Ðấng Christ Xây Dựng Hội Thánh
"Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá nầy" ( Ma-thi-ơ 16:18 )

Nơi nào công trình của Chúa cần được thực hiện, sau khi Ngài từ giã thế gian, Chúa đều có dự bị sẵn.  Ngài đã lập Hội Thánh ( Ma-thi-ơ 16:18) và đã sai Ðức Thánh Linh xuống để ban quyền phép cho Hội Thánh ( Giăng 15:26).  Ðiều nầy có nghiã là Hội Thánh là một tổ chức thiên thượng, được cưu mang, hoạch định và ủy nhiệm bởi Ðức Chúa Trời.
Danh từ "Hội Thánh" đã được dùng trong Kinh Thánh Tân Ước với hai nghiã.  Danh từ nầy thường chỉ một giáo hội địa phương, nhưng trong vài trường hợp lại chỉ toàn thể tín đồ.  Trong chương nầy, chúng ta thảo luận về Hội Thánh như là một giáo hội điạ phương, nhưng tuy vậy, hai nghiã của danh từ không luôn luôn được phân định rõ rệt.
I.  Tính Chất Của Hội Thánh:
Hội Thánh là gì?  Trong Kinh Thánh Tân Ước, danh từ nầy không bao giờ được dùng để chỉ một cơ sở vật chất.  Và nó cũng không có nghiã là một tổ chức quốc gia, hoặc có tính cách phổ thông khắp thế giới.  Theo nghiã địa phương, thì danh từ Hội Thánh có thể được định nghiã vắn tắt là một đoàn thể các tín đồ đã chịu phép báp têm, tình nguyện hợp tác trong những giao thiệp có tính cách thệ ước, và tổ chức thể theo mẫu mực do Kinh Thánh Tân Ước qui định, cùng sống trong sự vâng phục Ðấng Christ là nhà lãnh đạo tối thượng của Hội.
Theo định nghiã vắn tắt nầy, vài đặc tính của Hội Thánh chân chính đã được nêu ra.  Ðó là một đoàn thể.  Tiếng Hy lạp chỉ Hội Thánh có nghiã là gọi ra ngoài.  Nguyên sơ danh từ nầy đã chỉ sự tập hợp dân chúng được gọi ra khỏi nhà và sở làm của họ, để tham gia những lợi ích công cộng.
Chúa chúng ta đã dùng chữ " Hội Thánh" để chỉ đoàn thể gồm các môn đồ Ngài.  Họ là những người đã được gọi ra ngoài.  Nhưng không phải mỗi đoàn thể dân chúng nào cũng là một Hội Thánh là đoàn thể của những người tin Chúa.
Chỉ có những người tin Chúa mới là hội viên của Hội Thánh.  Nhưng không phải đoàn thể những người tin Chúa nào, cũng lập thành Hội Thánh.  Phải là đoàn thể của những người tin Chúa đã chịu phép báp têm.
Kinh Thánh Tân Ước chỉ chép Hội Thánh của những người tin Chúa đã làm phép báp têm.  Nhưng không phải mỗi đoàn thể những người tin Chúa đã làm phép báp têm nào cũng có thể được gọi là Hội Thánh.  Phải là một đoàn thể tổ chức theo mẫ mực đã qui định trong Kinh Thánh Tân Ước.  Tuy nhiên, một Hội Thánh chân chính còn đòi hỏi nhiều điều hơn thế nữa.
Hội Thánh là một đoàn thể những người tin Chúc đã làm phép báp têm, tình nguyện hợp tác trong những giao thiệp có tính cách thệ ước, thể theo mẫu mực do Kinh Thánh Tân Ước qui định và nguyện vọng vâng phục Ðấng Christ, vị lãnh đạo tối cao của Hội.  Một Hội Thánh chân chính là một cơ thể hoạt động, một tổ chức hành động.
