Phần III

     ừ đó về sau, chúng tôi đều đặn gọi điện kể đủ thứ chuyện trên đời giống như thời học sinh, có điều giờ nội dung câu chuyện không liên quan tới trường lớp – thỉnh thoảng mới nhắc—mà về chồng con, cuộc sống hiện tại...

 

Quên nói, 25 năm mới gặp lại, thời gian có làm chúng tôi già dặn hơn nhưng không đến nổi nhẫn tâm rạch nhiều dấu ấn lên gương mặt hình dáng chúng tôi lắm. Chúng tôi nhận xét về nhau tất nhiên là thiên vị rồi, toàn là khen lẫn nhau thôi! Chỉ vài khác biệt là Dạ Quỳnh đã cắt đi mái tóc thề mượt mà đen nhánh thay vào kiểu tóc rất thời thượng. Dáng dấp khi xưa đã sớm nẩy nở quyến rũ giờ càng mặn mà của một thiếu phụ ở tuổi chín muồi. Như đoá hoa nở rộ vào thời đỉnh cao nhất, bung hết cánh để đón nhận tất cả tinh tuý của đất trời. Còntôi thì hình thức y chang ngày xưa nghĩa là mái tóc vẫn kiểu lửng vai,nhưng bớt nhút nhát chút ít, bản tính tự tin cởi mở hơn –công nầy phải nhờ ở chồng yêu quí của tôi đó--.

 

