Dịch giả: Hoàng Thiếu Sơn
Chương 37
Ở xứ sở của người Lapps

     rên bờ phía tây cái hồ nhỏ Luossajaure ở cách Malmberg nhiều dặm về phía bắc, có một cái trại tạm cư của người Lapps[1] Ở cái mỏm đất phía nam hồ là một ngọn núi tròn vành vạnh đứng một mình, tiếng Lapps gọi là Kirunavara, và hình như chứa toàn là quặng sắt. Ở phía đông bắc có một quả núi nữa, gọi là Luossavara, cũng rất nhiều sắt.[2]  Người ta đang làm một con đường xe lửa giữa Gellivare với các núi ấy, và ở chân núi Kirunavara đã mọc lên một nhà ga, một khách sạn và những nhà ở cho công nhân và kỹ sư. Cả một thành phố nhỏ, nhà cửa xinh xắn và vui mắt, xuất hiện trong vùng này. Nó quá xa xôi trên phía bắc đến nỗi những cây bạch dương bé nhỏ mọc trên mặt đất, chỉ đâm chồi sau lễ Thánh Gioan.[3]
Bên phía tây hồ, mặt đất quang đãng, vài gia đình của bộ tộc Lapps đã đến ở. Người Lapps ở đây mới chỉ một hay hai tháng, nhưng cũng chẳng cần nhiều thời gian để bố trí chỗ ăn ở của họ. Họ chẳng hề đào đất, cũng chẳng bắn núi đá đi, cũng chẳng đúc nền móng cho nhà họ bằng đá khối, đá hộc gì kiên cố. Sau khi chọn được một chỗ khô ráo và dễ chịu ở cạnh hồ, họ chỉ cần chặt đi vài bụi miên liễu và san bằng vài mô đất. Họ không hề xẻ, hề cưa, hề đóng ngày này sang ngày nọ, để dựng lên những vách gỗ vững chắc; họ chẳng hề lo đến rui mè, đến mái lợp, đến ván lát, đến cửa sổ, đến cửa lớn, đến ổ khóa gì cả. Họ chỉ đóng chắc chắn xuống đất những cọc lều của họ, mắc vài lều lên, thế là làm xong chỗ ở. Chẳng chút chi phí nào về xếp đặt nhà cửa, cũng như về sắm sanh đồ đạc: chỉ một lớp cành cây bách và da hươu phương Bắc trải xuống đất, một chiếc móc sắt có dây xích buộc lên nóc lều để treo cái nồi to nấu thịt hươu, thế thôi.
Những người đến lập ấp ở bên bờ hồ phía tây làm việc vất và cho xong nhà trước khi mùa đông khốc liệt đến, đã phải ngạc nhiên về phong tục của người Lapps,
ở cao trên miền Bắc từ bao thế kỷ mà vẫn không nghĩ đến việc dựng lấy một chỗ trú thân vững hơn cái tấm vải lều của họ, để chống cái rét và những con bão. Còn người Lapps thì không hiểu được tại sao những dân lập ấp lại chuốc lấy lắm nỗi vất vả đến thế, trong khi để sống được chỉ cần có vài con hưou và một chiếc lều là đủ rồi.
Một buổi chiều tháng bảy trời mưa như trút; và những người Lapps, thường mùa này chẳng mấy khi ở trong lều, đã tụ tập nhau lại gần như tất cả, quanh ngọn lửa trong một chiếc lều, và uống cà phê.
Trong lúc họ vừa nhấm nháp vừa chuyện trò, thì một chiếc tàu từ phía Kiruna đến cặp bờ cạnh cái trại của họ. Từ dưới tàu bước lên một người công nhân và một cô bé độ mười ba, mười bốn tuổi. Mấy con chó lao tới, sủa như điên, và một người Lapps ló đầu ra cửa lều nhìn xem cái gì. Nhận ra người công nhân, anh ta rất mừng. Đó là một người bạn của dân Lapps, lịch sự và vui vẻ, và biết nói tiếng của họ.
