Chương 26

Người tài công nghe lệnh bèn bớt tốc độ và rà vào mé, ghé lại bờ. Trời chiều bảng lảng. Mặt trời chiều soi lòng sông “gợn lăn tăn tựa hồ muôn ngàn con rắn vàng bò trên mặt nước”. (#1)
Trên sông xuồng ghe đi lại như mắc cửi. Dọc bờ sông thì ghe thương hồ ghim mũi vào quay lái ra. Khói cơm chiều man mác, gợi buồn cho khách tha phương.
Ông Hội ngồi trên mui ca- nô ngó lên bờ. Thấy người đi xuôi ngược lao xao, ông buộc miệng ao ước:
- Phải có con cá bông nấu canh chua bông điên điển nhâm nhi chơi thầy Năm ha!
- Dạ phải, đáo xứ tùy nhơn, còn mình đến đây thì nên nếm thử món địa phương cho biết.
Anh tài công và thằng Đặng nghe vậy bèn thót lên bờ, một chút trở lại với đủ vật liệu cho một nồi canh chua.
Bông điên điển mọc ở đầu làng
Còn lục bình trôi lên xuống như phường hát rong.
Chập sau mâm cơm dọn ra trên mui. Vầng dương vừa lặn ở hướng Tây, ánh trăng rằm tỏ rạng. Từ vài chiếc thuyền trôi bềnh bồng vang lên tiếng hò dịu ngọt lan trên mặt sông:
Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Phong Điền
Anh cho em thì cho bạc cho tiền
Chớ đừng cho lúa gạo xóm giềng họ cười chệ...
Hò ơ ợ... Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Xà No
Anh thương em hãy sắm cho em một con đò
Để em qua phố mua cò gởi thơ ợ..ơ
Ông Hội Đồng, thầy Năm ngưng đũa lắng nghe. Ông Hội Đồng nói:
- Đây là trung tâm của sự giàu có đất Hậu Giang đó thầy Năm. Thầy thấy những lẫm lúa đi cặp kè với nhà máy xay không? Đó là của người Tàu. Họ vựa lúa rồi xay, xong chở thằng lên Chợ Lớn. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của dân mình ở vùng này gom lại đây để chảy vào túi họ.
Bỗng một giọng ca tài tử vang lên từ một chiếc ghe tam bản không mui, giọng ca lảnh lót lượn theo tiến đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, dây tơ cây sắt ngân lên hòa nhịp làm cho đoàn khÿch lạ ngẩn ngợ Bỗng có tiếng cất lên từ một ghe thương hồ:
- Hay thiệt hay, xin cho nghe một bài Tứ Đại Oán được chăng Thúy Kiều - Kim Trọng?
- Tích gì cũng được, nhưng cho cây tranh lên một chút. Tự nãy giờ cây tranh bị lép quá!
- Ở đây ngoài trời gió thổi bê nên tiếng tranh hơi nhỏ. Để cô Năm ca lớp “Trảm Trịnh Ân” cho bà con nghe chơi.
- Được rồi. Ngồi buồn lại gặp chiếu manh. Dô đi!
Rồi một giọng ca bắt đầu:
Nghe hoảng kinh gia tướng trở về
Báo tin phu tướng phan lìa
Tam Xuân tư bề ủ ê
Tiếc thương thương tiếc không chùng
Giận phừng phừng nghiêm trần chư quân
Kéo thẳng vào Trường An
Tống Chúa ra gặp nàng
Chào em dâu
Lỗi, bởi anh say quá đô.
à...........................
... Xin phải Giao Mai, Phụng (#2)
Cho em trả thù
Mà điện tế tiên phu
Phu lang, hởi phu lang
Xót phận chàng, xui thế!
Thời hề vận hề
Hệ bởi đâu, hệ bởi đâu?
Sương đêm xuống mát đầm, Hơi nước từ mặt sông bốc lên. Âm dương hòa nhợp làm nên một màn lưới mong manh nâng đỡ tiếng đàn giọng ca không cho tan loãng. Trên bờ đèn nhà lốm đốm trong những dãy vườn xanh đen lấp lánh ánh trăng thanh. Một thời thái bình thạnh trị ngự trên vùng đất này.
Trời khuya dần tóc ướt hơi sương. Những người tùy tùng đi lo săn sóc mấy con gà, duy ông Hội và thầy Năm còn ngồi trên mui ca- nô nghe đờn ca.
