Vào Truyện

Tôi(SonVanNguyen) dùng quyển "Cung oán ngâm khúc" của nhà xuất-bản Tân-Việt (sáng lập năm 1937), tại 235 Phan-Thanh-Giản, Sai-gòn (quyển này in theo giấy phép số 960/T.X.B. của bộ Thông-Tin Nam-Việt. Có lẽ vì vậy mà điạ chỉ khác với quyển "Lục-Vân-Tiên", in năm 1973)

Tiểu sử Ôn như Hầu

Ôn-như Hầu tức Nguyễn-gia-Thiều tiên-sinh, người làng Liễu-Ngạn, huyện Siêu-Loại, tỉnh Bắc-ninh (nay là phủ Thuận-thành), thân-phụ là Nguyễn gia Cư, thân-mẫu là bà Ngọc Tuân Quỳnh Liên công-chúa, con gái chúa Trịnh hy Tô.
Nguyễn tiên-sinh vốn con dòng-dõi trâm-anh, sinh năm 1741, có tính-chất thông-minh dĩnh-ngộ khác thường, khi trẻ ngoài sự học văn còn theo học võ, tinh-thông nghề cung-kiếm, 19 tuổi được tuyển-dụng vào cung-trung làm chức Hiệu-uý quản binh mã, có chiến công, được phong tước Ôn-như Hầu. Từ phong hầu về sau tiên-sinh lại chuyên nghiên-cứu luyện-tập văn-chương và thiên-văn địa-lý, khảo-cứu đạo Phật, đạo Tiên, thường tự xưng là Hy Tôn Tử và Nhu Ý Thuyền, giao-du cùng các nhà triết học, thi-học, lấy sự nhàn-hạ khoáng-dật phong-lưu tiêu-sái làm chí thú, ngâm phong vinh nguyệt làm thích, không quản việc triều-đình, nên mất sự tín-nhiệm của nhà nước. Vả cũng có nhiều người đương thời không ưa vì ganh tài-năng nên gièm-pha, tiên-sinh cũng chẳng quan tâm. Đến khi Tây-sơn lấy Bắc-hà, thì tiên-sinh đi ở ẩn không chịu ra làm quan, và thọ bệnh mất năm 1798, hưởng thọ 58 tuổi (ngày mồng 9 tháng 5 năm Mậu-ngọ).
Những tác-phẩm còn để lại, về phần chữ nho có bộ Tiền-hậu thi-tập, nhưng chưa tìm thấy, chỉ còn khẩu truyền một đôi bài. Về quốc-âm thì còn Tây-hồ thi-tập, bộ tứ-trai và Cung-oán ngâm khúc.
Tiên-sinh rất tinh nghề Thanh nghệ luật (nghề làm thơ), đã dìu-dắt phái thi học đời hậu Lê được lắm nhà thơ hay.
Ở tập Chuyết-thập tạp-chí của ông Lý văn Phức chép truyện Ôn-nhu Hầu có nói rằng: " Nhất thị ứng khẩu thành tụng, ngữ ngữ khả nhân, nhất thị thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân". Nghĩa là: một là ra lời nói thành câu thơ, lời lời thảy nghe được, hai là nghìn lần nhồi nặn, trăm lần nung-luyện ra câu thơ, lời lời khiến người nghe phải sợ... tức là tiên-sinh có tài nhanh-chóng cũng hay và có công trau-nắn càng hay.
Tài lành dễ đâu chôn lấp được, một thiên " Cung-oán ngâm-khúc " nay còn truyền xa.
Huế ngày 6 tháng 5-1950
Vân-bình Tôn Thất Lương kính thuật
Tiểu dẫn
Hai chữ Cung-oán là sự oán-hờn nơi cung cấm của các cung-phi, cung-tần đã từng được vua yêu rồi lại bị ghét bỏ, vì lời gièm-pha ghen-tuông lẫn nhau ; hoặc có người đã chọn mà suốt đời không được sự hạnh-sủng, nên đã thốt ra nỗi oán-hờn.
Trải xem các đời từ xưa nơi cung cấm, cung-nhân nhiều đến số ba bốn nghìn, mà trong số ấy thường chỉ có vài người được sủng ái, nên phần nhiều cung-nhân có tài học tự làm ra lời cung-oán, hoặc các nhà thơ đặt ra lời cung-oán, mượn thân-phận của cung-nữ mà tỷ-nghĩ thân-phận mình, cũng đề là cung-oán. Về sau hai chữ " cung-oán " thành một cái nhan đề, chuyên nói sự oán-hờn của cung-nữ.
