LÝ CÔNG UẨN (c)
Đêm khuya không dám dang chân ruỗi
Vì ngại non sông xã tắc xiêu

Lý Công Uẩn.

Lại nói Vua Đại Hành bị vòng vây, nhờ có các tướng liều mạng đánh và cứu thoát được. Đám tàn quân chạy gần về Lãng Trung thì gặp đoàn tượng binh ra xung sát một hồi, bị thiệt hại ít nhiều, cố mở đường máu chạy thoát. Trẩm Tam bị bắt sống. Cù Vân bị chết.
Lúc bấy giờ trời đã về chiều, Phủ Nhâm thấy quân mình toàn thắng, liền hồi chiêng thu quân, rút về Khuê Sơn, mang theo rất nhiều chiến lợi phẩm. Vua Đại Hành về nghĩ ở Lãng Trung, hối vì không nghe lời Công Uẩn, nên bị thiệt hại nặng nề. Các danh tướng như Phạm Thiên Long, Lý Nhân đều bị thương, quân sĩ vừa chết vừa bị thương tới năm nghìn người. Nhà vua được tin Tư Chiềng và Cù Vân tử trận, thương tiếc vô cùng, liền gọi Thiên Tường đến uỷ lạo, và cho phép mang xác cha về an táng ở Hoa Lư. Thiên Tường khóc lạy tạ, rồi mang mấy tên quân gấp đường về kinh đô.
Nghỉ ngơi mấy hôm, nhà vua họp các tướng sĩ bàn kế đánh báo thù. Phùng Tất dâng trình ngự lãm bản đồ huyện Thạch Thành.
Vua phán:
- Rừng núi hiểm trở, đại binh không thể đường hoàng mà tấn công được. Các người có ý kiến gì hay, trẫm cho phép được tự do phát biểu.
Mưu sĩ Lê Tâm bàn rằng:
- Quân ta mới thua, người ngựa đều mỏi mệt, xin để sang xuân hãy phản công.
Lý Nhân cũng biểu đồng tình.
- Nhuệ khí của quân ta mất nhiều, đánh ngay bất lợi.
Lý Công Uẩn đứng lên nói:
- Chính lúc này mới nên đánh ngay. Giặc thắng trận tức sinh kiêu; việc canh phòng cũng trễ nãi. Ta đánh bất ngờ chỉ một trận là thành công.
Vua Đại Hành phán:
- Khanh định dùng kế gì?
- Thần xem bản đồ thấy 49 động Hà Man đều ở rải rác trong rừng, dân cư thưa thớt. Chỉ có động Khuê Sơn là rộng rãi to lớn, nhà cửa đông đúc, các cơ quan hành chính và quân sự có lẻ tập trung cả ở đó. Vừa rồi giặc huy động một lực lượng lớn đi đánh trận, thì ở các nơi thanh niên phải gọi nhập ngũ gần hết, không còn người để canh giữ động nữa. Ta nên mang quân vòng sau lưng địch, đánh chiếm các nơi đó, chỉ để một ít quân giữ Thạch Thành. Giặc mất các nơi căn bản, thì Khuê Sơn không đánh cũng phải tan.
Vua mừng rỡ trao kiếm lệnh cho Công Uẩn.
- Trẫm nhường cho khanh điều khiển cuộc hành binh này. Các tướng ai không tuân, cho được phép “tiền trảm hậu tấu”.
Công Uẩn quỳ xuống đỡ kiếm, lạy tạ.
Sáng hôm sau, Công Uẩn bận nhung phung, tay cầm bảo kiếm, hội các tướng sĩ lại nghe lệnh. Chàng cất tiếng sang sảng nói:
- Giặc cậy ở rừng núi hiểm trở để ẩn nấp. Nếu ta không đi sâu vào lòng địch, thì không thể thắng được. Quân sĩ mỗi người phải mang đủ lương thực mười hôm, thừng chảo thật bền, chiến mã để cả lại. Tôi sẽ dẫn đầu quân xung phong mở đường cho đại binh kéo theo sau. Đào đại nhân rước Hoàng thượng về đóng ở Thạch Thành để giặc khỏi nghi ngờ.
Các tướng đều răm rắp vâng lệnh.

*

Bạch Công Thắng kéo quân về Khuê Sơn mở tiệc ăn mừng. Dân Mường dắt nhau về Khuê Sơn để dự ngày hội “Chiến Thắng”. Viên tù trưởng sai bầy các chiến lợi phẩm ở chợ để dân chúng xem. Quân sư Hoàng Phủ Nhâm được kính trọng đặc biệt, và coi như ân nhân duy nhất của họ, vì là người đầu tiên đã đem lại cho họ một chiến công rực rỡ nhất trong lịch sử dân Mường.
Một vị vua anh hùng như Lê Đại Hành đã từng đánh bại quân Tống ở trận Chi Lăng, đã một phen dày xéo lên kinh thành Chiêm Quốc mà phải lui bước trước một toán quân ô hợp. Đó chẳng phải là một bài học thâm trầm tế nhị của tạo hoá để cảnh cáo những kẻ xâm lăng đã quá tin ở lực lượng hùng hậu của mình, định nuốt sống ăn tươi một dân tộc lạc hậu, không chịu uốn mình làm nô lệ cho người khác. Sự thắng trận đã làm cho người Mường trở nên quá lạc quan và tự cho mình là một dân tộc anh hùng nhưng có ngờ đâu quân đội Đại Cồ Việt hồi bấy giờ đã hùng cường lắm rồi. Và sự thất bại vừa qua tuy có nặng nề thực, nhưng không đủ cho vua Đại Hành tan cái mộng bành trướng thế lực về phương Nam.
