Chương 20

Ai đi ngoài lộ giống cô Mười
Hàm răng cô trắng, miệng cười có duyên.
Đặng vác sào đi xuống chòi vịt bỗng nghe ai hò. Giọng quen quen như có ý châm chọc. Đặng dừng lại ngó quanh. Không thấy ai Đặng đi tiếp. Giọng kia lại cất lên:
Cán Nam rồi lại sang Nồm
Khi vui con chị, khi buồn con em!
Lũ bạn chăn trâu năm nào bây giờ đã đi tản lạc hết. Thằng Tư Cồ theo ông già nó đi làm ruộng ở ngoài mé sông Cái, thằng Ốc Bưu cưới vợ bị bắt rể, thằng Trơn đã có con, còn cậu Sáu cũng cưới được cô Láng được bốn tháng. Tất cả đổi thay. Riêng Đặng vẫn còn dính bầy vịt. Chỉ có điều khác xưa là vợ đã có bầu gần ngày.
Mọi việc rồi cũng qua đi. Chuyện bất thường rồi cũng thành bình thường. Không ai còn châm chọc gì vụ hôn nhân của Đặng nữa. Riêng ông Hương thì coi đó là một việc hay ho mưu trí. Ba mẫu đất của ông cho vợ chồng Đặng đủ để trám miệng thiên hạ.
Bây giờ Đặng chăn trâu cho ông Hương đã trở thành rể quí của ông. Ông không lúc nào có dịp mà không khoe “thằng rể tôi” giữa đám giỗ, đám cưới rong xóm. Ngoài ông ra đâu có ai dám gọi thằng Đặng bằng thằng nọ thằng kia, mà gọi nó bằng dương Tám, câu, chú Tám, chú Đặng. Đám bạn cũ không còn chế giễu nó là thằng “U Đặng” như trước nữa. Đặng bây giờ có vợ, có nhà, có của nổi của chìm và chỗ dựa chắc chắn.
Riêng Đặng thì lấy làm vui sướng trong cuộc đời bình thường của mình, cuộc đời mà lắm kẻ trang lứa với nó mong ước.
Cái chòi vịt của Đặng đã xiêu vẹo nhưng chưa sập. Tuy hôi tanh, vì cứt vịt ấp lẫm, nhưng khách thường ghé nghỉ mát ăn trầu hút thuốc nói chuyện khào, hoặc vạch mo cơm ra ăn rồi sẵn nệm rơm làm một giấc tuyệt trần.
Đặng vừa tới chòi đã thấy mấy ông khách thường nhật trong đó. Tiếng chào rối rít:
- Ông chủ vịt đêm qua hốt được bao nhiêu trứng?
- Hì hì.. Nhiều mấy thì cũng có hai trứng quí thôi.
Một người hỏi và một người đáp. Đó là chú Tư Tại và chú Sáu Khuynh. Chú Tư Tại thì làm ruộng của ông Hương còn chú Sáu Khuynh thì thỉnh thoảng đến bồi vườn và làm công việc vặt.
Chú Sáu khuynh nói:
- Có hột vịt bể hông nấu bậy nồi chè húp chơi dượng Tám?
- Có chớ! Mấy chú ngồi chờ để tôi trở lên quán mua một ít đường thốt nốt.
Đặng bao giờ cũng dễ dãi và rộng rãi. Dường như để mua chuộc các cái miệng châm chọc. Đặng chạy đi một lát rồi trở xuống với đường chảy gói trong lá thốt nốt còn xanh. Đặng lấy ngón tay móc một cục đưa vô miệng chép chép. - Đường này còn béo hơn đường táng.
Chú Tư lại nhóm bếp bắc nước. Đặng bỏ đường vào bẻ nhánh trâm bầu quậy quậy. Chặp sau nước sôi, Đặng đập hột vịt trút vào.
Chú Tư Tại nói:
- Nhờ cá tép ở hà lãng nên hột vịt tròng đỏ như mặt trời.
Sáu Khuynh hỏi:
- Nghe nói dượng nó bán con gà nghề cho ông Hội Đồng hả dượng?
Đặng lắc:
- Tôi đem vô cho chú Hai Trinh coi vảy coi cựa dùm chớ đâu có bán.
