Chương 5
Tuyển lựa liên tử

     ôi, Nguyễn văn Lương, bút hiệu Lương Khoán, như đã giới thiệu vài nét đan thanh về cuộc đời ái tình mèo mù vớ cá rán và sự nghiệp ăn mày cơm Chúa, Phật bị xua đuổi, vốn là kẻ lãng tử, biết làm đủ mọi việc nhưng cái khoản nuôi con thơ lại không biết. Nhà tôi, chưa hưởng hết tuổi thiếu nữ đã trở thành đàn bà, vợ một bần cố nông cả tiền tài lẫn kiến thức. Bà via nàng trở về cõi Phật khi nàng mới lên mười nên chẳng có cái màn “Mẹ khuyên con trước khi về nhà chồng”. Nuôi con thơ khác xa trò chơi búp bê. Thành thử, nhà tôi rất vụng về mặc dù đã ngốn hết các cuốn sách “Học làm người” dành riêng cho đàn bà, con gái. Vậy thì nhà văn tương lai Lương Khoán đành làm công việc của vú em. Thằng con trai đầu lòng của tôi nó hành tôi khiếp đảm.
Trước hết, vừa ẵm ông nhô từ nhà thương về, ông nhô đã mọc cái nhọt ở đầu, phía gáy. Hễ nằm ngửa là ông nhô khóc thét. Chỉ khoái nằm nghiêng. À, điều này, nếu một mai ông nhô đi vào lịch sử, sẽ có thợ viết bốc nhằng “Thuở bình sinh tiên sinh thích nằm nghiêng để nước đái khỏi vọt lên đình màn mỗi lần tiên sinh đái”! Cứ khi ông nhô khóc là tôi bấn xúc xích.
Không hiểu lý do nào ông nhô khóc. Đói ư? Bác sĩ dặn hai giờ uống một lần. Vậy mà vừa uống sữa được nửa tiếng, ông nhô đã khóc. Bèn lấy núm vú, quyệt tí thuốc bổ Dapta rồi dứ dứ ông nhô. Ông nhô đớp rất tài tình, mút chùn chụt, say xưa và anh dũng. Mút đến chừng hết chất ngọt, ông nhô nhả núm vú ra. Rồi khóc! Tôi lại đổ nước nóng trong bình thủy, rửa cái núm vú, vẩy sạch và quết Dapíta. Và cứ thế tiếp tục cho tới cữ sữa mới.
Ban đêm ông nhô khóc mới não nề chứ. Nhà tôi sinh xong là đau. Có lẽ, tại thiếu máu lại mất quá nhiều máu cho cuộc “vượt cạn” nên cứ bị sốt rét. Tôi đành nhìn vợ nằm co ro trong chăn len, bồng con, nựng nựng mà ru bằng những vần ca dao mộc mạc. Tôi tập cho ông nhô quá nhiều tật. Mút num vú có chất thuốc bổ Dapta hay mật ong. Ẵm hoài. Đưa nôi. Ru. Ông nhô chịu bố ru lắm. Ru đứng thì ông bố dượt... boston. Ru ngồi thì ông bố làm lò xo tay. Cậu cả ngủ khoái chí. Nhưng hễ đặt cậu vào nôi là cậu bèn vụt thức để khóc thương tình trần! Ông bố, mấy hôm đầu, còn dễ tính. Rồi mất ngủ vì con, ông bố đâm ra cáu nó, mắng loạn cào cào:
- Ngủ đi chứ, khóc chó gì khóc hoài vậy?
Nhà tôi tung chăn, ngồi dậy bồng con... tiếp sức để tôi ngủ một lát. Nàng chẳng biết ru gì cả. Thuộc mỗi bài “Con cò mà đi ăn đêm”. Cứ vậy, nhà tôi “ù ơ” một điệu buồn tênh xa vắng. Ông nhô “nghiện” những tiếng “à ơi” rồi, nghe “ù ơ”, ông nhô khóc quyết liệt. Tôi phát cáu:
- Ru bài khác đi! Con cò mãi, nó chán rồi.
