Lời nói đầu

Bản thảo in ra đây - bức thư gửi cho Bracke cùng với bản phê phán dự thảo cương lĩnh - đã được gửi cho Bracke năm 1875, trước Đại hội hợp nhất ở Gotha một ít lâu, với lời yêu cầu chuyển cho Geib, Auer, Bebel và Liebknecht xem, rồi sau đó gửi trả lại cho Mác. Vì Đại hội đảng ở Halle có đề ra trong chương trình nghị sự việc thảo luận cương lĩnh Gotha, cho nên tôi e sẽ phạm tội giấu giếm nếu tôi còn để lâu hơn nữa, không đem công bố văn kiện rất quan trọng này - có lẽ là văn kiện quan trọng nhất - trong số những văn kiện liên quan đến cuộc thảo luận nói trên.
Song bản thảo này còn có một ý nghĩa khác nữa, rộng lớn hơn nhiều. Trong bản thảo này, lần đầu tiên Mác đã trình bày rõ ràng và rành mạch thái độ của mình đối với đường lối Lassalle đã đi theo ngay từ khi ông ta mới tham gia công tác cổ động và hơn nữa, đối với cả những nguyên lý kinh tế lẫn sách lược của Lassalle.
Tính chất gay gắt không kiêng nể trong việc phân tích bản dự thảo cương lĩnh, tính cứng rắn trong việc nêu lên những kết luận đã rút ra, những chỗ yếu trong bản dự thảo bị bóc trần,- tất cả những cái đó, ngày nay, sau mười lăm năm, không có thể làm ai phật lòng nữa. Những môn đồ đặc biệt theo Lassalle chỉ còn tồn tại với tư cách là những đám tàn dư cá biệt ở nước ngoài, còn ở Halle thì Cương lĩnh Gotha cũng đã bị ngay cả những người thảo ra bỏ rơi, coi là hoàn toàn thiếu sót.
Tuy vậy, ở những chỗ nào xét thấy không hại đến nội dung của vấn đề thì tôi đã bỏ bớt đi một vài từ ngữ hoặc một vài nhận xét quá nghiêm khắc về một vài cá nhân và thay bằng mấy dấu chấm. Ngày nay, nếu chính Mác cho in bản thảo đó, có lẽ ông cũng lẽ làm như vậy. Lối nói gay gắt ở một đôi chỗ trong bản thảo là do hai tình huống. Một là, Mác và tôi gắn bó với phong trào ở Đức mật thiết hơn với bất cứ phong trào nào khác, nên sự thụt lùi rõ rệt biểu lộ trong bản dự thảo cương lĩnh tất nhiên phải làm cho chúng tôi đặc biệt công phẫn. Hai là, hồi ấy, tức là không đầy hai năm sau Đại hội Quốc tế ở La Hay, chúng tôi đang kịch liệt đấu tranh chống Ba-cu-nin và phái vô chính phủ của ông ta là những kẻ cho rằng chúng tôi phải chịu trách nhiệm về mọi việc xảy ra trong phong trào công nhân ở Đức; vì vậy, chúng tôi cũng phải để phòng người ta sẽ đổ cho chúng tôi là cha đẻ bí mật của bản cương lĩnh đó. Những lý do ấy ngày nay không còn nữa, nên những đoạn ấy cũng không cần phải giữ lại nữa.
Ngoài ra, vì những lý do vè kiểm duyệt nên có đôi câu phải thay bằng mấy dấu chấm. Chỗ nào cần phải chọn một lời văn ôn tồn hơn thì tôi đặt đoạn đó vào giữa hai dấu móc nhọn. Trừ những chỗ ấy ra, còn thì bản thân hoàn toàn được in theo đúng nguyên văn.
Luân đôn, ngày 6 tháng giêng 1891 Ph.Ăng-ghen