Gia đình - người tình & áo khoác
Phàm ước mơ bay càng cao
càng dễ bị nhiễm lạnh...

     ài Gòn không có mùa đông. Khi quyết định chuyển đến sống ở thành phố hoa lệ nhất nước Việt, em nghĩ mình sẽ chẳng cần động đến chiếc áo khoác nữa.
Tháng Sáu, nắng vàng nhức mắt. Em ra đường, sợ bị ung thư da, mặc chiếc áo sơ-mi dài tay bên ngoài, hòa vào những con đường lúc nào cũng nườm nượp xe hai bánh, hối hả xe ba bánh, nối đuôi xe bốn bánh. Nhìn người ta bị bùng khẩu trang, găng tay, kính mát, mũ rộng vành và khoác cái áo dày sụ, em cười. Mùa này mà ăn mặc như thế đi ngoài đường phố Hà Nội chắc bị chửi dở người, khùng điên mất. Em lại cười vì mình khó hợp được với không khí của nơi này.
Đôi lần lên Đà Lạt - thành phố sương mù vương phủ bao bọc tình yêu - nỗi nhớ, em cũng đã phải mua cho mình vài chiếc áo khoác. Mặc một hai lần rồi trở về thành phố lại gấp cất nơi đáy va-li. Em vẫn không thích mặc áo khoác dưới cái nắng Sài Gòn. Da có đen cũng mặc kệ.
Hơn một năm sau, bạn bè nói em khác xưa, thay đổi. Mất đi làn da trắng của con gái xứ Bắc, dễ thích nghi với lối sống, cách nghĩ miền Nam. Nhưng em vẫn thấy mình lạc lõng, chẳng là Bắc, chẳng là Nam, bơ vơ, cô độc trong tư tưởng.
Một năm rưỡi, em chuyển chỗ làm ba lần. Hài lòng với công việc hiện tại của mình, công việc dễ thương, đồng nghiệp dễ thương, sếp dễ thương... song cuộc sống của em vẫn nhàn nhạt. Em không có một chỗ dựa khi mệt mỏi, dù chẳng lúc nào em ở một mình. Người ta lướt qua cuộc đời em, cũng giống như em lướt qua cuộc đời nhiều người khác để rồi cuốn xoáy theo những vòng quay rã rời. Vòng quay đó, đẩy em ly tâm khỏi xúc cảm đích thực khi sống.
Công việc mới của em cũng đã kéo dài được năm tháng, với người khác là ngắn ngủi, nhưng với em đó là sự ổn định. Vốn dĩ từ khi ra trường em đã nhảy lóc cóc cả gần chục công việc. Hồi mới đầu em được xếp ngồi ở giữa phòng, vị trí ấy mát nhất, cái máy lạnh cứ xối thẳng những luồng khí vào mặt em. Lúc nào em cũng để nhiệt độ ở con số 26 - 27, nhưng em vẫn lạnh cóng vì nó. Lôi cái áo khoác dưới đáy va-li lên trưng dụng. Nó giữ ấm cho em để những người khác trong phòng khỏi cảm thấy nóng. Em như sống giữa những ngày đông. Hàng ngày, bước vào văn phòng, em khoác nó lên mình, tan làm cởi ra phủ lên chiếc ghế... Vài tháng sau nhân sự thay đổi, trống một chỗ ngồi nơi góc phòng, em nhanh nhảu chuyển chỗ. Không phải hứng luồng gió của máy điều hòa nữa. Cái áo khoác em lại mang về cất nơi đáy va-li. Nghĩ rằng, cuối đông trở ra Bắc thăm mẹ, thăm quê sẽ lại nâng niu, yêu quý nó.