Người Lapps kêu lên: "Anh đến thật đúng lúc, Sưderberg ạ. Ấm cà phê đang ở trên lò. Mưa thế này chẳng làm gì được. Đến đây cho chúng tôi biết ít tin tức đi".
Người ta vừa cười vừa dồn nhau lại trong chiếc lều chật chội, để nhường chỗ cho người công nhân và cô bé. Anh ta bắt đầu nói chuyện sôi nổi với người Lapps bằng tiếng của họ. Cô bé, chẳng hiểu chút gì trong câu chuyện, nhìn cái nồi to và ấm cà phê, ngọn lửa và làn khói, những người Lapps đàn ông và những người Lapps đàn bà, những đứa trẻ và những con chó, những vách bằng vài và những tấm da trải dưới đất, những tẩu thuốc lá của đàn ông, những quần áo sặc sỡ, và những đồ dùng chạm trổ. Cái gì đối với cô bé cũng mới lạ cả.
Bỗng cô bé phải cúi mắt trông xuống, vì tất cả mọi người đều quay lại nhìn mình; có lẽ Sưderberg đã nói đến cô bé, vì đàn ông cũng như đàn bà đều bỏ tẩu thuốc ngắn của họ ra khỏi mồm và nhìn cô. Người Lapps ngồi bên cạnh, thân mật vỗ nhẹ vào vai cô bé và nói bằng tiếng Thụy Điển: " Giỏi! Giỏi! ". Một người đàn bà Lapps rót một tách cà phê đầy, và người này chuyền tay người kia đưa đến cho cô bé; và một đứa con trai, trạc tuổi cô, vừa bò vừa leo qua những người ngồi, trườn đến tận chỗ cô bé, rồi nằm dài xuống đất và cứ nhìn cô bé không rời mắt.
Cô bé hiểu rằng Sưderberg kể chuyện mình, và nói đến việc cô đã làm tang lễ long trọng cho em trai là bé Mats. Cô bé chỉ muốn anh ta nói đến mình ít hơn, và đến bố mình nhiều hơn. Được nghe nói là bố ở với người Lapps bên phía tây hồ Luossajaure, cô bé đã đi xe lửa từ Gellivare đến Kiruna. Ở đây ai cũng rất tốt với cô. Một ông kỹ sư đã phái Sưderberg biết tiếng Lapps, đi với cô sang tận bờ hồ bên này để tìm ông bố. Hy vọng tìm được bố ngay lúc đến nơi, nên vừa bước vào lều, trống ngực đánh liên hồi, cô bé đã đảo mắt nhìn khắp tất cả các khuôn mặt. Nhưng ông bố không có ở đấy.
Cô bé thấy Sưderberg nói chuyện với những người Lapps, mỗi lúc một thêm nghiêm trang. Những người này thì gật gật đầu và nhiều lần lấy ngón tay trỏ đập đập vào trán, như thể nói đến một người mất trí. Sau cùng, lo quá không chờ được nữa, cô bé hỏi Sưderberg là những người Lapps nói gì vậy.
-    Họ nói là ông ta đi câu. Họ không biết là tối nay có về đây không, nhưng thời tiết mà tốt lên một tí là họ đi tìm ông ta ngay.
Rồi Sưderberg lại quay nhanh về phía những người Lapps, và tiếp tục nói chuyện với họ. Rõ ràng là anh ta tránh nói đến Jon Assarsson.
Bây giờ là buổi sáng, và thời tiết đã tốt trở lại. Đích thân Ola Serka, kẻ đứng đầu những người Lapps, đã hứa đi tìm Jon Assarsson, nhưng ông ta chẳng chút vội vàng. Ngồi trước túp lều, ông ta nghĩ cách báo cho người bố ấy biết con gái mình đã đến đây. Cốt đừng làm ông ta lo ngại, vì ông ta rất kỳ quặc và tránh mặt trẻ con. Chính ông ta vẫn nói là không thể trông thấy trẻ con mà không bị những ý nghĩ hắc ám làm cho khổ sở.
