Chương 2

     ấy lúc gần đây, đánh lộn dữ quá. Ngôn không được ra đồng thả diều hoặc vô miệt trong rạch câu cá nữa. Ngôn chỉ còn theo xe lôi ra quận học, rồi theo xe lôi trở về nhà. Mới được thư ba hôm trước, bà nội trả lời rằng dưới này yên tĩnh không sao, ba cứ lo làm ăn... Bà nội sợ ba buồn...
Ngôn thì nghĩ rằng ba chẳng lo lắng gì đến bà nội, đến mẹ, đến cô Tam và luôn Ngôn nữa.
Bởi vì nếu ba biết thương biết lo thì ngoài việc gởi tiền về, ba cũng phải ghé về thăm ít ra một năm một lần, đằng này ba đi hoài, đi hoài có khi hai ba năm ba mới về. Mỗi lần ba về ba thêm đen, thêm dắn rỏi... Mẹ bảo ba đi buôn bán xa. Còn đâu xa hơn đất Saigon? Không biết ba có hay ở quê nội bây giờ súng nổ lốp bốp, người đi cày lúc nào cũng nơm nớp lo sợ hay không?
Mẹ thôi đi lúa dài hạn nữa. Lúc trước mỗi chuyến mẹ đi có khi một tuần, hai tuần, không chừng. Rồi mẹ nghỉ ở nhà vài bữa.
Mấy bữa như vậy, cô Tam không ngớt bị rầy la chửi mắng lại bị đòn thật đau. Thời buổi này, lộn xộn riết, mẹ chỉ dám đi lúa gần gần. Nhiều lắm là ba bữa, rồi mẹ ở nhà cả đôi ba tuần. Cô Tam bị hành hạ nhiều hơn. Ngôn thấy mẹ quá đáng mà chẳng dám nói, chỉ mong ngày nào ba về Ngôn kể lại ba nghe. Ngôn tin ba đủ sức khuyên can mẹ hơn ai hết.
Bữa nay mẹ nói người hay bần thần khó chịu, mẹ không đi góp lúa được. Mẹ sai cô Tam đi dùm, cô Tam phải lo công việc trong ngoài cho xong xuôi hoặc giả là cũng xong đi phân nửa, để khi về làm đỡ mệt. Mỗi lần đi góp lúa, tốn cả ngày, Ngôn xin mẹ cho Ngôn đi theo cô Tam chơi mà mẹ không cho. Ngôn buồn quá bước lẩn thẩn quanh vườn nhà. Chủ nhật nghỉ học trống trải quá mà không biết làm gì. Ngôn nằm trên chiếc võng của Nội đu đưa. Nội ngồi têm trầu ở bộ ván. Nội nhìn Ngôn thật thương yêu, cho miếng trầu vào miệng nhai tỏm tẻm nội lại võng đỡ Ngôn dậy. Nội ngồi cạnh Ngôn, vuốt tóc Ngôn han hỏi:
- Sao mà “cậu hai” buồn dữ vậy ha?
Ngôn ngã đầu lên vai nội, muốn khóc:
- Con muốn theo cô Tam đi góp lúa, mà mẹ không cho.
- Ờ, con theo nó làm gì? Có phải nó đi chơi đâu nà, con liu ríu bên cạnh nó làm nó chộn rộn thêm.
- Nói cho nội nghe vậy đó chớ. Con có được đi đâu mà chộn rộn.
Ngôn nhảy xuống đất, lôi đôi chân một cách nặng nề:
- Con ghét nội lắm, con ghét mẹ lắm, con không thèm chơi với ai hết...
Nội cười méo xẹo:
- Coi, coi, Ngôn! Con giận nội hả?
Ngôn gật đầu:
- Con giận nội đó. Ai biểu nội...
- Nội sao?
Ngôn không nói nữa, nó ngồi xuống đất khóc ngon lành. Nó không nhõng nhẽo đâu, mà vì buồn bực quá... Tự nhiên Ngôn muốn bỏ đi thật xa, ở nhà không ai làm Ngôn thấy vui, thấy thích cả. Nội và mẹ có thương chiều Ngôn thật, mà Ngôn chưa bằng lòng. Ngôn muốn một điều gì khác, dường như chỉ có ở cô Tam, ở bạn bè. Ngôn không biết phải gọi tên cái điều khác lạ như thế nào. Thấy Ngôn bật khóc. Nội đến bên dỗ dành, Ngôn làm dạ khóc to hơn lớn hơn. Nội lau nước mắt cho Ngôn:
- Nín đi, mẹ con khó chịu nó đang nằm nghỉ trong buồng.
