Chương Kết

Chặp sau Đặng về bằng ngã trước, tay xách chiếc cặp đỏ chóe. Bà Hương ngó theo đứt con mắt. Bà không biết mở hơi bằng cách nào cho xuôi tai thằng rể. Ba mày cầm đất? nợ người ta??.... Ham tiền thí ai chả ham nhưng ai cũng tự trọng không để cho sự ham hố đó lộ ra ngoài.
Đặng biết bụng bà nhạc nên móc một bộ lư đưa cho bà:
- Má lấy chút đỉnh về mua nước mắm dầu lửa.
Bà gạt khẽ:
- Ba cái việc đó không nhiều đâu con.
- Má cầm thêm chút nữa, về đưa cho ba đi làng mỗi sáng bỏ bụng tô mì và ly cà phê.
Bà Hương thấy 2 cái Bộ Lư đỏ chóe như mặt trời thì hai tay run rẫy. Bà định nói câu gí có nghĩa từ chối xã giao, nhưng bỗng từ ngoài thềm, một người đàn bà sang trong bước vô, quần lĩnh áo nhiễu, khăn màu phất phới.
Cả ba người không nhìn ra đó là ai? Nhưng người đàn bà lại kêu lên:
- Con! Đặng!
Cái giọng quen thuộc làm cho Đặng như tỉnh,ộng.
- Má!
Chị Tư bán cháo lòng ở chợ này vắng bóng lâu nay và thằng bé con xách đèn đưa má nó đi chợ mỗi hừng đông bị con nít chợ giăng dây té bể nồi cháo, không ai còn nhớ nữa. Bay giờ bỗng nhiên xuất hiện như những người hoàn toàn.
Bà Hương ngỡ ngàng trước người đàn bà phương phi trẻ trung. Đặng giới thiệu mẹ ruột với mẹ vợ, và mẹ vợ với mẹ ruột chỉ bằng mắt nhưng hai bà cũng nhận ra nhau. Qua những câu xã giao thông thường lệ, chị Tư mới nói với Đặng những chuyện mà đáng lẽ chị chỉ nên nói riêng với con và dâu. Người dân ở thôn quê không hay giữ ý tứ, muốn nói là nói, muốn cười là cười, không nhịn được dù chỉ một phút, một giây. Hay là ở đây chị Tư muốn tỏ vè “môn đăng hộ đối” với bà xui gái. Chị nói:
- Đặng nè! Sao con mua nhiều tiệm vậy? Một cái tiệm ở dưới này đủ rồi, con còn gởi tiền lên biểu má mua trên đó cho con một cái nữa, ai coi cho hết?
- Tiền ăn độ gà nòi con không có chỗ cất má ơi!
- Thì gởi cho cậu Năm mày.
- Cậu Năm cũng đâu có chỗ nào. Nhét tiền đầu hèo, mối ăn hết!
- Thì gởi cho cha mẹ vợ, cái thằng nói lạ không!
Đặng làm thinh. Bà Hương nhìn chị Tư, ý nói:
- Nó có gởi thì tôi cất dùm cho, nhà tôi, cột kèo bằng cây căm xe mối đâu dám tới.
Chị Tư tiếp lời:
Ở dưới này trăm sự đều nhớ anh chị sui. Mong anh chị coi nó như con ruột vậy.
- Tôi coi nó còn hơn con ruột của tôi nữa chứ.
Chị Tư lại tiếp:
- Dượng con đã mua một cửa tiệm khác cho con trên đó rồi. Chừng nào ở dưới này làm ăn không khá thì con dắt vợ con lên đó!
Chị Tư bỗng ngó dáo dát:
- Ủa, mà vợ con đi đâu này giờ không thấy? Cháu nội của má đâu? Cậu Năm có nhắn cho má hay nói cháu nội của má cháu khỉnh lắm.
Bà Hương gọi:
- Chín a! Ra đây con....con!
Chín khệ nệ cái bụng chửa gần ngày, tay bưng mâm trà và bánh ra đật trước mặt mẹ chồng và mẹ ruột:
Chị Tư nhìn cái bụng của con dâu và cười ngõn ngoẽn:
- Vậy má có phước quá hả con!
- Dạ phải đó, chị sui, vợ chồng nó ăn ở như bát nước đầy.