- Ông Hội có mua không?
- Tôi nói với chú Hai là cậu Năm tôi không cho bán. Ổng vừa mua mấy con nghề ở đâu về đó.
- Sao biết nó nghề.?
- Tôi cũng nghe chú Hai nói chớ tôi đâu biết.
Tư Tại bắt mò:
- Gà đẻ hang là gà tốt. Biết đâu chừng nhờ nó mà dượng phát tài. Nói chuyện gà nòi vừa dứt thì chè cũng đã chín. Không có đũa nên mọi người bẻ nhánh trâm bầu, còn chén thì bứt lá rau mát cóp lại, hoặc mo cau bẹ chuối xài đở. Vậy mà cũng ngon. Tiếng húp “rột rột” và tiếng “hít hà” làm cho món chè càng hấp dẫn.
Bỗng Tư Tại hỏi:
- Cô Tám có thèm chè không dượng?
- Vợ tôi không mấy khi quên nhắc tôi đem hột vịt về để nấu chè. Cứ vài đem lại nấu một nồi. Tôi ngán ngược nhưng vợ tôi ghiền.
- Vậy là cô dượng sắp có con trai rồi.
- Sao chú biết?
- Đàn bà chửa thèm ngọt thì đẻ con trai, còn thèm chua là đẻ con gái.
- Ai nói với chú vậy?
- Tôi biết chớ ai nói. Tôi năm đứa con rồi. Cứ hễ má nó đòi ăn me, khế, chanh ổi là đẻ con gái, ngược lại thèm ngọt là đẻ con trai. Ngay chóc không sai phát nào.
- Còn không thèm gì hết?
- Không có đàn bà chửa nào không thèm gì hết, không chua thì ngọt.
Ăn chè xong, Tự Tại lấy cục thuốc gói bằng lục mo lận trong lưng mở ra. Sáu khuynh và Đặng thò tay rút và lấy giấy nhựt trình đã rọc sẵn ra cuộn hút.
Sáu Khuynh hít phì phà vài hơi rồi cười cười:
- Ở đây tụi mình đều có vợ, hổng có ai còn mắc cỡ vụ đàn bà phải không dượng Tám?
Tư Tại chen vào:
- Mắc cở chạy tới chớ không chạy lui.
Sáu Khuynh khều Đặng:
- Hỏi thiệt dượng nghe! Đêm đầu tiên dượng có làm cà trật cà duột không?
- Làm sao khỏi. ít nhất là lúa đổ ngoài miệng bồ vài lần – Tư Tại trả lời thay –Đến phát thứ ba thứ tư thì lúa mới vô bồ chút chút.
Đặng đập khẽ Sáu Khuynh và đập lưng Tư Tại:
- Mấy chú có vậy không mà nói người ta?
- Có chớ sao không có! Hấc hấc!.. Tôi phải qua đêm sau mới hết đổ lúa ra ngoài bồ đó.
Tư Tại khoèo Đặng:
- Hỏi thiệt chú..u?a dượng Tám nghe! Dượng có lén lén dòm.. coi nó ra sao không?
- Bậy nà!
Sáu Khuynh giả bộ con gái, nói tiếng eo éo:
- Chòi ơi chòi, em nghe nhột nhột em hổng biết ảnh làm gì em. Em liếc xuống phía đó thử coi. Quả thần ơi, ghê quá. cái gì mà.. củ khoai không phải củ khoai củ từ không phải củ từ, em nhắm hít mắt lại để ảnh làm gì thì làm. Em nghe một cái rọt, em bủn rủn hết tay chân còn răng cỏ thì ê hết. Em la lên một tiếng “chết tui” rồi hết biết gì nữa.
Hai người cười sặc sụa với nhau. Đặng chỉ chống chế lấy lệ:
- Mấy chú nói kỳ quá hè!
- Kỳ chừng vài bữa thì hết kỳ, dượng nó ơi! Nhưng mà tụi tôi nhắc cho nghe. Hễ vợ cấn thai thì đừng có đong lúa nữa. Thằng nhỏ trong bồ nó ngộp nó khóc oe- Oe đó!
Đặng ngây thơ:
- Tôi ngủ ngoài trước chớ đâu có vô buồng.
