Người lạ


Người hóa hổ

     gười Mèo gồm có hai loại khác nhau: Mèo Trắng và Mèo Đen. Giống này không được sạch sẽ bằng giống trên. Họ có cái tục rất lạ và rất bẩn là cái tục nằm tro. Vì sinh trưởng trên ngọn núi cao, quanh năm giá rét, họ phải vào rừng ngả gỗ lim về đốt thành tro rải nằm cho ấm. Trên mỗi ổ tro có phủ một lần vỏ sui làm nệm nhưng, mỗi lần họ ở ổ ra, người nào người ấy mặt mũi vẫn lấm lem gớm chết.
Giống Mèo Đen lại thường có những chi họ cứ cách vài đời phải một người hóa hổ, tức như câu chuyện sau đây, tôi thuật đúng lời ông Hội Cảnh đã nói cho nghe. Chuyện cũng lạ, dễ gợi cho ta những nỗi kinh hoàng vơ vẩn, đối với cái đại bí mật của sơn lâm.

 

Về tổng Lan Can, trong một động Mèo Đen kia, có một nhà nghèo: một mẹ già, hai vợ chồng và một đứa con thơ mới độ mười bảy, mười tám tháng.
Bà mẹ tuổi đã già lắm; đầu lơ phơ mấy sợi tóc sương; răng móm sạch; quai hàm dưới đưa sát lên hàm trên, làm cho khổ mặt đã ngắn càng ngắn thêm. Hai má trũng, đổ vừa hai chén nước. Da mặt dăn như mặt ruộng cày. Mắt hoắm vào, kèm nhèm, dấp dính. Cặp môi mím chặt lại, kéo dài ra thành một nét ngậm ngùi, đau khổ. Chân tay khẳng khiu; lưng còng; dáng đi lẩy bẩy tự hồ không còn đủ sức mang cái gánh nặng của năm tháng chồng chất lên mình.
Con trai bà lão độ ba mươi, hình thù cũng xấu xí như mẹ. Anh ta cử động chậm chạp, ít nói, vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lùng. Ăn mặc bẩn thỉu, áo quần hàng nửa tháng anh ta chưa buồn thay. Hai hàm răng anh cáu bẩn, môi anh ướt nhớp nháp, lúc nào cũng ngậm cái điếu can bằng đất. Vợ anh ta thì thấp bé xủn xoẳn, nét mặt choắt vì cái khăn quấn hàng chục vòng quanh mái tóc. Mắt nhỏ tí, sáng lấp lánh như mắt dơi. Quanh năm, chị ta mặc cái áo xanh dài quá gối, ngoài khoác cái áo bông ngắn cụt tay. Hai cổ chân tù hãm trong đôi kha cặt trắng, bàn chân to như lưỡi cày, xù xì da cóc. Chị ta cũng như chồng, lầm lầm ít nói. Có chăng những lúc đùa giỡn cùng con, chị mới nhoẻn miệng cười.
Cái không khí trong gia đình ấy lạnh lùng, u ám quá! Tuy cùng chung một máu mủ, cùng sống dưới một nóc nhà, vậy mà mẹ, con, chồng, vợ, bà, cháu đối với nhau bỡ ngỡ như những người xa lạ, tình cờ gặp nhau trong một quán trọ bên đường. Ngoài những lúc làm lụng và hai bữa ăn, ai ngồi đâu ngồi đấy, hàng trống canh không nói một lời. Cái phần đời tình cảm hình như bị họ vùi sâu xuống đáy lòng. Mà, phỏng thử, trong gia đình ấy chẳng may có người nào bị tai nạn, bị ốm đau mà chết, những giọt lệ thương của những người kia có khi chảy vào trong. Tuy vậy, chắc hẳn họ cũng tin ở nhau về mối tình thân yêu ngấm ngầm ấy, chứ nếu không thì cuộc đời họ đìu hiu, tăm tối, cuộc đời chìm đắm giữa mây mù kia chằng thể nào có được.
Một buổi sáng, khi sắp cùng nhau đi làm cỏ nương, vợ hỏi chồng:
- Bà lại lên cơn nhiều thế, có nên để con ở nhà không?
Chồng, nghĩ ngợi một lát, đáp:
- Được, cứ để con ở nhà cho bà giữ. Trời nắng, đem nó theo không tiện; vả, nếu nó quấy thì ta còn làm lụng gì được.
Thế là nước bầu, cơm gói, hai vợ chồng thắt dao lên nương, để con ở nhà cho mẹ giữ.

