Thằng Xin

     ác chài, đứng chạng trên sạp thuyền tựa một pho tượng lực sĩ, mình hơi lùn, ngực căng vồng rám đỏ, bụng rộng nổi lên từng cục gân, gác thúng cá lên một đầu gối rồi trút cá xuống chiếc lào [1]. Chủ thuyền, ông nhà nghề, gọi người mua cá:
- Mụ Phiên đâu rồi, đến nhận thẻ, [2].
Những con cá trích, vẩy bạc loang loáng biếc, trượt từ thúng xuống lào lạch đạch. Tay bác chài giật giật nhanh và rất nhẹ, cá lướt từ từ không ép chặt lên nhau trong lào, khiến lợi người bán. Một bác khác quì trên sạp, hai tay nổi gân đè xuống cạp lào. Mụ Phiên kêu:
- Đè nhẹ rứa, bẹp lào của tui mất. Làm rứa thì đong một lào thật ra chỉ được một nửa.
Ông nhà nghề, vốn người làng bên: đáp bằng giọng oang oang của những bộ ngực nở đã quen hò hét giữa sóng gió:
- Nói vậy thôi! Rứa thì kẻ đi chài nọ mấy lúc mà giàu to, ru!
Bác đong cá vứt thúng, đưa tay khoa cá trong lào cho bằng mặt, đoạn hô, giọng kéo dài:
- Thẻ... e... e... e...
Ông nhà nghề rút trong bó đũa nắm ở tay một chiếc, giơ cho người mua. Nhưng mụ Phiên kêu giãy nẩy:
- Không, không nhựn, đong hao rứa không được.
Bác chài quỳ gối rạp mình xuống bốc dưới khoang bốn con cá bỏ vào lào rồi vừa xoa bàn tay trên mặt lào cá vừa nói:
- Đong ngang cạp lào rồi, còn muốn đầy có ngọn nữa cà ru?
Mụ Phiên vẫn hét, mồm quết trầu há đỏ lòm:
- Không cà ru cà rót gì hết, bỏ vô vài mươi con nữa, không thì tôi không lấy.
Mụ bỗng quay lại đét vào lưng một thằng mình trần đến thắt lưng ngồi chôm hổm như con chó tiền rưỡi phía sau mụ:
- Xin, bỏ ra không chếch [3]!
Thằng Xin vứt nhanh vào lòng mấy con cá hắn vừa thò tay lấy cắp, đoạn giơ bàn tay còn nhầy nhụa vảy cá, gắt lớn để chối:
- Ai lấy gì mô?
Ông nhà nghề nói:
- Chào, cái quân hôi cá! Ăn cắp như nhẹm!
Đoạn thừa cơ mụ Phiên đang bận trí về mấy con cá bị hôi, ông dí chiếc đũa vào tay mụ, miệng bảo:
- Trút cá đi!
Bác chài nhanh nhẹn nhấc lào cá trút xuống chiếc xuồng của người mua ghé cạnh thuyền lưới. Mụ Phiên vô tình nắm lấy thẻ, khi sực nhớ, quay lại kêu ầm:
- lào sau, phải đong cho dôi để bù vô.
Hai bác chài đứng trong khoang thuyền, dùng cào xúc cá vào rổ, chuyển dần lên; chân họ dính những vảy đến tận đầu gối. Nước cá bắn lên má, họ nghiêng đầu giơ cánh tay xát bả vai vào má cho đỡ ngứa xót.
Thằng Xin vẫn ngồi rình, thò tay bốc một nắm cá trong rổ. Ông nhà nghề trông thấy, nắm cổ hắn, khiến hắn rụt đầu lại; ông ta dìu hắn tới be [4] thuyền, hắn cưỡng lại rất hăng. Ông bèn ẩy mạnh, hắn lăn tòm xuống sông. Một giây sau, hắn nhô đầu lên, hỉ từ mũi ra hai luồng nước bạc súa, giơ tay bíu lấy tai thuyền. Ông nhà nghề rút một cái cọc chèo, dọt lên tay hắn. Hắn chửi một tiếng thô tục, vung tay vứt mấy con cá đã hôi được vào mặt ông ta, rồi vội hụp xuống lặn một hơi vào bờ.
