Trang 1

Sưu tinh dụng dược tâm pháp tự truyện

(Tìm tòi tinh tuý về tâm pháp dùng thuốc)

Dịch nghĩa:Xưa nay sách thuốc rất nhiều, nên những người làm nghề thuốc không khỏi thở than về nỗi quá nhiều sách. Nếu học không có căn bản, thì khi chữa bệnh sẽ ngơ ngác như dựa vào khoảng không, cưỡi trên ngọn gió, không biết đâu là chỗ dừng nữa.
Nói chung, bệnh có biến hóa hư thực rất nhiều, nên phương có cách chữa chính, chữa tòng, chữa gốc, chữa ngọn, nên công, nên trước, nên sau, phải dùng cho phù hợp. Xét trị chỉ sai một chút thì sống chết khác nhau ngay, há chăng nên cẩn thận sao? Cho nên nghề làm thuốc chỉ cốt tuỳ cơ ứng biến mà thôi.
Bậc hiền triết thuở trước thường nói: "Tâm của người thầy thuốc giỏi giống như viên tướng có tài, mà phép dùng thuốc cứu người cũng tựa phép dùng binh đánh giặc". Ra binh có khi đánh thẳng, có khi dùng mưu; dùng thuốc có lúc chữa bệnh chính, có lúc chữa biến chứng. Vốn không học phép dùng binh thì không thể đánh trận, vốn không hiểu cách dùng thuốc thì không thể chữa bệnh.
Dịch Công nói: "Con người ta bẩm thụ khí trung hoà của trời đất mà sinh ra, nhưng do ăn uống, làm lụng không biết tự giữ cho điều độ, nên những phần độc hại của âm dương mới nhân những chỗ sơ hở ấy trở thành quân giặc làm hại ". Nghề thuốc tức là thuật chống giặc của thánh nhân vậy. Chống giặc không chống ở ngoài bờ cõi mà chống trong sân, trước cổng, ấy là lối trăm phần trăm thua; chữa bệnh không chữa đến tận gốc rễ mà chữa trên ngọn, ngoài da, ấy là phép trăm phần trăm chết.
Lôi Công nói:"Phương pháp linh hoạt của người làm thuốc cốt ở chỗ lựa nhiều biến đổi". Ví dụ như khí hậu nam bắc có phân biệt, thời trời nóng lạnh có đổi thay, thể chất có kẻ mỏng người dày, mắc bệnh có kẻ lâu người mới...; những yếu tố ấy không thể không xét cho rõ ràng vậy. Cũng như bệnh có khi nên bổ mà lại bổ bằng phép tả, có khi nên tả mà lại tả bằng phép bổ; có khi cần dùng thuốc lạnh mà lấy thuốc nóng dẫn đường, có khi cần dùng thuốc nóng mà lấy thuốc lạnh nương trị; hoặc bệnh ở trên mà chữa ở dưới, hoặc bệnh ở dưới mà chữa trên; bệnh như nhau mà dùng thuốc khác nhau, bệnh khác nhau mà dùng thuốc như nhau...; nghĩa ấy thật rất sâu xa, người học cần xét cho thật rõ. Tóm lại, bệnh là do khí huyết sinh ra, bệnh khí thuộc về dương, bệnh huyết thuộc về âm.
Việc âm dương hơn thua qua lại là then chốt, trăm bệnh theo đó mà thay đổi. Vì thế mà chữa bệnh nam giới khác chữa bệnh nữ giới, chữa bệnh người trẻ khác chữa bệnh người già.
Xét trong y thuật vốn có bốn khoa: nhìn sắc, nghe tiếng, hỏi chứng và bắt mạch, tuy chia thành môn loại trận thế, nào là bát yếu, nào là tam pháp...; nhưng tìm đến ý nghĩa, rốt lại chỉ trong mấy chữ biểu, lý, hư, thực, hàn, nhiệt mà thôi. Nếu trong vòng sáu chữ ấy mà xét nhận được rõ ràng, thì đó là hiểu biết được chỗ cốt yếu rồi vậy. Đó tức là câu người ta vẫn nói là "Biết được chỗ cốt yếu thì chỉ một lời là hết, không biết được chỗ cốt yếu thì mênh mông không cùng "
Than ôi, đạo lớn là của chung, xin cùng các bậc danh nho tài tử thông minh trong thiên hạ đem tinh thần để lĩnh hội, trên thì để thờ vua và cha mẹ giữa thì giữ gìn cho mình, dưới thì để cứu giúp mọi người đã ghi chép hết ra ở sách này. Xin chớ vì là sách quốc âm nôm na, quê kệch mà xem thường xem khinh.

