- IV -
Sự hại cần phải có

     ừ khi người ta sống với nhau thành xã hội, có lẽ từ đời thượng cổ, nhân loại cũng đã đau đớn ê chề về nạn mại dâm, như đau một cái nhọt độc, như đau một cái ung thư, mặc lòng đã hết cách bài trừ nó mà vẫn cứ phải kéo lê nó lẵng nhẵng sau lung qua cả cuốn sử, mà chắc không bao giờ nó lại chịu nhượng bộ, vì nạn mại dâm cũng là một thứ tai họa độc ác mà loài người không có nó thì sẽ tiêu diệt.
“Những công cuộc bài trừ của nhà triết học, nhà lập pháp, ông cố đạo, đều đã thất bại. Từ bao nhiêu thế kỷ nay rồi, những sách vở của nhà xã hội học, những đạo chỉ dụ của các vị đế vương, những giấy bức của nhà pháp lý học, những lời ban của các vị Giáo hoàng, đã bị chất đầy chung quanh cả quả núi ấy.
Con quái vật ấy đã không sợ hại gì cả, và cả đống giấy má ấy càng cao lên bao nhiêu thì không những nó chẳng bị vùi lấp mà nó càng vươn mình cao lên hơn nữa, để hành hạ loài người.
Nạn mại dâm cũng thuộc vào những vấn đề bất hủ của tất cả các giống người, mà ai cũng phải tìm cách để mà chịu đựng nó vậy.
Nạn ấy lại có tính chất số kiếp nữa, và nó đề ép số mệnh chúng ta bằng một mối sầu chua chát lạ thường. Cái số mệnh của con người ta ở đời là như thế: Không biết cái gì cấu tạo ra mình, không biết tại sao mình lại có, không biết chết đi thì sẽ ra làm sao, và còn điều khốc hại hơn nữa là trong khi sống thì bị bao nhiêu nỗi đau thương mà ta không rõ nguyên do, mà trong bao nhiêu vết thương ấy, thì nạn mại dâm là một.
Tại Ai Cập cổ, nước Chaldée, nước Assyrie, xứ Phénicie [1], nghề mại dâm xưa kia cũng đã hoang toàng, ở tất cả các nơi đô thành của cái Á Đông thượng cổ, bọn dân nghèo đã bán con gái họ vào nghề mại dâm. Tại những nước có chế độ phụ nữ đã bị bó buộc đem thân thể mình chung đốn cho bọn chủ. Đối với dân tộc Hy Lạp và La Mã cũng vậy. Nhất là dân Hy Lạp thì, vốn là dân tộc đất văn hiến họ lại còn đem cái thẩm mỹ quan của họ ca tụng nghề mãi dâm, tô điểm cho bọn kỹ nữ có những thi vị và những đức hạnh phi thường. Sự thực thì bọn kỹ nữ nổi danh như Lais, Phryné, Sapho, Asnasie [2]... chỉ là một vài nhân vật hiếm có, còn cái đạo hùng binh gái đĩ khốn khổ cũng như ở xứ khác, về tài sắc, bọn ấy chẳng hơn gì những gái đĩ rạc rầy ở xứ ta.
Càng trở lại những trang sử cũ mọi sự lại càng rõ rệt.
Vào thời Trung cổ và thời Phục Hưng, thì nạn mại dâm ở Pháp gây ra những bệnh phong tình một cách ghê gớm đến nỗi tất cả các chính phủ kế nhau đều phải hợp lực với Giáo hội để bài trừ nó bằng những phương pháp ác nghiệt như là: đánh đập, phanh thây, xử giảo, bêu riếu, tịch biên tài sản bọn gái đĩ, bắt chúng phải ở hẳn trong những nhà thổ, cấm chúng đi lại các phố xá, buộc chúng phải cắt tóc ngắn và vận những y phục riêng v.v... Một vài phương pháp ấy hiện nay cũng vẫn có nhiều nước thực hành. Đó là những chứng cớ về sự dai dẳng của nạn mại dâm, ở đâu cũng có.
