(Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương)
Phần II
Lịch sử xa xưa

"Khởi nguyên, trước tất cả mọi chuyện, có một người đàn ông và một người đàn bà sống bên bờ đại dương, dưới chân ngọn núi Kang R'Naê. Ðó là uong Khot uong Kho, hai người Kon Cau đầu tiên, tổ tiên của chúng tôi. Họ xuất hiện trên mặt đất chính tại nơi đó, những người đầu tiên. Những người khổng lồ đó, cùng với con trai của họ là Bung, là những người thợ của tạo hóa, được tưởng tượng ra trong tư duy của Thần Ndu... (nhưng sau một cuộc cãi vã gay gắt với bọn hổ, oung Khot uong Kho buộc phải chạy trốn lũ thú họ mèo này, chúng săn bắt họ)... Họ chạy trốn ra biển. Bọn hổ lần theo mùi mà đuổi theo họ. Chúng cũng ra đến biển, mà uong Khot uong Kho vượt qua được, đến một hòn đảo. Bọn hổ chặt tre và bắt một chiếc cầu. Chúng lên cầu. Uong Khot uong Kho rất sợ; họ nghe con chim-mang-lửa hót, họ van xin chim đốt cháy cầu, khiến bọn hổ rơi xuống nước... Uong Khot uong Kho ở lại trên đảo. Họ sinh nhiều con, chúng sống cùng họ; các cô con gái của họ rất đẹp. Từ trên bờ lục địa, người Trung Hoa và người Chàm ngắm các cô. Họ đi thuyền đến tận nơi thăm các cô, rồi lấy các cô làm vợ. Về sau, những người Tây Nguyên đầu tiên chán sống trên đảo, một mình giữa biển; họ đến sống trên lục địa, ven đại dương".
Như vậy người Tây Nguyên nguyên gốc ở một lục địa, mà nhiều truyền thuyết đều nhắc đến. Nó ở phía mặt trời mọc, "ở phía bên kia biển" (Biển Ðông). Trong Trường ca Chöi Böling Chöi Bölang, lục địa ấy tên là Börjul; hai anh em Böling Bölang vượt biển, trên lưng một con vịt kỳ diệu, để đến được nơi đó. Trong một trường ca khác, Trong con trai của Tree, từ miền đất đó, vượt biển trên lưng một con cá voi để đến vùng bờ biển Trung bộ nơi họ giải phóng cho những người anh em Tây Nguyên của họ bị một tên bạo chúa thống trị buộc phải nộp người làm lễ hiến sinh, "khi tổ tiên còn sống bên bờ đại dương". Người đẹp Lang, con gái của Thần Mặt Trời Mọc, rời nhà người bác của cô vốn sống ven bờ biển, đi lấy chồng ở bên kia biển, phía mặt trời lặn, "nơi chúng tôi đang sống hiện nay". Như vậy lục địa của Lang là ở bên kia đại dương so với bờ biển Trung bộ. Khi những người già Tây Nguyên moi tìm trong ký ức xa xưa nhất, nhớ lại những truyền thuyết cổ xưa nhất của dân tộc mình, bao giờ lục địa đó cũng hiện lên như là giai đoạn đầu tiên trong lịch sử được biết đến của họ.
Rồi có một giai đoạn sống, có vẻ khá ngắn, trên một hòn đảo, mà người Tây Nguyên rời bỏ để cuối cùng đến sống trên vùng đất ngày nay ta gọi là Trung bộ. Ở đấy, thoạt tiên họ sống ven bờ biển. Ðấy là thời kỳ của những thủy thủ, những chiến binh, những người anh hùng. Truyện kể về họ làm nên những trường ca đẹp nhất của Truyền thuyết; nghìn lẻ một đêm cũng không đủ để kể cho hết chất liệu hầu như vô tận của chúng. Ðầy rẫy trong ấy những ám chỉ về đời sống trên biển, cũng như những cuộc du hành trên biển cả, nối liền với lục địa cội nguồn. Anh em Siat Siong đi một vòng lớn trên hòn đảo giữa đại dương để chống lại các dân tộc láng giềng muốn tấn công họ. "Cô nàng Quả Xoài" đi thuyền độc mộc, đánh một trận thủy chiến, chống lại một gia đình thù địch thề giết chết cô; bị đắm, cô rơi xuống đáy biển, nhưng sóng lại đưa cô lên bãi cát ven bờ ở đó cô sống lại sau ba ngày. Nhiều truyền thuyết ca ngợi Me Boh Me Bla, "mẹ của muối", người đã đem muối đến cho người Tây Nguyên, con lươn biển thiêng liêng, và các cuộc chiến đấu anh hùng của bà chống lại cá voi, v.v.
