Chương 29

Thằng Đặng được ông Hội be cho tám trăm. Tiên mướn con gà Mặt Lọ ba trăm. Đá độ ba trăm, cho thêm hai trăm. Cả một gia tài. Cái bầy vịt hãng kia phải đẻ bốn năm liền và nó không xài một xu nào thì họa may được phân nửa số tiền đó.
Bỗng nhiên giàu lên trong chớp nhoáng.
Thầy Năm nhút nhát không dám đá. Lương thầy giáo một tháng có mười đồng. Thầy đâu nở để vợ con nhịn đói. Tuy vậy vì tình ông bạn gà, thầy cũng bặm môi ký sổ hai chục đồng. Ông Hội bảo:
- Tôi đá cho thầy một trăm. Ăn thầy lãnh, thua tôi chung.
Bây giờ ông Hội dúi cho thầy hai bộ lư. Riêng sư kê Hai Trinh ông đáp vít cựa một ngàn và bảo:
- Vợ con chú ăn bao nhiêu lên vựa tôi xúc!
Gã tài công ca- nô cũng được tặng một tấm giấy “oảnh” bằng hai tháng lương thầy giáo.
Ông Hội chơi điệu thiệt. Ông “bỏ quên” hai chục ngàn ở trường Xà No, chỉ lấy một trăm ngàn. Thằng Đặng không tưởng tượng được một trăm ngàn là bao nhiêu nữa. Nó chỉ biết một trứng vịt bán được hai xu. Một tô cháo lòng từ hai xu tới năm xu. Nếu má nó bán cháo lòng thì đời nào mới để dành được một trăm đồng?
Một lần nó vô chợ thấy hai người lơ xe đò tranh khách đánh nhau bằng ma- niven lổ đầu vì giành bán tấm vé giá có một cắc một người khách. Công gặt một ngày được hai cắc. Khom cụp cả lưng rách cả lưng áo, mòn cả ống quần.
Vậy mà nó có đến 800 đồng. Nó bỏ trong túi quần đầy nhóc chớ không phải nó tưởng tượng, không phải nó hái lá mận lá khế làm tiền như hồi nhỏ chơi nhà chòi. Nhưng không phải chỉ bấy nhiêu.. Ông Hội bảo cứ để cho ông nuôi con Ô Mặt Lọ. Hễ ông đem đi trường bất cứ kỳ đá hay không đá thì ôn g bê cho nó ba trăm. Còn nếu nó để ổng nuôi luôn thì ông cho nó hai ngàn đồng. Chao ôi! Nó sợ quá. Nó làm gì mà được số tiền lớn như vậy. Nó có đầu thai mười kiếp cũng không đào đâu ra số bạc đó. Nó được bốn ngàn gia. lúa hay sao? Bộ nó ở trên trời rớt xuống đây chắc. Nó biết ông già vợ nó mỗi năm chỉ được có sáu bảy trăm gia. lúa thôi mà cũng được gọi là giàu trong vùng nữa là bốn ngàn giạ. Nó sẽ mua gì? Nó sẽ cất giữ ở đâu cho khỏi trộm cướp.
Nó không ngờ một chú gà con đẻ ở bụi tre mà bây giờ quí giá và làm cho ông Hội nổi danh như vậy. Ông sẽ mang nó đi đến các trường Tiền Giang đá tiếp.
Bây giờ Đặng mới hiểu tại sao bác Hai Trinh nuôi gà nòi kỹ lưỡng và xem vảy xem cựa gà tỉ mỉ như vậy.
Đặng về tới nhà không thấy ai hết. Mới đi có hai ngày hai đêm mà tất cả đã thay đổi.
Ở nhà thì chán nhưng đi xa lại nhớ. Người ta nói đi xa nhớ con chớ không nhớ vợ. Đúng không? Không những nhớ con, còn nhớ cái chòi vịt, nhớ đống rơm, nhớ cái giường ọp, chiếc ghế bố tả tơi. Đặng xuống chòi Năm Mẹo.
