Chương 23

Trường gà ông Huyện Tước bữa nay mở cửa. Vì thế cả vùng rộn rịp còn hơn hội chợ Kẹt- mét (tiếng pháp Kermesse). Ai ai cũng nghe tới ngày trường mở cũng đều mừng. Từ dân chọi gà hàng xáo đến chủ kê, từ anh lắc bầu cua, bài, tứ sắc đến chị bán chè cháo, em bé chăn trâu, phu xe ngựa, lơ xe hơi, cho đến người vô nghề nghiệp cũng đều có việc làm. Thầy chú các tỉnh đổ xô về đây vui chơi thỏa thuê.
Đặc biệt ở chợ Mỹ Tho thì nhiều tài tử có đất dụng võ vào dịp này. Khu trường gà của ông Huyện chiếm một vùng đất khá rộng trồng toàn dừa, cây băn trái và nằm ở ven sông để tiện lợi cho khách đi khách đến.
Ông Huyện xuất hiện giữa khách khứa đủ loại như một nhân vật thượng hạng. Tóc bạc, búi tó, áo dài nhung đen nút ngọc thạch, bộ móng tay dài cong như những chiếc lá kiểng khô xoắn tít, đôi mắt như có hào quang ẩn sau cặp kính gọng vàng. Ông chạy ra vào cắt đặt công việc mới, nhắc nhở việc cũ cho người làm. Mọi việc đều ăn khớp chu toàn không chỗ nào chê được.
Ở bộ ván giữa trải chiếu bông cạp điều có mặt các khách quí: Ông Hàm Kiệm, tay giàu nhất xứ Định Tường, cậu Tư Lãm, dòng họ Lâm Quang ở bên Trà Vinh sang chơi sẵn dịp coi mắt một tiểu thư tân thời trên tỉnh lỵ, ông Hội Đồng Hoài ở Bến Tre, tay võ nghệ kiêm chủ kê biệt hạng, ông bác sĩ Tĩnh ở Saigòn xuống. Trong bốn vị này chỉ có ông Hàm Kiệm mặc quốc phục bịt khăn đóng chữ nhơn, còn ba vị kia vận quốc phục. Riệng ông Hội Đồng Hoài thì mặc soọc, ngắn tay, giày đen, vớ trắng lên tới đầu gối.
Ông ngồi chễm chệ bên chiếc gối dựa cao còn các vị kia thích ngồi ghé vào mép ván nói năm ba câu xã giao rồi đi tìm bạn tri âm, ý như không hợp ngôn ngữ vai vế với ông Hàm.
Bên ván trái là một tốp đờn ca tài tử, bên ván phải một sòng tứ sắc đang âm thầm điều xe khiển pháo. Trong lúc ở hậu viên thì đầy tớ mổ heo ngã bò, nấu nướng rộn rịp. Một người hầu từ trong bước ra bẩm với gia chủ có ghe khách đến thêm, ông Huyện hỏi:
- Mấy ghe? Mỗi ghe bao nhiêu đầu chiến kê?
Người hầu bẩm tiếp:
- Dạ ghe thứ hai mươi lăm từ Vĩnh Long qua có mưới hai chiến kê, ghe thứ hai mươi sáu có tám chiến kê cở Châu Đốc xuống, ghe thứ hai mươi bảy, hai mươi tám ở Xà No và Kế Sách lên, mỗi ghe mười lăm chiến kê.
- Cứ ý lệ mà đối đãi.
Người hầu lại tiếp:
- Bẩm ghe thứ hai mươi chín từ Sa Đéc xuống chỉ có ba chiến kê, Ca- nô chứ không phải ghe chèo.
Ông Huyện khoát tay:
- Đó là ông hội Đồng Bình ở Cao Lãnh. Tuy có ba chiến kê nhưng phải biệt đãi những người tùy tùng, còn riêng ông Hội Đồng thì thỉnh lên đây mau.