Ông Hội nói:
- Đất này là đất địa linh nhơn kiệt đó thầy giáo à!
- Dạ, tôi có thấy sách nói là cụ Cử Tri gốc Ba Tri – Bến Trẹ Sau khi trều đình giao ba tỉnh phía Tây cho quân Pháp thì cụ thất chí bỏ nhà thả ghe lênh đênh tên sông rách rồi trôi dạt xuống miền Hậu Giang mà không rõ là nơi nào.
- Ngài tạm cư ở đây, tại xã Nhơn Ái Nhơn Nghĩa và Nhơn Thạnh, tồi gặp cụ Học Lạc. Hai người rất tương đắc với nhau. Quê Tôn Thọ Tường chính là ở Nhơn Ái. Cụ Học Lạc làm bài thơ vịnh Con chó chết trôi là tại đây. Bài thơ còn lưu truyền trong nhơn gian đến bây giờ.
Thầy Năm nói:
- Ở Sầm Giang là đất phát tích của Đức Tả Quân còn đây là nơi an trí của cụ Trương Duy Toản nữa.
- Cụ Trương Duy Toản là ai vậy ông Hội?
Ông Hội móc bao thuốc Bastos xanh ra mời thầy Năm. Hai người hút thuốc phì phà trầm ngâm hồi lâu, ông hội mới tiếp. Ông ngồi nới lại gần thầy Năm, nói nhỏ hơn:
- Trương Duy Toản là một người từng đi theo Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ra tới Đức Quốc để dưng thỉnh nguyện thư lên chính phủ Pháp.... Ông Hội ngưng ngang.
Đốm lửa trên môi rực lên như cánh hoa hồng tí hon giữa màn đêm. Thầy Năm thấy không tiện hỏi thêm chuyện quốc sự nên cũng im. Thầy lấy chai Nhị Thiên Đường ra đưa cho ông Hội và pha trò.
- Thuốc Bastos đánh tan cơn sầu. Còn ngừa chứng cảm mạo thì bằng Nhị Thiên Đường.
Ông Hội vặn nút chai dầu nghe ken kéc, bôi lên trán lên thái dương, đưa lại cho thầy Năm rồi bất giác nói, giọng như lạc đi: - Để tôi đọc cho thầy nghe một bài thơ Đường Tử Vận nói vè gà nòi của cụ rồi thầy sẽ biết cụ là ai.
Rồi ông thầm thì:
Đêm khuya canh vắng tối như mò,
Cất tiếng kêu người gáy ó o.
Rơi máu trường trung lòng chẳng núng,
Bầm mình chiến trận tiếng không ô!
Giống nòi dốc giữa danh tròn vẹn,
Cựa sắt chi nài phận quả cô.
Một độ ăn thua trời đất biết
Ơn nhà miễn đáp cái công phu.
Đó là bài thơ Gà nòi của cụ Toản. Thầy giáo nghe có đúng niêm luật không?
Thầy Năm không đáp, cứ rít thuốc liên miên làm cho hai đuôi lông mày nhíu lại dưới ánh hòn than của điếu thuốc.
Ông Hội tiếp:
- Tác giả bài thơ này tại Cao Lãnh năm 1916.
- Lâu dữ vậy sao ông Hội?
- Đăng báo xong bị kêu ra hầu tòa. Vì “người ta” cho rằng cụ muốn chế diễu con gà trưng quốc hiệu Pháp: “Coq Gaulois”!
Nhưng cài ngụ ý thâm sâu của bài thơ đâu phải ở chỗ đó, phải không thưa ông Hội?
- Theo thầy Năm ý nghĩ đó là gì?
- Ông Hội là người đa trí mà, hỏi kẻ tài hèn trí mọn này làm chi!
Ông Hội đưa taỵ Thầy Năm cũng chìa tay ra. Hai bàn tay siết chặt nhau như truyền sức ấm cho nhau.
Thầy Năm bàng hoàng hết cà tâm can. Bài thơ Gà nòi lại nói về một chuyện gì khác. Thế mà lâu nay thầy Năm tưởng ông Hội chỉ biết chơi gà nòi.
Chú thích:
(1-) và (2-) Hai bài thơ đường trên đây do tác giả Cai Tổng Lê Quang Chiểu làm năm 1903 in trong tập san Hiếu Cổ số 1 của Vương Hồng Sến.