- Chuyện đó đã đành rồi chị sui, vì con gái của chị là con nhà gia giáo. Nhưng tôi nói đây là nói về đường con cháu. Tôi chỉ có một nhưng cháu bầy phải không chị sui. Cháu tôi đây, đứa thôi nôi, đứa đầy tháng!
Rồi chị Tư quay sang bảo Đặng:
- Vô ẳm cháu nội của má ra đây cho má nựng chút coi con! Bộ nó ngủ nên không hay nội nó xuống.
Chị lấy giỏ xách móc kẹo và bộ đồ rằn ri banh ra.
- Chà bộ này thằng nhỏ mặc vô coi ngộ lắm đa!
Bà Hương ngó Đặng. Chín cũng liếc chồng. Đặng định nói láo nhưng bà Hương lại khui toẹc ra hết mọi việc, rồi kết luận:
- Con Chín của tôi có thiếu gì chỗ tới hỏi, nhưng tôi thấy không có đứa nào bằng thằng Đặng cho nên vợ chồng tôi gã luôn cho nó, cắt đất giúp tiền cho nó làm ăn, như vậy tiền của tóm vào một mối, không mất mát.
- Như vậy là sao?
- Nghĩa là hai chị em nó đều là con dâu của chị.
Chị Tư ngồi chết điếng, không biết nói năng ra sao. À, té ra hai chị em tát một gàu. Mãi chị mới tìm ra ý:
- Tôi sợ chị em nó trâu trắng trâu đen với nhau.
- Không có chuyện đó đâu chị! – Bà Hương lanh lẹ – Thì chẳng khác nào.... Mà cũng đâu có việc gì!
Chị Tư bị chọc nhẹ vào chỗ hiểm nên lắp bắp:
-.... Nhưng mà vợ Ổng ở bên Tàu.... tôi đâu có gặp mặt.
- Thì ở đây cũng vậy. Mỗi đứ ở một nơi, như gà nòi nhốt riêng chuồng có muốn đá nhau cũng không đá được.
Rồi bà bảo Đặng:
- Con đi bồng thằng cháu đích tôn của chị sui vô đây. Nó là con của con Tám, còn con Chín thì tháng tới mới đập bầu.
Chị Tư càng ngẩn ngơ. Nhưng chị đã bị đặt trước một việc đã rồi. Một việc đã rồi quá ư tốt đẹp cho chị, khiến cho chị không thể nào từ chối, ngược lại còn chấp nhận một cách vui vẻ, hài lòng, tuy rằng ngoài mặt thì có vẻ từ chối:
- Làm vậy tội nghiệp cho hai chị em nó, chị sui à!
- Không sao đâu chị sui. Trai năm thê bảy thiếp! Ông Trời ổng bảo vậy. Hơn nữa, hai dây trầu leo một cây cau là tốt, thậm chí ba dây cũng tốt như thường.
Chị Tư nhìn bà sui, không hiểu bà muốn nói gì. Bà Hương tiếp:
- Ba dây trầu leo một gốc cau thì càng tiện. Gàu nước tưới lên không rơi rớt ra ngoài giọt nào.
Vừa tới đó thì một ngưới đàn ông bước vào:
- Chú Hai sư kê! Đi đầu lạc tới đây?
- Đi kiếm mày chớ đi đâu!
- Kiếm làm gì? Đi lại tiệm nước rồi hãy nói! Chuyện gà què không nên nói ra.
Hai Trinh lắc đầu:
- Không có gì bí mật!
Hai Trinh vừa nói vừa lấy ra xấp bạc đưa cho Đặng:
- Chú mày về sớm quá, không ở lại coi con Ô Mặt Lọ chồng độ ăn con gà Nhạn của ông Cai Tổng Hộ!
- Chồng độ hồi nào?
- Độ chót....Sau khi ăn con Xám Gạch, thì ông Cai Hộ thách ông Hội mình chồng độ. Tiền độ là 50 ngàn. Thầy Năm cản. Tôi thì lắc lư. Ông Hội nhất định đá. Chú mày biết tánh ông Hội mình mà, ổng thường đi ngược nhưng lại về xuôi. Ổng vừa ăn 50 độ trước, ổng cầu âu độ này. Chẳng ngờ ăn luôn. Thành thử ổng ăn luôn hai độ, tổng cọng 100, là độ thứ ba của con Ô Mặt Lọ.
