Chương 23

Tiếng tù-và quen thuộc báo hiệu đò sắp tới. Cả nhà đưa Minh lên bến sông. Ông Tư bà Tư đứng một chốc rồi trở về để cho thằng Bảo, mấy chị nó ở lại với Minh và Sương. Nhưng Mẫn, Thiệp cũng từ giã anh rồi về ngay sau đó. Chỉ một mình thằng Bảo đứng lại chờ đò với chị dâu. Mẫn biết tâm lý của vợ chồng lúc chia tay nên gọi em: - Bảo ơi Bảo, về nhà xách con dao lên đống buồng dừa nước này nấu chè ăn! Bảo hỏi Minh:
- Chừng nào anh về nữa?
- Ba tháng lận em à! - Minh cố ý nói cho vợ nghe.
- Sao lâu dữ vậy?
- Tới bãi trường Tết mới về được. Lần này anh không học nữa mà dạy học nên đâu có rỗi để về như trước, em!
Thằng Bảo nói:
- Về kỳ sau anh với em đi soi mỏ nhác.
- Mỏ nhác ở đâu?
- Lúa chín gặt xong thiếu gì mỏ nhác làm ổ trong rạ. Soi một đêm bắt cả giỏ, quay chảo nước dừa.
- Anh sẽ về mua cho em cái cặp da để vô trường chợ.
Thằng Bảo đi rồi, chỉ còn Sương ở lại với chồng. Sương nhận thấy Minh ít nói chuyện với mình. Ngay cả lúc sắp chia taỵ Xa nhau ba tháng chàng cũng không ngỏ một lời quyến luyến hoặc âu yếm. Nàng không cho đó là một việc lớn. Quan trọng là việc hai người đã thành vợ chồng thực sự. Dường như chàng để tâm cho nghề dạy học hơn. Đó là nguồn sống và danh dự của gia đình và là hạnh phúc của riêng nàng. Trong tình yêu của vợ chồng, lắm khi không nói lại hơn cả nói. Vì vậy nàng không thấy sự ít lời của chồng là một sự khiếm khuyết. Nàng nhìn thấy chồng mặt mày khôi ngô, dáng dấp chỉnh tề phải thế con nhà có học. Gia đình nàng rất hãnh diện được rể quý. Do đó xóm làng càng nể nang hơn. Bổn phận của nàng là xuất giá tòng phu. Chỉ có thế. Nàng không phải lo nghĩ gì nữa. Đời nàng sẽ tùy thuộc vào chàng. Tiếng tù - và gần kề. Đó tới. Mũi đò rẽ lùm ô rô, cóc kèn nhô vào bờ. Minh xách va ly bước lên. Sương ngó theo sững sờ. Minh quay lại mà không vẫy tay, nhìn vợ như một người gần như xa lạ. Đò lui nhanh. Hai người chỉ sống với nhau qua tuần trăng mật. Sương cắm cúi đi về. Nước mắt rưng rưng nhưng nàng quệt ngang.. Nàng không muốn khóc. May gặp thằng Bảo xách dao trở lại đốn dừa nước.
- Dừa của i mà em đốn? - Sương hỏi.
- Từ dưới lộ lên tới đây là đất của mình hết ráo. Nữa ba cho em ở dưới lộ, còn anh chị thì ở trên mé sông. Chị Mẫn, chị Thiệp thì theo chồng, ba chỉ cho ruộng.
Bảo nói bô lô ba la rồi hỏi:
- Anh đi rồi hả chị?
- Đi rồi! - Sương nghẹn ngào đáp.
- Em không hiểu tại sao anh thích đi đò. Còn em thì em thích đi xe, nhưng xe hơi chớ còn xe ngựa em cũng ghét.
- Chừng em lên trường quận sẽ đi xe hơi. - Sương gượng nói.
Thằng Bảo đốn buồng dừa nước è ạch lôi lên bờ:
- Cái buồng dừa này còn nặng hơn cả trái chùy của Lý Ngươn Bá.
- Em biết Lý Ngươn Bá nữa sao?