Trích yếu âm dương biện luận

(Trích phần chủ yếu trong bài Biện luận về âm dương)

Dịch nghĩa:Phàm chỗ then chốt của sinh khí mà con người bẩm thụ đều gốc ở hai khí âm dương. Nhưng nếu đem khí huyết, tạng phủ, hàn nhiệt mà bàn, thì đó chỉ là nói riêng về khí âm dương hữu hình thuộc về hậu thiên mà thôi. Còn như khí âm dương vô hình thuộc về tiên thiên thì dương gọi là nguyên dương, âm gọi là nguyên âm. Dương tức là nguyên dương, âm gọi là nguyên âm. Nguyên dương tức là cái hỏa vô hình, việc sinh hóa thần cơ là ở đó, tính mạng quan hệ ở nó. Nguyên âm tức là cái thủy vô hình, việc tạo dựng thiên quý là ở đó, mạnh yếu quan hệ ở nó. Cho nên kinh Dịch gọi là nguyên tính, nguyên khí. Nguyên tính, nguyên khí tức là nguyên thần sinh ra tinh, hoá ra khí. Sinh khí của con người sở dĩ ứng hợp với tự nhiên, chỉ do nhờ ở nó mà thôi. Kinh nói rằng: " Được thần thì tốt, mất thần thì chết", chính là nói về điều đó vậy.
Vậy hai chữ âm dương, nên xét cho rõ ràng. Dương thì nóng nảy, âm thì lặng lẽ điềm đạm. Dương giữ việc sinh ra, âm giữ việc nuôi lớn. Dương thái quá thì hại, đưa đến tiêu khô; âm thái quá thì hại, xui nên bế tắc. Dương động mà tan, cho nên hoá ra khí; âm tĩnh mà động, cho nên thành ra hình. Người dương suy thì sợ lạnh, người âm suy thì phát nóng, bởi âm thắng thì dương bị bệnh, dương thắng thì âm bị bệnh, cho nên như vậy. Dương vô hình mà sinh ra hơi, âm có chất mà thành ra mùi, cho nên hơi trong của dương ra nơi các khiếu phía trên, vị đục của âm ra nơi các khiếu phía dưới. Dương rời rạc không tụ về thì bay vượt lên trên mà hơi thở khò khè như ngáy, âm tan tác không bền chặt thì dồn hãm xuống dưới mà mồ hôi nhờn quánh tựa dầu.
Tóm lại âm thì tính tĩnh, ở trong để gìn giữ cho dương; dương thì tính động, ở ngoài để phụng sự cho âm. Bệnh dương hư thì buổi chiều trằn trọc, bệnh âm hư thì buổi sáng nhẹ nhàng; bệnh về dương thì buổi mai tĩnh, bệnh về âm thì buổi đêm yên; dương tà thịnh thì chiều nhẹ, sáng nặng, âm tà thịnh thì chiều nặng sáng nhẹ; bệnh về dương phần nhiều thích mát ham lạnh, bệnh về âm phần nhiều sợ lạnh muốn ấm.
Âm dương đã phân rõ, Vinh Vệ phải chia rành. Vinh là huyết, thuộc âm, cái để nuôi tốt bên trong; Vệ là khí, thuộc dương, cái để đi giữ bên ngoài. Cho nên huyết để nuôi nấng thì đi trong mạch, khí để gìn giữ thì đi ngoài mạch. Khí là cái để hành huyết, huyết là cái để chở khí. Khí huyết vốn không rời nhau, cho nên âm hư dương ắt chạy, dương hư âm ắt thoát. Người giỏi chữa bệnh thì khí hư nên giúp huyết, huyết hư nên giữ khí. Tóm lại huyết là cái hữu hình, không thể sinh nhanh; khí là cái rất nhỏ, cần giữ cho chắc.
Than ôi, lẽ âm dương biến hoá thì không cùng, không thể kể hết, vả lại dương nắm cả âm, huyết theo với khí, nên người xưa chữa huyết ắt trị khí trước; đó là khéo hiểu được nghĩa "Kiền nắm trời, khôn theo Kiền" của kinh Dịch vậy. Thánh nhân giúp đỡ công việc của trời đất, thường ngụ ý nâng dương mà nén âm, cho nên Thần Nông nếm thuốc, cũng căn cứ vào âm dương để phân chia ra các vị hàn nhiệt ôn lương, cay ngọt chua đắng mặn khác nhau. Phàm cay ngọt thuộc dương, ôn nhiệt thuộc dương, hàn lương thuộc âm, chua đắng thuộc âm. Dương chủ việc sinh, âm chủ việc sát, nên người thầy thuốc muốn cho người ta xa nơi chết, tới chỗ sống thường dùng các vị ngọt, ôn, cay, nhiệt mà ít dùng các phương chua đắng hàn lương bởi hiểu lẽ ấy.