- Thứ tư chớ! Người ta sợ gà trả độ Ở độ thứ tư.
- Người ta sợ, ông Hội thì không!
- Nhưng ổng nói sau độ này ông cho con Lọ dưỡng lão luôn. Có một ông điền chủ ở Rạch Giá hỏi ông Hội mua con gà nhưng ông Hội không bán. Ổng bảo ổng sẽ đúc giống giữa giòng gà Lọ độc đao. – Hai Trinh nhét sấp bạc vào tay Đặng – Đây là của chú mày!
- Tiền gì?
- Ông Hội nói thưởng cho chú mày! Hì hì.... từ nay con Lọ được dưỡng già với mấy cô mái trứ danh.
Hai Trinh kề tai Đặng:
- Há há...! Thì cũng như chủ nó!
Đăng đập vai Hai Trinh. Hai Trinh càng trêu chọc một hồi:
- Đâu chú giở chân của chú lên tôi xem. Nếu không có vảy kích liên giáp thì cũng có vảy xuyên giáp yểm nguyệt cho nên con nào đụng tới thì bị đá tối tăm mày mặt hoặc rách giáp chạy dài, rồi con khác đụng tới cũng bị đá cho một dây vĩa tối trúng ngay phau cao run chân té quỵ!
Hai Trinh lại tiếp:
- Tôi nghe ông Hội bàn với thầy Năm hết mùa gà này ông cũng dẹp trại luôn, ổng sẽ bán hết gà trống chỉ chừa cho tôi vài con và cho chú con gà Tử Mỹ, gà Dơi thì đắc mái lắm. Người ta sẽ đem gà mái đến để cho nó đúc. Mỗi con một phát. Còn tôi nghỉ nghề hút máu và bàu diều luôn để lui về sằn đã mua ruộng nương mà làm ăn. Đá gà chỉ là nghề cờ bạc chới đâu phải căn bản, chú em. Chú có thấy ai cờ bạc mà làm giàu không? Ông Hội bảo “cực lạc sẽ sanh bi”.. Ổng đã lên đến chót của nghề gà rồi. Bây giờ nghỉ là vừa. Ổng sẽ lấy tiền ăn độ lên Saigòn hùn buôn xe hơi với thằng cháu và nuôi ngựa đua, không chơi gà nữa. Cũng như ba tôi vậy. Con người có lúc ham mê nhưng cũng có khi chán nản. Đừng đợi chán mới bỏ. Nên bỏ trong lúc còn ham mê.
Hai Trinh đứng dậy kiếu từ. Đặng đưa ông sư kê ra tới bờ sông, rồi móc túi đưa Hai Trinh một tờ giấy oảnh:
- Cám ơn chú Hai, chú cầm lấy uống nước.
- Không có nước non gì chú mày à. Tao sẽ mua ngay một con nghé cho thằng con út. Nay mai mình kiếm tiền không có dễ nữa đâu!
Đặng quay vào nhà, Hai bà sui còn tâm sự với con dâu- con gái. Bà Hương đã nghe hết chuyện Hai Trinh và Đặng nghỉ đá gà, mua tiệm, mua đất, tiền lại đẻ tiền. Nhưng nào đã hết. Gà đổ mái còn hái ra tiền đều đều.
Đêm đó bà Hương kêu ông Hương lên ngồi ở ghế ăn trầu rồi bảo:
- Có chuyện này, không biết... Ông có hay chưa?
Bà Hương thở dài sườn sượt.
Bên tai bà còn vang tiếng nói của Đặng, của bà sui và tiếng khua sột soạt của giấy bạc. Mấy cái tiệm tạp hóa, bao nhiêu ruộng vườn,trâu bò và gì gì nữa sẽ nối đuôi nhau vào nhà Đặng. Vớt sơ một phát cũng đã 2000. Hai mùa lúa ruộng của mình cũng chưa được. Ngày trước bà Hương ngại người ta biết bà làm sui với chị bán cháo lòng. Bây giờ ngược hẳn lại, bà muốn mọi người nhắc nhở chuyện đó.
Thấy vợ ngồi trâm ngâm, ông Hương hỏi:
- Chuyện gì bà nói nghe coi!
- Ông làm bao nhiêu ông đổ sông đổ biển bấy nhiêu!
- Bà sao cứ khui ba cái chuyện đó ra hoài. Tôi tu từ lâu rồi!