Như vậy, sau khi rời hòn đảo của mình, người Tây Nguyên đã đến ở trên vùng bán đảo nay là Ðông Dương, và ở bên bờ biển, mảnh đất đầu tiên họ gặp. Theo truyền thuyết dường như lúc đó họ không gặp ở đây một dân tộc khác; nơi này chưa có ai ở. Tuy nhiên họ không phải là những người đầu tiên trên xứ sở này. Trước họ đã từng có những người không ai biết rõ còn để lại những chiếc cuốc và những chiếc rìu bằng đá, mà thỉnh thoảng ta còn nhặt được. Người Tây Nguyên không hề có một khái niệm gì về cuộc đi qua của những người nguyên thủy này, và thường gắn cho các công cụ khiến họ rất đỗi kinh ngạc đó một nguồn gốc thần thánh.
Rồi sử thi Tây Nguyên nói về những người Chàm trên vùng bờ biển và nói rất nhiều về người Chàm. Nhưng không hề nói gì về nguồn gốc của họ. Họ đã đến đây như thế nào và theo con đường nào? Họ có đánh nhau với người Tây Nguyên không? Truyền thuyết không hề nói gì về những điều đó cả, cứ như giai đoạn này đã bị rơi vào quên lãng. Ta thấy thoạt tiên những người mới đến sống trên vùng bờ biển Trung bộ, rồi sau đó chỉ nói đến các quan hệ của họ với người Chàm, mà họ cùng chia xẻ vùng bờ biển này và họ tự nhận là chư hầu, dù có thấy nói rằng: "Chúng tôi và người Chàm là anh em cùng một mẹ". Qua lịch sử, ta biết những điều này xảy ra vào thế kỷ thứ II sau công nguyên, cuộc xâm nhập đầu tiên của những người Inđônêdiêng, ít lâu sau đó được Ấn Ðộ hóa, dẫn đến việc thành lập nước Champa ở vùng Quảng Nam vào năm 192.
Ðây là thời kỳ tốt đẹp của việc người Chàm tổ chức người Tây Nguyên thành các đơn vị hành chính, với những người đứng đầu do họ chỉ định. Trước đó là tình trạng vô chính phủ hoàn toàn ở vùng Tây Nguyên; thậm chí trong các phương ngữ không hề có các từ để chỉ tôn ti của các thủ lĩnh, để chỉ các vùng trong một xứ sở. Các từ mà người Tây Nguyên hiện dùng để chỉ: tỉnh, tỉnh trưởng, huyện trưởng (lögar, pô lögar, pô prong) đều là từ mượn của tiếng Chàm. Người Chàm dạy cho người Tây Nguyên làm ruộng nước (ảnh hưởng Chàm trong từ vựng chỉ công việc này cũng chứng minh điều đó). Họ thực dân hóa người Tây Nguyên và mang đến cho nền văn minh nguyên thủy bị đông cứng của người Tây Nguyên một sự tiến bộ thực sự. Không thể tránh được việc họ buộc người Tây Nguyên phải đóng thuế theo làng và bằng hiện vật (lợn, tấm chăn, da thú...) Ngay cả khi đã ở dưới sự thống trị của người Việt sau này, người Tây Nguyên vẫn tiếp tục đóng thuế cho người Chàm, để rồi người Chàm lại nộp cho tôn chủ mới của mình. Ngoài ra, người Chàm còn tuyển mộ người Tây Nguyên làm phụ tá trong quân đội của họ; người Tây Nguyên mang tên cho người Chàm bắn.
Thời kỳ đô hộ của người Chàm có vẻ là một thời kỳ rất sung sướng. Ðúng là người Chàm coi người Tây Nguyên là hạ đẳng: trong truyền thuyết Chöi Köho và Nai Tölui, hôn nhân giữa con gái của một thủ lĩnh Chàm với một người thanh niên Tây Nguyên bị coi là không tương xứng; nhưng người Chàm không phải là những bạo chúa. Quyền lực của họ là do uy tín rất lớn của họ, được công nhận một cách tự nguyện. Có một sự đồng thuận tốt đẹp. Người Tây Nguyên công nhận rằng những người chủ của mình đã dạy họ rất nhiều điều. Rất nhiều câu chuyện trong truyền thuyết kể về những mối quan hệ thân thiện này: truyền thuyết về Du Droe, hai người con gái Tây Nguyên có chồng được người Chàm cử làm người đứng đầu vùng đất của họ và trở thành những nhân vật quan trọng, giàu có và sung sướng; truyền thuyết về Tu dam Tong được người Chàm ban cho nhiều ân huệ.
Về sau, những cuộc hôn nhân giữa người Chàm và người Tây Nguyên thắt chặt các mối quan hệ giữa họ với nhau. Chúng ta đã nói rằng cuộc hôn nhân đầu tiên giữa Chöi Köho và Nai Tölui có phần không hay; nhưng việc đó được nhanh chóng chấp nhận. Câu chuyện rất đẹp về Gliu Glah mô tả mối tình giữa một thủ lĩnh Chàm và một cô gái Tây Nguyên.
