Chương 14

Cha Hoàng hơi e ngại vì sau sáu năm trong chức vụ linh mục ngài đã thấm đòn... Trung thực nhận xét, ngài vừa trải qua một cuộc lột xác tận gốc rễ từ lãnh vực tâm linh, tâm lý, tới quan điểm xã hội và ngay cả luân lý. Kết quả của sự lột xác này lại là thành quả cảm nhận hai câu, "Hãy nghiệm xét mọi sự" (1Thes. 5:21) và "Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo kẻo chúng lấy chân dày đạp và quay lại cắn xé các ngươi." Tuy nhiên, khởi đầu hành trình lột xác lại bắt nguồn từ sự thúc đẩy của câu Phúc Âm Mác cô, "Tuy vậy, Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không?" Chịu chức linh mục được ba năm, vừa đúng một vòng Phúc Âm trong phụng vụ, suy tư soạn giảng đã dồn ngài vào khá nhiều bế tắc bởi quan điểm luân lý từ lối học kinh viện đem áp dụng hầu làm sáng tỏ Lời Chúa. Làm sao giải thích theo luân lý câu nói u mặc: "Chính để phán xét mà Ta đã đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù!" Làm sao con người có thể chấp nhận được "Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Tạ Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta ắt không xứng với Ta," và phỏng áp dụng thế nào trong thực tế khi giảng giải, "Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Chúa?" Những sách diễn giải Kinh Thánh, đúng là kinh viện, chúng chết từ thuở nào với lối suy tư kinh viện. Những bộ sách soạn giảng đã chẳng nói lên điều gì có thể áp dụng mà nhiều khi lại còn dùng Chúa như bung xung để tránh phải đương đầu với nước bí luân lý, dùng những đề nghị không tưởng chẳng thể áp dụng vào thực tại con người đang phải gồng mình tranh đấu vượt qua những khó khăn cuộc sống. Nói chuyện với một vài người quen thân mong tìm cách giảng giải Phúc Âm hợp tình hợp lý hơn để sao có thể thuận với nỗi lòng dân Chúa, đã có những lần ngài được nghe lời than kinh hoàng: "Lời Chúa nói nghe đến độ chói tai. Thử hỏi làm sao chấp nhận được câu, 'Của thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo..,' vậy Phúc Âm coi mình chỉ là thứ chó và thứ heo thì nói gì đến cứu độ và cứu rỗi! Nơi khác Phúc Âm lại cũng nói, 'Họ nhìn lấy nhìn để mà không thấy, họ nghe lấy nghe để mà không hiểu, kẻo họ trở lại mà được thứ thạ' Thế chẳng lẽ Chúa muốn đày ải con người trong vòng u mê muôn đời?" Những báo, bài giảng mua hàng tháng cũng chẳng hơn gì vì chúng được viết do những bộ Óc quá nặng nề lệ thuộc truyền thống và lời Kinh Thánh một cách từ chương.
Thế rồi, chuyện phải đến đã đến! Câu Phúc Âm "Tuy vậy, Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không?" như chiếc vồ vạn cân giáng đòn nặng nề không thương xót nơi lòng người linh mục trẻ với kinh nghiệm mục vụ và phụng vụ chỉ mới ba năm tròn và tiếp tục thêm ba năm ròng rã, Thánh Thần làm việc qua lời Phúc Âm và thực tại dân Chúa gây áp lực thay đổi tâm tư, biến cha Hoàng như trái banh dưới chân những chuyên viên bóng đá của hai đội đấu thủ nhà nghề, biến kiến thức kinh viện nơi ngài thành cảm nghiệm đạo sống. Đó là Tin Mừng Đức Kitô đem đến cho nhân loại, Tin Mừng đã bao lâu nay bị che mờ bởi những quan niệm luân lý, tâm lý, quan điểm xã hội thế tục, những quan niệm đã biến lời Phúc Âm, "Tuy vậy, Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không" trở thành câu hỏi lãng quên...
Cũng như bao tín đồ của các tôn giáo, đặc tính nghe sao biết vậy hoặc nghe cho qua để tưởng là quá đủ nhiệm vụ thực hành tôn giáo hay chu toàn trách nhiệm tâm linh đã đương nhiên trở thành thói quen khó tập mà cũng khó chừa nơi mọi người thuộc mọi thời bởi cho rằng đã có những nhà thuyết giáo suy nghĩ, chỉ đường lối thực hiện phương cách theo đạo... đồng thời khó chừa vì e sơ... Cha Hoàng đã tận tâm học hành và tuân theo tất cả những gì một tín hữu cần phải biết và phải giữ để được coi là một thành viên tốt lành của tôn giáo. Trải qua những năm tháng trong lò huấn luyện kinh viện và được chấp nhận trở nên nhà thuyết giáo, ngài chính thức phải đương đầu cuộc chiến nội tâm giữa hai phe, lời Phúc Âm và thực tại cuộc sống của tín hữu trong tổ chức tôn giáo bao gồm truyền thống, những nghi thức phụng vụ, mục vụ, xen lẫn giữa muôn ngàn dữ kiện tạo thành môi trường rắc rối, công ăn việc làm đối nghịch luật lệ tôn giáo, thực tại nhân sinh lấn át hệ thống luân lý một chiều từ ngàn xưa vẫn hằng bền vững. Con người lúc nào cũng bị chèn ép giữa hai cực đoan, luân lý phản nghịch tâm lý xã hội hoặc giữa tôn giáo và điều kiện thực tại. Hiện tượng những bước chân rời bỏ giáo đường không phải do sự bất mãn với vị thuyết giảng dầu cớ sự được coi như thế, mà thực thể lại là lòng khát vọng tâm linh nơi con người đã không được thỏa mãn... Con người đã quá sợ hãi với những đe dọa tôn giáo nên đã tìm đường tránh thoát hầu mong giải thoát bớt áp lực không cần thiết đè nặng tâm tư trong khi phải đối diện với thực tại khó khăn của cuộc sống.