Người hầu lui ra. Y biết rõ cái lệ của trường gà này. Có ba cách đối đãi. Khách có từ năm đầu gà trở xuống, tới chơi có quyền lên bờ xin nước mưa, chút ít gạo muối rau cỏ. Khách có từ mười đầu gà trở lên thì được phát cho thịt cÿ để tự nấu nướng lấy. Khách có từ mười lăm đầu gà trở lên thì chủ nghe được đối đãi như thượng khách, được mời lên nhà dùng cơm với chủ trường, và các khách quí khác. Bữa ăn gồm có sơn hào hải vị, uống rượu mua tận Pháp Quốc. Riêng vị nào có tật mê ả Phù Dung thì cũng có mâm bàn trong buồng riêng để tha hồ hưởng thú thần tiên giữa nơi trần tục với những bàn tay ngọc xe điếu châm mồi.
Còn vị nào có máu tài tử thì sẵn kia muốn làm thính giả hoặc thích góp tiếng ca ngón đờn thì cũng cứ tự nhiên. Tài tử giai nhân, đờn kìm, đờn tranh, đờn ghi- ta đều có đủ.
Ông Huyện sai pha trà xong thì khách quí Cao Lãnh cũng vừa tới, cùng đi có thêm một người. Ông Hội Đồng Bình giới thiệu với ông chủ trường: - Đây là tay nghề Bến Bắc Cao Lãnh, một người đã đọc nát Kinh Kê lẫn Kê Kinh.
- Xin mời dùng trà.
Ông huyện đưa tay mời khách đến trường kỷ đặt phía trước bộ ván. Chủ khách cùng ngồi, ông Huyện nói:
- Đường xa cực nhọc nhị vị “cao nhơn” có cần nghỉ ngơi tịnh dưỡng chăng?
(Mọi lần thì ông Huyện gọi ông Hội Đồng bằng hiền đệ, nhưng kỳ này thêm người lạ nên đổi cách xưng hô. Không rõ chữ “cao” ở đây hàm ý là người “Cao Lãnh” hay “kẻ trên trước”? Vì ông nghe ông Hội nói tay nghề đọc nát cả kinh Kê lẫn Kê Kinh?)
Ông Hội cám ơn và đáp lời:
- Tôn huynh bận rộn xin cứ để chúng tôi tự do như mọi lần trước.
- Chẳng hay đoàn tùy tùng của cao nhơn được bao nhiêu để tiện dịp phục dịch.
- Dạ chỉ có tôi, bạn tôi đây, một sư kê, một tài xế Ca- nô, và một đứa nhỏ để sai vặt.
Ông Huyện quay sang giới thiệu các vị khách trên ván giữa. Khi đến ông Hội Đồng Hoài thì ông Hội chạy lại bắt tay mừng rỡ:
- Tôi nghe tiếng ngài đã lâu, nay mới hân hạnh gặp mặt! – rồi tiếp – Hôm trước tôi có đến Cầu Mống để tìm chiến tướng.. Tôi có nhìn thấy cái nóc nhà của ngài.
- Sao không xuống tôi?
- Dạ để khi khác. Có lẽ.. là trong mùa ((gà) tới.
- Sau khi ra trường thì tôi xin thỉnh bạn bè về luôn cho được phỉ chí bình sanh!
Chuyện năm châu bốn bể, chuyện xưa chuyện bay, chuyện tứ đổ tường, chuyện văn chương, chuyện hát bội cải lương, khách tha hương tha hồ trao đổi ở nhà trên trong lúc bồi bếp Tây Tàu lo nấu nướng rối rít ở phía sau.
Còn các ông sư kê không màng tới việc ăn uống. Họ lo đem gà lên trường, nhốt vào bội của họ đem theo, hoặc quần chân, o bế theo phương pháp riêng biệt, để chờ cÿc vị chủ kê tiệc tùng xong sẽ ra trường cắp độ. Cắp xong làm sổ từng độ rồi sáng mai mới bắt đầu khai chiến. Ngày thứ nhất chưa hết thì sang ngày thứ hai, ngày thứ ba. Trường này có lệ đá ba ngày liền cho bỏ công khách mộ điệu từ phương xa đến. Sư kê Hai Trình hơi vất vả. Đáng lẽ thằng Đặng được đi theo kỳ này để phụ việc lặt vặt, nhưng vì vợ nó đang nằm chỗ, đem nó theo sợ gà mắc phong long, đá thua. Hai Trình nghĩ bụng thằng thanh niên chắc đang chán vợ con đâm ra mê gà nòi. Mấy ngày gần đây nó tới trại gà của ông hội để phụ giúp mài nghệ, tắm gà, bịt cựa gà xổ v.v.. để xin theo Ca- nô đi trường gà một chuyến cho biết mùi.. đời. Nhưng vì lý do trên, Hai Trình hẹn với nó chuyến tới đi trường Xà No ở Cần Thơ sẽ dắt nó theo. Kỳ này Hai Trình được lịnh ông Hội Đồng đem đi ba con Xám Son, con Tử Mị và con gà Te La Thành. Ông Hội bảo hể bất cứ con nào đụng độ Ông cũng đá hết nhà.