- Tôi không nói động tới mấy ả đó đâu. Tôi nói chuyện khác kia. Có người thưa ông đó.
Ông Hương nhảy nhỏng lên. Bà Hương được trớn làm tới:
- Người ta buộc tội ông làm mất danh dự người ta!
Ông Hương cưới lớn:
- Chuyện gì chớ chuyện mất danh dự thì tòa chỉ phạt bồi thường một đống bạc!
- Người ta nói ông lừa gạt nữa.
- Thằng nào con nào dám cả gan? Tôi lường gạt ai? Tôi đã từng xử cả chục vụ lường gạt, dân chúng thiếu chút nữa kêu tôi là Bao Công tái thế kia mà.
- Ờ, Bao Công xử các vụ lường gạt thì giỏi lắm, nhưng chính Bao Công lường gạt kia mới kỳ chớ!
Ông Hương trợn trừng, khoa tay như đuổi ruồi:
- Tôi chấp! Tôi chấp!.... Bà đi đâu hồi chiếu tới giờ rồi vế bày đặt nhiều chuyện vậy? - Tôi vô tiệm con Chín. Tôi gặp bà sui ở đó! Bả ở Saigòn về.
- Ồi! Con mẹ bán cháo lòng! Đi Saigòn thì giỏi chũng bán chè đậu là cùng!
- Nè! ông đừng nói cái giọng đó nghe. Bây giờ bả không như hồi xưa đâu.
- Không như hồi xưa rồi bả làm gì tôi chớ?
- Bả đâm đơn thưa ông đó!
- Tại bả không biết tôi làm gì trong hội tề.
- Bả biết nên bả mới kiện chớ.
- Bà khùng rồi chắc!
- Tôi nói phức cho ông rõ. Năm M ẹo xúi bả kiện ông về vụ tráo hôn con Tám!
- Ơ ợ..! –Ông Hương bị thọt bất ngờ, rối loạn hồi lâu mới nói.
- Thì tôi đã bù lại cho thằng Đặng rồi. Trâu què đền trâu lành, còn ức gì nữa?
- Bà sui bảo lúc làm đám cưới con Chín đã có bầu như vậy làm nhục đàn trai.
- Nó có bầu với ai mới được chớ?
- Với ai không biết nhưng Năm Mẹo kiện ông tội tráo hôn và tội bắt thanh niên còn tơ nơm con gá có bầu của ông. Mọi người đều biết, nhiều người sẽ đứng ra làm chứng. Trong đó có mấy ông trong ban hội tề có mặt trong cả hai đám cưới con Tám và con Chín.
Ông Hương hơi run trong bụng. Nếu quả vậy thì nguy thật.... Người cầm cân mẽ mực lại bẻ quẹo cả mực lẫn cân. Người chăn dân lại tác hại dân.
Bà Hương lại tiếp:
- Ngoài ra còn có người đứng đằng sau Năm Mẹo xúi biểu và cấp tiền cho Năm Mẹo kiện. Người này có con cháu làm lớn ở Saigòn, rất ghét ông vì có lần ông bảo thằng Đặng đòi gà về cho ông nuôi.
Ông Hương đổ mồ hôi hột. Ông biết ngay đó là ai. Quả có lần ông xúi thằng Đặng bắt gà về rồi ông cho tiền nó đi đá. Tội gì để cho người ta đá bạc ngàn mà chỉ thí cho bạc chục? Nhưng chẳng lẽ nó lại đi mết ông ta?
- Con rể gì như vậy thì bắt con gái lại cho rãnh! Ông Hương lằm bằm.
- Ông bắt hai đứa con gái có con, có bầu, nó đi kiếm gái trinh. Nhưng sợ Ông không bắt được chớ! – Bà Hương càng làm to – Ông đụng vô ổ kiến lửa, nó dậy lên rồi!
Ông Hương đành ngồi làm thinh. Tưởng ai chớ có bàn tay ông này nhúng vô thì sự nghiệp mình bay vèo cái một. Ông đã từng biết hai ông có máu mặt nhất trong làng này kiện nhau. Ông thắng kiện cho đầy tớ vác xà beng tới cạy đá xanh mộ cha ông thua kiện. Ông Hương sợ thật. So với ông ta thì mình chỉ là cái xuồng ba lá bên cạnh chiếc ghe chài, ông Hương đứng dậy định bỏ đi. Nhưng bà Hương thấy tội nghiệp, bảo:
- Nhưng tôi lo xong cả rồi.
