Dịch giả: Lâm Hoàng Mạnh
Chương 20
Gaza: Quá trình đàm phán đình chiến

     oàn xe hộ tống dạt vào bên vệ đường cao tốc bụi mù giữa Ramallah và Jerusalem rồi đỗ ngay lại. Nhóm đặc vụ an ninh trèo ra ngoài xe bọc thép tỏa xuống đường, đi ngược trở lại trung tâm West bank. Một số người đăm đăm nhìn lên bầu trời. Theo nguồn tin tình báo Israel vừa cho hay, những kẻ cực đoan Palestine ở Dải Gaza có thể bắn tên lửa sang. Không thể nào để biết chắc chắn tên lửa sẽ nã vào đâu và bao giờ. Các sĩ quan an ninh Mỹ trong đoàn xe đặc chủng hộ tống cũng táp vào gần đoàn xe bọc thép để bảo đảm an toàn nếu vụ nổ xảy ra. Còn chúng tôi quay xe về hướng Jerusalem.
Mấy ngày trước Lễ Tạ ơn năm 2012, vùng Thánh Địa (Holy Land) lại một lần nữa cảm thấy giống như vùng chiến sự. Tôi rời Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao châu Á bay đến Trung Đông trong sứ mệnh ngoại giao khẩn cấp để cố gắng ngăn chặn cuộc không chiến giữa Israel và Hamas đang leo thang có nguy cơ trở thành cuộc chiến tàn khốc. Muốn làm được việc này, tôi phải đứng ra làm người môi giới tìm thoả thuận ngừng bắn giữa hai kẻ thù không đội trời chung đang trong tình trạng hỗn loạn. Sau bốn năm trong công việc ngoại giao đầy gian khó ở Trung Đông, giờ đây lại một lần nữa thử thách quan trọng về khả năng lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với thế giới.

Gần bốn năm trước, Tổng thống Obama chính thức nắm quyền chỉ sau vài ngày cuộc xung đột ở Dải Gaza chấm dứt do những đợt tên lửa dội sang Israel. Đầu tháng 1-2009, quân Israel phát động cuộc tấn công Gaza nhằm chấm dứt những trận bắn tên lửa của các chiến binh qua biên giới. Sau gần hai tuần lễ giao tranh quyết liệt trong vùng dân cư làm gần 1400 người thiệt mạng, Israel rút quân nhưng thực tế lại tìm cách bao vây vùng đất của người Palestine. Trong vài năm tiếp theo, bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra ở biên giới nhưng ở mức độ thấp. Hơn một trăm quả rocket bắn sang vùng phía nam Israel kể từ năm 2009 đến 2010, không những thế thỉnh thoảng còn nã pháo. Nhiều lần Israel trả đũa bằng cách cho máy bay oanh tạc. Tình trạng bạo lực không thể chấp nhận được, nhưng đối với khu vực này như thế vẫn được coi là trong thời kỳ yên tĩnh. Nhưng bắt đầu từ năm 2011, những kẻ cực đoan tái vũ trang, nhiều nước vùng Trung Đông bị cuốn vào các cuộc cách mạng, bạo lực leo thang đột biến. Hàng trăm tên lửa bắn vào đất Israel trong năm đó. Năm 2012, bạo lực leo thang đến chóng mặt. Ngày 11-11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Ehud Barak cảnh báo sẽ mở cuộc tổng tấn công quân khủng bố ở Gaza sau khi hơn một trăm quả tên lửa bắn sang phía nam Israel trong vòng 24 giờ, làm bị thương ba người Israel.
Từ năm 2007, Dải Gaza do Hamas cai trị, đây là nhóm cực đoan của Palestine thành lập cuối thập niên 1980s trong phong trào kháng chiến chống Israel lần thứ nhất (còn gọi intifada lần thứ nhất - ND), năm 1997 Hoa Kỳ coi phong trào này là một tổ chức khủng bố. Mục tiêu đề ra của phong trào không phải thành lập nhà nước độc lập trong vùng lãnh thổ của người Palestine mà muốn xóa bỏ nhà nước Israel thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo trên vùng lãnh thổ dọc theo sông Jordan và ven biển Địa Trung Hải. Nhiều năm qua, tổ chức này được Iran, Syria hỗ trợ tài chính và quân sự, sau khi Yasser Arafat qua đời 2004, nó cạnh tranh với đảng Fatah ôn hòa Palestine dưới sự lãnh đạo của Mahmoud Abbas. Sau khi thắng lợi trong cuộc bầu cử hợp hiến năm 2006, Hamas chiếm quyền kiểm soát Dải Gaza từ tay Abbas và chính quyền Palestine vào năm 2007, nắm chắc quyền lực bất chấp cuộc chiến tranh 2009. Tài chính do nước ngoài ủng hộ, Hamas dùng số tiền ấy mua lậu súng đạn lập kho vũ khí, trong khi đó kinh tế Gaza tiếp tục suy giảm, đời sống người dân mỗi ngày một khốn khổ.
Biến động của Mùa Xuân Ả rập gây chấn động bàn cờ vùng Trung Đông, Hamas đã nhận ra thế cờ đang thay đổi. Ở Syria, để cố duy trì quyền lực, nhà độc tài người Alawite, Bashar al-Assad đã ra lệnh khủng bố tàn bạo đối với người Sunni đa số. Hamas, một tổ chức của người Sunni ở Syria phải dời trụ sở khỏi Damascus. Cũng lúc ấy Phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo, đảng Hồi giáo Sunni có quan hệ chặt chẽ với Hamas nổi lên hậu cách mạng Ai Cập kiểm soát vùng biên giới Gaza. Đối với Hamas, đây là cánh cửa mới được mở ra trong khi cửa khác khép lại. Vấn đề này càng phức tạp hơn nữa, Hamas phải đối diện với sự cạnh tranh gia tăng ngay chính trong nước với nhóm cực đoan khác, nhất là với nhóm Hồi giáo Palestine Jihad, cũng có ý định chiến đấu chống Israel nhưng lại không chịu bất cứ trách nhiệm gì về quản lý cũng như đời sống người dân ở Gaza.
Còn Israel phong tỏa Gaza bằng đường biển, kiểm soát chặt chẽ vùng biên giới phía bắc và phía đông, đây là những khu vực chính tái cung cấp cho Hamas qua biên giới phía nam nhỏ hẹp với bán đảo Sinai của Ai Cập. Dưới thời Mubarak, người dân Ai Cập đưa ra những luật rất nghiêm về buôn lậu, làm việc cho Israel, nhưng Hamas đã thành công trong việc đào đường hầm bí mật xuyên biên giới vào đất Ai Cập. Sau khi Mubarak sụp đổ, Huynh Đệ Hồi Giáo nắm quyền ở Ai Cập, việc qua lại vùng biên giới trở nên dễ dàng hơn.