Con gà đào Xám Son và con Tử Mị của tay nghề Bến Bắc được bàn tay Hai Trình săn sóc mấy tháng, nay rất khởi sắc. Riêng con Xám Son thì đêm qua gáy muốn bể chuồng. Gà sắp ra trường mà gáy như vậy là dấu hiện may độ.
Hai Trình cho đem ba chiếc nhím và bội tre lên ẵm từng con ra một cách hết sức cẩn thận rồi xem lại cựa, mặt mày, chân cẳng, coi có chỗ nào trầy trụa không. Xong giở bội thả vô. Chỉ nhìn cách bắt gà, bồng gà, thả gà, đủ biết trình độ gà nòi. Hai Trình một tay giở bội một tay đút con gà vào, “đuôi trước đầu sau”. Đó là cÿch thả gà vô bội của các tay nhà nghề. Họ bảo đút đầu vô trước làm cho nó mất nhuệ khí. Và làng gà coi đó là mẫu mực phải theo mà không ai biết ngoại trừ cha con cùng làng gà.
Hai Trình vừa nhún chân con "Gà Te" vừa bảo:
- Mai đụng độ làm một phát ba cái hồi mã trường nghen con. Ăn chuyến này về nhà “ba” sẽ cho mày một “cô nòi” để lấy giống.
Đến phiên con gà Xám Son, Hai Trình ôm nựng, vuốt ve rồi áp đầu nó và má mình, rủ rỉ:
- Thiên hạ thấy phượng vĩ tươi tốt của con giống đào hát, sẽ lầm to. Con thừa cơ quất cho địch thủ một hèo ngay giao long nghe!
Hai đứa con của Hai Trình được ông Hội coi như thân tín cho đi theo cầm cơm nước, dao, miễng, kim chỉ, thấy tía nó nói chuyện với gà, anh em nhìn nhau:
- Tía cưng gà còn hơn tụi mình.
Thằng anh bỗng hỏi Hai Trình:
- Tía mặn con nào hơn vậy tía?
- Con nào cũng mặn hết, con! Nhưng con Tử Mị là linh kê, tía để cho ông Hội nói chuyện với nó. Ông Hội nói chuyện với gà rấy hay. Con muốn xem thì rình mới thấy. - Nó biết nghe sao tía?
- Biết chớ. Khi mình nói thì nó chú ý, đó là nó nghe. Có con khi mình cáp độ thì nó la toọt toọt như gà rót. Đó lá nó nói: “Tôi đá không lại đâu, đừng có làm sổ!” Còn hễ nó biết nó hạ nổi đối thủ hì nó ngẫng đầu lên nó gáy ó o. Đó là nó muốn nói: “Cứ đá đi, tôi hạ kẻ địch trong nhang nhứt!”
- Gà khôn dữ vậy sao tía?
- Khôn chớ con.
Hai Trình trỏ con gà Te và nhìn chung quanh, thấy không có người bèn tiếp:
- Nếu gà Te đụng độ con sẽ thấy nó khôn cỡ nào. Nó ăn hai độ rồi, độ sau giống y như độ trước. Đang đá bỗng nó bỏ chạy, con kia tưởng nó chạy thiệt đuổi theo. Nó vẫn lủi đầu chạy, bất ngờ né ngang, con kia lỡ trớn chúi lúi, nó quay lại cắn đá hai ba đòn liền, rồi lại chạy tiếp. Con kia đuổi theo. Nó lại quay lại đá bất ngờ. Con kia bị cựa nặng chết tươi. Đó gọi là hồi mã tam thương của chiến tướng La Thành. Anh hùng hảo hớn đời nhà Đường đều sợ miếng này. Con phải đọc truyện Tàu thì mới biết.
