LÝ CÔNG UẨN (b)
Đêm khuya không dám dang chân ruỗi
Vì ngại non sông xã tắc xiêu

Lý Công Uẩn.

Mùa đông năm ấy, quan đề đốc Đào Cam Mộc thấy quân sĩ đã luyện tập thành thục, lương thực dồi dào liền vào bệ kiến xin đi dẹp giặc Mường, đang nổi loạn ở Thạch Thành (thuộc về tỉnh Thanh Hoá bây giờ). Vua Đại Hành hội họp bách quan lại nghĩ kế. Thái sư Phạm Cự Lượng bàn rằng:
- Kể từ khi Ngô Vương Quyền khởi binh ở Á Châu ra đánh quân Nam Hán thống nhất giang sơn, cho tới nay có ngoài 40 năm. Tuy trong khoảng thời gian đó, chính quyền đã thiết lập vững chắc, nhưng ở vài nơi dân chúng vẫn không chịu tôn trọng mệnh lệnh của triều đình. Với những tập quán, phong tục lạc hậu, lại thêm chiến tranh tàn khốc làm kiệt quệ điều kiện sinh hoạt của họ, dân ở những nơi này bị bỏ rơi, đâm oán thù các nhà cầm quyền bất lực không ban hành được những biện pháp cần thiết khả dĩ bảo đảm được tài sản và tính mạng của họ, nên kèn cựa muốn thoát khỏi thế lực của triều đình và thiết lập một giang sơn tự chủ mặc sức vẫy vùng. Tỉ như dân Mường ở 49 động Hà Man, trải qua các triều đình bị ức hiếp, đè nén bóc lột đến xương tuỷ, nhưng vì thế yếu nên nuốt hờn tạm qui phục. Bị bóc lột, ức hiếp là một cái khổ trong thời bình, nhưng đến khi loạn lạc thì triều đình lại không nhìn nhận đến, “sống chết mặc bây”, dân “dã man”, “dị chủng”, làm cho họ uất ức mà làm liều. Quân đội anh dũng của ta có sợ gì một nhóm quân phiến loạn đó. Chỉ một trận là quét sạch hết, nhưng chiếm đất thì dễ, mà cai trị thì khó.
Một nơi như 49 động Hà Man, núi non trùng điệp điệp, khí hậu nặng nề dễ sinh ra nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Một nắm quân ốm yếu, với một số ít quan lại không phải là một lực lượng hùng hậu có thể áp đảo được chúng. Không lẻ mỗi lần có nổi loạn, triều đình lại cử binh đi tiểu trừ, như thế chỉ thêm hao người tốn của rút cuộc về phương diện chính trị, ta vẫn không thu được kết quả gì.
Vua Đại Hành gật đầu phán hỏi:
- Vậy theo như ý khanh thì nên xử thế nào cho phải?
- Thần xin hiến một kế mọn: Ta cho người đi phao tin rằng Hoàng Thượng về kinh lý hạt Thạch Thành để phủ dụ trăm họ, phân phát thóc gạo cho người nghèo, chứ không có ý gây chiến tranh với dân. Như thế thì dân sẽ không sợ ta mà lại muốn gần ta, giặc không có dân ủng hộ thì không đủ sức mà đánh lâu, dần cũng phải tan. Thảng hoặc có nơi nào ra mặt chống cự thì ta hãy trừng trị. Bắt được giặc, hãy cho ăn uống tử tế, cấp quần áo, rồi tha cho về, lại chiêu dụ những kẻ có thế lực ở vùng đó về hàng, phong quan tước cho. Đó là những lợi khí rất hiệu nghiệm để thu phục nhân tâm một cách rất nhanh chóng. Khi nào bình định xong đất Hà Man, ta sẽ chọn một người nào có tín nhiệm của dân, lập lên làm chủ, đặt vươnglễ, lập triều nghi, trả lại sự tự do cho họ, chỉ bắt hàng năm phải triều cống và chịu nhận làm thần tử suốt đời. Có như thế thì triều đình mới không lo có sự âm mưu phản nghịch, và nếu các dư đảng của nhà Đinh có muốn hoạt động trong dân chúng cũng không đủ điều kiện để bành trướng thế lực được.
Vua cả mừng phán:
- Khanh bàn rất hợp ý trẫm. Nếu được ngày hoàng đạo, trẫm sẽ thân xuất binh đi chinh phạt. Trong khi vắng mặt, khanh giúp thái tử Long Việt trông nom việc triều chính, trừ có việc gì khẩn cấp hãy phi báo, còn ngoài ra, trẫm cho phép khanh được giải quyết lấy.
Văn quan là Từ Mục can rằng:
- Nay đang tiết mùa đông giá lạnh, lại thêm hiểm trở, sự vận chuyển quân đội và lương thực gặp nhiều điều trở ngại. Xin để sang xuân ấm áp sẽ xuất quân cũng vừa.
Mặt rồng bỗng cau lại, vua tiếp lời:
- Cứu binh như cứu hoả. Dân chúng ngoài biên giới bị giặc quấy nhiễu đang đỏ mắt đợi binh tiếp viện, mà ta cứ trùng trình chưa chịu xuất quân, tỏ ra thái độ nhút nhát thì còn gây thế nào được uy tín với dân nữa. Giặc dẫu đông nhưng toàn quân ô hợp, tuy có đánh chiếm một vài nơi, nhưng chưa tổ chức xong việc cai trị, nếu ta để chúng lập thành cơ ngũ hẳn hoi, thì sau này khó đánh. Xưa nay trẫm với quân sĩ gian nan từng trải, thanh gươm yên ngựa tung hoành ở bãi sa trường, coi cái chết nhẹ như lông hồng, có sợ gì rét mướt đâu. Ý trẫm đã quyết, các khanh chớ có nhiều lời.
Bách quan đều lặng thinh, không ai dám nói nữa.
