Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 25
NÓI CHUYỆN VỚI VIÊN KỸ SƯ Ở TRUỒNG

     rước khi Ostap xuất hiện ở tòa soạn đã xảy ra hàng loạt sự kiện không kém phần quan trọng.
Không gặp Ernest Pavlovich ban ngày (phòng bị khóa cửa, chắc chủ nhân đang ở cơ quan), vua mánh quyết định sẽ trở lại muộn hơn, còn tạm thời hãy đi dạo phố cái đã. Vốn khao khát hoạt động, hắn cứ đi từ hè phố bên này sang vỉa hè bên kia, đứng lại ở các quảng trường, nháy mắt với các chiến sĩ công an, giúp đỡ các chị các cô lên xe buýt, và nói chung hắn làm ra vẻ tựa hồ toàn bộ Mátxcơva với các đài kỷ niệm, các chuyến xe điện, các cơ quan, các nhà thờ, các nhà ga và bệ áp-phích của thủ đô đang sửa soạn tới dự buổi dạ tiệc ở chỗ hắn. Hắn đi giữa đám quan khách, thân ái trò chuyện với họ và với ai hắn cũng tìm được một lời ấm áp. Cuộc đón tiếp một khối lượng khách quá lớn khiến Ostap hơi mệt mỏi. Hơn nữa đã hơn năm giờ chiều, cần phải đến gặp kỹ sư Sukin.
Nhưng số phận run rủi buộc hắn trước khi gặp viên kỹ sư, còn phải mất gần hai tiếng đồng hồ để ký vào một tờ biên bản nhỏ.
Ở quảng trường sân khấu, Ostap bị tai nạn giao thông. Một con ngựa màu trắng bất ngờ bay qua chỗ ông vua mánh và chạm cái ức xương xẩu của nó vào hắn. Ostap ngã xuống và toát mồ hôi hột. Trời thì nóng như thiêu. Con ngựa trắng lớn tiếng xin lỗi. Ostap đứng bật ngay dậy. Cái thân hình chắc nịch của hắn không bị một vết thương nào. Tuy nhiên cái đó càng tạo thêm cớ và khả năng để gây chuyện ầm ĩ.
Không thể nhận ra ông chủ mến khách và lịch thiệp của Mátxcơva nữa. Hắn loạng choạng tiến về phía lão già đánh xe ngựa và thụi mạnh một quả vào lưng lão già. Lão già kiên nhẫn chịu đựng hình phạt. Một chiến sĩ cảnh sát chạy lại.
– Tôi yêu cầu lập biên bản! – Ostap hăng hái nói.
Giọng hắn toát ra âm hưởng gay gắt của một người bị xúc phạm tới những tình cảm thiêng liêng nhất. Và đứng bên tường nhà hát Malưi, ở chính cái chỗ sau này dựng lên đài kỷ niệm kịch sĩ Nga vĩ đại Ostrovaki, ông vua mánh đã ký vào biên bản và trả lời vài câu phỏng vấn của nhà báo Persitski mới hộc tốc chạy đến. Persitski không coi thường công việc nặng nhọc. Ông ta nắn nót ghi rõ tên họ của nạn nhân vào sổ tay rồi tiếp tục lao đi đâu không rõ.
Ostap hãnh diện bước tiếp. Vẫn còn xúc động về sự tấn công của con ngựa bạch vừa qua và cảm thấy tiêng tiếc rằng đã không đấm cho lão xà ích một quả đấm vào cổ. Ostap bước hai bậc một lên đến tầng thứ bảy của khu nhà tập thể có phòng ở của Sukin. Tại đây, một giọt nước to và nặng rơi xuống trúng đầu hắn. Hắn ngẩng nhìn lên. Thì một giòng thác nhỏ nước bẩn đang ào ạt chảy từ bệ cầu thang tầng trên đổ xuống.
“Ăn ở thế này thì phải đấm vào mõm chúng nó!” – Ostap nghĩ bụng.
Hắn chạy lên. Cạnh cửa phòng Sukin, hắn thấy có một người trần truồng, da phủ một lớp địa y màu trắng, đang ngồi quay lưng về phía hắn. Anh ta ngồi phịch xuống gạch men, hai tay ôm đầu. Người đung đa đung đưa.
Nước từ khe cửa chảy ra, đọng thành vũng xung quanh anh ta.
– Ôi-ôi-ôi, – con người trần truồng rên rỉ – Ôi-ôi-ôi!
– Này, có phải ông là kẻ đổ nước lênh láng không đấy? – Ostap tức giận hỏi – đây là chỗ để ông tắm hả? Ông điên rồi chăng?
