Chương 4
Giai cấp giá trị mới

     hi cái bầu trong bụng nhà tôi biết hành hạ kẻ mang nó, tôi đã được... đi làm. Lâu quá, dễ chừng từ ngày cha sinh mẹ đẻ, tôi mới được làm công chức. Nghề công chức của tôi không hứa hẹn cái tuổi đầu bạc răng long ăn lương hưu trí. Tôi lĩnh lương khoán. Nhà nước chê vợ con những kẻ lĩnh lương khoán nên chẳng chịu phát tiền. Do con mắt tinh đời của ông huyện Nguyễn Bích Liên, tôi bèn được ông Cao Xuân Vỹ phát cho tí ân huệ. Ông Vỹ chấp thuận để tôi làm biên tập viên, khỏi cần tú tài, khỏi cần thi cử. Tôi không thể diễn tả nổi lần đầu tiên, ký tên vào sổ lương lãnh những năm ngàn bạc. Đời tôi đã có nhiều tháng chỉ sống thoi thóp bằng món tiền phước thiện vài trăm. Bây giờ, nhét năm ngàn vô túi, tôi run ghê quá. Run cơ hồ thanh niên trốn quân dịcn bị phú lít hỏi giấy hợp lệ tình trạng quân dịch ấy. Ngồi ở bàn giấy, tôi đã lén xếp, móc tiền ra đếm và... ngửi. Tôi mong chóng tới giờ về để khoe với nhà tôi rằng tôi đã giải được phương thức tam túc cộng tam giác cộng tam nhân bằng... năm xín của lý thuyết gia Ngô Đình Nhu.
Nhà tôi hân hoan lắm. Nàng không mê năm ngàn lương của tôi đâu. Mà mê cái nếp sống công chức cần cù, trầm lặng, an phận thủ thường. Tôi ví như con ngựa hoang đã trả thành ngựa nhà nước, mắt bị che, miệng bị đóng hàm thiếc, chân bị đóng móng sắt, lưng bị mang yên và rất đông kẻ có quyền cưỡi. Tôi quên chuyện văn chương, chả thiết tha cái giấc mộng trúng giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông” để đi phăng phăng vào văn học sử Việt Nam nữa. Sáng thứ hai dậy sớm, mặc quần áo xanh Cộng Hòa, xếp hàng chào cờ suy tôn Ngô tổng thống. Hai tuần một lần mang mùng mền đến sở... ngủ hay chơi bài cào gọi là trực đêm. Tôi tưởng đã kết bạn muôn thuở với các đồng nghiệp già suốt buổi chỉ đánh giá trị của các nhãn hiệu trà tầu và thuốc lào hay các nữ đồng nghiệp cả ngày lo khâu tã, đan áo, cắt móng tay, đọc tiểu thuyết bà Tùng Long và rủ nhau chơi hụi. Ai ngờ đâu, ông Ngô Đình Nhu ra lệnh cho ông Cao Xuân Vỹ phải xuất bản tờ bán tuần san Chiến Đấu làm tiếng nói của Thanh Niên Cộng Hòa.
Ông chánh sự vụ Nguyễn Bích Liên cất nhắc tôi. Ông xin biệt phái tôi ra ngồi ở tòa báo cạnh con voi già phóng sự Tam Lang, tác giả “Tôi kéo xe”, nhà báo từng làm mưa gió khắp ba miền Trung Nam Bắc thuở tôi còn đái dầm. Tôi được miễn khoản chào cờ, học tập huấn từ, huấn thị của Tổng thống và ông Cố vấn. Lại xa cả xếp nhớn xếp nhỏ. Đi làm theo cảm hứng. Sướng vô cùng. Nhà tôi lấy cái sự tôi ra tòa báo ngồi làm mối lo âu. Nàng sợ tôi nhất định vào văn học sử bằng: một truyện ngắn dự giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông”. Tôi phải trấn an nàng:
- Em ạ, anh mất hết tự do rồi. Nhà nước bắt anh làm gì, anh phải làm cái đó. Anh làm báo... nhà nước, em hãy tin đi, bốn nghìn năm sau mới nổi tiếng. Báo Chiến Đấu lại đăng tải toàn tin tức Thanh Niên Cộng Hòa, diễn văn của Tổng thống và phương pháp tập ném tạ, nhảy sào. Lâu lâu, chống Cộng Sản một tí hoặc là tường thuật trận đá banh quốc tế. Báo Chiến Đấu là đồ bỏ, không phải nơi phát huy văn nghệ đâu. Em yên chí, nay mai anh sẽ làm thơ suy tôn anh cả Thanh Niên Cộng Hòa là ông Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu.