Ngày mồng năm tháng một năm ấy, Đại Hành hoàng đế phong Cam Mộc làm tiền tướng quân mang năm nghìn quân đi trước mở đường, lại sai Lý Nhân cùng bọn Phạm Thiên Long, Ngô Tử Hàn, vận tải lương thực, còn mình tự thống lĩnh năm vạn quân cùng bọn mưu sĩ Ngô Tử An, Lê Tâm, Lê Trực Minh, kéo binh ra khỏi thành.
Đào Cam Mộc đi tiên phong trống rong cờ mở, qua các châu quận, truyền hịch chiêu an, dân chúng đón rước tỏ lòng quy thuận. Thấm thoát đã đến huyện An Đồng cách Thạch Thành mười dặm. Viên huyện lệnh ở An Đồng là Phùng Tất mang nha lại ra nghênh tiếp bên vệ đường.
Phùng Tất thưa rằng:
- Toàn thể huyện Thạch Thành đều lọt vào tay quân phiến loạn. Huyện lệnh là Cao Duy bị tử trận. Cách mấy hôm nay, bá quan được thám tử cho biết giặc đã tập trung cả bên kia dãy núi Phi Long, ý muốn chiếm huyện An Đồng.
- Chủ tướng của chúng là ai?
- Bẩm là Bạch Công Thắng, một tay rất được tín nhiệm của dân Mường.
- Quân giặc thiện chiến về môn gì?
- Chúng bắn tên nỏ rất tài, luồn rừng rất giỏi, can đảm và dũng mãnh vô cùng.
- Quân ta đã có lần nào giáp chiến chưa?
- Bẩm, quân lính ở An Đồng ít quá, so với địch như trứng chọi với đá, nên chỉ phòng thủ ở biên giới, chưa dám giáp chiến với giặc.
- Biết vậy, mai ra quân sẽ hay.
Tối hôm ấy, Cam Mộc hội các tướng lại bàn.
Tiến Thành hiến kế.
- Giặc đóng bên kia dãy núi, mà hơn tháng nay chưa hề động tĩnh là không có ý chiếm huyện An Đồng. Một là vì thế lực chưa đủ, hai là chúng thu hẹp phạm vi hoạt động, lấy Thạch Thành làm thế “ỷ dốc” rồi dần dà chiếm các vùng lân cận. Nếu ta muốn thắng ngay thì phải đánh mạnh vào Thạch Thành là nơi xương sống của giặc. Con xin đem ba trăm quân cảm tử, luồng rừng vào quấy rối hậu tuyến của đối phương, đợi đại binh kéo đến, sẽ trong đánh ra ngoài đánh vào, chỉ một trận là thắng.
Cam Mộc nói:
- Xem cách bố trí và hành quân của giặc thì đủ biết chúng không phải hạng vô mưu. Rừng núi đều có quân canh giữ. Nếu ta mạo hiểm cho ba trăm quân đi, nhỡ bị mai phục thì chống cự làm sao. Khác nào như xua đàn dê vào miệng cọp.
Phùng Tất giở bản đồ chỉ tay nói:
- Đây có một con đường lớn chạy vòng chân núi Phi Long, đến Lãng Trung là địa phận Thạch Thành. Con đường này bị phá huỷ hết. Một con đường nữa nhỏ hẹp vắt qua đèo Hải Long, cây cối rậm rạp, thì hình như có quân canh giữ vì suốt ngày thấy khói lửa chập chùng, cờ xí cắm la liệt.
Tư Chiềng lắc đầu tiếp lời:
- Địa thế hiểm trở quá, một người khó qua. Nếu giặc dùng lối đánh ẩn hiện không chừng thì nguy hiểm vô cùng.
Cam Mộc ngồi lặng thinh không nói. Một không khí nặng nề bao phủ cả mọi người. Họ đưa mắt nhìn nhau, nét buồn thoáng hiện trên những bộ mặt quả cảm, vụt đỏ bừng dưới ánh ngọn bạch lạp. Hình như trong giờ phút này, họ đều nhận thấy mình bất lực trước tình thế cực kỳ nghiêm trọng, và một sự lầm lỡ trong việc hành quân có thể đưa ra một đạo quân tinh nhuệ đến chỗ diệt vong.
Lý Công Uẩn phá tan sự yên lặng:
- Nếu đúng như lời huyện quan vừa nói, thì giặc thất bại đến nơi rồi.
Mọi người đều ngạc nhiên. Cam Mộc hỏi luôn:
- Hiền điệt cho biết ý kiến.
- Tướng giặc cũng thông hiểu binh pháp, lắm mưu nhiều trí, nhưng không đánh lừa nổi ta. Chúng phá huỷ hết con đường lớn để tỏ cho biết chúng không dùng con đường ấy nữa, nhưng kỳ thực chúng đã mai phục cả chung quanh rồi. Nơi mà ta thấy khói lửa, cờ xí, chỉ là một cách nghi binh thôi. Nếu bây giờ ta cho một toán quân đi chiếm đèo Hải Long rồi đại quân lặng lẽ kéo đi sau thì có thể vào Thạch Thành dễ như bỡn.
Thiên Tường tiếp lời:
- Lý huynh bàn cũng phải, nhưng trên núi thế nào cũng có quân canh gác, nếu ta trèo lên, giặc lăn gỗ đá xuống rồi nổi trống báo hiệu, viện binh của giặc kéo đến thì mình có cánh cũng chưa chắc thoát khỏi được.
- Ta chỉ cần vài trăm quân ăn mặc giả làm dân Mường, ban ngày tản mác đi kiếm củi. Đến tối vượt qua đèo, chẹn tụi quân tiên phong canh gác rồi đốt hoả hiệu. Đạo quân của ta sẽ cho một nửa vượt núi chiếm trại Lãng Trung, còn một nửa đến đóng gần con đường lớn, giả vờ sửa chữa đường để cho giặc chỉ chú trọng về mặt này mà lãng bỏ mặt kia. Chiếm Lãng Trung rồi sẽ vòng lại đánh con đường núi Phi Long để tiếp ứng cho toán quân kia. Giặc bị đánh bất ngờ tất phải thua.