Giờ trong hai đứa tôi mới là người hài lòng với hạnh phúc bên cạnh anh chồng nhân hậu, vui tính, dí dỏm, săn sóc chia sẻ việc nhà cùng tôi mà cũng không thiếu phần lãng mạn, ngọt ngào.
Còn Dạ Quỳnh hầu như trong các cuộc đàm thoại thường phàn nàn kêu ca về sự vô tâm của anh Tiến, rồi nhắc lại sự chu đáo tế nhị của anh Quang mà so sánh, tiếc nuối quá khứ.
Tôi thử kéo cô trở về lý lẽ:
 -- Qua những gì mình chứng kiến và những lời bồ kể thì mình nhận xét thấy bồ hơi chủ quan, khắc khe khi phê bình anh Tiến và ngược lại càng bất mãn chồng bao nhiêu thì bồ lại càng thăng hoa người cũ bấy nhiêu. Bồ không nghĩ sở dĩ trong mắt bồ, anh Quang là người toàn vẹn bởi vì hai người lúc ấy đang trong giai đoạn yêu đương, chỉ thỉnh thoảng mới gặp nhau chứ có cận kề 24/24 đâu. Mỗi khi gặp thì quá vui mừng phấn khích, người này chỉ mong biểu lộ cái phần tốt đẹp của mình cho người kia thấy, chưa kịp gì hết thì đã chia tay rồi. Nên cái khuyết điểm, cái xấu chưa kịp lộ ra đó thôi, chỉ khi về sống chung với nhau thì mới rõ đá vàng bồ ơi.
Dạ Quỳnh chống chế:
--Bồ nên nhớ mình với anh Quang yêu nhau 5 năm dài, ít nhiều mình cũng hiểu tính anh. Hơn nửa mình yêu anh bằng sự rung động thật sự của trái tim ngay từ đầu. Tình đầu là tình vụng dại nhưng ghi dấu mãi mãi. Còn anh Tiến là tình thương, tình nghĩa. Mình thấy anh bền gan theo đuổi chờ đợi mình 16 năm nên mình chấp nhận để yên phận chứ mình đâu có cái cảm giác như đối với anh Quang. Nếu đừng vì thời thế thì giờ này chúng mình đã hạnh phúc sum vầy, mình đâu có canh cánh bên lòng nỗi đau khổ
mấy chục năm nay. Nói xong cô thút thít trong máy.
Tôi an ủi:
-- Mình hiểu, nhưng nay mọi sự đã an bài đâu thay đổi được gì nửa. Bồ hãy bình tâm mà xem lại đi, giờ bồ có mái gia đình bình yên, hạnh phúc. Hai đứa con ngoan ngoãn xinh xắn giống mẹ nó. Anh Tiến không ăn chơi, bỏ bê bồ để tụ họp đàn đúm, cờ bạc rượu chè. Chỉ có anh ghiền cái computer, bồ thích anh ghiền cái máy hay ghiền gái trẻ nào?
--A a a, ổng thử đi, ta sẽ lấy luật sư liền cái một.
--Ha, thì ra bồ cũng Hoạn Thư dữ, thế mà nói không yêu anh Tiến. Ta mới chỉ gợi ý thôi mà đã nổi máu ghen lên thấy ghê.
Dạ Quỳnh cười dòn:
--Vậy chứ tình nghĩa bao nhiêu năm quen hơi bén tiếng rồi.
-- Thì đó. Nếu bồ lấy người khác thì chắc gì con bồ được xinh đẹp như vậy, mà chúng nó thông mình giống ba nó nửa. Bồ còn nói là hai đứa con gái  hình như quyến luyến ba hơn mẹ, chứng tỏ anh là người cha tốt nên con mới yêu thương chứ. Trẻ con chúng cảm nhận hay lắm đó, chúng biết ai yêu ai ghét. Nếu bồ lấy anh Quang thì chắc gì sau mấy chục năm sống chung anh còn galant, lịch thiệp, chu đáo như lúc ban đầu hay lúc đó với vợ nhà thì đâm ra nhàm chán, rồi đem hết cái nghệ thuật chinh phục phái nữ dồn hết cho các cô gái trẻ khác..
--Ủa, bồ nói vậy còn chồng bồ đó thì sao? Ảnh cũng galant, lịch thiệp, chu đáo, tình tứ với bồ mà đâu phải hạng người courir les jupons (tán gái) đâu? Sống với bồ mấy chục năm mà vẩn nồng nàn y như ngày đầu đó?
-- Chồng ta khác, một phần là do bản tính của ảnh, phần khác là do phong
cách cư xử của đàn ông xứ ảnhđã được giáo dục ngay từ thơ bé như vậy rồi. Đó là chuyện bình thường thôi, nếu ảnh mà không cư xử như vậy thì cái đó mới không bình thường. Mà kể ra ta cũng là người phụ nữ may mắn vậy.
Tôi dùng ba tấc lưỡi thuyết phục, cô nhìn nhận:
-- Bồ nói cũng có lý, mình thôi không nghĩ vẩn vơ hờn trách anh Tiến nửa.
