Con nhà hàng cơm
Nguyễn thị Thu Trang

     hì sao chứ! Tôi chẳng có lỗi gì vì bố mẹ mình bán hàng cơm. Nhưng chị tôi thì khác, luôn xấu hổ với các bạn trai. Chị ấy thật xinh, học lớp mười một mà đủ mốt quần áo, đi giày cao bảy phân, kẻ mắt đen xì mỗi khi ra đường. Người như thế xấu hổ cũng là điều dễ hiểu (!).
Bố mẹ rất đau đầu về tôi. Biết mình không xinh, tôi khỏi mất công trang điểm. Chân vòng kiềng thì tôi vận jeans, áo phông. Mà áo phông, quần jeans nhất định phải đi với cái đầu tém mới hợp. Đấy là chân dung tôi, đơn giản, dễ thở và nhẹ nhõm.
Tôi tự hào về quán cơm nhà mình. Nó nằm trên một dãy phố lắm trường, lại lắm công sở nên cũng dễ phát đạt. Mẹ tôi nấu nướng, bố thu tiền, thuê đám con cháu nhà quê lau nhau bưng bê và rửa bát. Thế là nhân hậu quá còn gì? Ở làng, chắc gì mỗi ngày đã được hai bữa no, tháng tháng lại có trăm ngàn bỏ túi? Họ hàng làng xóm cảm động lắm, thỉnh thoảng mang đến cho cả yến gạo nếp, trứng gà với mật mía. Nhà tôi chưa bao giờ phải mua gà cúng giao thừa.
Chị em tôi sung sướng như hai công chúa, chỉ việc ăn, đi học, chơi rồi vòi vĩnh, mè nheo đủ thứ. Nếu bố phàn nàn thì mẹ bảo: “Lớn lên, chúng nó lấy chồng, muốn cho cũng chả được!”. Tôi là đứa biết điều nên không xin những hiện vật đắt tiền, chỉ yêu cầu vài món quà nho nhỏ tặng bạn ngày sinh nhật dưới dạng “hiện kim”. Chỗ hiện kim ấy còn hơi sức đâu mà ra cửa hàng đồ lưu niệm, nó chui tọt vào bụng lợn, nằm im một chỗ, dày dần lên và ấm chú lợn nhựa. Điều bí mật thiêng liêng cuối cùng bị chị tôi phát hiện. Nhưng chị tôi im lặng, đổi lại, tôi không tố cáo chuyện chị sức hết nước hoa của mẹ rồi đổ nước lã thế vào. Đây là lần đầu tiên tôi bao che cho việc làm xấu. Thật tệ hại! Tôi giấu lọ nước hoa và mẹ tha hồ tìm, tha hồ mắng mỏ con chó bông bất trị. Con chó không biết tự minh oan nên chúng tôi vĩnh viễn vô can.
Ở lớp, chị tôi là “một cô gái khá dễ chịu” - Như lời bọn con trai; chuyện gì cũng tranh làm nhưng đều hỏng be bét tôi chân thành khuyên chị rằng: “Đừng làm thủ lĩnh, khó lắm!” và bị mắng té tát. Từ đấy, tôi mặc kệ! Bởi vì - xét cho đến cùng - nó chẳng ảnh hưởng gì đến chức “lớp trưởng” và địa vị của tôi.
Tôi cực kỳ gương mẫu. Cô chủ nhiệm thường tuyên bố trước lớp: “Trong cuộc đời nhà giáo của tôi chưa có em nào con nhà hàng cơm được làm ‘lãnh đạo’ và học hành xuất sắc như bạn Bê!”. Vâng, Bê là tôi. Thử hỏi, còn lời tán dương nào tuyệt vời hơn thế! Trong sổ điểm, ngay tại cột “lý lịch”, tôi ghi: Mẹ - nghề nghiệp: Nấu ăn; Bố - nghề nghiệp: Thu tiền. Cô giáo lắc đầu: “Thu tiền” là nghề gì? Và sửa lại là “Bán hàng ăn”. Chuyện cũng bình thường bởi cột điểm số của tôi vô cùng ngoạn mục toàn chín với mười. Mẹ tôi hài lòng: “Năm nay thưởng cho con Bê đi Cửa Lò!”. Chị tôi tức đến nỗi lớp phấn đánh vụng bay lả tả. Nhưng tôi không thích biển. Núi dường như có sức hấp dẫn đặc biệt hơn. Và đêm đêm, tôi mơ về sương mù Sa Pa.