Hai Trình vừa giải thích cho con nghe vừa sai chúng đi làm chuyện vặt. Hai Trình bảo:
- Mai nếu gà mình đụng độ, một đứa cầm dao miễng đưa cho tía làm cựa, một đứa ngồi coi chừng cho kỹ nghe. Đừng có lo ra ngó bậy bạ chỗ khác.
- Coi chừng gì tía?
- Coi chừng người ta thuốc gà mình chớ coi chừng gì con.
Cả hai đứa bé tròn xoe đôi mắt, không hiểu. Hai Tình nói:
- Con không được cho ai mượn bất cứ đồ gì của mình: hoặc cơm, chai nước, hộp miễng, khăn..
- Họ làm gì tía?
- Họ sẽ trộn lúa vào cơm.
- Lúa ăn đâu có sao tía?
- Lúa của họ có tẩm thuốc độc chớ phải lúa thường sao con. Họ lấy nọc con nhện hùm ướp vô lúa đem phơi khô, hoặc có người tìm tới móng ó mài lấy nước ngâm lúa. Rồi vô trường nếu gà họ đụng độ thì họ tìm cách rải cho con gà kia ăn. Chỉ cần ăn một hột là chừng vài phút bàu diều sình lên không đá được, lớ quớ bị người ta phang chết. Bởi vậy khi tía và ông Hội đang bận làm cựa gà, các con phải coi chừng không cho kẻ lạ tới gần.
Hai Trình bảo con vô nhà xin thịt cá trứng gà, và rau xà lách đem ra. Gã tài xế ca- nô định đem đi làm thức ăn cơm chiều, nhưng Hai Trình bảo:
- Cho gà ăn trước đã!
Hai Trình bảo lóc nạc cá ra xắc nhỏ bằng ngón tay cho con gà Te ăn, con Xám Son ăn thịt bò. Còn mình thì tư tay đập một hột gà gạt bỏ tròng trắng, rồi đưa qua lỗ bội. Con Tử Mị vốn đã quen cách ăn phong lưu đó, nên vừa thấy quả tứng đã chạy tới thọc mỏ vào, hút một hơi hết cả tròng đỏ. Hai Trình quăng ca- nô vỏ trứng rồi bưng đĩa xà lách thái nhỏ để các hiệp sĩ ăn "la- sét".
“Ăn cơm chiều xong”, bây giờ tới việc dọn chỗ cho các vị “kê hiệp sĩ” ngủ. Những thanh tre hình chữ T cũng được mang đi từ nhà đem lên lựa chỗ đất bằng phẳng đóng xuống còn cao chừng ba tấc xong đem gà lại nhốt. Như vậy nó sẽ có chỗ đậu như ở nhà, không lo lạ chỗ.
Xong, Hai Trình cho gà uống nước. Chiếc nanh cọp bọng ông Hội dùng đong nước cho gà uống lâu nay, ông đã kỷ niệm cho ông Thôn Mười kỳ đi Bến Tre vừa rồi, nên hôm nay Hai Trình phải dùng ống trúc để đo lượng nước trút vào miệng mỗi hiệp sĩ.. Nước mứa đựng trong chai đem từ nhà chớ không phải nước sông lóng phèn. Khuya nay, Hai Trình sẽ còn bồi tiếp cho mỗi cậu một ống nhân sâm đặc cho gân cốt tăng sức bật.
Đã tìm chỗ cho ba chàng, Hai trình vẫn chưa yên tâm. Còn việc canh chừng các điếm gà nữa chớ. Gà các tỉnh đến càng lúc càng đông. Họ đã hạ trại khắp khu vườn không còn khoảng nào bỏ trống, như một cuộc anh hùng hội để vua chọn anh tài. Nhưng lẫn trong các anh hùng kia, có những tên gian hùng. Tiếng gáy đủ loại, gáy nhằn, gáy óng, gáy khan của những chàng hăng độ trao đổi nhau râm ran tràn ngập khu vườn, hứa hẹn một ngày mai máu nhuộm sa trường. Các khách quí bên trong cũng đã xong tiệc. Họ kéo nhau ra vườn gà để bắt đầu cáp độ cho ngày mai, dưới ánh đèn măng sông xanh ngắt. Giai nhân tài tử dập dìu. Cụ áo dài khăn đóng sánh đôi với ông cà vạt cổ cồn, cụ giày hàm ếch lại cặp tay ông soọc tây giày da bóng láng. Họ tới đây để vừa khoe sang khoe giàu, đua tài đọ trí và sát phạt nhau một cách trịnh trọng.