Cũng trong thời gian ấy, chính quyền Ai Cập mất quyền kiểm soát bán đảo Sinai. Vùng sa mạc 23 ngàn dặm vuông nhô ra Hồng Hải từ các chi nhánh phía đông của kênh đào Suez. Bán đảo Sinia nổi tiếng trong Kinh thánh, vị trí chiến lược là chiếc cầu nối châu Phi và châu Á. Nơi đây Israel đã hai lần xâm lược, lần đầu vào năm 1956 trong cuộc Khủng hoảng Suez và lần hai Chiến tranh Sáu ngày vào năm 1967. Theo điều khoản của Hiệp định Trại David năm 1979, Israel phải trả Sinia cho Ai Cập, lực lượng gìn giữ hoà binh quốc tế bao gồm cả binh sĩ Hoa Kỳ đến để duy trì lệnh ngừng bắn. Bán đảo Sinia cũng là quê hương của các bộ lạc du mục Bedouin sống cách biệt lâu đời với Cairo. Các bộ lạc này lợi dụng Cách mạng Ai Cập đang lộn xộn, họ tuyên bố thành lập khu tự trị, yêu cầu hỗ trợ kinh tế, đảm bảo an ninh từ phía chính phủ. Sinia rơi vào tình trạng vô chính phủ, những kẻ cực đoan có liên hệ với al Qaeda bắt đầu nhận thấy đây chính là nơi trú ẩn an toàn nhất của chúng.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với tân Tổng thống Ai Cập, Mohamed Morsi, tôi hỏi: “Thưa Tổng thống, ngài làm thế nào để ngăn chặn al Qaeda và các nhóm cực đoan đang gây bất ổn ở Ai Cập và nhất là ở bán đảo Sinia?” Ông đáp: “Tại sao họ lại làm như vậy? Bây giờ chính phủ tôi là chính phủ Hồi giáo kia mà?” Lạy Chúa, đoàn kết được với bọn cực đoan này thật là ngây thơ và hoang tưởng. Tôi giải thích: “Thưa ngài, bởi vì ngài khác hẳn họ. Tôi không quan tâm vị thế của ngài, nhưng tôi tin chúng sẽ theo đuổi ngài đến cùng. Vậy ngài nên lưu ý bảo vệ chính phủ và đất nước của ngài.” Nhưng ông bỏ ngoài tai những gì tôi cảnh báo.
Tháng 8-2012, các mối đe dọa về tình hình ở Sinia đã rõ ràng. Tối Chủ nhật, một nhóm vũ trang 35 người đeo mặt nạ tấn công một tiền đồn quân đội Ai Cập sát biên giới với Israel làm chết 16 binh sĩ khi họ đang ăn cơm tối. Sau đó các phần tử cực đoan đánh cắp một xe bọc thép và xe tải chở đầy thuốc nổ tiến về phía Israel. Chiếc xe tải phát nổ khi vượt qua hàng rào biên giới ở Kerem Shalom. Tiếp theo các cuộc không kích của Israel phá huỷ chiếc xe bọc thép. Cuộc đụng độ đối đầu chớp nhoáng trong vòng 15 phút nhưng làm cả Ai Cập và Israel đều thực sự sốc. Sau thảm kịch này, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Ai Cập tăng cường khả năng chống lại các chiến binh ở Sinai bao gồm cả lực lượng không quân. Nhưng khu vực này vẫn trong tình trạng mất ổn định rất cao.
Cuối tháng Mười, trong thời gian ngắn lại xảy ra sự kiện, như vậy nó đã chứng minh rõ ràng tình hình rất phức tạp và không ổn định là có thật.
Ngày 23-10, Quốc vương Qatar, Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani, viếng thăm Gaza theo lời mời của Hamas. Đây là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên viếng thăm vùng lãnh thổ bị cô lập kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát từ năm 2007, cả hai phía sử dụng những biểu tượng long trọng trong cuộc đón tiếp. Đoàn xe của Quốc vương từ Ai Cập được hộ tống bằng 20 chiếc xe hạng sang Mercedes – Benzes màu đen và xe bọc thép Toyota, Hamas chào đón ông với nghi lễ trọng thể nhất. Thủ tướng chính phủ Hamas, Ismail Haniya tuyên bố chuyến viếng thăm của Quôc vương đánh dấu sự kết thúc “bao vây chính trị và kinh tế áp đặt lên Gaza” và lần đầu tiên người vợ của ông xuất hiện trước công chúng. Trong chuyến viếng thăm, Quốc vương cam kết viện trợ phát triển cho Gaza 400 triệu Mỹ kim, số tiền này lớn hơn cả số tiền các nhà tài trợ quốc tế cộng lại. Tháp tùng ông có phu nhân, Sheikha Moza, cùng người em họ Hamad bin Jassin al-Thani, chúng tôi gọi là HBJ, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Vương quốc Qatar.
Đối với Haniya và Hamas, đây là cơ hội thoát khỏi cái bóng của chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas, được cộng đồng quốc tế công nhận là nhà lãnh đạo hợp pháp của nhân dân Palestine, đồng thời thể hiện một tương lai đầy hứa hẹn dù Syria và Iran xa lánh. Về phía Qatar, đây là cơ hội gây ảnh hưởng mới trong khu vực, đòi hỏi quyền được hậu thuẫn lớn trong thế giới Ả rập của người Palestine. Đối với Israel, đây cũng là mối quan ngại họ cần lưu tâm. Về phía Hoa Kỳ, vẫn coi Hamas là một tổ chức khủng bố nguy hiểm, sự việc Qatar trở thành câu hỏi rất hóc búa, minh hoạ sự phức tạp cần phải biết để đối phó với tình hình Trung Đông.
Về địa lý, Qatar trông như hình một ngón tay nhỏ từ Saudi Arabia nhô ra Vịnh Ba Tư. Diện tích hơn 4,400 ngàn dậm vuông, chưa bằng một nửa vùng Vermont, nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi có khối lượng dự trữ dầu và khí đốt khổng lồ, tính theo bình quân đầu người, đây là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới. Dân số vẻn vẹn khoảng 250 ngàn người, vì thế nhiều năm qua họ phải thuê nhân công người nước ngoài tới làm việc. Sheikh Hamad đã tiếm ngôi báu của cha trở thành Quốc vương từ năm 1995, nhanh chóng đưa Qatar có tầm quan trọng mới. Dưới sự cai trị của ông, sự phát triển và mở rộng thành phố Doha đang trở thành đối thủ đáng gờm của Dubai và Abu Dhabi trong trung tâm văn hoá, thương mại và mạng truyền hình vệ tinh Al Jazeera trở thành nguồn có ảnh hưởng lớn nhất về tin tức Trung Đông cũng như địa vị của Qatar có ảnh hưởng tới toàn khu vực.
Giống như tất cả các nước xung quanh Vùng Vịnh, Qatar hầu như không tôn trọng nền dân chủ và nhân quyền nói chung, nhưng lại duy trì mối quan hệ chiến lược và an ninh mật thiết với Hoa Kỳ, cho phép các căn cứ Không lực Mỹ được đóng trên lãnh thổ. Sự cân bằng này đã được chứng minh trong Mùa Xuân Ả Rập.
Quốc vương và HBJ đã khéo léo tận dụng lợi thế biến động trong khu vực đưa vị trí Qatar trở thành đỉnh cao của cuộc cách mạng. Mục tiêu của họ biến quốc gia nhỏ bé thành một thế lực hùng hậu ở Trung Đông bằng cách ủng hộ phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo và các giáo phái Hồi giáo khác trong toàn khu vực. Các chế độ quân chủ Vùng Vịnh khác e ngại những sự kiện xảy ra như vậy gây bất ổn trong nước, nhưng Qatar lại nhìn thấy đây là cơ hội để xây dựng vùng ảnh hưởng với những quốc gia mới nổi để độc chiếm về nền văn hoá bảo thủ của họ, cùng với sự thiếu quan tâm cải cách trong nước.
