Chương 6

Năm Mẹo ôm con gà mái, còn thằng Đặng bồng chú gà con, hai cậu cháu đi đến nhà ông Chín Tôn nhờ coi vảy giùm. Con gà con lộ hẳn hình gà trống, mồng đỏ hẳn hoi.
Ông Chín Tôn ở sâu trên vườn tận mé sông cách lộ một tiếng hú. Đàn bà vào mùa cấy đứng dưới lộ muốn kêu công cấy thuộc vạn vần công của mình phải hú một tiếng thật to. Năm Mẹo có một ngôi nhà ở trên vườn cách nhà ông Chín chừng năm sáu giây đất, ông như cội cây già ở trong rập ít khi ló ra ánh sáng mặt trời. Ai có cần ông thì tìm đến, không thì thôi, ông chẳng thiết gặp ai.
Qua mấy cây cầu độc mộc bằng thân cau bắc ngang xẻo và chuyền bụp lá một lúc thì tới nơi. Thấy hai cậu cháu Năm Mẹo ôm gà tới, ông Chín vui vẻ:
- Bộ hai cậu cháu định vô “đạo gà nòi” hả?
- Dạ thằng nhỏ ham gà mới ra cũm được một con, nó biểu cháu dắt tới nhờ chú coi giùm vậy. Cháu xin để chú Chín một ít công tiền mua nghệ mua phèn thoa gà.
- Thả gà vô hai cái bội ở góc sân kia.
- Dạ.
- Ngồi nghỉ chút đã rồi tao coi giùm cho. Nó không mồ côi mà cũng như mồ côi, coi không cho nó chớ tiền gạo gì.
Năm Mẹo nhìn quanh thấy cảnh nhà thật u nhàn tịch mịch xa tiếng động của sinh hoạt bình thường. Nép nhà lá nhỏ nhắn nằm ẩn nấp dưới những tàn cây xanh.. Một ao nước mát rượi, mép ao, một bên thả rau muống, một bên trồng rau nhúc, còn ở giữa ao thì dành chỗ cho những chiếc lá cuốn tròn đã bắt đầu khô, chứng tỏ ở dưới đáy ao, củ ấu đã già. Lá ấu mới nhìn tưởng là bông súng, bằng
những miếng gạch tàn bể rất đẹp mắt. Hai bên bậc mọc hai bụi dừa nước tơ, một bụi đã trổ buồng giống như trái chùy của các chiến tướng trong chuyện Tàu ngày xưa.
Ông Chín niềm nở:
- Mời chú Năm vô nhà uống nước, để cho gà nghỉ, rồi trở ra tôi xem giùm cho. Hôm qua có hai chủ gà ở Cần Đước cũng ôm gà tới đây nhờ tôi xem. Quả thật danh bất hư truyền. Họ có một con vảy nghề, còn một con có 8 móng đều đen hết, chỉ có móng trắng sách gà gọi là giáng móng hay ló móng. Con này đá thường bị chém đuôi mắt và ít khi ăn độ. Nếu nó có hai móng trắng thì gọi là Bạch Đầu Chỉ. Gà này tạm chơi được, năm ăn năm thua, không nên bỏ tiền ra nhiều.
- Còn con vảy nghề thì sao, chú Chín?
- Nhiều loại vảy nghề lắm chú em ơi, thanh long, độc đao, độc đao ẩn v.v... nhưng phải coi cho nhiều mới biết được, không phải ai xem ai cũng thấy. Bởi vậy nên chủ gà cần có sư kê. Để thong thả tôi nói cho chú nghe vài loại vậy.
Vào nhà, Năm Mẹo giật mình đứng lại. Rắn! Toàn là rắn vàng rực, đen mun, khoanh đốm, rằn ri. Trên chiếc kệ cao một vói tay có hàng keo chai đủ hình thù trong đó ngủ yên những con rắn mới nhìn tưởng còn sống.