Nhà tôi nhỏ nhẹ:
- Em chỉ biết mỗi bài con cò.
Tôi đập đầu vào... tường:
- Thì hát “Fè rơ giắc cờ” hay “Ô ke đờ la luyn”. Đổi bài đi chứ. Mà em học Kiều đó, đọc “Trăm năm trong cõi người ta” ru con nó sẽ nín.
Nhưng ông nhô không nín. Tôi lại phải ẵm ông nhô, đi một đường ru bằng thợ lục bát Huy Cận. Ông nhô nín ngay. Tôi bồng con trên tay và nghĩ rằng con tôi là đứa con có phúc lớn. Nó đã được nằm trên cánh tay yêu thương của bố mẹ, đã được nghe ca dao Việt Nam. Và cảm nổi ca đao. Tôi nghĩ thêm, mai nay khôn lớn, dù con tỏôi chẳng làm nên cái tích sự gì nhưng, chắc chắn, nó phải biết Thương Yêu để chiến đấu bảo vệ Thương Yêu của loài người. Ôi, càng nghĩ về tương lai của con, lòng tôi càng rạt rào cảm khái. Tôi bèn bế con ra xa lông, cho con ngủ trên tay trái và hai cái đùi. Còn tay phải, tôi vi vút bài thơ có khuynh hướng... “Nhị thập tứ hiếu”. Chưa xong thì ông nhô đã đái vọt vào thơ của thi sĩ Lương Khoán là đấng “phụ thân”. Rồi ông nhô khóc. Tôi lại ru bài ca dao mộc mạc:
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
Bắt được con chắm con trê
Cầm cổ lôi về nấu nướng làm lông
Cho cái ngủ ăn
Ngủ ăn không hết
Để dành đến tết
Mèo già tha trộm
Mèo ốm phải đòn
Mèo con phải vạ
Con quạ đứt đuôi
Con ruồi đứt cánh
Đòn gánh có mấu
Củ ấu có sừng
Bánh chưng có nệp
Ông thầy có sách
Thợ gạch có dao
Thợ rào có búa
Cây lúa có bông
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ...
Đúng là một bài ca dao mộc mạc, ấm ớ hội tề nhưng lại thuộc loại “kiến thức phổ thông” bình dân. Nhà tôi dù đau ốm, dù mất ngủ, nghe tôi ru con những câu ngớ ngẩn, cũng phải phì cười. À, ông nhô đã đồng lõa với mẹ trong âm mưu ngăn chặn tôi đi vào văn học sử. Nó đã đái ướt thơ tôi. Hèn chi, sau này, tôi không mần thi nổi. Bài nào, bài ấy khai nồng mùi nước đái.
Khi vợ chồng tôi khám phá ra một cái nhọt trên đầu ông nhô và đem đến bác sĩ Phạm Gia Cẩn, thần tượng chữa bệnh con nít, chích một mũi thuốc hết bệnh, thì ông nhô đã quen hơi... bố mẹ. Nó dùng tiếng khóc làm áp lực, cương quyết đòi ngủ trên tay bố mẹ. Tôi không dám có biện pháp mạnh. “Có con mới biết lòng cha mẹ”. Tự nhiên, tình thương yêu hai đấng sinh thành của tôi dâng lên ngập mắt. Và tôi khóc. Thuở còn sống ở ngoài Bắc với bố mẹ, bố tôi thèm ăn thịt bò xào thật mềm mà mẹ tôi lại chê thịt bò nên đã tỏ ra không có “khiếu” xào thịt bò. Ước gì, bây giờ, tôi được trở về nhà cũ, đích thân xào thịt bò khoai tây theo phương pháp của Trần thị Phượng để dâng lên người bố kính yêu. Còn mẹ tôi, mẹ tôi chỉ mơ ước tôi chóng lớn, lấy vợ, sinh con để mẹ tôi có cháu nội nâng niu. Mẹ ơi, cháu nội của mẹ đây này, nó đang hành hạ vợ chồng con như ngày nào thật xa xôi, con đã hành hạ mẹ. “Mày ghẻ lở, các cô kinh sợ không thèm bế, nhưng mày đã nằm trên bụng mẹ ròng rã mấy tháng. Mẹ chẳng sợ mùi ghẻ lở tanh tưởi. Vì mẹ là mẹ của mày, Lương ạ!”