Em sống trong một căn phòng trọ khá rộng, ban đầu chỉ có bốn người, nhưng rồi em người nọ, cháu người kia đi học, đi làm đến ở nhờ, rồi không tìm được nhà trọ mới nên ở lại luôn, cả em gái em nữa. Bây giờ căn phòng chen chúc bảy người, y như hộp cá mòi khi đông đủ. Ngày trước nuôi bé mèo mướp xanh, chẳng thấy thằng chuột nào lảng vảng. Từ khi em mèo mất tích, tiếng meo meo được thay thế bằng âm thanh chút chít trong góc tối căn phòng. Mấy người cùng phòng không thích chung chạ một cái bếp nên vác đồ vào nấu nướng luôn trong phòng, chuột càng nhiều. Em chẳng sợ chuột, nhưng ghét nỗi một cơ số quần áo của em đã đã bị bọn chúng nhấm rách lỗ chỗ. Bực mình chỉ muốn rải thuốc chuột khắp nhà, cho bọn chúng ăn vào chết dúi chết dụi ở ngóc ngách nào đó cho rồi. Cơ mà lại sợ ảnh hưởng những bé mèo hàng xóm, nhỡ đâu tóm được lũ chuột bả lại phải đi nấu cháo đậu xanh. Và còn nữa, nhỡ đâu mười con ăn phải bả thì chỉ có một con chết, chín con còn lại thi nhau đẻ ầm ĩ như gà ấy. Ngày còn ở quê, bà hàng xóm nhà em làm bả mang ra đồng nhử chuột, con gà mái óc bé hơn trái nho khô vào ăn vụng, mổ được cả vốc, thế mà nó chả chết lăn quay ra gì cả, cứ hồn nhiên sống và đẻ sòn sòn cả trăm trứng không thèm đòi ấp iếc như trước nữa. Té ra thuốc chuột made in China, nên người dân cứ đồn thổi bọn Tàu nó thâm hiểm lắm, pha trong bả chuột thuốc kích thích đẻ để dân mình diệt mà sinh, sinh rồi không cách gì diệt được. Giá như bọn chuột không có cái tật ngứa răng, gặm nhấm linh tinh thì em sẽ chấp nhận chung sống hòa bình với chúng ngay... nhưng quần áo của em cứ tiếp tục bị thủng, rách, nên em ngán lắm rồi, chán lắm rồi. Nói nuôi mèo thì một đống cái mồm nhao nhao lên phản đối, rằng mèo hôi, rằng mèo bẩn... Ghét ghê! Em cứ nung nấu trong đầu ý định chuyển chỗ trọ, ngặt nỗi...
Lương và sự khéo thu vén của em vừa đủ cho một cuộc sống độc thân đầy đủ. Em có thể thuê một căn phòng sạch sẽ, giống như trong các mục rao vặt: đẹp, đủ tiện nghi, WCR, GTD, THC, ADSL... nhưng sẽ không còn dư một khoản tiền để gửi cho mẹ. Mỗi tháng em gửi cho mẹ gần $100 (em lĩnh lương tiền Việt, tiêu tiền Việt, nhưng em quy đổi qua đô nói cho nhỏ nhẹ, chứ cứ trăm, nghìn, triệu đồng nghe to tát quá). Nếu em sống đầy đủ, mẹ sẽ không còn cái niềm vui chạy loăng quăng xóm giềng khoe khoang về sự hiếu thảo của em, niềm tự tôn con cái cũng sẽ vơi cạn mỗi lần họ tộc họp mặt. Bằng tuổi em có ai được như em? Con trai thì chỉ biết ăn tiêu bạt mạng, thân mình lo còn chưa nổi, con gái nhóng đi lấy chồng, ấp iu cái gia đình cỏn của mình, rồi quên luôn nhà đẻ. Em thì luôn nghĩ, khi chưa chồng con, tranh thủ trả nợ cho mẹ, chứ đến lúc lập gia đình lo cho nhà chồng đủ bở hơi tai, nợ chất chồng qua kiếp sau thì cực lắm. Em ghét nợ nần, em sợ nợ nần, sợ cả cái quy luật nhân quả - luân hồi.

 

Em có một người tình, cũng là dân xứ Bắc. Đúng ra theo cách nhìn của thiên hạ, phải gọi em là “nhân tình bé nhỏ” của người ấy. Vì người ấy đeo nhẫn ở ngón áp út, mối quan hệ giữa em và người ấy xã hội và pháp luật gọi là bất chính. Nhưng em thích người ấy, nghĩ về người ấy bất cứ lúc nào đầu óc rảnh rỗi. Chất xám trong đầu em coi người ấy như một thứ gia vị cho cuộc sống nhàn nhạt của mình. Người ấy bận rộn lắm, một tháng gặp em đôi lần, có những chuyến công tác dài, xa ngái, bặt tin, lòng em tan ngập tiếc nuối, người ta chán mình, người ta đã quên mình...