Ông Chín trỏ tay vô buồng:
- Còn một mớ nữa trong kia. Tôi ngâm rượu để lám thuốc đó chú Năm à!
- Thuốc uống trị bịnh gì vậy Chú Chín?
- Có nhiều bịnh trị bằng thuốc rượu rắn lành cấp kỳ chú à! Hồi năm anh suôi tôi là ông già vợ thằng sư kê Hai Trinh, đau nhúc cùng mình uống thuốc Bắc thuốc Nam không biết bao nhiêu thang mà bịnh còn trơ trơ, tôi bèn cho ổng thử loại rượu này. – Ông Chín vói tay lấy chiếc kẹo miệng rộng đưa ra trước mặt Năm Mẹo và giải thích - Đây là con rắn trun ngâm rượu trắng. Chú biết con rắn trun mà chú em!
- Dạ cháu đào đất gặp nó cháu đập chết, thui làm mồi đặt trúm thì lươn vô bể ống.
- Lần sau chú để sống bỏ trong giỏ đem cho tôi, tôi làm thuốc. Nhưng nhớ coi chừng đầu nó cắn, đuôi nó chích đều chết cả đấy!
- Dạ cháu biết nọc nó rất độc.
- Thường thường người ta thấy nó và con lươn nằm chết trên bãi sình sau rằm tháng tám. Không hiểu sao lúc đó con lươn nuốt con rắn trun rồi cả hai đều chết. Con lươn mấy đời lại đuổi kịp con rắn trun? Người ta nói là con lươn hả họng ra, con rắn chun vào, cả hai đều chết. Ông Trời ổng biểu vậy không biết Trời có biểu không, nhưng rượu thuốc rắn trun trị đau nhứt thì thần diệu. Anh suôi tôi đau quá chịu không nổi bèn uống đại. Chết cũng được. Chẳng ngờ uống có hai xị bịnh kia biến mất.
Năm Mẹo cầm cái keo, nhìn con rắn trun khoan đen khoan vàng nắm khoanh bên trong mà hãi hùng và nói:
- Dĩ độc trị độc phải không chú Chín?
- Cũng đâu đó. Còn bịnh tê liệt thì dùng thuốc này! –Ông Chín trả chiếc keo rắn trun vào chỗ cũ, rồi lấy một chai xuống bảo – Đây là thuốc rượu rắn mái gầm. Chú xem, mình rắn hình ba khoan đen như rắn trun. Nó chậm chạp lờ đờ, nhưng gặp nó đừng có vội vác cây tròn mà đập. Đập rồi giơ lên đập tiếp. Chẳng ngờ nó rớt trên lưng mình nó cắn. Mà nó cắn là sôi đàm liền.
- Sao nó lại cắn trên lưng mình được chú Chín?
- Là vì khi mình đập gai lưng nó dính vô cây. Mình giơ cây lên nó rớt trên lưng mình. Nó cán trên xương sống là chạy nọc chết cấp kỳ. Tuy vậy mình ngâm rượu trị bệnh tê liệt rất hiệu nghiệm.
Năm Mẹo đếm chừng hai chục keo thuốc rượu, mỗi keo ngâm một thứ rắn:
- Có rắn hổ không chú Chín?
- Rắn hổ có tới năm thứ: hổ đất, hổ mây, hổ ngựa, rắn hổ cái có chửa. rắn hổ mới nở... Loại nào làm thuốc cũng hay.
- Chú nói còn ở trong buồng nữa hả chú?
- Còn chừng vài chục keo nữa.
- Ở đâu mà chú có nhiều vậy chú?
- Đây là báu vật gia truyền từ đời ông già tôi tới bây giờ. Không nói giấu gì chú em, ông già tôi là thầy thuốc rắn. Tôi được ổng truyền nghề sớm lắm. Hồi tôi còn nhỏ ổng đã bắt tôi mang giỏ đi theo ổng để đưng rắn, đem rắn ra chợ bán hàng ngày. Bữa nào cũng có hai giỏ đầy. Hồi đó rắn còn nhiều lắm. Có khi chỉ đi bắt
một buổi là trở về, không còn giỏ để đựng nữa. Có hang bắt được mười mấy con.