Cam Mộc cả mừng nói:
- Thật là diệu kế. Trong hàng tướng sĩ ai dám xung phong lấy đèo Hải Long không?
Công Uẩn đứng lên xin đi.
Đầu canh ba, Cam Mộc cho quân sĩ thổi cơm ăn no rồi truyền cho các tướng phải tập trung ở dưới trướng để nhận huấn lệnh.
- Công Uẩn, Phùng Tất đem hai trăm quân mặc trá hình thường dân Mường vượt đèo Hải Long bắt hết đám quân gác đừng để tên nào chạy thoát. Chiếm đóng xong sẽ đốt lửa làm hiệu để viện binh đến. Đào Tiến Thành, Thiên Tường mang hai nghìn quân tiếp ứng cho toán xung phong rồi thẳng đường đến chiếm lấy Lãng Trung. Tư Chiềng, Cù Vân lãnh hai nghìn quân đến đóng gần con đường núi Phi Long, nhưng cấm không được giao chiến với giặc. Khi có tin báo Lãng Trung chiếm được rồi thì đánh vào núi Phi Long phá huỷ hết các cơ quan phòng thủ của giặc rồi hợp lực với Công Uẩn đi lấy Thạch Thành.
Các tướng vâng lệnh điểm quân ra đi.
Huyện Thạch Thành vốn là một cái thung lũng đất cát phì nhiêu, diện tích ước độ hơn năm nghìn mẫu, bốn mặt núi non hiểm trở. Dân cư phần nhiều là người Mường ở rải rác trong các động (cũng như thôn xóm), dưới quyền cai trị của viên tù trưởng Bạch Công Diên. Khi Ngô Vương Quyền đuổi được quân Nam Hán lên ngôi cửu ngũ, thì Bạch Công Diên sợ bị đánh chiếm, bèn mang phẩm vật qui thuận nhà Ngô. Qua thời Thập Nhị Sứ Quân, họ Bạch thấy nhà Ngô đã đổ, lợi dụng cơ hội hùng cứ một phương, ý muốn tuyệt giao với triều đình.
Đến đời Đinh Tiên Hoàng thì dân Mường thế lực đã đủ nhưng còn gườm sức mạnh của Vạn Thắng Vương, nên ngoài mặt thì thần phục, mà trong lòng vẫn ngấm ngầm gieo rắc mầm phản nghịch giữa dân chúng, và đợi thời để khởi sự. Khi Lê Đại Hành cướp ngôi nhà Đinh thì Công Diên mất, con là Bạch Công Thắng thay quyền cha.
Bạch Công Thắng tuy còn ít tuổi, nhưng có chí khí cao, nhất định không thần phục nhà Lê, nên hội với quân của 49 động Hà Man cướp huyện Thạch Thành, ra mặt chống nhau với vua Đại Hành. Công Thắng tự xưng là Thiên Oai tướng quân, phong cho em là Bạch Công Hàm làm phó tướng, Hoàng Công Nghĩa làm tiên phong, chia quân đi án ngữ các nơi hiểm yếu. Công Thắng nghe lời quân sư là Hoàng Phủ Nhâm dùng kế nghi binh ở đèo Hải Long, và sai con của Phủ Nhâm là Hoàng Phủ Thiềm mai phục ở con đường núi Phi Long để nhử quân Lê vào cạm bẫy.
Hoàng Phủ Nhâm là ai? Chắc các độc giả cũng biết rồi. Nguyên Phủ Nhâm, Trần Hoà và Lưu Tấn Đường thấy cơ nghiệp đã bị thiêu huỷ cả, nên bỏ đất An Phong mang nhau đi kiếm ăn nơi khác. Trần Hoà và Lưu Tấn Đường lâm bệnh chết ở dọc đường. Còn một mình Phủ Nhâm theo bọn lái buôn về Hoa Lư ở được ít lâu. Một hôm chàng thấy nói miền trong sinh hoạt dễ dàng, liền lần mò vào huyện Thạch Thành, xin làm gia nhân cho họ Bạch. Chàng có tài ứng đối nhanh nhẹn lại thêm mặt mũi xinh đẹp nên được Bạch Công Diên yêu quí và cất lên địa vị thượng khách trong nhà.
Đến đời Bạch Công Thắng thì Phủ Nhâm càng được trọng vọng, và nghiễm nhiên trở nên một vai trò quan trọng trong cuộc tranh chấp của hai dân tộc.
Lại nói Công Uẩn, cùng với Trẩm Tam và Phùng Tất cho quân sĩ tản mát ở chân đèo Hải Long, mặc trá hình làm tiều phu. Sâm sẩm tối thì trèo lên núi. Hơn hai chục quân Mường đang ngồi sưởi ở dưới những chòi canh. Bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp, đành chịu để bắt sống. Công Uẩn cho quân đi lục soát các hang núi thấy không có gì khả nghi, mới cắm cờ hiệu nhà Lê.
Đến nửa đêm thì đốt lửa. Đào Tiến Thành ở đằng xa thấy lửa, biết quân mình đã thắng, liền ra lệnh cho sĩ tốt tiến thẳng lên đèo. Trong đêm tối, rét lạnh thấu xương, toán quân như những bóng ma nín hơi ngậm miệng, dò dẫm từng bước nối đuôi nhau đi. Đến sáng rõ thì cả ngọn đèo Hải Long hoàn toàn bị chiếm đóng.
Lý Công Uẩn một mặt sai nổ pháo lệnh và đánh trống thị uy, một mặt sai Tiến Thành cấp tốc đi chiếm trại Lãng Trung. Tướng giữ trại Lãng Trung là Quách Phùng thấy quân Lê ầm ầm kéo đến, vội lên ngựa truyền sắp cung nỏ phòng thủ, cẩn thận đem ba trăm quân ra dàn mặt trận. Tiến Thành đi đầu, tay cầm trường thương quát to:
- Loài giặc cỏ! Chết đến nơi vẫn chưa biết.