Có thể người ta đã chán em, sự khao khát, nồng nàn thủa ban đầu đã phai nhạt, nhưng người ta chưa quên em. Vẫn gọi điện nghe em nũng nịu giận hờn và một tháng gặp em đôi lần. Em quy ước với lòng: không bao giờ gọi điện hay nhắn tin cho người ấy cả. Vị thế của em trong cuộc tình đó không được phép chủ động. Em lo âu một lúc nào đó người ấy thấy em phiền toái thì quãng thời gian còn lại trong cuộc đời em sẽ không được gặp người ấy nữa. Mà bây giờ thì em vẫn muốn được nhìn thấy người ấy.
Bạn bè của người ấy ai cũng cặp bồ, họ đều quan niệm “cặp bồ là mốt”. Dĩ nhiên em là vợ hai, là người yêu, là bồ nhí... của người ấy. Có lần người ấy hỏi em thích được gọi bằng gì? Em lơ đễnh: “Vợ bé, nhân tình, bồ nhí, phở... gì cũng được”, rồi bất chợt chùng xuống: “... hoặc là gái gọi cũng được”. Người ấy nghiêm mặt, em giải thích: “thì chẳng phải lúc nào anh gọi em mới đến sao?”. Em hiểu tim mình nhói đau.
Người ấy trẻ, phong độ, thành đạt. Lựa chọn em làm nhân tình khiến em chê rằng mắt thẩm mỹ của người ấy kém, vì em là một chân dài không đẹp. Sếp cũ của em, thuộc lớp doanh nhân trẻ thành đạt, giống như người ấy, cũng sàn tuổi, nhưng chẳng chung tình với bất cứ người đẹp nào cả. Mỗi khi có những cuộc thi hoa hậu, người mẫu danh tiếng, là lại cùng vài chiến hữu đi săn các em mỹ nhân non tơ. Lúc nào cũng thấy các kiều nữ nổi tiếng trong làng giải trí vây quanh sếp cũ, nhưng chẳng ai em gặp được quá hai lần cả. Hỏi sếp cũ rằng "cô nàng đi cùng cách đó một tuần đâu?" lập tức nhận được cái cười mỉa “xưa lắm rồi!”. Nên em thích người tình của mình.
Với em người ấy có quá nhiều ưu điểm để thích. Trước tiên là không hút thuốc. Muốn được em thích thì điều này là quan trọng nhất. Rồi không bia rượu nhiều, trừ một số trường hợp bất khả kháng khi tiếp khách, không thì toàn uống nước trái cây như em thôi. Người ấy lúc nào cũng nhẹ nhàng, ấm áp, kiên nhẫn và nâng niu em như một viên ngọc quý. Đã từng chờ em mọc rễ ở một nhà hàng khẩu vị Bắc, đã từng để bạn bè đợi cả tiếng đồng hồ trong buổi tiệc mình đứng ra chiêu đãi vì phải cùng em xem nốt một bộ phim ở Galaxy, đã từng tự lái xe đưa em đi chơi trong khi bình thường người ấy luôn có tài xế đưa rước, đã từng lẽo đẽo đi theo khi em dạo nhà sách, đã từng chui vào quán thịt chó xô bồ với em trong một ngày mưa, đã từng quỳ xuống sàn chỉ để gài lại quai guốc bị tuột cho em, đã từng hôn em ngay trước quán cafe Zenta tấp nập người ra vào... nồng nàn... Vì thế em giữ hình ảnh người ấy trong tim. Và lúc nào cũng dịu ngọt như con gái trong phim Hàn tha thiết gọi “Upa!”.