Đài truyền hình Al Jazeera là cách sử dụng sức mạnh mềm và với khả năng ngân hàng vô tận, Quốc vương và HBJ cấp vốn cho Morsi ở Ai Cập, cung cấp vũ khí cho phiến quân Hồi giáo ở Lybia và Syria, xây dựng mối quan hệ mới với Hamas ở Gaza. Những chiến đấu cơ của Qatar cũng giúp thực thi “vùng cấm bay ở Libya”. Trong thời gian ấy, bất cứ nơi nào chúng ta xem xét đều thấy có bàn tay của Qatar. Nó thể hiện sự khôn khéo đầy ấn tượng trong công tác ngoại giao, trong đó một số trường hợp những nỗ lực của Qatar phù hợp với chính sách của chúng ta. Một số quốc gia Ả Rập khác và Israel biết Qatar hỗ trợ lực lượng Hồi giáo và các phần tử cực đoan gây ra mối đe dọa ngày càng tăng. Chuyến thăm của Quốc vương đến Gaza thể hiện vấn đề này rõ ràng nhất. (Năm 2013, phe Hồi giáo thất bại ở Ai Cập và ở vài nơi, Quốc vương thoái vị nhường ngôi cho con trai và vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ ít tiếng tăm đã thay thế HBJ. Đến tháng 3-2014 mối quan hệ giữa các nước Vùng Vịnh đã chuyển sang thời kỳ đen tối nhất khi các nước Saudi Arabia, Bahrain và UAE rút toàn bộ cán bộ nhân viên sứ quán ở Qatar về nước).
Chỉ sau vài giờ chuyên viếng thăm của Quốc vương đến Gaza, xí nghiệp sản xuất tên lửa và vũ khi ở Khartoum tại Sudan bị nổ tung. Theo quan chức Sudan, bốn chiến đấu cơ bay từ hướng đông tới oanh tạc xí nghiệp làm chết hai người. Họ đổ lỗi cho Israel gây ra vụ này. Đây không phải là lần đầu xảy ra. Hơn bốn năm trước, Sudan đã từng cáo buộc Israel tiến hành một số vụ oanh kích vào các mục tiêu của nước họ. Ngay tháng Chín vừa qua, một chuyến hàng chở tên lửa và đạn dược đi Gaza đã bị phá huỷ tại nam Khartoum. Israel từ chối bình luận về vụ nổ nhà máy, nhưng quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Israel cho rằng Sudan “được Iran hỗ trợ, coi đây là lộ trình hỗ trợ vận chuyển thông qua lãnh thổ Ai Cập, vũ khi của Iran viện trợ cho Hamas và bọn khủng bố Hồi giáo Jihad.”
Sudan có một quá trình lịch sử quan hệ với khủng bố. Đã từng nuôi dưỡng Osama bin Laden những năm đầu thập niên 1990s, Bộ Ngoại giao chúng ta từng đánh giá quốc gia này tài trợ quân khủng bố. Sudan cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Iran và Hamas. Ngay sau khi xí nghiệp sản xuất vũ khi bị đánh bom, hai tầu chiến Iran lập tức vào cảng Sudan. Mấy tuần sau nhà lãnh đạo Hamas, Khaled Meshal đến viếng thăm Khartoum.
 Xuyên qua tất cả các sự kiện từ những quả tên lửa phóng ra từ Gaza, sự mất ổn định ở bán đảo Sinia, trò chơi sử dụng quyền lực của của Qatar, sự can thiệp của Iran, buôn lậu từ Sudan, đã làm tình hình ngày càng nóng bỏng vào mùa thu năm 2012. Đến tháng Mười Một, nơi đây trở thành vạc dầu sôi.

Ngày 14-11-2012, tôi và Bộ trưởng Quốc phòng, Leon Panetta, cùng Tổng tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Martin Dempsey đến Perth, để dự hội nghị tư vấn thường niên với đồng minh Úc tại trung tâm hội nghị ở King Park, nhìn ra thành phố và dòng sông Swan. Khi phiên họp chiều nghỉ giải lao, Panetta được báo tin Bộ trưởng Quốc phòng Israel muốn trao đổi khẩn cấp. Panetta vào khu nhà bếp nhận điện thoại qua hệ thống an ninh gọi từ Jerusalem. Sau bữa cơm, ông cùng Tướng Dempsey và tôi vào sân phía sau nghe Barak thông báo. Nhìn nét mặt ông, tôi cũng có thể đoán được có điều gì phức tạp lắm. Quân đội Israel đã phát động đợt không kích lớn chống lại các chiến binh ở Gaza. Các vụ ném bom có thể bắt đầu xảy ra.
Từ thành phố Perth thanh bình, giờ đây một cuộc chiến tranh mới lại nổ ra ở vùng Trung Đông mà cảm giác như ở xa tít, cách hàng triệu dặm (thực tế có 7 ngàn dặm), nhưng đây là vấn đề nghiêm trọng. Tôi nói với Panetta và Dempsey, sự phản ứng của Israel là điều dễ hiểu. Hệ thống tên lửa của Hamas ngày càng tân tiến và chính xác, thậm chí cách 40 dặm từ bên kia biên giới vẫn đe dọa được Tel Aviv. Cư dân ở đấy lâu nay không nghe thấy còi báo động kể từ cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 khi Saddam Hussein bắn tên lửa Scud vào Israel. Đất nước nào cũng có quyền tự vệ, không có chính phủ nào chấp nhận sự khiêu khích như thế. Tuy nhiên bất kỳ sự leo thang bạo lực đang diễn ra đều gây tình hình trở nên khó khăn hơn, cũng không một ai muốn chứng kiến sự lặp lại cuộc chiến tranh toàn diện mà mới vừa xảy ra vào bốn năm trước.
Cuộc không kích lớn đầu tiên đã giết chết Ahmed Jabari, một tên khủng bố đầu sỏ được xem như là kẻ lên kế hoạch tấn công Israel trong nhiều năm qua. Sau hai ngày nhân dân cả hai phía đều bị thiệt mạng. Trang đầu của tờ New York Times ngày 16-11 đã đưa tin và ảnh tang lễ của người dân ở cả hai thành phố Gaza và Jerusalem.
Theo Israel, trong tuần đã bị hơn 1500 quả tên lửa từ Gaza bắn sang. Làm sáu người Do Thái thiệt mạng, trong đó có 4 thường dân và 2 binh sĩ cùng hàng trăm người bị thương. Rất nhiều gia đình người Israel buộc phải đi sơ tán về phiá nam gần Dải Gaza trong khi tên lửa dội như mưa từ trên trời xuống. Hàng trăm thường dân Palestine bị chết do chiến dịch không kích của Israel mang tên Chiến dịch Trụ Cột Phòng thủ.