1)  Một cơ quan hằng sống
Một  trong những hình ảnh gợi ý nhất đã được dùng để chỉ Hội Thánh là hình ảnh của một cơ thể mà Ðấng Christ là đầu não: " Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Ðấng Christ và ban cho Ðấng Christ làm đầu Hội Thánh.  Hội Thánh là thân thể của Ðấng Christ" (Ê-phê-sô 1 22:33). " Chính Ngài là đầu của thân thể tức là Hội Thánh" (Cô-lô-se 1:18).  " Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không làm một việc giống nhau, thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Ðấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau" ( Rô-ma 12:4-5).
Hình ảnh Hội Thánh là cơ thể của Ðấng Christ, đã được mô tả đầy đủ hơn, trong I Cô-rinh-tô 12 12-27.  Vì cơ thể gồm có nhiều bộ phận nhỏ lớn khác nhau và không cùng một nhiệm vụ,  nhưng cả thảy đều cùng hoạt động chung nhau, cho nên Hội Thánh cũng gồm nhiều hội viên, không cùng một tuổi tác và khả năng nhưng đều chung làm việc dưới sự lãnh đạo của Ðấng Christ.
Ðiều nầy có nghiã là Hội Thánh hơn cả một tổ chức; đó là một cơ quan, một cái gì hằng sống.  Là cơ thể của Ðấng Christ, Hội Thánh là môi giới để Ðấng Christ thực hiện công trình Ngài thế gian.
2)  Ðền thờ thuộc linh
Nói với Hội Thánh ở Cô-rinh-tô, Phao lô đã viết: " Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Ðức Chúa Trời, và Thánh Linh của Ðức Chúa Trời ở trong anh em sao?"  ( I Cô-rinh-tô 3:16).  Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta có đền thờ làm bằng vật liệu, đền thờ xây cất bằng gỗ và đá.  Trong Kinh Thánh Tân Ước chúng ta có đền thờ thiêng liêng làm bằng đá hằng sống, những con người nam và nữ đã được cứu chuộc: " Và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng" ( I Phi-e-rơ 2:5).
Ðền thờ vật chất đã được xây cất để làm chỗ ngự cho Ðức Chúa Trời.
Về đền thờ mà mình đã xây dựng, Sa-lô-môn đã nói: " Ðức Giê-hô-va đã phán rằng, Ngài sẽ ngự trong nơi tối thẳm.  Nhưng tôi đã cất một cái đền cho Chúa trú ngụ, một nơi cho Chúa ở đời đời" ( II Sử ký 6: 1-2).
Ðức Chúa Trời đã hứa rằng Ngài sẽ ngự trong đền thờ nầy: " Bấy giờ có lời của Ðức Giê-hô-va phán với Sa-lô-môn rằng.  Về nhà nầy mà ngươi đang xây cất, nếu ngươi vâng theo các luật lệ ta, noi theo các mạng lệnh ta, giữ và đi mạng lệnh ta, giữ và đi trong hết thảy các đều răn của ta, thì ta sẽ vì ngươi làm hoàn thành lời ta đã hứa cùng Ða-vít, cha ngươi.  Ta sẽ ngự giữa dân Y-sơ-ra-ên, chẳng hề bỏ Y-sơ-ra-ên, là dân ta" ( I Các vua 6:11-13).
Vì là nơi ngự của Ðức Chúa Trời, đền thờ phải được giữ gìn một cách thánh khiết.  Ở Giê-ru-sa-lem, Ðức Chúa Jêsus đã có dịp tẩy uế đền thờ hai lần.  Chắc chắn rằng Ngài cũng nhiệt thành gìn giữ đền thờ thuộc linh của Ngài thánh khiết: " Ví có ai phá hủy đền thờ của Ðức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Ðức Chúa Trời là thánh, chính anh em là đền thờ" ( I Cô-rinh-tô 3:17).
Trong đền thờ thời Cựu Ước, có một số người được đặc trách làm thầy tế lễ, phục sự trước mặt Chúa.  Ðó là một đặc ân mà chỉ có một số được hưởng.  Nhưng trong Hội Thánh thời Tân Ước, tất cả đều là những thầy tế lễ cho Ðức Chúa Trời: " Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ðức Chúa Trời" ( I Phi-ơ-rơ 2:9); "...và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Ðức Chúa Trời là Cha Ngài" ( Khải huyền 1:6).