Phải, không có con thì chả bao giờ biết lòng cha mẹ, tấm lòng hy sinh vô bờ bến. Chỉ vì thương yêu con. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Tôi chợt nhớ câu trách móc. “Cha mẹ nuôi con như trời bể, Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” để ray rứt khôn tả. Tôi chưa nuôi cha mẹ được ngày nào. Thầy Tử Lộ ơi, hồi học lớp ba, đọc bài tập đọc truyện thầy trong “Quốc văn giáo khoa thư” lớp sơ đẳng của Trần Trọng Kim, tôi đã phì cười, chê thầy ngu, làm quan to không muốn lại ham đội gạo kiếm tiền như thuở hàn vi để phụng dưỡng mẹ già. Nhìn bức tranh vẽ thầy đội gạo è cổ và bà cụ lưng còng đứng chờ ở cổng, tôi chẳng cảm động chi sốt cả. Lớn khôn, tôi mới hiểu tại sao thầy ham đội gạo nuôi mẹ. Ôi, mẹ đã chết, làm quan to nào mẹ có được hưởng gì. Thì thà cứ đội gạo mà mẹ còn sống, đời không thiếu thương yêu. Thầy Tử Lộ ơi, tôi đang ẵm con, cố nhớ lại bức tranh trong bài tập đọc cũ mà thương mẹ cha vô vàn. Bây giờ là lúc tôi chiêm ngưỡng Lão Lai, chiêm ngưỡng tất cả những nhân vật của “Nhị thập tứ hiếu”. Tôi khinh bỉ những đứa làm quan sang mà để mẹ già bán thuốc lá lẻ đầu đường như thằng dân biểu nọ.
Ông nhô hành hạ tôi ròng rã một tháng trời. Người hốc hác. Tôi sắp sửa kiệt sức thì bà mẹ kế của nhà tôi dẫn từ Trà Vinh lên một... liên tử già. Liên tử già mập ú, ăn rất khỏe và thức đêm vô địch. Đúng là mẫu người lý tưởng của tôi. Cả đêm, ông nhô nằm trên tay dì Tư - vợ chồng tôi đồng ý gọi thế - mà ngủ.
Và dì Tư không hề ngồi. Dì cứ đi đi lại lại, nựng nựng ông nhô bằng điệu ru duy nhất. “Tầu xíp lê một, tầu xíp lê hai...” thêm phần phụ hoa âm nhạc “Ngủ đi cưng rưng tưng tưng...”. Y hệt anh chơi băng dzô không biết “vê”. Đáng lẽ nốt cuối của câu nhạc phải “vê” ròn ngân dài ra, anh ta quạt “mê đi a tơ” loạn châu chấu. Thí dụ: Te tò tò te tò te tí... anh chơi băng dzô ấm ớ đánh rằng te tò tò te tò te te tí tí tí tí tí. “Ngủ đi cưng rưng tưng tưng” chán chường là vậy. Nếu ông nhô chẳng chịu ngủ. Tôi bèn cáu quá, trách nhà tôi:
- Phải chi em cho con bú sữa của em.
Nhà tôi thở dài:
- Em đau quá, ăn uống không được, lấy sữa đâu con nó bú.
Tôi kêu khẽ:
- Anh tưởng em sợ vú nó dài ra bằng trái mướp, mất đẹp!
Nhà tôi khóc rấm rức. Tôi bắt tội nghiệp an ủi:
- Anh xin lỗi em. Ừ, giá em mạnh khoẻ em cho con bú sữa mẹ, con nằm cạnh em, hễ con khóc, em tọng vú vào miệng nó là nó nín ngay.