Thoảng có lúc thước phim quay chậm về một vụ đánh ghen hiện lên trong não, em là nạn nhân cũng là thủ phạm khiến hạnh phúc gia đình của người ấy rạn nứt. Không ghen kiểu chợ búa, giang hồ, không gây tổn hại đến thể xác của nhau mà là sự dằn vặt về trí tuệ, tâm hồn, về đạo đức làm người, nghiến nát lòng tự trọng. Vợ người ấy, em đã thoáng lướt qua nhiều lần, luôn chỉn chu đoan chính đi bên chồng. Dân trí thức, nên viễn cảnh hành hung tạt axit chắc chắn không xảy đến với em. Nhưng lỡ có ghen tuông em sẽ vĩnh viễn rời xa người tình của mình. Em không muốn phá vỡ bất kỳ tổ ấm nào cả. Em biết luật nhân quả và em sợ báo ứng mà. Huống chi người ấy yêu vợ yêu con của mình. Em chỉ là một chiếc áo khoác không cần thiết cho một người dân Bắc di cư sống giữa thành phố nhiệt đới này, họ chạm đến em khi bất giác cảm thấy lạnh, lẽ thường cuộc sống ở đây nóng bức bốn mùa.
Người tình của em, ngỏ ý muốn thuê một phòng trọ tử tế, tiện nghi ngay trung tâm thành phố để em ở. Em e ngại và thấy chẳng cần thiết, thuê nhà giờ mắc mỏ chết đi được, và em không chỉ ở một mình, còn cả em gái em nữa, nên ậm ờ cho qua chuyện. Đã nói là người ấy bận kinh khủng, thời gian đâu mà lo chuyện ăn ở của em? Lợi dụng vào một người mình dành cho tình cảm yêu thương, không phải là tính cách của em. Dẫu rằng nếu ai đó nói em chấp nhận làm nhân tình để kiếm chác thì có lẽ em cũng chỉ phớt lờ. Người ta đang phản ánh đúng về đa phần hiện tượng. Em bị đánh đồng là tất lẽ. Ôi, dư luận làm em quan tâm song chẳng ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ. Em sống theo những xúc cảm của trái tim mình là được rồi.
Ở thành phố này, mùa đông không mưa phùn gió bấc, không rét cắt da cắt thịt, em không cần phải giữ ấm thân thể mình. Vậy mà trái tim em thường xuyên lạnh, bởi nó trôi lênh đênh giữa một không gian hoang hoải giá băng. Em không cần một đám cháy thật to - nóng rát, em chỉ mong một đốm lửa nhỏ quẩn quanh bên mình, thỉnh thoảng chạm tay vào cảm nhận bên cạnh mình có nguồn hơi ấm. Mỗi khi em lạnh, những khoảnh khắc bên cạnh người ấy ào về, giống như cái việc em lôi chiếc áo khoác từ đáy va-li ra mặc giữa khí hậu nhiệt đới của thành phố này. Nó ấm áp và thân thương lắm, dù không phải lúc nào cũng ở bên cạnh em, nhưng nó thuộc về em... cho đến khi nào em vứt bỏ.
Em cầm tinh con heo. Đầu xuân ai cũng nhắc nhở năm tuổi phải cẩn thận. Xem tử vi phán rằng sao xấu của em được hóa giải do mạng tốt. Bây giờ là hạ tuần tháng Mười âm lịch, thời gian kéo con heo nhanh như trượt patin, chỉ còn lại cái đuôi. Ngần ấy tháng ngày trôi, lúc nào em cũng không hài lòng về bản thân mình, chán nản với cuộc sống cầu bơ cầu bất của kẻ xa gia đình. Bởi vì em bơ vơ, bởi vì ngoài bản thân, em không có bất cứ một điều gì khác. Trong sự mưu sinh chật vật, em đánh mất bao điều quan trọng của đời người. Em không biết ước mơ của mình nằm ở đâu? Em bất lực nhìn sự tự tin trôi tuột khỏi suy nghĩ mình. Sự sôi sục của tuổi trẻ lụi tàn trên thể xác kiệt quệ của em, và cái lăng kính màu hồng em từng nhìn đời phai màu xám xịt.
Người ta nhìn em ngưỡng mộ và ganh tỵ, vì em (hoặc vì cuộc sống?) đã phải ngụy trang một vẻ bề ngoài hào nhoáng. Bản thân em vốn có sẵn sự ưa nhìn trong mắt người khác, mặc dù em không xinh, và những gì em cố gắng tạo dựng, phô bày ra với thiên hạ khiến em có thể ngẩng cao đầu với bất kỳ ai. Song chỉ riêng em biết mình đã khó khăn biết bao nhiêu, giống như câu chuyện cổ “con hổ có lá gan chuột nhắt”, em yếu đuối trong cái vỏ gai góc, bản lĩnh...