Thao thức nơi vòng quay tổ chức của tôn giáo trong khi phải đối diện với thực trạng dân Chúa đói khát tâm linh, lời Phúc Âm "Tuy vậy, Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không?" đã trở nên bản án tròng vào cổ người linh mục trẻ. Tại sao nghi ngờ lòng tin của con người?... hoặc là hiểu khác về lòng tin hoặc là không chấp nhận hay không thể đạt tới được? Nguyên nhân nào có sự nghi ngờ? Tin là gì? Phỏng tin có nghĩa nghĩ rằng, cho rằng, hoặc nhận thực rằng điều gì có thực? Định nghĩa đức tin qua sách vở và ngay cả nơi thư Hipri trở thành mù mờ, có để mà có, gượng ép với những ý nghĩa đầy kẽ hở, "Tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là phương nhận thức các thực tại người ta không thấy" (Hipri 11:1). Hy vọng của tiền nhân như nơi thư Hipri đã chắc gì giống với hy vọng của những người khác. Hơn nữa, cách nhận thức các thực tại người ta không thấy đâu phải chỉ tin là đủ. Dẫu tin có không khí hay không thì mình vẫn đang thở! Dẫu tin có Thiên Chúa hay không thì Thiên Chúa vẫn hiện diện. Xét thế, tất cả những định nghĩa đức tin và ngay cả những điều phải tin đều trở thành những kiến thức không có bất cứ ảnh hưởng nào tạm coi là có thể giúp con người thăng tiến tâm linh. Cha Hoàng nghĩ, giả sử miệng nói tin mà lòng không nghĩ như thế, phỏng có gì thay đổi, phỏng có gì khác lạ xảy rả... Thưa rằng không... Câu trả lời thầm lặng mang sức mạnh chấn động lật đổ tất cả những gì được gọi là đức tin xưa nay ngài hằng chấp nhận... Và như vậy, áp lực của câu hỏi nơi Phúc Âm càng tăng, càng đẩy cha Hoàng vô góc tường tâm tưởng kiếm tìm đường giải thoát...
Nỗi thao thức không ngưng nghỉ gây áp lực tâm tư phát xuất từ câu hỏi về lòng tin nơi Phúc Âm có sức mạnh gây rối, làm đảo lộn tất cả những kiến thức xưa nay ngài đã chấp nhận, an phận tin tưởng theo truyền thống trao lại từ bao đời trước. Bao nhiêu lần nghĩ đến, bấy nhiêu lần ngài cố lãng quên thế mà vẫn không thoát khỏi. Đức tin ngài đã được dạy dỗ, truyền lại từ hai ngàn năm nay phỏng vì lý do gì, điều kiện nào, hoặc chuyện gì đã được tiên liệu để đến nỗi có thể bị xóa bỏ? Hội Thánh sẽ được tồn tại tới khi Đức Kitô trở lại tất nhiên đức tin phải tồn tại thế sao bị nghi ngờ về lòng tin? Thực ra, chính ý muốn tránh thoát đối diện sự thực chỉ càng làm tăng áp lực đày ải, cha Hoàng phải đương đầu với sự e ngại đặt vấn đề về một thực thể đã hai ngàn năm ngự trị nơi tâm trí Kitô hữu.