Một trong những công việc của thầy tế lễ là dâng của lễ thiêng liêng.  Vì thế Phi-ơ-rơ đã nói: " Và anh cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Ðức Chúa Trời" ( I Phi-ơ-rơ 2:5).  Sự dâng của lễ trong một đền thờ thuộc linh là sự dâng tế lễ thiêng liêng.  Sự dâng tế lễ đó có những gì?
(1) Sự dâng hiến một tấm lòng đã tan vỡ và hối hận
Ða-vít đã nhận chân rằng:  " Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng;  Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa:  Của lễ đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương;  Ðức Chúa Trời ôi!  Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu"  ( Thi-thiên 51:16-17).  Chúa không nhận của lễ nào khác đâu, cho đến khi có sự hiến dâng một tấm lòng tan vỡ và ăn năn.
(2)  Sự dâng hiến lời ngợi khen
Trong Hê-bơ-rơ13:15, chúng ta có đoạn khuyến cáo nầy:  " Vậy, hãy cậy Ðức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Ðức Chúa Trời, nghiã là bông trái của môi miếng xứng danh Ngài ra."
(3)  Sự hiến dâng những hành động tốt đẹp
Tiếp theo, cũng trong Hê-bơ-rơ 13:16, chúng ta đọc; " Chớ quên việc lành và lòng bố thí, vì sự tế lễ dường ấy đẹp lòng Ðức Chúa Trời."
(4)  Sự hiến dâng trọn vẹn cuộc đời
Một trong những câu Kinh Thánh quen thuộc là Rô-ma 12:1 : " Vậy, hỡi anh em tôi lấy sự thương xót của Ðức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em."
II.  Sự tổ chức một Hội Thánh
Những mẫu mực tổ chức một Hội Thánh theo Kinh Thánh Tân Ước như thế nào?  Có hai đặc điểm chính yếu:
(1)  Sự gia nhập tình nguyện
Một Hội Thánh gồn có những người tình nguyện gia nhập.  Không có ai là hội viên củ hội Thánh khi sanh ra.  Và không có ai được đưa vào Hội Thánh trái với ý muốn của họ.  Mỗi người tự ý lựa chọn và quyết định.  Kẻ khác có thể tìm cách gây ảnh hưởng và giúp đỡ trong sự lựa chọn, nhưng sự quyết định tuỳ thuộc mỗi người.
(2)  Sự bình đẳng về đặc ân
Trong một Hội Thánh mỗi tín hữu có quyền lợi và đặc ân bằng nhau.  Người già, người trẻ, kẻ giàu người nghèo, người có học hay dốt nát, đều được hoàn toàn bình đẳng.  Một vài người, nhờ khả năng và sự trau luyện sẽ trở nên bậc chỉ đạo; nhưng không thể hành quyền trên các anh em của họ.
(3)  Tánh cách tự trị
Một Hội Thánh là một đoàn thể tự trị.  Không có cá nhân hay tổ chức nào đứng trên và có quyền chỉ huy Hội Thánh cả.  Mỗi Hội Thánh, dưới quyền Ðức Chúa Trời, tự điều dẫn công việc mình không để kẻ khác ngăn trở.  Và trong  Hội Thánh không có cơ quan cai trị.  Quyền cai trị thuộc về các hội viên, nhưng lúc nào cũng thể theo quyền uy thiên thượng.  Những vấn đề thuộc về tổ chức hay chánh sách được qui định bởi sự biểu quyết của toàn thể hội chúng, dưới sự hướng dẫn của Ðức Thánh Linh.
2)  Một tổ chức độc lập
Một Hội Thánh có thể hiệp tác với những Hội Thánh khác đồng phái, nhưng công việc riêng của hội không khi nào để cho các hội khác kiểm soát.