Nhưng mà có điều này đáng để ý lắm, là tất cả các chính phủ, các triều đình đều phải đồng lòng nhau mà thú nhận rằng một phần thì không đủ thế lực bài trừ nạn mại dâm, và một phần nữa, nếu có thể trừ được, thì việc làm cho nó mất hẳn đi cũng lại là một sự rất nguy hiểm. Cho nên từ xưa đến nay, điều chủ trương của các nhà lập pháp cũng là không những chỉ bài trừ những sự khốc hại quá đáng của nạn mại dâm, nhưng mà chính là giữ nó cho thích độ, vì rằng trừ tiệt hẳn nó đi e còn gây ra những điều nguy biến đáng sợ hơn là cứ để nó sống tự nhiên.
Đến đây, ta lại thấy một tính chất khác nữa của nạn mại dâm cũng kỳ lạ vô cùng. Đã đành đó là một nạn bất hủ, không tránh được, nhưng đó cũng là một sự không có không được. Tuy nó là một vết thương rất đáng ghê tởm của nhân loại, song có lẽ không có nó thì nhân loại sẽ không đứng vững vì mất thế quân bình. Thật là một vấn đề nghộ nghĩnh là cái vấn đề của con quái vật có hai lá mặt ấy, nó cũng như cái lưỡi theo ý triết nhân Esope [3] nghĩa là nó vừa hữu ích lại vừa tai hại, một điều khó hiểu của loài người mà những lý thuyết dài của Quyền, Lực, và Luân lý cũng không làm cho lung chuyển mảy may”.
Ấy đó là những điều xét nghiệm của bác sĩ Bodros về cái ung thư ấy, của cổ và kim, đông và tây...
Mại dâm là một cái nạn cần phải có... Nếu có một cách gì mầu nhiệm ghê gớm để trong chốc lát mà trừ khử ngay được cái nghề đốn mạt ấy như ta đánh một nhát búa vào đầu một con rắn độc, thì thành phố Hà Nội sẽ ra thế nào? Ồ! Không! Dù có cái phương châm mầu nhiệm ấy nữa, ta cũng không dùng đến được. Tại sao?
Chín trăm binh lính sẽ bất bình, nếu những người ấy - họ không có vợ - không theo nổi lý thuyết nhịn nhục, tiết chế dâm dục của Freud [4] mà người Pháp gọi là: refoulement freudien.
Mười sáu mụ “Tú bà” tân thời sẽ theo với số chị em nhà thổ là một trăm tám mươi lăm cùng lâm vào một cảnh ngộ khó xử, khi muốn tìm nghề khác.
Ba mươi bảy ông chủ săm và hơn một trăm bồi săm sẽ thất nghiệp.
Sáu trăm mười ba ông chủ tiệm thuốc phiện chính thức hoặc không có môn bài sẽ tự tử.
Năm nghìn gái đĩ lậu thuế - con số này cũng do nhà chuyên trách ức đoán - sẽ làm loạn cả kinh đô.
Quỹ của thành phố sẽ hao hụt một số tiền đại khái là 1.388$ 86 mỗi năm [5] nếu ta chưa kể đến thuế môn bài các nhà săm, các tiệm khiêu vũ, các cửa hàng rượu, vì số tiền đích xác kia là tiền thuế môn bài của mười sáu nhà số đỏ [6].
Các đạo binh thất nghiệp do những anh bồi săm, ma cô, phu xe đêm lập nên, sẽ ghê gớm vô cùng, sẽ gây ra những vụ cướp bóc, trộm cắp đáng sợ vô cùng.
Không, không, và không!
Trừ cho tiệt nghề mại dâm sẽ là một điều nguy hiểm.
- Hay là theo chương trình của bác sĩ Le Roy des Barres?
- Nhà nước không đủ tiền để thực hành phần kiến thiết của chương trình ấy.