Quách Phùng đáp:
- Hai nước xưa nay vẫn không có điều gì xích mích, tự nhiên vô cớ lại gây việc chiến tranh là tại làm sao? Chúa (vua) mày quen thói xâm lấn nước người, phen này ắt phải bỏ xương ở đây.
Tiến Thành cười nói:
- Tống binh hùng dũng là thế mà cũng phải quăng giáp mà chạy. Chiêm quốc hiểm trở đến đâu cũng còn bị quân ta dày xéo. Một cái huyện nhỏ xíu này thì giữ sao nổi. Biết điều thì hàng ngay đi, dân chúng đỡ khổ mà các người cũng không mất phần phú quý.
Quách Phùng cả giận phóng gươm đâm. Hai bên đánh nhau được mười hiệp thì Quách Phùng bỗng thúc ngựa quay về trại. Tiến Thành thấy hắn chưa hẳn thua mà đã rút lui, ngờ có ám toán nhưng tin ở tài nghệ của mình, vững tâm phóng ngựa đuổi. Quách Phùng thấy địch trúng kế, cả mừng liền giơ gươm vẫy, tức thì một loạt tên ở trại bắn ra. Tiến Thành vẫn để ý đề phòng, khi thấy Quách Phùng làm ám hiệu, liền múa tít ngọn thương che đỡ cho mình và cho ngựa. Tên bắn ra rơi lả tả xuống đất như lá rụng. Lý Công Uẩn đi sau thấy thế, nghĩ ra được một mẹo, cho năm trăm quân cầm mộc và đoản đao xông vào, còn tự mình đem một nghìn quân vòng ra đằng sau trại đánh tập hậu. Tiến Thành thấy có quân tiếp viện cả mừng, liền hô quân thắt chặt vòng vây.
Quách Phùng thấy hai mặt bị đánh, mặt sau đã bị quân Lê phá vỡ hai lần rào tre, đang phóng hoả đốt mấy căn nhà lá chứa lương thực, mặt trước quân xung phong đã chiếm được cổng trại, khí thế hăng hái vô cùng. Nhìn lên núi, quân Lê hằng hà sa số đổ xuống như nước lũ, cờ xí bay phất phới, trống đánh inh ỏi. Quách Phùng biết không giữ được, liền bỏ dinh trại phóng ngựa chạy. Lý Công Uẩn đang đốc chiến ở mặt sau sợ tướng giặc chạy thoát, liền giương cung bắn theo. Mũi tên cắm giữa lưng, thủng hai lần giáp, Quách Phùng suýt nữa ngã ngựa, cố nhịn đau, đeo cả mũi tên chạy thoát. Quân giặc thấy mất chủ tướng, liền bỏ khí giới xin hàng. Công Uẩn vào chiếm trại để Tiến Thành và Thiên Tường giữ Lãng Trung, còn tự mình mang một nghìn quân cùng Trẩm Tam, Phùng Tất đi đánh núi Phi Long.
°
Đây nói về Hoàng Phủ Thiềm đang án ngữ con đường núi Phi Long, thấy quân Lê kéo đến sửa chữa những quãng đường bị phá huỷ, trong bụng cả mừng. Suốt ngày hôm ấy đoàn công binh chỉ đào xới qua loa, làm việc một cách uể oải, tắc trách, cười đùa ngã nghiêng mất cả trật tự. Phủ Thiềm chỉ tay nói với Ngô Ban:
- Quân sĩ như thế kia mà dám đi cướp nước người. Phen này ta sẽ làm cho uy danh Lê Đại Hành sớm tan như mây khói.
Ngô Ban đáp:
- Tôi ngờ có mưu mẹo chi đây, dù là một toán quân ô hợp cũng không đến nỗi vô kỷ luật như thế, huống hồ là quân đội của vua Lê Đại Hành. Ta nên coi chừng kẻo bị lừa.
Phủ Thiềm cười, nói:
- Dù có mưu mẹo ta cũng không sợ.
Vừa nói xong thì có tin thám tử ở Thạch Thành về có việc khẩn cấp, và đệ trình phong thơ của quân sư. Phủ Thiềm bóc thơ, xem chỉ thấy vỏn vẹn có mấy câu:
- “ Con,
Con phải luôn luôn liên lạc với trại Lãng Trung, và phòng bị quân Lê đánh úp. Đừng để mất Lãng Trung. Nếu có nguy cấp phải phi báo ngay.”
Thiềm cười nhạt nói với Ngô Ban:
- Phụ thân ta hay lo xa quá.
- Quân sư đoán việc không sai, tướng quân phải cẩn thận. Nếu sơ xuất thì mang tội với chúa công.
Thiềm không nói, cho thám tử lui ra.
Trưa hôm sau thì có tin Lãng Trung bị chiếm. Quách Phùng bị thương trốn mất, quân Lê sắp kéo đến nơi. Thiềm giật mình nói:
- Ta mắc lừa giặc rồi.
Đang lúc ấy, chợt thấy pháo nổ ầm trời, hai mặt quân Lê đổ vào, mạnh như vũ bão.
Thiềm cả giận nói với Ngô Ban:
- Đại huynh cho quân rút lui về Thạch Thành để bảo vệ toàn lực lượng, chớ có ham chiến mà nguy. Tôi có chết cũng làm cho chúng khốn đốn một phen.
Ngô Ban đáp:
- Đại Trượng Phu có sợ gì chết, chúng ta hãy giáp chiến với giặc, xem tài nghệ của họ ra sao.
