Chương XI
Lòng mẹ


     ng giáo Chính và bà giáo Chính dạo này không ngày nào được vui vẻ cả. Hạn trả nợ, chỉ còn hơn một tháng nữa thì đến, cho nên cả hai người cùng lo, lo đến nỗi kém ăn mất ngủ.
Nhất là bà giáo, đã lo nợ, lại còn nhớ con.
Từ ngày Phú bỏ nhà đi, bà giáo vẫn hỏi dò tin. Nhưng chưa ai bảo cho đích xác cả.
Có người mách Phú đã phẫn chí, xin một chân làm bếp phụ ở tàu thủy để sang Tây kiếm việc làm. Có người nói Phú vì nghèo đói mà phải ứng mộ làm phu để đi Tân thế giới. Có người bảo Phú vẫn còn chơi bời cờ bạc, rồi đâm ra trộm cắp, có lẽ đã bị ở tù.
Tuy đó là những lời đồn hão, nhưng con đẻ đứt ruột ra, ai mà không áy náy.
Ngày nào cũng chống hết, lại để lại cho người ta cái buổi chiều. Cái buổi chiều có mặt trời lẩn sau rặng tre, có sương mù che các làng xóm, có bức màn phủ kín cả non sông. Rồi tiếng giun đùn, tiếng dế rúc, tiếng trăm thứ sâu bọ khác rì rì nổi lên, như những giọng than thở, sầu oán không thể dứt.
Cho nên cứ vào buổi chiều, thì y như bà giáo Chính thờ thẫn cả người. Có khi thấy cảnh buồn quá mà động lòng, thì lại một mình ti tỉ khóc.
Nhiều lúc bà giáo bàn với chồng cho mình đi khắp nơi tìm Phú. Nhưng động nói đến tiền hành lý, thì bà lại thở vắn than dài.
Lương của ông giáo Chính đi phải đóng dần để trả món nợ một nghìn của Phú rồi. Còn đâu thừa để bà được đi tìm con nữa.
Một hôm, ông giáo tiếp thư của người chủ nợ nhắc rằng đến đúng mồng một tháng Sáu tây này, thì phải trả tám trăm, cả gốc lẫn lãi. Người ấy lại nói quyết rằng nếu không trả thì sẽ kiện.
Ông giáo thở dài, lau cặp kính trắng, rồi lắc đầu, nói với vợ:
- Như thế này thì nhà ta đến lúc xuống rồi đây.
Bà giáo, ruột rối như mớ bòng bong, đáp:
- Hay là ta liều đi hỏi vay chỗ nào để trả vậy?
- Vay chỗ nào cũng phải chịu lãi. Mà cái tiền lãi lại nguy hiểm hơn vi trùng các bệnh. Nghĩa là nó cũng đẻ rất mau, mà không bao giờ chết. Rồi chẳng mấy chốc, nó sẽ gặm, sẽ đục hết cả đến xương, đến tủy người có nợ.
Bà giáo đáp:
- Nhưng nếu không trả được thì họ kiện.
Ông giáo chán nản, than thở:
- Họ kiện thì thật là lôi thôi! Biết làm thế nào bây giờ?
Bà giáo lắc đầu, chống tay vào bàn, ngẫm nghĩ. Nhưng bỗng bà thấy trên đôi má hóp của chồng có hai dòng nước mắt. Bà giật mình, hỏi cớ. Ông giáo nói:
- Ta đến phải bán nhà ở bên quê đi mất. Mà có lẽ họ định lấy nhà của ta. Khốn nạn! Nhà là của ông cha để lại. Thật là một vật đáng quý. Ông cha ta, mồ hôi nước mắt mới mua được từng ấy đất, dựng được mấy nếp nhà rộng rãi, đẹp đẽ. Thế mà đến nay, mình không những không thể làm cho nó đẹp đẽ, rộng rãi hơn, lại để cho người ngoài chiếm đoạt mất. Xấu hổ quá! Nhục nhã quá!
Nghe ngần ấy lời, bà giáo rưng rưng nước mắt, rồi gục đầu, vừa khóc vừa nói:
- Nhà ta vô phúc quá! Giá thằng Phú nó như người ta, chịu khó chăm chỉ thì bây giờ ta được an nhàn, sung sướng biết bao nhiêu! Ngờ đâu nó dại dột, đến nỗi ngần ấy tuổi đầu còn để khổ cho cha mẹ. Nó ở xa, nó đi vắng, nó có biết đâu những lúc cha mẹ nó bị đau đớn như thế này!
Rồi hai vợ chồng chuyện trò mãi. Sau cùng, ông giáo cố lo tiền cho bà giáo lên Hà Nội để khất lại người chủ nợ thêm mấy tháng nữa.
Nhưng chủ nợ chẳng nể lời bà giáo, cứ khăng khăng một mực dọa kiện. Họ định bụng lấy nhà, thì dại gì chịu bỏ phí dịp tốt. Bà giáo đến chơi những chỗ họ hàng và bạn bè giàu có để thử hỏi vay nhưng chẳng may không ai có sẵn tiền cả.
Không còn kế gì khác, bà giáo đành phải về không, chịu chờ đến ngày khổ nhục vậy.