Có lẽ lâu nay ông Chín không gặp tri âm nên không có dịp khui bầu tâm sự. Hôm nay được bạn hiền, nên ông hăng hái nhắc lại chuyện xưa:
- Ông già tôi là thầy thuốc nổi danh. Bất cứ rắn chui trốn ở hang cùng ngỏ hẽm nào ổng cũng moi bắt được hết. Ông không vác cuốc đào cho mệt. Ông chỉ thoa thuốc trên tay rồi vỗ vỗ miệng hang một chút thì rắn mẹ rắn con bò ra lểnh nghển. Ổng cứ thộp cổ bỏ vô giỏ.
- Không may miệng à chú?
- Ai mà may cho kịp. Vả lại rắn bị thuốc của ổng rồi có cắn mổ gì nữa. Nó gật gù khờ ịt, bò không nổi nữa. Ban đầu tôi cũng sợ nhưng dần dần thấy không nguy hiểm gì nên tôi bắt rắn bỏ vô giỏ như bắt lươn bắt cá. Thịt rắn ăn bổ lắm chú à, cho nên nhà giàu nhứt là mấy ông hương chức, hể gặp ổng là hỏi có rắn không? còn ra chợ thấy bán thì mua nguyên giỏ. Có ông xách ra tiệm bảo nó làm thịt
ăn liền. Có tiệm quen, biết ý các ổng, nó treo rắn lên đầu cột khấc cổ lột da, ở dưới đuôi rắn để một ly cối hứng máu, lột da xong thì đem ly máu vô pha rượu cho mấy ổng nhâm nhi một lát sau thì có dĩa xào thơm phức bưng ra cho mấy ổng.
Thằng Đặng rùng mình:
- Cháu nghe ghê quá ông Chín. Chắc cháu không dám ăn thịt rắn đâu.
- Để bữa nào ông bắt được rắn xào rồi kêu cháu lên coi cháu có ghê không nghe. –Ông Chín tiếp – Ăn thịt rắn uống máu rắn mấy ông khen mạnh trong mình dữ lắm nên ông nào cũng thích.
Ông Chín ngưng một chút rồi tiếp:
- Khắp vùng này không bụi lùm nào là tránh khỏi cặp mắt tía tôi. Có khi ổng bắt một hang bảy tám con rồi mà còn bảo: "Ở trỏng còn nữa”. Rồi ổng tra thuốc vô thêm. Quả tình một chút, con rắn tổ nái bò ra. Vì nó lớn mạnh nên chống lại thuốc. Nếu không thổi thêm thuốc vào sẽ sót nó! Nhưng mà sanh nghề tử nghiệp chú Năm à! Ông thầy thuốc rắn nào cũng chết vì rắn hết. Biết vậy mà không ông
nào chịu bỏ nghề, chờ cho rắn cắn chết mới thôi. Ông già tôi bị rắn cắn nhiều lần ác lắm tưởng chết nhưng nhờ thuốc mạnh nên qua khỏi.
- Rắn gì độc địa nhất chú Chín?
- Rắn ở hang, con nào cũng độc, hể nó cắn phải chạy thuốc liền.. Nếu chậm là không kịp. Nhất là rắn hà nàm.
- Rắn há nàm là rắn gì chú?
- Rắn hà nàm là rắn mới nở. Loại đó cắn là chết liền.
- Tại sao vậy chú?