Em gái em, đang sống cùng mẹ ở quê, chưa tròn 16 tuổi, nói với em đầy thách thức vào ngày quốc khánh: “Em không thích sống như hiện tại nữa, em đang trên đường vào Nam, chị ra đón em...”. Nó bỏ gia đình lại sau lưng, bay vào thế giới rộng lớn, khi đôi cánh chỉ mới mọc những chiếc lông tơ. Bay với những giấc mơ bồng bột liệu có vút cao? Ban đầu em tức giận lắm, nhưng vốn không phải là người nói nhiều nên em giữ sự im lặng. Mẹ em buồn rười rượi gọi điện nói em khuyên nó trở về học tiếp, ngày tựu trường gần kề. Em nói với mẹ để nó tự quyết định cuộc đời nó, ngăn cản chỉ khiến nó chống đối mạnh hơn, cũng đến lúc nó cần biết Sống không phải dễ dàng, huống hồ Sống với thiên đường của mình. Em nhờ mấy người cùng chỗ trọ dẫn nó đi xin việc trong một công ty may. Buổi tối em ở lại văn phòng hoặc lang thang đâu đó tới khi khu nhà em mọi người rục rịch ngủ gần hết mới về. Lúc em tỉnh ngủ vào buổi sáng thì hầu hết cả nhà đã đi làm. Em thực sự không muốn đối mặt với nó. Khơi dậy nỗi khó chịu chỉ làm em thấy cuộc sống nặng nề, huống chi em đã phải sống rất khó khăn...
Biết tính khí em khó chịu nên em gái tránh va chạm. Mỗi khi đưa nó đi mua sắm, ăn uống... chỉ biết lặng lẽ theo sau. Quần áo em thay ra vứt trong góc, nó đi làm về tắm xong nhặt hết đi giặt - em dường như có được một cái máy giặt. Tháng lương đầu tiên, nó đưa cho em một triệu, nhờ gửi vào ATM. Cả tháng trời sáng dậy từ sáu giờ đi bộ qua công ty, thường xuyên tăng ca tám chín giờ tối mới về, lương được khoảng 1,3 triệu song nó có vẻ rất mãn nguyện. Em thấy xót xa, chẳng lẽ nó định vùi cả những năm tháng còn lại của mình vào cái thời khóa biểu của đời công nhân sao? Không học hành đến nơi đến chốn, trong những cuộc giao tế thiệt thòi nó nhận sẽ rất lớn. Em đây học trong một trường ĐH danh giá, vậy mà vẫn ngập đầy tự ti vì kiến thức mình biết không đủ để tự hào...
Vèo cái, đã sống cùng em gái ba tháng. Em không còn khó chịu và giữ khoảng cách như trước nữa. Em gái có những suy nghĩ gây shock: “Em kiếm được tiền sẽ mua bằng”, “hai năm nữa đủ tuổi em sẽ đi xuất khẩu lao động”... Em cười chua chát, trải đời thêm hai năm nữa nó sẽ mệt mỏi để chùng xuống những vọng tưởng đó. Phàm ước mơ bay càng cao càng dễ bị nhiễm lạnh... giống như em hiện tại lúc nào cũng chỉ mong một chiếc áo khoác vô hình ủ ấm trái tim mình. Bởi vì giấc mơ của em đã từng bị cảm mạo.
Hàng tuần em đều chở em gái đi siêu thị mua rất nhiều loại mỳ gói. Hồi em gái mới vào em tuyên bố “Chị không ăn tối đâu”, thế là nó nhịn theo. Thấy tội, em mua mỳ gói về để ở nhà - nó ăn, hết mì, bảo tự ra ngoài ăn - nó nhất định nhịn. Nên nhà lúc nào cũng treo một bọc đủ các loại mỳ, bún, phở, miến, cháo ăn liền. Nó than (hay là khoe cũng chả rõ) bị sụt ba-bốn ký. Đúng là trông nó gầy hơn, mẹ em nhìn thấy chắc đau xót lắm. Nhưng trong suy nghĩ của em đó là điều bình thường, chẳng phải em cũng gầy tong gầy teo, chân tay toàn xương với xẩu sao?