Dì Tư kiên nhẫn nuôi ông nhô. Dì theo đạo Hòa Hảo nên cứ mười tư và ba mươi là dì ăn chay hai ngày. Trong hai ngày đó, dì Tư hướng về Đức Thầy, đọc kinh cả buổi, mặc ông nhô khóc rũ trong nôi. Tôi bèn thương con tôi quá. Nghĩ rằng: cóc ai có quyền bỏ bê, đầy đọa tuổi thơ. Nếu Thượng Đế đầy đọa tuổi thơ, tôi cũng chống đối Thượng Đế đừng nói chi người. Bởi vậy, tôi xin dì Tư bỏ cái khoản đọc kinh. Dì Tư không chịu. Nhà tôi vội vàng trả lương dì, tặng thêm cái vé xe đò Sàigòn - Trà Vinh để dì hồi hương lo chuyện ăn chay niệm Phật. Tôi dở sổ “tuyển lựa liên tử” ra ghi. Mới có hai mạng. May ghê, dì Tư vừa về nhà tôi bỗng khỏe mạnh. Không phải nhờ thuốc đâu. Chính là vì tình mẹ thương con.
Như vậy, vợ chồng tôi vừa thay phiên nhau bồng con vừa mở cuộc tuyển lựa liên tử. Vì cuộc tuyển lựa này không béo bở gì nên không có cái sự trực tiếp truyền thanh như là tuyển lựa ca sĩ tân, cổ nhạc hay hoa hậu hôm nay. Thuở ấy, chủ quyền quốc gia được Tổng thống Ngô Đình Diêm bảo vệ triệt để nên đồng minh Hiệp Chủng Quốc phải tuyển lựa một số người Mỹ sạch sẽ, học thức đầy mình mà gửi qua làm cố vấn. Dĩ nhiên, chúng ta chưa được cái hân hạnh tiếp đón anh em lục lộ Mỹ, anh em cu ly Phi Luật Tân, anh em vũ phu Đại Hàn, anh em rừng rú Xiêm La, anh em căng-gu-ru Úc Đại Lỵ và Tân Tây Lan... Thành ra, tuy bị thiệt thòi lắm, bạc đãi nhiều, cái giai cấp mà ông Ngô Đình Nhu muốn nắm tay dẫn dắt đi vào xã hội mới có công bằng, tự do, dân chủ thật sự chín mươi lăm phần dầu là giai cấp điếm, vẫn còn giữ được liêm sĩ. Muốn tỏ mình đã đọc Jean-Paul Sartre, nên lôi cái tên vở kịch “La P. respectueuse” ra để so sánh trộ bà con yếu kém sinh ngữ chơi. Điếm dưới trào Tổng thống Ngô Đình Diệm còn giữ được liêm sĩ thì liên tử phải sáng giá bội phần. Liên tử, hồi đó, hầu hết là những con cò trắng “Đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” và đòi “xáo bằng nước trong”. Than ôi, những con cò trắng đã tạo thành một xã hội liên tử mà sinh hoạt thường diễn ra tại bùng binh chợ Bến Thành (Nay là nơi đứng trong lịch sử của liệt nữ bất đắc dĩ Quách thị Trang).
Vợ chồng tôi đã ghé cái “Chợ người” trong chế độ cách mạng nhân vị để “bắt” liên tử. Y hệt người ta đi mua nô lệ ở bên Phi châu! Tôi đã hứa không giẫm lên chân nhà tôi nên mặc kệ nhà tôi... tuyển lựa liên tử. Nàng chọn “hàng hóa” và điều đình với mụ đầu nậu. Tôi thường lòng vòng quanh bùng binh quan sát những khuôn mặt thê thảm của cuộc đời. Cách mạng tháng tám, cách mạng tháng mười đã chẳng thể làm đổi thay nổi cuộc sống cùng khốn của người nghèo. Nhưng cách mạng nào cũng cứ nhân danh người nghèo mà phất cờ, gióng trống. Tự nhiên, tôi ngứa miệng muốn to tiếng chửi tất cả những cuộc cách mạng trên thế giới này quá xá. Ở “Chợ người” họp tại bùng binh Bến Thành, có đủ nhân vật bi thảm “Bước đường cùng” và “Tắt đèn” của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố. Tôi không dám nhìn những nhân vật ấy lâu hơn, kỹ hơn. Vậy mà tôi vẫn cứ phải tới làm công việc tuyển lựa.
