về vườn - biết có phải những con chim cũ? - song chúng chỉ đậu trong cây hồng bì một lát. Bác Sẻ già đứng đầu hồi, ngó cổ xuống, trông thấy, liền kêu tẹc tẹc rộn rã như muốn khơi chuyện cãi nhau.
1940