Nguyên Ngô Ban và Phủ Thiềm là hai tay danh tướng của Bạch Công Thắng, nên được giữ trọng trách án ngữ đường núi Phi Long là cổ họng của Thạch Thành. Nhất là Phủ Thiềm mới có 19 tuổi, nhưng sức mạnh trùm cả một đội quân, sử dụng đôi chuỳ nặng 80 cân, xưa nay vẫn tự nhủ là anh hùng vô địch. Lúc ấy, Ngô Ban sai quân sĩ phóng hoả đốt hết dinh trại, rồi chia ra làm hai đường kéo ra ứng chiến. Vừa hay Công Uẩn kéo binh tới, Ngô Ban múa đao xông vào. Hai tướng giao chiến được vài chục hiệp, bất phân thắng bại, thì Phủ Thiềm đến. Phùng Tất đón đánh, Thiềm quát to một tiếng, giáng xuống một chuỳ. Phùng Tất đỡ không nổi, vộc thúc ngựa chạy. Trẩm Tam đến cứu, giao chiến được vài hiệp cũng chạy nốt. Thiềm không thèm đuổi, dừng ngựa lại xem hai tướng kia đánh nhau, thấy đường thương của Công Uẩn rất tài tình, trong bụng khen thầm. Công Uẩn càng đánh, tinh thần càng phấn khởi, đường thương biến hoá mỗi lúc một khác, làm cho Ngô Ban đỡ gạt không nổi, ý muốn tìm đường tháo lui. Thiềm sợ Ngô Ban bị bại, liền vung đôi chuỳ xông vào. Công Uẩn đánh với hai người độ vài chục hiệp nữa thì đã thấy núng, hơi thở hồng hộc. Đang lúc nguy cấp, bỗng thấy hậu quân bên địch rối loạn, một tướng phi ngựa tới, đi đến đâu giặc tản ra đến đấy, hung dữ như thiên thần.
Nguyên Tư Chiềng và Cù Vân được tin báo Công Uẩn đã chiếm được Lãng Trung và kéo quân đến đánh núi Phi Long. Đang khi giao chiến với giặc, bèn cho quân đánh thẳng vào tiếp ứng cho Công Uẩn. Lúc kéo qua rừng thấy hầm hố rất nhiều, dịnh trại đã bị đốt sạch, xa xa tiếng ngựa hí, quân reo nghe đinh tai nhức óc. Cù Vân nóng ruột thúc quân đi mau, thì vừa hay gặp lúc Công Uẩn bị vòng vây rất nguy cấp. Cù Vân rút cặp roi sắt xung sát quân giặc. Tư Chiềng vung búa nhắm đầu Phủ Thiềm giáng xuống. Thiềm khinh thường giơ chuỳ lên đỡ, thấy chói tay, suýt rơi mất binh khí. Chàng gắng sức giao chiến được mươi hiệp thì kiệt lực, tìm đường thoát thân. Ngô Ban cũng phóng bậy một gươm chạy nốt. Quân giặc vứt cờ, quẳng giáo đùng đùng kéo nhau chạy như ong vỡ tổ.
Tư Chiềng, Công Uẩn họp hai đạo binh làm một, rồi đánh thẳng về Thạch Thành, không gặp một sức kháng chiến nào của địch cả. Đến tối, thì tới nơi, thấy dinh trại còn nguyên vẹn nhưng quân giặc thì đã rút lui từ lâu rồi.
Lại nói Đào Cam Mộc phái quân đi các nơi xong, ngồi ở huyện An Đồng đợi tin thắng trận.
Chưa đầy hai hôm, các thám tử tới tấp báo tin sự thắng lợi liên tiếp của quân đội, và cuối cùng là việc chiếm đóng huyện Thạch Thành.
Cam Mộc cả mừng cho ngựa lưu tinh phi báo về hậu tuyến. Trưa hôm sau thì đại binh của vua Lê Đại Hành tới nơi. Thấy các nam, phụ, lão, ấu bầy hương án ở dọc đường để nghênh xá. Vua xuống ngựa phủ dụ dân chúng và sai mở kho phát thóc gạo cho mọi người.
Cam Mộc rước vua vào nghỉ trong huyện và tường trình chiến sự. Vua Đại Hành gật đầu phán:
- Khanh thật là một tướng có mưu lược. Trẩm rất hài lòng.
Ngô Tử An tâu rằng:
- Giặc mới thua, nhuệ khí sút kém đi nhiều. Bệ hạ nên thừa cơ tiến binh thì đất Mường có thể bình định trước Tết Nguyên Đán.
Hôm sau, đại binh kéo qua đèo Hải Long, sang Lãng Trung. Tiến Thành mang các tướng ra đón, vua Đại Hành ngồi trên mình ngựa ngắm địa thế một lúc rồi phán bảo Cam Mộc:
- Giặc thất trận là vì không tổ chức sự liên lạc giữa Lãng Trung và núi Phi Long. Hai đầu này ví như đầu và đuôi rồng, chúng đã biết đóng binh ở đầu và đuôi, lại bỏ khúc mình, thì thật là dại dột. Khanh cho lập thêm vài trại ở giữa hai nơi này, cắt quân phòng thủ, lại cho trồng nhiều cây đinh liệu. Đầu đuôi lưỡng tương hỗ trợ, giặc có tấn công cũng không đáng sợ.
Cam Mộc lạy xin nghe lệnh. Đoạn ngài truyền cho quân lính đi gấp đường đến Thạch Thành.
Quách Phùng bị thương, phóng ngựa chạy được mười dặm đường thì mệt quá, dừng lại nghỉ.
Chàng nghiến răng rút được mũi tên ra rồi kêu to một tiếng, ngã lăn xuống chân ngựa. Vừa hay lúc đó Phủ Thiềm và Ngô Ban bại trận cũng chạy đến nơi. Ngô Ban thấy Phùng bị thương máu thấm qua lần áo giáp ở sau lưng,vội xốc nách, cõng lên vai rồi về động Khuê Sơn chịu tội.
Phủ Nhâm hỏi con:
- Mày có nhận được thư của tao không?
- Thưa cha, có.
- Sao mày không theo đúng như lời tao dặn?
- Thưa cha, con chưa kịp hành động thì quân Lê đã kéo đến vì Lãng Trung đã bị chiếm rồi.
Phủ Nhâm hỏi Ngô Ban, Ban không dám nói thực, sợ bị tội lây, bèn đổ lỗi cho Quách Phùng làm hỏng việc.
Phủ Nhâm hỏi:
- Quách Phùng đâu?
- Thưa, hắn bị thương đang nằm điều trị ở hậu dinh.
