-- I --


-- V--

     háng Chạp năm Đinh Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba mươi hai nhà Hậu Lê, Chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, nghĩa là tám năm sau cái chết thê thảm của Tiên Dung quận chúa và mấy ngày sau khi Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm nhập thừa Vương thống, kế vị Minh Đô vương Trịnh Doanh về chầu trời.
Trên con đường vắng cuối phường Nam Ngư, Thái giám Phạm Huy Định, bốn tên Tiểu hoàng môn và một người đàn bà trẻ đẹp mặc lối cung phi cùng nhau cắm cúi đi thẳng về phía biệt thự nhỏ, thấp thoáng trong đám cây cối rườm rà...
Người cung phi đi trước, cách xa bọn Phạm Huy Định một quãng. Thỉnh thoảng người ấy lại chậm bước lại, có dáng ngần ngừ và đoái nhìn Phạm Huy Định. Mỗi lần như thế, tên Thái giám họ Đặng liền giơ tay xua xua, ra hiệu bảo người nọ phải quả quyết tiến lên.
Bấy giờ, mặt trời đã khuất sau một lũy tre xanh. Gió chiều thổi vù vù làm quần áo dán vào mình người đi đường. Hơi lạnh ở hai mặt đầm nước bên đường thấm vào da thịt như kim châm, khiến cả bọn đều suýt xoa khúm núm. Ở một bờ đầm, mấy cây đào nở sớm soi bóng xuống đáy nước xanh, báo cho ai nấy biết rằng cái trang nghiêm, hoan lạc nhất trong một năm, cái ngày thơm tho, rực rỡ và đầy kỷ niệm êm đềm là Tết Nguyên đán đã sắp tới.
Nhưng, người cung nữ không chú ý đến gì hết. Nàng rảo bước đi với một vẻ hốt hoảng lo lắng và cảm động, đến nỗi giá ai chỉ thoáng trông vẻ mặt nàng cũng biết ngay rằng đây là một người đương bị bắt buộc phải làm một việc gì phi thường.
Quanh một vòng đầm nữa thì tới một cái cổng gạch sơ sài và một hàng rào nứa cánh sẻ, bên trong phụ một hàng dứa dại.
Cái cổng vừa tầm, không to không nhỏ, trên đề bốn chữ: “Nhân giai kiến chi”. Bốn chữ này nguyên lấy ở một câu sách cổ, ngụ cái tiết tháo của người quân tử: “Đổng khai trùng môn, thiểu hữu tà khúc, nhân giai kiến chi” (Cửa đều mở rộng, nếu có chỗ nào quanh co, thiên hạ tất cũng biết ngay).
Hai bên cột cổng có đôi câu đối:
“Hà tất nhập sơn, nghệ cúc, tài lan, tự gia biệt thú;
Trúng nhiên xuất hồ, tá thư, cô tửu, diệc ngã sinh nhai”.
(Lọ phải vào non, sửa cúc, trồng lan, ở nhà cũng thú;
Cần mà ra cửa, đeo bầu, cặp sách, thừa để qua ngày).
Dinh cơ nọ là của ai mà cái khẩu khí chủ nhân lại rõ ra bậc triết nhân thanh bạch như thế?
Ấy là của Đông cung Thái tử Lê Duy Vỹ.
Muốn hiểu tại sao Thái tử bỏ cung điện ra ở nơi biệt thự tầm thường này, ta phải tạm quay ngược thời gian tám năm về trước.
Sau hôm sang kêu nài với anh là Tĩnh Quốc công Trịnh Sâm, và bị Sâm khăng khăng từ chối Quận chúa Tiên Dung đã đi.