Tôi thở dài đau khổ:
- Anh sẽ là dân nô, là bồi bút.
Nhà tôi có vẻ thấm nỗi buồn giả tạo của tôi. Chừng số báo Chiến Đấu đầu tiên ra lò, nàng mơi tin tôi nói thật. Nàng ái ngại giùm tôi. Và nàng hỏi:
- Anh giữ mục gì?
Tôi ngao ngán:
- Em ơi, những mục văn hóa, văn nghệ các ông đại văn hào Hiếu Chân, Vũ Hạnh, Phạm Cao Củng, Tam Lang giữ hết trơn. Anh viết lại truyện kiếm hiệp “Thất kiếm thập tam hiệp” cho câu thành cú và sửa bài của các đại văn hào. Thầy cò chính là anh.
Nhà tôi chưa hiểu nhiệm vụ của thầy cò nó ra làm sao, mới hỏi:
- Anh sửa bài của Hiếu Chân tiên sinh cơ à?
Tôi méo mặt đáp:
- Sửa những chữ mà thợ sắp chữ xếp sai thôi. Văn chương của các nhà vă lớn nó lớn con lắm, mình đụng vào nó đá chân trái mình cũng đủ té nhào.
Nhà tôi ái ngại:
- Thôi, anh cố xin về Nha ngồi cho yên thân. Nhỡ anh cao hứng, anh sửa văn chương của các văn hào cổ thụ, bị đá té nhào thì khốn khổ.
Tôi tả oán:
- Ừ, nhẹ là hộc máu mồm, nặng là... thọt, em ạ!
Nhà tôi tin rằng tôi hết mơ mộng đi vào văn học sử khi đứng trước những núi Thái cao ngất nghểu, và rộng bao la. Nàng yên chí tôi chỉ là thứ “hoa dại”, chuyên sửa truyện kiếm hiệp cho mạch lạc, dễ đọc. Nhưng nàng biết đâu, sự nghệp văn chương báo hại của tôi đã khởi sự từ những ngày viết lại bộ “Thất kiếm thập tam hiệp”. Rồi một hôm đẹp trời, văn hào Phạm Cao Củng quên không đưa tiểu thuyết “Lời thề trên đất giặc”, tôi đã mạo muội viết trám vài kỳ. Xuýt nữa tôi giết nhân vật chính của văn hào họ Phạm đấy. Rồi tôi vi vút vài bài “pô tanh”. Chủ bút Tam Lang khen “tạm được”. Ông bèn phong tôi làm thư ký tòa soạn của cái tuần báo Chiến Đấu. Tôi, Nguyễn văn Lương, bút hiệu Lương Khoán, thư ký tòa soạn kiêm thầy cò kiêm tùy phái đã được con voi già của làng báo Việt Nam là Tam Lang Vũ Đình Chí khuyến khích om sòm. Chẳng lâu la gì, người ta gọi tôi về chỗ ngồi cũ, mỗi tuần viết một bài bình luận về màu áo xanh Cộng Hòa! Nhà tôi vui mừng khôn tả. Nàng thủ thỉ:
- Em vẫn ước mong anh chỉ là một công chức.
Tôi buồn rau:
- Thì bao giờ anh chẳng là một công chức. Nay mai, anh sẽ tập uống trà tầu, hút thuốc lào, tập đánh chắn còm và chơi cái hụi nhỏ.