- Ờ vậy thì tốt. Hí hí, nhưng mà lúa thóc ứ đọng như vậy làm sao? Sáu Khuynh nháy nháy mắt.
Tư Tại tiếp:
- Nè, dượng Tám để tui nói chuyện của tụi tui cho dượng nghe chơi. Người ta nói ”gả em vợ nghèo ba năm” đó nghe dượng!
- Bậy hoài, tôi không có nghe nữa đâu Đặng quay mặt bịt tai.
- Mấy chú nói giống thằng Tư Cồ.
Sáu Khuynh cười khục khục, sặc khói rồi nói lướt:
- Không phải thằng Tư Cồ bày ra đâu! Mà đó là sự thật. Như tụi tui đây nè. Đứa nào cưới vợ rồi củng ngóc đầu lên không nổi.
- Tại sao vậy?
- Tại vì có mấy đứa em vợ đều gả sạch.
- Em vợ không gả thì để làm gì chớ!
- Hí hí hí... bởi vậy mới khó xử. Gả thì nghèo ba năm, mà không gả thì để đó cho ạ.ai?
Hai người làm thinh, rít thuốc mấy hơi rồi Tư Tại hỏi:
- Chuyện đã qua. Bây giờ dượng đã êm ấm tổ uyên ương rồi, nhưng tôi hỏi thiệt dượng hồi trước tôi nghe đồn dượng hỏi cô Chín mà sao lại nhập phòng với cô Tám?
Đặng chối phức:
- Đó là do cậu Năm tôi chớ tôi đâu có biết gì.
- Nghe nói là vừa rồi có chỗ đi nói cô Chín. Ông Hương chịu gả nhận đồ cưới xong rồi, nhưng cô Chín lén đội đi trả cho người ta,
có không dượng?
Bị Tư Tại hỏi bất ngờ, Đặng lúng túng. Sáu Khuynh tấn công tiếp:
- Chuyện đó thì chắc rồi. Nhưng tôi muốn biết tại sao cô Chín lại trả đồ cưới?
- Thì tại người ta không ưng chớ sao?
- Nhưng tại sao không ưng?
Bị đuổi nột Đặng phát cáu:
- Mấy chú đùa lãng dang quá!
Tư Tại vẫn không tha:
- Tôi biết. Dượng muốn nghe tôi nói cho nghe
- Tại sao?
- Cổ nói cổ có chồng rồi.
Đặng đứng phét dậy bỏ đi:
- Thôi các chú đừng có nói xàm!
Hai ông già quảy cuốc ra đồng. Đặng chống xuồng đón bầy vịt. Chiếc xuồng bể trét đầy một khoan đất sét. Đặng dùng làm chân cả năm nay. Nhờ nó mà chống đi khắp các mô các lùm bụp lượm hột vịt bộn bàng. Nếu lội thì làm biếng bỏ hết. Mấy lúc gần đây Năm Mẹo cho hai đứa con trai ra tiếp tay với Đặng nên Đặng có thì giờ chạy đi chạy về coi chừng bà bầu. Lắm lúc nhìn cái bụng vung lên, cái cần cổ cao nhòng của vợ mà Đặng kinh hãi. Coi kỳ quá! Khi không bổng cái bụng no lên như vậy?
Đặng chống xuồng lượm một mớ hột vịt rơi rớt rồi quay về chòi. Bỗng thấy cái rổ quảo đậy lá chuối còn xanh trên chiếc giống may treo tòng teng ở góc chồi.
- Ai vậy?
Đặng ngó quanh quất tìm thì nghe tiếng cưới khúc khích trong đống rơm dùng để lót chuồng cho vịt đẻ. Đặng bước lại gần giở tung một bó rơm lên. Một người đứng dậy. Một người con gái. Đặng hoảng hốt:
- Dì...dì Chín!
- Anh ở luôn dưới chòi hả?
- Vịt đẻ rộ, phải coi chừng.
- Chị Tám biểu đem cơm xuống cho anh nè. Một ngày thôi, mai mốt về nhà ăn nghe ông...ông...!
- Chị Tám em đi đứng nặng nề không xuống chòi được, còn anh bỏ vịt về người ta ăn cắp.
- Ăn đi để người ta về.