Riêng mấy chú từng bán nước mía xước, ổ, mận, dừa xiêm, kẹo đục, cà rem cây, và những chị bán chè cháo, bánh cam, bánh còng, thì an tâm nhìn sự sang giàu lấp loáng trước mặt. Tưởng có thể quơ chụp được nhưng vốn an phận, họ không bao giờ nghĩ tới. Mai này khi các ông lớn ông nhỏ kia tuôn bạc ra như mưa thì họ chỉ bình tỉnh ngồi nhặt từng xu với niềm hạnh phúc trần đầy.
Cáp gà là một nghệ thuật không viết ra thành văn chương như sách dạy toán được. Đó là một xảo thuật bao gồm oán học lẫn tâm lý học và “gà nòi học”. Con Xám gác chút vai, con Ô thiếu chút cựa. Vậy là “xính xái” vô độ được rồi. Nhưng đâu phải chỉ có bấy nhiêu. Nếu chỉ có bấy nhiêu thì đời đâu cần những quân sư như tay nghề Bến Bắc.
Đá gà là một trò chơi trần tục, nhưng mang một ý nghĩa cao thượng. Người chơi không ngần ngại nhân cách hóa, thậm chí, thần thánh hóa con gà, mục đích cuối cùng là xua nó vào chỗ chết để đầy cái túi bạc của mình. Ngoài các vảy nghề, cựa độc, người ta còn phải đóng kịch để bịp đối phương, làm trò “chín hấu mại hơi”, trong bụng ưng rồi mà ngoài mặt còn làm dày làm mỏng để chọc tức làm cho đối phương nóng tính nhào vô chiếc bẫy sập của mình. Phải có cò mồi “làm hộp” nghĩa là giả bộ yếu thế để đối phương tưởng lầm mà hăm hở xôn g lên. Phải biết biến hóa gà nghề để đối phương lầm là gà niềng mà ký sổ mau mau. Phải biết làm cho con gà nghề từng ăn nhiều độ nghiêng trời lệch đất thành ra một con gà tèm hem như gà chết, phải biết nhuộm lông xám ra Ô, nhuộm điều ra Ó, để giấu tông tích con nhà nghề. Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.
Thôi thì lắm màn lớp, mạnh ai nấy đặt ra diễn lấy. Có thể nói trường gà là một sân khấu đẫm máu..gà, có khi máu người, một trung tâm chứa đựng đủ mưu kế, đủ các ngón lừa bịp. Đó mới chỉ nói qua màn cáp gà. Chưa nói tới đá.
Bữa nay cáp được bốn độ cho ngày mai. Nếu đá xong cả bốn mà trời còn sớm thì cũng có sẵn gà để đá tiếp. Cả mấy trăm anh hùng tứ xứ thì chọn ra một vài cặp xứng đôi nào có khó gì. Các chủ kê được kê tên vào “Phong thần bảng” đêm nay sẽ tóc bạc như Ngũ Tử Tư vì lo âu quá mức: Ngày mai nên dùng chữ nào nghề nào?
Chủ trường gà biết cái tâm lý đó nên đâu có thể để cho thời giờ vô vị trôi qua trong không khí lạnh lẽo của đồng quê. Đã có những sòng bài cào, những bàn lắc bầu cua tụm năm tụm ba ngoài vườn, ăn thua từ nửa xu trở lên. Đã có những sòng tứ sắc, thích cầu, sát phạt nhau từ bộ lư trở xuống.
Bên cạn đó, để cho những tâm hồn nghệ sĩ khỏi bơ vơ vì không bến đỗ thì có những màn ca cải lương do các nam nữ tài tử diễn. Hai Trình bảo mấy đứa nhỏ và gã tài xế ca- nô đem đệm ra đậy ba chiếc bội kẻo gà bị nhiễm sương rồi mới đi coi hát. Chốc nữa hát xong, cả ba phải về lật nốp ngủ chung quanh bội gà, để đề phòng kẻ trộm và điếm gà. Bọn này còn đáng sợ hơn kẻ trộm.