- Quân Lê đến sao không phi báo để lấy viện binh.
- Thưa có, nhưng chắc bị vòng vây nên không có tin đưa ra.
Phủ Nhâm quắc mắt nói:
- Chúng mày ăn nói hồ đồ lắm. Canh phòng bất cẩn nên mắc lừa giặc. Quân bay đâu, đem hai thằng này chặt đầu để làm gương.
Bạch Công Thắng can rằng:
- Thế giặc mạnh quá, nên không chống cự nỗi. Thua được là sự thường. Quân sư hãy tha cho hai tướng để lập công chuộc tội.
- Quân Lê có ý dùng Thạch Thành làm vị trí căn bản để đi đánh các động của ta. Nếu ta không đánh bật được họ ra thì cả một diện tích rộng năm nghìn mẫu đất cát phì nhiêu sẽ vào tay giặc hết. Ta ẩn nấp ở trong rừng thì còn hành động gì nữa.
Phủ Nhâm đáp:
- Chúa công đừng lo, tôi sẽ dùng một kế nhỏ làm cho chúng không dám bước chân đến Thạch Thành nữa.

*

Một tháng sau, quân các động kéo về, cộng tất cả hơn một vạn người. Phủ Nhâm gọi Ngô Ban lên ghé tai nói nhỏ. Ngô Ban lĩnh mệnh xuống điểm 20 tên quân, mặc trá hình là quân Lê đi luồn rừng, tắt đường về Hoa Lư. Đến nơi, Ban cho vài ba tên quân ăn mặc giả làm người Tống và người Chiêm Thành ẩn nấp ở một cái miếu nhỏ.
Một mặt cho người đi phao tin Tống binh đã tập trung rất nhiều ở biên thuỳ, ước hội với quân Chiêm để báo thù trận Chi Lăng. Trong mấy hôm kinh thành nhao nhác, chợ búa vắng teo, cửa ngỏ suốt ngày đêm đóng im ỉm. Thái sư Phạm Cự Lượng thấy quang cảnh như thế, vội sai các thám tử đi lục soát các hang cùng ngỏ hẻm để bắt gian tế, thì tóm ngay được ở miếu một bọn vừa quân Tống, vừa quân Chiêm, non 10 người. Phạm Cự Lượng truyền dẫn vào để mở cuộc phỏng vấn. Không ngờ bọn này lấy thuốc độc ra nuốt một lúc thì chết. Cự Lượng tức tối phái mấy tên quân kỵ đi gấp ngày đêm đến Thạch Thành báo tin, đồng thời sai quân canh phòng rất cẩn thận, tra xét những người qua lại. Ngô Ban thấy công việc đã có kết quả, sợ ở lâu bị bại lộ, liền trốn về Khê Sơn.
Hoàng Phủ Nhâm bàn rằng:
- Đại Hành nghe thấy tin này tất phải bí mật rút lui, nhưng thế nào cũng cho tướng đi chặn hậu, đề phòng quân ta tập kích. Ta dùng mẹo này ắt sẽ toàn thắng.
Đoạn sai đánh trống hội họp các tướng sĩ lại nghe lệnh.
- Ngô Ban, Bạch Hồng đem 500 trăm quân đi tắt đường, đến quấy rối Lãng Trung, đêm thì đốt lửa, ngày đánh trống, cốt giữ cho khỏi tiếp ứng Thạch Thành.
- Công Nghĩa, Phủ Thiềm mang 300 quân mai phục ở con đường Thiết Sơn, phóng hoả đót lau sậy, chỉ dùng tên nỏ bắn không cần giáp chiến.
- Đinh Công Kha, Quách Phùng đem năm con voi trận đón ở gần Lãng Trung, thấy quân Lê chạy qua thì cho voi vào ứng chiến.
- Chúa công cùng tôi đem 3000 quân đi tiếp ứng cho các nơi. Phó tướng Bạch Công Hàm giữ Khuê Sơn, vận tải lương thực cho các đạo quân.
Các tướng lĩnh mệnh điểm quân đi.
Từ khi chiếm được Thạch Thành, vua Đại Hành cho người đi chiêu dụ dân chúng về làm ăn, phát thóc giống để cầy cấy. Những gia đình có nhà cửa bị thiêu huỷ đều được bồi thường. Ra lệnh nghiêm cấm quân lính không được nhủng nhiễu nhân dân, lại kén những thanh niên khoẻ mạnh cho về Hoa Lư luyện tập. Thường thường nhà vua cưỡi ngựa cùng với mấy viên tướng tuỳ tòng đi xem xét tình hình sinh hoạt của dân chúng.
Bấy giờ đang độ mùa đông rét mướt, quân sĩ canh phòng vất vả, người nào cũng huy vọng được về quê hương trước Tết Nguyên Đán.
Một hôm vua Lê Đại Hành đang ngồi bàn với các tướng về việc hồi hương, thì chợt thấy báo có thám tử ở Hoa Lư trình việc cơ mật. Vua cho vào, thám tử làm lễ triều kiến xong, dâng thơ của Thái Sư. Vua đọc thơ, mặt rồng biến sắc, trầm ngâm nghĩ ngợi một lúc rồi phán hỏi:
- Ở kinh thành, Thái Sư đã ban hành mọi phương sách cần thiết để đối phó với tình thế chưa?
- Tâu Hoàng Thượng, quan Thái Sư đã sai tướng đi tiếp ứng cho các đạo quân ở biên giới, nhưng chưa có việc gì quan trọng xảy ra.
Vua trao bức thư cho Ngô Tử An truyền đọc cho các tướng nghe. Mọi người đều sửng sốt nhìn nhau.
Lý Nhân tâu rằng:
- Thần xin mạng phép thánh hoàng tham bác một vài ý kiến. Việc bình định đất Mường đã gần xong chỉ cần một ít quân cảnh bị đóng ở đây để ngăn ngừa những việc bạo động. Còn đại binh thì cho rút về kinh đô án ngữ ở mặt Bắc. Hai đạo quân ở Lãng Trung và núi Phi Long cần phải tăng cường để tiếp ứng cho Thạch Thành.