Truyền thuyết hình như còn chứng minh một sự kiện đặt ra rất nhiều bài toán cho các nhà dân tộc học và ngôn ngữ học. Khi người Tây Nguyên còn ở ven biển, họ chỉ là một tộc người [1] và đều nói chung một thứ tiếng gọi là ddös pöddik, một thứ ngôn ngữ xưa mà Truyền thuyết ngày nay vẫn còn được hát, một thứ ngôn ngữ cổ và bí mật chung cho nhiều tộc người mà các phương ngữ chẳng qua có khác nhau.
Trong thời kỳ phồn thịnh này, dân cư Tây Nguyên dường như đã đông lên rất nhiều so với người Chàm. Họ bị thiếu đất (họ giải thích như vậy) và phân tán về vùng đất phía sau, nhường vùng đất ven biển, tốt hơn, cho những người chủ của họ. Họ tiến sâu dần vào vùng đất này, thoạt tiên trên sườn phía đông của dãy Trường Sơn, là vùng đất còn màu mỡ và lành; rồi ngày càng sâu hơn nữa, tiến vào rừng, tổ chức thành vùng Cao nguyên, cho đến vùng đất do người Êđê và người Stiêng chiếm ở. Chính cuộc phát tán này khiến họ không bị Ấn Ðộ hóa như người Chàm, "lạc hậu", nhưng lại còn giữ lại được cho đến ngày nay, trong khi người Chàm đã bị biến mất một cách tiềm tàng.
Truyền thuyết kể rằng: "Vào thời ấy, tổ tiên chúng tôi trở nên đông đúc hơn từ khi không còn lệ hiến sinh người, đã cư trú trong vùng nội địa, trong khi người Chàm vẫn ở ven đại dương". Cuộc xâm lấn của những người da vàng tìm thấy những người Tây Nguyên đã định cư; nó ngăn cản họ tràn xuống, hơn là đẩy họ lên phía núi. Ngày nay, dù họ đã rời xa biển, song ký ức về biển trong họ vẫn còn sống động. Cuộc sống ven biển đã để lại những dấu vết rất đậm ở họ. Ta thấy những dấu vết của cuộc sống ở biển cổ xưa ấy cả ở những người Khạ bên Lào.
Việc người Tây Nguyên rời bỏ vùng ven biển, nơi họ đã cùng chung sống, lên vùng núi nội địa, là nguồn gốc tạo ra sự khác biệt của phương ngữ: "Ngày xưa tổ tiên chúng tôi nói cùng một tiếng nói, nhưng họ không còn hiểu nhau nữa khi họ phân tán ra khắp các hướng".Quả vậy, có thể núi non ngăn cách bởi các thung lũng và các cao nguyên không có đường thông thương với nhau, người Tây Nguyên, nhóm này cô lập với nhóm khác, đã chia thành các tộc người có phong tục mỗi nhóm phát triển theo hướng riêng của mình. Ngôn ngữ có thể cũng chịu một số phận như vậy và cũng đã có thể chịu ảnh hưởng của các tiếng nói khác lạ, Khơme hay Chàm, tùy theo vị trí địa lý, cho đến chỗ tạo nên những phương ngữ hiện tại trong đó ít nhất phần lớn vẫn còn giữ dấu vết của một nguồn gốc chung.
Một sự kiện mới làm đảo lộn lịch sử Tây Nguyên: cuộc đổ bộ của người Việt, vào thế kỷ XIII đến vùng ven biển, khuất phục người Chàm và làm tê liệt người Tây Nguyên. Người Chàm liên tục khuất phục rồi lại vùng lên tự giải phóng; nhưng áp lực của người Việt càng lúc càng bức bách hơn. Năm 1471 kinh đô Chàm cuối cùng sụp đổ. Truyền thuyết còn lưu giữ ký ức về một cuộc chiến lớn giữa một bên là người Chàm và người Tây Nguyên, bên kia là người Việt. Nơi diễn ra chiến trận là vùng Jödöng, ở phía nam xứ sở của người Gia-rai, cách bờ biển năm mươi cây số.