Nhà tôi tin ngay là tôi nói thật vì nàng không biết nói dối. Nàng quá chất phác, ngày thơ nên lại không hiễu câu nói nặng cái chất “phẫn” và ai oán, não nề của tôi. Ôi, một kẻ lãng tử “lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn” như tôi, một kẻ thiết tha đi vào văn học sử hậu bán thế kỷ thứ hai mươi bằng con đường “chớp” cái giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông” mà lại sắp sửa tập hút thuốc lào ư? Lại sắp sửa phản chất “tương tư thảo” mang các nhãn hiệu Vĩnh Bảo, ba số chín, ba số năm ư? Cái đó không được. Tôi sẽ vùng lên. Nhà tôi đâu hiểu tôi cũng có cái thai văn nghệ trong bụng. Tôi tưởng tượng, ngày kia, trong bữa tiệc có thịt bò bảy món, ông chủ nhiệm Đinh văn Khai tuyên bố trước quan khách và các văn nghệ sĩ Sàigòn là tôi trúng giải nhất văn chương... Tiếng Chuông. Ái chà, thiên hạ sẽ vỗ tay loạn cả lên, dám đổ tung nước mắm vào mặt nhau lắm à, sẽ hoan hô tôi rả rích. Tôi xấu hổ một tí rồi xưng mặt to bằng cái bánh đa, ra cái điều “ông đã đi vào văn học sử”. Nhà tôi chắc... hơi buồn, sự hơi buồn theo lối diễn tả của Nguyễn Bính trong bài “Quan trạng” vinh quy bái tổ. “Chỉ duy có một cô em hơi buồn, từ ngày cô chửa thành hôn, từ ngày anh khóa hãy còn hàn vi...”. Chắc chắn, đại ký giả Nguyễn Kim Cang tự Nguyễn Ang Ca sẽ trao bằng.. văn chương cho tôi. Tôi sẽ nổi tiếng boong boong như chuông chùa Xá Lợi. Tôi sẽ in một ngàn tấm danh thiếp như sau:
NGUYỄN VĂN LƯƠNG
Bút hiệu LƯƠNG KHOÁN
Thi sĩ, Tiểu thuyết gia, Ký giả
(Giải thưởng truyện ngắn Tiếng Chuông)
215D/17C/18F/213B Chi Lăng - Gia Định
Với tấm danh thiếp này, tôi sẽ phăng phăng lọt qua cổng làng văn hóa. Báo chí sẽ đua nhau mời tôi giữ mục “Gỡ rối tơ lòng” hay đặc trách mục “Tìm bạn bốn phương”. Tôi đã mơ mộng để thoát khỏi cái thực tại công chức lương khoán, để bay xa cái tương lai hút thuốc lào vặt và chửi thầm xếp chúa. Nhưng giấc mộng lớn của tôi bị vấp phải tảng đá. Nó lăn kềnh ra. Nó kêu đau oai oái. Ấy là lúc nhà tôi sắp sửa đập chum, nói văn vẻ một tí thì, nhà tôi sắp sửa gỡ cây đàn “ác coóc đê ông” ra khỏi bụng. Chân trời tạp dịch hiện ra, rực rỡ một bình minh như chân trời 1980 của tiến sĩ Nguyễn văn Hảo ấy. Chín tháng mang bầu của bà E-và là chín tháng tối tăm mặt mũi của ông A-đông. Bà E-và nôn ói lu bù ở tháng thứ nhất. Dù chỉ ói toàn nước miếng, ông A-đông cũng bấn loạn tinh thần. A-đông đi hỏi nhặng xì ngầu về kinh nghiệm một đàn bà chửa con so. A-đông ghi chép lia lịa. Trong khi đó, E-và mở cuốn sách học làm người “Trước khi về nhà chồng, người đàn bà nên biết”, nghiên cứu chương mục “Có thai” rất kỹ lưỡng. Thời gian ói mửa qua đi, E-và thèm ăn vặt, nhất là thèm ăn xí muội. A-đông lắc đầu.
- Không được ăn vặt, ăn nhiều quá cái thai nó béo tốt to con, rất ư là một sự khó đẻ.
E-và hỏi.
- Cấm tẩm bổ à?
A-đông đáp:
- Bác sĩ khuyên thế. Đu đủ, cam, táo, nho, lê phải nhịn. Đặc biệt nhịn ăn thịt chuột và mắm ruốc kẻo đứa bé sẽ có hai cái tai giống tai chuột và miệng hôi mùi mắm.
E-và nói:
- Đã có phương pháp đẻ không đau, rồi có máy hút, lo gì.
A-đông nhún vai:
- Đẻ không đau sau này con nó hết thương mẹ. Mẹ sẽ không thể nói “Tao mang nặng đẻ đau”. Và con cũng không thiết nói “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
E-và chịu lắm. A-đông giục E-và hoạt động:
- Em phải giặt quần áo, rửa bát, đi đi lại lại hoài hủy. Nằm một chỗ, đẻ... đau đấy.
E-và cãi:
- Mệt muốn thở không ra, anh còn bắt làm.
A-đông cương quyết:
- Sách dạy thế.
Có thể, giữa E-và và A đông, xảy ra những cuộc cãi nhau lặt vặt. E-và đã căng hết da bụng mỏng teo, nếu hét lớn như lúc bình thường, sẽ bị vỡ bụng nên nhượng bộ A-đông. Thì A-đông vội lả lướt:
- Em ạ, giá má mình còn sống, anh sẽ bắt chước một nhân vật truyện ngắn “Con so về nhà mẹ” của Thanh Tịnh, đưa em về để má em lo cho em là em hết sợ. Hoặc nếu mẹ anh cũng di cư vô đây, mẹ anh sẽ săn sóc em. Chỉ vì vận nước nghiêng ngửa mà em vất vả. Thôi, để anh “bắt” cho em một liên tử.