Phạm Thiên Long cũng tâu rằng:
- Giặc Tống mới là ung nhọt của ta, cần phải trị ngay. Thạch Thành đất hẹp dân thưa, dẫu có chinh phục được thì cũng chẳng làm cho ta giàu thịnh thêm mấy. Nếu đặt quan cai trị và giao cho quyền thế lớn lao thì dễ sinh phản nghịch, đáng lo ngại cho triều đình. Như ý của hạ thần nên bỏ đất này là hơn cả.
Ngô Tử An không bằng lòng nói:
- Tiểu tướng quân nghĩ nhầm, Hoàng thượng lấy nhân nghĩa trị thiên hạ, đâu đâu cũng là tôi con của triều đình. Chỗ nào dân sự ngoan cố thì đem đi chinh phạt. Còn tỏ lòng quy thuận thì được ơn mưa mốc của chính bệ. Viên tù trưởng Bạch Công Thắng là thần tử của triều đình được cắt cứ một phương, tưởn cũng là vinh dự lắm rồi. Ngày nay hắn ăn ở lỗi đạo tôi con, nghe lời súc siểm của thuộc hạ, nổi lên chống cự với triều đình, gây cuộc chiến tranh tàn khốc. Việc bình định huyện Thạch Thành đã gần kết liễu, quân phiến loạn chỉ nay mai là tan rã, có lẽ nào ta lại chịu bỏ về tay không?
Mưu sĩ Lê Trực Minh tâu rằng:
- Xin bệ hạ nghe lời của Lý Nhâm để một ít quân ở Thạch Thành, còn đại binh thì rút về kinh đô, phòng bị cuộc xâm lăng của Tống.
Vua Đại Hành phán:
- Khanh bàn rất hợp ý trẫm.
Bỗng ở hàng ghế cuối cùng một tướng chạy ra quỳ xuống tâu:
- Nếu bệ hạ rút lui tức là mắc mẹo của giặc.
Vua nhìn xuống thấy một thiếu niên, trạc ngoài 20 tuổi, trạng mạo khôi ngô, dáng điệu uy nghi đường bệ. Ngài ngạc nhiên phán hỏi:
- Khanh tên gì?
- Tâu hoàng thượng, thần họ Lý, tên Công Uẩn, là thuộc hạ của Cửu Môn Đề Đốc Đào Cam Mộc.
- Khanh có ý kiến gì?
- Thần có vài ý kiến mọn, xin bày tỏ cùng bệ hạ. Từ khi Hoàng quân đáng chiếm Thạch Thành, kể có hơn một tháng trời, mà chưa thấy một phản ứng nào của giạc. Thật là một sự đáng ngờ. Vài trận nhỏ ở Lãng Trung, Phi Long không đủ làm kiệt quệ lực lượng kháng chiến của địch, và sự im lặng của đối phương đã báo hiệu một cơn bão táp sắp xảy ra nay mai. Trước uy thế rất lớn của quân ta, giặc biết không thể cản nổi phải rút lui, và chỉ để cho hai toán quân ở Lãng Trung ứng chiến qua loa, mục đích thăm dò lực lượng quân ta. Lấy sức không thủ thắng, giặc phải dùng mẹo phao tin quân Tống tập trung ở biên thuỳ để lung lạc tinh thần quân sĩ…
Vua Đại Hành gật đầu phán:
- Cho phép khanh nói.
Lý Công Uẩn tiếp:
- Đối với ta, Tống triều tuy chẳng thật bụng, nhưng hãy còn nơm nớp sợ trận Chi Lăng, vả lại rợ Khiết Đan chưa chịu quy thuận thì nhà Tống chưa dám nghĩ đến sự bành trướng thế lực về phương Nam, để báo thù cho Hán Nhân Bảo. Huống hồ bệ hạ đã chịu thần phục nhà Tống thì không có lý gì lại còn gây việc can qua với ta nữa. Còn Chiêm Thành, dẫu chúng bị kiệt quệ về chiến tranh; kiến thiết lấy nước còn khó khăn lại còn dám nghĩ đâu đi xâm lăng nước người. Vậy hạ thần có thể quả quyết rằng mấy tên dọ thám bị bắt ở kinh đô là những người của đối phương đã trá hình mà ra, cho nên chúng đã phải tự sát để khỏi bị bại lộ hình tích.
- Vậy theo ý khanh thì ta nên đối phó bằng cách nào?
- Quân giặc đoán thế nào ta cũng bỏ Thạch Thành, nên đã đi mai phục các nơi rồi. Nếu ta rút lui thì sẽ rơi vào cạm bẫy của chúng. Ta cứ ở đây tạm đình chỉ mọi việc hành quân, xem đối phương hoạt động thế nào, một mặt tích trữ lương thảo, luyện tập sĩ tốt. Mặt khác cho quân lính tiếp xúc với nhân dân, không phân biệt là “đồng tông” hay “dị chủng”, lấy tình thân mà thủ ứng nhau, lúc đói kém thì chia xẻ tiền gạo, khi bệnh hoạn thì cơm cháo, thuốc thang, gây thành cái thế “quân dân lưỡng tương hỗ trợ”. Nếu ta nắm được dân chúng ở trong tay, thì giặc không dựa vào đâu mà quấy rối, vì đi đến đâu cũng sẽ bị xua đuổi. Lúc ấy, ta chỉ dùng một toán quân nhỏ là quét sạch hết.
Lê Tâm trừng mắt nhìn Công Uẩn nói:
- Tiểu tướng quân ăn nói hàm hồ, không sợ mang tội với Thánh Hoàng sao?
Vua Đại Hành mỉm cười phán:
- Trong lúc bàn việc quân cơ, trẫm cho phép các người được góp phần ý kiến. Còn theo hay không là tự ý trẫm.
Đoạn nhà vua truyền cho các tướng sĩ đêm tối phải canh phòng cẩn mật, và phái thám tử về Hoa Lư xem xét tình hình.