"Sankah, thủ lĩnh Chàm, đi đánh những kẻ xâm lược; nhưng ông phải gọi người Tây Nguyên giúp, vì các đội quân Chàm của ông không đủ. Ông mời họ làm phụ tá trong quân đội của ông; ông mời những người Cau Srê, người Mạ, người Noang, người Raglay, tất cả các làng. Người Việt chỉ có những con dao lớn. Chúng ta, những người kon kau, chúng ta có tên, người Chàm thì bắn cung; chúng ta mang gùi, Tamrac, thủ lĩnh người Raglay luôn tập họp những người kon kau phục vụ cho người Chàm. Ông bảo mỗi người nhặt lấy một hạt cát; tất cả dồn lại đầy bảy thúng, chúng ta đông đến như vậy đấy. Người Việt cũng làm như vậy và cũng đựng đầy bảy thúng; họ cũng rất đông. Chúng ta xông trận, bảy ngày và bảy đêm. Người Việt bắt được Tamrac; họ đan một chiếc rọ, bỏ ông vào đấy và ném xuống biển. Nhưng Tamrac đã làm một hình nhân của mình, một hình nhân biết nói, và chính là người Việt đã bắt được cái hình nhân ấy và ném xuống biển. Tamrac vẫn tiếp tục động viên người của mình xông trận. Bất phân thắng bại. Những người chỉ huy bàn bạc với nhau. Người Việt muốn cai trị xứ sở này; họ sẽ cho những người Tây Nguyên phục vụ họ các thứ: quần áo, chăn và rất nhiều thứ khiến người Tây Nguyên ham thích. Người Chàm không muốn chỉ huy người Tây Nguyên nữa; họ nói với người Việt: "Từ nay người Tây Nguyên sẽ phục vụ các người"...
Người Tây Nguyên chấp nhận tình thế đó, vả lại người ta để cho họ được tự do ở trong rừng núi che chở họ.
Quả là người Chàm thua xa người Việt về số lượng và sức mạnh; song dường như nền văn minh của họ - đã từng biết đến một thời cực thịnh mà người Tây Nguyên có được hưởng lợi - lúc này đang suy thoái, điều đó khiến người Tây Nguyên phải chuyển sang chịu một nền thống trị khác, từ nay người Chàm chỉ còn là những kẻ trung gian giữa người Tây Nguyên định cư trên núi với người Việt ở miền duyên hải.
Bấy giờ người Việt không mạo hiểm vào các vùng nội địa không có đường sá; ngoài ra, không có trang bị tốt hơn người Tây Nguyên, họ sợ những người "hoang dã" này. Dù làm chủ nhưng họ không chiếm đóng vùng đất này. Vả chăng, người Tây Nguyên phải đi xuống chỗ người Việt. Họ cần những thức ăn mà họ không tìm thấy trong nội địa, vì nhu cầu kinh tế; việc buôn bán muối và cá cần cho đời sống hàng ngày của họ. Những cuộc trao đổi ngày xưa với người Chàm nay được tiếp tục với người Việt. Hàng năm người Tây Nguyên xuống núi, trả một món thuế cho người Chàm khi đi qua và buôn bán ở vùng ven biển, là một thứ thị trường tự do chẳng hề phương hại cho người Tây Nguyên bấy giờ còn phồn vinh. Chính từ đó mà có thói quen gọi các thành phố duyên hải là dra drong (chợ lớn).
Hiện nay, còn có những người già, rất nhiều tuổi, còn biết thời đó, trước khi người Pháp đến; họ vẫn giữ một ký ức tốt đẹp về những chuyến đi ấy và về mối quan hệ với người Việt ngày trước.
Người Việt đã phát triển các tổ chức cai trị do người Chàm bắt đầu. Theo đề xuất của các thủ lĩnh trong xứ, họ chỉ định người uong phu, là cấp trên của những người đứng đầu các tổng. Còn người Chàm, mà một sự im lặng trùm lên vinh quang đã qua, số lượng người của họ đã giảm đi nhiều. Ngay cả trước khi người Pháp đô hộ, người Tây Nguyên đã không còn có quan hệ với người Chàm nữa và đã nộp thuế trực tiếp cho người Việt. Nhiều cuộc hôn nhân gắn người Chàm với người Tây Nguyên ở phía nam, ở đấy, theo một cách nào đó, ngày nay họ đang hồi sinh. Phương ngữ Raglay là một thổ ngữ Chàm, phôn-clo Srê vay mượn rất nhiều của người Chàm, được những người hát rong trữ tình ở vùng Srê cứu thoát khỏi sự quên lãng trong các bài ca Cô nàng hột xoàiVị hoàng đế biết ơn.

°

Lịch sử đương đại
Nước Pháp đã làm nên một chương mới trong lịch sử người Tây Nguyên. Mới, bởi vì sau cuộc thống trị của những người da vàng, họ chuyển sang cuộc thống trị của người da trắng đến lượt mình xâm nhập vào Ðông Dương; mới, bởi vì lần này những kẻ thống trị chiếm đóng xứ sở đến tận những vùng núi nội địa sâu nhất.