Ngôn không chịu nín. Chắc nó lây tánh lì của con Bông hôm đi câu cá rồi. Ngôn cứ hù hụ, hù hụ om sòm. Cái khăn sọc vắt vai của nội cứ kéo xuống, rồi vắt lên, nội cũng phải tức mình vì Ngôn cho xem. Đang khóc ngon, Ngôn bỗng gặp mẹ cầm cây chổi lông gà đứng ở cửa buồng trừng mắt nhìn Ngôn. Đầu tóc mẹ rũ rượi, mẹ bịnh. Ngôn nín thinh hết dám nó hé gì nữa. Nhưng giọng mẹ sắc lạnh làm Ngôn nổi da gà:
- Ngôn, lên bộ ván cúi xuống!
Lần đầu tiên mẹ đánh Ngôn bằng chổi lông gà, nó cúi xuống sát rạt, bàng hoàng và nghiêm trọng. Ngôn khổ sở leo lên, nằm mẹp xuống, không dám nhìn mẹ chút nào. Mẹ nhịp nhịp ngọn roi lên mông Ngôn, nó tưởng mình là tên tử tội đến giờ lên máy chém. Nó rùng mình nhắm khít mắt thêm nữa, tai nghe tiếng mẹ kết tội rõ mồn một:
- Độ rày con hư lắm nghe Ngôn, con cãi lời mẹ, cãi lời nội nhiều lần rồi. Mẹ tha cho. Nhưng lần này thì không được, con quá lắm. Mẹ đã nói từ sáng, mẹ khó chịu trong mình, mẹ cần nằm nghỉ, đến nỗi chuyện góp lúa để đem bán là chuyện của mẹ mà còn giao cho con Tam nữa kìa. Mẹ mệt quá, con có thương mẹ đâu?
Ngôn lí nhí:
- Con thương mẹ chớ sao không!
Mẹ dằn roi đánh bốp xuống bộ ván, tim Ngôn đập thình thịch:
- Ai cho phép con trả lời? Mẹ đã cấm con không được nói chuyện với con Tam. Con cãi lời, mà mẹ cũng bỏ, vì con còn sợ, con nói lét lút, nói ít... Rồi bữa nay, xin theo nó, mèn ơi, sao mẹ cho được? Mẹ không cho rồi con nhõng nhẽo với nội, khóc lóc với nội, phải hôn? Con la rùm lên cho hả dạ, phải hôn?
Mẹ lại nhịp roi:
- Ngôn!
- Dạ.
- Tội con rành rành ra đó, con thấy chưa? Mẹ không thể tha thứ cho con được, con muốn mấy roi? Nói mau.
Ngôn đâu muốn bị đòn mà mẹ hỏi Ngôn muốn mấy roi? Ngôn sợ quá, khóc thút thít nội còn đứng ở đây không, sao nội không can dùm mẹ Ngôn.
- Nói đi chớ! Lì lợm hả?
Ngôn run giọng:
- Con muốn... hai roi.
Mẹ không bằng lòng:
- Sao có hai roi hà? Đâu được, phải năm roi, mà năm roi cũng chưa vừa tội con nữa, biết chưa. Con hư lắm. Nằm ngay ngắn lại, mau!
Ngôn sửa điệu bộ lại, nằm thẳng cẳng, chẳng dám nhúc nhích cục cựa gì hết, sợ mẹ giận, mẹ lại thêm mấy roi nữa thì chết. Mẹ trở đầu roi lại, cán roi đầy lông gà mẹ để đánh, còn đuôi roi là cọng mây trụi lủi, mẹ cầm:
- Lần này mẹ đánh, chừa tới già nghe chưa? Không được lộng hành như vậy nữa nghe chưa?
- Dạ!
Vừa dạ dứt tiếng, năm cán chổi phết vào mông Ngôn, đau quắn đít, dù là cán chổi đầy lông gà. Ngôn khóc to, hai bàn tay xoa lấy mông, mẹ bảo:
- Cho con ngồi dậy.