Không có tiền làm gì cả, thành phố Hà Nội chẳng giải phóng nghề mại dâm mà cũng không hẳn thắt buộc nghề mại dâm. Đối phó với nạn ấy, thành phố Hà Nội chỉ có thể làm qua loa...
Cho phải phép!
Nhà lục xì của Hà Nội chỉ chứa được có hai trăm người, mặc lòng số kỹ nữ phải bắt giam vào lục xì là những năm nghìn.
Độ chừng năm nghìn đĩ lậu mà chỉ có một viên thanh tra người Pháp chỉ huy năm hay sáu thầy “đội con gái”.
Năm, sáu người ấy phải đi kiểm sát, lùng bắt mười sáu nhà thổ chung, mười lăm nhà điếm riêng, ba trăm bảy mươi bảy phòng ngủ trong các nhà săm! Trong một đêm!
- Cảnh sát phường chèo! Police vaudevillesque!
Bác sĩ Joyeux, Giám đốc ngạch y tế của thành phố, đã phải nói thế. Chúng ta sống dưới một chế độ không có ai chịu trách nhiệm. Đó là cái phiền phức của đất thuộc địa, của đất bảo hộ, của điều ước Patenôtre 1884 nó đẻ ra mọi sự rắc rối lôi thôi như ngân sách Bắc Kỳ bảo hộ thì có nhà thương Phủ Doãn, công quỹ thành phố Hà Nội thuộc địa thì có nhà lục xì.
Cũng như tôi, độc giả đã biết một vài điều, một vài con số nó khiến chúng ta có thể hiểu được mọi sự mà ta sẽ thấy trong nhà lục xì.
Những con số ấy, ta nên coi như những chữ bí mật trong một chiếc “cẩm nang”.
Đối với một đạo luật cấm ngặt dân chúng - cả dân báo giới nữa - không được lén lút vào những viện công như nhà điên, nhà pha, nhà luộc người [7], xưởng chế khí giới, trại lính, nhà hủi vân, vân... chúng ta cất kỹ cái cẩm nang của chúng ta.
Rồi chúng ta đến nhà lục xì.
Đứng trước cái cửa ghê gớm ấy, ta chỉ niệm cái câu thần chú thông thường này: “Sésame, ouvre loi”.
- Vừng ơi, mở ra!
Chú thích:
[1] Chaldée và Assyrie ở miền Luỡng Hà, trong thiên niên kỷ thứ nhất truớc công nguyên, nay thuộc lãnh thổ nước Irak. Phénicie ở bờ Địa Trung Hải nay thuộc lãnh thổ Xyri và Liban, thịnh vượng vào nửa sau thiên niên kỷ thứ hai truớc công nguyên.
[2] Phryné người đẹp Hy Lạp trong thế kỷ IV trước công nguyên là bạn tình của nhà điêu khắc được tình lang mượn làm người mẫu cho Praxitile nhiều bức tượng nữ thần và giai nhân nổi tiếng - Sapho đại thi hào cổ Hy Lạp đầu tiên trong lịch sử (thế kỷ XII-V1 tr.c.n) lại là mỹ nhân tuyệt vời. Asnarie là giai nhân tài hoa tuyệt thế.
[3] Triết gia cổ Hy Lạp trong thế kỷ VII-VI trước công nguyên, nổi tiếng về truyện ngụ ngôn và được hậu thế nhắc nhiều nhất về cách đánh giá cái lưỡi, là cái tốt nhất lại là cái xấu nhất.
[4] Signund Freud (1856-1939) sáng lập phương pháp phân tích tâm lý cho rằng nhiều ham muốn của con người đã bị dồn nén vào tiềm thúc (refoulement).
[5] Bằng gần năm mươi lạng vàng thời ấy.
[6] Nhà chứa gái đĩ ngày ấy. Số nhà phải ghi thành chữ đỏ, để phân biệt với các nhà thường dân mà số nhà đều màu xanh.
[7] Xác người chết ở các nhà thương làm phúc không có ai nhận chôn cất, thì người ta đem luộc lấy bộ xương cho các phòng thí nghiệm.