Chỉ trong vòng năm mươi năm sau cuộc thâm nhập của người Pháp và việc tổ chức hành chính cố định ở các tỉnh, người Tây Nguyên đã thực sự bị thực dân hóa. Trước năm 1900, cả xứ sở này còn hoàn toàn là một vùng rừng rú không ai biết đến. Chỉ có đôi nhà thám hiểm nhìn tận được gần những người Tây Nguyên. Ðối với họ, nước Pháp là gì? Ðây là những điều Nouet viết năm 1884: "Họ không đóng một thứ thuế nào hết, không có trường học, không phải đi phu; người ta để cho họ sống, hay đúng hơn không chết đói. Một hay hai lần trong năm, họ nhìn thấy một nhân viên thuộc địa. Có phải là một viên chức đến tìm hỏi những nhu cầu của họ, một người thầy thuốc đến tiêm phòng cho họ, một người đo vẽ địa hình đến lập bản đồ chăng? Không hề, đấy là một người kiểm lâm, đối với họ là hiện thân của sức mạnh và nền thống trị của Pháp. Ông ta đến để xem xem, kể từ lần đi tuần trước của ông đến giờ, người ta có đốt rừng để trồng lúa không. Ðương nhiên việc ông ta thực hiện công vụ của mình là phải lẽ, song giá ông mang đến được một chút kiên nhẫn và khoan dung trong các lần tiếp xúc ngắn ngủi với một chủng tộc hiền lành và khuất phục... Ðiều tôi muốn lưu ý là về Chính phủ Pháp, những người Mọi của chúng ta chỉ tuyệt đối biết có mỗi một điều: đó là người Pháp cấm không cho họ làm rẫy..."
Các hiệp ước ký với Hoàng đế An Nam trao cho nước Pháp đi chinh phục quyền tổ chức xứ sở và vùng nội địa, vùng nội địa này vẫn gắn với Triều đình. Như vậy, chẳng phải khó khăn chút nào, người Pháp đã là chủ nhân của xứ sở này trước khi đặt chân đến đây, chủ nhân từ xa, chẳng biết chút gì về các thần dân của mình và chẳng làm chút gì cho họ cả.
Nhưng trong thời gian đó, những người Tây Nguyên ở vùng Kontum đã chịu ảnh hưởng của các giáo sĩ đã đến đây trước các đội quân rất lâu, tổ chức xứ sở này, tìm cách Cơ-đốc hóa nó. Những giáo sĩ đầu tiên đã đến ở đây từ năm 1850, lúc bấy giờ vùng này còn rất độc, không ai biết đến và "hoang dã". Thiết lập các làng-bảo tồn, mở trường học, một nền kinh tế được điều khiển: công cuộc khai hoang đã được làm trước khi nhà nước Pháp đặt chân đến. Ít lâu sau khi các giáo sĩ đến vùng người Bana, năm 1860, cha Azémar đã đến ở vùng người Stiêng. Cuộc thám hiểm đầu tiên của người Pháp vào vùng nội địa chỉ diễn ra hai mươi năm sau đó.
Năm 1880, bác sĩ Neiss tiến hành một cuộc khảo sát ở vùng Bà Rịa. Rồi Gautier tiến hành nhiều cuộc thám hiểm, đi ngược sông Ðồng Nai từ Biên Hòa, đi ngược các sông khác đưa ông đến vùng người Stiêng. Mười năm sau, bác sĩ Yersin, từ bờ biển phía đông, đi vào toàn bộ vùng nay thuộc phía nam đường 20. Ông đến Liang Biang và nhận ra được nơi sẽ là Ðà Lạt sau này, rồi vùng Djiring hiện nay, đến vùng tộc người Dala, ở phía tây. Vào đầu thế kỷ, lần đầu tiên một cuộc thám hiểm gặp phải một sự kháng cự của người Stiêng. Nhưng nhìn chung, người Tây Nguyên tỏ ra không có phản ứng trước bước tiến của người da trắng; từ nhiều thế kỷ, họ đã quen phục vụ người nước ngoài, chịu khuất phục trước kẻ mạnh hơn. Thái độ đó không phải là một sự thụ động ươn hèn mà là kết quả của một mặc cảm thua kém do cuộc thống trị trước đó cố tình duy trì. Hoặc là nước Pháp đến lượt mình cũng nuôi dưỡng mặc cảm đó bằng cách nô lệ hóa người Tây Nguyên, và đấy sẽ là sự tuyệt diệt của các dân tộc này; hoặc là nó phải xóa bỏ điều đó đi, nhất là bằng giáo dục, và khiến họ trở thành một dân tộc xứng đáng với tên gọi đó.
Nếu cuộc thâm nhập được tiến hành gần như không phải chiến đấu, thì không phải nó không có tổn thất. Khí hậu độc hại đã gây ra những nạn nhân trong số những người tiên phong. Ðôi người cai trị mà người Tây Nguyên hay nghi ngờ không tin tưởng cũng trở thành nạn nhân. Ðến nay, cả xứ sở đã được khuất phục, trừ đôi bộ phận không chịu nộp thuế.