Như ngày Đông chí thì khí nhất dương sinh, ngày Hạ chí thì khí nhất âm sinh, hai ngày chí ấy vô cùng quan trọng. Chí nghĩa là cực, âm cực thì dương sinh, từ không mà thành khó, dương cực thì âm sinh, từ có mà thành không; đó là chỗ không giống nhau trong việc biến hóa của âm dương vậy. Kinh nói rằng "Bên dưới tướng hỏa, khí thủy tiếp nối; bên dưới ngôi thuỷ, khí thổ tiếp nối; bên dưới ngôi thổ, khí phong (mộc) tiếp nối ; bên dưới ngôi phong, khí kim tiếp nối; bên dưới ngôi kim, khí hoả tiếp nối; bên dưới quân hoả, âm tính tiếp nối. Găng thì hại, cái tiếp nối sẽ chế trị nó". Như ngày Đông chí thì âm thịnh đến cùng cực, sinh ra khí dương tiếp nối sẽ chế trị. Ngày Hạ chí thì dương thịnh đến cùng cực, sinh ra khí âm tiếp nối, đó gọi là dương thịnh găng thì hại, âm tiếp nối sẽ chế trị.
Có người hỏi "Ngày Đông chí khí nhất dương sinh, đáng lẽ khí trời dần chuyển sang ấm áp, thế tại sao tháng chạp lại rét lớn, băng tuyết quá nhiều? Ngày Hạ chí khí nhất âm sinh, đáng lẽ khí trời dần chuyển thành mát mẻ, thế tại sao tam phục lại nắng gắt, nóng nực càng tăng? Có cách nào giải thích chăng? Triêu Quán nói "Đó là chuyện cái sẽ đến thì tiến, cái thành rồi thì lui. Trong chỗ tinh tuý và kín đáo, chưa dễ xét rõ được. Đại khái có lẽ là dương phục ở dưới bức âm ở trên, nước giếng tỏa hơi mà kỳ băng đóng cứng, âm thịnh ở dưới bức dương ở trên, nước giếng lạnh đi mà tới lúc sấm chớp tụ họp lại. Nay những người bệnh mặt đỏ miệng khô, trong người bứt rứt ho, suyễn, ai bảo không là hỏa thịnh đến cùng cực, nào biết cái hỏa đó là do khí âm hàn trong thận bức bách. Đem thuốc hàn lương cho uống mà kẻ chết đã nhiều, oan uổng lắm thay! Vả dương thì một mà đặc, âm thì hai mà rỗng, tóm lại cái hại của âm là từ cái một của dương mà chia ra, cho nên mặt trời giữ được hình dáng ban đầu, còn mặt trăng khi tròn khi khuyết. Người ta lúc mới sinh ra thì chỉ thuần dương mà không có âm, nhờ mẹ cho bú sữa của vú thuộc Quyết âm mà âm bắt đầu sinh. Vì thế mà con trai đến mười sáu tuổi thì tinh mới thông, sau bốn mươi thì tinh kiệt; con gái đến mười bốn tuổi thì có kinh, bốn mươi chín thì kinh dứt. khí âm trong thân người chỉ đủ để dùng trong khoảng ba mươi sáu năm".
Chữ âm ấy là nói đến âm tinh, tức là chỉ âm huyết vậy.
Huống chi âm dương làm gốc lẫn cho nhau, bàn chuyên bổ âm phải lấy dương làm chủ, tóm lại nếu không có dương thì âm cũng chẳng thấy gì để sinh. Cho nên con trai thì trái thuôc hỏa làm khí, phải thuộc thuỷ làm huyết; con gái thì trái thuộc thủy mà phải thuộc hỏa. Sự huyền diệu của gốc âm và gốc dương, nếu không xét đến cùng, thì có phải tắt vậy.
Kẻ bàn đến âm dương thường cho rằng đó là khí huyết, nào ai biết hỏa là gốc của âm huyết, nhưng âm dương thủy hỏa lại đều cùng ra từ một gốc. Bởi cùng ra từ một gốc mà không tách rời nhau, nên âm dương lại làm gốc lẫn cho nhau. Gốc của dương là ở âm, gốc của âm là ở dương, không có dương thì âm không lấy gì để sinh, không có âm thì dương không lấy gì mà hoá. theo âm mà dẫn dương, theo dương mà dẫn âm, đều tìm cái âm dương phụ thuộc mà xét tới cùng gốc của âm dương vậy. Người nay nhận lầm tâm, thận là chân hỏa, chân thủy, đó là vì không rõ đạo ấy. Đại khái trời sinh con người có cái tướng hỏa vô hình đi trong hai mươi lăm độ dương, chân thủy vô hình đi trong hai mươi lăm độ âm mà gốc của chúng thì vốn là cái chân thuộc về Thái cực, đó mới gọi là chân. Một khi thuộc về hữu hình tức là hậu thiên mà không phải là chân nữa.