- Biết chớ! Đó là anh hùng số một đời Đường, có cặp chùy ai cũng sợ! - Bảo vừa nói vừa đập chẻ ra từng trái, còn Sương thì cạy lấy ruột bỏ vào tượng. - Chị ăn đi! Đừng ăn nhiều phát ách
Cơm chiều xong, Sương mới cảm thấy nổi buồn mênh mông ray rứt. Thảo nào thời xưa có Chinh Phụ ngâm, Khuê Phụ thán, Chức Cẩm Hồi Văn...... Đi đâu cho thiếp đi cùng, Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam! Ba tháng sắp tới sống trong gian buồng này một mình. Tuy là có gia đình đông đủ cha mẹ anh em nhưng vắng chồng cũng như vắng cả. Cơm nước xong, ba má ngồi ăn trâu nói chuyện về đám hỏi sắp tới của cô Mẫn. Sương gượng gạo ngồi nghe rồi cáo lui vào buồng. Cả ngày nay, từ lúc chồng đi, nàng sợ bước vào đây. Chiếc tổ vừa đượm hương nồng ấm đã phải in bóng cô đơn của "chinh phụ". Nàng lên giường nằm trong bóng tối, nàng mới cảm thấy hết sự mênh mông của chiếc giường có vợ không chồng. Sương nằm lên chỗ Minh, trên gối Minh, thở nốt hơi hám của Minh còn sót lại. Nàng nhớ đêm hợp cẩn của vợ chồng nàng. Việc vợ chồng xảy ra... trễ một đêm. Rồi từ đêm đó trăng mật, nhưng trăng chỉ sáng từng chập và mật chỉ ngọt từng hồi. Có điều làm cho nàng ngạc nhiên là chàng chỉ nồng nàn trong lúc yêu đương. Dường như có điều gì làm chàng ngại ngùng nên chàng không âu yếm nàng. Và sau phút yêu đương, dường như chàng ân hận. Chàng như còn để dành cho ai. Hơn nữa, có lần chàng làm bạn đồng hành với nàng nửa chừng. Chàng đưa nàng gần tới ngưỡng cửa thần tiên thì ngưng, rồi rẽ ngang đi tìm thú vui khác với một người bạn vô hình.
Buổi sáng, khi xếp soạn chăn chiếu nàng còn tìm thấy rõ nhu in những dấu vết của lạc thú. Nhiều lúc nàng như tấm lụa đào nằm phơi phới chờ một tia nắng đến xuyên qua để lụa trở mình, thì cái ánh nắng lại còn ở mãi đâu đâu, nhạt dần rồi tắt mất. Trong lúc nàng sắp ôm ghì lấy chàng để cùng loan phụng hoà minh thì tiếng hát lại trở thành tiếng khóc đẫm lệ. Cái gì đã làm cho chàng thất vọng ở nàng? Công, dung, ngôn, hạnh? Nàng xét thấy ở mọi mặt nàng đều trên trung bình. Trinh tiết ư? Chàng còn nghi ngờ gì được nữa! Chàng bướm biết được mùi hoa vườn nhà, và đó là lần thứ nhất hoa hé nhụy. Thì cớ sao, cớ sao nàng bị dày vò, đày đoa. bằng mọi thứ cực hình âu yếm đau đớn hơn cả cực hình dành cho tử tội. Tử tội trước khi lãnh hình phạt còn biết mình tội gì, còn nàng thì tội gì, nàng không được "kẻ xử phạt" cho biết. Nàng khóc ướt cả gối, hận ngập tràn lòng, nhưng biết than vãn cùng ai. Gái đã có chồng. May nhờ rủi chịu. Vạn khẩu mạc từ. Dẫu nàng có trăm miệng nàng cũng không thể nói được một tiếng thanh minh... với ai. Mà nàng có gì phải thanh minh? Bao nhiêu lần nàng định gào thét vào tai chàng: "Mình muốn giết em thì xin giết bằng dao, đừng giết em bằng sự âu yếm nửa vời!" Sự kêu van xác thịt của phượng loan đã nhiều lần giục chàng đi tới, nhưng nàng vẫn có cảm giác chàng như một đao phủ làm cái việc giết người. Làm đổ máu nhưng lại sợ nhìn thấy máu.... Bây giờ đò đã tới ngang nhà nàng rồi chắc! Tự nhiên nàng tự nhủ thầm như vậy. Chắc chàng đang ngồi ở