Các cuộc thám hiểm đã chuẩn bị cho việc vạch ra các con lộ: từ Biên Hòa về hướng bắc, là đường Liên bang từ Sài Gòn lên Ðà Lạt qua Djiring, theo các con đường ấy các nhà cai trị đi sâu và đóng lại ở các tỉnh lỵ và ở đó các nhà quân sự tiến lên và đóng các đồn. Một hệ thống các thủ lĩnh bản địa được thiết lập; Quân cảnh vệ bản xứ mộ các cảnh binh; đôi ba bệnh viện và trường học được mở ra, hết sức không đầy đủ. Các cố gắng lớn nhất được tập trung vào người Êđê, là tộc người tiến bộ nhanh hơn cả.
Cuộc thống trị nào cũng gắn với một chế độ cống nạp. Người Tây Nguyên đã nộp một loại thuế bằng hiện vật cho người Chàm, rồi cho người Việt; bây giờ họ nộp cho người Pháp. Các nghị định đầu tiên quy định một chế độ thuế phải chăng: mấy ngày làm sưu, có thể chuộc một phần, tùy theo của cải (bao nhiêu ngày đó cho một con trâu, v.v.).
Nhưng dần dà, người Tây Nguyên phải cung phụng nhiều hơn; thuế ngày càng nặng và nhất là các cuộc trưng dụng càng nghiệt ngã hơn, do việc các nhà trồng trọt bắt đầu đến hoạt động ở đây. Chính phủ tiên liệu những hiểm nguy; năm 1935, viên thống sứ Nam kỳ thông báo: "Tôi đã có những chỉ dẫn nghiêm khắc yêu cầu chấm dứt lối mộ người này có thể lẫn lộn với một hệ thống bắt sưu: nhân công người Mọi ở các đồn điền phải được tự do". Nhưng người Tây Nguyên đã mất đi quyền lao động.
Một đợt tăng đột ngột các nhà trồng trọt đã làm dấy lên những vấn đề nhân khẩu nghiêm trọng và dẫn đến chỗ giết chết lao động gia đình truyền thống. Chẳng phải là một người Tây Nguyên gần đây đã nói: "Chúng tôi là những con bò" đấy sao. Ðấy là chế độ nô lệ. Người Tây Nguyên đòi phần được đền bù của mình
Ngày nay những người dân Tây Nguyên bị các gánh nặng đè nát. Lao động cưởng bức rứt họ ra khỏi ruộng nương, dẫn đến nghèo khốn, đôi lúc cả đói, và dần dần suy thoái. Bác sĩ Delbove nhấn mạnh đến bệnh sốt rét khiến họ bị chết hàng loạt - mối họa này vốn đã có từ trước khi người ngoại quốc đến nhưng không ngăn cản một sự phồn vinh nhất định ở vùng này. Ông cũng báo động về ảnh hưởng tai hại do những người nơi khác đến dần dần đẩy lùi những người nguyên thủy bản địa vào những vùng đất không thuận lợi, hoặc ngược lại vây bọc họ lại thành một một nhúm những người rẻ mạt. Rượu, bệnh giang mai do những người chinh phục mang đến một cách hào phóng chắc chắn góp một phần lớn vào sự suy thoái về phẩm giá mà phần đông những người Mọi ở vùng nội địa Ðông Dương phải chịu đựng một cách khốn khổ.
Hiện nay tình trạng người Tây Nguyên không thể không khiến nhà cầm quyền lo ngại. Người ta ý thức được món nợ của chúng ta đối một dân tộc mà ngay cả sự tồn tại đang bị thách thức. Ðúng là sự phát triển về y tế sẽ là một nhân tố tự vệ quan trọng; nhưng dường như chính giáo dục góp phần quan trọng hơn cả làm cho các tộc người nguyên thủy này nhanh chóng được bình đẳng với những người khác. Qua nhà trường, việc thu bớt các phương ngữ lại chỉ còn hai hay ba cái chính sẽ đem lại một sự phong phú và một sức mạnh mới đưa đến kết quả là sự thống nhất. Cũng giống như trong thời kỳ tốt đẹp ngày xưa được ca ngợi trong các truyền thuyết, những con người Tây Nguyên, thống nhất lại, sẽ hiểu nhau hơn, sẽ nối lại những mối dây liên hệ tạo thuận lợi cho các tiếp xúc và trao đổi, sẽ có ý thức về phẩm giá làm người của mình và về những giá trị chung mà họ là tiêu biểu.
II. Các tộc người, các phương ngữ và diện mạo của họ
Núi non ngăn cách, nếu không phải là nguồn gốc của việc chia người Tây Nguyên thành các tộc người, thì dầu sao cũng là một nhân tố chính của sự khác nhau giữa các tộc người này, khiến họ, từ một thời không còn ai biết, song chắc hẳn là rất xa xưa, mỗi tộc người đều có một lối sống riêng, một đơn vị riêng độc đáo và không hề biết đến một trung tâm bên ngoài nó. Tình trạng cô lập không tuyệt đối; nó không loại trừ những tiếp xúc và ảnh hưởng, nhưng nó khá đậm để khiến cho mỗi nhóm người có một cá tính ở đó một con mắt giàu kinh nghiệm có thể nhận ra đôi tính cách nhân chủng học (hình thù của đôi mắt, của vầng trán) và nhất là dân tộc học (trang phục, cấu tạo của chiếc rìu, của chiếc xà-gạc, giọng nói) chỉ rõ một cá nhân nào đó thuộc về một tộc người nào.
