Mây trắng


Củ khoai lang

     ù sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng chưa một lần chị em tôi nhìn thấy bông lúa, cây chuối hay chiếc xuồng Nam Bộ. Vì hồi nhỏ đến giờ, chúng tôi sống ở Sài Gòn đô thị. Có đi du lịch đây đó thì cũng Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu. Toàn là những địa điểm du lịch nổi tiếng và hiện đại. Nên kỳ này, chị Chi - bạn của chị Hai tôi rủ tụi này về quê của chị ở Phong Điền ăn giỗ, chị Hai OK ngay. Riêng tôi đang phân vân, nửa muốn đi nửa không. Tôi nghe nói ở dưới đó ghê lắm. Muỗi mòng, sình lầy, cuộc sống thật nghèo nàn, lạc hậu. Đặc biệt, tôi được biết người ta đi vệ sinh bằng những cây cầu lộ thiên đặt trên những cái ao, phía dưới thả cá tra hay còn gọi là cá vồ. Thật là khủng khiếp!
Hai chị biết tôi còn ngần ngại nên thay phiên nhau làm “công tác tư tưởng”. Chị Chi mở màn:
- Ê! Đồ công tử bột kia! Tụi chị con gái mà không sợ, huống gì một nam nhi như mày.
- Nam nhi gì nó. Trắng như bông gòn. Làm gì, đi đâu cũng sợ thân thể bị trầy trụa.
Chị Hai lên án không thương tiếc. Chưa kịp mở miệng “phản pháo” lại, chị Chi đã tiếp:
- Bộ cưng giữ gìn ngoại hình để thi hoa hậu hả?
Hai bà rũ ra cười. Tức đến mức không thốt nổi câu nào, tôi ngậm hột thị luôn.
Đã cơn cười, chị Hai bắt đầu sợ chọc giận tôi dữ quá, thằng em nhõng nhẽo của chị sẽ không chịu đi nên chị xuống nước liền.
- Đi với tụi chị đi. Đàn ông con trai phải xông xáo lên chớ! Mười tám tuổi rồi còn gì. OK?
- Đành rằng ở dưới thiếu tiện nghi nhưng cũng không cực khổ lắm đâu! - Chị Chi “dụ” thêm - Mà tụi mình được ăn trái cây thỏa thích nữa.
Tôi làm thinh tiếp tục nghĩ ngợi.
- Mùa này có mãng cầu nè, cam nè, quýt nè... có nhãn nữa. Nhiều lắm!
Chị Chi kể liền một mạch hòng làm tôi chảy nước miếng. Vẫn thấy tôi chưa có ép phê gì. Chị Hai bực mình quát:
- Tao nè, tao là con gái, tao biết tao về quê là chân tao sẽ nạm đầy hột xoàn, bận đầm sẽ có nhiều trở ngại, nhưng không phải vì thế mà tao tự giam mình nơi tháp ngà. Huống gì là con trai như mày, đáng hổ thẹn!
Không biết vì sợ hai nàng sư tử cấu xé hay vì đã bị lung lạc mà tôi buột miệng:
- Thôi được rồi! Em sẽ đi với hai chị.
Mấy bả mừng rỡ vỗ tay. Tôi ra điều kiện thêm:
- Nhưng phải chuẩn bị thuốc trừ muỗi đó!

 