Nhà tôi ngạc nhiên:
- Liên tử!
Tôi bắt chước ông Khổng Tử Nguyễn văn Tu giảng nghĩa chữ thánh hiền:
- Liên là sen, tử là con. Liên tử là con sen tức ma ri sến đó em.
Nhà tôi phá ra cười. Tôi phải để cái gối lên bụng nàng và khẽ giải tỏa sự cười của nàng. Cười xong, nhà tôi nhăn nhó. Vì nhô con trong bụng đạp mạnh để cổ võ mẹ nó.
- Một liên tử, em bằng lòng chứ?
- Sao không gọi là mướn người ở đợ hay đầy tớ?
Tôi vội vàng nhắm mắt, tưởng niệm những chiến sĩ tranh đấu cho độc lập, tự do, dân chủ của quê hương Việt Nam mà bảo nhà tôi rằng:
- Em ạ, danh từ con sen, đầy tớ là danh từ của thực dân, phong kiến thối nát. Anh đã đọc cả kinh Cựu ước lẫn kinh Tân ước, chả thấy Chúa đề cập tới... con sen, đầy tớ. “Mọi người đều là anh em”. Nước ta đã có một cuộc cách mạng tháng tám và cuộc cách mạng này dù bị phản bội, vẫn đủ khả năng chôn vùi danh từ con sen, con nhài, thằng nhỏ, đầy tớ xuống huyệt sâu. Ở Hà Nội, giai cấp con sen, thằng nhỏ đang lãnh đạo các cơ cấu nhà nước Cộng Sản, đồng chí với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Họ đã trở thành anh hùng vô sản để... thay phiên nhau chết tại các công, nông trường cho hoa dân chủ đỏ lòe đỏ loẹt. Còn trong Nam ta, nhờ cách mạng nhân vị của Ngô tổng thống anh minh, em hãy tin anh đi, mai mốt sẽ cóc còn con sen, đầy tớ nữa. Cách mạng nhân vị đang giơ tay nắm lấy tay những người Việt Nam thiệt thòi nhất (tức là con sen, đầy tớ) để cùng nhau đi lên một xã hội mới có tự do, dân chủ thực sự. Vậy em hãy gọi con sen là liên tử, kẻo khi họ chễm chệ trên ghế xã hội mới, họ sẽ đấu tố em.
Tôi đã thấm nhuần chính sách Thanh Niên Cộng Hòa của anh cả Ngô Đình Nhu và anh bảy Cao Xuân Vỹ nên nhả ra câu nào là y rằng câu ấy đã được học tập kỹ lưỡng. Nhà tôi hỏi:
- Thế rồi con sen sẽ bình đẳng với bà Cố vấn Ngô Đình Nhu và các bà Huỳnh Ngọc Anh, Khánh Trang à?
- Nhất định.
- Thay vì mướn một con sen nào đó, em có thể mướn bà Huỳnh Ngọc Anh được không?
- Rỡn hoài.
- Vậy cách mạng nhân vị sẽ chả đi đến đâu.
Nhà tôi không thay đổi lập trường. Khi đứa con trai đầu lòng của tôi khóc oe oe oe chào mừng cuộc đời khốn khó, bà dì bắn súng lục của nhà tôi đã dẫn từ Gia Định tới cho tôi một em liên tử. Lần đầu tiên trong đời, tôi tiếp nhận một liên tử. Thành ra, buổi lễ tiếp nhận rất trịnh trọng. Tôi đã mời nàng liên tử ngồi ghế xa lông, thảo luận công ăn việc làm và lương căn bản. Nàng liên tử cương quyết chê xa lông. Nàng đứng xa tôi cả hai thước, khoanh tay, khúm núm. Tôi dịu dàng:
- Chị thân mến, tôi là một Thanh Niên Cộng Hòa quần áo xanh dương, đang thực thi chính sách ấp chiến lược của Ngô chí sĩ. Sách vở của Thanh Niên Cộng Hòa dạy tôi rằng phải đi xuống những người Việt Nam thiệt thòi nhất để cùng nhau tay nắm tay xây dựng một xã hội mới có công bình, tự do, dân chủ thật sự.
Tôi tiến tới, nắm tay nàng liên tử, kéo tới xa lông:
- Mời đồng chí ngồi.
Nàng liên tử chỉ dám ngồi dưới đất, cạnh chiếc ghế.
- Đồng chí dùng trà hay nước lạnh?
Nàng liên tử lắc đầu:
- Thầy để mặc con.