- Vì nó mới nở, miệng nó chưa ăn gì, chưa cắn ai, cái bọc nọc trong răng nó còn nguyên nên độc lắm, hễ cắn là chết. Thú hai là rắn có chửa. Ông già tôi bị rắn có chửa cắn ở khủy tay mà chết... Hồi đó tôi cũng nuôi gà nòi để bán chứ không đá. Trong bầy có một con gà mái đẻ ngoài bụi tre sau vườn. Nó moi hang. Gà
đẻ hang là gà quí cho nên ổng ra thăm nom thường xuyên. Một bữa ổng nghe gà con kêu chíp chíp. Tìm hoài không thấy. Thì ra ổ gà lót ngay miệng hang rắn. Con gà nở lọt xuống đó, ông thò tay xuống bắt thì bị rắn cắn. Vì không chuẩn bị nên ông không thoa thuốc trên tay cũng không giắt thuốc trên lưng, nhưng biết ngay là con rắn rất độc. Ổng bảo tôi chạy vô bàn thờ giở cái tách bên trái lên lấy bốn
hườn thuốc ra mau. Tôi co giò phóng vô bàn thờ giở cái tách sành úp trên dĩa ở góc trái bàn thờ nhưng không thấy gì hết. Tôi chạy ra thấy ổng nằm bên miệng hang tay nọ bịn tay kia mà mắt trợn trắng, miệng còn nói được mấy tiếng khào khào. Tôi bèn chạy vào giở cái tách lên lần nữa cũng không thấy viên thuốc nào trên dĩa. Tôi giở luôn mấy cái tách khác cũng không thấy gì hết. Có lý nào tổ trác
ổng hay sao? Tôi chạy trở ra thì thấy mắt ổng đã nhắm, tay chân lạnh ngắt. Tôi không dám cõng ổng vô nhà. Vì bị rắn cắn mà vô nhà thì chết gấp.
Ông Chín lại ngưng. Ông gạt tàn thuốc vào gốc cột rồi tiếp:
- Hai hôm sau khi cúng mở cửa mả cho ổng, tôi lật cái tách lên để tót nước thì thấy bốn viên thuốc dính bên trong đít tách.
- Sao kỳ vậy chú?
- Tại phần số của ổng chú à! Thuốc quí của ổng để trong dĩa lấy tách úp lên. Chẳng ngờ thuốc mạnh quá nó hít lên đít cái tách cho nên tôi giở tách lên không thấy thuốc thì tưởng là không có nên úp xuống, ngờ đâu thuốc lại dính ở đó mà tôi không biết. Quả thật con người có số chú à! Nếu tôi lật ngửa cái tách lên thì thấy thuốc ở trong lòng tách rồi và tía tôi chưa chết. Thiệt là chuyện lạ đời có lẽ
xưa nay chưa từng xảy ra! –Ông Chín nói tiếp – Con gà đó sau này tôi bán được khá tiền vì nó có bộ cựa lục dinh lục giáp đá ăn hai độ liền. Ông chủ gà có tìm tôi thưởng tiền cho tôi và bảo làm mộ tía tôi cho đẹp.
Năm Mẹo nghe xong câu chuyện thì nửa mừng nửa sợ, mừng vì con gà của thằng Đặng cũng giống như con gà của ông Chín trước kia, còn sợ là sợ mình sẽ trở thành kẻ chết bất đắc kỳ tử như ông già kia. Năm Mẹo bằng kể trường hợp của con gà thằng Đặng vừa rối. Ông Chín trở ra sân giở bội ôm con gà mái ra xem chân sơ sơ rồi thả trở vào. Ông bảo:
- Con gà mái xám tro này trông tốt tướng, đẻ một trứng nở một con lại đẻ hang thì chắc là gà quí nhưng không biết chú em nuôi nấng nó đúng cách không?
- Dạ cháu chỉ nuôi nó như gà thường.
Ông Chín khoát tay:
- Lỡ lứa này, chớ lứa sau đừng vậy nữa. Gà mẹ là máu huyết của gà con. Nếu gà cha nghề gặp gà mẹ tốt thì gà con mới hay được. Vậy gà mẹ phải nuôi kỹ, ngày nhốt ngày thả đều đều cho đến khi đẻ. Nhốt thì cho ăn uống no nê chuồng trại phải khô ráo, còn khi thả thì trong sân nhứt định không có gà trống, nhứt là gà trống Tàu thì tối kỵ. Mái nòi mà bị tuồng Tàu đạp một phát thì hỏng đời luôn
không có lấy lại được cốt cũ.