Con người trần truồng nhìn Ostap và khóc nấc lên.
– Này ông kia, thay vì khóc lóc, ông nên đi vào phòng tắm thì hơn. Ông thử nhìn xem ông giống cái thứ gì! Y như một picađor (1) ấy!
– Chìa khóa! – Viên kỹ sư lý nhí đáp.
– Chìa khóa gì? – Ostap hỏi.
– Mở cửa pho-o-òng.
– Nơi để tiền ư?
Con người trần truồng nấc lên với nhịp độ nhanh lạ lùng. Không có gì có thể làm cho Ostap lúng túng. Hắn bắt đầu phán đoán. Và khi đoán ra nguyên do, hắn vịn tay vào cầu thang mà cười ngả cười ngốn vì không sao nhịn được.
– Vậy là ông không vào được nhà à? Có quái gì đâu kia chứ.
Ostap tiến lại bên cửa, cố không chạm vào người trần truồng để khỏi dây bẩn, hắn đút cái móng tay dài vàng khè của ngón cái vào khe hở của ổ khóa Mỹ và thận trọng xoay theo chiều từ phải sang trái, từ trên xuống dưới.
Cửa mở ra nhẹ nhàng, và con người trần truồng reo lên vui sướng chạy nhào vào căn hộ ngập lụt.
Mấy cái vòi nước chảy ùng ục hết công suất. Nước trong phòng ăn tạo thành một vũng xoáy. Trong phòng ngủ thì nó như một cái ao yên ả, trên mặt ao mấy chiếc dép đi trong nhà đang lặng lẽ trôi như đàn thiên nga. Vô số mẩu thuốc lá dồn vào một góc như đàn cá đang ngủ.
Chiếc ghế của Ippolit Matveevich kê ở phòng ăn, nơi dòng nước chảy mạnh hơn cả. Những lớp sóng bạc đầu nho nhỏ xuất hiện ở cả bốn chân ghế. Chiếc ghế đung đa đung đưa và tựa hồ nó sắp trôi tuột đi để né tránh kẻ săn đuổi nó. Ostap ngồi xuống ghế và co chân lên. Viên kỹ sư đã tỉnh lại, miệng kêu “pác-đông, pác-đông”, khóa các vòi nước lại, rửa ráy mình mẩy và xuất hiện trước mặt Ostap trong tư thế ở trần từ thắt lưng trở lên, với chiếc quần dài ướt xắn cao tới đầu gối.
– Anh đã cứu sống tôi thật sự! – Sukin nói to – xin lỗi, tôi không thể bắt tay anh vì người ướt át thế này. Anh biết đó, tôi suýt phát điên lên.
– Cũng gần như thế rồi!
– Tôi lâm vào một tình thế đáng sợ.
Đoạn Sukin kể lại cho vua mánh nghe chi tiết tai họa vừa xảy ra với anh ta bằng thái độ xúc động dở khóc dở cười:
– Không có anh, chắc tôi chết mất – viên kỹ sư kết luận.
– Tôi cũng từng lâm vào một trường hợp còn tệ hơn ông nữa kia – Ostap nói.
Lúc này viên kỹ sư quan tâm đến hết thảy những gì tương tự sự việc vừa xảy ra tới mức anh ta quẳng cả chiếc xô định dùng để tát nước, và chăm chú lắng nghe Ostap kể.
– Hệt như tình trạng của ông, có điều câu chuyện xảy ra vào mùa đông, và không phải ở Mátxcơva, mà ở Mirgorot, vào một trong những giai đoạn thú vị giữa Makhao và Tiutunik năm 1919. Tôi ở trọ một gia đình nọ. Toàn dân Khôkhol chính cống! Đầu óc tư hữu hạng nặng: một ngôi nhà nhỏ chứa trăm thứ bà rằn. Cần phải nói với ông rằng hệ thống cống rãnh và các thứ tiện nghi khác thì ở Mirgorot chỉ có các hố rác mà thôi. Một đêm nọ, tôi chỉ mặc mỗi quần áo lót chạy ra vườn. Tuyết rơi dày nhưng tôi không sợ cảm lạnh, vì giải quyết cái khoản ấy chỉ chốc lát là xong. Tôi chạy vội vã và đã đóng cửa lại như một cái máy. Trời lạnh chừng hai mươi độ âm. Mình gõ cửa, không ai ra mở. Đứng một chỗ không xong, vì sẽ chết cóng ngày! Tôi cứ vừa chạy tại chỗ, vừa gõ cửa. Hồi lâu họ vẫn không mở cửa. Và cái chính là trong nhà chẳng có ai ngủ, tất cả đều thức mới tức chứ. Tiếng súng văng vẳng. Chó sủa rộ từng hồi. Một đêm đáng sợ. Mà tôi thì mặc silíp và cứ chạy trên tuyết. Gõ cửa hàng giờ. Suýt chết. Ông có biết vì sao họ không mở cửa không? Vì họ giấu của cải trong nhà, giấu tiền Kêrenki dưới gối. Họ tưởng có đoàn khám xét đến. Sau đó suýt nữa thì tôi giết chết họ.