Tôi trợn mắt:
- Không thầy con gì cả. Thời buổi dân chủ nhân vị này, bình đẳng tuốt mo. Cứ gọi tôi là đồng chí chủ và tôi kêu bằng đồng chí liên tử. À, tên đồng chí liên tử tên là gì?
- Dạ, Hai ạ!
- Đồng chí Hai.
- Dạ.
- Xã hội ví như cái máy chạy xình xịch. Tôi đi làm công cho người khác để có tiền trả chị làm công cho gia đình tôi. Rất có thể, chị sẽ mướn một người khác làm công cho chị.
Tôi đang dạy bài học dân chủ cho đồng chí liên tử Hai thì nhà tôi lò dò bước ra, quên cả mang vớ chân và đi dép. Vừa sinh xong, máu mặt không còn mấy giọt, lại giận dữ nên khuôn mặt nàng xanh lè như màu dân chủ của áo xanh Cộng Hòa. Nàng mím môi:
- Anh mần trò khỉ đấy à?
Nàng ra lệnh cho liên tử Hai:
- Xuống bếp cất đồ đi rồi giặt chậu quần áo. Thầy điên đấy. Thầy vừa lên cơn khùng đừng có nghe.
Đồng chí liên tử Hai của tôi, người vô sản Việt Nam mà nếu ở miền Bắc thì chắc chắn hoặc là đã chết thối phổi vì tăng mức sản xuất để lập công dâng lên Bác và Đảng hoặc đã trở thành một chiến sĩ trung kiên sửa soạn thay thế đồng chí Nguyễn thị Bình, răm rắp vâng lời nhà tôi. Chờ nàng liên tử tếch khỏi xa lông, nhà tôi dựng đứng lông mày:
- Anh rỡn với đầy tớ, hả?
- Đâu có, anh học tập dân chủ với một người Việt Nam thiệt thòi nhất đấy chứ.
Nhà tôi rống lên như Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn:
- Không dân chủ dân tớ gì cả. Đời sống cần phải có tôn ti trật tự, trên dưới khác nhau.
Tôi cảnh cáo:
- Này, anh nói cho em biết, em không đối đãi tử tế với liên tử, nhỡ Cộng Sản nó vô đây, chính liên tử Hai sẽ lôi em ra đấu tố cái tội địa chủ gian ác, cường hào ác bá.
Nhà tôi bất thần chống Cộng rất... tiêu cực:
- Nếu Cộng Sản vô đây, em không di cư như anh đâu, em sẽ uống thuốc độc tự tử.
Nàng tỏ oai quyền:
- Hai!
Liên tử Hai “dạ” một tiếng rất... bần cố nông góp lúa cho địa chủ và chạy lên.
- Đem cái học quần áo của mày lên cho cô coi.
Nhà tôi bắt liên tử Hai dở từng món đồ trong bọc hành lý của nàng y như một nhân viên cộng lực “vì an ninh của đồng bào” mà khám xét... đồng bào ấy. Nàng kết luận:
- Chính phủ vừa ra thông cáo lưu ý các gia đình công chức phải coi chừng dân ở đợ vì Việt Cộng vừa tung ra hàng ngàn nữ cán bộ từ Quảng Nam vô Saigon để nằm vùng.
Nhà tôi hất tay:
- Xong rồi, cô cho mày một trăm về xe. Cô rất tiếc không thề mướn mày được.
Liên tử Hai sửng sốt:
- Thầy cô cho con ở đây mần việc. Con thật thà như đếm...
Nhà tôi lắc đầu:
- Cô biết mày sẽ làm việc tốt nhưng tại thầy trót học tập dân chủ với mày rồi. Cô sợ mày sẽ đem dân chủ ra đấu lý nên cô đành cho mày về.
Tôi toan mở miệng can thiệp. Thì nhà tôi mím môi:
- Em cấm anh không được xía vô chuyện bếp núc.