Nàng lo sợ quá cho tính mệnh Đông cung Thái tử nên thụ bệnh từ đấy. Minh Đô vương và Vương phi thương lắm, ngày đêm hết sức thuốc men, cầu đảo, nhưng bệnh tình Quận chúa không thuyên giảm. Lúc biết mình sắp chết, Quận chúa liền mời cha mẹ lại bên giường ứa nước mắt mà thưa rằng:
- Con hổ sinh phận gái, số kiếp lại mong manh như số kiếp một bông hoa, đến nỗi cướp công cha mẹ, xin vương phụ và vương mẫu tha tội cho. Con sở dĩ đến nỗi này cũng chỉ vì câu chuyện đôi đũa của Thế tử Tĩnh Quốc công. Bây giờ đã tới lúc sơn cùng thủy tận rồi, con đành lạy từ vương phụ và vương mẫu. Cái công sinh thành cúc dục, con xin hẹn đến kiếp sau sẽ lại đầu thai vào cửa song thân để báo đền. Người ta sinh ở đời, tụ tán bi hoan cũng là sự thường, vương phụ và vương mẫu đừng thương tiếc con quá để đến nỗi hao tổn tinh thần, giảm bớt tuổi thọ thì tội con càng to lắm!
Minh Đô vương khóc nức nở:
- Con ơi, cha vẫn tưởng tài sắc và hiếu hạnh như con thì thể nào cũng được hưởng phúc một đời. Chính vì vậy cha mới gả con cho Đông cung Duy Vỹ, mong một ngày kia con sẽ được ở ngôi mẫu nghi thiên hạ, sung sướng tột vời. Cha có ngờ đâu làm thế, cha đã vô tình đưa con đến cái chết khổ sở hôm nay. Cha đau lòng quá, chắc cũng chẳng sống sót được bao lâu nữa! Nay, trước khi nhắm mắt, con có còn muốn xin gì không, cha sẽ cho con được như nguyện...
Quận chúa cầm tay Minh Đô vương tỏ ý cảm tạ:
- Trăm lạy phụ vương, ngàn lạy phụ vương, con chỉ muốn xin phụ vương ba điều, mong phụ vương chuẩn tấu!
- Ba điều là những điều gì?
- Điều thứ nhất: Xin phụ vương che chở cho Đông cung. Chàng quả tình vô tội, phụ vương đã thương chàng xin thương cho trót...
- Con cứ yên lòng! Cha còn sống ngày nào, Thái tử quyết sẽ yên ngày ấy. Và sau khi cha về chầu các Tiên vương, cha cũng sẽ có cách bảo toàn cho Thái tử...
- Ấy là cái ơn to nhất mà phụ vương đã ban cho con...
- Còn điều thứ hai?
- Điều thứ hai là suốt từ lúc này đến khi con được mồ yên mả đẹp, con nhờ Vương phụ và Vương mẫu xin chớ để cho Tĩnh Quốc công lại gần!
Trịnh vương phi chua xót quá, gục xuống bên mình Quận chúa. Quận chúa thở dài và tiếp:
- Còn điều thứ ba là xin cho con được giáp mặt Đông cung Thái tử!
Minh Đô vương lập tức truyền lệnh cho Tiểu hoàng môn ra vời Đông cung.
Khi Thái tử vào đến nơi, Quận chúa đã mệt lắm. Nhưng nàng vẫn gượng chờ. Nàng giương to đôi mắt phượng, nhìn Thái tử giờ lâu, nước mắt cứ rỏ ròng ròng ướt cả gối. Sau cùng, nàng khẽ cầm tay Thái tử, vừa thổn thức vừa nói:
- Tiện thiếp phận bạc như vôi, không được cùng chàng trăm năm đầu bạc, nghĩ thực là đáng tiếc. Nay, thiếp xin gửi lời bái biệt Hoàng phụ, và xin hẹn cùng chàng đến lai sinh. Sau khi thiếp nhắm mắt đi rồi, chàng nên nghe thiếp, rời bỏ chốn cung đình nguy hiểm, ra ngoài làm một thư sinh để tránh hiềm nghi với Lưỡng Quốc phụ, như thế, họa may việc hương khói cho liệt Thánh mới mong khỏi tàn lạnh. Công danh phú quý, chàng cũng thừa biết đấy, chỉ là những đám mây nổi, rực rỡ đấy mà tan đấy...