- Mầy đi thì bả bắt vợ con mày về đẳng. – Năm Mẹo nói ngay rồi hỏi – Con Ô Mặt Lọ có đụng độ không?
- Ông Hội ăn hai bao bạc.
- Hả, mày nói gì? - Năm Mẹo nhảy dựng lên.
- Ổng ăn một trăm ngàn đồng cậu ạ!
- Trúng số độc đắc có mười ngàn đồng mà ổng ăn một trăm ngàn là sao?
- Ai biết đâu, nhưng cháu thấy rõ mà. Ở miền dưới người ta đá gà ăn bạc thước bạc ký. Một thước là một trăm ngàn. – Thần Năm Mẹo ngơ ngác. Đặng móc bạc để trên bàn. – Ổng cho cháu nè! Đặng xỉa xỉa - Tám trăm chẳn.
Năm Mẹo thấy toàn bộ lư và giấy oảnh. Bây giờ Năm Mẹo mới tin.
- Rồi con gà đâu?
- Ổng nói để ổng mượn. Gà nghề, cháu lơ đểnh người ta ăn cắp mất. Ổng hứa mỗi lần ôm đi trường ổng cho cháu một trăm. Đụng độ ăn thua gì cũng cho ba trăm.
- Vậy là con gà nghề thiệt rồi cháu à.
Đặng kể lại độ gà cho Năm Mẹo nghe. Năm Mẹo không hiểu tại sao ông Hội bắt Hai Trinh chị một cặp cựa đổ máu như vậy. Đặng cũng lắc đầu. - Mình không chơi không hiểu cậu à.
- Nhưng sao ổng cho cháu?
- Dạ hôm trước ổng bảo để ổng đá cho. Vốn cả thảy được sáu trăm còn hai trăm ổng cho thêm. Ổng cho chú Hai Trinh một ngàn và ổng nói ổng sẽ xây trường học, cái chùa, sửa đường, còn bao nhiêu ổng sẽ đem con Ô đi đá nữa.
Đặng đưa cho Năm Mẹo và nói:
- Cậu cất đi.
- Bậy mày.
- Không có cậu cháu đâu được cái gì. Hổng chừng bây giờ còn giữ trâu. –Đặng đứng dậy –Để cháu đi đòi vợ con cháu lại.
- Năm Mẹo xua tay:
- Cháu không phải đòi. Họ sẽ băn nỉ và đem trả cho cháu.
- Ông Hương ngồi buồn rầu. Tưởng tráo hôn là thắng. Nào dè thua. Ông kêu bà Hương ra, hỏi:
- Bà bắt vợ con nó về nhà để làm mắm, hả?
- Chớ con nhỏ không chịu ở, để ở đằng đó ai săn sóc?
- Gả rồi còn bắt lại là sao?
- Hư bột hư đường là do ông hết thảy.
- Bà cứ nói cài kiểu đó hoài chắc tôi trốn luôn quá!
- Ai đời hứa gả đứa này lại gả đứa kia.
- Vậy hồi đó bà không cản gắt, bà chỉ nói hàng hai: “Ông làm sao êm thì thôi!”
- Bây giờ con chị vừa cứng cát, con em tanh cơm tanh cá kìa,, tôi nói cho ông biết mà mừng.
Ông Hương nhảy dựng lên như Đồng An bị thầy Tư quất khăn ấn vào mặt:
- Hả hả....? Hả?
Hôm trước ông bảo tôi sắp nuôi đẻ. Thì nuôi thiệt chớ sao?
- Bà nói sao, nói lại cho tôi nghe coi.
- Ông chưa có điếc mà. Tiếng tù- và của bà đò Sầm thổi cách ba chục công bề đứng ông còn nghe hơi, sao tôi nói sát bên tai mà ông nghểnh ngãng?
Ông Hương nổi giận phùng phùng:
- Bà kêu nó ra đây tôi biểu
- Ông kêu không được sao bắt tôi kêu?