Suốt mấy hôm, dân Mường say sưa cạnh hủ rượu, nhảy múa ca hát quanh ngọn lửa, xao nhãng việc canh phòng. Họ đã gián tiếp giúp cho đạo quân Lê vượt qua những khu rừng rậm rạp, những ngọn núi cao ngất trời, những dòng suối nước chảy như thác. Quân Lê đã chiếm hết các động một cách dễ dàng, và đang tiến về Khuê Sơn, một vị trí quân sự cuối cùng của Mường. Bạch Công Thắng được tin báo giật mình hỏi kế Phủ Nhâm.
- Ta dốc hết lực lượng đánh một trận, được thua rồi sẽ hay.
Các tướng sĩ thấy nói quê hương bị chiếm, vợ con chưa biết sống chết ra so, ai nấy đều lo lắng sợ hãi, không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện đánh nhau nữa.
Luôn hai hôm, tin báo quân Lê ba mặt kéo đến đông như kiến cỏ, toán quân xung phong chỉ còn cách Khuê Sơn độ vài ba dặm đường. Phủ Thiềm, Công Nghĩa, Ngô Ban ra đánh đều bị thương chạy về. Phó tướng là Bạch Công Hàm trốn mất. Tình thế cực kỳ nghiêm trọng.
Tù trưởng Bạch Công Thắng không muốn để bị bắt bèn thắt cổ tự tử. Các tướng sĩ bỏ theo quân Lê rất nhiều. Hoàng Phủ Nhâm trong lúc bối rối chợt nghĩ đến Trẩm Tam là bạn cũ của mình đang bị giam ở hậu dinh, liền sai quân dẫn lên, Trẩm Tam tưởng Phủ Nhâm nhớ đến thù xưa, đem đi hành tội, chắc mẩm thế nào cũng chết.
Phủ Nhâm mời ngồi rồi nói:
- Bao nhiêu chuyện cũ, ta bỏ hết. Tình thế nguy ngập lắm, anh có giúp ta được việc gì không?
Trẩm Tam đáp:
- Chỉ có hàng là bảo toàn tính mạng.
- Anh có chắc bảo đảm được tính mệnh gia đình ta không?
- Xưa nay có ai giết hàng tướng mà anh phải lo?
- Ta trót sát hại nhiều quân Lê, sợ bị báo thù.
Trẩm Tam ngẫm nghĩ một lát rồi đáp:
- Tướng điều khiển cuộc hành binh này là Lý Công Uẩn, tức là cháu ngoại Kim Chung. Vì tình đồng hương chắc hắn không nỡ làm tội đâu. Được, tôi sẽ nói giúp, anh không ngại.
Quá ngọ thi quân Lê chiếm Khuê Sơn, không gặp một sức kháng chiến nào. Hoàng Phủ Nhâm đem gia quyến ra hàng; dâng sổ khai dân số và đồng tiền, châu báu, vàng bạc ước tới mấy muôn lượng. Công Uẩn sai niêm phong cẩn thận cho quân tế tác về Thạch Thành báo tin thắng trận. Trừ Hoàng Công Nghĩa được Tiến Thành đem dấu kín, cho thay đổi quần áo với quân Lê, còn bao nhiêu các hàng tướng đều bị giam ở một nơi, đợi lệnh của Hoàng Thượng phát lạc. Vua Đại Hành được tin báo, cả mừng khen rằng:
- Lý Công Uẩn thật là một tướng tài, xứng đáng là lương đống của quốc gia.
Đoạn ngài cùng với Đào Cam Mộc, và Ngô Tử An đem một toán quân về Khuê Sơn. Công Uẩn đem các tướng ra nghênh giá. Vua xuống ngựa cầm tay Công Uẩn, phán:
- Khanh là đệ nhất công thần của trẫm. Đợi về triều, trẫm sẽ phong thưởng cho.
Công Uẩn sai dẫn các hàng tướng ra chịu tội. Vua phán hỏi:
- Ai là Hoàng Phủ Nhâm?
Phủ Nhâm dập đầu thưa:
- Tội thần kính chúc thánh hoàng vạn tuế.
- Ngươi gốc tích là người Việt, lưu lạc sang đất Mường, xui giặc làm phản, tội đáng đem chính pháp, nhưng đã biết ăn năn tội lỗi thì trẫm cũng tha cho. Cha con người muốn gì bây giờ?
Phủ Nhâm ôm mặt khóc tâu rằng:
- Thần tội đáng chết, được bệ hạ tha cho, dẫu phải nhẩy vào đống lửa cũng không dám từ chối. Sách có câu: “Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào Nam chi”. Thần dẫu ngu muội nhưng không phải là kẻ vong bản. Cúi xin Thánh hoàng cho phép cha con thần được trở về quê hương, trông nom phần mộ tổ tiên, nguyện không dám đem dạ phản nghịch.
Vua quay lại hỏi Lý Công Uẩn:
- Bạch Công Thắng sao không thấy đến hầu?
- Tâu Hoàng thượng, hắn sợ tội nên đã tự sát rồi.
- Hắn có con cái gì không?
Bạch Công Hàm quỳ xuống tâu:
- Tội thần là Bạch Công Hàm, bào đệ của Bạch Công Thắng. Kính chúc Thánh hoàng vạn tuế.