Mà cái chuyện tụi nó thương anh Tiến hơn mình là vì ảnh có la rầy chúng bao giờ đâu, ảnh dồn phần khó khăn cho mình gánh, mà con nít nếu không nghiêm khắc là chúng sẽ hư nên mình mới dạy dỗ, giống ba mạ mình ngày xưa ấy. Nhưng dù thế nào mình phải dò tìm cho ra tung tích anh Quang rồi mới yên ổn tâm hồn được, mình tin anh Quang vẫn còn nhớ đến mình như mình luôn nhớ đến ảnh.
Nói vậy nhưng một thời gian sau thì đâu cũng hoàn đấy, Dạ Quỳnh gọi điện để trút nỗi bực dọc về chồng, cằn nhằn:
--Thật chán chết đi được, người đâu mà ù lì biếng nhác. Tối qua mình đã dặn sáng nay thứ bảy mình đi Chùa sớm với mấy chị bạn nhờ anh tưới dùm mấy cái cây trong vườn vì đã 2 hôm rồi không làm.  Anh yes yes, chiều mình về mấy ngọn salade mới lên chút xíu héo hết. Hỏi thì nói quên vì mãi lo làm. Mình hỏi làm gì thì nói làm gì đó trên internet, dùng danh từ chuyên môn mình chả hiểu mô tê gì. Mình hỏi có đưa con đi học khoá tiếng Việt không thì nói định đưa nhưng ba của đứa bạn của con nói sẳn ghé qua chở luôn nên không đưa nửa, trưa họ chở con về dùm luôn. Hỏi vậy mấy cha con không ra ngoài ăn phở, ăn bún bò Huế à, thì nói con than ăn mấy món đó hoài chán quá, đòi ăn pizza nên anh gọi điện kêu họ mang lại nhà. Nghe đến đây mình nổi cơn tam bành, trời ơi đã nói ăn pizza không tốt mà cứ chìu chúng cho ăn mãi. Không thích ăn phở, bún bò thì ăn món khác, chẳng qua là anh cứ thích ngồi ôm cái máy. Ngày thường đã vậy cuối tuần cũng không nhúc nhích.
-- Thế sau đó thì sao?
--Sau đó mấy cha con sợ hãi thấy mình khóc vì tức nên ba cha con lân la đến nịnh rũ mình đi ăn bánh bột lọc, bánh căn, anh xin lỗi đã làm mình buồn.
--Bồ cũng quá đáng. Tôi chọc, ấy là mới vừa đi chùa về nữa chứ, Phật nào chứng cho bồ hỉ. Mà nói thật bồ đừng giận lây mình, thời đại ngày nay đâu còn giống thời ba má nhất là lại sống trên đất nước Tây phương mà bồ bắt buộc các con phải vâng lời tuyệt đối được. Theo mình biết thì tụi trẻ nó có khuynh hướng thích ăn đồ Tây hơn Việt, đồng ý đồ Việt thì ít béo, ít gây bịnh hơn nhưng lâu lâu cũng cho chúng nó được tự do theo ý chứ, phải dân chủ chút đi. Còn anh Tiến cũng chìu bồ vậy mà bồ cứ chê hoài, sao bồ không lựa lời dịu dàng mà “dụ dỗ” ảnh rời bỏ cái computer chốc lát, dẫn mẹ con cuối tuần đi ra ngoài chơi? Bồ đã có sẳn giọng nói truyền cảm, du dương làm chết mê người rồi.
-- Sau bao nhiêu năm sống chung bây giờ mà giọng ta có hay như của diva Maria Callas chăng nửa cũng hết thiêng rồi bồ ơi. Ừ, kể ra ảnh cũng hiền lành nhưng mà quá vô tâm vô tính, ít khi nào biểu lộ qua lời nói, mà phụ nữ thì rất cần những lời nói ngọt ngào bồ công nhận không?đâu có giống như vợ chồng bồ, tình tứ lãng mạn. Mình thấy mà bắt thèm, tủi thân... Nếu là anh Quang thì đâu phải vậy.
--Mỗi người mỗi tánh, nếu cứ đem người này so sánh với người kia thì rốt cuộc không ai bằng lòng với cái mình đang có hết.Giờ bồ nên thực tếhãy nhìn vào ưu điểm của anh Tiến chứ đừng nhìn vào yếu điểm, ai mà không có. Đừng nên đứng bên này cánh đồng thấy cỏ ở  cánh đồng bên cạnh xanh hơn, bồ sẽ làm hỏng cuộc đời mình vì cứ chạy theo ảo tưởng. Chồng hiền con ngoan vậy là có phước quá rồi.
Dạ Quỳnh chặc lưỡi:
--Cha chà, anh Tiến có nhờ nhà mi làm luật sư cho không mà binh vực anh ghê hỉ. Chả bù hồi xưa, nhà mi lý- tưởng- hoá cuộc đời, đòi hỏi cái tuyệt đối
-- Lúc đó còn ngây thơ khờ khạo, theo thời gian thì phải chín chắn lên chứ.