Không khí trong nhà thờ lúc nửa đêm không lạnh mà cha Hoàng run... cái run bắt nguồn từ sự nhận thực ra nhận thức của mình chỉ là mớ kiến thức kinh viện nền tảng được đặt trên đám cát giáo điều, có để mà có nhưng vô bổ, giống như những đồ trang sức pha trộn muôn vẻ màu mè củng cố mớ lề luật thống trị dân Chúa, che mờ nẻo tới tâm linh. Phỏng nếu không có luật giữ ngày Chủ Nhật sẽ được mấy ai tới nhà thờ? Phỏng nếu cho rằng hoặc nghĩ rằng Thiên Chúa không hiện hữu thì Ngài sẽ tự dưng biến mất và như thế cả vũ trụ này sụp đổ? Thực ra, nếu nói rằng Đức Giêsu không nhập thể thì Ngài cũng đã đến. Đức Giêsu đến đem Tin Mừng vậy Tin Mừng của Ngài là gì? Lòng tin là gì? Đức Giêsu nói gì về lòng tin?... Khóa cửa nhà thờ và chầm chậm bước về nhà xứ với dáng khoan thai mà lòng ngài đang cuồn cuộn nổi sóng. Đêm về khuya muôn sao lấp lánh đã bị ngài bỏ rơi trên bầu trời dẫu làn gió mát nhẹ nhàng cố quyện quanh như nhắc nhở con người đang trầm ngâm hãy trở về với thực tại. Nhưng không, bước chân ngài chợt dồn mau hơn cùng với cử điệu tay trái xỏ vô túi quần lấy xâu chìa khóa... ngài phải kiếm cho ra Phúc Âm nói gì về đức tin...
Máy điện toán được bật lên ngay khi ngài bước tới bàn viết. Cũng may, con người đã chế ra được những tiện nghi không những đem lại lợi ích cho cuộc sống vật chất mà ngay cả những phương tiện hiểu biết. Bản Kinh Thánh tiếng Anh chỉ rõ có 264 chữ "faith," ba Phúc Âm Mathêu, Mác Cô, và Luca nhắc đến 32 lần. Riêng động từ "believe" bốn cuốn Phúc Âm nhắc đến 93 lần mà đã 62 lần trong Gioan. Đọc qua những câu có chữ faith hiện trên màn ảnh, cha Hoàng cảm thấy bàng hoàng vì sự kiện không ngờ đã sẵn đó từ bao lâu nay mà ngài chưa bao giờ để ý; hình như nơi bản tiếng Anh chữ faith được nhắc tới mang quyền lực cả thể nào đó khác với chữ faith ngài thường nghe quen ở nhà trường mang nghĩa "đức tin." Không tin nơi mắt mình, ngài lấy cuốn sách Việt. Cuốn Kinh Thánh tiếng Việt bản dịch do linh mục Nguyễn Thế Thuấn dùng chữ "lòng tin" thay vì đức tin. Lật Mathêu theo thứ tự những câu có chữ faith nổi lên trên máy điện toán, lời Phúc Âm tiếp tục làm cha Hoàng càng ngạc nhiên...
"Ông đã tin sao, thì hãy được như vậy" (Mt. 8:13).
"Này con, hãy vững lòng, lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mt. 9:22).
"Các ngươi đã tin sao thì hãy được như vậy" (Mt. 9:29).
"Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!" (Mt. 15:28).
"Quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì các ngươi có bảo núi này: Hãy bỏ đây qua đó! nó cũng sẽ chuyển qua, và các ngươi sẽ không bất lực trước một điều gì" (Mt. 17:20).
"Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi có lòng tin và không nghi ngại, thì các ngươi không chỉ làm được điều xảy ra cho cây vả, mà cho dù các ngươi có bảo núi này: "Xê đi mà nhào xuống biển thì sự cũng sẽ xảy ra. Và mọi điều các ngươi lấy lòng tin mà cầu nguyện kêu xin, các ngươi sẽ được!" (Mt. 21:21-22).
Không biết nghĩ sao hơn, cha Hoàng ngồi chết lặng trước cuốn Kinh Thánh và máy điện toán... trong lòng cuồn cuộn nổi sóng... tạo thành sự bàng hoàng gây áp lực muốn ngộp thở. Chưa bao giờ ngài gặp tình trạng này khi đọc Phúc Âm... Thời gian như ngưng đọng, không gian ngừng chuyển động... Thần lực sung mãn nào đó bao trùm tràn ngập khiến người trong bối cảnh sững sờ không kịp thời phản ứng... Tuy thế, dẫu thân xác bất động nhưng tâm trí ngài phần như reo vui, phần rạo rực e ngại... quay cuồng như bị cuốn hút vào mãnh lực cơn lốc thần linh đang vần vũ trình diễn quyền lực được tỏ bày qua ngôn ngữ loài người. Lòng tin Đức Kitô nói trong Phúc Âm mang quyền lực tự nó, tin sao thì được vậy, lòng tin của con cứu chữa con, muốn sao thì hãy được như vậy, sẽ không bất lực trước một điều gì, lấy lòng tin mà cầu nguyện kêu xin các ngươi sẽ được... Ngài lặng thinh ngồi đó, tay khoanh trước ngực, hết nhìn cuốn Kinh Thánh được mở ở đoạn 20 Mathêu, lại nhìn màn ảnh xanh dương chi chít tiếng Anh, hình như bị điếc đối với dòng nhạc trữ tình của Chopin được chuyển hiện qua tiếng dương cầm êm dịu lan vào không gian nhỏ bé của căn phòng từ hai chiếc loa 14 watts của hệ thống C.D. gắn liền vào máy điện toán. Cảm giác chơi vơi nào đó len nhẹ vào hồn khiến thân xác muốn được tê dại ngừng thở bởi e hơi thở bình thường cũng quá mạnh bạo có thể đẩy tan giây phút linh thiêng tràn qua cửa kiếng lọt vào khoảng thinh không.