Đàn bà đẻ dữ như... chó cái vừa lâm bồn ấy. Tôi đành nín thinh, đau xót nhìn liên tử Hai chìa tay cầm trăm bạc và dời khỏi căn nhà mà nàng tưởng được tá túc một thời gian dài. Nhà tôi, Trần thị Phượng, con nhà điền chủ Trần Thất Thời chưa từng bước xuống cuộc đời đau khổ nên nàng chưa cảm nổi mọi đắng cay của những người bần cùng phải đi ở đợ kiếm sống. Tôi không trách nhà tôi nhưng rất ghét cái thuở vàng son cực thịnh của nhà tôi. Nếu tôi đã được sống một thuở vàng son gấm vóc, tôi chắc tôi cũng giống nhà tôi, giống bao nhiêu con nhà trưởng giả khác. Thà là vậy tôi còn chịu nổi. Chứ, cái ngữ đói rách dài người ra, vừa mới ngoi ngóp thoát khỏi vũng lầy học đòi tinh thần trưởng giả thì tởm vô cùng. Tôi đã thấy những chị trốn nhà theo trai, xuất thân từ một gia đình lao động, nằm bẹp ở bin-đinh đầy gái giang hồ, bạn bè cùng thạch thùng và gián, nay ăn nên làm ra, bèn xin vào Hội Thể Thao... Nước, chiều chiều đi “xi ki nô tích” với ông Tây bà Đầm! Trông cũng người lắm song vẫn cóc giấu được cái đuôi khỉ. Đó là thứ khỉ đội mũ, mặc quần áo. Châu thân của nó chỉ là khỉ đầy lông lá bần cố nông.
Khi liên tử Hai khăn gói quả mướp ra khỏi nơi mà, trước lúc đến kiếm ăn, nàng đã quên dở nhật trình coi tử vi xem “mét” Huỳnh Liên dạy tốt hay xấu, hung hay kiết, nhà tôi đóng cửa cái rầm, đay nghiến:
- Tôi long trọng cảnh cáo anh lần thứ nhất. Tôi trực tiếp chỉ huy bếp núc, anh đừng... giẫm lên chân tôi.
Tôi phân trần:
- Anh giẫm lên chân em b, nhà tôi mới lễ xong. Tôi mừng quá, Mắt sáng lên.
Nhà tôi hỏi:
- Anh đợi em lâu không?
- Mới có vài phút. Sao cầu Chúa nhanh thế? Em cầu những gì?
Nhà tôi khoe:
- Em cầu cả Đức Mẹ nữa. Em cầu nhiều thứ lắm, anh ạ!
Tôi mới hỏi:
- Liệu... chắc ăn không?
Nhà tôi đần mặt ra:
- Chắc ắn gì hả, anh?
Tôi đáp:
- Ăn cái giải mà Đức Mẹ và Chúa sẽ ban cho em ấy mà.
Nhà tôi cười duyên:
- Anh chả hiểu gì sốt cả, chả hiểu gì hết trọi...
Tôi cướp lời nàng:
- Ừa, anh chỉ biết... chọi!
Nhà tôi không biết tôi có máu hài hước trong tim. Bèn giảng nghĩa:
- Chúa không cho ăn giải đâu.
Tôi lại cướp lời:
- Dù là cái... dải rút!
Nhà tôi gật đầu:
- Dạ, Chúa có mặc quần đâu mà có dải rút. Thuở ấy loài người chưa mặc quần, chỉ quần sà rông thôi, anh ạ! Chúa và Đức Mẹ sẽ ban phước lành cho chúng ta.
Tôi ra cái điều cảm động:
- Sướng ghê, tháng sau anh sẽ được tăng lương.
Và tôi vội đưa vợ tới hẻm Casino để nàng đớp bún ốc. Tôi xực thêm tô búng thang. Tôi nghĩ, lúc nàng nhai ốc sần sật, có thể, nàng đã tạm quên Chúa. Nhưng thuở ban đầu giao duyên với Chúa không thể kéo dài. Nhà tôi than thở:
- Người ta đi lễ có chồng mà em đi lễ lủi thủi một mình.
- Anh không biết làm dấu, không biết đọc kinh làm sao anh dám vô nhà thờ.
Nhà tôi nói:
- Em sẽ dạy cho anh làm dấu, đọc kinh.
Chết tôi rồi! Tôi lại phải học. Thuở nhỏ vì ngại học mà lớn lên phải mần công chức lương khoán. Bây giờ bị học kinh, làm dấu thì quả là, Chúa ơi, ngài đã hại con rồi. Nhà tôi hất đầu:
- Anh chiều em không?
Tôi học đòi “ga lăng”:
- Không chiều em thì còn chiều ai trên cái cõi đời này.
Nhà tôi trách yêu:
- Anh nói văn chương tiểu thuyết đi, đừng giở giọng phóng sự thời đại.
Tôi vồ lấy cơ hội:
- Em muốn anh viết tiểu thuyết ư? Nhất em đấy nhé!
Nhà tôi bĩu môi:
- Đừng hòng. Em chỉ muốn anh học làm dấu và học kinh.