Năm Mẹo nói:
- Cháu tưởng mái nòi rủi bị trống Tàu đạp thì đẻ con lai lứa đó thôi, rồi sau đó cho trống nòi đạp thì lại nở ra nòi rặc.
Ông Chín xua tay một cách quả quyết:
- Không phải vậy đâu chú em! Hễ bị trống Tàu rồi thì sau đó dầu trống nòi đạp cũng nở ra con lai hoài hoài, mặt Tàu, lông Tàu, chân có lông nghĩa là con mái đó bỏ luôn. Nhà chú có trống Tàu không?
- Dạ không.
- Lối xóm có không?
- Dạ không!
- Vậy thì tốt! –Ông Chín gật gù bắt con gà trong bội kia ra coi chân rồi bảo – Nó mới ra giò chưa xem được nhưng lướt qua thì thấy có hai điểm tốt lộ ra: một là cặp cán nhỏ, cựa mới lú hột bắp nhưng đóng sát Thới là cựa tốt.
- Thới là cái gì, chú?
- Thới là ngón chân sau của gà. Phía trước ba ngón, phía sau một ngón. Các cớ tôi hỏi gà có mấy ngón chân, có người ú ớ không biết trả lời cách nào! Trong con gà nói vảy và cựa là quan trọng nhứt.
- Hồi nãy chú có nói cựa lục đinh lục giáp là cựa gì vậy chú Chín?
- Đó là như vầy. –Ông Chín trỏ vào chân con gà. Thay vì có một cựa, nó lại có tới sáu cựa. Nên gọi là lục đinh lụa giáp. Cựa chính dài nhô hẳn ra, ở trên cựa chính có ba cái nhỏ lú ra như hột lúa. Dưới cựa chính cũng có hai cái y như vậy. Cộng chung là sáu cái. Gà có bộ cựa này gọi là thần kê, đá đâu ăn đó không thua gà nào.
- Vậy khi ra trường cáp độ, người ta trông thấy người ta đâu dám đá?
- Có người biết có người không biết. Đâu phải ai cũng biết, chú em! Bởi vậy chủ gà cần có sư kê giỏi biết người biết ta mới dám buông ra bạc ngàn. Thằng Hai Trinh con tôi nó được ông Hội Đồng Bình cho làm sư kê là vì tôi truyền nghề cho nó. Nhưng ông hội Đồng có khi bất chấp cả kinh kê mà ăn thiên hạ bò càn.
- Ngoài cựa lục đinh lục giáp còn cựa gì độc nữa không chú Chín?
–Có chứ. Như cựa hổ chảo, cựa siêu dao, cựa song dao, song dao nghiêng, hổ chảo là loại cựa hình móng cọp, cựa này không đâm lặt vặt nhưng hễ đâm là địch thủ ngã chết không kịp la! – Ông Chín tiếp – Lứa tới, để tôi kiếm cho chú một con gà trống nghề đạp mái bắt một lứa gà con đông đông rồi lựa ra. Nuôi gà nòi công phu như tập luyện võ sĩ vậy chú ơi.
- Dạ cháu không nói dấu gì chú Chín. Có chỗ giàu quyền thế muốn gả con cho thằng cáu này, nhưng nó nghèo quá không xứng đào xứng kép nên cháu giúp cho nó nuôi vịt gây vốn, nhưng nghề này đâu có làm giàu mau được. Muốn có vốn khá ít ra cũng năm bảy năm. Sợ chừng đó người ta gả chỗ khác rồi. Cháu thấy con gà này có vẻ đặc biết nên cháu cho nó may ra nó ăn một vài độ là có
thể nở mày nở mặt bên đàng gái.