- Trẫm cho người được nối nghiệp anh làm tù trưởng cai quản 49 động Hà Man. Ngươi phải hết lòng thờ chúa, chớ manh tâm phản nghịch mà khó tránh khỏi tội. Mỗi năm phải về triều cống một lần, chớ có trái lệnh.
Bao Công Hàm lạy tạ ơn.
Vì sắp đến Tết Nguyên Đán, nên nhà vua ra lệnh cho các tướng sĩ cấp tốc sửa soạn hồi hương.
Đến 25 tháng chạp, đại binh trống róng cờ mở cuồn cuộn kéo về Hoa Lư, dưới ánh nắng hồng tươi của một ngày xuân chớm nở.
°
Năm Ất Tỵ (1005), tức là năm Ứng Thiên thứ 12, vua Đại Hành thăng hà. Lúc ấy quan Điện Tiền Chỉ Huy Sứ là Lý Công Uẩn đang bận đi kinh lý hạt Đằng Châu, nên không được biết những sự rối loạn ở trong triều.
Khi Long Đĩnh giết anh cướp ngôi, thấy Công Uẩn nắm giữ cả binh quyền, sợ để lâu ở ngoài sinh biến, nên giáng chiếu gọi về. Công Uẩn cũng biết tân quân nghi kỵ nên mấy lần dâng sớ bày tỏ lòng trung nghĩa của mình. Trong sớ có mấy câu đọc nghe rất cảm động.
“…Hạ thần đội ơn tiên đế cho cơm ăn, áo mặc, dù thịt nát xương tan cũng không quên được. Bệ hạ lấy ơn nghĩa trị thiên hạ, muôn dân ai cũng là tôi con, chớ nghe lời sàm báng, mà ngờ oan cho thần. Hiện nay bốn phương giặc giã chưa tan, hạ thần ở ngoài mượn uy thiên tử mà dẹp loạn, lấy đức của thiên tử mà vỗ về trăm họ, ngày đêm hướng mặt về cửa Khuyết, mong cho công việc chóng xong để được về chầu bệ ngọc. Các võ tướng cùng quân sĩ để ở Đằng Châu cũng không cần lắm, thần sẽ cho về Hoa Lư hết, chỉ giữ lại 2000 quân già yếu ở dưới trướng để sai bảo mà thôi.”
Nhà vua nhận được sớ của Công Uẩn cũng dẹp bớt tính nghi kỵ, liền hạ chiếu phủ dụ:
“….Khanh nên hết sức phù tá Lê triều để khỏi phụ lòng uỷ thác của tiên đế. Phàm các công việc ở địa phương lớn nhỏ, trẫm cho khanh được phép tiện nghi hành ự.”
Công Uẩn ở Đằng Châu chiêu mộ những người nghèo khó cho đi khai khẩn những thửa đất bỏ hoang lập chợ, khơi ngòi, đặt quan cai trị. Hai năm liền Đằng Châu mất mùa, dân sự đói kém, Công Uẩn sai đem thóc ở kho phát cho dân, lại sai người đi quyên tiền gạo của nhà giầu giúp đỡ kẻ nghèo. Trăm họ đều ca tụng công đức. Thường thường Công Uẩn cùng với Trẩm Tam và Công Nghĩa đem vài tên quân đi các làng xem xét dân tình, đối với mọi người một mực khiêm tốn, lại bao dong những giặc cướp đã quy thuận, tìm cho công ăn việc làm, khiến cho hạt Đằng Châu mới có trong vòng vài năm đã thành ra một nơi an ninh trù mật.
Một hôm, ba người ở công đường đang nói chuyện suông với nhau, bỗng thấy lính vào đệ trình một danh thiếp. Công Uẩn xem thấy ba chữ: “Vương Trọng Lâm”, cả mừng nói:
- Vương sư phụ sang chơi, chúng ta ra đón người vào.
Ba người đứng dậy ra ngoài dinh thấy Vương Trọng Lâm cùng đứng với hai người nữa, nhìn ra thì là Quách Chí và Lâm Đồng. Công Uẩn chạy lại vái Trọng Lâm:
- Kính chào sư phụ.
Rồi quay lại thi lễ hai bạn.
Trẫm Tam nhìn Trọng Lâm cười, nói:
- Hiền đệ mái tóc đã hoa râm, thế mới biết đời người chóng già thực.
Trọng Lâm cũng cười đáp:
- Trẫm huynh đã ngoài 60, tinh thần còn quắc thước lắm. Râu tóc bạc phơ trông có vẻ tiên phong đạo cốt.
Mọi người vào trong dinh, ngồi chuyện trò thân mật. Trọng Lâm hỏi Công Uẩn:
- Hiền khế có về thăm sư trưởng lần nào không?
- Thưa có.
- Hiền Khế định bao giờ về Hoa Lư.
- Bẩm, sang tháng.
- Sư trưởng có dặn hiền khế làm việc quan phải thận trọng, đề phòng kẻ tiểu nhân hại ngầm.
Công Uẩn vâng lời.
Gia đình bầy tiệc, thầy trò, bạn bè lâu ngày mới gặp nhau, hàn huyên kể lể, chén tạc chén thù.
Quá trưa, Trọng Lâm đứng dậy cáo từ, cầm tay Công Uẩn nói:
- Ta tuổi già, gân cốt suy nhược, có ở lại cũng chẳng giúp hiền khế được việc gì. Quách Chí và Lâm Đồng còn đang tuổi thanh niên, vã lại có chút tài nghệ, hiền khế nên dùng làm thủ túc, sớm tối bàn bạc công việc. Ta có đứa con trai, tuy đã lớn tuổi, nhưng ngu độn quá, chỉ có thể vác nổi cái cầy chứ không cầm nổi ngọn bút hay thanh gươm. Nhưng thôi biết an phận nơi đồng ruộng là sung sướng lắm rồi. Ta chúc cho hiền khế gặp được nhiều may mắn trên đường công danh.