- Bà này bữa nay chằng gây thật ha!
Cầu Sáu từ ngày cưới được cô Láng tỏ ra biết nghe lời cha mẹ, thương vợ và lo lắng công việc nhà, lại biết giữ của. Cậu ở ngoài sân lon ton đi vô. Thấy hai ông bà đang phùng sè như cá lia thia thì cậu bắt chước ông Tử Lộ chọc cho cha mẹ vui:
- Ba ơi! Con trâu cổ mình đẻ một cặp nghé!
- Mày lại khùng nữa há Sáu?
- Dạ con nói đùa đấy. Con nghe ông Hội sắp đổ đá cho con lộ, sắp cất thêm trường học. Vậy ba bán cho người ta xẻ thịt cho đám lục lộ ăn quách cho rồi.
- Ai nói với mày ông hội làm những chuyện đó? Sao tao ở trong làng mà tao không biết?
Cậu Sáu thấy bóng người ngoài ngỏ thì ngưng câu chuyện, chạy ra thầm ngóng rồi trở vào nói:
- Ông thầy Tư tới ba ơi!
- Biểu ổng trở về đi, đừng có đem ba cái bùa chú cặm đầy vườn nữa.
Bà Hương xua tay:
- Ấy, ấy! Tôi rước ổng tới ếm hàng cau tơ để khỏi trổ buồng ngược hại nhà ta đó ông ơi.
- Ếm đó! Cau trổ xuôi “hai buồng” rồi đó. Ếm phát này.... tới buồng thứ ba.
- Ông trù mạt nữa hả?
Bà Hương bảo cậu Sáu dắt thầy Tư đi vòng bên hiên ra sau vườn lập đàn ví trận, xua đuổi dùm "bầy quỉ ba con" như thầy bảo kỳ rồi. Ông Hương giận no nhưng thấy bà sắp nổ to nên cũng bớt cơn thịnh nộ.
Thầy Tư vừa ếm xong, thì lại có khách. Đó là Năm Mẹo.
Năm Mẹo chấp tay xá và nói ngay:
- Ông Hương có tin mừng!
- Suốt năm nay tôi mắc đại nạn, tin mừng gì đó chú Năm?
- Thằng Đặng ăn độ gà nòi một ngàn đồng.
- Hả.... – Ông Hương lại nhảy dựng lên, lần này không như Đồng An mà như ngồi trên lửa.
Năm Mẹo từ tốn, lễ phép thưa qua câu chuyện của thằng rể quí ông Hương rồi tiếp:
- Ông Hội hứa cho nó thêm tiền, và án đổi đất cho nó để bắt con gà.
- Bao nhiêu tiền? Bao nhiêu đất?
- Dạ Ổng hứa cứ mỗi lần ôm con gà đi trường thì cho nó bốn trăm, còn đụng độ thì cho nó tám trăm.
- Rủi thua cũng cho à?
- Dạ theo ông Chín Tôn nói thì con gà nào chớ con Ô Mặt Lọ này vảy nghề, đá không bao giờ thua.
- Gà gì kỳ vậy?
- Dạ nó là linh kê. Ông Hội muốn mua mà nó không bán, thưa ông Hương.
- Biểu thằng Đặng lên đây, tôi kêu nó bán quách cho rồi. Cầm tiền chắc hơn. Để cho ổng ôm tới ôm lui, người ta đánh tráo mất.
Bà Hương chọc ngay bảng họng ông chồng:
- Ông Hội là người trên trước, ổng tráo như ông à?