Ngôn khoanh tay lại, xin lỗi mẹ. Mẹ vào buồng không nói thêm lời nào nữa. Ngôn quẹt mắt. Nội đang nằm trên võng tỉnh bơ. Nội cũng muốn cho Ngôn bị đòn mà. Ngôn rời bộ ván, lủi thủi bước ra ngoài sân. Chung quanh bóng cây, rồi bóng nắng, chập chờn lung linh. Ngôn chỉ có một mình. Thốt nhiên Ngôn tưởng Ngôn bị ghét bỏ như cô Tam. Ngôn bước lần ra ngõ tre, bờ đất vàng màu sét, hàng dừa cao lá ngọn cong cong, dòng sông nước đục chảy lững lờ đập vào mắt Ngôn. Ngôn thèm ngồi trên cầu như lần nào ngồi tắm có cô Tam. Bên kia bờ sông có hàng cây rậm rạp, cũng có nắng, nhưng không biết có gì vui? Ngôn ngồi xuống, thòng chân quơ nước lõm bõm, nước sông mát mẻ không làm Ngôn quên vụ bị đòn, không làm Ngôn quên vẻ mặt nghiêm nghị chẳng chút thương xót của mẹ, lại càng không làm cho Ngôn quên cái lạnh lùng dửng dưng bỏ mặc Ngôn bị đòn của nội, chẳng còn ai yêu chiều Ngôn nữa, Ngôn không là gì cả trong ngôi nhà này. Ngôn ước mình là dòng sông êm xuôi, chảy hoài, không bao giờ bị đòn, không bao giờ biết buồn bã, cứ trôi đi, trôi đi qua bao nhiêu là làng mạc, xóm thôn.
Hay là Ngôn biến thành đám lục bình kia, bềnh bồng theo nước rong chơi như lời cô Tam đã nói. Chắc những cụm lục bình đó trôi đi để tìm một nơi nào vui vẻ hơn? “Không biết lục bình đã tìm ra nơi nào vừa ý chưa nữa?”. Tại sao Ngôn không bắt chước lục bình đi tìm một nơi nào vui vẻ? Ngôn phải đi. Ừ, Ngôn phải đi. Đâu còn ai thương Ngôn nữa đâu mà luyến tiếc? Mẹ đòi đánh Ngôn năm roi, Ngôn xin hai roi thôi, nếu thương Ngôn, mẹ phải biết Ngôn sợ đau, mẹ phải bớt lại cho Ngôn nhờ chớ. Mẹ vẫn nhất định là năm roi. Còn nội nữa, nếu thương Ngôn, nội phải xin can cho Ngôn. Nội chỉ nói một tiếng thôi là mẹ không đánh Ngôn nữa. Vậy đó mà nội lặng yên, để Ngôn bị đòn. Cô Tam còn không muốn thấy Ngôn bị đánh đau, huống chi là nội, Ngôn là cháu của nội, nội không thương sao?
Ngôn đưa mắt nhìn quanh, nước sông lấp lánh dịu hiền và thoải mái thảnh thơi. Ngôn bắt gặp chiếc xuồng lá của anh Cu hay bơi ra ruộng, đang cột hờ hững dưới dạ cầu. Ngôn muốn làm một cuộc phiêu lưu rong ruổi như đám lục bình, như dòng sông quê nội đến nơi nào vui vẻ. Nhưng Ngôn chợt nhớ đến những tiếng súng nổ, tiếng máy bay quần thảo trên đầu. Ngôn chùng lòng ngần ngại, nó quay đầu nhìn vào nhà, lũy tre vàng xanh dầy cộm, dường như muốn ngăn nó, muốn giữ nó lại. Những tiếng lá tre vẫy vẫy như bảo Ngôn đừng đi. Không, Ngôn không thể nào ở lại được. Súng nổ thì kệ súng, Ngôn cứ đi. Nó đứng lên, rón rén chuyền sang cầu tre nhà bà Cả, nó đưa tay mở dây, bước xuống xuồng, dù sao Ngôn cũng không tránh khỏi nỗi xúc động. Ngôn chớp mắt lia lịa nhìn lần cuối ngôi nhà có nội, có mẹ có cô Tam trước khi... lên đường.
Tay cầm cây dầm, Ngôn bặm môi khua nước. Xuồng lướt đi êm êm. Ngôn thì thầm “con giận nội lắm, con giận mẹ lắm!”. Nó ngước mắt lên cao, ngọn dừa này tiếp nối ngọn dừa khác thụt lùi ra sau. Nó biết mình đã thực sự rời bỏ tất cả rồi. Ngôn thấy lớn ra, gan cùng mình. Từ giây phút này Ngôn tự lo lấy mọi việc, xuồng cứ trôi, Ngôn cứ chèo. Nắng quái nghiêng nghiêng nhuộm vàng dòng nước, làm sáng cỏ cây. Ngôn không biết đã có gì vui mà lòng Ngôn hân hoan thơ thới. Những đám lục bình bềnh bồng cạnh mạn xuồng, Ngôn buông dầm, đưa tay ngắt cánh hoa màu tím, nó ngửi nhưng chẳng thấy mùi thơm. Ngôn để mặc xuồng trôi, nó cứ vớt hết đám lục bình này đến đám lục bình khác, hoa tím rải rác trong lòng xuồng. Phải chi có cô Tam, Ngôn sẽ kết lại thành sợi dài giắt lên cài búi tóc của cô Tam, chắc là cô Tam thích lắm.