Tôi thường xuyên nhận được thông tin cập nhật của Đại sứ Dan Shapiro cùng nhóm của ông từ Tel Aviv và của các chuyên viên từ Washington. Thứ trường Bill Burn từng là quan chức cao cấp của Bộ dưới thời Ngoại trưởng Colin Power, giờ đây ông lại làm nhiệm vụ thu thập tin tức cho tôi. Bill và tôi đồng ý cánh cửa ngoại giao rất nhỏ hẹp, may ra chỉ có thể hạn chế mức độ leo thang trong sự xung đột.
Tôi điện hỏi Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Amr liệu có thể bằng cách nào giảm sự căng thẳng hay không. Amr phàn nàn về việc Israel oanh kích: “Việc này không thể chấp nhận được”. Dù Mubarak đã bị lật đổ, Morsi đã lên làm tổng thống, ông là lãnh tụ của Huynh Đệ Hồi Giáo, vì thế tôi hy vọng Ai Cập vẫn là quốc gia trung gian quan trọng cho tiếng gọi hoà bình. Tôi nói với ông, Ai Cập nên trao đổi với Hamas, khẩn cấp thỏa thuận ngừng đánh bom Israel. “Theo tôi, vai trò của ngài rất quan trọng, yêu cầu ngài làm tất cả mọi khả năng để giảm tình hình căng thẳng này.” Tôi lý giải coi hành động của Israel chỉ mang tính tự vệ, “không một quốc gia nào ngồi yên khoanh tay hứng chịu những quả tên lửa bắn giết hại dân chúng của mình.” Amr đồng ý sẽ cố gắng làm hết sức, ông nói: “Tôi hy vọng cả hai chúng ta cần phải làm cái gì đó để ngăn chặn cuộc khủng hoảng điên khùng này. Chúng ta cần phải sát cánh hành động thật nỗ lực.”
Trong thời gian tôi công du khắp nước Úc, từ Perth đến Adelaide, rồi sang Singapore, Tổng thống Obama và tôi vẫn thường xuyên liên lạc, kết hợp gây sức ép tới các đối tác đồng cấp ở Trung Đông. Sau khi ông nghe kế hoạch của Morsi, tham khảo ý kiến với Thủ tướng Netanyahu của Israel và Thủ tướng Erdogan, Tổng thống yêu cầu cả hai phía đình chiến. So sánh những điều kiện đưa ra của hai bên, chúng tôi cân nhắc cần phải tham gia trực tiếp kết quả mới có hy vọng. Vậy tôi có nên bay thẳng tới Trung Đông để chấm dứt bạo lực hay không?
Không một ai trong chúng tôi dám khẳng định việc tôi trực tiếp tham gia là khôn ngoan. Ngay từ đầu, ông vào tôi đang có kế hoạch nghiêm túc về khu vực châu Á. Tôi có kế hoạch gặp Tổng thống Obama tại Thái Lan, sau đó cùng bay tới Burma, chuyến công du lịch sử nhằm thúc đẩy tiến trình dân chủ ở quốc gia vừa mới hé mở. Tiếp đến sẽ tới Campuchia dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Á châu đang bị chính sách ngoại giao khôn ngoan tinh tế của Trung Quốc chi phối trên vùng Biển Đông. Từ lâu cá nhân tôi rất quan tâm đến Á châu, nếu dịp này bỏ lỡ đây là cái giá quá đắt phải trả. 
 Mọi việc không phải hoàn toàn như vậy: Tổng thống hiểu rất rõ và lo ngại việc chúng tôi trực tiếp làm trung gian hoà giải cuộc xung đột hỗn loạn tại Trung Đông. Nếu chúng tôi cố gắng làm trung gian thỏa thuận ngừng bắn thất bại, (rất có thể xảy ra) sẽ làm giảm uy tìn, gây mất niềm tin và tín nhiệm của Hoa Kỳ trong khu vực. Nhưng cũng có thể đây là cơ hội tốt khi Hoa Kỳ trực tiếp tham gia, hoà bình lại được thiết lập bằng cách sử dụng việc xung đột để đưa cả hai phía vào bàn đàm phán. Đây là vấn đề Tổng thống và tôi đắn đo và nước Mỹ có cần thiết tham gia hay không?
Tôi tiếp tục theo kế hoạch công du Á châu, trong khi đó vẫn tìm mọi cách đàm thoại với các nhà lãnh đạo chủ chốt Trung Đông và các đồng minh châu Âu. Tất cả các cuộc điện đàm tôi đều lý giải rằng con đường đúng đắn, tốt nhất vẫn là cả hai bên Israel và Hamas cùng ngừng bắn ngay.
Tình hình rất căng thẳng. Nội các Israel tổng động viên 75 ngàn quân dự bị nhập ngũ chuẩn bị cuộc tấn công mãnh liệt vào Gaza. Thật đáng lo ngại, một cuộc chiến tranh như đã từng xảy ra hồi tháng 1- 2009 đang trở thành hiện thực, gây thiệt hại khủng khiếp cho người dân Gaza và tai tiếng cho Israel trên toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này cần phải giải quyết trước khi xảy ra cuộc tấn công. Một tin duy nhất tốt lành là hệ thống phòng không Iron Dome do chúng ta xây dựng bảo vệ Israel bắn chặn tên lửa đã hoạt động rất hiệu quả hơn cả mức dự tính. Theo báo cáo của quân đội Israel, hệ thống Iron Dome đã đạt tỷ lệ trên 80% bắn hạ các mục tiêu. Thậm chí đây chỉ là những đánh giá còn rất khiêm tốn so với những thành công đạt được trong thực tế. Nhưng một quả tên lửa từ Gaza đã bắn trúng mục tiêu của Israel thì cũng là quá nhiều, Israel thề tìm kiếm kho dự trữ vũ khí và nơi đặt giàn tên lửa bằng bất cứ giá nào ở Gaza để huỷ diệt.
 Ngày 18-11 tôi nhập vào đoàn của Tổng thống Obama tại Bangkok, báo cáo với ông về các cuộc điện đàm ngoại giao không mấy suôn sẻ vì: cả hai bên đều không có dấu hiệu đáp ứng. Tổng thống cũng gặp những điều tương tự khi ông điện đàm với các bên. Chính vì thế tôi giữ ý tưởng về lệnh ngừng bắn cùng một lúc, hai bên cần dừng lại trước bờ vực thẳm của cuộc chiến.
Tôi cảnh báo với HBJ của Qatar sau khi tôi đến Bangkok một tiếng đồng hồ: “Hamas yêu cầu ra điều kiện Israel phải ngưng bắn trước. Điều này Israel không bao giờ chấp nhận, chúng ta chỉ còn chưa đầy 48 giờ trước khi Israel mở cuộc tấn công quy mô lớn tàn phá ghê gớm.”
Tổng thống và tôi viếng thăm Quốc vương Thái Lan đang trị bệnh tại bệnh viện ở Bangkok, thăm quan chùa Phật Ngọc nổi tiếng, nơi có tượng Phật bằng vàng lớn nhất Thái Lan, bức tượng Phật nằm dài 15 mét. Mặc dù xung quanh rất đông người nhưng chúng tôi vẫn trao đổi về tình hình Gaza. Cả hai chúng tôi đều cho rằng Israel tự vệ là đúng. Nhưng rất lo ngại cuộc tấn công sẽ gây ra những thảm họa khó lường đối với các bên liên quan.