 

Bấy giờ vào tiết tháng Ba, lúa ngô đã đủ lá; nếu không làm cỏ ngay e không được ăn. Nương thì xa mãi phía sau núi, phải vượt qua những khúc đường trâu chạy len lỏi trong rừng...
Dân Mèo là một dân phá núi rất dữ. Họ đến ở đâu, việc trước nhất của họ là hãy ngả đổ một cánh rừng xuống, phơi khô mấy nắng rồi châm lửa đốt cháy để lấy đất trồng mầu. Trên những bãi tro ấy, trong khoảng cây đã cháy đen, chẳng bao lâu đã hiện ra những nương ngô, lúa, nha phiến, đay, gai... Đến mùa sau, nếu những tro than đã bị mưa lũa sạch, còn trơ đất sỏi, thì họ lại phá lần sang những cánh rừng bên cạnh, hoặc dọn nhà đi nơi khác, sống một đời phiêu lưu...
Trên con đường hẻm, hai vợ chồng nhà nọ lẳng lặng cùng đi... Lẳng lặng đi, vì cả hai đều mải nghĩ. Vợ tỏ ra vẻ băn khoăn: nhà nghèo, nếu không làm thì đói. Mà, đi làm xa, giao con thơ cho mẹ già ốm yếu, chị chàng chẳng đành lòng. Tuy vậy, sự lo ngại của người vợ chưa thấm vào đâu, nếu đem so sánh với những ý gớm ghê nó đang xô xát trong trí người chồng. Thực vậy, cái bệnh mà mẹ anh ta phải đã năm sáu hôm nay, anh để ý xem thấy nó rất khác thường. Cứ như lời mẹ anh đã nói nhỏ cùng anh thì, sau mỗi cơn sốt, suốt mình bà đau nhức không sao chịu được. Những chỗ kín, tự nhiên mọc lên rất nhiều lông lá và ở cùng xương sống, nhòi ra một mẩu thịt mỗi ngày một dài thêm. Những ngón chân, ngón tay dần dần co quắp lại, móng dài ra và nhọn hoắt. Ghê hơn nữa là, chiều bữa qua, mẹ anh lên một cơn điên dữ dội, nó làm cho mắt bà sáng quắc, mồm sùi bọt; bà hung hăng gào thét, xé áo xé quần chán rồi nằm vật ra sàn, giẫy đành đạch. Cứ những triệu chứng ấy, đích là mẹ anh sắp hóa hổ. Ba đời về trước, trong họ bà già cũng có người hóa hổ, trốn vào rừng. Anh ta buồn rầu lắm, vừa đi vừa nghĩ vơ nghĩ vẩn...
Trời ơi, cuộc đời con người ta sống giữa thiên nhiên sao mà gieo neo, đon độc, luôn luôn bị những bệnh não, những lo sợ nó giày vò.
Anh ta hốt hoảng nhìn quanh: cảnh vật như biến đổi hẳn. Cả những cái rất thường cũng khiến anh đem lòng ngờ sợ. Nắng to làm khô cạn cả ngòi lạch, vàng úa cả hoa mầu; mưa lớn tràn ngập cả đồng áng, lở sụt cả núi non; bão táp vặn đổ cả cây cối, xiêu vẹo cả nhà cửa; sấm, chớp làm ù tai, hoa mắt, chết người, cháy rừng, hết thảy đều được anh coi như những vật có linh hồn, có cảm giác, rất huyền bí, rất hung tàn, đáng cho loài người phải kinh khiếp. Ngoài ra, thì nào hùm gấu, sài lang, rắn rết, đỉa vắt là những kẻ thù hằng ngày người ta phải đối địch để giữ lấy sinh mệnh của mình. Sau cùng đến cỏ rả, lau sậy thường lấn hiếp hoa mầu, luôn luôn định phá hoại những công cuộc bồ hôi nước mắt của người ta. Cả đến những cây to trong rừng, mỗi khi bị chém gần đổ, cũng biết rền rĩ lên để nguyên rủa kẻ vác rìu đẵn gốc. Thành thử quanh mình anh ta chỉ thấy rặt những mặt thù! Mà, phỏng thử một ngày kia, loài người bị mất tích trên địa cầu, thì “bọn cừu địch” nọ chắc sẽ vui mừng xiết kể.