Người ta sẽ biết đến tôi là con nhà hàng cơm nếu mở cặp sách ra. Trong đó rất nhiều thức ăn được và tôi thường chia sẻ với bạn bè. Nhiều đứa rõ ràng không ưa tôi nhưng cứ tươi cười vô tư vì khó cầm lòng trước những món ăn hấp dẫn. Có ô mai, dưa chuột, củ đậu, nai khô, thậm chí cả mấy khúc cá kho. Ôi, khúc cá kho! Lần ấy tôi ngượng chín người, suýt nữa phải bỏ học. Số là tôi “mến” thầm chàng lớp phó. Nó hiền như cái nấm hương, bảo gì cũng nghe, hay chép bài hộ khi tôi ốm. Mỗi ngày tôi điện thoại cho nó ba lần, nó trả lời giọng run bần bật. Chẳng hiểu sao, tôi lại muốn tặng nó món đặc sản của nhà mình, đó là cá kho. Sau này nghĩ lại, thấy mình điên rồ và vô cùng hối hận. Nhưng lúc ấy, để bày tỏ tình cảm thì còn cách nào khả dĩ hơn. Buổi sáng, tôi dậy rõ sớm, mon men đến gần bố, không ăn phở sáng, không xin tiền. Bố tưởng tôi ốm bèn sờ trán. Tôi tránh được, bèn giở bài: “Con thấy đắng miệng lắm. Cho con cái gì vừa cay, vừa ngọt, vừa mặn, vừa chua mang đến lớp, bố nhé!”. Bố cau mày, cắn môi, ôm đầu mãi không nghĩ ra. Mẹ cáu, quát: Tôi chưa mở hàng đã “ám”. Tức quá, nước mắt tự dưng buông lã chã. Bố lau mặt hộ rồi bảo: “Khổ thân! Xin gì, nói mau?”. Tôi sụt sịt: “Bố kém thế! Là cá kho đấy!”. Hai bậc thân sinh ra tôi bật cười, mấy người khách quen ăn phở còn vỗ tay đôm đốp.
Tôi gói cá vào túi giấy bóng, cẩn thận bọc một tờ báo bên ngoài, đặt khẽ khàng trong cặp đeo; đi nhón nhén vì sợ nó nát bét. Giờ ra chơi, bọn cùng lớp ùa lại. Tôi xua tay: “Hôm nay chẳng có gì. Tớ đau bụng!”. Mặt chúng nó đầy ngờ vực, cứ lãng vãng xung quanh. Tôi gọi thằng lớp phó xuống bàn bạc công việc. Nhưng có tới ba lớp phó và hai đứa kia tôi vốn ghét thậm tệ. Một cơ hội bị bỏ lỡ.
Khi bế tắc, tôi thường ngồi đếm. Và con số sáu đến như một cứu cánh. Tôi phân công hai lớp phó ở lại giờ sinh hoạt, còn tôi - tất nhiên - và “đối tượng” sẽ đi họp liên đội. Nhưng cái thằng hiền lành chợt la thất thanh: “Ôi, tha cho tôi! Hôm nay phải về sớm nấu cơm!”. Tôi bĩu môi, vừa bực, vừa thương hại. Cuối cùng đành viết cho nó mẫu giấy, nhờ bọn bàn trên đưa hộ. Chúng nó cười mỉm rồi hỏi cố: “Không có gì ăn thật à?”. Nụ cười làm tôi toát hết mồ hôi trán.
Mẩu giấy không tới nơi, nó chu du vòng quanh lớp và cuối cùng đậu trên bàn cô giáo khi tiếng cười vỡ òa khắp phòng. Cô giáo đọc thật nhanh, quay mặt về phía bảng, vai run bần bật. Lũ bạn ôm bụng, ôm mặt, ôm vai nhau nghiêng ngả. Tôi cứ tưởng nước mắt mình sẽ rơi lã chã, nhưng tuyệt nhiên không. Hình như có nhiều tiếng xin lỗi đuổi theo bước chân, gạt cả tay cô giáo, tôi quẳng khúc cá vào bồ rác. Không khí lắng lại sau lưng, thằng lớp phó thanh minh gì đó, nắng khiến bóng nó đổ dài, xiêu vẹo.