Ông Hương trợn ngược đứng tròng tưởng có thể ngã ra hộc máu chết tươi. Năm Mẹo mừng như thắng trận. Năm trước cũng tại đây, Năm Mẹo bị sập bẫy. Bây giờ cũng tại đây Năm Mẹo đã gỡ được bẫy và gài lại cho kẻ đã bẫy mình. Năm Mẹo nói:
- Dạ tôi cũng tính như ông Hương. Bán quách cầm tiền cho chắc. Làm quái gì ba cái thứ gà nòi. Nay đá mai rót. Chừng đó có môn mà nấu cháo cối mời không ai ăn. Nhưng cái thằng bướng bĩnh. Tôi bảo nó không nghe. Nó nói, ông Hội Đồng còn nhờ Hai Trinh nói với tôi làm mai để ổng gả con cháu của ổng cho nó rồi ổng cho nó ruộng đất làm ăn luôn với ổng. Như vậy ổng sẽ xài con gà nòi dễ dàng hơn.
Ông Hương lại nhảy nhổm lên, lần này thì nghe như đít mọc gai. Ông xua tay:
- Đâu có được! Nó là con rể nhà này, đâu có ai bắt ngang như vậy được.
Bà Hương lại chọc vào họng ông:
- Sao không? Hễ nó chịu là được. Nó thưa ông tráo hôn. Ông Hôi Đồng còn quở nặng ông nữa là khác!
Quay sang Năm Mẹo, bà Hương trở giọng nhỏ nhẹ:
- Chú Năm có biết nó đã hứa với ông Hội chuyện đó chưa chú Năm?
- Dạ, tôi là cậu nó, nó muốn làm việc gì nó cũng phải hỏi tôi.
Bà Hương không dấu được sự bối rối:
- Nó có vợ con đàng hoàng mà, chắc ông Hội cũng biết chớ chú Năm!
Năm Mẹo làm như không nghe, bình tĩnh nói tiếp:
- Nó đem tiền về và kể cho tôi nghe chuyện đá gà ở miệt dưới. Nó bảo nếu nó ở nán lại đá ké với ông Hội vài độ nữa, hoặc nó cho chồng độ con gà của nó thì nó sẽ kiếm thêm được vài ngàn. Nhưng nó phải về.
Bà Hương tiếc ngẩn tiếc ngơ:
- Về làm gì gấp mà mất bạc ngàn!
- Dạ nó nói nó nhớ vợ con nên nó không ở được!
- Vợ con nó có tôi săn sóc.
Năm Mẹo tiếp, mặt tỉnh bơ:
- Nào ngờ về tới thì thấy nhà trống lổng. Vợ con nó đã bị ai bắt đi đâu mất hết. Nó bèn vô nhà làng thưa.
Bà Hương ú ớ:
- Vợ con nó đang ở với tôi đây chớ ai mà bắt.
Ông Hương thêm vào:
- Má nó với tôi thấy con vợ nó nằm ở nhà cheo leo một mình, lại non ngày tháng nên đem về đây.
Năm Mẹo nói mát:
- Cám ơn ông Hương bà Hương có lòng tốt đối với cháu tôi.
Ông hương bảo vợ:
- Bà đem mẹ con nó về đẳng đi. Ai bảo tài không làm chi.
Bà Hương đáp lại giọng hơi gay gắt:
- Cơm không lành canh không ngọt giữa hai đứa nó. Con nhỏ không muốn ở đàng đó nữa cho nên tôi mới đem về đàng này chớ không phải ách giữa đàng mang vào cổ.
Năm Mẹo lại vò cho cuộn tơ ối thêm:
- Quả thật tiền bạc làm cho con người thay đổi mau quá! Giắt bạc ngàn trong túi bây giờ nó nói toàn chuyện trên trời dưới biển. Nó chê cháu ông Hội Đồng và khen gái miệt Xà No. Nó bảo ở dưới đó con gái bán bánh kẹo cũng đẹp như con nhà giàu trên mình. Nhiều ông điền chủ biết nó là chủ con Ô Mặt Lọ thì muốn bắt xác nó đem về làm rể. Ông thì hứa cho nó một trăm mẫu ruộng, ông lại cho nó làm chủ ruộng muối.
- Úy trời đất! – Bà Hương giật mình đánh thót – Chú Năm khuyên nó dùm tôi.