Trong tam cô nương, Chín là người hiền hâu ít chanh chua nhất, nhưng từ lúc sau đám cưới của Tám thì Chín nói năng với “ông anh rể” như dùi đục mắm nêm. Không nguých thí háy, không nguých háy thì nói cạnh nói khóe, khi vắng người cô không ngại buông ra những câu mỉa mai: “buông hình bắt bóng, có mắt không tròng, ngậm bò hòn làm ngọt...” Nhưng Đặng lặng im: ngậm bò hòn làm ngọt”, vì “có mắt không tròng” nên mới phải lâm vào cảnh “buông hình bắt bóng”.
Bữa nay đối diện một mình với cô, Đặng thấy sợ hãi. Đặng giở rổ cơm ra ngồi xếp bằng dưới đất cầm muỗng xúc cơm ăn. Thấy có trai ớt trong tô mắm chưng. Đặng gợi chuyện với cô “em vợ”:
- Chị Tám nói cô không thích ăn ớt.
- Chị Tám của anh nữa chớ không phải chỉ của tôi.
- Cô nói sao?
- Tôi nói chị Tám của anh.
- Sao kỳ vậy?
- Xí, không hiểu gì hết. Ớt có cay không hả em rể chị Tám? – Cô Chín nhấn mạnh từng tiếng.
Đặng mới vỡ lẽ ra là cô bé hằn học với mình, ghẹo mình rất tinh vi. Từ ngày bắt cái bóng buông mất cái hình, Đặng cũng cay lắm, nhưng đã vào bẫy sập khó nỗi ngọ nguậy. Năm Mẹo khuyên cháu ẩn nhẫn chờ cơ hội trả thù, nhưng mối thù đã tiêu tan từ lúc nào chính Đặng cũng không hay. Vã chăng thù một người lại trả thù một người khác, coi sao phải. Tuy nhiên Đặng vẫn mơ cái hình, cái dáng của cô vợ hụt nay là em vợ.
- Đặng lấy bình tỉnh trở lại và nói:
- Ừ đúng, chị Tám của cô không thích ăn ớt vì ớt cay. Nhưng cũng có người không ăn ớt mà lại cay hơn người ăn ớt.
Chín bẵng giọng:
- Bây giờ mới kêu người ta bằng “chị Tám” thì trể đò rồi chú tửng ạ!
- Trể chuyến này còn chuyến khác.
Chín càng cáu tức cái giọng cù nhầy của Đặng, la to lên:
- Sao rước dâu lại được dâu phụ mà vẫm câm như hến vậy.
- Chớ sao cô dâu lọt xuống làm dâu phụ mà không la lên cho người ta nhờ!
- Chú rể có la hì cô dâu mới hùa theo được chớ!
- Ban ngày còn ai đó mà la.
Cô bé đành hết ly làm thinh. Đặng quay lại tấn công:
- Thì hỏi thiệt cô Chín nghe. Chỗ đó tốt quá sao không ưng lại đem đồ trả?
- Có chồng rồi còn gả cho ai?
- Có hồi nào sao tôi không biết?
- Hổng biết thì ai biết cho?
Đã đến nước này thì Đặng cũng liều. Đặng nói:
- Hồi nãy chú Tư Tại với chú Sáu Khuynh có bảo một chuyện ngộ ghê, muốn nghe không?
- Chuyện tôi trả đồ cưới chớ gì?
- Không phải.
- Chuyện ba đánh, má chửi người ta chớ gì?
- Cũng không phải.
- Vậy chuyện gì?
- Mấy chú nói sở dĩ mấy chú nghèo là vì mấy chú gả em vợ.
- Rồi sao?
- Tôi cũng sợ nghèo như mấy chú vậy.
Chín bật cười. Hai hàm răng trắng muốt. cặp môi đỏ tươi, đôi mắt long lanh có duyên hết sức.
...Chiều hôm đó Đặng lầm lũi đi trên bờ ranh về nhà, bụng suy nghĩ miên man. Bỗng nghe đâu trong lùm cây ở gò dìa vọng ra câu hò bủi sáng:
Cẩn Nam rồi đến già Nồm
Khi vui con chị, khi buồn con em...
Rồi có tiếng cười rộ như nhắm vào Đặng.