Thái tử Duy Vỹ đã làm đúng lời dặn của Quận chúa. Minh Đô vương cũng hết sức che chở cho chàng. Nhưng đến nay, chính Minh Đô vương cũng đã qua đời, Trịnh Sâm lên kế vị chúa. Thái tử trở nên cô độc. Chàng lo lắm, ngày đêm chỉ đóng cổng ngồi nhà đọc sách, cố giữ gìn từng li từng tí, chỉ mong Tĩnh Đô vương bỏ quên chàng đi.
Chúa Tĩnh Đô, có lẽ cũng quên chàng thực nên mấy hôm sau ngày tức vị, Thái giám Phạm Huy Định và Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc vào hầu chúa ở sảnh đường và nhắc đến câu chuyện đôi đũa gãy.
Tĩnh Đô vương vừa trông thấy cái vật phát thệ liền đỏ bừng sắc mặt mà rằng:
- Được, ta sẽ có cách!
Chẳng rõ Tĩnh Đô vương sẽ dùng cách nào, ta hãy trở lại chỗ biệt thự của Thái tử xem người cung nhân và bọn nội giám kia làm những trò gì...
Cung nữ vừa toan gọi gia nhân của Thái tử ra mở cổng thì chợt thấy hai cánh gỗ chỉ khép hờ, liền đẩy rộng rồi bước vào trong sân.
Thái giám Phạm Huy Định cùng bốn tên Tiểu hoàng môn nháy nhau núp cả vào một bụi duối chờ nghe động tĩnh. Trong khi ấy, tên cung nữ vượt qua cái vườn cảnh có bể cạn và non bộ, tiến thẳng lên thềm.
Thái tử Duy Vỹ đương ngồi một mình trước án thư xem sách. Hoàng phi Lê Thị (sau khi Tiên Dung quận chúa qua đời, Thái tử vì lẽ hương khói bắt buộc phải lấy một bà vợ khác, và bà này đã có ba con) cùng ba hoàng tôn Duy Kiêm, Duy Du và Duy Chỉ vào cung chầu Cảnh Hưng hoàng đế vắng. Thái tử ham đọc sách lắm. Ngài hiếu học cũng có, lại cũng cần phải đọc sách để tránh những ý nghĩ, những lo lắng vẩn vơ cũng có.
Tên cung nhân liếc trông Thái tử, thấy vẻ mặt chàng khôi ngô tuấn tú, điềm tĩnh vô tình, bỗng hình như có ý chột dạ nên dừng bước lại ở thềm. Nó thương chàng vô tội, và chợt nghĩ đến Tiên Dung quận chúa. Nhưng làm thế nào được! Đã vào đến đây, không thể lui ra được nữa. Nó thương Thái tử nhưng người khác không thương nó!
Cung nhân nghĩ vậy liền dặng hắng một tiếng.
Thái tử ngẩng đầu nhìn ra và hỏi:
- Tên kia đến có việc chi?
Cung nhân chắp tay vái Đông cung đoạn quả quyết tiến vào trong nhà.
Hắn đưa trình Thái tử một tờ hoa tiên, trong có độc hai hàng chữ, nét tốt như cắt:
“Tịch nguyệt thần hao tầm nhã thú;
Tài nhân thiếu phụ điện cầm thanh”
(Trăng xế, hoa đêm, tìm thú lạ
Trai lành, gái trẻ, thỏa lòng mong!)
Thái tử ngạc nhiên ngẩng nhìn cung nữ và hỏi bằng giọng xẵng:
- Hai câu này ở đâu mà mày đem tới đây? Và đem tới đây để làm gì?
Cung nữ bưng miệng khúc khích cười:
- Ấy là hai câu “đăng mê” (câu thơ đố) người ta đố thiếp. Ý tứ khó hiểu quá, nên thiếp phải đem vào tận đây, nhờ Thái tử giảng hộ.
Thái tử đứng phắt dậy:
- A, quân này ra khi quân mạn thượng thật! Ai trò trẻ với chúng bây!
C!!!15902_3.htm!!! Đã xem 3069 lần.