Song mỗi ngày qua, cái buồn nó lại ray rứt ông giáo và bà giáo hơn lên. Nhưng hễ cứ buổi chiều thì bà giáo lại nhớ đến Phú mà khóc. Bà khóc lắm, đến nỗi sinh ra đau mắt.
Ông giáo thì gan hơn, chỉ ngậm ngùi một mình, chớ không hề than vãn với ai một lời. Ông đành giương mắt ngồi nhìn cho cái việc đời nó qua một cách tàn nhẫn.
Nhiều bận, ông lo cho bà vì buồn quá mà sinh ốm, nên cố lấy lời khéo mà khuyên giải, nhưng đã sáu, bảy tháng nay bà lo sợ, thương con, nay lại tiếc nhà, những nỗi buồn như đã khắc sâu vào trong óc. Vả lại, nhà đành mất, con đành khuất, nợ còn phải trả thì bà quên sao được mà không nẫu ruột, rầu gan.
Một hôm ông giáo Chính xem nhật trình, bỗng mừng rú lên, gọi bà giáo mà bảo rằng:
- Thẳng Phú đã biết hối.
Bà giáo cuống quýt, trống ngực thình thình, chạy ra hỏi:
- Thế nào? Nó đâu?
- Nó đã làm một quyển sách, tên là: Việt Nam Văn học sử. Nó đã đem in để bán. Quyển sách ấy hay lắm. Trong tờ báo này, người ta viết một bài rất dài để khen.
Bà giáo sung sướng, nói:
- Thế là tôi yên tâm rằng nó vẫn còn sống.
Ông giáo gật:
- Và nó đã biết hối, biết tìm những việc có ích mà làm. Như thế này thì đáng giận nó trăm phần, tôi cũng phải khen nó mà sẵn lòng tha thứ cho nó.
Rồi ông giáo vui vẻ đọc lại cả bài báo cho bà giáo nghe. Bà giáo chăm chăm để ý, nở nang khúc ruột.
Đọc xong, ông giáo đặt tờ báo xuống, ngậm ngùi, buồn bã nghĩ ngợi.
Bà giáo cũng ngẩn ngơ bảo chồng:
- Thành ra bây giờ tôi thương thằng Phú bội phần. Tôi biết rằng nó lập công để chuộc tội với lương tâm. Bây giờ nó đã biết nghĩ. Nó làm quyển sách này, được người ta khen ngợi. Thế mà giá nó lại ở nhà, có phải là mình được sung sướng biết bao nhiêu không?
Nói xong, bà rơm rớm nước mắt. Ông giáo không thể giấu được nỗi lòng nữa, cũng nói:
- Phải, vả cuối tháng này em Mai nó thi ra. May nhờ trời đỗ được, thì gia đình mình còn mong hạnh phúc nào hơn được nữa!
Nhưng mà ở đời cái vui bao giờ cững thoáng qua mà thôi. Chỉ cái buồn mới luôn luôn làm bận lòng người ta. Nghĩ đến con trai làm việc ích cho đời, nghĩ đến con gái nay mai đỗ đạt, ông giáo và bà giáo chỉ quên nợ được một lát mà thôi.
Mà mỗi ngày qua, mối buồn càng khổ gỡ. Nó như bị chất đống lên to dần, ngổn ngang trong dạ.
Trước thì hàng tháng, sau thì hàng tuần, nay thì hàng ngày, thì giờ như đưa ông giáo Chính và bà giáo Chính đến gần dần cái cảnh cơ nghiệp tan tác.
Rồi sau hết, có một đêm, trằn trọc mãi không ngủ được, ông giáo bèn mở cửa, bắc ghế ngồi ở hiên để nghĩ ngợi. Nhưng hết ngồi lại đứng, hết đứng lại ngồi, chốc chốc vùng dậy, ông lại đi bách bộ. Xung quanh ông, cảnh tối tăm man mác, làm cho ông rùng rợn sực nghĩ đến nỗi sau này mà kinh. Một là bị cái lụy đi vay, hai là bị cái nhục mất nhà, ba là bị cái khổ ngồi tù. Ông đắn đo, suy nghĩ. Ông chỉ muốn làm thế nào cho vuông tròn tiếng tăm. Đi vay, hẳn không có ai đủ sức giúp được ông. Mất nhà, vậy suốt đời ông bị đau đớn. Ở tù, thế thì xấu hổ, khổ sở gì cho bằng!
Đâm liều, ông mới lẩn quẩn mà lẩm bẩm: “Chỉ còn một kế nữa, ta có thể tránh được nỗi khó khăn, là ta tránh cõi trần. Ta tự tử là thoát hết nợ”.
Được ý ấy, ông như thấy nhẹ nhõm cả người. Rồi vào nhà, ông nhìn lên bìa lịch treo trên tường và nghĩ:
“Hai mươi chín tháng Năm rồi. Ba hôm nữa là mồng một tháng Sáu, ta sẽ được thấy cái kết quả sự học của con gái ta. Ta sẽ thấy cái giấy của chủ nợ dọa bỏ tù ta. Thế thì ba hôm nữa, người ta sẽ thấy ta là người thiên cổ”.