Hai ngày sau tình hình trở nên thật nghiêm trọng, tôi quyết định trao đổi với Tổng thống tôi rời Á châu, sang Trung Đông để can thiệp sự xung đột. Đây là vấn đề mang nhiều rủi ro, dễ thất bại, nhưng nguy cơ cuộc chiến bùng nổ lan rộng sắp xảy ra thì việc ngăn cản cuộc chiến tranh là điều cần phải làm. Ngay sáng hôm ấy, việc đầu tiên tôi lên lầu vào phòng tiếp khách của Tổng thống ở khách sạn cổ kính, trang trọng Raffles Hotel Le Royal ở Phnom Penh, Campuchia. Tổng thống vẫn trong phòng tắm, tôi ngồi đợi ông. Trong lúc ông nhâm nhi li cà-phê, tôi báo cáo những công việc sẽ làm. Ông vẫn lo ngại. Đây có thật sự là cơ hội để tôi ngăn chặn bạo lực hay không? Những gì mà chúng tôi hiểu Israel có đúng như dự đoán hay klhông? Hậu quả gì sẽ xảy ra khi Mỹ tham gia vào chuyện lộn xộn này? Chúng tôi thảo luận kỹ lưỡng tất cả các vấn đề đặt ra. Cuối cùng, chúng tôi nhất trí vì hòa bình ở Trung Đông là cần thiết đối với an ninh trong giai đoạn này, đây là vấn đề rất quan trọng tránh một cuộc chiến tranh ở Dải Gaza, không nuớc nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Tổng thống tuy chưa tán thành 100% nhưng đồng ý cho phép tôi chuẩn bị lên đường. Hama và nhóm tôi khẩn trương làm những việc hậu cần cho chuyến đi từ Campuchia sang Israel. Chỉ còn hai ngày nữa là Lễ Tạ ơn, cũng chẳng đoán trước được chuyến đi mất bao nhiêu ngày, vì thế tôi động viên tất cả mọi người trong đoàn, ai cần về thăm nhà thì có thể theo đoàn của Tổng thống trên chiếc chuyên cơ Air Force One.
Sáng sớm hôm ấy, Tổng thống và tôi hội ý lần cuối trước, nơi “chia tay” của chúng tôi ở ngay trung tâm hội trường cung điện Hoà bình rộng lớn ở Phnom Penh. Dọc theo hành lang có các đường ống và rèm che, chúng tôi trao đổi qua lại quan điểm tán thành và không tán thành lần nữa. Jake Sullivan, Tom Donilon và Ben Rhodes tham gia cuộc bàn thảo cuối cùng. Donilon thấy bồn chồn, lo lắng, ông đã từng nhiều lần gặp nguy hiểm trong những chuyến đi Trung Đông kém may mắn, nhưng cuối cùng ông cũng tán thành để tôi lên đường. Tổng thống lắng nghe tất cả những ý kiến tranh luận, sau đó quyết định. Đây là thời điểm chúng ta phải hành động, dù có thể không thành công, nhưng cần phải hành động với sự cố gắng hết sức.
Tổng thống cho biết sẽ gọi điện cho Morsi và Bibi từ chuyên cơ Air Force One trước khi phi cơ hạ cánh xuống Washington gây thêm sức ép trước khi chúng tôi tới. Cuộc chia tay đầy khích lệ, ân cần như thường lệ lại diễn ra. Lần nào cũng vậy, cũng như lần chúng tôi đi đàm phán về người luật sư mù Trần Quang Thành, Tổng thống cũng đã từng gửi thông điệp: “Đừng nản chí nhé!” mặc dù tôi không bao giờ thối chí!

Chuyến bay mất 11 tiếng đồng hồ từ Campuchia đến Israel, tôi suy nghĩ kỹ về những phức tạp của cuộc khủng hoảng. Không ai hiểu được những gì đang xảy ra ở Gaza và cũng không biết nguyên gì đã dẫn đến cuộc bắn tên lửa, phải chăng xuất phát từ Iran, qua Sudan cuối cùng đến Hamas, nhưng cái gì đã liên quan đến an ninh khu vực. Ta có thể hiểu kỹ thuật khoa học đóng góp vai trò quan trọng trong các ván bài. Tên lửa ngày nay ngày càng hiện đại, tính năng cao hơn, vậy hệ thống phòng không của Israel đối phó ra sao. Cái gì sẽ quyết định cuộc chiến? Ta nên xem xét cuộc khủng hoảng ở Syria có gây thêm mâu thuẫn giữa Hồi giáo Sunni Hamas với người Shiite từ lâu đời ở Damascus và Tehran, đồng thời với người Sunni Huynh Đệ Hồi Giáo đang nổi lên ở Cairo và nội chiến ở Syria đang diễn ra hay không? Còn những sự bất ổn ngày càng gia tăng ở Bán đảo Sinai với những áp lực đè nặng lên tân chính phủ Ai Cập thì sao? Israel đang chuẩn bị cuộc bầu cử, liên minh của Netanyahu vẫn ổn định vững vàng. Sự ảnh hưởng chính trị trong nội bộ Israel ra sao đến lập trường về Gaza? Biết bao nhiêu câu hỏi cứ xoáy vào tâm trí tôi trong khi tôi đang tìm biện pháp đàm phán cuộc ngừng bắn.
Ngồi trên máy bay, tôi điện đàm với Ngoại trưởng Guido Westerwelle, Đức quốc, ông từng tham vấn cho Jerusalem. Ông nói với tôi: “Tôi đang ở trong khách sạn mà chốc nữa bà sẽ đến, nhưng vừa có báo động phải rời khỏi buồng. Bà khó mà tưởng tượng tình hình căng thẳng đến thế nào đâu.”
Gần 10 giờ đêm ngày 20-11 máy bay hạ cánh xuống phi trường quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv, xe chạy khoảng 30 phút từ phi trường đến văn phòng Netanyahu ở Jerusalem. Tôi lên thẳng lầu, cùng với Thủ tướng và nhóm phụ tá của chúng tôi. Phía Israel nói, họ đã trao đổi với Ai Cập, đại diện cho Hamas, nhưng cảm thấy rất lúng túng, khó khăn kéo dài vì liên quan đến lệnh cấm vận của Israel ở Gaza, tự do đi lại cho người dân, quyền đánh bắt cá xa bờ và những căng thẳng hiện nay. Bibi và nhóm của ông rất bi quan, khó có bất kỳ thoả thuận nào có thể đạt được. Họ cũng rất quan ngại về việc mở cuộc tấn công xâm lược Gaza nếu tình hình không có gì tiến triển. Họ đồng ý dành thời gian cho tôi nhưng không được nhiều, giờ đây tôi phải tranh thủ từng giờ từng phút để tiến hành công việc.
Mấy giờ đồng hồ đã trôi đi, nhân viên phục vụ của Thủ tướng vẫn đẩy chiếc bàn có bánh xe bày thức ăn đưa đến, những chồng bánh kẹp nhân thịt với phô mai và những chiếc bánh kem nhỏ xinh xinh. Đồ ăn ngon và thừa thãi trong không khí đầy căng thẳng, nhưng chẳng ai liếc nhìn đồng hồ đeo tay cả. Tôi e rằng sự thật Bibi và nhóm của ông không quan tâm đến ý tưởng của tôi. Họ thường ngắt lời, tranh luận với nhau kể cả với Thủ tướng.