- Để ta đi kẻo muộn.
Công Uẩn cùng các bạn đi tiễn hơn một dặm đường mới quay ngựa trở lại.
Về đến dinh, đã thấy dân sự đứng đen đặc cả hai bên vệ đường, xô đẩy nhau, kêu la ẫm ĩ. Lính canh hò hét khản cả cổ mà vẫn không giữ được trật tự. Công Uẩn ngạc nhiên ngồi trên mình ngựa quát hỏi sự thể. Một cụ già tiến lên vái dái một cái, rồi sụt sùi nói:
- Bẩm chúng con nghe tin thượng quan sắp sửa phải về kinh đô, nên rủ nhau đến thỉnh cầu thượng quan hãy nán lại ít lâu thi ân, tác phúc cho chúng con được nhờ.
Công Uẩn vẫy tay cho cụ già lui ra rồi thét to:
- Dân chúng lặng yên mà nghe.
Những tiếng ồn ào phút chốc im bặt.
Chàng thong thả nói:
- Bản chức phục mệnh thánh hoàng đi kinh lý các nơi, chỗ thì năm ba tháng, chỗ thì một năm, riêng ở Đằng Châu ròng rã gần ba năm tưởng cũng là lâu lắm rồi. Dân chúng cứ yên ổn làm ăn, tôn trọng pháp luật của triều đình, nhất nhất ghi nhớ lời bản chức căn dặn từ trước đến nay. Thì dù bản chức ở xa mà cũng như gần các người vậy. Sang tháng, bản chức sẽ lên đường, các người có lòng ái mộ, bản chức hết sức cảm ơn.
Mọi người đều lặng lẽ rút lui, tỏ vẻ buồn rầu.
Khi dân chúng đã đi hết. Công Uẩn quay lại nói với các bạn hữu:
- Ở những địa phương mà đệ đã đi qua, dân chúng đều tỏ cảm tình như thế cả. Cho nên lúc bước chân ra đi, lòng cũng thấy xao xuyến bồi hồi.
Lâm Đồng tiếp lời:
- Hồi đại huynh đi kinh lý hạt An Phong, lúc ra về, dân chúng khóc lóc, mến tiếc. Sau đó ít lâu, bỗng thấy khắp kẻ chợ nhà quê, trẻ con hát mấy câu mà không ai hiểu nghĩa là gì.
- Hiền đệ còn nhớ không?
- Có. Mấy câu như thế này:
Gà chuồng vỗ cánh bay cao.
Rồng thiêng theo ngọn ba đào thẳng xuôi.
Chó vàng nghếch mỏm vẩy đuôi
Đón người hiệp sĩ còn ngồi đây kia
Xây chùa gõ mõ đục bia
Cúng tám ông tượng thia lia một bà.
Công Uẩn phì cười nói:
- Thế thì thánh cũng phải chịu.
Công Uẩn tiếp:
- Sao hiền đệ không hỏi sư trưởng?
- Có, nhưng sư trưởng bảo hỏi đại huynh.
Trẩm Tam xen vào:
- Tài học như sư trưởng thông hiểu cả thiên văn, địa lý, nhâm cầm độn toán đều giỏi, mà còn chịu, thì còn ai hiểu nổi.
Thấm thoát được hơn nửa tháng, Lý Công Uẩn truyền sắp sửa hành trang trở về Hoa Lư. Chàng cho vời viên huyện lệnh lại nói:
- Tiên sinh cai trị dân, nên lấy đức mà cảm hoá người, đừng nên hà khắc quá. Nếu biết thương yêu dân, gây hạnh phúc cho dân, thì giặc cướp cũng hết, mà thân mình cũng được bình yên. Gọi là có mấy lời tâm phúc, xin tiên sinh đừng quên.
Huyện lệnh cúi đầu vâng lời.
Chàng sợ dân chúng biết, rủ nhau đến đưa tiễn phiền phức, nên bí mật cho quân sĩ đêm hôm ấy kéo đi, rồi gấp đường về Hoa Lư.

*

Năm Bính Ngọ (1006). Trên con đường từ châu Phú Lâm về Hoa Lư, một đoàn người chầm chạp bước đi dưới ánh nắng gay gắt của một ngày mùa hạ. Họ chỉ mặc có một cái quần, đầu chỉ đội cái nón rách, mình trần trùn trục, phơi màu da cháy đỏ. Họ bị trói, hai tay quặt đằng sau, đeo ở cổ một cái gông bằng gỗ lim nhẵn bóng, vì tắm nhiều mồ hôi. Một toán lính độ hai chục người, miệng hò hét thôi thúc, tay phải cầm gương tuốt trần sáng loáng, tay trái cầm chiếc roi mây to bằng ngón tay cái, thỉnh thoảng lại vùn vụt quật lên lưng các phạm nhân tiếp theo những câu chửi rủa tục tằn. Bọn lính mỗi lần giơ chiếc roi lên là phạm nhân lại dừng chân lại để thu hết gân sức đón lấy hình phạt, đầu gục xuống chiếc gông, vai nhô lên một tí, miệng rên rỉ, ấm ứ như một con lợn đem chọc tiết. Có lúc họ quắc mắt nhìn trời, cổ bạnh, đường gân nổi lên chằng chịt, hai chân dậm mạnh xuống đá sỏi, mắt đầm đìa lệ và máu, họ rú lên từng cơn như muốn khạc hết nỗi căm hờn lên đầu bọn người vô nhân đạo.