Trong khi Ola suy nghĩ thì Âsa, cô bé chăn ngỗng, trò chuyện với Aslak, đứa bé Lapps hôm trước cứ nhìn cô mãi. Aslak có đi học và nói tiếng Thụy Điển. Nó kể cho Âsa nghe những nét chính trong đời sống của tộc Lapps, của những người Same, quả quyết rằng chẳng dân tộc nào có được một đời sống sung sướng hơn. Âsa thì rất thành thật, nói thẳng ra là mình cho rằng sống theo cách người Lapps thật là kinh khủng.
-   Tôi mà còn ở, chỉ một tuần tại đây thôi, thì tôi sẽ chết ngạt vì khói mất!
- Chớ nói thế! Aslak trả lời. Chị chẳng biết chút gì về chúng tôi cả. Tôi kể chị nghe chuyện này, chị sẽ thấy là càng ở lại với chúng tôi, người ta càng thích.
Và Aslak kể:
" Đó là cái thuở mà một cái bệnh gọi là cái chết đen [4] đang tàn phá nước Thụy Điển. Tôi không biết là bệnh có lan đến tận xứ Same chính thị, mà chúng ta đang ở ngày nay đây không, nhưng ở tỉnh Jamtland [5] thì bệnh tàn phá khủng khiếp đến nỗi tất cả tộc Same ở bên ấy, trên các cao nguyên băng tích và trong các rừng đều chết hết, chỉ còn sót có một cậu con trai mười lăm tuổi thôi; và trong số những người Thụy Điển sống ở các thung lũng sông ngòi, cũng chỉ còn lại có một cô con gái, cũng mới mười lăm tuổi.
" Gần suốt một mùa đông, cậu con trai và cô gái mỗi người một phía, đã đi khắp đất nước hoang vu để tìm người còn sống, và vào mùa xuân khi họ gặp nhau, thì cô con gái Thụy Điển nhờ cậu con trai Lapps cùng đi với mình về phía nam, hy vọng sẽ tìm được những người đồng chủng với mình.
" Tôi sẽ đưa chị đi đâu chị muốn, cậu con trai trả lời, nhưng không thể đi trước khi mùa đông đến. Giờ là mùa xuân, và hươu của tôi lên cả các cao nguyên băng tích phía tây, và chị cũng biết là chúng tôi, người tộc Same, chúng tôi bắt buộc phải đi theo hươu của chúng tôi".
Cô nói: " Vậy thì cho tôi theo anh lên các cao nguyên băng tích".
" Cậu con trai vui lòng nhận lời, và thế là cô con gái theo đàn hươu trong những cuộc đi xa xôi. Các con hươu vội tìm lại đồng cỏ ngon lành ở các núi cao, và ngày nào cũng đi những đoạn đường rất dài. Người ta chẳng còn có thì giờ để dựng lên một túp lều nữa, phải lăn ra mặt tuyết mà ngủ trong những lúc hươu dừng lại để kiếm ăn. Các con vật cảm thấy ngọn gió nam thổi dựng đứng lông của chúng lên, và biết rằng chỉ nay mai là gió sẽ quét sạch tuyết phủ các sườn núi. Cô con gái và cậu con trai phải chạy theo hươu qua lớp tuyết đang tan, và giữa những khối băng đang nứt. Đến độ cao mà rừng tùng chấm dứt và bắt đầu sự thống trị của những cây bạch dương còi cọc thì họ có thể cắm trại và dừng lại vài tuần, chờ cho tuyết tan trên các đỉnh núi. Sau đó họ lại leo lên các đỉnh. Cô con gái thường phàn nàn, nhưng vì không thể ở lại một mình, chẳng có một người sống gần mình, nên cô đành đi theo đàn hươu và người con trai Lapps vậy.
" Trên cao nguyên, cậu con trai dựng một chiếc lều cho cô con gái, ở sườn một cái dốc xanh rờn, thoai thoải nghiêng xuống một con suối. Tối đến cậu ta tung dây thòng lọng bắt các con hươu cái, vắt sữa cho cô ta uống. Cậu ta đi tìm thịt sấy khô và phó mát sữa hươu mà tộc đoàn của cậu cất giấu mùa hè năm trước. Cô con gái vẫn phàn nàn, và người con trai của tộc đoàn ở các cao nguyên băng tích chỉ cười và tiếp tục đối đãi với cô rất nhân hậu.