Netanyahu đã phải chịu áp lực rất nhiều khi quyết định cuộc tấn công xâm lược. Theo các cuộc thăm dò dư luận, hầu hết người Israel ủng hộ mạnh mẽ những bước như vậy nhất là theo đường lối của Đảng Likud của Bibi. Nhưng các tư lệnh quân đội cảnh báo về số thương vong có thể rất cao và Netanyahu cũng lo ngại những hậu quả khó lường xảy ra trong khu vực. Phía Ai Cập sẽ phản ứng ra sao? Từ Lebanon, liệu Hezbillah có mở đợt tấn công hay không? Ông ta cũng hiểu, quân đội đã đánh trúng hầu hết các mục tiêu ngay trong vài giờ đầu tiên oanh kích, đặc biệt làm giảm khả năng hoạt động tên lửa tầm xa của Hamas và hệ thống Iron Dome hoạt động rất hiệu quả bảo vệ người dân Israel. Bản thân Bibi không muốn mở cuộc tấn công mặt đất, nhưng không tìm được lối thoát khả dĩ, cho phép Israel từ bỏ ý định, xuống thang mà không bị tai tiếng, đồng thời không phải đối mặt với thách thức mới của Hamas dẫn đến bạo lực nhiều hơn nữa. Trong khi đó Mubarak tuy đã sụp đổ, nhưng Israel không thật sự tin tưởng chính phủ Huynh Đệ Hồi Giáo ở Cairo. Điều này làm cho vai trò của Hoa Kỳ thậm trí còn quan trọng hơn. Một quan chức Israel thú nhận với tôi, đây là vấn đề rất khó khăn trong việc lựa chọn của Netanyahu ở cương vị Thủ tướng.
Tôi nói, sẽ đến Cairo vào ngày mai, nhưng tôi cần có hồ sơ, tài liệu trao đổi với Tổng thống Morsi để có cơ sở dẫn đến cuộc đàm phán. Theo tôi, điều cốt yếu là phải biết rõ một số điểm Israel sẵn sàng nhượng bộ nếu bị áp lực, vì vậy Morsi cảm nhận có trong tay những tin tức thuận lợi đối với Palestine. Chúng tôi trao đổi, bàn thảo các chi tiết cụ thể nhưng vẫn chưa tìm được những điểm chính mang tính khả thi.
Cuộc họp giải tán vào lúc nửa đêm, tôi quay về khách sạn King David cổ kính xây dựng trên 80 năm, ngủ vài tiếng đồng hồ cho lại sức. Dường như xem ra không phải vì sứ mệnh ngoại giao thất bại mà quân đội Israel sẽ tấn công Gaza. Sáng hôm sau, xe đưa tôi đến Ramallah tham khảo ý kiến ông Abbas. Biết ảnh hưởng của ông có giới hạn, tôi vẫn lôi kéo ông tham gia với khả năng có thể với Hamas trong cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Palestine. Tôi cũng biết chính quyền Palestine vẫn trả lương và trợ cấp cho hàng ngàn người ở Gaza bất chấp điều luật của Hamas, vì vậy điều này rất hữu ích giúp Abbas hỗ trợ cho cuộc ngưng bắn.
Đến thời điểm này, trụ sở chính quyền Palestine ở Ramallah vẫn là mảnh đất quen thuộc của tôi. Pháo đài Mukataa được Anh quốc xây dựng từ những năm 1920, trở thành nổi tiếng năm 2002 khi quân đội Israel bao vây, Yasser Arafat cùng các trợ lý cao cấp của ông bị mắc kẹt bên trong, sau đó pháo đài này bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Năm 2012, người ta đã xây dựng bức tường ghi lại lịch sử bạo lực xảy ra. Khu pháo đài được tái thiết, trong đó có lăng mộ đá vôi Yasser Arafat, đội quân danh dự Palestine đứng gác nhìn du khách tới viếng thăm.
Đây là một năm đầy khó khăn của Abbas. Danh tiếng của ông bị giảm, kinh tế West Bank kém phát triển. Sau lệnh cấm xây dựng khu định cư hết hiệu lực năm 2010 và ông rút khỏi cuộc đàm phán trực tiếp, Abbas quyết định yêu cầu LHQ công nhận Palestine là quốc gia độc lập. Ông đặt cược sự nghiệp của mình bằng ý tưởng thành lập một nhà nước độc lập thông qua con đường hoà bình – trái ngược với cách nhìn nhận của Hamas bằng đấu tranh vũ trang-, vì vậy thất bại trong đàm phán làm giảm nghiêm trọng vị thế chính trị của ông. Giờ đây, ông cảm thấy phải tìm kiếm một con đường bất bạo động khác, nếu ông vẫn còn nắm giữ quyền lực, tìm mọi cách loại bỏ phần tử cực đoan. Cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng tại LHQ không làm được gì nhiều giúp cho cuộc sống hàng ngày của người dân Palestine, nhưng nó lại ảnh hưởng đến Israel trên sân khấu thế giới và sự cô lập ngày càng rõ, nó sẽ tăng sự ủng hộ Abbas ở trong nước- như người Palestien lý giải, buộc Israel phải nhượng bộ. Vấn đề ở chỗ, với LHQ, vấn đề hoà bình chỉ đạt được thông qua các cuộc đàm phán và thoả thuận cả hai phía. Hành động đơn phương, như phiá Palestien yêu cầu LHQ công nhận nhà nước hay phía Israel tự tiện xây dựng khu định cư ở West Bank, chỉ gây mất lòng tin và càng gây khó khăn hơn về sự thoả hiệp.
Suốt năm 2011, chúng tôi không thành công khi thuyết phục Abbas từ bỏ đơn thỉnh cầu LHQ, với lý do không đủ số phiếu ủng hộ của Hội đồng Bảo an, (tôi tránh nói Hoa Kỳ có thể phủ quyết). Trong khi đó tôi làm việc với Cathy Ashton của EU và Tony Blair về khuôn khổ cho việc khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp dựa trên các điều khoản tham chiếu bài diễn văn của Tổng thống Obama tháng 5-2011. Không ngờ tháng 9-2011 hàng loạt vấn đề ngoại giao xảy ra tại Đại hội đồng LHQ, nhưng vẫn không làm sao ngăn cản được Abbas nộp đơn thỉnh cầu và yêu cầu giải quyết. Nhờ sự khéo léo ở hậu trường, đơn thỉnh cầu không nộp Hội đồng Bảo an. Abbas còn có những khó khăn riêng – ngoài mối quan hệ căng thẳng với Israel và Hoa Kỳ-, ông còn là thành viên của UNESCO, cơ quan văn hoá của LHQ, vì thế ông đồng ý vấn đề thỉnh cầu sẽ trình vào năm 2012.
Bây giờ Hamas lại tỏ ra trịch thượng với Abbas trong bản tin quan trọng chống Israel tạo hình ảnh ông như một kẻ hèn yếu trước con mắt của người dân Palestine. Tôi nghĩ, ông đã thầm cảm ơn việc tôi viếng thăm, nhưng ông thực sự trong tình trạng chán nản. Sau cuộc thảo luận khá rời rạc, ông đồng ý tham gia các nỗ lực kiến tạo hoà bình của tôi và chúc tôi thành công ở Cairo.