Ấy là mới chỉ một vài câu nơi Mathêu, còn những câu khác và ba Phúc Âm nữa, cha Hoàng thầm nghĩ đưa tay nhìn đồng hồ, 12 giờ 30 phút... đi ngủ, mai phải dậy lúc 5 giờ sáng... Ngài tắt máy, đưa chân đạp công tắc cắt dòng điện, từ từ đứng dậy sang phòng bên cạnh thay đồ, đưa tay ấn nút hai chiếc đồng hồ báo thức, chuẩn bị ngủ... Và giấc ngủ đã chẳng chịu tới bởi những lời Phúc Âm cứ thay phiên nhau vẫn vũ nơi tâm tưởng kèm theo một số câu hỏi... Tin sao thì được vậy... do quyền lực kiến tạo nào? Chữ tin ở đây có nghĩa gì? Phỏng có phải cứ nghĩ điều gì sẽ xảy ra thì chuyện đó sẽ đến và như vậy ý nghĩ tự nó mang quyền lực? Có câu Phúc Âm nào nói về quyền lực của ý nghĩ, ước muốn không? Lòng tin cứu chữa; tại sao lòng tin lại có quyền lực cứu chữa? Tại sao nơi Phúc Âm, Đức Kitô không nói tin vào Thiên Chúa, tin vào Ta thì Chúa chữa hoặc Ta chữa mà lại chỉ nói lòng tin cứu chữa? Như thế quyền lực nào đã sẵn có nơi lòng tin và lòng tin là gì? Phỏng đặt vào miệng Đức Kitô như thế có thể là một lối nói phóng đại?... Chợt nhận ra mình đang theo đuổi những ý nghĩ..., sáng mai sau lễ sẽ tính, ngài thầm nhủ, bây giờ phải ngủ, chỉ còn bốn tiếng rưỡi đồng hồ, không ngủ mai không dậy được... Dẫu đã cố gắng tập trung tư tưởng vào tiếng kêu tích tắc của chiếc đồng hồ báo thức hầu ngăn chặn chia trí, âm hưởng của mấy câu Phúc Âm như kẻ trộm đại tài tàng hình lọt vô tâm tưởng dẫn suy tư theo đuổi... Muốn sao thì hãy được như vậy... ngôn từ có được dịch chính xác không? Nếu đúng, ước muốn, ý định cũng tự có quyền lực kiến tạo. Muốn sao thì hãy được như vậy phỏng bao gồm cả những ý muốn chẳng nên... Sẽ không bất lực trước một điều gì... mang nghĩa thế nào? Câu nói quá bạo! Quyền lực nào có thể không bất lực trước một điều gì mà lại được ví chỉ cần lòng tin nhỏ bằng hạt cải không lớn hơn chiếc mắt muỗi! Phỏng đây chỉ là lối nói thăng hoa, không tưởng, cho xuôi câu văn với chủ đích nhấn mạnh về lòng tin? Vậy xưa nay bao nhiêu người đã có đức tin sao chưa thấy ai nghiệm chứng? Phỏng có thể ai cũng nghĩ rằng lời nói trong Phúc Âm không thật nên chẳng ai tin tưởng để mà thử? Tại sao nơi những sự kiện được gọi phép lạ, Đức Kitô lại bảo rằng đó là lòng tin chữa, lòng tin cứu? Tại sao Giáo Hội dạy Đức Kitô là Đấng Cứu Thế mà chính Ngài lại nói lòng tin cứu chữa? Tại sao nơi Phúc Âm Đức Kitô không nói Ngài chữa, Ngài cứu mà cứ đổ vạ cho lòng tin?... Lại một lần nữa cha Hoàng nhận ra tâm trí mình đang phiêu diêu theo đuổi những câu hỏi không hiểu từ đâu đến... Không dám nhìn đồng hồ báo thức để ngay đầu giường vì biết chắc đã hơn một giờ khuya, ngài lại cố dỗ giấc ngủ...