Đặng cố đi nhanh như trốn. Đặng hoang mang sợ người ta đồn rùm lên, tới tai ông bà nhạc thì khốn. Về gần đến nhà, Đặng lại sợ gặp vợ. Biết đâu chừng con quỉ em sẽ mách với con quỉ chị về câu chuyện ở dưới chòi vịt. Mà ở dưới đó đâu có chuyện gì ngoài mấy câu qua lại. Ngoài ra không gì nữa hết. Vậy thì không lo. Nhưng Đặng lại giật mình. Rủi con nhỏ về thuật lại cho ông bà nhạc nghe cái câu "gả em vợ nghèo ba năm" do chính miệng mình nói ra thì nguy vô cùng. Ờ,ờ, nguy thiệt nhưng mình sẽ đổ thừa cho Tư Tại và Sáu Khuynh hoặc thằng Tư Cồ. Đặng lại yên tâm sắp sẵn trong bụng những câu trả lởi nếu bị cật vấn. Nhưng về đến sân thì thấy trong nhà xôn sao, có tiếng người lạ, hình như tiếng bà già vợ. Thôi chết rồi! Con nhỏ thèo lẻo về nhà mét bả, bả tới đây cho vợ mình hay. Thằng Đặng khựng lại lắng nghe coi trong nhà nói cái gì.
Nhưng kìa sao lại có tiếng oe oe con nít khóc. Đặng vọt nhanh vào nhà.
Bà Hương quơ tay:
- Trường Nam nghe con!
- Gì hả má?
- Vợ mày đẻ con trai. Tao vừa rước mụ xong đó.
Đặng sũng sờ:
- Má nói gì hở má?
Vợ mày đẻ con trai nghe chưa, đồ điếc!
- À, vậy hả má?
Đặng nghe lùng bùng lỗ tai, chớp lóe trong đầu, nhưng chân bước tới cửa buồng như máy:
- Con trai hả má?
- Bà mụ đang cắt rún đàn ông không được vô. Mày chạy về đẳng trút ba hột tiêu sọ đem về rắc rún cho thằng nhỏ và kêu tụi nó lại đây tao sai bảo:
- Tụi nào má? –Đặng đứng ngớ ra.
- Mày khùng vừa vậy con ơi! Con Chín con Mười chớ còn tụi nào nữa!
Đặng vừa quay lưng chạy thì bà Hương gọi giật lại, bảo - Con biểu con Chín lấy gói hột rau giáp cá má treo trên giàn bép đem lại đây, rồi sẵn chạy tạt ra vườn nhổ một mớ rau răm, rau húng lủi, nhớ lấy cả rể nghe không. Mau mau đi. Thằng nhỏ đã sổ lòng mà không có một thứ gỉ trong nhà hết. Qươ tìm cái gì cũng không có. Bà mụ Ơi, lấy cÿi chén sánh đập ra dùng miểng cắt cuống rún được không?
Bà Hương tay bằng tay, tay bằng miệng huýnh quýnh sai bảo gắt gỏng bất cứ ai đứng gần bà. Bà có đứa cháu đầu tiên nên vừa mừng vừa hoảng hốt. Thêm vào đó tiếng khóc ngằn ngặt không dứt của đứa bé làm bà càng rối rấm thêm. Bà lại quát:
- Đứa nào đó chạy ra vườn bứt một mớ lá ổi đem vô nấu ngay đem đây.
Đặng trở về vừa thở bằng mũi Lẫn mồm:
- Vơ....con tìm không thấy hột giáp cá.
- Vợ mầy năm đây vợ Ở đâu đẳng? Còn lá ổi đâu?
- Má đâu có biểu!
- Thôi chạy mau đị.. đi tìm một cái mo, chầm lai đựng nước rau giấp cá tắm cho thằng nhỏ.
- Mo gì má!
- Mo cau ngoài vườn, cắt ra lấy tre ghim lại hai đầu người ta gọi là mo đài biết chưa? Đứa nào đó đi rang tiêu sọ đâm nhuyễn đem đây rắc cuống rún cho thằng nhỏ.
Đặng như ông tướng gỗ trong tay thầy Tư ở buổi ếm buồng cau trổ ngược năm trước. Nó cứ làm mà không hiểu gì hết.