Cuốn sổ tay của tôi ghi thêm khối liên tử sau đồng chí liên tử Hai và dì Tư. Bây giờ, thêm cái khoản lý do nào một liên tử đến rồi đi. Và đến từ đâu. Thí dụ:
- Liên tử Năm 15 tuổi, tự ý đến xin ở đợ. Ra đi hai tuần lễ sau vì ưa ăn cắp vặt và mỗi tối thích ra ngõ đấu với các phi líp nhỏ. Sốt ruột nhất là vấn đề âm nhạc cải cách của liên tử Năm. Nó vừa làm vừa hát bài “Bạn ơi sơn hà xin cạn chén ly bôi. Ngày mai tôi đã đi xa rồi”. Tới chữ “đã”, nó nhái ca sĩ thần tượng Duy Khánh, ca rằng “Ngày mai tôi đã đã đã đã đã đi xa rồi” Nhà tôi đề nghị đuổi. Tôi đồng ý.
- Liên tử Sáu, 20 tuổi, bắt ở “Chợ Người” về. Ra đi một tuần lễ sau vì yêu kép cải lương đến độ giắt ảnh các kép vào cạp quần. Bưng nước tiếp khách, ảnh thần tượng cải lương chui vào bụng, tụt xuống ống quần rất... bố láo. Đuổi gấp vì cả ngày nó cứ hỏi ông chủ địa chỉ của Út Trà Ôn.
- Liên tử Út, 32 tuổi, tự ý đến xin làm. Ba hôm sau khóc lóc xin thôi. Lý do: Út giận chồng mèo chuột, bỏ chồng con đi ở đợ. Bỗng nhớ con quá, quên giận chồng.
- Liên tử Bảy, 18 tuổi, tình nguyện ở đợ. Con bé đẹp ra phết. Mười móng tay để dài, sơn đỏ như Thẩm Thúy Hằng. Vô làm buổi sáng, buổi chiều nôn ói toàn nước miếng. Sợ nó gài mìn nổ chậm. Mời đi gấp.
- Phi-líp Đực, 22 tuổi do một bạn giới thiệu. Thằng này rất nhanh nhẩu. Thôi ngay buổi sáng vì đề nghị mỗi tuần một lần ăn cơm tây của nó không được thỏa mãn. Tiếc là không thỏa mãn nó. Người bạn cho biết cơm tây mà phi-líp Đực yêu cầu chỉ là khúc bánh mì chấm nước mắm!
- Liên tử Khôi do bạn bè giới thiện. Làm việc rất chăm chỉ. Nói năng lễ phép. Chỉ phải mỗi cái tội thích hỏi chuyện... chiến khu D nên bà chủ sợ tóe khói, mời ra gấp.
- Liên tử The, ông bố vợ dẫn từ Chắc Cà Đao lên. Theo đạo Hòa Hảo. Ngoan ngoãn. Nhưng triệt để tuân lời dạy của Đức Thầy. Không ăn thịt bò đã đành, liên tử The còn từ chối công việc xào thịt bò. Lại bắt ông chủ nghe sấm giảng của Đức Thầy. Ông chủ đề nghị bà chủ mua vé xe đò đưa liên tử The về Chắc Cà Đao.
- Liên tử Thoàn, người Hốc Món, rất khoái hoạt động nhưng hễ ngồi đưa võng cho nhi đồng cứu quốc là... ngủ gật. Thêm cái tật mê tử vi nhật báo. Sáng nào cũng bắt ông chủ đọc cho nghe cái mục “cầm tinh con chó”. Hễ con chó hôm nay xấu là chỉ thích ngồi chơi. Bèn đuổi.