Một, hai, ba, bốn, năm,... cha Hoàng dồn tâm tưởng theo tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ thầm đếm... Phúc Âm nói gì về lòng tin... Lời tuyên xưng đức tin nơi kinh Tin Kính cô đọng những sự thật nơi Phúc Âm, một Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất muôn vật, Đức Kitô nhập thể qua Đức Maria đồng trinh, Thánh Linh, Đấng ban sự sống, Giáo Hội thông công, sự sống lại và sự sống vĩnh cửu, bí tích hòa giải... Tính chất của sự tuyên xưng này chỉ nói lên thật lòng chấp nhận và cho rằng, nghĩ rằng đó là sự thực, đó là chân lý không sai... Đây là đức tin Công Giáo, ai chấp nhận hay không thì có niềm tin giống Công Giáo hay không... Sự chấp nhận, tin như vậy là ý thức hướng dẫn tất cả mọi suy luận Công Giáo... nhưng không mang quyền lực của lòng tin. Phúc Âm nói gì... Phúc Âm nói gì... tin sao thì được vậy, lòng tin của con cứu chữa con, muốn sao thì hãy được như vậy, sẽ không bất lực trước một điều gì, lấy lòng tin mà cầu nguyện kêu xin các ngươi sẽ được... Cha Hoàng ngồi bật dậy... Ngồi dậy để làm gì? Ngài bàng hoàng! Phải ngủ, sáng mai phải thức dậy lúc 5 giờ... Chợt tỉnh thức do cử động vô thức ngồi dậy và tự hỏi để rồi nhủ thầm như thế nhưng lòng ngài xốn xang... Mãnh lực nào đó thúc đẩy tâm trí quay cuồng với những câu hỏi cuồn cuộn dồn tới tạo nên lòng khát khao tìm hiểu... Phỏng trong tình trạng này có ngủ được không, ngài tự hỏi, dẫu sao cũng đã lỡ... Quay lại nhìn đồng hồ, hàng số điện tử màu xanh lá mạ hiện rõ 2:32. Kể như hết đêm rồi Chúa ơi, cha Hoàng than thầm, lòng tin Ngài nói trong Phúc Âm đúng là báo hại... quyền lực đâu không thấy mà chưa chi đã mất ngủ... Đừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất mà là sự mất ngủ... Đức Kitô hôm nay hạ mình một - không... đành chấp nhận chứ biết sao hơn... môn đệ không bắt nạt được thầy mà có chăng ngược lại... Vừa thắt dây ngang lưng chiếc áo ngủ đồng thời bước sang phòng bên cạnh bật đèn, ngài vừa thầm nghĩ đến câu nói của Phúc Âm Mathêu áp dụng nơi thực tại mất ngủ của mình.
Máy điện toán lại một lần nữa nổi lên những chữ faith được tô đậm màu trắng giữa những hàng chữ nét nhỏ trên nền xanh dương của màn ảnh... Bởi muốn có nhận định rõ ràng và tổng quát, cha Hoàng lấy bút và giấy ghi lại những câu nói về lòng tin theo thứ tự Mathêu, Mác cô, Luca, và Gioan. Một số câu nơi Mác cô và Luca phần nào đó được lặp lại mang ý nghĩa bổ xung thêm những khía cạnh khác của quyền lực được gọi là lòng tin. Tiếp theo, ngài tìm những câu chứa đựng chữ believe và so sánh với bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt. Phúc Âm nói về lòng tin chứa đựng quyền lực lạ lùng chứ không mang nghĩa cho hoặc nghĩ rằng điều gì đúng hay sai... Tuy nhiên, vì được sắp xếp tùy thuộc cơ cấu những câu truyện, quyền lực lòng tin dẫu được giải thích bằng cách lặp đi lặp lại nhưng bị phân tán xen kẽ nơi các trường hợp khác nhau khiến những sự kiện che mờ tính chất quan yếu và ý nhấn mạnh do đó người đọc khó có thể nhận ra đặc tính quyền lực này... Điều lạ lùng hơn nữa là càng để ý, lòng tin càng được Phúc Âm đề cao dẫn tâm tưởng ngài đến sự nhận thực ra rằng ngài đã không có lòng tin giống như Kinh Thánh diễn tả. Đối diện với tâm tình này, ngài lại cảm thấy bàng hoàng... Cả bốn Phúc Âm nói về lòng tin một cách khác lạ nếu đem so sánh ý nghĩa nơi những câu nói đặt vào miệng Đức Kitô với hai tiếng "đức tin" được dùng làm căn bản học hỏi và giảng giải bao lâu naỵ Đã ai đặt vấn đề tại sao có những câu nói khác lạ trong Phúc Âm về lòng tin chưa? Tại sao sách vở, nơi những phần định nghĩa về đức tin, các tác giả đã không so sánh những tính chất của lòng tin nơi những câu nói ở Phúc Âm?... Nguyên nhân nào khiến họ phải tránh né đem so sánh những câu nói về lòng tin hầu đưa ra nhận định trung thực theo Phúc Âm? Tại sao có những câu nghi ngờ lòng tin của con người hoặc nghịch hẳn với quan niệm bình thường nếu không muốn nói là không tưởng được dùng để chỉ tính chất lòng tin? Thực hiện cách nào để có được lòng tin như Phúc Âm nói? Cha Hoàng ngồi đó như ngây như dại. Những hình ảnh di động, màu sắc thay đổi, bảo vệ màn ảnh điện toán nổi lên nhảy múa tự lúc nào ngài cũng chẳng cần biết... Dẫu nhìn chằm chằm vào màn ảnh nhưng tâm trí ngài còn đang mãi đâu đâu bởi những câu hỏi chưa bao giờ có thể ngờ bỗng như trận cuồng phong vũ bão nổi dậy cuốn hút suy tư... Hai chiếc đồng hồ báo thức chợt thi đua vang lên những tiếng bíp bíp vọng sang từ phòng ngủ khiến ngài chợt tỉnh... Thế là hết đêm, hai tiếng rưỡi qua mau trong nháy mắt mà thành quả gom tóm chỉ được hai trang giấy ghi những câu Phúc Âm rời rạc khiến tâm trí đảo lộn ảnh hưởng xác thân mệt nhừ, ngài thầm nghĩ, đoạn trở về phòng ngủ tắt đồng hồ báo thức và ra nhà bếp pha cà phê.