Xuồng cứ đi hoài mang Ngôn theo, càng lúc càng xa, lòng sông mở rộng trước mắt. Sao Ngôn mê dòng nước đục chảy lười biếng này quá chừng. Mới đó mà đã chiều và mới đó đã ra tới sông cái. Bây giờ Ngôn mới bắt đầu lo sợ. Nước sông mênh mông, cảnh vật trống trải.
Ngôn nhớ đến mẹ, đến nội. Chắc giờ này mẹ với nội đang quýnh quáng kiếm Ngôn. Nội sẽ kêu réo Ngôn ơi, Ngôn hỡi, mẹ sẽ hối hận vì đã đánh Ngôn đau cho Ngôn bỏ nhà đi. Còn cô Tam. Không biết cô Tam đã về chưa? Nếu cô về rồi, thì chắc cô cũng không khỏi nhôn nháo. Ngôn đói bụng và mệt. Làm sao đây? Ngôn không thể tự cho mình được. Vái trời cho có xuồng hay ghe của ai đi ngược lại gặp Ngôn để họ về méc với nội, lập tức Ngôn sẽ được dẫn về nhà. Nhưng mà chẳng ai quen, dù ghe xuồng vẫn có. Họ nhìn Ngôn lạ lùng, thằng bé con nhà ai mà dám bơi xuồng lá đi trên sông cái một mình. Mây tím bảng lảng, gần tới rồi. Ngôn càng thêm lo; nó trách mình sao kỳ cục. Có tiếng súng nổ xa xa, tim gan phèo phổi của nó lộn lên lộn xuống. Nó sợ điếng hồn, phải mà nó đừng thèm... phiêu lưu thì giờ này đâu phải run rẩy như vầy. Ngôn bỗng bủn rủn tay chân, nó ngã xuống, nằm co ro trong lòng xuồng. Và chiếc xuồng bé tẻo teo như mảnh lá khô vẩn vô tình trôi xuôi theo dòng nước, bấp bênh, bấp bênh...
Thuyền tắp vào một hoang đảo, thật thần tiên và xinh đẹp. Ngôn nhìn tần ngần quanh, không biết đây là đâu, nhưng chắc xa nhà lắm. Ngôn thấy nước mênh mông, xa xa có vài ba cù lao nhỏ nổi lên màu đen, màu xám Ngôn không ngờ mình lại lạc đến đây, vùng đất thật lạ lùng.
Ngôn bước chậm chạp, quan sát từng chút, để tìm ra một vài đặc điểm nào thân quen cho đỡ sợ. Nhưng hoàn toàn không thấy gì! Trước mặt Ngôn, một tòa lâu đài rộng lớn, màu cẩm thạch. Không khí yên tĩnh, làm Ngôn buồn buồn. Tòa nhà cô đơn giữa một rừng cây xanh ngát, yểu điệu lung lay nhè nhẹ. Ngôn không biết là cây gì nữa. Đường dẫn vào cửa chính có lót đá trứng màu ngà, mỗi bước chân của Ngôn, vì vậy, kêu lạo xạo rôn rã. Xen lẫn trong rừng cây ấy là những khóm hoa màu sắc thật tươi mà chẳng giống bất cứ cái hoa nào Ngôn đã gặp hết. Hoa lạ lùng mà cũng đẹp lạ lùng. Hương thơm từ đó tỏa ra ngào ngạt, Ngôn hít mạnh mấy cái cho đã cái mũi. Nó đưa tay định ngắt lấy một đóa để dành tặng cô Tam thì có tiếng nói thanh thanh sau lưng nó:
- Ồ, cậu bé, đừng hái hoa chớ!
Ngôn giật mình quay lại, một cô gái xinh xắn đang tươi cười nhìn Ngôn. Cô ta mặc cái áo đầm dài chấm gót, màu hồng cài nơ trắng, tóc cô dài và đen óng ả, hai bàn tay cô đan lại với nhau mũm mĩm như mười búp huệ trắng nuốt. Ngôn mở to mắt nhìn cô gái hoài không chớp. Cô gái nắm lấy vai Ngôn thân mật:
- Cậu bé vào nhà chơi, cậu bé từ đâu tới?
Ngôn sửng sờ mấp máy đôi môi mà chẳng ra lời.