Chập tối, gió lạnh từng cơn rít lên nghe buồn rầu, ảm đạm. Trên chòi canh, tiếng trống thỉnh thoảng lại dõng dạc điểm. Quân sĩ tụm năm tụm ba chung quanh những ngọn lửa hồng, lặng lẻ nhìn làn khói bị gió cuốn lên trên màn trời đen sẩm. Gió rét đã lùa mạnh vào cõi lòng của họ nên họ chen chúc nhau để nhận lấy sức nóng của lửa da thịt, của hơi thở trong cái cảnh hãi hùng của đêm tối nơi chiến địa.
Vua Đại Hành quyết định ngày 15, tháng chạp thì rút lui. Lý Công Uẩn can rằng:
- Bệ hạ bỏ Thạch Thành tức là mắc mưu của địch. Xin cố thủ ở đây, đợi sang xuân sẽ khởi thế công.
Vua không nghe, truyền quân sĩ, cơ nào đội ấy, chuẩn bị sẵn sàng. Đúng ngày đã định, đại binh ngã cờ im trống kéo về Lãng Trung. Đi gần đến Thiết Sơn thấy đường xá bị cắt đứt nhiều chỗ, quân sĩ phải xếp hàng một đi cạnh đám lau sậy. Chợt một tiếng pháo lệnh nổ vang trời, hai bên đường ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt, lại nhờ sức gió cháy lan rộng rất nhanh. Quân lính đổ xô nhau chạy mất cả hàng ngũ, vừa chết vừa bị thương rất nhiều. Vừa ra khỏi đường Thiết Sơn, thì nghe tiếng trống đánh ầm ĩ, quân giặc hằng ha sa số, dùng toàn dao ngắn lăn xả vào đâm. Cam Mộc ở đằng sau thúc quân lên cứu ứng bị Phủ Thiềm đánh chặn. Hai người đánh nhau hồi lâu, bất phân thắng bại, chợt thấy hậu quân Lê kêu ầm lên, xô nhau chạy, thì ra Phủ Nhâm và Bạch Công Thắng mang đại binh đánh xuyên ngang, làm cho quân Lê đầu đuôi không liên lạc được với nhau. Tư Chiềng thúc ngựa vào giữa vòng vây, tả xung hữu đột, đôi búa vung lên tới tấp, đi đến đâu quân giặc tản ra đến đấy, làm cho thế trận chuyển bại thành thắng. Phủ Nhâm đứng trên cao quan sát mặt trận, chỉ tay bảo Bạch Công Thắng:
- Viên tướng kia thật là kiêu dũng, không trị đi tất lo ngại cho ta.
Đoạn hạ lệnh cho quân sĩ cung nỏ xông vào ứng chiến. Tư Chiềng đang ham đánh, bỗng thấy giặc rản vòng vây lui vào trong rừng, rồi tên ở đâu phóng ra như mưa. Tư Chiềng hết sức đỡ gạt hồi lâu, kiệt sức bị tên cắm vào người như lông nhím, kêu to lên một tiếng ngã lăn xuống ngựa chết. Thương thay! Năm ấy chàng mới có 45 tuổi.
Phủ Nhâm cả mừng truyền siết chặt vòng vây, nhất quyết bắt sống cho được vua Đại Hành.
Cam Mộc được tin Tư Chiềng chết rồi, giật mình kinh sợ, hô hào các tướng hết sức bảo vệ hoàng thượng, mở một đường máu để chạy.
Thiên Tường liều chết vào cướp được thây cha, vừa phá được vòng vây ra, thì gặp Ngô Ban và Phủ Thiềm đến. Thiên Tường cố sức đánh với hai người, đang mười phần nguy cấp, chắc sẽ chết. Chợt một tướng phi ngựa như bay đến thét to:
- Chạy mau, mặc ta cự với giặc.
Thiên Tường mừng quá gọi ầm lên:
- Lý huynh, cứu em với.
Lý Công Uẩn để cho Thiên Tường chạy thoát, một mình đánh hai người rất hăng hái, cát bụi bay mù, quân sĩ đứng ngoài trợ chiến, reo hò ầm ĩ. Công Uẩn càng đánh càng hăng, ngọn thương lấp loáng như hoa lê rụng, đỡ trên gạt dưới, khiến cho hai người kia phải khen thầm, Phủ Nhâm trông thấy giật mình nói:
- Tướng Lê nhiều tay cừ khôi thật! Không dùng độc thủ không được.
Đoạn gọi Công Nghĩa lên dặn nhỏ vài câu. Công Nghĩa vâng lệnh sai quân mang câu liêm và thừng chảo đi tắt đường, đến gò Lạc Đạo ở ngã ba con đường đi Phi Long sơn và Lãng Trung, mai phục ở đó. Ngô Ban và Phủ Thiềm rút quân lui. Công Uẩn không dám đuổi, quay đầu ngựa chạy. Qua ngang gò Lạc Đạo, câu liêm ở trong bụi thò ra móc chân ngựa ngã, Công Uẩn bất thần bị hất tung xuống đất. Một tướng xông ra hoa đao chém xuống. Công Uẩn trừng mắt nhìn, bỗng kêu to:
- Ô kìa! Hiền đệ.
Công Nghĩa dừng tay đao, nhận ra Lý Công Uẩn mừng rú lên:
- Lý huynh!
Đoạn chàng ôm Công Uẩn dậy, nghẹn ngào nói:
- Trời ơi! Một chút nữa thì em giết nhầm anh. Ở sa trường không phải là nơi chuyện trò, anh lên ngựa đi ngay.
Công Uẩn nhẩy lên ngựa, cầm tay Công Nghĩa nói:
- Em về với anh giúp nhà Lê có hơn không?
- Đã ăn lộc chủ, phải trung thành với chủ. Không lẻ lại bội nghĩa quên ân được sao.
Thôi, anh chớ lần chần ở đây mà bị hại. Chạy nhanh đi.
Công Uẩn gật đầu, phóng ngựa đi tìm Cam Mộc.