Những ý nghĩ ghê gớm ấy, tuy vậy, chỉ lướt qua khối óc anh chàng, như một trận cuồng phong. Hết cơn thì trời lại quang, gió lại tạnh, cảnh vật lại bình tĩnh, êm đềm. Những dân tộc còn dã man có lẽ họ sướng hơn mình về chỗ không lo nghĩ ấy. Suốt đời, họ chỉ là những trẻ thơ.
Vào đến nương, anh Mèo Đen ngẩng đầu thấy bầu trời trong vắt, ánh nắng tươi cười, cúi xuống dưới chân thì ruộng đồng bát ngát, làng mạc lèo tèo, anh ta lấy làm vui sướng lắm, tâm hồn như mở rộng ra đón tiếp những cảm giác êm đềm, kỳ lạ! Cuộc đời phong tỏa trong mây ít được những ngày tốt đẹp như thế. Anh ta hát vang lên, hát những bài ca cổ lỗ tả cái thời đại hoàng kim của nhân loại. Về thời ấy, cỏ xấu không hề dám chen chân với ngô, thóc; lá ngô, lá đậu còn dùng làm thứ ăn được, và khi màu vật chín tự khắc bay về nhà. Sau, chỉ vì một người đàn bà hư, đến ngày ngô thóc về, không chịu quét dọn sẵn bồ bịch, đến nỗi chúng lại phải trở ra đồng. Từ cái ngày ấy, người ta bắt đầu phải cực khổ, cuộc sống bắt đầu hóa gian nan, gay gắt, vì cỏ xấu lấn mầu, lá ngô, lá đậu chỉ dùng để trâu, bò nhá và khi mầu vật chín người ta phải cất công gặt hái, đài tải về.
Anh Mèo vừa làm vừa hát vang cả núi non; anh tiếc không có sẵn chiếc kèn lau để thổi một vài bài cho thích chí. Chị vợ, không cùng hát theo chồng, nhưng thỉnh thoảng lại mỉm cười, tỏ ý cùng chia sự khoái lạc.
Buổi trưa, hai vợ chồng nghỉ ngơi cơm nước một lát rồi lại làm cho đến lúc mặt trời xế bóng mới cùng nhau trở về. Qua cánh rừng ngậm bóng hai người về tới nhà thì ngày đã gần tàn.
Trái với mọi khi, trên nhà vắng ngắt. Bà già, con trẻ chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Giật mình, hai vợ chồng lại sực nhớ đến nỗi lo ngại sáng ngày, vội cùng nhau trèo lên thang thì... một cảnh tượng hiện ra trước mắt, khiến cho hai người cùng kêu lên một tiếng xót xa, kinh hoảng... Bà già không thấy đâu nữa và, giữa sàn, xác đứa con thơ bị cắn xé tan nát, nằm trơ trên vũng máu đào!... Người mẹ khốn nạn kêu rú lên một tiếng, ngã quay ra bất tỉnh. Run như dẽ, sắc mặt tái nhợt, người chồng cố nâng vợ dậy, lay gọi hồi lâu chị ta mới tỉnh dần lại...
- Ồ lối!... Con tôi!...
Chồng thở dài một tiếng rồi ngồi ì ra; hai mắt giương thao láo; vẻ mặt nguội như tro tàn...