Ông Chín gật gù:
- Phải đó, cái món gà nòi chơi vô, có người thua mất sản nghiệp, có kẻ lại giàu to. Dám đá dám ăn. Ông Hội Đồng Chín vừa rồi ăn một độ mấy chục mẫu đất.
- Dữ vậy sao ông Chín? Năm Mẹo kêu lên như hốt hoảng.
Ông Chín thản nhiên;
- Dữ chớ sao không dữ. Mấy tay nhà giàu ăn thua cỡ đó là thường. Ở miệt Bạc Liêu Rạch Giá họ còn chơi ăn thua bạc kí lô hoặc bạc thước nữa kia.
- Nghĩa là sao ông Chín?
- Họ không đếm mà cân kí lô hoặc đo bằng thước tây.
Năm Mẹo ngó ra ngọn cau mơ màng, không hiểu. Trí óc non nớt của thằng Đặng càng không thể hiểu tới đó. Ông Chín trở lại vụ Ông Hội Đồng Chín.
- Vì bên kia thương con gà quá đổi nên chịu thua vớt chớ chưa hẳn đã thua.
- Thua vớt là sao ông Chín?
- Cái trò chơi gà này có nhiều cửa ăn cửa thua chớ không phải chỉ một như bài cào hay các môn cờ bạc khác. Những tay gà chuyên môn vô trường gà họ không đứng hẳn một bên nào hết hễ thấy thời cơ thuận lợi là họ nhảy qua nhảy lại, quăng bắt liền xì, rốt cuộc bên nào thắng họ cũng lượm bạc hỏ túi được hết. Nghĩa là họ chỉ ăn không thua.
- Ủa sao kỳ vậy ông Chín?
- Chuyện đó để nay mai chú em lâm trận rồi sẽ rõ. Nó đòi hỏi người chơi phải sành nghề, nhanh trí và khôn ngoan.. Bây giờ để tôi nói rõ cái vụ thua vớt cho chú nghe. Thí dụ như chú có con gà nghề chú cưng nó như con vậy. Vô trường rủi nó bị chém hang cua cần cổ nó gục xuống không cất lên nổi. Mà gục cần cổ như vậy thì còn cắn mổ sao được mà đá ai? Nếu để thì có thể bị đối thủ chém chết.
Nếu nó bị chém chết thì chủ phải chung một trăm phần trăm tiền độ. Ngoài ra chủ còn mất con gà nghề. Mất giống luôn. Còn thua vớt thì chủ chỉ chung bảy tám chục phần trăm tiền độ tùy theo sự thỏa thuận của bên kia, ngoài ra chủ còn được con gà nghề, chưa hẳn là thua. Đem về chủ có thể đổ mái bắt con gà con và vớt vát danh dự cho nó, cả cho chủ một phần nào nữa. Việc này ít khi xảy ra nhưng không phải là không có.
Năm Mẹo hỏi tiếp:
- Bên thắng chắc hốt bạc rồi, tại sao cho đối thủ thua vớt để được ít tiền vậy ông Chín?
- Gà nòi có khi thấy ăn trước mắt, nhưng đùng một cái lại thua. Đó là gà ăn phản. Ngoài chủ gà chơi bời kỹ thay vì hốt 100 mà không chắc. Nhiều độ gà ăn phản, hàng xáo thua tụt quần đi chú ơi. Có người phát khùng đánh luôn sư kê đó chú à!
Ông Chín lại tiếp:
- Chuyện gà nòi nói không cùng. Ai lâm vào đó mới biết.
- Gà ăn phản là sao chú Chín?
- Tức là thua rồi nhưng bất ngờ lại ăn.
- Có vậy nữa sao chú Chín?
- Không nhiều lắm nhưng không phải là không có. Thí dụ như con gà Xám Gạch của ông Hội Đồng Từ ăn con Ô Bông của ông Cả Lủy. Con Xám Gạch bị đá gục cần cổ chỉ còn chờ móc túi chung tiền. Hàng xáo quăng ăn một mà không ai dám bắt.
- Quăng Ăn Một nghĩa là sao chú?
- Nghĩa là mười đồng ăn một đồng. Thậm chí mười đồng ăn một cắc, ăn một khúc mía cũng không ai bắt. Vì bắt lá thua khúc mía 2 xu. Để hai xu mua khúc mía nước về đường không sướng hơn sao? Ấy vậy mà con Xám Gạch bất thần ngóc lên, nhảy chân tiên một phát, con Ô Bông ngã lăn ra chết tốt.
- Sao kỳ vậy chú? –Năm Mẹo kêu lên.
- Gà ăn phản đâu có kỳ. Độ đó thiên hạ thua ngã nghiêng. Riêng ông Hội thua gần hết một mùa lúa.
- Tại sao vậy chú?
- Ông ta khoái quá bèn chọc tức ông Cả. Nhà giàu vốn không ưa thua. Nên ông muốn làm mất mặt ông Cả chơi. Ông quăng một trăm gia. ăn một lon sữa bò lúa. Ông Cả nóng mũi bắt một chục ngàn giạ. Cho nên ông hội thua một chục gia. lúa cái vèo.
- Ông ta chung thiệt sao?
- Cái trò gà nòi có gan có chịu cháu à! Cháu nên nhớ rằng khi ra trường gà, con gà là chiến tướng, chủ kê là vua, còn sư kê là quân sư. Ai có gan, có danh dự nấy, cho nên khi thua không ai quỵt. Nếu quỵt ai còn dám chơi gà nòi. Cái điệu nghệ gà nói là vậy. Chỉ đưa tay ra hiệu ngoéo với nhau là kể như chắc rồi. Ai vô đó mà làm giấy tờ, ký tên cho kịp, một lúc cả chục cặp quăng bắt, lại nữa, đương sự chỉ cần nhớ mặt chớ đâu có hỏi tên tuổi gì của nhau?
- Vậy là ông Hội thua một ngàn gia. lúa à?
- Chớ sao! Đã bảo là người chơi gà nòi có gan gà nòi. Nếu không chung thì mặt mũi nào đến trường gà nữa? Để bữa nào rảnh rỗi, cháu tới đây rồi chú bảo thằng Hai Trinh đến "giảng đạo" gà nòi cho mà nghe. Rồi muốn vô đạo thì vô với nó cho vui.
Ông chín bước lại chiếc bội giở bắt con gà dò xem lại lần nữa. Năm Mẹo và thằng Đặng đến ngồi gần để nghe. Ông Chín nói:
- Gà còn nhỏ, chưa có cựa, chưa đủ vảy, nhưng tôi có thể nói sơ qua vài điểm tốt. Tôi quên hỏi chú em là cha mẹ của nó có huyết thống gì với nhau không?
Năm Mẹo ngạc nhiên:
- Huyết thống nghĩa là sao chú?
- Nghĩa là cha mẹ no có bà con dòng họ gì với nhau không?
- Gà mà cũng bà con dòng họ nữa sao chú?
- Có chứ! Hễ trống nghề đụng mái thượng hạng thì đẻ ra con xuất chúng, cũng như Dịch Thanh với Thoại Ba sanh ra Địch Luông và Địch Hổ vậy mà! Còn hễ dòng họ với nhau thì không được.
Năm Mẹo suy nghĩ một hối rồi nói:
- Cha nó ở một nơi, mẹ nó sanh một ngả, chắc không có dòng họ gì đâu chú à!
- Nếu vậy thì con nó chắc tốt. Đây tôi chỉ cho chú em vài điểm. Đầu nó nhỏ và liền lạc với cần cổ, mỏ nó nhỏ, ngắn, khóe miệng sâu. Hễ khóe miệng sâu thì miệng há rộng, cắn mỗ mới nhanh.
Ông Chín kẹp con gà giữa hai đầu gối kéo hai cánh gà xòe ra và nói:
- Bây giờ mó còn nhỏ, cánh chưa đủ lông, nhưng sau khi cựa nó ra chừng một lóng tay thì chú phải đếm lông cánh. Mỗi bên phải chứng 19 cái lông trở lên. Chớ 17 trở xuống thì không tốt.