(1)  Trong sự giao thiệp với các Hội Thánh  khác
Không  có Hội Thánh nào, dù cho phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng nhiều đến đâu, lại có một quyền uy nào đối với Hội Thánh khác, dầu Hội Thánh nầy có thể rất nhỏ bé.  Không có nhóm Hội Thánh nào có thể bảo một Hội Thánh khác những gì hội nầy phải làm hoặc không nên làm.  Họ có thể cho ý kiến, nhưng sự quyết định công việc phải làm là do từng Hội Thánh tự liệu.
(2)  Trong sự giao thiệp với các tổ chức đồng phái
Có những hiệp hội và nghị hội trong đó những đại diện của các Hội Thánh gặp nhau để trao đổi ý kiến và bàn định sự hợp tác, nhưng những tổ chức nầy không có quyền uy gì trên Hội Thánh địa phương.
Hợp tác chứ không phải bắt buộc, đó là nguyên tắc hướng dẫn các Hội Thánh và cũng nhờ nguyên tắc ấy mà các Hội Thánh đó liên lạc nhau chặt chẽ trong tình thân hữu và sự hầu việc Chúa.  Dĩ nhiên là phải có sự đồng ý trong giáo lý và thực hành, vì " Nếu hai người không đồng ý với nhau, thì há cùng đi chung được sao?" ( A-mốt 3:3).
(3)  Trong sự giao thiệp với chính quyền dân sự
Chính quyền quốc gia không kiểm soát bất cứ Hội Thánh hoặc tổ chức tôn giáo nào.  Không có Hội Thánh hoặc tổ chức tôn giáo nào có quyền uy đối với chính quyền.  Hai bên đều có những địa hạt khác nhau, nên cần giữ cách biệt và riêng biệt nếu vấn đề hợp nhất được đặt ra.
Nhưng Hội Thánh và chính quyền có những quyền lợi cần được tôn trọng.  Ðức Chúa Jêsus đã phán: " Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa và trả cho Ðức Chúa Trời vật gì của Ðức Chúa Trời" ( Ma-thi-ơ 22:21).  Tín đồ của Hội Thánh phải là những công dân tốt trong một quốc gia, biết tuân theo luật pháp của chính quyền, nếu những luật pháp ấy không xâm phạm luật pháp của Ðức Chúa Trời.  Và chính quyền bảo vệ các Hội Thánh cùng những hoạt động của Hội, nếu Hội không hoạt động trái với quyền lợi quốc gia.
III.  Các Chức Viên Trong Một Hội Thánh
Hai chức viên trong Hội Thánh được ghi chép trong Tân Ước, là mục sư và chấp sự.  Trong I Cô-rinh-tô 12:28, Phao-lô nói: " Ðức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bệnh, cứu giúp, cai quản, nói nhiều thứ tiếng."  Tuy nhiên, những nhân vật vừa kể là những người đã được ban phó những ân tứ đặc biệt, để phụng sự đặc biệt, chứ không phải là những chức viên trong Hội Thánh.
1)  Mục sư
Danh từ nầy ngày nay đã trở nên thông dụng, nhưng Kinh Thánh Tân Ước chỉ nói đến có một lần: " Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư" (Ê-phê-sô 4:11).  Trong Kinh Thánh Tân Ước, vị mục sư được gọi là trưởng lão hoặc " giám mục" nghĩa là người coi sóc tất cả.  Vì thế chúng ta có ba danh từ để chỉ một chức vụ:  mục sư, trưởng lão và giám mục.
Có người cho rằng có lẽ các tín đồ Báp-tít, tiền nhân của chúng ta đã bỏ không dùng danh từ " giám mục" hoặc " trưởng lão" vì có người đã dùng những danh từ nầy, sai lạc với ý nghĩa ghi chép trong Kinh Thánh, và đã dùng danh từ " mục sư" nghĩa là người chăn chiên, vì danh từ nầy chưa bị dùng sai.
Trong các Hội Thánh vào thời Tân Ước, hình như có hơn một mục sư trong một Hội Thánh.  Nhưng có bao nhiêu người, chúng ta không được biết.  Số mục sư có lẽ được ấn định tùy theo Hội Thánh lớn hay nhỏ.  Lúc viết thơ ngỏ cùng các Hội Thánh Phao lô luôn luôn  dùng số nhiều khi chỉ chức vụ nầy:  " Gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Ðức Chúa Jêsus Christ, ở thành Phi-líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự" ( Phi-líp 1:1).