Tôi trở lại Jerusalem thảo luận với Netanyahu. Cố vấn của ông gọi điện thoại vào nửa đêm hỏi chúng tôi có trở lại họp trước khi đi Cairo không. Chúng tôi phải thực hiện theo kế hoạch đã vạch ra và thận trọng xem xét Israel có thể thay đổi ý kiến nhưng không gây tổn hại những gì đã thỏa thuận trước khi đến Ai cập. Cuối cùng buối gặp gỡ, chúng tôi có chiến lược với những ngôn từ mới mà phía Israel có thể chấp thuận làm cơ sở cho cuộc đàm phán khi đến Ai Cập.
Tôi đến thẳng phi trường. Trong khi chúng tôi đang đi, lại xảy vụ đánh bom xe buýt ở Tel Aviv, vụ đầu tiên trong năm. Hàng chục người bị thương. Đây là lời nhắc nhở đáng ngại về nhiệm vụ cấp bách của tôi.
Trưa ngày 21-11, tôi đến Dinh Tổng thống ở Cairo, nơi trước đây tôi đã từng gặp Mubarak rất nhiều lần. Các khu nhà vẫn như cũ nhưng giờ đây do Huynh Đệ Hồi Giáo cai quản. Cho đến lúc ấy Morsi vẫn chấp hành Hiệp ước Hoà bình Trại David với Israel mà nó trở thành nền tảng cho sự ổn định trong khu vực hàng thập niên, nhưng sẽ kéo dài được bao lâu nữa nếu Israel tấn công Gaza? Ông có thể tái khẳng định vai trò truyền thống của Ai Cập làm người trung gian hoà giải và tự khẳng định mình như một chính khách tầm cỡ quốc tế hay không? Liệu ông có nhân cơ hội này lại khuấy động sự tức giận và với vai trò là người Trung Đông đứng lên chống lại Israel hay không? Không hiểu mọi việc sẽ như thế nào, vì thế chúng tôi phải thứ thách ông.
Morsi là chính trị gia khác thường. Lịch sử đã kéo và xô đẩy, đưa ông lên vị trí quan trọng. Trong đầu ông có biết bao kế sách để tìm cách quản lý nhà nước trong tình trạng rất khó khăn. Morsi tỏ rõ rất quan tâm quyền lực trong cương vị mới, ông say mê công việc chính trị (cho đến sau này ông đành từ bỏ). Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn ra vấn đề, ít ra trong trường hợp Gaza, ông quan tâm làm người môi giới thực sự chứ không phải chỉ nói suông. Chúng tôi gặp ông tại văn phòng cùng nhóm cố vấn của ông, thảo luận thông qua tập hồ sơ đem theo do Thủ tướng Israel trao tận tay.
Tôi khuyến nghị Morsi suy nghĩ về vai trò chiến lược của Ai Cập trong khu vực và vai trò lịch sử của chính ông. Anh ngữ của ông rất giỏi, từng lấy bằng tiến sĩ ở Trường Đại học Southern California ngành vật liệu xây dựng năm 1982, làm giảng viên tại Đại học California State, Northridge cho đến năm 1985. Ông nghiên cứu từng cụm từ trong văn bản, đôi khi thắc mắc: “Câu này có nghĩa như thế nào? Bản dịch có đúng nguyên văn không?” Có một điều khoản ông nói thẳng: “Tôi không thể chấp nhận được điều khoản này.” Tôi trả lời: “Nhưng do chính ngài đề xuất trong bản dự thảo ban đầu mà.” Ông đành chấp nhận: “Chính tôi đề xuất? Thôi được.” Đôi khi thậm chí ông còn bác bỏ ý kiến của Ngoại trưởng Amr ở một điều khoản trong cuộc đàm phán, đưa ra những nhượng bộ quan trọng.
 Dự thảo đề xuất tóm tắt theo từng điều khoản. Về thỏa thuận “không giờ”, Israel phải dừng ngay tất cả những cuộc tấn công vào Gaza từ mặt đất, vùng biển, trên không và phía Palestine cũng ngừng ngay các cuộc bắn tên lửa và các cuộc tấn công dọc theo vùng biên giới. Ai Cập sẽ là người đóng vai bảo vệ và theo dõi thực thi. Phần tiếp theo khó khăn hơn. Khi Israel nới lỏng và rút khỏi vùng biên giới, người Palestine có thể nhận được nguồn cung cấp thục phẩm ở đâu? Làm sao Israel tin Hamas không xây dựng kho vũ khí của họ. Chúng tôi đề xuất về những vấn đề phức tạp “thực thi sau khi ký kết lệnh ngưng bắn 24 giờ”. Đây là ý tưởng khá mơ hồ, cho rằng Ai Cập có thể sắp xếp tạo điều kiện đàm phán được ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt. Netanyahu đã chỉ cho tôi căn phòng để sử dụng cuộc thương lượng được đề cập cụ thể trong văn bản mà tôi cần có. Morsi đưa một số điều kiện mà chúng tôi đã sửa đổi văn bản nhiều lần, ngay cả việc giải quyết một số điểm cuối cùng: “Việc mở rộng và tạo điều kiện cho các phong trào của người dân và vận chuyển hàng hóa cùng sự hạn chế các phong trào tự do, cũng như mục tiêu nhằm vào các cư dân khu vực biên giới, các thủ tục sẽ được thực thi 24 giờ sau khi bắt đầu ngừng bắn.”
Qua những cuộc đàm phán, phía Ai Cập gọi điện cho những nhà lãnh đạo của Hamas và các phe cực đoan của Palestine, kể cả một số quan chức đang có mặt tại các cơ quan tình báo Ai Cập trong thành phố. Nhóm của Morsi thuộc tân chính phủ, theo dự kiến với Palestine tỏ vẻ khó chịu khi phải thuyết phục hồi lâu mới đạt được thỏa thuận. Chúng tôi thường xuyên lưu ý những người trong Huynh Đệ Hồi Giáo mà lúc này đại diện cho thế lực lớn trong khu vực với trách nhiệm chuyển tải thỏa thuận.
Tôi cập nhật diễn biến thường xuyên với Tổng thống Obama và trao đổi với Netanyahu vài lần. Ông ta và Morsi không thể trao đổi trực tiếp với nhau, vì thế tôi trở thành người truyền tải các thông tin về quá trình đàm phán qua điện thoại, trong khi Jake và viên Đại sứ tuyệt vời của chúng tôi ở Cairo, Anne Patterson, đã đi sâu một số chi tiết phức tạp với cố vấn của Morsi.
Netanyahu cố ý thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ và Ai cập để tìm cách ngăn chặn các cuộc vận chuyển vũ khí vào Gaza. Ông không muốn chấm dứt các cuộc không kích, sau đó đành chấp nhận vì nếu không, khả năng khó giữ được chiếc ghế của mình trong vòng một hoặc hai năm nữa. Khi tôi thúc ép Morsi vấn đề này, ông đồng ý cho rằng vấn đề đó còn có lợi cho an ninh của Ai Cập nữa. Nhưng đổi lại, ông yêu cầu phải có cam kết mở cửa vùng biên giới Gaza để hàng cứu trợ nhân đạo và hàng hoá khác đến được càng sớm càng tốt và cho phép người Palestine được tự do đánh bắt cá xa bờ. Netanyahu sẵn sàng giải quyết linh hoạt những điểm này nếu như ông nhận được sự bảo đảm chắc chắn các cuộc tấn công bằng tên lửa và vũ khí khác ngừng ngay. Với mỗi vòng của cuộc đàm phán, chúng tôi đã nhích lại gần nhau hơn về sự hiểu biết và tin cậy.
Sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận. Lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 9 giờ đêm theo giờ địa phương, chỉ còn vài giờ nữa là có hiệu lực. (Đây là thời gian tự lựa chọn, nhưng chúng ta cần có câu trả lời minh bạch với câu hỏi cơ bản: “Đến khi nào bạo lực sẽ chấm dứt?”) trước khi chúng tôi có thể tuyên bố thắng lợi, nhưng còn có một chuyện cần phải giải quyết. Chúng tôi tán thành Tổng thống Obama gọi điện cho Bibi mang danh nghĩa cá nhân, phải trả lời có thật sự đồng ý ngưng bắn không và Hoa Kỳ hứa sẽ thẳng tay xóa sổ tình trạng buôn lậu vũ khí vào Gaza. Có phải đây chỉ là vỏ bọc chính trị để Bibi có thể nói với nội các và các cử tri rằng ông đã quyết định đình chỉ cuộc tấn công hay không? Hay chính bản thân ông chưa thật sự hài lòng nhưng vì nể Tổng thống Obama nên mới đồng ý? Dù cách gì đi nữa, thoả thuận đã được chấp nhận, điều mà chúng tôi cần.
Trong khi đó nhóm tôi nhiều người thường xuyên liếc nhìn đồng hồ vì lo ngại. Bây giờ đã quá 6 giờ chiều theo giờ Cairo của đêm trước ngày Lễ Tạ ơn. Theo quy định, phi hành đoàn Không Lực sắp được nghỉ lễ, có nghĩa máy bay không thể cất cánh cho đến ngày hôm sau. Nhưng nếu cuộc họp tan sớm, mọi người kịp được hưởng ngày lễ cùng với gia đình. Dù bất kỳ điều gì xảy ra, món ăn trong bữa tiệc Lễ Tạ ơn cho phi hành đoàn Không Lực phải có món gà tây quay cùng với salad gồm các loại rau tổng hợp. Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi xa nhà trong các kỳ nghỉ lễ, vì yêu cầu công việc ngoại giao quốc tế, tuy vậy chẳng ai phàn nàn mà chỉ mong mọi việc giải quyết được suôn sẻ.
Cuối cùng mọi chuyện đâu cũng vào đấy, các cuộc điện đàm giải quyết xong từ Jerusalem và Washington. Essam al-Haddad, cố vấn an ninh quốc gia của Morsi, cuối cùng cũng phải xuống thang đồng ý. Ngoại trưởng Amr và tôi bước xuống cầu thang vào phòng họp chật cứng các ký giả, phóng viên nhiếp ảnh quốc tế, thông báo lệnh ngưng bắn đã được đồng ý. Lúc này trong phòng họp báo ồn ào như ong vỡ tổ, cảm xúc trào dâng. Ngoại trưởng Amr nói: “đây là trách nhiệm lịch sử của Ai Cập đối với nhân dân Palestine” và nó “cũng là cơ sở vững chắc để ngăn chặn xung đột đẫm máu”, gìn giữ sự ổn định trong khu vực. Tân chính phủ Huynh Đệ Hồi Giáo không thể ngờ có thể đạt được thành tựu như ngày hôm ấy. Tôi cám ơn Tổng thống Morsi về công việc hoà giải và ca ngợi những gì đạt được trong thỏa thuận, nhưng cũng cảnh báo: “Không có gì có thể thay đổi cho nền hoà bình vừa thỏa thuận” mà cần phải có “sự tiến bộ về an ninh, phẩm giá và những nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine và người dân Israel phải được bình đẳng như nhau.” Vì vậy công việc của chúng tôi đến đây cũng đã đạt được những gì mong đợi. Tôi cam kết: “những ngày sắp tới, Hoa Kỳ tiếp tục tham gia với các đối tác trong khu vực để củng cố tiến trình này, cải thiện đời sống cho người dân Gaza và đảm bảo an ninh cho nhân dân Isarel.”
Đoàn xe chúng tôi chạy xuyên qua các phố của Cairo trong đêm tối, tôi tự hỏi, cuộc ngưng bắn sẽ kéo dài được bao lâu. Vì khu vực này đã chứng kiến quá nhiều chu kỳ của bạo lực, biết bao lần hy vọng cũng đã từng tan như mây khói. Chỉ cần một số phần tử cực đoan bắn vài quả tên lửa sang Israel, thế là bạo lực lại bùng phát. Muốn giữ được hoà bình, cả hai bên phải thực thi nghiêm túc lệnh ngừng bắn. Ngay cả khi đã thành công, những ngày sắp tới còn rất nhiều vấn đề ngổn ngang khó khăn chưa nêu trong thoả thuận. Tôi chắc sẽ phải trở lại sớm để thu xếp mọi chuyện cho xong.
Bây giờ là 9 giờ đêm, bầu trời Gaza thật yên tĩnh. Nhưng trên nhiều phố phường hàng ngàn người dân Palestine xuống đường ăn mừng chiến thắng. Các nhà lãnh đạo Hamas, vừa mới thoát khỏi cuộc tấn công dữ dội của Israel, huyênh hoang tuyên bố thắng lợi. Netanyahu đưa ra những lời cảnh báo “rất có thể” ông buộc phải phát động cuộc tổng tấn công “quân sự mãnh liệt nhất” nếu lệnh ngừng bắn bị vi phạm. Bất chấp phản ứng trái ngược nhau, với tôi, hai chiến lược quan trọng mà Israel phải trả là khá thuận lợi. Thứ nhất, ít nhất là lúc này đây, Ai Cập vẫn nguyên vẹn là đối tác vì hòa bình mà tôi đã từng nghi ngờ sau khi Mubarak sụp đổ. Thứ hai, sự thành công của hệ thống phòng thủ Iron Dome đánh chặn được các tên lứa bắn tới đã “nâng cao được khả năng phòng vệ” của Israel và vô hiệu hóa sự đe dọa quân sự của Hamas.
Khi lên máy bay, tôi nửa đùa nửa thật hỏi Jake, thoả thuận có thể thực hiện được không. Ông bảo, được chứ. Tôi vào ghế ngồi chuẩn bị cho chuyến bay nhiều giờ để trở về nhà.
Sau mới biết, lệnh ngưng bắn được tuân thủ nghiêm túc hơn như mọi người đã dự đoán. Năm 2013 là năm mà Israel coi như bình an nhất trong hơn một thập niên. Sau đó, một quan chức cao cấp Israel tâm sự với tôi, chính phủ ông trong vòng 48 giờ nữa sẽ mở cuộc tấn công vào Gaza, sự can thiệp bằng ngoại giao hầu như không thể giúp gì được trước sự đối đầu cuộc xung đột. Tuy vậy, tôi vẫn tin, nếu không bền bỉ hoạt động ngoại giao thì tương lai an ninh của Israel về nhà nước Do Thái dân chủ trên cơ sở của nền hòa bình toàn diện dựa trên trạng thái hai quốc gia cho hai dân tộc khó có thể thực hiện.