Họ đi đến một trạm canh gác thì được nghỉ dưới rặng cây có bóng mát. Viên trạm trưởng ra kiểm điểm tù nhân xong, ký và đóng triện vào tờ giấy thông hành, rồi phân phát cho mỗi người một nắm cơm con. Hai tay đã bị trói, tù nhân được bọn lính bẻ đôi nắm cơm đút vào miệng cho. Họ nhai ngấu nghiến, nuốt chập chuội, làm cho ta có cảm tưởng như đối với những dạ dày đói cơm đã hơn một ngày thì dù nắm cơm gạo hẩm kia có lẫn cả sỏi cát hay rễ cây, họ cũng vẫn thấy ngon lành như được nếm một thứ trân cam mỹ vị.
Cơm nước xong, cuộc hành trình lại bắt đầu. Đoàn người lại lê chân trên con đường cát bụi để đi đến một chỗ mà họ chắc chắn nắm phần chết sau một thời bị cực hình.
Chiều tối, họ đến Hoa Lư, và theo như thường lệ thì các phạm nhân phải đến trình diện ở dinh quan Phủ Doãn, rồi mới phân phát đi các ngục thất ở kinh thành.
Nguyên từ khi vua Đại Hành thăng hà, các hoàng tử tranh nhau ngôi báu. Lê Long Đỉnh giết anh là Long Việt, cướp lấy ngai vàng, thì trong hoàng gia chia ra đảng nọ phái kia, mưu việc ám hại lẫn nhau, làm rối loạn cả triều đình.
Long Đỉnh vốn tính đa nghi, tuy nắm được quyền hành trong tay, lại sợ lòng dân không phục, nên thi hành chính sách khủng bố, tàn bạo quá Kiệt, Trụ. Các vị đại thần như Phạm Cự Lượng, Ngô Tử An, Tử Mục đều nối gót nhau mà qua đời. Trong triều, gian đảng hoành hành, thù hằn ai thì sai lính bắt giam cầm một nơi, hoặc đem giết đi. Ngục thất không đủ chứa phạm nhân, phải làm thêm nhiều mà vẫn chật. Lương dân bị ức hiếp đành cắn răng mà chịu không biết kêu ca vào đâu được. Không ngày nào là không có tù nhân ở nơi đưa về. Họ bị kết tội là “âm mưu khuynh đảo triều đình”, hay tư thông với “ngoại bang” và đều bị lên án hình. Nhà vua thì chỉ biết vui sướng trong hoàng cung với bọn phi tần, yến tiệc suốt ngày đêm giao phó việc triều chính cho hai tên gian thần là Thúc Lâm Cang và Lê Bảo.
Lâm Cang quê ở Tam Đới (Phủ Vĩnh Tường bây giờ), mồ côi từ thuở nhỏ, xin vào làm gia nhân cho họ Vương. Sau vì tội ăn cướp bị chủ đuổi, lưu lạc về Hoa Lư, đi giúp việc cho nhà sư Tâm Thanh ở chùa Chúc Long. Một buổi sáng, sư già lên Tam Bảo thấy pho tượng Như Lai mất chiếc vòng vàng, liền tra hỏi Lâm Cang. Cang chối là không biết, lại đổ cho tiểu lấy cắp. Sư già tức mình sai nọc đánh mấy roi, toan đuổi đi, thì lại có khách vào lễ phải ra tiếp. Lâm Cang sợ tội bỏ trốn đi, lang thang mấy hôm, tình cờ gặp hoàng tử Long Đỉnh đi săn, xin vào làm môn hạ vì lúc bấy giờ Long Đỉnh có ý định mưu sự thoán nghịch nên thu dùng những tên vong mạng để làm vây cánh, lại ngấm ngầm đem vàng bạc mua chuộc các quan triệu Lâm Cang vào hầu hạ vương phủ. Nhờ tài nịnh hót nên được lòng mọi người. Hắn có sẵn trí thông minh lại vỏ vẻ dăm chữ học được hồi ở chùa, giao du khéo léo, ứng đối nhanh nhẹn, nên được Long Đỉnh chìu chuộng, liệt vào hạng thuộc hạ tâm phúc. Kịp khi vua Đại Hành thăng hà, Long Đỉnh sai Lâm Cang giết anh là Long Việt chiếm lấy ngôi báu.
Vì có công lao, nên Cang được tân quân tin cậy giao phó cho quyết định mọi công việc ở trong triều. Lâm Cang, một bước lên địa vị cao sang, tha hồ vơ vét lại kết nạp với Lê Bảo là người trong hoàng phái, khuynh loát các quan, làm lắm điều xằng bậy.
Hai tên gian thần này vốn có tư thù với quan Điện Tiền Chỉ Huy Sứ, là Lý Công Uẩn, nên ngày đêm tìm cách mưu hại, nhưng chưa có dịp. Một hôm, Lâm Cang rình lúc nhà vua đang say rượu, liền quỳ xuống tâu rằng:
- Lý Công Uẩn âm mưu với các quan triều thần khởi loạn, xin Hoàng Thượng định liệu.
Long Đỉnh giận phán:
- Khanh mang 500 quân đến nhà Công Uẩn bắt hết cả già, trẻ, lớn, bé đem hành hình theo chính pháp.