Lại có đề "khuê-oán" chyên nói sự oán-hờn của người đàn-bà có chồng, bị chồng đi xa không về ; đề "khuê-oán" phần nhiều cũng là lời của các nhà thơ mượn sự tình của người để bày thân-phận của mình vậy.
"Cung-oán ngâm khúc" sau đây là một khúc ngâm về nỗi oán-hờn của cung-nhân mà Ôn-như Hầu tiên-sinh đã mượn tình-trạng cung-phi để tự ví thân-phận mình ; khúc ngâm này dùng điệu "song-thất lục-bát". Lời van đã thâm-thuý, nghĩa lý lại mắc-mỏ và đoạn lại khó phân. Nếu cứ để suông tự đầu đến cuối, đem đọc mấy lần cũng không hiểu thấu, nên đây phải dùng lối phân-tích, chia ra làm tám đoạn, mỗi đoạn kể lược-tự sự-trạng của tác giả đã nói, có những tình-ý gì ở trong nguyên văn; theo nguyên văn lại tiếp mục giải-nghĩa và chú-thích để người đọc đến hiểu ngay, không phải mờ-mịt mà hóa ra chán nản.
Mong rằng các độc-giả chú ý: phàm viết một bài chuyên nói một mục-đích gì, thì cũng như theo ý của nhan-đề mà làm thành lối dàn-bài như một bài thơ "Đường-luật" tám câu:
câu 1 là câu "phá", câu 2 là câu "thừa";
"Phá" là mở lời đầu tiên nói tổng-quát toàn cả một sự-trạng của đề mục hay của nhan-đề.
"Thừa" là thừa-tiếp nghĩa của câu "Phá" để đem ban bố sự-trạng ấy ra sau
hai câu 3, 4 là hai câu "Trạng", tả rõ từng thái-trạng của nhan-đề ấy ;
rồi tiếp đến hai câu 5, 6 là hai câu "Luận" luận-bàn và dẫn-chứng mà bài-liệt thêm ra cho nhiều rộng ý-nghĩa ;
sau câu "Luận" tiếp câu thứ bẩy là câu "Thúc" hay là "Chuyển", nghĩa là gói và thu-tóm, hoặc di-chuyển cả ý-tứ những câu 1, 2, 3, 4, 5, và 6 mà thu- tóm ý-nghĩa ở câu 7,
để kết-liễu toàn ý-tứ của nhan-đề ở câu 8 là câu "Kết" trọn vẹn ; thành một bài thơ có thứ-tự theo lối dàn bài, có kiểu mẫu nhất-định.
Có thứ-tự như thế thì không lộn-xộn, và theo phép ấy, nếu làm một bài dài trường-thiên hay là một khúc ca ngâm có mấy trăm câu mặc dù, ta cũng phải biết chia ra làm tám phần, ít nhiều câu tuy không dịnh, nhưng phải phân-tích thành đoạn-lạc rạch-ròi, cũng như một bài thơ Đường-luật vậy.
Bài "Cung-oán ngâm khúc" này có 356 câu, đã phân ra tám phần như đã nói trên. Các độc-giả khi đọc nên cẩn-thận rõ từng chi-tiết một, và sưu-tầm những lời chú-thích dẫn-giải đã chỉ rõ lối dùng chữ, lối mượn điển, dùng điển phân-minh.
Đó là dẫn-giải trình-bày theo lối phổ-thông, hầu được giúp ích cho kẻ hậu học tân-tiến, trong khi luyện-tập quốc-văn, giảng-cầu cổ-điển.
Nếu không dùng lối thích nghĩa này thì dù đọc mấy lần cũng chỉ hiểu từng câu một với một nghĩa-lý mơ-hồ, hư-huyễn, không dính-dáng vào đâu, chẳng còn biết tác-giả muốn nói việc gì, càng thêm rối trí vô-ích.
Vậy các độc-giả đọc sau đây dần dần hiểu thấu suốt toàn thiên và không còn thiếu-sót một nghĩa gì đáng nghi-hoặc vậy.