Tôi ốm ba ngày. Thời gian ngắn ngủi ấy có biết bao thay đổi. Bố cho một anh sinh viên nợ tiền cơm, mãi không thấy trả. Hỏi ra, anh đã bỏ học về quê vì nhà nghèo. Mẹ cứ chì chiết mãi, chị em tôi cũng bị mắng lây. Bố thu dọn quần áo sang nhà bà nội cách đấy một dãy phố. Mẹ nguôi nguôi, đi bộ đến xin lỗi, nghe bà mắng mỏ vài câu. Thế là hòa!
Bọn bạn sợ chẳng dám nhìn mặt tôi. Cô giáo nói chuyện điện thoại rất lâu với bố, tôi gần hết giận thì chị tôi xui: “Đừng nhượng bộ chúng nó, ăn của người ta rồi giở trò!”.
Nghe thế, cái cục “tức” tôi nuốt vào trong bụng lại chạy ầm ầm lên cổ họng. Bao nhiêu công sức bố bỏ ra thuyết phục bay biến đâu mất. Tôi nhớ, hồi đầu năm học con một bà bán vải dám nói vụng sau lưng tôi rằng: “Đồ hàng cơm, chuyên mua chuộc người khác!”. Cứ như cái “khẩu khí” của nó thì “hàng vải” sang trọng, cao giá hơn “hàng cơm” nhiều lắm!
Tôi đến lớp với bộ mặt kiêu kiêu, lành lạnh - cũng khó chịu lắm bởi vì nó không giống với con người thực của tôi. Bạn bè ngồi lặng phắc. Trước đây, có hét khản cổ cũng đừng hy vọng có được dù chỉ một giây im ắng. Tôi thích những cuộc thi gan “êm ả” như thế. Tan học, cả lớp đứng lên, thằng lớp phó lí nhí xin lỗi. Nó là thủ phạm, cả lớp là đồng phạm, còn tôi là nạn nhân. Ra vậy, chúng nó ùa về một phe chống lại tôi, và tôi nghĩ trong sự tủi thân: “Vì mình là con nhà hàng cơm đấy thôi!”.
Đã thế, tôi học cho chúng biết tay. Một ông khách ăn Đài Loan khuyên tôi nên chén nhiều đậu phụ, đỗ, rau muống luộc và tất cả các loại quả đỏ, quả vàng. Mấy anh sinh viên người Thái đặt cơm tháng tặng tôi chiếc lắc bạc đeo kị gió. Bù lại, bữa nào tôi phụ chạy bàn, đĩa thịt của họ cũng đầy hơn. Mẹ bắt được, day tận tráng: “Định làm tôi ‘sập tiệm’ hả?”. Bắt chước bố, tôi nhất định sẽ bảo: “Phải để ‘đức’ cho con cháu chứ mẹ”. Không biết, lời ấy có tác dụng chừng nào, nhưng sau đó mẹ thường im lặng.
Tháng Năm. Những gì tôi làm được đã vượt qua sức tưởng tượng. Tôi trở thành người xuất sắc nhất trường, một người nổi danh trong thị xã. Ở các ngõ phố, đài phát thanh ngợi ca, tuyên dương bảng thành tích dài dằng dặc. Giấy vở được thưởng tôi phấn khởi chia hết cho lũ em họ. Chú ruột ở quê gánh lên một bu gà: “Để cháu bồi dưỡng”. Chị tôi hết cả quát tháo, ghen tỵ, sĩ diện hão, lại tự hào ra mặt. Mẹ dành một ngày đặc biệt để ăn mừng. Ngày đó, khách đến cửa hàng chúng tôi sẽ vô cùng phấn khởi vì ông bà chủ quyết định “giảm giá, tăng khẩu phần”. Ông khách Đài Loan có chiếc trán hói bóng cười hể hả: “Nhà nào cũng có cơm ‘bình dân’ không ‘bụi’ như vầy thì tốt quá!”. Ông ấy nói tiếng Việt rõ ràng lại còn chơi chữ khiến lũ bạn tôi tròn xoe mắt. Vâng, lũ bạn tôi, nhất định tôi phải mời (!!)...

HẾT


Xem Tiếp: ----