Vậy thì tôi phải học làm dấu. “Nhân danh Cha” chỉ ngón trỏ lên trán, “và con” chỉ vai bên trái, “và thánh thần” chỉ vai phải, “a men” chỉ vào ngực. Cái sự làm dấu dễ dàng thế mà tôi học hộc máu mồm mới thuộc đấy. Sau đó, tôi làm quen với các ông thánh Phê rô, Phao lồ. Thuộc vài đường “thao diễn cơ bản” là tôi bèn được vô nhà thờ, anh dũng như một người tân tòng. Thú thật, tôi là vua liều. Vậy nhưng đã uống thêm năm gói thuồc liều “min uy ni tê” véo đùi bảy cái cho mặt khỏi đỏ mới dám biểu diễn làm dấu trước Chúa và con chiên của Chúa. Tôi đã ngồi trên ghế gỗ luyện tập bắp thịt... mông, khoanh tay ngoan ngoãn luyện tập hai cánh tay để sau này biết nâng của đời, lẩm nhẩm kinh kệ luyện tập bắp thịt... mép. Và quỳ. Chao ôi, tội lỗi loài người đông quá. Đến nỗi con chiên nào cũng bị quỳ. Hồi còn đi học thầy bắt quỳ tôi còn phú lỉnh. Thà khiên về mấy trái trứng thối. Ai ngờ, ngót ba chục tuổi, tưởng đã có quyền bắt con cái quỳ, lại còn bị quỳ. Đúng là Chúa đầy uy lực nhất liên hành tinh và liên lục địa. Vì Chúa đã bắt được tôi quỳ. Nói cho đúng, vợ tôi đã bắt được tôi quỳ. Mới hay “nhất vợ nhì trời”.
Tại sao nhất vợ nhì Trời? Tổ tiên đã dạy rằng “Vợ chỉ hơn trời có cái trai”, Lạy Chúa con đã chiều vợ con mà quỳ trên sàn gỗ không lót “đệm mút thông hơi”. Vậy Chúa hãy ban thật nhiều phước lành cho vợ con. Hôm nào Chúa hóa phép để cục đá mà vợ con vấp té biến thành cục kim cương thì con nguyện sẽ thờ phụng Chúa suốt đời, Chúa nhé! Hay là Chúa bảo linh mục Trần Đức Huynh hay linh mục Nguyễn Quang Lâm phát chẩn cho gia đình con một triệu đi. Hay là Chúa bảo Tòa Tổng giám mục chia cho con một miếng đất cũng đẹp chán.
Tôi theo nhà tôi đi lễ được vài kỳ thì đâm ra chán. Thay vì im lặng hay đọc kinh, tôi đã đọc những lời than thân, trách phận. Và oán Chứa nữa. Nhà tôi không biết chuyện. Một hôm, ra khỏi nhà thờ nhà tôi khoe vung vít:
- Anh ạ, Đức Mẹ đã cứu giúp em. Anh biết Đức Mẹ cứu giúp em việc gì không?
- Không.
- Em cầu xin cho con cái mạnh khỏe, Đức Mẹ đã ra ơn.
- Thì Đức Mẹ hằng cứu giúp mờ lỵ.
- Em phải tạ ơn Đức Mẹ.
Nhà tôi bắt tôi dẫn tới đường Nguyễn Trung Trực. Nàng đứng trước cái tủ kính của tiệm chuyên khắc chữ mạ vàng trên đá. Nàng kéo tôi vô và mặc cả mua tấm đá nhỏ bằng nửa viên gạch hoa. Đó là tấm đá “Tạ ơn Đức Mẹ”. Giá bán ba trăm rưởi. Cái khoản tiền tiêu chủ nhật trong túi tôi vỏn vẹn năm bò. Miếng đá đã nuốt mất ba bò rưởi. Còn có bò rưởi, dung dăng sau nổi đây?
Khi tôi dở ví, lôi tấm giấy năm trăm ra để được thối lại trăm rưởi, cổ họng tôi khô vì tiếc tiền, tay tôi “run như run thần tử thấy long nhan”. Ôi, Chúa Kitô, ước gì nỗi đau khổ của con Ngài đã chứng kiến! Tôi cầm miếng đá “Tạ ơn Đức Mẹ”, cảm thấy nặng hơn ông già khuân tảng đá trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” lớp dự bị. Tôi choáng váng mặt mày, bảo nhà tôi:
- Em ạ, anh nhức đầu quá.
Nhà tôi mở bóp, lấy ve dầu Nhị Thiên Đường đưa cho tôi:
- Anh thoa đi!
Tôi bèn thoa dầu vào thái dương. Rồi nói:
- Thôi mình về em nhé!