 

Hơn một năm sau...
Dạ Quỳnh gọi cho tôi giọng nói đầy kích động, lập bập:
--T.H ơi mừng cho ta đi, ta đã tìm được tung tích anh Quang rồi!
--Sao? Ai tìm ra? Anh ở đâu?
--VN. Bồ còn nhớ Lệ học chung lớp với tụi mình không? Nó ngồi trong góc cái bàn sau tụi mình đó. Lệ tìm dùm mình.
-- Anh ra sao?
--Lệ không nói, chỉ nói đã biết chính xác địa chỉ và đúng người bằng xương thịt. Kêu mình về tự gặp, tự tìm hiểu.
--Gì mà bí mật thế. Sao Lệ không chịu kể rõ?
–Ai biết gì, nó xưa vẩn thích bí mật úp úp mở mở, T.H quên rồi sao
Dạ Quỳnh cứ rối rít, trù tính xin nghỉ mấy tuần để đi VN, định nhờ mạ tới  trông chừng và nấu ăn cho ba cha con anh Tiến. Cô cũng nói sự thật cho chồng biết chứ không giấu diếm. Tôi hỏi phản ứng của anh ra sao, Dạ Quỳnh kể lúc vừa nghe xong thì anh mở to mắt nhìn cô vẻ sửng sờ bàng hoàng không thốt ra lời nào. Lát sau anh lấy lại tự chủ, bình tĩnh nói vắn tắt ‘’tuỳ em quyết định anh không cản trở”. Xong đứng lên bỏ vào phòng làm việc đóng cửa lại, ở trong đó đến gần 3 giờ sáng vẩn không lên
giường ngủ, cô đến gõ cửa nhìn vào thì thấy anh ngồi gục đầu trước màn hình computer không hoạt động. Cô kêu anh đi ngủ để mai còn đi làm, anh nghe lời cô như cái máy, gương mặt vô hồn. Dưới ánh đèn vàng anh có vẻ già thêm mấy tuổi, hốc hác.
--Mình cảm thấy bứt rứt như người có tội. Phải chi anh giận dữ quát mắng chưởi bới nhục mạ mình là đàn bà lăng loàn nầy nọ thì lương tâm mình có lẽ thanh thản hơn. Đằng này anh nhẫn nhịn cam chịu, khiến cho sự nao nức của mình xẹp xuống phân nửa. Nhìn hai con lại xót xa quá.
-- Hay thôi đừng đi tìm nữa. Hãy để quá khứ ngủ yên đi.
--Nếu vậy thì mình tự hành hạ suốt đời. Sống với chồng mà hể khi buồn giận thì cứ nhớ tới người yêu cũ, đem ra so sánh làm sao hạnh phúc được. Thôi thì thà một lần đối diện đểnhận thức rõ mình cần ai, yêu ai, chứ cứ sống như con người hai mặt thế này mình cũng đau khổ lắm đâu vui sướng gì.

 