Về đến nhà, thằng Xin cứ để nguyên quần áo ướt mèm, ngồi cúi đầu chống tay. Mẹ hắn, mụ Xin - ở nhà quê người ta thường lấy tên con đầu để gọi cha mẹ - đang ngồi làm vàng giấy, liếc nhìn nhưng không dám hỏi. Chợt thằng Xin kêu:
- Mệ!
Mụ hỏi:
- Gì rứa?
- Mệ kiếm trù [5] cau sang nói với ông Thiệu cho tôi một chưn trai dưới thiền lưới. Rầy tui không đi hôi cá nữa.
Mụ Xin nhìn con, lo ngại. Thằng Xin ngồi thần lần luồng mắt đen tối như ủ một ý nghĩ độc dữ dán xuống đất, hắn gợi lại trong trí mụ hình ảnh cha hắn. Cũng đôi mắt nghiêm khắc ấy, cũng vẻ mặt cảu rảu suốt đời, cũng đôi môi dày hằn học mím chặt của bác đàn ông đã làm khổ mụ suốt hai mươi năm trường. Mụ Xin đã sống nhẫn nhục trong sự hành hạ của chồng, cho đến một hôm kia, một bạn chài tới báo bác Xin đã bị cá mập nuốt. Tấn thảm kịch thực giản dị và ghê gớm: bác Xin lặn xuống gỡ lưới, hồi lâu, bỗng một bong bóng rất lớn nổi lên vỡ bùng trên mặt nước: thế rồi hết. Mụ khóc lóc thảm thiết, và trong lòng thương nhớ vẫn giữ kỷ niệm bi đát của người quá cố, một tên đao phủ, nhưng cũng là nơi nương tựa của mụ.
Thằng Xin nhắc:
- Mệ chá!
Từ mấy hôm nay, thằng Xin nảy ý định đi chài. Mẹ hắn, từ sau cái chết thê thảm của chồng, giữ trong lòng nỗi khủng khiếp huyền bí về biển cả, vẫn khuyên dỗ để giữ đứa con trai một lại. Mụ nói:
- Thôi đừng đi lưới. Cứ ở nhà cũng chán vạn nghề: vác muối thuê...
- Ở nhà mà chếch đói à? Mẹ bố hắn đếch!
Thằng Xin gắt lên rồi nhìn mẹ bằng luồng mắt lầm lầm. Hắn vẫn không bao giờ tha thứ cho mụ cái tội nghèo. Mỗi khi ăn không đủ no, hắn đạp mạnh niêu cơm rỗng, vừa chửi đổng vừa nhìn mẹ hắn một cái nhìn thấm thía; về mùa đông, những đêm quá rét, không ngủ được, hắn xé toạc cả những chăn bì gạo vứt xuống đất, lấy chổi hoặc lấy tranh mái nhà đốt ngồi sưởi.
Mùa rét sắp đến, những thằng Đĩ Côn, Năm Xòe, đồng tuổi thằng Xin, hoặc kém hơn - trong làng có tục tảo hôn - lần lượt lấy vợ. Lòng thằng Xin càng nung nấu trong sôi nổi dày vò của khí huyết. Mỗi khi con nít kháo nhau: “Sắp có đám đưa du” [6].