- Xuống đây! Xuống đây! Mát lắm.
Chị Hai bận bà ba đen đang vọc nước bì bõm dưới xẻo réo gọi tôi.
- Thôi! Mấy chị tắm đi - Tôi từ chối - Em không có nực. Mai tắm luôn.
Thật ra, mồ hôi mồ kê đang thi nhau chảy rột rột khắp thân thể. Nhưng thà vậy còn hơn trầm mình ở cái rãnh nước ao tù đó.
... Đùng... Đùng... Thừa lúc tôi đang đứng xớ rớ trên bờ, chị Chi từ sau lưng bất thần xô tôi xuống nước. Được! Đã vậy thì chơi luôn. Tôi cởi phăng cái áo pull. Bắt đầu lội bì bõm. Chà, mát quá. Sướng quá. Thoải mái quá. Mùi nước xông lên lờ lợ, thân quen. Tôi có cảm giác nước ở đây tuy đục vậy nhưng tắm còn đã hơn nước ở các hồ bơi trên Sài Gòn, đầy mùi hóa chất.
Nửa ngày đường mệt nhọc đã xóa sạch. Bây giờ tôi khỏe khoắn, sạch sẽ hẳn ra.
- Ê! Đói bụng không? - Chị Chi hỏi - Mình tới giờ này lỡ cỡ quá. Đâu còn cơm ăn.
- Đi chợ mua bún hay hủ tíu ăn đại đi.
Chị Hai cho ý kiến. Nhưng chúng tôi kịp nhận ra mình đang ở giữa vùng sâu, đồng ruộng. Đâu có chợ như ở thị trấn. Tội nghiệp dì dượng chị Chi. Lúng túng vì bất ngờ. Thằng Hiệp - con dì dượng - cứ đòi chèo xuồng ra tận ngõ ngoài mua đồ ăn. Dì còn định giết thịt con gà là phần để ngày mai đám giỗ.
- Nhà còn năm con lận mà, nhằm gì. Mai kêu thằng Hiệp đi chợ sớm mua thêm.
Chúng tôi còn đang lúng túng vì cản dì thì đói bụng mà không cản thì đâm ra... Kỳ cục quá.
- Ai... Khoai lang... hông? Khoai ngon lắm đê... đê!
Tiếng rao bán trên xẻo nước vang lên cứu nguy mọi người.
- Ý! Đỡ quá! - Chị Chi mừng rỡ - Vậy là khỏi gà vịt gì hết. Kêu khoai lang ăn.
Nhìn mấy ngón tay trắng trẻo của mấy bà chị lựa khoai, tôi mắc cười quá. Làm gì biết ngon hay dở mà cũng làm bộ lựa lựa. Đứng buồn miệng, tôi ghẹo cô bán khoai:
- Cho tôi theo bán với cô nhe!
Không ngước lên, cô lầm bầm:
- Mình ên tui còn nuôi hổng nổi, cho anh theo lấy cái gì ăn.
Nhìn khuôn mặt bầu báu đen nhẻm và giọng nói tỉnh rụi của cô, ai cũng phì cười. Chị Chi nói:
- Không sao đâu em! Thằng này nó ăn ít lắm. Mỗi ngày em cho nó hai củ khoai là đủ rồi.
Lúc này, cô mới ngẩng lên nhìn tôi. Khuôn mặt trẻ con sớm vất vả thoáng một nụ cười rồi lỏn lẻn cúi xuống tay mân mê củ khoai.
Chiếc xuồng đầy khoai và cô chủ của nó đã đi xa, tôi vẫn còn lóng ngóng trên bờ nhìn theo. Cái lưng áo nâu bạc màu giữa trưa nắng gắt làm tôi lóa mắt. Một cảm giác dâng lên, đầy thương cảm. Tội nghiệp em!

 

Đồng ruộng, vườn cây, tàu dừa dán dán lùi lại phía sau. Tôi tiếc nuối muốn níu kéo tất cả cùng theo xe về Sài Gòn. Ba ngày ít ỏi ở đây đủ để tôi hiểu và yêu thương hương đồng gió nội. Tình cảm chất phác, đôn hậu và hiếu khách của gia đình dì dượng chị Chi thật xúc động. Những ly nước dừa mát lạnh, trái mận chua chấm muối ớt với Hiệp hình như vẫn còn đây hương vị nơi môi. Tôi yêu tất cả ở đây, con người, cảnh vật, trời mây... Và... và tôi cũng yêu em. Củ khoai lang thương mến ơi! Em chỉ là một cô bé mới lớn, đang tuổi vui chơi, mơ mộng, nhưng giữa sông nước, mưa nắng và những củ khoai lang màu đất, không biết em có mong ước điều gì? Thôi, để anh ao ước và mơ mộng thay em nhé. Anh muốn quê hương mình ngày một xinh đẹp hơn. Cuộc sống nơi thôn quê ngày càng sung túc hơn. Anh sáng văn minh sẽ soi rọi đến những căn nhà lá chong đèn dầu, đến những ngôi trường vách đất mái dột nát, đến những đứa trẻ, những bạn bè đồng lứa với em với Hiệp. Em sẽ được học hành đọc sách báo. Hiệp sẽ được quan tâm đến những năng khiếu bị chôn vùi trong hang ếch, mương cá bấy lâu nay. Và... và bao nhiêu dự án tốt đẹp hiện lên trong đầu tôi. Tôi sẽ trở lại nơi đây nhiều lần nữa, không phải vì sức hút của lời hứa hẹn được ăn cá lóc nướng trui hay ếch tươi lăn bột của Hiệp mà vì tôi sẽ xây dựng nơi đây đẹp hơn, văn minh hơn. Tôi đã quyết định rồi. Mình sẽ thi vào đại học nông lâm. Sẽ là người giúp đỡ cuộc sống và phục vụ miền quê Nam Bộ chất phác.
Em có chịu vậy không, củ khoai lang thương mến?