Trên đường về Phú Nhuận, nhà tôi bắt ghé qua nhà thờ Đức Bà để tạ ơn Đức Mẹ. Tôi nhìn ba bức tường ở căn có tượng Đức Mẹ, thiên hạ tạ ơn kỹ ghê. Tường đã gắn kín những miếng đá to, nhỏ “Tạ ơn, Merci”. Không còn chỗ gắn miếng đá, gắn tấm lòng “Tạ ơn Đức Mẹ” của nhà tôi. Tôi tự hỏi, người ta sẽ gắn miếng đá “Tạ ơn Đức Mẹ” của nhà tôi ở đâu. Chẳng biết nó có bị chuyển ra đường Nguyễn Trung Trực để lại được đọc thơ Tản Đà “Nước trôi ra bể, bể mưa về nguồn”? Lạy Chúa, kẻ ngoại đạo Nguyễn văn Lương, bút hiệu Lương Khoán này rất kính phục Chúa nhưng rất bất bình những môn đệ của Chúa, những kẻ đã bầy ra nhiều lễ nghi lỉnh kỉnh khiến loài người vì tiếc tiền mà xa Chúa. Chẳng hạn cái sự vô đạo phải đóng một khoản tiền nhỏ Chúa đâu có dạy thế. Các ông thánh viết về Chúa cũng đâu có nói chuyện này. Mới đây, các ông cố đạo xuống đường hoan hô, đả đảo, xua con chiên múa gậy gộc quả thật, không làm sáng danh Chúa. Xin Chúa đừng cho các ông cố-đạo-chính-khách lên Thiên đường, Chúa nhé!
Nhà tôi tái diễn cái trò “Tạ ơn Đức Mẹ” hoài hủy. Một lần, tức không chịu nổi, tôi cáu kỉnh:
- Em tạ ơn luôn luôn là em ích kỷ?
Nhà tôi “xì nẹc”:
- Anh nói em ích kỷ?
Tôi cũng “xì nẹc”:
- Nhân loại có hàng triệu triệu người đau khổ, bất hạnh. Người nào, người ấy đều mong Đức Mẹ ban phước. Em đã được ban phước rồi thì để đến lượt người khác. Em cầu hoài, tạ ơn hoài, Đức mẹ “nể” em, ban ơn cho mình em, những kẻ nghèo nàn không tiền mua đá “Tạ ơn Đức Mẹ” sẽ thiệt thòi. Em vừa ích kỷ vừa mắc tội hối lộ thần thánh!
Nhà tôi giậm chân thình thịch:
- Anh miệt thị tôn giáo của em, hả?
Tôi đổ dầu vào lửa:
- Tôn giáo của em là tôn giáo nào? Em thờ cả Chúa lẫn Phật. Ừ, em thờ cả Chúa lẫn Phật, vì thế Chúa và Phật “ghen” nhau, không phù hộ gì cho anh hết trơn.
Nhà tôi rỉa rói:
- Anh là đồ vô thần, anh riễu cợt Chúa, Phật. Cho anh hay, chết đi, anh sẽ về địa ngục. Quỷ sứ sẽ đóng đinh mười ngón tay anh. Anh phải nằm bàn chông, leo cầu vồng, rớt xuống là chó ngao xé xác anh. Mấy kiếp sau anh mới được làm người.
Tôi giở giọng cù nhầy:
- Đã có Mô-ha-mét bênh vực anh.
Nhà tôi giận tái mặt:
- Mô-ha-mét là thằng cha bán vải ở chợ Cũ, hả!
Tôi tấn công:
- À, em nhục mạ đấng tối cao của anh. Tôi theo Hồi giáo.
Nhà tôi nghiến răng ken két:
- Vậy à? Tốt tốt. Từ nay yêu cầu anh đừng xài đũa nữa. Anh bốc cơm mà ăn.
Tôi gồng mình ăn thua đủ với nhà tôi:
- Này, anh báo động cho em hay, ngoài Mô-ha-mét, anh còn đức Bab nặng ký lô lắm.
Nhà tôi hỏi:
- Anh nói gì bắp?
Tôi giả vờ quan trọng:
- Chết em rồi nhé! Em bảo đức Bab là bắp luộc.
Nhà tôi kiêu hãnh:
- Em không sợ ai, đã có Chúa phò trợ em. Mà đức Bab là ai?
- Giáo chủ đạo Ba Ha’i.
- Đạo chi?
- Bà Hai!
- Bà Hai?
Nhà tôi lăn kềnh trên giường rên rỉ:
- Anh theo đạo bà hai, đạo của những thằng đàn ông bỏ bê vợ lớn tằng tịu với vợ bé, hả?


© 2006 - 2024 eTruyen.com