" Dần dần cô cũng giúp cậu vắt sữa hươu và đánh lửa đun nồi, xách nước và làm phó mát. Họ sống một thời gian rất sung sướng. Trời nắng ráo và thức ăn không thiếu. Họ cùng nhau bẫy chim, câu cá hương dưới khe, và hái dâu vàng trong các bãi lầy.
" Mùa hè qua rồi, họ lại cùng đàn hươu xuống ở độ cao ranh giới giữa các loài tùng bách, với bạch dương, và cắm trại ở đấy ít lâu. Đã đến lúc giết bớt một số hươu. Khi tuyết rơi và các mặt hồ đông lại thì họ xuống thấp thêm bên phía đông, đi vào rừng bách rậm rạp. Cậu con trai dạy cô con gái các công việc mùa đông: dạy bện gân hươu làm dây, dạy thuộc da, may quần áo và khâu giày dép bằng da, làm lược và các đồ dùng bằng sừng, dạy chạy bằng ván trượt băng và đánh đi một chiếc xe trượt Lapps do hươu kéo.
" Khi mùa đông tối tăm đã đi qua và mặt trời trở lại [6] thì cậu con trai báo cho cô con gái biết là có thể đi cùng cô về phương Nam tìm những kẻ đồng chủng của cô. Cô con gái trố mắt nhìn cậu và nói:
" Tại sao anh lại đuổi tôi đi. Hay là anh vội muốn sống một mình với đàn súc vật của anh?
- Tôi nghĩ là cô vội tìm lại dân tộc của cô đấy chứ.
-   Tôi đã sống gần một năm cuộc đời của tộc Same. Làm sao mà tôi có thể trở lại giữa dân tộc tôi để sống trong những chiếc nhà chật chội và đóng kín, sau khi đã đi lại tự do bao nhiêu lần trên các cao nguyên và trong các rừng? Đừng đuổi tôi đi, cho tôi ở lại đây! Cách sống của các anh hơn cách sống của chúng tôi!"
" Cô con gái ở lại suốt đời bên cạnh anh con trai Lapps, mà không bao giờ nhớ thương các miền thung lũng cả. Chị thấy đấy, Âsa ạ, chị ở lại đây chỉ một tháng thôi, thì chị sẽ không thể nào lại ra đi nữa đâu". Aslak kết luận như vậy.
Aslak thôi kể. Bố cậu ta, Ola Serka, bỏ tẩu thuốc ra khỏi mồm và đứng dậy. Ông lão Ola hiểu tiếng Thụy Điển nhiều hơn, ông ta nghĩ là nên nói cho người ta biết rằng ông hiểu: và ông ta đã hiểu những gì con trai ông vừa nói. Giờ thì ông ta biết phải làm cách nào để nói với ông Jon Assarsson là con gái ông ấy đã đến gặp bố.
Ola Serka đi xuống hồ và men theo bờ cho tới khi gặp một người ngồi trên một tảng đá, tay cầm chiếc cần câu. Người câu cá tóc hoa râm và lưng đã còng. Đôi mắt nhìn mệt mỏi và cả con người như mất hết năng lực, không còn sinh khí nữa. Ông ta có cái vẻ một người đã gắng sức ghê gớm để nhấc một gánh quá nặng lên hay tìm lời giải đáp cho một bài toán quá khó, rồi bị gãy gục và mất hết can đảm.
" Hôm nay câu khá chứ, Jon à, vì suốt cả đêm anh có chịu buông cần ra đâu?" Ông lão Lapps chào Jon và nói như vậy.
Jon Assarsson giật mình, ngẩng đầu lên. Chẳng có con cá nào trên cỏ, và cái cần câu thì không có mồi. Ông ta vội vàng kéo cần lên và mắc mồi vào lưỡi câu.
Người Lapps ngồi xuống cỏ cạnh ông ta, và bắt đầu nói:
- Tôi muốn nhờ anh khuyên cho một lời. Anh biết tôi có đứa con gái chết năm ngoái, làm cho chúng tôi thấy thiếu thốn nhiều lắm.