Nó ngạc nhiên quá. Người đâu mà dịu dàng hết sức, Ngôn bước theo cô, tiến dần về phía tòa lâu đài. Ngôn nhìn rõ tấm bảng gắn hàng chữ bạc lấp lánh trước cửa. Ngôn lẩm nhẩm đọc: “Ngôi Nhà Lương-Tâm”. Tên tòa lâu đài cũng đẹp ác. Cô gái đưa tay đẩy nhẹ, cánh cửa mở rộng, cho Ngôn thấy một sự lộng lẫy huy hoàng. Ngôn không nói được, không diễn tả được. Chỉ biết ngẩn ngơ nhìn. Toàn những màu sắc rực rỡ chứ không có màu tím, màu xám nào cả. Ngôi nhà mát mẻ và sang trọng làm Ngôn khớp khớp. Nhà nó nền đất, mái lá, phên tranh, hàng rào tre, chứ có đâu toàn bằng cẩm thạch, một loài đá quí, như vầy. Cô gái vẫn cười:
- Cậu bé ngồi đây nha, để chị gọi tụi em chị ra chơi!
Cô gái chỉ vào chiếc ghế bọc nhung đỏ. Ngôn nhìn lại đôi chân dính bùn, quần áo đen đúa của mình, nó ngần ngịa quá đỗi, Ngôn đứng xớ rớ, cô gái ấn Ngôn ngồi xuống:
- Tự nhiên đi em!
Rồi cô gái cao giọng:
- Các bé ơi, có khách đến thăm nha! Ra đây nào!
Vừa dứt tiếng thì ở các phòng nhỏ, những đứa con gái, con trai cỡ bằng Ngôn chạy ùa ra, đứa nào cũng toát ra một sức thu hút ngộ nghĩnh. Y phục vẫn một màu xanh mát. Ngôn nhìn chăm chăm. Có cả thảy năm đứa: hai gái và ba trai. Chúng đứng bao quanh Ngôn, reo vui:
- Chào người bạn mới.
Ngôn ngượng ngịu cười đáp lễ. Nó tưởng chừng nụ cười đó méo mó hơn nụ cười của nội khi xỉa thuốc. Cô gái vuốt tóc Ngôn thật trìu mếm:
- Chị tên Đoan Trang, còn em tên gì, cho biết được không?
Ngôn đáp:
- Tui tên Ngôn.
Những đứa trẻ thi nhau nói:
- Chào anh Ngôn, chào anh Ngôn!
Chị Đoan Trang mỉm cười hài lòng:
- Giỏi lắm, các bé nói tên mình cho Ngôn biết đi, còn chị đi lấy bánh và nước đãi Ngôn nha!
Chị Đoan Trang bão khẽ với Ngôn:
- Đừng sợ gì hết, Ngôn há!
Chị bước đi tha thướt, Ngôn quay nhìn theo định gọi chị lại, nhưng Ngôn bị bọn trẻ khều tay bắt phải chú ý đến chúng. Một đứa con gái đứng lên, nhỏ nhẹ:
- Em tên Ngoan Ngoãn.
Đứa khác tiếp:
- Em tên Hiền Lành.
Cứ như vậy tiếp tục cho tới đứa thứ năm, do đó Ngôn được biết những đứa bạn mới dễ thương của Ngôn có tên thật ngộ: Ngoan Ngoãn, Hiền Lành, Nhường Nhịn, Can Đảm, Nhân Ái.
Con Bông hay thằng Thạnh, thằng Khôi mà biết được, thế nào tụi nó cũng lè lưỡi kinh ngạc cho xem. Ngôn buột miệng:
- Tên các trò đẹp quá chừng. Tên tui xấu ỉn hà.
Nhân Ái cười:
- Xấu đẹp đâu ăn nhằm gì, tên mà.
Hiền Lành cũng nói:
- Ăn thua là cái lòng của Ngôn đó chớ.
Ngôn gật đầu, nó hỏi:
- Tại sao trò này tên Ngoan Ngoãn, trò này tên Can Đảm mà không tên Bông hay tên Thạnh hay một cái tên nào khác?
Ngoan Ngoãn dịu dàng trả lời:
- Ngoan tên Ngoan Ngoãn vì lúc nào Ngoan cũng vâng lời ba má, chị Đoan Trang, không dám bướng bỉnh, lì lợm hay là nhõng nhẽo làm ba má bực bội.
Can Đảm nói tiếp:
- Vì Đảm không sợ nguy hiểm, khó khăn, quyết lòng đi thẳng tới điểm muốn tới thí dụ như học bài Đảm muốn học cho thuộc mà bị con Buồn Ngủ chọc phá Đảm vẫn kiên tâm cố gắng, khi làm toán Đảm muốn làm cho ra đáp số mà bị con bí lù cản đường, Đảm cũng không nản. Hoặc là cứu một kẻ đang bị hiểm nguy đe dọa. Ba mới đặt tên cho Đảm là Can Đảm.