- Lo cái gì?
- Tôi lạy người ta rút đơn mà sói đầu hết đây, ông thấy chưa?
- Vậy bà còn dọa tôi làm gì?
- Người ta rút đơn giữa tòa nhưng ông và tôi phải bồi thường.
- Tôi làm vậy, tôi đã bồi thường cho nó rồi, tiền bạc ruộng đất và...a. Nó còn đòi gì nữa?
- Nó còn đòi thêm!
- Tôi còn bấy nhiêu ruộng tôi đẻ cho thằng Sáu hương hỏa vợ chồng mình.
- Nó đòi mình phải cưới vợ cho nó!
- Cái thằng trời đánh! Kêu bà già nó vô đây tôi chầu cho một trận.
- Thì chính bà già nó đòi đó ông à! Bà đòi mình phải gã con Mười cho thằng Đặng và làm đám cưới, làm hôn thú đàng hoàng với con nhỏ.
- Tôi có chết thì chịu chết chớ không nhận chuyện đó! –Ông Hương gầm lên.
- Ông không nhận thì tôi nhận.
- Con gái đời bây giờ đâu có chịu ép làm bé hai bé ba cho người ta.
- Bé Chín, bé Mười cũng được, miễn chồng nó có tiền nuôi nó thôi.
- Cái bà này! Học ở đâu cái thói ngang như cua, cái lối cau trổ ngược ngạo đó!
- Coi ngược vậy mà xuôi ông ạ!
- Thiên hạ cười thúi đầu bà ơi!
- Thiên hạ chỉ cười thằng khố rách áo ôm, chẳng ai cười ông bá hộ.
- Nó xấu hổ với chị em bạn, tội nghiệp bà ạ! Mình lỡ để cho thằng Đặng câu được con Chín đến bầu nên mình phải giả dại qua ải đẻ thiên hạ khỏi cười.
- Ai cười? Ai dám cười bà bà hộ? Ai cười tôi đổ rượu thịt vào mồm, tôi lấy giấy ngẩu, giấy oảnh dán miệng lại. - Bà Hương hùng hổ đứng dậy. – Tôi bàn với bà sui rồi. Năm Mẹo cũng đồng ý, thằng Đặng thì khỏi nói. Vòng vàng chị sui đã cho người lội đi Saigòn mua rồi. Hai đôi bông mù u, cặp vòng tay, một chiếc kiềng cổ, một cặp dây chuyền nách, ba chiếc nhẫn nhận hột xanh, tím, đỏ. Một bộ trâm, một chiếc lược cài, ba bộ áo cưới.... Làm đám cưới rồi nó theo chị sui về đứng tiệm trên Saigòn luôn.
Bà Hương nói một hơi không kịp thở, không để ông Hương xen vào. Ông Hương như con gà bị cựa độc đao chém hang cua, cần gục, chân run đứng không vững nữa, nhưng còn ngượng ngóc lên:
- Nếu con nhỏ không chịu bà làm gì nó?
- Xí! Sướng như tiên còn không chịu. Cãi tôi, tôi đập chết. Áo không mặc qua khỏi đầu.
Ông Hương đáp một câu xụi lơ:
- Ép dầu ép mỡ ai nở ép duyên?
- Ép nó vô chỗ giàu có sang trọng bề thế chớ tôi ép nó cho thằng chăn trâu hay sao? Tôi vừa nhờ thầy Tư bói một quẻ. Thầy nói ba đứa con gái của mình là một chòm sao trong Nhị Thập Bát Tú, nếu một cái tách ra thì hai cái kia lu mờ hoặc rụng ngay. Trong cuộc báo thù cho cháu, Năm Mẹo đã đạt cao hơn ý nguyện. Trong cuộc chài tiền, bà Hương cũng hoàn toàn thỏa mãn một cách bất ngờ.
Vậy ai thắng ai? Chẳng lẽ lại cả hai đều thắng?
Thế mới biết mỗi người đều có lý lẽ riêng để thấy rằng mình sống trên đời vinh quang hơn kẻ khác.
Xuân Vũ
14 tháng 3, 1993

Hết

rose

 

 

Xem Tiếp: ----