Bao nhiêu kiến thức thần học, triết học, luân lý, hôn nhân, giáo luật, lịch sử, qua những năm tháng trau giồi nơi nhà trường cấu tạo thành sự hiểu biết căn bản của người linh mục bị mấy câu Phúc Âm tàn phá tan tành như mây khói... Cha Hoàng mở cửa tủ chén lấy ly sành trong khi đợi cà phê mà tâm trí vẫn bị quay cuồng với nỗi bàng hoàng chưa có câu giải đáp tạo thành cảm nghĩ mông lung, hình như kiến thức thần học đã được trau giồi bị bứng tận gốc rễ. Đức Kitô đến rao giảng những gì? Tin Mừng của Đức Kitô bao gồm những chỉ Tại sao những người tin vào Đức Kitô lại có thể phân chia thành những chi nhánh khác nhau mà nguồn gốc của sự phân rẽ này chỉ là sự khác biệt giữa những sự tuyên xưng đức tin? Ai đúng, ai sai, và Đức Kitô sẽ có thái độ nào? Lòng tin nơi Phúc Âm chỉ có một, tuyên xưng điều mình cho là đúng thì lại có nhiều điểm khác biệt giữa những người cùng theo một lòng tin... Thế ra căn bản lòng tin đã không được để ý mà ngược lại chú tâm đến những quan niệm và đua tranh bày tỏ ý niệm riêng tạo nên phân rẽ; chính bởi đó, sự phân chia bắt nguồn từ không đồng quan điểm kiến thức chứ không phải vì lòng tin. Điều này cũng chẳng khác gì sự bất đồng ngôn từ chỉ về Thượng Đế và những quan niệm, thành quả của cảm nghiệm cá biệt, và ai cũng chỉ cho rằng cảm nghiệm của mình mới đúng, và người khác, vì không quan niệm giống thực trạng cảm nghiệm của mình, là sai. Phỏng đây cũng là nguyên nhân tạo nên sự hiểu lầm ý nghĩa của lòng tin do đó đã không có ai đặt vấn đề tìm định nghĩa của lòng tin được đề cập theo những câu nói Phúc Âm mà chỉ giãi bày lòng tin theo nhận định của mình bởi đã mang sẵn quan niệm tin có nghĩa cho rằng hoặc nghĩ rằng điều gì có thực hoặc sẽ xảy đến như dự đoán?
Bưng ly cà phê trở lại phòng làm việc, cha Hoàng đánh máy; những câu Phúc Âm về lòng tin được ngài ghi lại nơi hai trang giấy lần lượt nổi trên màn ảnh điện toán. Đặt lưng vô dựa ghế cho thoải mái, thân người ngài tựa như bức tượng được đắp dính liền với chiếc khung bốn chân giữ vững thế ngồi... Mười ngón tay lướt trên bàn chữ tạo thành những tiếng kêu lạch cạch liên tục không đồng điệu nhưng khá nhịp nhàng hòa nhập với từng nét, từng chữ nhỏ màu trắng, hàng hàng lớp lớp nổi lên xâm lấn nền đen màn ảnh. Khi chữ cuối cùng trên hai trang giấy trước mặt vừa dẫn dòng chữ ráp nối vào phần chót, mệnh lệnh giữ tài liệu đã được ban ra và màn ảnh chớp nhẹ thì bàn tay trái đồng thời cũng xoay nửa vòng cho chiếc đồng hồ đeo tay trình bày vòng số. 5 giờ 45 phút, đến giờ chuẩn bị ra nhà thờ, ngài thầm nghĩ... Ly cà phê mới cạn một phần ba, điếu thuốc cháy hết một nửa tắt ngúm để lại khúc tàn dài bởi bị chặn nơi mảng khuyết chiếc gạt tàn kẹp chặt, cả hai ngón đam mê ruột dường như trách móc ngài đã có thái độ lãng quên... Cà phê lại cạn và phần điếu thuốc dở được mồi một cách vội vã trong khi máy in vừa đẩy xong tờ giấy với lớp mực mới, tay trái dụi tàn thuốc và tay phải đẩy ngăn kéo đựng bàn chữ vô hộc, ngài đứng dậy bước trở lại phòng ngủ... và hai mươi phút sau vị linh mục trẻ đã có mặt đọc kinh nguyện nơi nhà thờ...