mũi đò nhìn lên nhà nàng. Chiếc cầu nước ba nàng mới bắc cho nàng bước xuống ghe về nhà chồng chắc hãy còn nguyên. Cũng từ chiếc cầu đó chàng bước lên rước nàng về đây. Nàng miên man nghĩ ngợi, tưởng tượng và nhớ nhung. Gai đâm vô thịt thì đau, thịt đâm vô thịt nhớ nhau suốt đời. Rồi nàng tự gạt bỏ những ý nghĩ không hoàn hảo về chồng. Nàng rạo rực nhớ lại những cử chỉ ân ái, nhớ những cái hôn đây đó, những ngón tay của chàng như móng vuốt chim linh làm da thịt nàng thức dậy với niềm háo hức và những ôm siết của đôi tay như những nuột dâu bó chặt đê mệ Bỗng nàng rút chân lên, tuột ống quần và sờ soạng ở bắp chuối, nơi nàng cảm thấy như làn da bị thương. Nàng sờ đụng những dấu trầy. Nàng ngồi bật dậy đốt đèn. Nàng muốn nhìn những chứng tích rõ hơn, thêm một lần nữa. Dưới ánh đèn, nàng thấy rõ những dấu răng trên là da tuyết. Nàng nhớ cái hôn dữ dội của chàng làm nàng đau buốt. Trong lúc miết môi vào đó, chàng lẩm nhẩm câu gì dường như gọi tên ai hay một địa danh nào và lẫn tiếng Pháp trong đó nữa. Chính nàng lúc đó cũng đang lâm vào cơn mê thì làm sao nhớ nổi. Hay chàng gọi tên cúng cơm của nàng "...!" nhưng cái tên đó từ lâu, ngay cả ba má cũng không dùng thì tại sao chàng biết được? Nàng tự hỏi hết câu này sang câu khác, rồi cũng tự gạt bỏ tất cả. - Ai thì cũng mặc, tên gì cũng chẳng can chi, bây giờ ta đã là vợ chàng, không phải chỉ trên giấy tờ mà cả trên da thịt và trong tâm linh Sương là vợ của Minh rồi. Vạn biến bất di. Dù có biến thiên nào đi nữa, thì điều đó cũng không thay đổi. Chính Minh đã làm cho cô trinh nữ Sương trở thành đàn bà hay cô trinh nữ tên Sương trở thành đàn bà vì Cậu Tú Minh, và cậu Tú Minh cũng đã trút cái danh hiệu trai tân một cách hồn nhiên đắm đuối trên thể xác yêu kiều của một tấm sương trinh. Nàng xem đi xem lại những dấu răng trên da thịt nàng không chán. Nó như những cánh hoa hồng nhỏ nhắn xinh xinh. Nàng cúi sát xuống nhìn. Rồi bất giác nàng hôn, hôn lại những dấu vết do chàng lưu lại. Ôi những cánh hoa khắc trên da thịt nàng. Nàng buông ống quần xuống và ngồi dậy vặn đèn tỏ thêm. Tất cả mọi việc trong phòng đều rực rỡ như nhảy múa dưới mắt nàng. Tấm lụa đào treo trên đầu cửa như cũng rung rinh theo từng nhịp thở của nàng. Nàng thấy hết cô đơn. Bất hần nàng mở tủ ra soạn lại đồ đạc của hai vợ chồng. Nàng xếp chúng xen kẽ nhau. Một chiếc áo của chồng rồi đến chiếc áo của nàng, cứ thế cho đến chật các ngăn. Làm vậy để chúng truyền hơi vào nhau như ông bà thường nói " lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi ", hoặc như bài thơ Đường của vua Tự Đức: "Xếp tàn y lại để dành hơi " (nhưng đây lại là tân y) Soạn xong đồ trong tủ, nàng lại mở rương, chiếc rương gỗ cũ đánh vẹc ni vàng nhạt của Minh dùng thời còn đi học, nay Minh đã sắm va ly và bỏ nó ở nhà đựng đồ vặt. Những thứ không còn xài nữa như bàn chải, hộp xi ra phấn đánh nón, sách vở cũ, những mẫu giấy nhầu nát... Nhưng đối với nàng, mỗi món đều in dấu tay và đượm hơi thở của chồng nàng, nên nàng vẫn trân trọng nâng niu từng món như khi sửa soạn