Thằng Xin nuôi tha thiết cái ý định góp nhóp để làm giàu, làm giàu để cưới vợ. Bỏ nghề hôi cá khốn nạn, hắn đi trai dưới thuyền lưới ông Thiệu. Hắn vui lòng hầu hạ bạn chài, thổi cơm, tát nước, đêm khuya lò dò trong xóm ran tiếng chó để gọi người xuống thuyền. Hắn cũng sắm, như những bạn chài khác, một cái hòm mộc vuông để mang theo vật dụng và lương thực khi ra khơi; hắn góp nhóp tiền phần của mỗi chiều lưới - phần trai ít ỏi lắm, chỉ bằng nửa phần tiền bạn thôi - thêm vào đó tiền bán mực hay cá hắn đã câu được. Mỗi lần về nhà hắn lại mở hòm ra đếm tiền, tỉ mỉ xâu thành từng chuỗi, dưới mắt ham muốn nhưng nhẫn nhục của mẹ hắn. Hắn tính chỉ trong dăm tháng, hắn có thể có tới vài chục quan tiền, đủ cưới vợ, và hắn rủa lên một tiếng bằng lòng. Hắn định sẽ bàn với mẹ để lấy con Chắt xóm Đoài, mà hắn đã để ý đến đôi má béo hồng...
Một hôm, thằng Xin trích ra một số tiền nhỏ đi chợ Huyện. Đã biết làm đỏm, hắn sắm một cái gương nhỏ hình bồ dục, một cái lược sừng tiền rưỡi để khỏi phải dùng thứ lược cài bằng dây thép. Hắn lại liều mua thêm cái khăn mặt đỏ để buộc giữ tóc. Như thế chắc hắn sẽ có vẻ bảnh trai lắm. Tới chiều, thằng Xin trở về. Khi muốn cất những vật mới mua vào hòm, hắn bỗng giật thót: chìa khóa không có trong túi nữa. Hắn gọi thất thanh:
- Mệ ơi! Mệ!
Mụ Xin đang nấu cơm dưới bếp, chạy lên. Hắn nói không ra lời:
- Mất mất rồi, mệ nạ... mất rồi!
- Mất gì tê chớ?
- Cái chìa khóa.
Mụ Xin sợ con nổi cơn điên, xăng xái tìm, nói luôn miệng:
- Tìm lại trong túi coi: thi là hắn rưi [7] xuống đất? Không chừng để quin [8] trong áo mi thay khi ra đi.
Thằng Xin nhảy xổ đến thọc tay vào túi chiếc áo còn giắt trên vách. Mắt hắn lộ vẻ thất vọng. Mụ Xin cúi nhìn khắp trên nền đất, miệng nhắc luôn:
- Cứ tìm, răng cũng thấy. Không mất đi mô được. Cứ tìm cho khắp.
Bụng thoáng một ý lo sợ, thằng Xin chạy tới nhắc hòm lên. Hắn thấy nhẹ hơn mọi hôm, bèn lắc hòm rất mạnh và rất lâu rồi kêu lên, giọng tuyệt vọng:
- Chếch rồi, ai ăn cắp hết tiền của tui rồi.
Mụ Xin cũng tới nhắc hòm xem nặng nhẹ. hắn chạy đi lấy con dao rựa lên, xô mẹ ra một cách tàn nhẫn, đoạn phăm phăm cạy nắp hòm. Mảnh gỗ bật tung, mở hoác. Nhìn vào góc hòm trống hỗng, thằng Xin có một giây im lặng ngơ ngác, rồi bỗng cơn điên của hắn nổ bùng. Sau một tiếng nguyền rủa độc địa, hắn hét lên, lưỡi líu lại:
- Đứa mô ăn cắp tiền đây, bỏ ra không thì bố hắn cũng chếch! Mệ hắn cũng chếch! [9]
Mụ bỗng nhớ ra:
- À khi hồi có thằng Năm vô đây.
Thằng Xin ngừng tay, hỏi:
- Ai, thằng Năm Chột à?
- Hắn đó. Khi nớ tau ở dưi bếp, đi lên thì thấy hắn đi ra ngõ [10]. Hắn vô khi mô tau không biết.