Quan trực diện tướng quân là Dương Khôi can rằng:
- Lý Công Uẩn là bậc nguyên huân của Tiên Đế, sự phản nghịch chưa rõ rệt, nếu đem giết ngay, sợ đình thần dị nghị. Vả lại, hiện nay hắn thống lĩnh cả vệ binh nếu ta bạo động ắt xảy ra chẳng lành.
Vua phán:
- Nếu không trị ngay sợ sinh ra hậu hoạn.
Lê Bảo hiến kế:
- Hồi còn Tiên Đế, Lý Công Uẩn hai ba lần tâu xin dời kinh độ ra Đại La, nhưng Tiên Đế không nghe. Bệ hạ nên giáng chiếu cho hắn ra đấy xây dựng cung điện, đào hào phòng thủ, hẹn trong một năm phải xong. Công việc này đòi hỏi rất nhiều nhân công và tốn kém có tới hàng muôn lượng bạc. Bệ hạ chỉ cho dăm nghìn lượng thôi, nếu hắn kêu là thiếu thì kết tội là dụng ý hà lạm ngân quỹ, đem hành hình theo chính pháp.
- Nếu hắn không nài thêm thì sao?
- Đợi hắn ra Đại La khởi công, hạ thần sẽ hạch tấu là Công Uẩn thân làm một vị đại tướng mà lại đem lòng siểm nịnh, phao phí công quỹ để dân chúng ta oán thán triều đình. Lúc đó, bệ hạ giả cách nhận lỗi, chúng hạ thần sẽ hợp nhau lại kết tội hắn “có ý mê hoặc quân vương”, đem giết là xong.
Long Đỉnh gật đầu:
- Khanh bàn rất hợp ý trẫm.

*

Sáng hôm sau vua ngự triều, các quan văn võ chia nhau đứng hầu hai bên. Một hồi trống long phụng vừa dứt, rèm ngự cuốn lên, các quan phủ phục tung hô vạn tuế. Vua truyền bình thân rồi phán hỏi:
- Lý khanh đâu?
Đào Cam Mộc xuất ban tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, Lý Công Uẩn đi kinh lý hạt Đằng Châu chưa về.
- Trẫm định dời kinh đô về Đại La, muốn uỷ cho Công Uẩn đốc thúc thợ xây dựng cung điện. Các khanh nghĩ có nên không?
Lý Nhân can rằng:
- Hoa Lư là nơi phát triển của nhà Đinh, sông núi hiểm trở, có thể gây dựng cơ nghiệp lâu dài. Bệ hạ chỉ nên cho mở mang rộng rãi thêm lên, không nên dời đi chỗ khác.
Long Đỉnh lặng yên không nói. Lê Bảo đưa mắt làm hiệu. Nhà vua bất đắc dĩ phán:
- Được, đợi Lý khanh về sẽ liệu.
Nội thị dân trà giải khát. Đang lúc ấy bỗng thấy một tên thị vệ dắt một tên tù, bị trói chặt ra đứng giữa triều đường, vua phán hỏi:
- Tên kia bị tội gì?
- Tâu bệ hạ, tên này bị tội âm mưu phản nghịch.
- Trẫm nối nghiệp của Tiên Đế, lấy nhân nghĩa mà cai trị thiên hạ, thương dân như con, quý người như quý mình, tuy chẳng nối gót được Thang, Vũ nhưng cũng không đến nỗi như Kiệt, Trụ. Không ngờ vẫn còn những kẻ ngoan cố, tìm cách quấy rối sự an ninh, cổ hoặc dân chúng, kết bè đảng âm mưu khuynh đảo triều đình. Pháp luật đặt ra cốt để trị tội những kẻ xằng bậy, trẫm không thể nhắm mắt làm ngơ được. Võ sĩ đâu? Đem tên này ra tẩm dầu đốt.
Lệnh vừa ban ra đã thấy bên tả cung, hai cánh cửa mở rộng, một tên võ sĩ lực lưỡng nhẩy xổ ra vật phạm nhân xuống đất, lấy vải quấn chặt từ đầu đến chân. Một tên khác mang bốn mảnh tre khô rộng bản, đặt lên ngực, lưng và hai bên mạng sườn, rồi lấy thừng buộc ở ngoài như khi ta bó một cái dò mở.
Ngay lúc ấy, hai tên nội giám khênh một cái vạc đầy dầu đặt ở dưới chân bệ. Rồi cả bốn tên xúm lại nhấc bổng phạm nhân lên dúng vào vạc, đoạn để dựng đứng “cây đèn người” lên. Công việc này chúng làm rất quen tay, không chút lóng cóng ngượng nghịu, dưới con mắt kinh khủng của các quan triều thần.
Một hồi chuông réo lên giờ hành tội. Tên nội giám cầm chiếc đuốc đang cháy dí vào “cây đèn người”, ngọn lửa bắt vào vải ướt đẫm dầu, lem lém ăn lan khắp người, rồi phút chốc đỏ rực. Phạm nhân ấm ứ kêu nhưng không ra tiếng, muốn dẫy dụa nhưng tứ chi bị bó chặt, chỉ còn cái cổ động đậy một lúc rồi im hẳn. Thịt xèo xèo cháy, toả một mùi khét lẹt, gay gay và lợm giọng. Ngọn lửa bốc ngùn ngụt, rọi ánh sáng vào những khuôn mặt ngơ ngác, xanh xám. Trong lúc ấy thì quả chuông vẫn rền rĩ nhả những tiếng khóc não nùng, ai oán như để tiễn đưa oan hồn về cõi u minh.