Vị trí địa lý, tính chất của vùng đất, các khả năng của nó, đã làm biến đổi một số thiên hướng nào đó của người Tây Nguyên, tạo nên lối sống của họ, góp phần tạc thành tính khí của họ. Ðất đai điều kiện hóa các kỹ thuật, cũng như con người chọn lấy cho mình mảnh đất thích hợp.
Cao nguyên khiến người ta làm ruộng lúa nước, dễ làm. Rừng già đòi hỏi phải khai phá một cách khó nhọc mới trồng trọt được. Sự có mặt của cây lát, cây mây đưa người ta đến công việc đan đát. Những khu rừng tre rộng lớn cung cấp vật liệu để xây dựng những ngôi nhà sàn nhẹ nhàng, thoáng đãng. Những cây gỗ cao lớn, ngược lại, gợi cho người ta vạt đẽo, cưa xẻ, làm những tấm ván sàn. Bao nhiêu vùng, bấy nhiêu kiểu xây dựng, bấy nhiêu tính cách con người. Cũng như ở mọi nơi, người ta chọn chỗ gần nước, các con suối trên núi, hay sông ở cao nguyên làm nơi dựng làng.
Nếu trong thời cổ xưa, người Tây Nguyên giống nhau, dường như các yếu tố địa lý mà chúng tôi vừa kể ra đã góp phần dần dần khiến cho mỗi tộc người có một diện mạo riêng.
Hiện nay người Tây Nguyên cư trú theo tầng trên dãy Trường Sơn, chiếm các cao nguyên, sườn đồi, núi cao. Và cứ như thế, suốt hơn năm trăm cây số từ bắc xuống nam. Ðất đai khác nhau tạo ra nhiều nền canh tác: cây lương thực (lúa - lúa nước hay lúa rẫy -, ngô, mía, bí ngô, dưa chuột, khoai lang); cây ăn quả: chuối, cam, mít; trồng bông (tộc người Mạ), cây gạo, cây thuốc lá. Mỗi tộc người tiến hành một nền sản xuất mà đất đai của họ cho phép, tình hình đó là nguồn gốc của sự trao đổi. Lúa không đủ để sống và có những tộc người thậm chí sản xuất lúa không đủ ăn.
Người Tây Nguyên nuôi lợn, dê và gia cầm, dùng để cúng tế; họ nuôi ngựa để cưỡi, trâu để cày đối với các tộc người làm ruộng nước và tất cả các tộc người đều dùng nó làm vật hiến tế. Các tộc người ở phía tây nuôi voi.
Lòng đất giàu khoáng sản không được khai thác: sắt, đồng, chì chứa bạc, ga-len. Có vàng, trữ lượng nhỏ, trong lòng cát của các dòng sông. Người Tây Nguyên chỉ khai thác sắt, và cũng chỉ ở một số ít nơi.
Ở thung lũng, trên cao nguyên, đồng cỏ được biến thành ruộng nước; ở đây đời sống dễ chịu hơn, con người khá giả hơn. Trên vùng núi, con người chinh phục rừng để làm rẫy lúa hàng năm. Vùng đất càng có nhiều thung thì rừng rú càng phát triển mạnh: con người phải chống chọi thường xuyên với thiên nhiên, những loại cây có sức sống dai dẳng vừa cắt xong đã mọc lại, những dây leo lấn lướt, những loài thú dữ hại người và hại hoa màu. Ðời sống ở đây khó nhọc hơn, nhưng đức hạnh của con người cũng tốt đẹp hơn, phẩm giá con người cao hơn. Tuy nhiên con người cần có một sự sung túc tối thiểu, nếu không họ sẽ có nguy cơ bị suy thoái. Nếu đất đai quá xấu, sự nghèo khốn sẽ đến mức ngăn cản mọi tiến hóa xã hội. Ðấy là trường hợp người Cil, lạc hậu nhất trong các tộc người Tây Nguyên.