Chị Đoan Trang bước ra đúng lúc đó, nên chị thêm vào:
- Mỗi một cái tên của các bé ở đây là một đức tính quý, cần có trong một đứa trẻ, để khi lớn lên thành một con người tốt... Ngôn hiểu không?
Ngôn nhìn chị Đoan-Trang cười:
- Ngôn hiểu rồi, cũng như tên chị là tính nết của con gái, phải hôn chị?
- Ừ, đúng rồi. Ngôn thông minh lắm. Đây chị thưởng cho Ngôn một ly nước Vui Tươi và miếng bánh Tự Tin nha. Ăn đi, xem có ngon không?
Ngôn đưa tay đón lấy. Không quên nói tiếng cám ơn. Có điều Ngôn lấy làm lạ, bánh Tự Tin giống như bánh bông lan mà mẹ hay làm, nước Vui Tươi như ly nước cam hiệu con Cọp vậy. Nhưng ngon hơn, thơm hơn... Chị Đoan-Trang cười hoài, cái cười của chị tươi tắn sao đâu. Ngôn thấy chị nheo mắt ra dấu gì đó mà mấy đứa bạn gục gặc đầu.
Ngoan Ngoãn đứng lên:
- Bây giờ mời Ngôn thăm phòng của Ngoan ngộ lắm.
Ngôn đi theo các bạn đến một căn phòng nhỏ màu trắng đục, trước cửa phòng có một bảng nhỏ ghi hai chữ Ngoan Ngoãn thật đẹp. Ngoan-Ngoãn mở cửa ra, hương thơm thoang thoảng phất vào mũi Ngôn, dễ chịu; phòng gọn gàng ngăn nắp với một kệ sách phẳng phiu. Ngôn thấy có quyển Quốc ngữ toàn thư giống y của Ngôn được bao lại kỹ lưỡng, lại có cuốn “Vệ sinh thường thức” nữa.
Ngoan Ngoãn học bằng lớp Ngôn chắc. Ngoan Ngoãn chỉ cho Ngôn xem bể nước bằng đá trắng, nhỏ thó, trong đó đựng một thứ nước xanh phẳng lì như gương Ngoan Ngoãn vừa quơ tay qua lại trên mặt nước vừa nói:
- Ngôn hãy nhìn vào đây, Ngôn sẽ biết mình có ngoan ngoãn không?
Ngôn chăm chú nhìn, mặt nước chao động và lờ mờ hiện ra khung cảnh nhà Ngôn, bà Nội ôm Ngôn vào lòng kể chuyện đời xưa “Con Tấm Con Cám”, bà nội cất giọng đều đều trong khi Ngôn say mê nghe chuyện, nửa chừng, nội mệt, sai Ngôn rót cho nội ly nước trà, Ngôn vùng vằng không chịu. Ngôn bắt nội phải kể hết chuyện mới được uống nước. Ngôn mếu máo dậm chân. Lúc bấy giờ sao Ngôn dễ ghét quá vậy. Ngôn cúi đầu giấu niềm xấu hổ đang hiện dần lên mặt, khi ấy hình ảnh lao xao biến mất. Ngoan Ngoãn nhìn Ngôn với một cặp mắt lạ lùng không thân thiện như lúc nãy. Rời phòng Ngoan Ngoãn. Ngôn được sang phòng kế tiếp. Ở đâu, Ngôn cũng thấy mình không tốt đẹp. Chỉ được cái là Ngôn hiền lành thôi. Bạn bè chẳng tiếp xúc vồn vã với Ngôn nữa. Chúng lặng thinh kì cục. Ngôn mắc cỡ muốn chết. Nhất là nội cái chuyện thù vặt con Bông, đứa con gái cùng làng, Ngôn đã nhát ma để hả giận. Rồi đến chuyện giận mẹ, giận nội, vì tự ái đi không đúng chổ. Bây giờ Ngôn mới nhìn thấy lỗi mình.
Chị Đoan Trang ngồi ở chiếc ghế nhung đỏ, mặt chị trang nghiêm lạ thường. Ngôn lo sợ. Các bạn bao quanh chị Đoan Trang tíu tít kể lại những những chuyện đã xảy ra, mắt chị thay đổi theo từng đoạn: khi vui, khi giận. Ngôn muốn khóc. Đột nhiên có tiếng nói rổn rảng:
- Thôi đuổi nó về đi. Ba không bằng lòng cho các con quen với một thằng bé có tính xấu như vậy.