Trên ngai vàng Long Đỉnh lạnh lùng ngồi chứng kiến tấn thảm kịch. Khi ngọn lửa đã tắt, vị vua bạo ngược lên xe về cung, Lê Bảo cũng đi theo.
Xe giá đã về từ lâu rồi mà các quan cũng không biết, chầu chực mãi đến giờ tị. Đào Cam Mộc xuất ban vừa nói được câu “Bệ hạ”, thì chợt nghe có tiếng người nhại lại. Cam Mộc ngẫng đầu nhìn lên trên điện, thấy vắng tanh, chỉ còn lại một thằng hề đang khoa chân múa tay, nhe răng bạnh cổ như chế riễu mình. Cam Mộc nén giận, quay lại nói với các quan. Ai nấy đều thở dài, lui ra.
Long Đỉnh về ngự ở lầu Phượng Nhỡn truyền bày yến tiệc và sai gọi cung nữ đến múa hát. Lâm Cang đứng bên rót rượu trông lên tường thấy một bức tranh Phật Quan Âm sực nhớ đến thù xưa, mũi lòng để rơi hai hạt lệ.
Long Đỉnh nhìn thấy ngạc nhiên phán hỏi:
- Thúc khanh có điều gì mà âu sầu thế?
Lâm Cang quỳ xuống rập đầu tâu:
- Thần mong ơn bệ hạ được vinh hiển một thời, hồi tưởng lại lúc còn hàn vi, bị mắc tiếng oan, sau không biết biện bạch cùng ai được.
- Tình cảnh oan uổng ra sao?
- Nguyên hạ thần mồ côi sớm, nhà nghèo phải đi làm thuê cho nhà sư Tâm Thanh ở chuà Chúc Long. Tên thầy chùa này vốn là đảng phái của Đinh Điền, nên thường tỏ lời khinh miệt Tiên Đế trước mặt các môn đồ. Hạ thần tuy ngu dốt, nhưn cũng hiểu thế nào là tam cương ngũ thường, nên phản kháng lại, thì hắn lại sinh lòng thù oán, vu cho hạ thần ăn cắp vàng bạc, đánh đập hạ thần rất tàn nhẫn. Hắn có làm một bài ca cực kỳ láo xược, phỉ báng hoàng gia và gieo rắc mầm phản nghịch vào óc mọi người.
- Khanh còn nhớ bài ca ấy không?
- Thánh Hoàng có tha tội, hạ thần mới dám nói.
- Trẫm tha tội cho khanh.
- Bài ca như thế này:
Tiên Hoàng dẹp loạn sứ quân,
Giang sơn thống nhất thần dân vui mừng.
Oai danh Vạn Thắng lẫy lừng,
Tiếng hô “vạn tuế” tưng bừng khắp nơi.
Mười năm giữ vững ngôi trời
Qúa tin Đỗ Thích thiệt đời danh thơm.
Cỏ cây còn biết căm hờn.
Ai này Lê Thị vong ơn tiếm vì
Ra vào phượng liễn, loan nghi
Ép duyên Dương hậu lỗi nghì tôi con
Bốn phương ai kể lòng son?
Tuốt gươm trừ kẻ gian ngoan bạo tàn.
Long Đỉnh nghe xong cả giận, đập bàn quát to:
- Sao bây giờ nhà ngươi mới nói cho trẫm biết?
Lâm Can giả vờ run sợ, đập đầu chan chát xuống gạch, rồi tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, thần hạ tội đáng chết, ngửa trông lượng thánh bao dung.
Long Đỉnh phán hỏi:
- Trực diện quan đâu?
Dương Khôi quỳ lạy đợi lệnh.
- Nhà người đem 500 giáp sĩ đến chùa Chúc Long bắt hết các nhà sư rồi phóng hoả đốt chùa nghe!
Dương Khôi lĩnh mệnh đi. Long Đỉnh còn chưa nguôi giận, cầm cái chén ngọc ném xuống gạch vỡ tan ra từng mảnh. Một tên cung nữ đứng gần đấy, sợ quá run lẩy bẩy, lỡ tay đánh rơi chiếc đàn cầm, tức thì bị nội giám lôi xuống thềm dùng côn đánh. Mọi người đều sợ thất sắc, tiếng đàn sáo bỗng nhiên im bặt, hàng trăm con mắt đổ dồn vào cái thây người nằm sóng sượt ở góc thềm, mồm và mũi ứa máu, xiêm áo tả tơi rách nát, để lộ những mảnh thịt tím bầm. Khi biết chắc là kẻ khốn nạn đã lìa trần, hai tên nội giám lấy chiếc chiếu cũ bó lại.
Rồi đàn sáo lại nổi lên, lại bắt đầu ca hát, nhịp nhàng và quyến rũ, trong khi những tà áo xanh, đỏ tung bay như cánh bướm nhởn nhơ trước gió.
Lại nói khi các quan triều thần lủi thủi ra ngọ môn quan, thì được tin Lý Công Uẩn đi tranh tra ở hạt Đằng Châu vừa về. Các quan rủ nhau sang chào mừng. Công Uẩn sai mở cửa giữa, thân ra đón tiếp các bạn đồng liêu vào tư thất chi ngôi chủ khách.
Công Uẩn hỏi:
- Hạ quan đi vắng ít lâu, trong triều có điều gì lạ không?