Khi Phao-lô ghé lại thành Mi-lê, " Bèn sai người đi tới thành Ê-phê-sô mời các trưởng lão trong Hội Thánh đến" ( Công-vụ-các-sứ-đồ 20:17).
(1) Phẩm cách mục sư
Ðiều nầy đã được trình bày trong I Ti-mô-thê 3:1-7 và Tít 1:6-9 gồm có tánh tình đứng đắn, danh tiếng tốt, tài dẫn đạo và giáo huấn.  Nói tóm lại, một mục sư phải có khiếu bẩm sinh, nhờ ân điển và huấn luyện.  Ðó là một tiêu chuẩn cao đẹp mà ai không cố gắng đạt tới, thì không thể nào chiếm được chỗ tốt đẹp trong chức vụ nầy.
(2)  Bổn phận của mục sư
Bổn phận của mục sư bao hàm trong danh hiệu của chức vị đó.  Mục sư được gọi là " trưởng lão" nghĩa là gìa hơn.  Danh hiệu nầy chỉ sự kinh nghiệm và sự đáng tôn kính.  Danh hiệu " giám mục" chỉ sự trông nom coi sóc.  Giám mục trông coi một Hội Thánh, dẫn đạo và điều hòa công việc của hội.  "Mục sư" nghĩa là người chăn chiên.  Người chăn chiên dìu dắt, cho ăn và bảo vệ đàn chiên của mình.  Người chăn chiên tìm kiếm những con chiên lạc và giúp đỡ yếu kém, bơ vơ.  Vì thế mục sư là giảng sư, giáo sư, nhà lãnh đạo và cố vấn.
(3)  Sự cung dưỡng mục sư
Phao lô nhấn mạnh về sự các mục sư phải được cung dưỡng xứng đáng của những người mà họ giúp việc.  Ngỏ lời với Hội Thánh ở Cô-rinh-tô, ông đã nói: " Anh em há chẳng biết rằng ai hầu việc thánh thì ăn của dâng trong đền thờ thì có phần nơi bàn thờ sao?  Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành: ( I Cô-rinh-tô 9: 13-14).
Khi Chúa chúng ta sai các môn đồ đi rao giảng và giúp đỡ dân chúng.  Ngài bảo họ không nên đem tiền bạc theo mình: " Vì người làm công đáng được tiền lương mình" ( Lu-ca 10:7).  Mục sư " không ham tiền bạc" ( Ti-mô-thê 3:3), nhưng phải được cung dưỡng xứng đáng bởi các người mà họ giúp việc.
2)  Chấp sự
Danh từ " chấp sự" nghĩa là giúp việc hay làm công.  Nghĩa gốc chỉ người nào giúp việc trong nhà, cho quốc gia hay trong Hội Thánh.  Nhưng theo thời gian, danh từ đã biến nghĩa và chỉ những người đã được lựa chọn để làm những công việc đặc biệt ở Hội Thánh.  Mục sư và chấp sự thường được nói đến chung nhau trong Kinh Thánh Tân Ước: " Gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Ðức Chúa Jêsus Christ, ở thành Phi-líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự" ( Phi-líp 1:1).  Phao lô nói đến hai chức vị liền nhau khi nói đến phẩm cách của họ ở chương ba của I Ti-mô-thê.
(1)  Nguồn gốc của chức vụ
Chúng ta tìm thấy những chuyện nói về nguồn gốc chức vụ của chấp sự trong chương sáu của sách Công-vụ- các-sứ-đồ, mặc dù danh từ chấp sự không được nêu ra.  Họ có cả thảy bảy người, nhưng thế không có nghĩa là mỗi Hội Thánh phải có đúng bảy người thôi.  Số lượng chấp sự tuỳ phạm vi lớn nhỏ của Hội Thánh.  Ðối với vài Hội Thánh thì ba đến bốn chấp sự có thể đủ, trong khi năm mười chấp sự không thể coi là quá nhiều đối với những Hội Thánh khác.  Những chấp sự đầu tiên đã được toàn thể hội chúng chọn lựa và được các sứ đồ để riêng ra đặng hầu việc bởi sự đặt tay và cầu nguyện.