Tôi tội nghiệp cho Dạ Quỳnh quá. Người đời ca ngợi sự chung thuỷ sắt son, nhưng lắm khi chính sự chung thuỷ sắt son đó lại gây đau khổ cho người đeo mang.
Trước khi Dạ Quỳnh lên đường đi tìm chàng-dũng-sĩ- mất- dấu-hơn-
ba-mươi- năm của mình, tôi cố vớt vát khuyên răn:
 -- Gì thì gì, bồ hãy kết hợp giữa lý trí và tình cảm đừng để tình cảm uỷ mị chi phối vì bây giờ không phải bồ sống cho riêng cá nhân mà còn cho hai đứa con của bồ và chính anh Tiến nữa nhé. Mình thấy anh Tiến là người rất cao thượng quân tử. Hồi trước biết bồ yêu anh Quang, nhưng anh vẫn kiên nhẫn chờ đợi 16 năm. Thời đại này là rất, rất hiếm. Người ta nói: “Làm cho 20 người đàn ông yêu mình cùng một lúc là chuyện dể, nhưng để cho chỉ 1 người thôi yêu mình trong 20 năm mới là chuyện khó”. Rồi bây giờ bồ xăm xăm đi tìm anh Quang, ảnh cũng không một lời oán trách. Nói thật nếu là tui thì tui sẽ cho bồ vác valise một-đi-không-trở-lại đó chớ đừng hòng tui bật đèn xanh. Sống là sống cho hiện tại và tương lai chứ có ai níu kéo thời gian trở về quá khứ được đâu.
--Mình biết chứ, nhưng hãy thông cảm cho mình...
--Không muốn làm bồ nhục chí, nhưng để ta kể cho nghe câu chuyện có thật đây. Chồng của một cô bạn ta lúc chưa lấy cô ấy cũng có người yêu bên VN. Mất liên lạc nhiều năm, sau có dịp về chơi liền đi tìm thăm, chắc cũng muốn nối lại tình xưa cho lãng mạn tí vì cứ vấn vương mãi nụ cười tươi tắn duyên dáng của nàng chả bù với bà chằng suốt ngày léo nhéo quạu quọ bên tai là bạn ta đó. Một phần chắc cũng “ăn no rửng mỡ”. Lặn lội đi tìm cuối cùng hội ngộ với nàng, mừng ơi là mừng. Lòng lâng lâng vì sắp được nhìn lại nụ cười xưa...
Bỗng chàng giật thót người khi nàng nhoẻn miệng cười, một-nụ-cười-trống-hoác- không- răng, giống như căn nhà lá ngày thì soi nắng, tối thì thấy cả trăng sao, mưa gió luồn dột hiện nàng đang sống chen chúc cùng với gia đình cả chục nhân mạng vậy. Chàng đau khổ vò đầu bứt tai khiến nàng tưởng là chàng cám cảnh cho nàng. Ai dè đó chỉ là phần thứ yếu thôi. Phần chính là chàng đang thương tiếc cho giấc mơ vừa tan vỡ. Chàng ngồi nói ba điều bốn chuyện, tặng cho các em nàng quà, có bao nhiêu tiền bà chằng cho dằn túi trút hết đưa cho ba má nàng rồi ra đi luôn, quay về với bà-chằng đề huề đến giờ.
-- Ha ha ha, con nhỏ T.H có lối dí dỏm ngầm cười chết được. Mi là bạn thân của ta mà không đồng tình với ta chỉ toàn nói ra.
--Mình chỉ nhắc bồ là đừng có ảo tưởng thôi. Thực tế thường khác xa với kỷ niệm huống gì đã hơn 30 năm. Tâm tính con người có thể thay đổi với thời gian lắm chứ. Kể thêm đoạn kết, là chàng về với tâm trạng tan-giấc-mộng-vàng nên thú thật với vợ mọi chuyện. Tuy bị chồng kêu là bà chằng nhưng có lòng từ tâm, thời gian sau lại chính cô ấy đi gởi tiền giúp gia đình nàng sửa lại cái nhà lá lợp ngóilại. Lợp ngói thôi, vì gia đình cô ấy cũng đi làm ăn lương mỗi tháng chứ không dư dã gì. Chồng quá cảm phục vợ nên giờ thôi mơ tưởng gì nữa.
--Được rồi mình cám ơn T.H đã nhắc nhở. Để rồi xem.