Viên kỹ sư cảm thấy tình huống ấy rất gần gũi với mình. Ostap chuyển mạch:
– Vậy ông là kỹ sư Sukin phải không?
– Vâng. Có điều xin anh đừng kể với bất cứ ai chuyện này. Bất tiện lắm.
– Ồ, dĩ nhiên! Ăng-tơ-rơ-nu, tết-a-tết! Chỉ hai ta biết thôi. Nhưng đồng chí Sukin này, tôi đến gặp ông có việc cần đấy.
– Tôi sẽ rất sung sướng được hầu hạ anh.
– Gờ-răng méc-xi. Việc nhỏ thôi. Bà vợ ông nhờ tôi đến lấy lại chiếc ghế này ở nhà ông. Bà ấy bảo bà cần lấy nó cho đủ đôi. Và bà đang định gởi chiếc ghế bành sang cho ông.
– Vâng, xin mời! – Sukin đáp – Tôi rất sung sướng. Nhưng anh khó nhọc mang ghế làm gì? Tôi có thể tự mang đi. Ngay hôm nay cũng được.
– Không sao! Đối với tôi chuyện này có sá gì. Tôi ở gần nhà vợ ông ấy mà. Chẳng tốn công chút nào.
Viên kỹ sư lúng túng, tất bật đưa tiễn vua mánh ra tận cửa (anh ta không dám bước ra vì vẫn còn sợ, mặc dù đã cẩn thận đút chìa khóa vào túi cái quần ướt sũng).
Anh cựu sinh viên Ivanopulo lại được tặng thêm một chiếc ghế nữa. Tuy lớp vải bọc có hư hỏng đôi chút, nhưng dẫu sao vẫn là một chiếc ghế tuyệt diệu và giống cái thứ nhất như đúc.
Cái ghế rỗng thứ tư này không làm cho Ostap băn khoăn lắm. Hắn đã trải qua nhiều sự trớ trêu của số phận.
Trong hệ thống cân đối những kết luận của hắn, chỉ có cái đáng lo nhất là chiếc ghế trôi vào sân chất hàng của nhà ga Oktiabrơ. Mỗi lần nghĩ đến cái ghế ấy, hắn lại thấy không vui và nghi ngại.
Vua mánh ở trong tâm trạng của một con bạc đặt cọc toàn bộ số tiền của mình và muốn thắng ngay một cú gấp ba mươi sáu lần số tiền cọc. Tình trạng có khi còn tồi tệ hơn. Ở đây xác xuất thắng cuộc rất thấp, chỉ là một trên mười hai. Mà chính con số mười hai lại tuột mất khỏi tầm mắt, có quỷ mới biết nó đang ở đâu, trong khi rất có khả năng nó là số trúng độc đắc.
Chuỗi suy tưởng buồn bã đó bị cắt đứt bởi sự trở về của vị chủ nhiệm hợp đồng chuyển nhượng. Riêng vẻ mặt của ông ta đã khiến Ostap thất vọng.
– Ô hô! – Vị chỉ đạo kỹ thuật thốt lên – Tôi thấy ông đã thành công. Chỉ xin đừng đùa dai với tôi. Ông để chiếc ghế ở ngoài cửa làm gì vậy? Để trêu tức tôi chăng?
– Đồng chí Ostap Benđer… – ngài đô thống ấp úng.
– Ôi, sao ông cứ chơi đòn cân não với tôi thế? Đem chiếc ghế vào nhà đi, mau lên! Ông thấy đấy, cái ghế mới mà tôi đang ngồi đã làm tăng giá trị cái ghế ông mang về lên gấp nhiều lần.
Ostap ngoẹo đầu sang một bên và nheo nheo mắt.
– Đừng hành hạ lớp trẻ nữa, – cuối cùng hắn nói – ghế đâu? Sao ông không mang nó về?
Bản báo cáo ấp úng của Ippolit Matveevich bị ngắt quãng bởi những tiếng huýt sáo, những tiếng vỗ tay châm biếm và những câu hỏi hắc búa của cử tọa. Ippolit kết thúc bản báo cáo của mình trong tiếng cười đồng loạt của công chúng.