(2)  Phẩm cách chấp sự
Phẩm cách của chấp sự đã được bày tỏ trong sách Công-vụ 6:3 và trong I Ti-mô-thê 3:8-13.  Phẩm cách chấp sự rấp giống phẩm cách của giám mục.  Ðạo đức và một thanh danh chói rạng là những  điểm chính của một chấp sự.  Lẽ dĩ nhiên là còn những đức tính khác như sự khôn khép trong công việc và tài lãnh đạo; nhưng dù cho một người có nhiều phẩm cách đến đâu mà thiếu đạo đức thì không xứng đáng làm chấp sự.
(3)  Bổn phận của chấp sự
Ðiều nầy Tân Ước không có qui định rõ ràng.  Những chấp sự đầu tiên, đã được chọn lựa, để quản trị tài chánh của hội, để cho các sứ đồ có thể có nhiều thì giờ cầu nguyện và truyền giảng lời Chúa.  Nhưng họ cũng là người lãnh đạo tinh thần của Hội Thánh.  Ðiều nầy được chứng minh bởi tiêu chuẩn đạo đức cần phải có.
Trong mọi hoạt động của Hội Thánh, chấp sự là người phụ lực của mục sư.  Hẳn nhiên là bổn phận của chấp sự không phải chỉ có việc trao những dĩa đựng tiền dâng và giúp ở bàn ăn của Chúa.
IV  Những nghi lễ trong Hội Thánh
Trong các Hội Thánh vào thời Tân Ước, có hai lễ thức sau đây được gọi là "nghi lễ".  Những nghi lễ nầy không có khả năng cứu rỗi và tự nó không có quyền năng ban phúc lãnh.  Ðó chỉ là sự biểu trung của nhiều chân lý quan trọng, cần được thực hiện cách trung thành thể theo mệnh lệnh của Chúa.
1)  Lễ báp têm
Nghi lễ nầy đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trong suốt những năm qua, một phần lớn bởi nhiều người quan niệm nó theo các tác văn của loài người, thay vì theo Tân Ước.  Vậy Kinh Thánh đã nói gì?
(1) Nguồn gốc
Lễ báp têm đã được thực hiện lần đầu tiên bởi Giăng Báp tít, người đã được uỷ thác nhiệm vụ thiên thượng: " Có một người Ðức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng: (Giăng 1:6).  Ðức Chúa Trời đã sai Giăng đến chẳng những để rao giảng về sự ăn năn để  được tha tội, mà còn để làm phép báp têm cho những người đã ăn năn rồi, như một hình thức bên ngoài, tượng trưng cho sự thay đổi bên trong: " Nhưng Ðấng sai ta làm phép báp  têm bằng nước" ( Giăng 1:33).
Ðức Chúa Jêsus đã thừa nhận nghi lễ bằng cách chịu người làm phép báp têm, như đã ghi chép trong Ma-thi-ơ 3 13-17, và bởi mạng lệnh Ngài đã phán cùng các môn đồ, khi giã từ: " Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Ðức Cha, Ðức Con và Ðức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ" ( Ma-thi-ơ 28:19).
Ấy vậy, chịu phép báp têm là một hành động tình nguyện của cá nhân, tuân theo lời phán dạy của Chúa mình.
(2)  Cách thức
Phép báp têm là sự dìm mình trong nước.  Ðó là nghĩa của chữ báp têm theo nguồn gốc Hy-lạp.  Và đó là hành động duy nhất, đúng theo lời mô tả trong Tân Ước: " Rồi cả hai đều xuống nước, và Phi-líp làm phép báp têm cho hoạn quan.  Khi ở dưới nước lên, thì Thánh Linh của Chúa đem Phi-líp đi" ( Công vụ 8:38-39).  Những lời nầy mô tả sự dìm mình trong nước.