- Bây giờ nó ít nghe lời tôi, bà Hương à!
- Chú kêu nó đến đây cho ba nó nói chuyện chút!
- Từ hôm đi Xà No về nó cứng đầu lắm.
Nói xong Năm Mẹo đứng dậy kiếu từ.
Năm Mẹo không về nhà mà đi thẳng vô chợ. Năm Mẹo đến tiệm nước uống ly rượu thuốc và khề khà nói chuyện ông Hội Đồng ăn độ gà quá lớn ở Hậu Giang, ông sẽ làm thêm trường học, đổ đá đường làng, trùng tu ngôi chùa Phật. Sau cùng Năm Mẹo rỉ rả kể chuyện chủ điền dưới đó muốn gả con cho thằng Đặng để bắt con gà nghề....
Trong lúc đó ông Hương bà Hương ngồi chết trân nhìn nhau.
Cái kiểu này thì nó sắp bỏ con Tám rồi!
Bà Hương thở dài hắc ra não nề! Mưu sâu thì họa cũng sâu.
- Rồi bây giờ bà tính làm sao?
- Tôi tính nhiều cách nhưng không biết có ăn thua hay không.
- Cách nào, đâu bà nói tôi nghe thử.
Bà Hương chẫm rãi nói:
- Nó biết mình lừa nó. Nhưng lúc đó nó lép vế, không dám chống cự nên nó bấm bụng ở với con Tám. Bề mặt nó làm nhưng thận nhưng trong bụng nó luôn luôn tính kế trả thù. Trước nhất là nó tìm cách ve con Chín.
- Có chuyện đó nữa à!
- Vá con Chín cũng chịu nò làm chồng.
- Trời đất! Có chuyện đó nữa sao?
- Trước kia ông hứa gả con Chín chớ đâu phải con tám cho nó! Con Chín vịn cớ đó ma đeo nó. Tôi bắt được một lần, tôi rầy con Chín nó trả treo: “Ba hứa gả con cho ảnh rồi!” Tôi cứng họng chớ còn nói gì nữa.... Bây giờ thằng Đặng có bạc ngàn, nó càng đeo cứng, trời gầm không buông.
Ông Hương thở dài:
- Con cái gì như vậy. Thiệt hết chỗ nói rồi!
- Chưa hết đâu ông!
- Còn gì nữa? – Ông Hương trợn mắt – Bà biểu nó trốn đi chớ hễ gặp tôi là tôi chặt đầu nó!
- Ông không biểu nó cũng trốn với thằng Đặng. Có một ngàn đồng giắt túi, trốn khỏe quá mà ông!
- Kêu Năm Mẹo tới tôi bảo tôi gả luôn con Chín cho nó.
- Xí! Hồi xưa ông bắt nó lạy ông để lấy con gái ông. Bây giờ ông lạy nó để nó lấy con gái ông, nó cũng không thềm.
- Tại sao kỳ vậy?
- Tại vì nó có năm bảy con gái chủ điền Cân Thơ chờ nó, có ông Hội Đồng Bình đòi gả cháu cho nó chớ sao.
- Bộ tụi nó bảnh còn con gái mình tệ lắm sao?
Bà Hương chõ mồm qua mặt bàn nói khẻ vào tai chồng:
- Con Chín tanh cơm, tanh cá rồi, ông biết chưa?
Ông Hương vừa há miệng định quát một tiếng bay nóc nhà thì Thầy Tư ló đầu vô. Thầy Tư nói:
- Bà Hương, xin bà Hương quá bộ ra vườn rót rượu đốt nhang để tôi bắt đầu tróc quỉ.
Thầy Tư thấy bà Hương đứng lặng thinh thì tỏ vẽ sốt ruột. Bà Hương lắp bắp:
- Hồi nãy tôi bảo thầy ếm như thế nào?
Thầy Tư bước tới nói nhỏ:
- Bà Hương bảo tôi ếm cho hai bên dang ra, cắt đứt.
