Ngày mai không gục ngã
(Tặng Quýt)

     hủ nhật! Trời chắc không thể nóng hơn được nữa! Tùng ngồi ôm ấp cái tủ lạnh suốt từ sáng tới giờ một cách tha thiết. Nó đã không ngần ngại ăn hết veo 13 cốc kem xôi mà con em mua dự trữ, ngẫm lại đúng là cái khó nó ló cái... liều. Dù Tùng cũng đã... rửa và xếp đống cốc không một cách gọn gàng, nhưng thể nào con nhóc cũng sẽ hét tướng lên với mẹ cho mà xem. Nghĩ đã muốn... tự tử! Thôi kệ! Đến đâu thì đến. Mà thực ra nó cũng muốn ra khỏi nhà mua kem đền con nhóc lắm chứ, nhưng từ sáng mama đã khóa kín cửa và vấn đề là đã... cầm luôn chìa khóa theo. Tùng rùng mình nhớ lại ánh mắt tóe lửa của mẹ khi tối qua mười một giờ, nó mới mò về nhà sau khi đã đập phá một trận bét nhè chè đỗ xanh ở tiệc sinh nhật thằng bạn, thế thì làm sao hôm nay mẹ lại chịu nhả nó ra được cơ chứ? Mẹ lôi con nhóc đi Công viên nước và bỏ tù nó như một sự trừng phạt chính đáng nhất. Còn bố nó thì như thường lệ, vẫn ở một nơi nào đó mà chẳng ai thèm hỏi...
Sáng, Tùng ngồi nghe nhạc Hoàng Châu chán, rồi lôi Play Station 2 ra chơi, đến chiều thì... làm ngược lại. Trong một hoàn cảnh bức xúc và ngột ngạt như thế thì người ta dễ nghĩ ngay ra một thứ có thể tiêu khiển được mà không bao giờ phải băn khoăn: điện thoại. Nhưng Tùng cũng đã chán ngắt mấy kiểu cũ kỹ như gọi trêu mấy cô tổng đài hoặc báo bằng một giọng rè rè và đều đều: “Chúng tôi là người của sở điện thoại... Máy nhà bạn đã bị chập điện... Vui lòng không cầm máy khi có tiếng chuông, nếu không bạn sẽ bị điện giật...” cho mấy đứa nhát gan. Nó muốn một cái gì đó mới lạ hấp dẫn và... có tương lai hơn. Ví như...
Tùng giở giở mấy trang cuối của một cuốn truyện tranh của con em, lướt lướt ngón tay qua những cái tên và dừng lai ở một cái nó cho rằng có vẻ... hứa hẹn: Vương Ngọc Bảo Trâm. Nó nhấc máy gọi lên tổng đài, chỉ một phút sau Tùng đã có trong tay số điện thoại rút ra lấy được từ cái địa chỉ dài ngoằng trong cuốn truyện mà sau đó lại bị vứt vào một xó nhà mà tâm sự với lũ chuột.
Chuông chỉ reo một hồi. Đầu bên kia lập tức có người cầm máy, giọng một đứa con gái, vì có vẻ rất... nhẹ nhàng:
- Alô!
Tùng ngoan ngoãn:
- Dạ, làm ơn cho gặp bạn Trâm ạ.
Đầu bên kia chợt vụt lên một giọng tươi tỉnh:
- Trâm đây.
Nhân vật chính xuất hiện quá nhanh và quá bất ngờ khiến cho Tùng thoáng giật mình bối rối, nhưng rồi nó nhanh chóng tự trấn an mình, chuyển máy sang tay bên trái:
- Mình tự giới thiệu trước nhé, mình là Tùng, Hải Tùng. Hôm trước mình đọc một quyển truyện cũ của em mình, ở trang câu lạc bộ, mình thấy có tên bạn. Một cái tên rất hay và thật lạ nên mình gọi điện làm quen. Có... được không vậy?
Tùng hơi nhấn trọng âm ở câu cuối, thể hiện rõ sự hồi hộp. Cô bé bên kia có vẻ không để ý đến điều đó:
- Mình rất vui và sẵn sàng làm quen với bạn. Mà bạn bao nhiêu tuổi vậy?
- Thiếu 1 năm nữa là 18 tuổi.
Cô bé bật cười:
- Còn mình thì làm sinh nhật 16 tuổi cách đây đã 365 ngày.
Hai đứa cùng cười thoải mái, xóa tan đi cảm giác ngại ngùng ban đầu. Trâm hỏi nhiều điều về cậu bạn mới, và Tùng thì cũng chẳng tiếc gì mà không kể cho Trâm rằng mình có một con em gái xinh xắn như búp bê nhưng nghịch như quỷ sứ và chuyên gia mách lẻo như thế nào, rằng nó yêu bóng rổ và thích truyện tranh ra sao... Trâm lắng nghe và thỉnh thoảng chêm vào mấy câu “bình...loạn”. Một lúc, Trâm thì thầm:
- Mình sắp phải đi học thêm rồi. Ngày mai vào giờ ban nãy bạn gọi lại cho mình nhé!
Tùng đồng ý, nói tạm biệt, rồi giữ nguyên cho đến lúc đầu dây bên kia tút tút liên hồi mới chịu bỏ máy xuống...