Phao lô diễn tả phép báp têm như một sự chôn cất và sống lại: " Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp têm trong sự chết Ngài, hầu cho Ðấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.  Vì nếu chúng ta làm một cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ làm một cùng Ngài bởi sự sống lại" (Rô-ma 6:4-5).
(3) Người nào có thể chịu phép báp têm
Chỉ riêng những người tin Chúa mới chịu phép báp têm.  Ðiều nầy đã được chứng dẫn bằng những ví dụ và giáp điều trong Tân Ước.  Tân Ước không có ghi chép lễ báp têm cho những người không tuyên bô mình sẽ tin Chúa.
Sự cần thiết phải tin nhận Ðấng Christ như một điều kiện tiên quyết của phép báp têm đứng đắn, đã được chứng giải trong câu chuyện những người  ở thành Ê-phê-sô, có ghi chép trong sách Công-vụ 19:1-5.  Những người nầy đã chịu lễ báp têm của Giăng, nhưng hiển nhiên là không có đức tin cứu chuộc nơi Ðấng Christ.  Khi họ được hướng dẫn tin tưởng thật sự vào Ðấng Cứu Thế, họ bèn chịu phép báp têm nhân danh Chúa Jêsus.  Hành động thứ nhất không phải là phép báp têm thật sự, vì đó không phải là phép báp têm của người tin Chúa.
(4) Sự tượng trưng
Có ba chân lý tượng trưng trong nghi lễ báp têm.  Lễ nầy nhắc lại sự chôn và sống lại của Chúa, đồng thời tuyên bố sự từng trải đổi mới trong đời sống tín đồ, sự chết của con người cũ tội lỗi, và sự sống lại của một con người mới trong Chúa.  Lễ nầy còn bày tỏ niềm hy vọng tốt lành về sự sống lại vinh hiển của thể xác, lúc Chúa tái lâm.
2) Tiệc Thánh của Chúa
Nghi lễ nầy cũng là đầu đề cho nhiều cuộc tranh biện, cả trong ý nghĩa và thực hành.
(1) Một lễ thức để ghi nhớ
Tiệc Thánh đã được Chúa thiết lập ở phòng trên cao trước khi Ngài chết trên thập tự giá.  Buổi lễ đã được cử hành để ghi nhớ cái chết cứu chuộc của Chúa.  Khi đưa mẫu bánh mì cho các môn đồ, Ngài đã phán: " Hãy lấy ăn đi nầy là thân thể ta: (Ma-thi-ơ 26:26).  Và khi đưa chén cho họ, Ngài lại phán:  " Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội: ( Ma-thi-ơ 26:27-28).
Bánh mì và rượu nho tự nó không có hiệu lực thiêng liêng gì; nhưng đó là kỷ niệm ghi nhớ thân thể gãy vỡ và máu huyết tuôn đổ của Ðấng Cứu Thế.  Mục đích cao cả của sự giữ đúng nghi lễ nầy là rao giảng sự chết của Chúa chúng ta: " Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến" ( I Cô-rinh-tô 11:26).
(2) Một nghi lễ của Hội Thánh
Tiệc Thánh của Chúa là một nghi lễ của Hội Thánh, cần được giữ đúng với sự tham gia của những người đã nhận chịu các điều kiện ghi truyền trong Tân Ước--- đức tin được cứu rỗi, chịu phép báp têm và làm tín hữu trong Hội Thánh.
3) Trọng tâm của Tin Lành
Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh" ( I Cô-rinh-tô 15:1-4).  Ðể bảo toàn chân lý mà nó tượng trưng, những nghi lễ phải được giữ đúng theo mẫu mực ghi chép trong Tân Ước.