Một ánh sáng lóe trong trí thằng Xin. Hắn nhớ khi đi ngang cổng nhà thằng Năm, hồi sáng, có nghe một tiếng “keng” của vật gì rơi. Hắn vừa nhìn xuống đất, vừa soát túi, thấy chuỗi tiền vẫn y nguyên, hắn yên lòng bỏ đi, không nghĩ đến chìa khóa. Khi ngẩng đầu hắn thấy thằng Năm đứng tựa cổng, chăm chú nhìn chỗ hắn vừa dừng lại bằng con mắt chột. Thằng Năm gặp luồng mắt hắn thì vội quay mặt đi, giả tảng đùa với con chó mực.
Thằng Xin đứng lặng suy nghĩ, ngực thở từng hơi mạnh. Chợt hắn phăm phăm đi ra. Mụ Xin vội nhẩy tới nắm lấy tay cầm dao của hắn. [11]
Có tiếng cổng nứa bị đẩy cào đất lạc rạc, tiếng con chó Mực sủa, tiếp theo liền tiếng rít đau đớn ghê tai của nó. Rồi một cuộc trao lời huyên náo, thằng Xin hét, chửi, dọa, thằng Năm, hét, chối, chửi lại. Bỗng một tiếng kêu: “Ua chao ôi!” của thằng Năm rít lên. Rồi im lặng.
Mụ Xin nhắm mắt, tưởng ngất đi. Khi mở mắt, mụ thấy thằng Xin chạy về, ôm trên bụng những chuỗi tiền đồng. Tay kia vẫn cầm con dao rựa; con dao loang máu đỏ thắm. Hắn nói lẩm bẩm: “Cho rứa ví hếch [12] ăn cắp”.
- Mi... Mi...
Mụ Xin run lên lập cập, không hỏi được nên lời. Thằng Xin vứt dao xuống nền nhà, máu văng ra, điểm mấy giọt tròn đỏ thẫm trên đất. Hắn bỏ những chuỗi tiền qua khe hở của hòm, tay chống đầu gối, yên lặng nhìn con dao. Mụ Xin vẫn ngồi quỵ, vẻ mặt ngu độn.
Bên hàng xóm, tiếng xôn xao nổi lên, theo tiếng lô la của mụ Lập, mẹ thằng Năm. Hồi sau, một toán người rùng rùng chạy tới, đi trước hết là mụ Lập, miệng vừa khóc vừa thét: “Hắn giết con tôi, ua làng nước ôi!”, hai tay đỡ ngang mình thằng Năm mê man, mắt nhắm, tay phải buông thõng, bàn tay cụt hẳn! Máu phun ra như vòi từ cổ tay, nhưng mụ Lập, theo thói nhà quê hay “phân bua” cứ đứng trước mặt mụ Xin kể lể:
- Hàng xóm coi đây này, thằng Xin hắn giết chếch con tui rồi! Hắn giết chếch con tui rồi! Ua Xin ôi là Xin ôi! Ai lặt hộ con dao cho một thí để tôi trình làng. [13]
Những bác đàn ông hét nhau mời ông Lý và kiếm giẻ, kiếm thuốc lào để cầm máu. Căn nhà nhỏ huyên náo lên.
Duy thằng Xin vẫn ngồi lặng yên. Hắn ngồi đè lên hòm tiền, như sợ bị mất cắp lượt nữa. [14]
Chú thích:
[1] Thúng dùng để đong cá.
[2] Kìa.
[3] Chết.
[4] Mạn.
[5] Trầu.
[6] Đám đưa dâu.
[7] Rơi.
[8] Quên.
[9] Kiểm duyệt bỏ bốn dòng.
[10] Cổng.
[11] Kiểm duyệt bỏ bốn dòng.
[12] Hết.
[13] Kiểm duyệt bỏ bốn dòng.
[14] Kiểm duyệt bỏ ba dòng.