Kinh nhật tụng của ngày thứ hai tuần hai Mùa Vọng đã đến với ngài giống như nước chảy mây trôi... Mắt dõi theo từng chữ nhưng ý nghĩa đã bị chặn đứng bởi lòng tin đang luẩn quẩn nơi tâm trí khiến ngài cảm thấy giao động... Thôi thì đọc cho qua... Lời Chúa để Chúa hiểu... Và đúng là đọc cho qua kinh nhật tụng, ngài gấp sách bỏ sang bên cạnh, tiến lên bàn thờ rở sách trước khi mặc áo lễ. Thế nhưng, cũng như mọi lần, thời điểm sáng sớm của ngày thứ hai sau lễ ngài thường đọc qua một lần những bài đọc của Chủ Nhật sắp tới chuẩn bị soạn giảng... Nhân tiện có được ít phút, ngài lật bài đọc cho Chủ Nhật tới... Bài đọc thứ hai, thư thứ nhất gửi Giáo Đoàn Thessalonians của Chủ Nhật tuần ba mùa vọng năm B lại như nguồn năng lực bị dồn ép cách nào đó chợt bùng nổ khiến ngài thêm lần nữa bàng hoàng... "Đừng dập tắt thần khí! Đừng khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự; điều gì lành hãy giữ lấy. Hãy kỵ điều dữ, bất cứ dưới hình thức nào" (Thes. 5:19-22).
Từ ngày chịu chức linh mục, đã bao nhiêu lần rửa tội cho trẻ nhỏ, đã bao nhiêu lần giảng giải về bí tích rửa tội trong đó bao gồm ân sủng tư tế, tiên tri, và vương quyền, của mọi tín hữu... thế mà giờ đây ngài mới cảm nghiệm... Suy luận làm sao, giải thích cách nào, cha Hoàng thầm nghĩ... và đành để cho lời thư, "Đừng dập tắt Thần Khí! Đừng khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sự" đua nhau nhào lộn trong tâm trí... Ngài muốn nói lên nhưng nói gì? Nguồn thần lực nào đó bỗng như dạt dào tràn ngập tâm hồn đến độ ngài cảm thấy hình như bị trào ra... trào ra chan hòa nhà thờ lưa thưa đây đó vài giáo dân tham dự Thánh Lễ buổi sớm... Muốn cảm nghiệm cần nghiệm xét mọi sự, mà nghiệm xét tất nhiên mở rộng lòng cho Thần Khí làm việc... Câu nào đó nơi Phúc Âm Gioan hiện về nhắc nhở: "Ta còn lắm điều phải nói với các ngươi, nhưng hiện giờ, các ngươi không mang nổi. Song khi nào Ngài đến, vì là Thần Khí sự thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật" (Gioan 16:12). Cha Hoàng cảm thấy lâng lâng như bay bổng, đôi chân chơi vơi bước về phía phòng mặc áo chuẩn bị dâng lễ... Đừng dập tắt Thần Khí! Đừng khinh thị các ơn tiên tri! Nhưng hãy nghiệm xét mọi sư... hãy nghiệm xét mọi sư...
Cũng như thường lệ sau lễ sáng thứ hai, cha Hoàng đọc những bài sách thánh hầu có thời gian dư dật suy gẫm cho bài giảng cuối tuần sắp tới. Hôm nay, tập sách bài đọc bị bỏ quên trong khi ngài ngồi đó, một mình chơ vơ nơi nhà thờ sáu trăm chỗ ngồi... tay khoanh trước ngực, đôi mắt khép kín, và ngả lưng nơi thành dựa băng ghế dài trước bàn thờ. Lời Phúc Âm vẫn vang vọng, "Ta còn lắm điều phải nói với các ngươi, nhưng hiện giờ, các ngươi không mang nổi... " thế thì những câu tuyên bố về quyền lực lòng tin vẫn còn là nhẹ nhàng... Sự thật nào mà con người thời đó không mang nổi, không thể chấp nhận, hay không đủ khả năng hiểu nổi? Lý do gì khiến con người không mang nổi? Tại sao Đức Kitô không chịu nói? Tại sao dùng động từ "mang" mà không dùng động từ "hiểu"? Phỏng Đức Kitô nói ra thì cũng không ai chấp nhận được? Tại sao không chấp nhận...? Cha Hoàng chợt tỉnh ngộ, những lời Phúc Âm nói về lòng tin gần hai mươi thế kỷ qua vẫn còn chưa được nghiệm chứng thì có nói thêm cũng bằng thừa... Đức Kitô mới chỉ nói "Ta và Cha là một" mà đã bị cho rằng phạm thượng (Gioan 10:30-33)... vì dám cho mình là Thiên Chúa... Ngài nói nghịch lại với tất cả những quan niệm của con người xưa nay... hèn chi "các ngươi không mang nổi"... Nhưng phải thế nào, phải áp dụng nguyên tắc hay đường lối nào để Thần Khí làm việc? Tại sao thư thứ nhất Thessalonians lại có lời khuyên đừng dập tắt Thần Khí mà phải nghiệm xét mọi sự?... Nếu nghiệm xét mọi sự phải là tự mình, phải đặt lại mọi vấn đề để tự tìm hiểu, tự chứng nghiệm... Nghiệm xét bao gồm chứng nghiệm và nhận xét; mà muốn chứng nghiệm cần thực nghiệm chứ không phải suy luận vì suy luận lệ thuộc kiến thức có sẵn... Chứng nghiệm đòi hỏi tính chất nghi ngờ hết mọi sự, nghi ngờ tất cả những kiến thức đã biết sẵn cũng như bất cứ quan niệm, kinh nghiệm nào đã lệ thuộc lý thuyết hay giáo điều... Như vậy, "nghiệm xét mọi sự" có nghĩa không thể dùng cảm nghiệm hay kinh nghiệm của kẻ khác vì đối với cùng một vấn đề hay sự kiện, mọi người đều có cảm nghiệm khác nhau... thí dụ ý thích về một chiếc xe, hay tình cảm đối với một người khác phái, hoặc tâm tình đối với nơi ăn chốn ở... Đồng ý rằng kinh nghiệm quá khứ giúp con người tránh khỏi những sai lầm chẳng may trùng hợp nơi hiện tại nhưng chỉ được giới hạn nơi cuộc sống vật chất và lối nhìn luân lý... Tuy nhiên, vì không ai có tâm tình giống ai nên cảm nghiệm của kinh nghiệm không giống nhau. Hơn nữa, cảm nghiệm kinh nghiệm về sức nóng của lửa khác với cảm nghiệm tình cảm nơi một người vì một đàng tùy thuộc cảm giác ngũ quan, đàng khác tùy thuộc tâm tình và tính chất cũng như quan niệm hay ý hướng... Như vậy, chỉ có thánh Phao lô bị quật ngã ngựa mới có thể nói lên được phải nghiệm xét mọi sự vì ông thuộc về hàng quí tộc và rất rành rẽ truyền thống Do Thái. Chỉ ông mới cảm nghiệm được muốn hiểu Đức Kitô nói gì, muốn hiểu Phúc Âm cần nghiệm xét mọi sự. Phỏng Phao Lô sau khi được khỏi mù lòa đã xóa bỏ hẳn quan niệm cũ của ông nên khuyên nghiệm xét mọi sự? Phao Lô rao giảng về Đức Kitô bị đóng đinh thập giá và Thần Khí Thiên Chúa... vậy Đức Kitô rao giảng những gì? Đức Kitô rao giảng Tin Mừng; vậy Tin Mừng là gì và bao gồm những gì? Có cần điều kiện nào để hiểu Tin Mừng không? Nếu nghiệm xét mọi sự một cách sai lầm sẽ thế nào? Phúc Âm nói gì về thái độ nghiệm xét?...
Có tiếng mở cửa nhà thờ và cha xứ xuất hiện cắt đứt suy tư, cha Hoàng trở về nhà xứ vì sắp đến giờ lễ tiếp theo. Cha xứ thường ra nhà thờ 15 phút trước khi lễ, vậy là đã một tiếng đồng hồ mình quên cả trời đất, ngài thầm nghĩ khi lững thững bước về nhà xứ... nhưng Phúc Âm nói gì? Tại sao lòng tin được trình bày thật khác lạ mà xưa nay vẫn không thấy ai nói đến tính chất quyền lực này? Tin Mừng Đức Kitô rao giảng là gì? Tại sao có câu "Người nghèo khó có Tin Mừng để nghe" mà không đặt vấn đề có thực phẩm để ăn? Đã bao lâu nay có ai áp dụng lời thư Phao Lô để nghiệm xét không? Nếu áp dụng nghiệm xét, tất nhiên sự tuyên xưng đức tin phải là cảm nghiệm sống chứ không thể chỉ là sự chấp nhận đúng sai, phải trái. Nghĩ đến đây, ngài chợt tự hỏi, chẳng lẽ xưa nay mình sống trong trạng thái không tưởng... không bao giờ dám đặt vấn đề tự nghĩ hay cảm nghiệm nghĩa là đã không dám nghiệm xét bất cứ điều gì bởi lối học kinh viện, nói không giống với những kiến thức đã được viết sẵn hoặc không kiếm được những điều chứng minh từ sách vở sẽ không được chấp nhận và lãnh chiếc mỏ lết to tổ bố để sửa xe... lâu dần thành quen và ngủ yên nơi những kiến thức được lặp đi lặp lại như con vẹt. Phỏng có thể nói mình bị đui mù vì đã không dám nghiệm xét Phúc Âm mà chỉ như con bò nhai lại những gì người khác đã mửa rả Phỏng đây là trạng thái của kẻ bị gọi là thấy được lại hóa ra đui mù? Tưởng rằng mình hiểu biết nhưng thật ra tất cả chỉ là mớ kiến thức kinh viện thiếu cảm nghiệm hướng dẫn tâm linh! Phúc Âm nói gì về nghiệm xét hoặc điều kiện để nghiệm xét mọi sự?...