 

Theo chương trình Dạ Quỳnh về VN ba tuần. Được một tuần thì cô gọi điện sang.
--Ồ, bồ đang ở đâu? Có gặp anh Quang chưa? Tôi nôn nóng
--Ở Mỹ, mình về hôm qua rồi. Có gặp anh Quang
--Ơ hay sao lại về sớm?
Hỏi vậy nhưng tôi cũng lờ mờ đoán ra. Dạ Quỳnh thở dài giọng nói buồn hiu:
--Những gì bồ cảnh cáo ta đều đúng hết. Thảo nào Lệ không muốn kể gì cho mình nghe mà để tự mình nhận thức.
--Tức là bồ gặp anh Quang với nụ- cười- trống- hoác- không- răng hả?
--Con khỉ, hi hi, còn tệ hơn nữa.
Dạ Quỳnh được Lệ, bạn học cũ đưa địa chỉ và số điện thoại của Quang. Cô không gọi mà đến trực tiếp vì muốn tạo bất ngờ để xem phản ứng Quang ra sao. Đó là một cơ sở kinh doanh khá bề thế chuyên về đồ gỗ ở một quận ngoại vi Saigon. Lấy cớ muốn gặp ông chủ để đặt mua lượng hàng lớn cho khách sạn đang xây, nhân viên lễ phép kêu ngồi đợi vì ông chủ đang bận điện thoại. Trong lúc chờ đợi Dạ Quỳnh đi một vòng để ngắm nghía cơ đồ và xem các người thợ làm việc. Lòng thầm thán phục, không ngờ một người xưa kia có tâm hồn nghệ sĩ thích đàn ca và mang lý tưởng cao đẹp trở thành giáo sư phục vụ cho thế hệ trẻ hơn mà nay lại thành công trong thương trường, không liên quan gì đến hoài bão. Đúng là thời thế tạo anh hùng có khác.
Đang chìm đắm trong suy tưởng thì bỗng giật mình nghe tiếng quát tháo om sòm của ai trong khu thợ làm việc, định thần lắng nghe, âm hưởng quen quen nhưng từ ngữ thì thô lỗ xen lẫn câu chưởi thề. Chả lẽ là Quang? Cô lại gần, thì kia bóng dáng đường bệ xuất hiện. Tóc cắt ngắn, gương mặt phính phính những bia rượu, ánh mắt cao ngạo. Ô, phải anh Quang không? Người đàn ông vẫn còn đang há miệng la hét, liếc thấy cô liền nín bặt. Rồi nhìn cô chăm bẳm, ngạc nhiên: là em ư, Dạ Quỳnh? Dạ, em đây. Trời ơi không ngờ, anh tưởng không bao giờ còn gặp em nữa. Anh dang hai cánh tay đón cô ôm chặt, cả hai nghẹn ngào lúc lâu.
Qua giây phút xúc động ban đầu, Quang lái xe chở cô vào một nhà hàng
thanh lịch ở trung tâm Saigon, để có giây phút thảnh thơi kể lại thời gian đứt đoạn hơn 30 năm.

 

Ngày ấy anh bị kẹt lại ký túc xá trường Đại học, mấy ngày sau mới tìm được xe để về tỉnh thì hay tin mẹ con cô đã ra đi, ba cô có lại tìm, đưa bức thư cô viết. Anh quá đau khổ mất vợ sắp cưới, tương lai mù mịt vì không được học tiếp. Vài tháng sau cả gia đình bị đưa đi vùng kinh tế mới. Không chịu được cảnh sống khắc nghiệt nên gia đình tìm cách trốn về miền Đông Saigon sống với họ hàng rồi dần dần khai thác củi gỗ.Thời gian trôi qua, mọi người tập thích nghi với hoàn cảnh, chấp nhận nó. Rồi thời kinh tế mở cửa, anh bước vào nghềnhờ bên vợ giúp đỡ vì là con cái của người có chức quyền.
A, vợ anh..?! Ừ, anh lấy vợ sau 10 năm vì chúng mình bặt tin hoàn toàn, nghĩ là em bên ấy chắc cũng yên phận. Em chờ anh 16 năm lận. Trời ơi anh đâu biết, mà nếu biết thì anh làm gì được? Ba má anh già yếu, anh là con trưởng gánh trách nhiệm lo cho đàn em gái bảy đứa, anh không thể bỏ đi để họ chết đói được. Anh giờ là một doanh nhân tăm tiếng rồi em biết không? Em thấy anh tài chưa?
Cười tự mãn, giọng sôi nổi,anh thao thao khoe về cơ sở chế tạo đồ gỗ to lớn có nhiều hợp đồng với các nước Tây phương. Bao nhiêu căn nhà, biệt thự, bất động sản,cửa hàng điện tử gia dụng. Những chuyến du lịch ngoại quốc cùng với vợ... Quên nói, sống với vợ hơn mười năm thì anh chia tay vì không hợp, bà ấy quê mùa quá. Thế giờ anh tự do à? Không, xin lỗi, anh kết hôn lần thứ hai từba năm nay rồi. Có hai con với vợ đầu và một với cô sau.
Anh rút ví lấy tấm hình cho mình xem, khoe: vợ anh là cô gái nhà giàu, từng là người mẫu trình diễn thời trang đấy, đẹp mê hồn chưa? Anh tiếp tục khoe về vợ và những thành công trên thương trường cùng dự tính sắp tới..tưởng không bao giờ dứt.
Mình nhìn anh, có cảm giác như đang nói chuyện với người lạ. Ngoại trừ chút xúc động ngắn ngủi ban đầu giờ sao lòng dững dưng, hoàn toàn khác với tưởng tượng  giây phút tương phùng sau hơn ba chục năm xa cách, hơn mười ngàn ngày cách biệt sầu nhớ khổ đau.