*

Những ngày sau, Tùng lại đi học bình thường. Nó không kể cho ai, thậm chí giấu cả mấy gã chiến hữu thân thiết về cô bạn mới. Không phải Tùng sợ bị trêu mà nó muốn giữ điều ấy như một bí mật nho nhỏ của riêng mình, và vì nó sợ nếu nó nói ra thì cô bạn ấy sẽ ngắt đứt luôn sợi chỉ mong manh mới được nối giữa hai đứa.
Cứ đến 4 giờ chiều, Tùng lại nhấc máy bấm cái số quen thuộc để nói chuyện với Trâm. Càng về sau nó càng thấy thích cô bé kỳ lạ này.
- Trâm biết không, đó là một trận mình chơi rất tốt. À, mà Trâm đã từng chơi bóng rổ chưa vậy?
- À, ờ, mình... đã từng được chơi rồi, nhưng tồi lắm. Dù sao mình cũng thấy đó là một môn rất hay!
(Hm... hmm... Bạn ấy sẽ chơi ở vị trí nào nhỉ?)
-...
- Mình cho rằng cô không nên trừ điểm như vậy. Nó không công bằng chút nào, đó là một sự trù dập thể hiện rõ!
- Ừm, mình cũng cho là vậy. Nhưng tốt hơn hết các bài sau Tùng cứ cố gắng làm bài thật tốt vào và không phản ứng nữa, cô giáo không thể làm thế mãi được. Chắc chắn cô sẽ phải thay đổi suy nghĩ về bạn.
- Mình sẽ thử xem.
(Lời khuyên thật là hữu ích. Bạn ấy không những thông minh mà còn thật bình tĩnh. Mình phải học tập bạn ý điểm này).
-...
- Đó! Vậy mình phải chọn đi thi môn gì đây. Mẹ và cô giáo muốn mình thi Lý, nhưng mình cho mình có khả năng về tiếng Anh hơn, hơn nữa mình cũng thích nó hơn.
- Tùng hãy cứ làm như Tùng muốn đi. Đừng vì người khác mà phải gò ép bản thân, nó sẽ chẳng đi đến đâu. Bạn yêu cái gì thì hãy đi theo cái đó. Mình còn nhớ hồi lớp năm, mình cũng đã bỏ đội tuyển Văn chỉ vì mình muốn thi vẽ...
(Mình sẽ chọn tiếng Anh. Mình nghĩ Trâm chắc chắn là một học sinh học rất giỏi. Thật đáng khâm phục! Mình sẽ cố gắng được giải Anh để khoe bạn ấy!)
-...
- Buồn cười thật. Ở khu mình, họ vứt các thứ ra đường cứ như đó là một cái xe rác lưu động vậy!
- Chỗ mình không như vậy. Không khí rất trong lành và lại yên tĩnh nữa. Thỉnh thoảng mình ra khỏi nhà vào sáng sớm để đi lại quanh phố cùng mấy đứa bạn.
- Ui, Trâm sướng thật!
(Mình đã tưởng tượng ra cảnh Trâm chơi đùa với bạn bè ở một dãy phố dài và thoáng mát, thật tuyệt...)
-...
-... Mình... mình... không muốn mọi việc như thế này. Mẹ mình cãi nhau xong là về bên ngoại luôn từ tối hôm qua rồi. Bố thì cũng lập tức đi ngay, như mọi lần, chẳng biết là đi đâu. Em mình nó khóc rất nhiều nên mình càng phải cố vững vàng mà làm chỗ dựa cho nó. Nhưng Trâm ơi, mình có thể chịu được thế này đến bao giờ? - Nó bật khóc qua điện thoại. Nó thấy mệt mỏi và không còn muốn che giấu cảm xúc nữa...
Trâm yên lặng, giữ máy rất lâu. Một lúc, nó mới nói nhỏ, giọng cũng đã nghẹn lại:
- Tùng ơi, mình thật cảm ơn bạn biết bao khi những lúc thế này Tùng nhớ tới mình. Mình không thể đến bên bạn an ủi được, nhưng mình có thể nghe bạn nói. Mình không thể làm bạn ngừng khóc, nhưng mình có thể khóc cùng bạn, và hãy tin đi, nếu một ngày bạn đi thật xa, mình có thể sẽ không ngăn cản được bạn, thì mình sẽ đi cùng bạn. Hãy vững vàng nhé, bình minh ngày mai luôn tràn ngập ánh sáng. “Cuộc sống không có ngõ cụt, chỉ có những ranh giới, điều quan trọng là người ta có thể vượt qua được những ranh giới đó không thôi”...
Tùng áp máy vào tim. Tùng nghĩ Trâm khác nó, sống hạnh phúc và không gặp khó khăn gì, nhưng những gì Trâm nói thật đúng! Nó phải vững vàng. Nó phải tin vào ngày mai!

*

- Mười mấy năm rồi chỉ có thể ngồi một chỗ, bây giờ coi như là bắt đầu tập đi nên cháu cứ chầm chậm thôi! - Ông bác sĩ cất giọng khàn khàn...
- Đúng rồi con ạ. Thấy đau thì ngồi xuống luôn. - Mẹ nhìn lo lắng.
Trâm vịn tay vào thanh sắt tập đi, mím môi bước rất chậm. Máu dồn vào chân nó đỏ bừng lên. Đau quá! Tay Trâm run lên, nó từ từ khuỵu xuống. Bố mẹ chạy tới định đỡ, Trâm đẩy tay bố ra, nén đau mỉm cười:
- Con muốn tự bước. Con không thể gục ngã. Không thể!