V.  Công việc của Hội Thánh
Ðấng Christ đã thiết lập Hội Thánh như một trung gian để thực hiện công trình Ngài ở thế gian.  Hội Thánh phải giải quyết mọi nhu cầu của loài người, nhưng công việc chính của Hội Thánh là rao giảng Tin Lành cho toàn thế giới.  Công việc của Hội thánh vì thế có tánh cách vừa địa phương, vừa phổ cập khắp thế gian.  Ðức Chúa Jêsus đã phác họa công việc của Hội Thánh khi Ngài phán: " Và làm chứng cho ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất" ( Công-vụ 1:8).  Họ đã bắt đầu trong nhà, nhưng đã không ngừng nơi đây.  Vào một dịp khác Chúa Jêsus đã phán: " Ruộng là thế gian," ( Ma-thi-ơ 13:38).
1) Trong dân chúng sở tại
Một Hội Thánh thực hiện công việc của mình trong dân chúng sở tại bằng cách tổ chức sự thờ phượng công cộng và giúp đỡ những nhu cầu của dân chúng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần luôn luôn phải được chú trọng nhiều hơn.
Hội Thánh tìm cách đem kẻ hư mất đến chỗ từng trải sự cứu chuộc trong Ðấng Christ, bằng cách rao giảng Tin Lành và bằng cách sự cá nhân chứng đạo.  Hội Thánh vươn tay giúp đỡ những người thiếu thốn, cả trong lẫn ngoài hội.  Hội Thánh cố gắng bảo tồn tiêu chuẩn luân lý cao đẹp, xây dựng sự công nghĩa và công bình trong mọi sự giao tiếp của đời sống.
Hội Thánh địa phương chỉ làm nhiệm vụ mình cách mỹ mãn bằng sự duy trì một tiêu chuẩn cao đẹp cho đời sống các giáo hữu trong hội.  Hội Thánh không thể chiến thắng được thế gian bằng cách thỏa hiệp với thế gian.  " Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế" (II Cô-rinh-tô 6:17).  Vì sự sống còn của Hội Thánh và công việc mình, Hội Thánh duy trì một kỷ luật đúng đắn.  Mỗi Hội Thánh phải cố gắng giúp đỡ các giáo hữu đạt đến tiêu chuẩn Ðức Chúa Jêsus Christ đã đề ra.
Phao lô đã diễn tả cách kỳ diệu quyền năng của Hội Thánh trong sự thờ phượng Chúa trong I Cô-rinh-tô 14:23-25: " Vậy, khi cả Hội Thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói tiếng lạ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?  Song nếu ai nấy đều nói tiên tri mà người chẳng tin hoặc kẻ tầm thường vào nghe, thì họ sẽ bị mọi người bắt phục, và bị mọi người xét đoán, sự kín giấu trong lòng họ đã tỏ ra; họ bèn sấp mặt xuống đất, thờ lạy Ðức Chúa Trời, và nói rằng thật có Ðức Chúa Trời ở giữa anh em. "
(2)  Trong thế giới
Thi hành sứ mạng của mình trong thế giới, mỗi Hội Thánh hợp tác với các Hội Thánh đồng phái, để gởi Tin Lành cho tất cả quốc gia và giúp đỡ những quốc gia nầy, trong những nhu cầu của họ.  Ðó là nghĩa của hiệp hội và nghị hội.
Khi những đại diện các Hội Thánh gặp nhau ở Augusta thuộc tiểu banh Georgia, vào tháng 8, 1845 để thành lập Liên Nghị hội Báp tít Nam phương Hoa kỳ họ đã bày tỏ mục đích lập hội như sau: " Ðể thực hiện những ý định tốt lành của các hội viên bằng cách vạch một chương trình phát triển phối hợp và điều dẫn năng lực của toàn thể giáo phái trong một cố gắng thiêng liêng truyền bá Tin Lành."
Chỉ nhờ sự hợp tác như thế mà các Hội Thánh nói trên, mới có cơ thực hiện một cách hữu hiệu nhất, chương trình Chúa đã vạch ra.  Hội Thánh hợp tác như vậy phải đào tạo cán bộ trong mọi lãnh vực, và cung cấp phương tiện thực hiện những công việc phải làm.  Vì thế cần phải thành tín trong sự cầu nguyện, trong đời sống và trong sự quản trị tài sản vật chất.