 

Tự mắng đáng đời mi chưa Dạ Quỳnh. Quang đây sao? Chàng dũng sĩ đôi mắt sáng ngời của mình đây sao? Vẫn phảng phất đường nét đó nhưng sao lạ lẫm vô cùng. Ngày xưa ánh mắt anh nhìn thăm thẳm hút hồn còn bây giờ sao mà ngạo nghễlọc lõi. Nụ cười giờ cũng thâm hiểm,đểu cáng thế nào ấy. Cùng gương mặt nhưng mình không còn nhận ra Quang-ngày-xưa mà mấy chục năm nay mình tôn thờ nữa.
Khoe khoang đã đời, sau cùng anh ta mới chợt nhớ là chưa hỏi han gì về mình hết, mình kể vắn tắt rồi xin từ giã, nói là có việc. Anh ta cũng lịch sự nài mình nếu có thời gian thì chiều hoặc mai anh đến chở mình lại nhà chơi giới thiệu vợ rồi nói thêm: sẵn cho biết nơi anh sống, không thua gì ông hoàng bà chúa đâu nhé!
A thì ra mục đích mời mình đến nhà để khoe sự giàu sang và vợ đẹp chứ đâu phải ước mong tạo nhiều cơ hội gặp mình đâu. Mình nói là chắc không có thời gian vì đi lâu nhớ chồng nhớ con phải về rồi.
Đến khách sạn, lúc mình bước ra khỏi xe anh ta nắm cánh tay mình cười nham nhở: Nầy, em có muốn anh lên phòng với em không? Đừng lo, bà xã anh không biết đâu, chúng mình tha hồ tâm sự sau hơn 30 năm xa cách. Nhìn em còn ngon lành lắm!
Trời, mình muốn tát cho anh ta một cái vô bản mặt.
Giờ mình tỉnh mộng rồi, giống như cái ông chồng của bạn nào của bồ đó.
Mới thấy anh Tiến là người quá cao thượng quá tốt, mình nghĩ lại mà yêu anh quá trời. Suýt chút nữa là mình đánh mất hạnh phúc trong tầm tay. Mình nguyện sẽ đền bù cho anh những tổn thương mình đã gây ra. Trời ơi, sao mà mình lại sống trong ảo tưởng mù loà bao nhiêu năm thế hả!!
Cô vừa khóc vừa cười, tôi cũng chảy nước mắt vì mừng cho bạn đã thoát khỏi Giấc Chiêm Bao Trắng.
THANH HÀ

Xem Tiếp: ----