Em nhớ mẹ em, nghĩ mẹ bây giờ lủi thủi một mình ra vào trong căn nhà lạnh vắng. Ăn cơm một mình buồn chán lắm, dễ bỏ bữa nữa. Nhà em sao ấy, chỉ có ba mẹ con mà cả năm dịp lễ tết mới ăn cơm cùng nhau... Gần chục năm nay, cuộc sống của em gắn liền với quán xá, với cơm bụi. Em gái giờ cũng giống em, mẹ cũng cô độc bên mâm cơm đạm bạc. Mùa đông phương Bắc rét cắt da cắt thịt. Mẹ sẽ bị lạnh cả thể xác lẫn tâm hồn. Không gian của mẹ chắc xám xịt từ trong nhà ra ngoài đường. Bọn em là chiếc áo khoác ủ ấm tuổi già của mẹ, nhưng hai đứa nào lại đang lang thang mưu sinh ở một vùng đất xa ngái.
Có nhiều đêm em không ngủ, em nghĩ ngợi linh tinh: hay em trở ra Hà Nội, bắt đầu lại cuộc sống? Nhưng em không muốn từ bỏ những gì mình đang thân thuộc, để rồi bắt đầu thích nghi một cách khó khăn... Cuối cùng em quyết định “dụ dỗ” mẹ vào Sài Gòn. Em nói với em gái kế hoạch của mình: sẽ thuê nguyên một căn nhà thật lớn để ở, ở không hết... thì chia nhỏ các phòng ra cho thuê lại. Mẹ em rảnh ở nhà trông nom, nếu buồn chân buồn thay thì nhận thêm trẻ về trông cho vui cửa vui nhà. Cả ba người nhà em đều có lương (lương hưu của mẹ em cao phết đấy), cộng thêm việc kinh doanh phòng trọ thì trở ngại cuộc sống chẳng đáng gì. Quan trọng gia đình em sẽ được sống bên nhau, chị em em không còn phải ăn cơm bụi, mì gói... nghĩ thế em mong Tết đến thật nhanh để về đón mẹ vào.
Tháng Mười hai, nôn nao những âm vị của Tết, mặc dù mới hạ tuần tháng mười âm lịch. Em gọi điện dặn mẹ thu sếp mọi việc ở nhà, để có thể sau Tết vào sống cùng em. Mẹ em hồ hởi lắm, nhưng trong giấc ngủ của em vẫn ào về cơn mơ, người làng khuyên can mẹ em đừng đi, họ nói: “Bác già rồi, ở lại quê hương cho có anh em họ hàng, sao lại còn bỏ làng mà đi?”, mẹ em băn khoăn tiếc nuối, trẻ đã từng bay nhảy bao năm, dọc ngang khắp các miền đất, quay về làng tuổi đã xế chiều, thấm thoát cũng mười mấy năm... giờ lại ra đi thì cũng buồn cũng tiếc lắm. Nhưng mẹ em cần con cái của mình hơn, bởi trái tim già nua không chịu được những cơn lạnh kéo dài quá lâu. Mẹ cần phải đi theo những chiếc áo khoác của mình. Ước mơ đoàn tụ sẽ sưởi ấm ba người nhà em trong những ngày tháng cuối cùng của năm heo vàng. bảy triệu dân này hẳn có rất nhiều người đang đi kiếm tìm một làn hơi ấm như em. Ngồi bên một bếp lửa hồng đâu có nghĩa xua tan mọi giá lạnh, nếu thiếu một bờ vai...
Sống trên đời, ai cũng cần một chiếc áo khoác cho tâm hồn, bởi có nhiều lúc ta cảm thấy lạnh. Nếu bạn biết rằng mình là một chiếc áo cho ai đó, hãy cố gắng giữ ấm cho trái tim của người ấy nhé. Những trái tim ấm nóng sẽ làm cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều... Sau câu chuyện kể, đó là lời nhắn nhủ của em. Mong rằng sẽ không còn ai lạnh lẽo, cô độc trên đời.