- Tôi biết, ông ta ngắt lời, và mặt ông ta bỗng tối sầm lại, vì ông ta không muốn nói đến trẻ con chết. Ông ta nói tiếng Lapps rất thạo.
-   Tuy vậy người ta cũng không thể hoài phí cuộc đời trong cảnh sầu muộn; tôi nghĩ là nên kiếm một đứa con gái nhỏ làm con nuôi; anh cho là thế nào?
-   Cũng tùy, Jon trả lời bâng quơ.
-   Tôi sẽ kể anh nghe những gì tôi biết về đứa con gái mà tôi đã nghĩ đến, Jon à, Ola nói tiếp. Rồi ông lão kể cho người câu cá nghe rằng có hai đứa trẻ, một trai và một gái, đã đến mỏ Malmberg tìm bố, rằng đứa con trai chết vì tai nạn, và đứa con gái đã muốn chôn cất nó với nghi thức dành cho người lớn. Ola kể lại là đứa con gái đã phải đến nói với chính ông giám đốc như thế nào.
-   Đó là đứa con gái mà anh muốn nuôi làm con, Ola? Người câu cá hỏi.
-   Đúng, ông lão Lapps trả lời. Khi được người ta kể cho nghe chuyện của nó thì tất cả chúng tôi không thể không khóc, và chúng tôi bảo nhau rằng một người chị mà tốt như thế với em, thì chắc chắn phải là một đứa con gái rất tốt đối với bố mẹ.
Jon Assarsson chẳng đáp lại gì cả. Một lát sau, để khỏi mất lòng người bạn Lapps vì nỗi vô tình của mình, ông ta hỏi:
- Nhưng con bé là người tộc anh phải không?
- Không, nó không phải người tộc Same, người Lapps đáp.
-   Thế chắc là con gái một người lập ấp, đã quen với đời sống trên miền bắc này rồi?
-   Không, nó từ phương Nam lên, từ rất xa lên. Ola trả lời, giọng rất tự nhiên.
Người câu cá hình như quan tâm hơn một chút, ông ta nói:
-   Như thế tôi nghĩ là không nên đem nó về nhà anh. Nó không tài nào ở được một chiếc lều trong mùa đông, nếu nó không được nuôi nấng ở đó từ trước.
-   Nhưng mà ở với chúng tôi nó sẽ có bố mẹ tốt và anh em, chị em tốt. Sống cô độc và vô thừa nhận còn khổ hơn chịu rét rất nhiều, Ola cứ khăng khăng nói vậy.
Người câu cá xem ra không thích cái việc một đứa trẻ Thụy Điển lại được những người Lapps nhận về nuôi. Ông ta hỏi lại:
-   Anh chẳng nói rằng con bé có bố ở Malmberg sao?
-   Bố nó chết rồi, người Lapps trả lời, giọng quả quyết!
-   Anh chắc thế chứ, Ola?
-   Tất nhiên, tôi biết chắc chắn! Người Lapps trả lời vẻ khinh dễ. Đứa bé gái với em nó cần gì phải đi một mình suốt đất nước, nếu có một người bố còn sống? Hai đứa bé, tuổi như chúng nó thì cần gì phải tự mình nuôi sống mình, nếu được một người bố có thể làm việc nuôi chúng nó? Đứa bé gái có cần gì phải một mình đến nói với ông giám đốc nếu bố nó còn sống. Nó việc gì phải sống một thân một mình, giờ đây mà cả xứ Same này đang nói đến lòng dũng cảm của nó, nếu bố nó chưa chết? Chính đứa bé tin là bố nó còn sống, nhưng tôi thì tôi nói rằng bố nó phải chết rồi.
Con người có đôi mắt mệt nhọc quay về phía Ola, ông ta hỏi:
- Nó, tên gì?
Người Lapps suy nghĩ.
- Tôi không nhớ. Tôi sẽ hỏi nó. Nó đang ở trên kia, trong lều của tôi.