- Liên tử Nhạn, ăn diện một cây, có kép mần việc xa xôi. Hễ kép gửi thư về, nhờ bà chủ đọc giùm để nghe và học thuộc lòng. Rồi yêu cầu ông chủ viết giúp thư trả lời. Xét rằng ông chủ không có khiếu viết thư tình máy nước, liên tử Nhạn tự ý xin thôi.
Nhiều lắm, còn nhiều “nhân vật” liên tử với những lý do “giải nhiệm” hết sức ly kỳ. Tôi không dám kể tiếp e rằng sẽ làm buồn một “giai cấp xã hội mới”. Tính sổ mướn liên tử thì kể từ ngày sinh con đầu lòng đến ngày con thứ ba lên bốn tuổi, nhà tôi đã “làm chủ” ngót một trăm liên tử. Trong số một trăm liên tử này, nhờ ông Phan Huy Quát lên làm Thủ tướng, cam kết điều kiện loạn cào cào với Hoa Kỳ để lính viễn chinh Mỹ ào ào vô Việt Nam bảo vệ tự do, dân chủ, đã có đứa làm tới phu nhân trung tá Mỹ, có đứa làm chủ xì nách ba và rất đông trở thành me Mẽo, trở thành những “La P. respectueuse” và, vinh dự biết bao cho ông Ngô Đình Nhu, tất cả đều đứng số một trong đẳng cấp xã hội kỷ nguyên cách mạng tháng mười một. Rõ ràng “những người Việt Nam thiệt thòi nhất” đã tay nắm tay tiến lên thực hiện phương trình “nhất điếm nhì xi tam sư tứ cố”.
Nhà tôi không khắc nghiệt. Chỉ khó tính. Ngay tôi là chồng, sổ gia đình ghi chức vụ tổ bố “trưởng gia”, khi yêu tôi, nhà tôi yêu ra rít, cho de hàng tá giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, mà nàng còn rống lên mỗi lần điểm đúng cái huyệt cáu kỉnh của nàng, nữa là các liên tử. Nhà tôi thương nhất liên tử Hoảnh. Cái tên khó thương ghê. Vậy mà nhà tôi thương. Nàng rất ngọt ngào với liên tử Hoảnh. Của đáng tội, liên tử Hoảnh trình diễn khéo léo cóc chịu nổi. Nhặt tiền rơi, liên tử Hoảnh đưa trả “cô”. Và “cô” thủ thỉ mí “cậu” nhặng xì ngầu “con Hoảnh thật thà lắm anh ạ”. Nhà tôi phát tiền ăn sáng cho liên tử Hoảnh, bắt đi uốn tóc, mỗi chủ nhật cho đi coi cải lương. Đặc biệt tối thứ bảy, liên tử Hoảnh đọc chiếm cái ra-đi-ô để nghe cải lương trực tiếp truyền thanh. Có mớ quần áo cũ, nhà tôi tặng liên tử Hoảnh hết. Lâu lâu, liên tử Hoảnh xin phép về thăm mẹ. Nhà tôi hồi hộp, chờ đợi ngày hẹn của liên lử Hoảnh. Con bé đúng hẹn. Uy tính của nó lên cao. Bỗng một hôm, có người tìm đến báo tin mẹ nó chết. Nó xin phép về đưa mẹ nó lên miền cực lạc. Nhà tôi tin tưởng nó, cho vay sáu tháng lương đặng nó đủ phương tiện thực hiện chữ hiếu.
Liên tử Hoảnh khăn gói hồi hương. Nó không bao giờ trở lại nữa. Nhà tôi bị một cú nặng nề. Từ đó lập trường liên tử của nàng rất vững chắc. Liên tử Hoảnh phản bội tôi, phản bội cái sự reo rắc tư tưởng dân chủ của tôi. Sau này, hễ tôi mở miệng bênh vực liên tử, y như rằng bị nhà tôi kê tủ đứng vào miệng.