Ngôn mím môi lại, nhìn chị Đoan Trang một cách khổ sở. Chị Đoan Trang đứng lên nắm lấy tay Ngôn dẫn ra ngoài rồi ập cửa lại. Ngôn kêu lên:
- Chị Đoan Trang!
Cửa đóng im lìm, mấy chữ “Ngôi Nhà Lương Tâm” nhạt mờ sau làn nước mắt. Ngôn khóc. Nó lủi thủi bước đi, tiếng sỏi nặng nề thổn thức, hàng cây xanh thẳm lại buồn thiu. Chiếc xuồng nằm im trên bờ cát chờ đợi Ngôn quay về. Ngôn tần ngần tiếc rẻ chưa kịp xuống xuồng thì một bàn tay khổng lồ nào dán chặt vào lưng Ngôn nhấc bổng Ngôn lên và quăng ùm Ngôn xuống nước, Ngôn sợ quá rú lên:
- Á! Á... á... á...
- Ngôn! Ngôn! Tỉnh lại con, Ngôn!
Ngôn lăn qua lăn lại ú ớ, làm xuồng tròng trành.
Nội nhắc cô Tam đang cầm dầm:
- Khéo nghe Tam, coi chừng đa!
Cô Tam bệu bạo, y như là cô đang sắp khóc:
- Dạ, bác đừng lo.
Nội lay lay Ngôn, giựt tóc mai Ngôn cho Ngôn tỉnh lại, Ngôn từ từ mở mắt ra, nó vẫn chưa thấy gì, một lúc sau nó mới nghe tiếng nội:
- Ngôn à, nội nè con. Con tỉnh lại đi, nội nè.
Ngôn cũng nghe cả tiếng cô Tam nữa:
- Nội với cô Tam đi kiếm đưa Ngôn về nhà, Ngôn nghe không?
Trời ơi, Ngôn mừng quá, Ngôn chưa chết chìm. Nội ngồi đây, cô Tam đang ngồi kia, Ngôn ngủ mơ. Ủa, sao mình Ngôn ướt nhẹp, còn quấn khăn, áo lạnh tùm lum vậy, Trời nhá nhem tối, sao đã mọc lưa thưa. Ngôn thấy lạnh lạnh Ngôn chống tay ngồi dậy, lúc này nó mới tỉnh táo hẳn, nó ôm nội khóc mùi. Nội với cô Tam cũng khóc theo tấm tức.
Nội lau nước mắt cho Ngôn:
- Sao con khờ dại vậy chớ? May mà cô Tam về kịp, cô Tam tức tốc chèo xuồng chở nội đi, không thì...
Ngôn sờ tay lên đôi má nhăn nheo của nội, nước mắt nội ướt ướt trong tay.
- Nội, nội tha tội cho con, nội ơi...
Ngôn nằm vùi trong lòng nội, nó không biết đằng đầu xuồng, cô Tam gác dầm, đưa tay áo lên quẹt đôi mắt ướt mem, đôi môi cô Tam nhoẻn một nụ cười. Cô Tam mừng quýnh đi được, Ngôn tỉnh lại rồi. Nhớ lúc nãy mà cô Tam vẫn còn điếng hồn. Chèo xuồng ra gần tới sông cái mà tăm dạng Ngôn đâu không thấy, cô Tam chèo hết muốn nổi, tay run lập cập, tim nhảy thiếu điều lọt ra ngoài. Nội cũng vậy, miệng không ngớt “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát, cứu khổ, cứu nạn” nhiều lúc đọc chẳng ra tiếng nữa.
Đến sông cái, cô Tam không biết phải chèo đi miệt nào miệt trên hay miệt dưới. Bà Nội biểu bây giờ cứ theo dòng nước đi, đừng ngược lên chi cho mệt, Ngôn chắc không đời nào chèo xuồng ngược nước được đâu. Sông cái mà, nước chảy mạnh hơn trong làng. Cô Tam nghe theo, bơi riết, chèo riết, đến lúc thấy trước mặt thấp thoáng bóng xuồng trôi lêu bêu. Cô Tam với nội mừng quá, chèo mau tới, nhưng trên xuồng không có ai, mà xuồng thì đúng là xuồng của bà Cả. Nội khóc mếu máo, cô Tam cũng khóc, vái trời cho đừng có chuyện gì xảy ra.