valy cho chồng đi tỉnh, từ chiếc khăn bàn lông trắng tinh trên chót đến bộ đồ ngủ màu hồng mà nàng cố ý xếp tận đáy va ly, rồi chàng sẽ gặp... Nàng nghe đôi má nóng rần khi tưởng đến phút chàng thấy. Chắc chàng sẽ... Bỗng lớp giấy dưới đáy rương tróc lên. Nàng lấy tay vuốt đè xuống, định bụng sẽ khuấy chút hồ dán lại, nhưng bỗng nàng thấy cộm cộm. Có vật gì như tập vở dưới lớp giấy kia. Nàng từ từ gỡ nó lên. Nàng thấy những tờ giấy đủ cỡ đủ màu xanh, hồng, vàng, tím nằm sắp lớp. Như máy, nàng hối hả nhặt lên cầm trên tay, nhưng nhiều quá tay không giữ được, nàng phải bỏ vào một chiếc hộp giấu rồi đem để lên giường. Chỉ ngó sơ qua nàng cũng biết đây là những bức thự Và cái dư hương phảng phất của nó cũng cho nàng biết đây không phải là những bức thư bình thường. Ngoài những bức thư, còn những mẩu báo lớn nhỏ in toàn những bài thợ Có những mẩu nhỏ bằng hai ngón tay chỉ mang một chữ "E". Nàng thấy tay run và tim nàng đau nhói. Khi nàng đọc qua mấy dòng trên một mẩu giấy xanh lơ cũ còn rõ dạnh một chú bướm ép trên góc:
Anh Minh yêu quý, Sáng nay em đạp xe qua Ngã Ba mà không thấy anh..tội nghiệp đóa hoa nguyệt quới nào đó không được anh hái để tặng em!... Và em cũng tội nghiệp cho em nữa!...
Nàng soạn và xếp lại tất cả thư vào hộp. Rồi nằm rã rời. Nàng không muốn gì nữa. Mỗi một chữa như một cái kềm rứt đi một mảnh tim nàng. Nàng muốn biết tên kẻ viết thư. Không khó gì. Dưới cùng đều có chữ ký: "Emilie hoặc Emili - Em'li Lan, Lý lệ... của anh ". Tiếng "Emilie" không phải là tiếng Việt Nam, nhưng nàng cứ đọc theo tiếng Việt Nam. Và nàng bỗng nhớ ra rằng lúc hôn chân nàng, chàng cứ luôn mồm rên rỉ: " Em'li anh yêu em. Anh là chồng em! " Nếu không có những chứng tích này thì nàng không thể xác định được những tiếng rên rỉ kia. Khổ thay trong tiếng "... " lại cũng tiếng "Li" nên trong lúc đê mê nàng lại hiểu lầm rằng chàng gọi nàng như một biểu hiện của phút cực độ yêu đương. - Chàng đã mượn thân xác ta làm người con gái nọ! Trong lúc yêu ta, chàng gọi tên nàng và tưởng tượng ta chính là nàng. Chàng đã đem hồn người khác cho nhập vào xác ta để chàng được thoa? mãn. Bao nhiêu hạnh phúc của người vợ trẻ đều tan vỡ bay tung một cách mỉa mai. Đem đốt tất cả! Bỏ nhà nầy! Từ biệt gian buồng quái gở nầy! Trả thù chàng! Tìm người con gái kia xỉ vả! Nàng đặt ra một trăm cách giải quyết và mong tìm được sự yên tâm nhưng không có cách nào làm cho nàng yên tâm được. Nàng đi ra ngoài gọi thằng Bảo:
- Bảo ơi! - Tiếng nàng như không còn âm thanh. Thằng Bảo chạy tới. Nàng hỏi:
- Em biết anh Minh ở đâu không?
- Không. Em đâu có đi tỉnh lần nào. Nhưng em biết địa chỉ của nhà trường.
- Sao em biết được?
- Vừa rồi đám cưới anh Minh, ba có gởi thiệp mời. Thằng Bảo nói xong chạy biến đi, một chốc, trở lại với cuốn sổ mời khách dự đám cưới. Nàng cầm quyển sổ nhưng không có ý định gì hết. Nàng chỉ hỏi:
- Bây giờ đò tới trển chưa em?
- Sáng mai mới tới.
- Đêm nay là đêm dài nhất đời chị đó em! Nàng nghĩ như vậy nhưng không nói ra, vì thằng bé nào hiểu được tại sao đêm dài?