Còn mình thì túc trực coi chừng từng ly từng tí ba vị chiến tướng nhà. Bộ ván gõ phía bên trái trong nhà lớn thu hút khán giả nhiếu nhất. Mấy khi được xem hát miễn phí Các nam nữ tài tử do ông Huyện mướn từ rạp thầy Năm Tú. Một nữ tài tử và ba tay đờn kìm, cò, tranh. Người nữa tài tử mặc áo dài lụa đen mình khô bông ướt, quần lục sạn trắng ngồi trên ván vừa ca vừa ra bộ ăn theo đờn. Giọng cô réo rắc vang vang cùng tiếng đờn:
Tứ Đại Phụng Nghi Đình
Lũ Phụng Tiên chạy theo cản lại
Hỏi quan Tư Đồ làm sao
Đã gả duyên với ta khi trước
Mà lại quên lời ga?
Đưa gả cho Đổng Công?
Tư Đồ tỏ thủy chung
(Lữ) Bố giận căm lòng này..
Cô chau mày và quơ tay tỏ vẻ giận dữ theo câu ca làm khán giả thắt ruột. Bài ca vừa dứt thì bạc giấy cắt từ các phía bay tới chỗ giàn đờn ca như bươm bướm. Ba ông thầy đờn và cô tài tử cúi đầu một lượt tỏ vẻ cám ơn.
Ông Hàm Kiệm vuốt râu gật gù:
- Cô ca nghe thiệt hay, làm tôi nhớ khi tôi còn trẻ có lần đi coi hát ở Saigòn tôi có nghe cô Năm Phỉ ca một màn đâu hồi 1922- 1923 gì đó.
Ông hội Đông Hoài tiếp:
- Vậy thì bán Hàm phải xem cô Phùng Há hát cặp với cô Nam Phỉ. Cô đóng vai Lữ Bố còn cô Năm Phỉ đóng vai Điêu Thuyền.
- À đúng! Thiệt là cặp đào kép độc nhất vô nhị, từ đó đến nay tôi chưa thấy ai bì.
Bỗng ông hội Đồng Bình lên tiếng:
- Chẳng hay hồi cụ Hàm xem cô Phùng Há hát, cô ấy có đi cà nhắc chưa?
Ông Hàm Kiệm vuốt râu chòm râu dài bạc phếu, như để ìm lại kỷ niệm xưa, một lát ông gật gù:
- À, phải tôi nhớ ra rồi! Năm đó hát ở chợ Vĩnh Kim, hình như gánh Nam Đồng Ban, diễn tuần “Kim Kiều Hạnh Ngộ”. Hồi đó chưa có rạp như bây giờ. Chợ náo có gánh hát tới thì làng dựng sân khấu ngoái trời mà hát. Sạp thì lót bằng miếng mỏng miếng dày do đó cô đào hát bị sụp, chân kẹt trong kẻ ván kéo không ra. Ai đâu có biết, thấy cô nhăn mặt, nước mắt lả chả thì tưởng cô khóc theo trong tuồng, nào ngờ cô bị nạn. Vậy mà cô bấm bụng hát hết lớp, bỏ màn người ta mới đem cô xuống thoa bóp thuốc. Cô có tật chân từ đó, không phải cha mẹ sinh.
Nghe ông Hàm kể, ban tài tử nhìn nhau. Chính họ là kẻ trong nghề mà cũng không biết sự tích. Đêm càng khuya tiếng đờn ca càng réo rắt, khán giả càng đông. Sòng tứ sắc thì âm thần đọ trí, còn khách văn chương thì cạn bầu Lý Bạch ở góc nhà im vắng bên kia. Trong lúc đó tiếng gà bên ngoài vọng lại như nhắc cho mọi người rằng canh sắp tàn ngày sắp đến. Ấy là thời khắc ra quân.
Một tiếng còi tàu từ sông Cửu Long vẳng lại làm cho bầu không khí u tịch của vùng quê rộn lên cái chí giang hồ. Một chú gà cất tiếng gáy hùng dũng đáp lại gữa đêm khuya.