-   Sao, Ola? Anh đã đem nó về nhà trước khi hỏi xem bố nó, có thể là chưa chết, có cho phép hay không à?
-   Thì tôi cần gì người bố? Bố nó mà chưa chết thì ấy là bố nó không đoái hoài tới nó nữa. Lão ta phải bằng lòng vì kẻ khác trông nom con gái cho lão ta chứ.
Người câu cá ném cần câu, đứng dậy.
Người Lapps nói tiếp:
-   Tôi cho rằng người bố có lẽ thuộc hạng người bị những ý nghĩ u ám theo đuổi, không thể ở yên chỗ và làm ăn được. Một người bố như thế phỏng ích gì cho con bé?
Người câu cá liền leo ngược lên bờ hồ.
-  Đi đâu đấy? Người Lapps hỏi.
-  Tôi muốn xem đứa con nuôi của anh, Ola à.
- Được. Đến đây đi. Tôi tin là anh sẽ nói rằng tôi đã kiếm được một con bé rất tốt.
Người Thụy Điển đi rất nhanh; một chốc Ola lại nói:
- Giờ tôi nhớ ra tên nó rồi. Nó tên là Âsa.
Jon lại càng đi nhanh hơn, chẳng nói chẳng rằng.
Ola Serka đáng lẽ đã phải cười vì thích chí. Khi họ gần trông thấy túp lều ngay trước mặt, Ola nói thêm:
-  Con bé đã đến tận xứ sở của tộc Same để tìm bố, nhưng nếu không tìm được thì tôi sẽ rất vui lòng giữ nó lại đây.
Người Thụy Điển liền đi như chạy.
" Mình biết chắc rằng anh ta sợ, nếu mình dọa giữ con gái anh ta ở lại với tộc Same làm con nuôi ", ông lão Ola nghĩ thầm như vậy.
Tối hôm sau, khi mà cái người ở Kiruna, hôm trước đã đưa Âsa qua hồ đến tận cái trại của người Lapps, trở về bên kia, thì anh ta đưa về theo hai người; họ ngồi sát vào nhau và tay cầm tay, như để đừng có xa nhau nữa. Đó là Jon Assarsson và con gái. Cả hai như thể đã thay đổi; Jon Assarsson lưng bớt còng và trông như đỡ mệt mỏi, chán nản; cái nhìn của đôi mắt sáng sủa và hiền hậu, như thể ông ta cuối cùng đã tìm ra lời giải đáp cho một câu hỏi vốn làm ông ta khắc khoải; và Âsa, cô bé chăn ngỗng, không nhìn ra chung quanh với cái vẻ chăm chú và cẩn thận, linh hoạt thường làm cho cô bé như già đi trước tuổi nữa. Cô bé đã tìm được người để nương tựa, và hình như đang ở trên con đường trở lại làm một đứa trẻ con.
Chú thích:
[1] Người Lapps từ châu A đến ở đất Thụy Điển có lẽ từ trước Công nguyên, họp thành một tộc thiểu số, đến nay còn độ vạn rưỡi dân, chuyên sống về nghề nuôi hươu phương Bắc. Họ ở tỉnh xa nhất trên phía bắc là Lapland, nghĩa là xứ của người Lapps.
[2] Vùng chung quanh núi Kirunavara là vùng mỏ sắt lớn nhất của Thụy Điển, cách Malmberg trên một trăm kilômet.
[3] Thành phố mỏ Kiruna ở tận tuyến 680 Bắc quá vòng cực bắc hơn một trăm rưới kilômet, sau lễ Thánh Gioan 24 tháng sáu có nhiều ngày hai mươi bốn giờ liền, mặt trời không lặn.
[ 4] "Cái chết đen" cũng là cách gọi nạn dịch đen năm 1348-1350.
[ 5] Tỉnh Jamtland ở phía nam tỉnh Lapland.
[6] Mùa đông từ vòng cực Bắc trở lên, có những đêm dài hai mươi bốn giờ, mặt trời không lên khỏi chân trời; đến mùa hè mặt trời mới hiện ra, và nhiều ngày không lặn nữa.