 

Sớm hôm sau, có người gọi to ở dưới cổng:
- Bố Slèng có nhà không?
- Ai hỏi gì?
- Có đi tìm bà cụ về không! Tối qua đến nhà tôi bắt mấy con gà!...
- À, ông Khán, vào đây đã!
Khách rửa chân lên nhà, nhìn cái cảnh tượng thảm thê nọ, cũng đem lòng ái ngại:
- Thôi, bà cụ đã phải cái nghiệp như thế thì nên tìm cách bắt về nhốt lại. Nếu cứ để bà cụ lang thang bắt gà, bắt vịt của người ta, e họ chửi rủa và bắn chết đấy.
Chủ nhà nhìn khách, hai dòng nước mắt tràn ướt hai gò má xanh xao. Tấm lòng thương con đau đớn, tủi cực bao nhiêu thì thương xót mẹ già bấy nhiêu. Phải, tuy con anh bị chết thảm hại vì tay mẹ anh, song anh ta không hề oán trách vì anh biết rằng lúc bà ăn thịt cháu, chính là lúc bà đã mất hẳn tính người. Anh ta rất thẹn thùng với người hàng động, tưởng chừng không dám nhìn mặt ai nữa. Nhưng nay, nghe người khách nói, anh biết rằng cần phải nhờ hàng động giúp anh bắt bà cụ về. Để mẹ lang thang như thế, có khi đến chết bờ, chết bụi đâu mất, chỉ thêm sự đàm tiếu cho thiên hạ mà thôi. Đành rằng đem mẹ về rồi, ngày hai bữa, anh chịu khó vào rừng săn bắn kiếm thịt nuôi mẹ vậy. Người bệnh chắc chẳng sống được bao lâu, thì sự bắt buộc nọ hẳn cũng mau tránh được.
Nghĩ vậy, anh bảo người khách rằng:
- Ông nói phải lắm! Tôi cần bắt bà cháu về. Vậy, ông làm ơn nói giùm với anh em lại đây giúp tôi làm một cái cũi để nhốt bà cháu, chờ lúc nào bà cháu chết sẽ chôn cất cho, phải không?
- Được, thế bác làm sẵn cơm rượu để bà con ăn, tôi đi một lát sẽ đem người lại giúp.
...............
Ăn uống xong, mọi người tản vào rừng chặt gỗ đem về, rồi bổ lỗ, đẽo nín, chí chát, ồ ạt chừng vài tiếng đồng hồ đã dựng xong cái cũi lớn vững vàng. Chủ nhà pha nước mời, bà con nghỉ ngơi một lát đoạn kéo nhau về, dặn nếu còn cần đến họ việc gì, chỉ gọi một tiếng là sẽ có người lại giúp.
Vẩn vơ trong rừng rậm, anh Mèo một mình đi tìm mẹ. Anh đi đã lâu, chân đã mỏi, bụng đã đói, mà tuyệt nhiên không thấy dấu vết bà cụ đâu cả. Anh rất buồn, càng nhìn cái cảnh hoang vu, tịch mịch quanh mình, càng đau lòng thương mẹ. Trời ơi! Tuổi già gần kề miệng lỗ, nếu mẹ chết ngay đi lại được mát mẻ tấm thân và cũng đỡ cho lòng anh phải đau thẹn biết chừng nào! Rồi anh tự giận mình không biết lo xa, để đến nỗi con anh phải chết thảm chết hại, mẹ anh phải lẩn lút trong rừng. Chỉ vì anh vụng tính nên ngoài cái khổ mất mẹ, vợ chồng anh còn phải đeo thêm cái khổ mất con. Chỉ vì anh mà tấm lòng thương xót của vợ anh đối với mẹ chồng thành ra bị giảm mất một phần to vì sự oán thù, ghê tởm!... Anh ôm mặt khóc thút thít hồi lâu, thề rằng không tìm thấy mẹ thì quyết không bao giờ trở về.
Lúc quá trưa, anh Mèo lần lần đến một cái hang đá, xa nom thấp thoáng bóng người. Anh vội rẽ lau chạy đến. Quả nhiên thấy mẹ anh ngồi chơ vơ ở cửa hang với một nắm lông gà. Bà cụ bấy giờ đã mất hết áo xống. Toàn thân lông lá mọc đầy, sắc đỏ như lông bò non. Người nom gầy trơ xương, hai cái vú cạn sữa buông thõng xuống như hai cái bị bẹp, mồm miệng máu me loe loét, hai mắt hốt hoảng như đã mất hết trí khôn. Anh Mèo phục xuống trước mặt mẹ khóc như mưa. Nhìn thấy tình trạng ấy, trong trí khôn hấp hối của bà già hình như còn lòe ra được một tia sáng hiểu biết, bà cũng ứa nước mắt trông con.
- Mẹ à! Về đi. Về với con nè! Ở đây chết mất thôi!...
Bà già gật đầu, đứng dậy theo con. Đến nơi nhìn thấy cái cũi, bà hốt hoảng giật lùi định chạy. Anh Mèo chắp tay van, bà già cúi đầu ngẫm nghĩ, sau bỗng gào khóc lên mấy tiếng, nhảy xổ vào trong cũi, cánh cửa sập xuống rầm một tiếng thê thảm...
Anh Mèo từ đấy ngày ngày vác nỏ vào rừng kiếm thịt nuôi mẹ vì cơm cháo bà già không chịu đụng hột nào nữa. Dần dần, bà ta mỗi ngày một dữ tợn quá. Nhất là những lúc lên cơn, bà gào thét lồng lộn hệt như một con hùm. Anh Mèo, nghĩ để mẹ sống như thế chỉ thêm khổ nhục, bèn lấy thuốc độc trộn vào thịt cho mẹ ăn. Cái chết ấy kể ra khí tàn nhẫn, nhưng sớm đã kết liễu được bao nỗi đau lòng!...