- Hồi nãy khác, bây giờ khác.
- Dạ khác làm sao bà Hương?
- Khác là hồi nãy....
Bà Hương ngập ngừng. Khác là hồi nãy bà chưa biết thằng Đặng có bạc ngàn trong túi nên bà muốn ếm cho con dang ra. Bây giờ biết thằng Đặng có bạc trong túi bà muốn con Chín dính chặt vào.
Bà lọng ngọng một chút rồi bảo:
- Thầy làm ơn ếm ngược lại.
- Nghĩa là làm cho mấy buồng cau trổ ngược luôn.
- Phải rồi. Coi ngược vậy mà xuôi thầy Tư.
Thầy Tư lui ra vườn. Bà Hương càng quýnh quáng chạy theo:
- Thầy Tư ếm cho hai đứa nó dang ra.
- Hai đứa nào bà Hương?
- Con Chín với thằng Đặng ấy mà.
- Ủa bộ có chuyện gì hay sao bà Hương?
- Không không không có chuyện gì hết. Tôi nói lộn....con Tám với thằng Đặng.
- Bà Hương muốn tôi ếm cho vợ chồng cô Tám lìa đôi à?
- À không, không....
- Bà Hương phải nói thiệt, chớ úp mở, tôi trấn lá bùa vô rồi thì không mở ra được.
Bà Hương đổ mồ hôi trán, hơi thở phều phào:
- Thôi thôi thầy Tư cứ ếm cho tụi nó dính luôn với nhau đi.
- Ai dính với ai ạ?
- Con Tám với thằng chồng nó.
- Nghĩa là cô Chín không có gì hết?
- Ờ ờ thôi cứ cho ba đứa nó thương nhau đi.
Thầy Tư không hiểu gì cả, nhưng vẫn lãnh mạng đi ếm. Bất cứ ai, ai lìa ai, bùa thầy cũng đều linh hết.
Bà Hương chạy vô trong buồng tìm mẹ con cô Tám. Người đau khổ nhất trong cái gia đình này có lẽ là Tám. Có con hầu như không có chồng. Tám bị Chín nói xéo nói xiên, bị Mười cười, bị cha mẹ bạc đải. Tám chỉ biết khóc mà không dám ngó ai.
Bà Hương xồng xộc vào, bảo:
- Mày sửa soạn về nhà.
- Nhà con ở đây.
- Nhà mày ở đẳng. Thằng Đặng bây giờ nó có bạc ngàn rồi. Về đó ở, tao không nuôi mày nữa.
- Chết thì chết con không về đẳng.
- Tôi bảo thằng Đặng tới dắt vợ con nó về.
- Con không phải là vợ nó. Vợ nó là con Chín kia!
- Ai bảo mày vậy?
- Con Chín nói thằng Đặng là chồng nó vì ba hứa gả nó không phải gả con cho thằng Đặng.
- Cũng tại ba mày cho nên bây giờ mới ra nông nổi.
- Mấy bữa má ở nhà, nó lại một mình, hai đứa nó giỡn trên giường. Con làm bộ không biết.
- Bây giờ lỡ như vậy rồi, tao biết làm sao?
- Má gả con Chín cho nó y như lời hứa trước kia.
- Con em làm bé cho con chị à. Ai người ta coi cho?
- Con chị làm bé cho con em chớ má! Nó nói con giựt chồng nó mà!
Bà Hương dậm chân bành bạch đấm ngực thùm thụp:
- Không biết tôi ăn ở ác đức làm sao mà bây giờ tôi phải mang cài họa này!
Cô Mười bưng cơm vô cho chị Tám. Bà Hương giận cá chém thớt. Bà trỏ mặt Mười:
- Còn con quỉ nhỏ này nữa. Mày cớn rớn coi chừng rồi cũng dính như con Chín coi!
Cô Mười hốt hoảng buông mâm cơm rồi chạy tuốt. Trong lúc đó, khác với bà Hương, ông Hương đi nước cờ ngầm.