Kế đó, xuồng bỗng chao mạnh. Cô Tam ráng chèo lẹ tới, vừa lúc Ngôn cong người lăn làm xuồng nghiêng và Ngôn rơi tỏm xuống nước sông. Ngôn la to hốt hoảng. Cô Tam quăng cây dầm nhảy theo chụp Ngôn lại, nội chèo gần hơn rồi kéo Ngôn lên, sẵn có khăn đội đầu của cô Tam và áo lạnh của nội, nội mới lấy đó lau sơ sơ mình mẩy Ngôn, quấn lại cho Ngôn, Ngôn vẫn mê man. Còn cô Tam phải lội một khúc nữa để kéo lại chiếc xuồng mà Ngôn đã lấy trộm, xuồng lật úp sắp chìm, cố ráng sức lật ngửa lại, để nhìn thấy những đóa hoa lục bình màu tím tím trồi lên hụp xuống theo sóng nước. Bất giác cô mỉm cười buồn thiu. Cô leo lên xuồng, tát nước ra, rồi chèo lại gần xuồng nội. May sao trong xuồng lại có dây, cô Tam cột nối đuôi nọ với chiếc kia và ngồi chung xuồng lo chèo về nhà, để nội rảnh rang mà coi chừng Ngôn. Ngôn ú ớ liền miệng rồi trăn trở, cô Tam thở mạnh trút cả nổi buồn lo. Cô Tam nhìn nội cúi xuống hôn lên trán Ngôn mà nghe vui trong dạ. Cô Tam gọi nhỏ:
- Ngôn của cô ơi!
Tiếng gọi yếu ớt mong manh nhưng chứa đầy thương mến làm Ngôn quay ra. Ngôn nhìn thấy cô Tam đều tay chèo, đầu tóc gần xổ ra, quần áo thì ướt sũng. Ngôn lật đật hỏi:
- Cô Tam, sao nãy giờ cô Tam không nói gì với Ngôn hết vậy? Mình cô Tam sao mà ướt hết vậy? Cô Tam ơi, cô đừng giận Ngôn nghe cô Tam, Ngôn có lỗi...
Cô Tam hiền hòa lắc đầu:
- Cô Tam không giận gì Ngôn cả. Cô rất...
Ngôn chẳng hiểu “cô rất” cái gì, vì giọng cô bất thần nghẹn lại, và cô khóc, nước mắt long lanh chảy xuống má. Ngôn muốn lau cho cô, mà Ngôn không cử động được, nội ôm Ngôn trong lòng. Ngôn hỏi nội:
- Sao vậy nội? Cô Tam sao vậy?
Giọng nội cũng run run:
- Cô Tam cứu con đó. Cô Tam thương con như một... người mẹ.
Ngôn thấy mắt cô Tam sáng lên một niềm vui nào đó rạng rỡ lắm và giọng nói của nội bữa nay trầm ấm lạ lùng.
- Bà Hai à, đợi tụi tui với coi. Cô Tam ơi!
Tiềng anh Cu la ơi ới đàng sau. Cô Tam chèo chậm lại, xuồng của anh Cu lướt đến cặp kè, anh Cu nhìn nội thở dốc:
- Trời ơi, tui bương bã chèo theo quá mạng. Lúc ra sông cái, thấy cô Tam chèo theo dòng, tui mới thả ngược lên kiếm, không có dấu tích gì hết. Bận về gặp bà, mừng thấy mồ tổ.
Rồi anh Cu quay sang Ngôn nói một hơi:
- Sao cậu, cậu du lịch, du lãm gì đã chưa, nhè xuồng tui cậu lấy, làm tui bị la quá trời, tưởng ai, má cậu khóc tưng bừng ở nhà đó. Thiệt tui phục cậu sát đất. Bi lớn vậy mà gan hết nói nổi.
Trên xuồng anh Cu, còn có anh Tèo, anh Ngự nữa. Hai anh ấy nhìn tôi cười ruồi, Ngôn mắc cỡ giấu mặt vào cánh tay nội. Lại có tiếng súng nổ, anh Cu hối chèo mau về nhà, cô Tam qua xuồng anh Cu ngồi, anh Tèo nhảy đổi chổ để thay cô Tam. Nhánh sông vào làng bấp bênh lục bình, ngắn dần, Ngôn thấy nhà mình xa xa, mừng sao đâu, bà nội niệm Phật.
- Nam Mô A Di Đà Phật, may phước biết chừng nào nói. Đi xuồng đêm thời buổi này, ngán thấy mụ nội, về tới nhà mới biết là mình còn nguyên.
Tiếng súng “cắc! bùm!” như hối thúc mọi người, màn đêm buông xuống với ánh trăng xanh, với ngàn sao bạc lấp lánh trên đầu, Ngôn co ro bên nội, mơ màng nhớ đến giấc chiêm bao thú vị mà cũng rất hãi hùng trên giòng sông đục nước.