– Thế còn những chỉ dẫn của tôi? – Ostap hỏi – Tôi đã dặn ông bao nhiêu lần rằng ăn cắp là tội lỗi! Ngay từ hồi ông định ăn cắp của vợ tôi, mađam Gritsasueva, tôi đã biết ngay ông là hạng ăn cắp vặt. Tội của ông nhiều lắm cũng chỉ đáng ngồi tù sáu tháng là cùng. Đối với một nhà tư tưởng khổng lồ, người cha của nền dân chủ Nga, việc tôi giao cho ông đâu phải vào loại tầm cỡ. Thế mà cũng xôi hỏng bỏng không. Cái ghế đã nằm trong tay ông lại tuột mất. Hơn thế nữa, ông còn làm hỏng cả chỗ làm ăn dễ dãi ấy! Ông thử lại đấy một lần nữa xem nào. Thằng cha Iznurenkov nó sẽ chặt đầu ông. Một sự may rủi đã cứu sống ông đó, nếu không ông đã ngồi tù và mỏi mắt chờ tôi tiếp tế rồi. Tôi sẽ không thăm nuôi ông đâu, xin ông nhớ kỹ điều đó. Ông là cái quái gì với tôi? Rốt cuộc ông chẳng phải là mẹ, là chị hay là nhân tình của tôi.
Ippolit Matveevich nhận rõ giá trị không đáng một đồng xu của mình, cứ đứng cúi đầu ủ rũ.
– Thế này ông bạn thân mến ạ, tôi thấy hợp tác với ông chẳng tích sự gì. Hoặc ít ra thì tôi thấy phải chia bốn mươi phần trăm doanh thu cho một bạn hàng ngu ngốc như ông là cực kỳ vô lý. Vô-lăng-nơ-vô-lăng, nhưng tôi phải đặt lại điều kiện thôi.
Ippolit bắt đầu thở. Từ nãy đến giờ ông cố nín thở.
– Đúng, ông bạn Ippolit ạ, ông mắc cái bệnh bất lực về tổ chức và phi năng lực. Do đó phần ông được hưởng sẽ phải giảm đi. Thú thật, ông chỉ đáng hưởng hai chục phần trăm thôi.
Ippolit Matveevich cương quyết lắc đầu.
– Không muốn thế hả? Ít chăng?
– I-ít!
– Ngần ấy đã là ba chục ngàn rúp rồi đấy! Vậy ông đòi bao nhiêu?
– Tôi xin bốn mươi phần trăm.
– Ăn cướp giữa ban ngày ban mặt! – Ostap nhái giọng nói của vị đô thống trong cuộc mặc cả lịch sử ở nhà hầm của lão quét sân dạo nọ – Ba chục ngàn đối với ông còn ít ư? Ông còn muốn lấy cả cái chìa khóa căn phòng để tiền chăng?
– Anh cần chìa khóa căn phòng để tiền thì có. – Ippolit lắp bắp.
– Ông hãy nhận hai chục phần trăm khi chưa muộn, kẻo tôi thay đổi ý kiến không biết chừng. Hãy lợi dụng tâm trạng lúc tôi còn đang vui.
Ippolit Matveevich từ lâu đã mất cái vẻ tự mãn mà ông đã từng có hồi bắt đầu cuộc tìm kiếm kim cương.
Cái lớp băng đã bắt đầu chuyển mình hồi ở căn hầm của lão quét sân, cái lớp băng nứt vỡ ầm ầm, trôi đi và va đập vào lớp đá hoa cương ven phố bờ sông, đã vụn nát và tan thành nước từ lâu. Băng không còn nữa. Chỉ còn dòng nước lớn đang chở trên mình nó Ippolit Matveevich, quăng vật ông ta lúc sang phải khi sang trái, làm cho ông ta khi thì va vào cây gỗ, lúc chạm phải những chiếc ghế của ông ta, lúc lại xa cách chúng. Ippolit cảm thấy một nỗi sợ hãi khó tả. Tất cả mọi thứ đều đe dọa ông ta. Cùng trôi trên dòng nước là rác rưởi, cặn dầu, chuồng gà hỏng, cá chết, một cái mũ gớm ghiếc của ai đó. Có thể đấy là cái mũ của cha Fêđor, cái mũ mỏ vịt bị gió bứt khỏi đầu cha ở Rostov chăng? Có ai biết đâu! Cái đích cuối cùng nào thấy rõ. Bơi vào bờ không xong, mà bơi ngược dòng thì ngài cựu đô thống quý tộc chẳng đủ sức, vả cũng không muốn thế.
Ông ta bị trôi ra biển rộng phiêu lưu.

 

Chú thích:
(1) Võ sĩ đấu bò tót ở Tây Ban Nha