- Tại sao vậy chú?
- Lông cứng, đều,, vậy mới quạt mạnh, bay cao, xoay chuyển nhanh nhẹn. Nhất là bắp thịt trái chanh phải to và chắc. Bởi vì cặp cánh rất quan trọng. Cánh yếu chỉ đá hai nước là xệ cánh lệt bệt, vướng vít hai chân, cản trở những đòn đá. Đây tôi nói thêm cho chú biết. Hai cánh gà phải xếp sát xuôi theo thân gà thật gọn chớ không có lùi xùi, nhà nghề gọi là cánh áo tơi. Loại cánh này không tốt.
Chú nên để ý coi chừng con gà nào lông cánh thưa ngắn, bắp thịt trái chanh nhão và lép thì không phải là gà hay. Nếu chú chọn gà đá, thì chỉ nhìn qua dáng dấp và cặp cánh là có thể biết gà hay hoặc gà dỡ.
Ông Chín tiếp:
- Nói chung con vật nào cũng có tướng mạo của nó cũng như con người có tướng mạo của con người. Chú thấy trong chuyện Tàu Tiết Gia, Tiết Ứng luông, Tiết Đinh San, Thạch Ngọc, Địch Thanh đều là nhưng dũng tướng, nhưng rất đẹp trai, môi son má phấn khiến cho các nữ tướng như Thần Nữ, Thoại Ba, Phàn Lệ Huê nhìn thấy đều mê mệt tinh thần không cử binh nổi. Ngựa đua và gà nòi cũng vậy. Con gà hay bao giờ cũng có dung mạo dẹp đẽ, thấy muốn nhìn.
- Nhưng còn những õ tướng rất dị kỳ như Cáp Tô Văn, Ô Hắc Lợi thì sao chú?
Ông Chín cười và gật gù:
- Chú em mày nói đúng. Sách có nói: “Dị tướng ắt kỳ tài”. Trong truyện thường có những vị tướng mặt mày kỳ quái nhưng tài rất cao. Trong nghề gà cũng vậy. Có những con gà xem xấu xí nhưng lại có vảy nghề, cựa nghề. Hễ đụng độ là chém chết đối thủ trong nháy mắt. Chuyện đó dài lắm. Để sau này gặp rồi sẽ rõ thêm.
Thằng Đặng nói nhỏ với cậu Năm:
- Hôm trước cháu cản hai con trâu chém lộn bị nó hất té điếc hết một lỗ tai. Cậu hỏi ông Chín có thuốc gì cho cháu xin một chút.
Năm Mẹo thuật lại. Ông Chín cưới hiền hòa:
- Chuyện đó dễ mà!
Ông đi vô nhà một lát rồi trở ra:
- Lỗ tai nào điếc đâu?
Thằng Đặng chỉ lỗ tai bên trái. Ông Chín đưa thuốc ra và bảo:
- Đây là bông gòn thấm mỡ trăn. Để ông nhét vô lỗ tai cháu ít bữa thì hết điếc ngay. Mỡ gà cũng hay nhưng không bằng mỡ trăn. Nhưng phải là mỡ trăn thiệt. Còn mỡ trăn giả thì nhét vô càng điếc thêm.
- Làm sao biết mỡ trăn thiệt, ông Chín?
- Khó kiết gì. Chú thắm bông gòn bỏ xuống nước thì nó xoay tròn, còn mỡ giả thì nó nằm êm ru.
- Sao có mỡ giả hả chú?
- Mỡ trăn dùng trị được nhiều thứ bịnh lắm bán rất mắc nên người ta lấy mỡ khác thay mỡ trăn. Ở đời cái gì thiệt cũng đều có cái giả đi kèm. Chỉ có gà nòi là không giả được thôi. Tuy nhiên có những cái bí ẩn, phải nhìn cho thấu đáo.