Tả tướng quân Phạm Thiên Long tiếp lời:
- Chúa thượng càng ngày càng tàn bạo, đốt phạm nhân giữa triều đình, giam hãm lương dân, tưởng Kiệt, Trụ, đời xưa cũng không hơn được.
- Các quan không ai can gián được lời nào sao?
Đào Cam Mộc nói:
- Chúa thượng tin dùng hai tên gian thần là Lê Bảo và Thúc Lâm Cang, miệt thị các quan, coi toàn dân như nô lệ, chém giết không ghê tay, phá hoại các luật lệ, dẫm nát cả kỷ cương. Trong hoàng cung ngày đêm đàn hát mua vui, ngoài triều đường, gian đảng hoành hành, xúi vua làm lắm điều càn bậy, lại nuôi những thằng hề nhại tiếng pha trò, chế diễu các quan. Thật không còn gì thể thống của một vị thiên tử nữa.
Công Uẩn ngẩn người một lúc rồi nói:
- Nếu thế thì loạn đến nơi rồi. Hạ quan sẽ hết sức can ngăn vua, dẫu chết cũng cam lòng.
Các quan ngồi chuyện vãn đến chiều toan về thì thấy viên thái giám là Chu Tâm đến chơi. Công Uẩn đứng lên nghênh tiếp. Chu Tâm vòng tay thi lễ với các quan, nói:
- Nhà được tin quan Điền Tiền Chỉ Huy Sứ mới về vội đến chào mừng, không ngờ lại được họp mặt với các quan đại thần, thật hân hạnh cho nhà quá.
Công Uẩn khiêm tốn đáp:
- Công công dời gót đến tệ phủ ắt có điều hay dạy bảo.
Chu Tâm thở dài đáp:
- Ngài có quen biết Tâm Thanh đại sư không?
- Hạ quan với đại sư là chỗ thân thiết.
- Đại sư vừa bị cực hình và thác rồi. Chùa Chúc Long cũng bị đốt ra tro.
Các quan xúm lại hỏi. Chu Tâm thong thả kể chuyện lại:
- Chúa thượng bị Thúc Lâm Cang xúi giục, sai giáp sĩ đến bắt Tâm Thanh đại sư và phóng hoả đốt chùa. Nhà được tin vội đến lầu Phượng Nhãn thì thấy đại sư đã bị bắt cùng với mấy tên đồ đệ. Chúa thượng không hỏi gì, sai lấy mía để lên đầu dùng dao róc vỏ. Thỉnh thoảng lại giả vờ nhỡ tay bổ dao xuống đầu, máu chảy chan hoà. Đại sư chỉ nhắm mắt niệm Phật, không hề hé răng kêu ca một lời nào. Sau vì đau quá! Đại sư cắn lưỡi tự tử. Chúa thượng sai bỏ thây vào giỏ cùng với mấy tên đồ đệ đem thả trôi sông. Chao ôi! Nhà được mục kích tấm thảm kịch, đến bây giờ hãy còn rùng mình kinh sợ.
Ai nấy đều thở dài. Công Uẩn hỏi:
- Công công có bận việc gì không? Xin nán lại ở chơi với hạ quan.
- Nhà con phải đi tìm quan thái y vào thăm bệnh cho chúa thượng.
- Chúa thượng bệnh tình ra sao?
Chu Tâm chép miệng nói:
- Giết đại sư xong, chúa thượng lấy làm hả hê lắm, nhân thấy cung nhân là Hoàng Hoa Nương múa đẹp, hát hay, nhan sắc xinh đẹp, chúa thượng động tình, lập tức sai căng màn trên lầu Phượng Nhãn, và cho vào hầu chăn gối. Không ngờ sau cuộc ái ân, thì chúa thượng tứ chi bại hoại, gân cốt nhường như suy kém nhiều chỉ nằm không ngồi dậy được. Khỏi hay không, còn đợi quan thái y mới biết được.
Đoạn Chu Tâm đứng dậy chào các quan rồi đi. Mọi người cũng xin cáo từ ra về. Công Uẩn tiễn đến cổng, mới quay lại. Phu nhân là Nguyễn Thị dắt các con ra đón vào phòng loan, yến tiệc. Công Uẩn cười nói:
- Phu nhân khéo vẽ vời, làm như vợ chồng mới cưới không bằng.
Nguyễn Thị cũng cười đáp:
- Tướng công vì việc nước, phải đi xa, mới về; thiếp tâm thành gọi có chén rượu tẩy trần để vợ chồng hàn huyên, nhân tiện muốn thưa với tướng công câu chuyện..
- Chuyện gì, phu nhân cứ nói ngay, hà tất phải rào trước đón sau mãi.
- Ngày ngày ra chợ, thiếp thường nghe thấy trẻ con hát câu này:
Thụ côn liễu liễu
Hoà biểu thanh thanh
Hoà đao mộc lạc
Thập bát từ thành
Thiếp không hiểu ra sao, đợi tướng công về hỏi cho rõ nghĩa.
Công Uẩn ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:
- Bốn câu này nghĩa lý mờ mịt tôi cũng chịu.
- Hôm nọ, thiếp đi chùa Cảnh Tỉnh, thấy sư già nói là mấy câu nó ám chỉ vào tướng công. Thiếp gặng hỏi thì sư già chỉ cười không nói nữa.
- Ám chỉ vào chỗ nào?
- Tướng công thử hỏi sư phụ xem!
- Tôi cũng định đón sư phụ vào đây để tiện việc trông nom. Còn mấy câu thơ kia có can hệ gì đến ta mà phải bận lòng.