Ði từ phía bắc vào, trước tiên ta gặp người Xơđăng, người Rơngao, người Bana, những tộc người ở trên núi sống trên một vùng đất hiểm trở, phủ rừng, ít thuận lợi cho việc trồng lúa nước, có năng suất cao hơn lúa rẫy. Ngày xưa các tộc người này rất dễ đi đánh nhau để cướp bóc và kiếm lấy của cải để sống. Ðặc biệt là người Xơđăng, giỏi làm ra vũ khí hơn là sản xuất trên đất đai nghèo nàn, vào "thời trung cổ" nổi tiếng đến tận phương nam là những chiến binh hung dữ và hiếu chiến. Ðến tận ngày nay, một người da trắng cẩn trọng không dám phiêu lưu một mình quá sâu vào vùng đất của họ. Hiện nay các giáo sĩ ở Kontum đã biết rõ về người Xơdăng, Rơngao, Bana và Giarai, họ có đến hai mươi nghìn con chiên trong các tộc người này.
Người Êđê ở Ðaklak. Ở đây, nhất là ở tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột, ta gặp những người Tây Nguyên tiến bộ, có học, khá giả hơn cả. Nhiều người đã rời bỏ quê hương, trở thành giáo viên, y tá v.v. ở các tộc người khác.
Ở phía nam vùng Êđê, người Bih nói ngôn ngữ Chàm, trung gian giữa người Noang và người Êđê.
Người Mạ làm thành một nhóm quan trọng ở về phía tây-bắc con đường đi từ Sài Gòn lên Ðà Lạt. Ta có thể phân biệt những tiểu nhóm như người Mạ Ja ở Liang Biang; nhưng họ là một nhóm tộc người thống nhất do có cùng một phương ngữ chung, một cách thức giống nhau trong việc xây dựng các ngôi nhà sàn, những trang trí giống nhau. Họ là những chuyên gia trong nghề làm những tấm chăn bằng bông, những trang phục thêu, những vòng đeo tai bằng ngà rất đẹp.
Người Stiêng sống ở phía tây người Mạ, ngày xưa được các nhà thám hiễm đầu tiên, và Hội truyền giáo bấy giờ đóng ở Brölam nghiên cứu kỹ hơn cả. Rồi cuộc suy thoái đã ngăn cản sự phát triển của họ. Người Stiêng là những người gần với những người Khơme láng giềng hơn cả, về mặt địa lý và văn hóa, trong số các tộc người chúng ta nghiên cứu; họ đã chịu một thời đô hộ của người Khơme, còn được chứng minh trong các sản phẩm nghệ thuật của họ. Họ vẫn còn giữ nhiều mối quan hệ với người Phnong, tức những người "Mọi" ở Cămpuchia.
Tộc người Mạ là trung gian giữa những người Tây Nguyên Khơme hóa này và tộc người Srê, mà họ cùng chia xẻ cao nguyên Ðồng Nai Thượng. Người Srê ở Djiring, đúng như tên gọi của họ [2], là những người làm ruộng nước ở đồng bằng; điều đó khiến họ khác với các tộc người khác hầu như chỉ làm rẫy trên núi, và khiến họ là một tộc người tiến bộ hơn cả, trước khi có ảnh hưởng của người Pháp đến vùng Êđê. Xứ sở Djiring có nhiều vùng bằng phẳng mênh mông, phần lớn đã được khai phá, ở phía nam đường 20 và dọc theo các thung lũng chạy ngược lên giữa các dãy núi về phía đông-nam.
Ở phía đông người Srê, người Noang và Churu, bị Chàm hóa rất mạnh, còn lưu giữ các kho báu, các kiệt tác của nền văn minh ở nơi khác chỉ còn là một ký ức ấy. Cũng như vậy, người Raglay, ở phía nam, còn giữ các kho báu Chàm và có họ hàng gần gũi với người Noang, vùng đất này thuận lợi cho các mối tiếp xúc vì địa hình ít hiểm trở hơn.
Giữa người Noang và người Raglay, không có đỉnh núi cao nào ngăn cách, trong khi một dãy núi cao gần 2000 mét chia cách họ với người các tộc người phía tây.
Trên những sườn núi đó, dù sườn núi dốc đến đâu, đất đai cằn cỗi và rừng rậm đến đâu, vẫn là nơi bám ở của người Cil, một tộc người khốn khổ rất lạc hậu, chỉ sống bằng một ít gạo và ngô. Về mọi phương diện, đây là những người Tây Nguyên cuối hạng. Họ sống cực kỳ phân tán, khiến không thể tiếp xúc được với họ một cách có hiệu quả để nâng cao mức sống của họ.
Ðể cho đầy đủ, còn có một chùm các tộc người nhỏ phải nói đến: người Noup, người Köyon, người Dala, v.v. Tính cách của họ là kết quả ảnh hưởng của các tộc người láng giềng: Mạ, Srê, Raglay; cho nên chúng tôi không nghiên cứu về họ.
Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội 2003

[1] "Ngày xưa người Mọi chỉ gồm có một tộc người sống ở ven biển Ðông, phía mặt trời mọc" Truyền thuyết Stiêng do Gilbert và Malleret kể lại trong Tập san SEI, quý 2, năm 1946.
[2] Srê: Ruộng.