Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 22
ELLOSKA ĂN NGƯỜI

     heo tính toán của giới nghiên cứu, vốn từ ngữ của Uyliam Seck Pia bao gồm 12.000 từ. Vốn từ ngữ của một gã da đen ở bộ lạc ăn thịt người “Mumbo-Humbo” là 300 từ.
Elloska Sukina chỉ cần ba mươi từ ngữ đã có thể giao tiếp nhẹ nhàng thoải mái.
1- Bậy.
2- Khô – khô! (tùy theo hoàn cảnh, từ ngữ này biểu thị sự châm biếm, ngạc nhiên, thích thú, căm ghét, vui sướng, khinh bỉ hoặc hài lòng).
3- Nổi quá.
4- Rầu rầu (đối với tất cả mọi thứ. Ví dụ: “Pêchia vác bộ mặt rầu rầu đến chơi”, “thời tiết rầu rầu”, “trường hợp rầu rầu”, “con mèo rầu rầu”.
5- Tăm tối.
6- Khiếp khủng (ví dụ, khi gặp người quen thân khi đó là cuộc gặp khiếp khủng).
7- Nhóc con (dùng để gọi tất cả những người đàn ông quen biết, bất kể tuổi tác và địa vị xã hội).
8- Đừng dạy tôi cách sống.
9- Như trẻ con (dùng trong lúc chơi bài – “Tôi hạ nó dễ như trẻ con”. Đối với người thuê nhà – “Tôi chém nó như trẻ con”).
10- Đ  – đẹ  – ẹp!
11- Mập và đẹp (dùng để nói cả về người lẫn đồ vật).
12- Đi xe (nói với chồng).
13- Đi tắcxô (nói với cánh đàn ông quen biết).
14- Trắng cả lưng (nói đùa).
15- Nghĩ thế à.
16- Ulia (cái đuôi âu yếm gắn vào tên người, ví dụ Miss thì gọi là Misulia, Zina - Zinulia).
17- Ô hô! (Giễu cợt, ngạc nhiên, thán phục, căm ghét, vui sướng, khinh bỉ và hài lòng).
Số từ ít ỏi còn lại được dùng làm khâu trung gian giữa Elloska và những người đánh xe ngựa đậu trước cửa hàng bách hóa,
Nếu nhìn kỹ hai bức ảnh chụp Elloska treo ở đầu giường chồng chị ta là kỹ sư Ernest Pavlovich Sukin (một cái nhìn thẳng, một cái nhìn nghiêng), thì có thể dễ dàng nhận ra cái trán cao và dồ, cặp mắt ướt và to, cái mũi nhỏ đẹp nhất tỉnh Mátxcơva và chiếc cằm có chấm một nốt ruồi bằng mực tàu.
Tầm vóc của Elloska làm vừa lòng đàn ông. Chị ta thấp đến nỗi những người đàn ông lùn nhất đứng bên cạnh chị ta cũng trở thành những trang hảo hán cao lớn.
Ngoài ra không có đặc điểm nhận dạng nào khác. Vả lại Elloska cũng chả cần đến chúng. Như thế này chị ta cũng đã xinh chán rồi.
Hai trăm rúp lương tháng mà chồng chị ta lĩnh ở nhà máy “Flektroliustra” đối với chị ta là một sự sỉ nhục. Khoản tiền ấy không tài nào bổ trợ cuộc đấu tranh rộng lớn mà Elloska đã tiến hành suốt bốn năm nay, kể từ ngày chị ta làm vợ Sukin và sắm vai nội trợ. Cuộc đấu tranh ấy cuốn hút toàn bộ sức lực của chị ta. Nó ngốn hết mọi khoản tiền. Sukin phải đem việc về làm thêm buổi tối ở nhà, không dám thuê người ở, phải nấu ăn bằng bếp dầu hỏa, phải thân chinh đi đổ rác và thậm chí tự rán lấy món cốtlết.
Nhưng tất cả đều vô hiệu. Kẻ thù nguy hiểm cứ mỗi năm lại phá hoại kinh tế gia đình trầm trọng hơn. Cách đây bốn năm, Elloska nhận thấy rằng chị ta có một nữ đấu thủ ở bên kia đại dương. Nỗi bất hạnh đến với Elloska vào một buổi tối vui vẻ, khi chị ta ướm thử một chiếc áo nhiễu Trung Quốc đẹp cực kỳ. Mặc chiếc áo ấy vào chị ta gần như trở thành một nữ thần.
Khô – khô! – Elloska thốt lên, dùng cái từ ngữ rợn người ấy để diễn tả những cảm xúc phức tạp xâm chiếm chị ta.
Những cảm xúc ấy có thể nói bằng một câu nôm na như sau: “Trông thấy mình thế này, bọn đàn ông sẽ phải ngây ngất, run rẩy. Họ sẽ mê mệt và sẵn sàng theo ta đi cùng trời cuối đất. Nhưng ta sẽ lạnh nhạt với họ. Họ đâu xứng với ta. Ta là người đàn bà đẹp nhất. Trên trái đất này chẳng có một ai có cái áo nhiễu mê hồn như thế này”.
Nhưng vì vốn từ chỉ có ba mươi cả thảy, nên Elloska bèn chọn từ ngữ diễn cảm nhất – Khô – khô!
Giữa giây phút hùng vĩ đó, thì cô bạn Fima Sobak đến chơi. Cô ta mang theo hơi thở lạnh giá của tháng giêng và tờ tạp chí thời trang của Pháp. Elloska dừng lại ở ngay trang đầu. Tấm ảnh rực rỡ chụp cô con gái của nhà tỷ phú Mỹ Vanđerbilđ mặc chiếc váy buổi tối. Cái áo có cả lông thú lẫn lông chim, đính cả kim cương lẫn ngọc trai, lại may bằng hàng cực mỏng. Kiểu chải tóc của cô gái trong ảnh thì nhìn qua đã thấy ngất ngây. Tấm ảnh đã quyết định hết hết thảy.
– ­Ô hô! – Elloska tự nhủ với mình.
Điều đó có nghĩa: “Hoặc ta, hoặc nó”.
Sáng hôm sau, người ta thấy Elloska đến hiệu uốn tóc. Tại đây chị ta cắt đi cái bím tọc đuôi sam màu đen cực đẹp của mình và nhuộm tóc thành màu hung. Sau đó còn bước lên một bậc nữa trên cái thang đưa Elloska tới gần thiên đường, nơi con gái các tay tỷ phú – những kẻ không xứng gót chân Elloska – đang nhởn nhơ dạo chơi. Elloska đi vay tín dụng công hội để mua một bộ lông chó giả làm lông cầy hương, đính vào chiếc áo mặc buổi tối.
Mistơ Sukin từ lâu mơ ước mua chiếc bảng vẽ mới, đành thở dài thất vọng.
Cái áo dài đính cổ lông chó đã giáng cho ả con gái kênh kiệu của lão tỷ phú Mỹ đòn đầu tiên chí mạng. Rồi ả gái Mỹ ấy còn ăn liên tiếp ba đòn nữa. Elloska mua lại của tay thợ thuộc lông ở nhà Fima Sobak tấm lông sóc (thực ra là lông một loài thỏ đã bị tuyệt giống ở tỉnh Tula), may một cái mũ bằng vải dạ Achentina và chữa lại cái áo vét mới của chồng thành chiếc giakét hợp mốt cho mình. Ả gái Mỹ bị đòn loạng choạng suýt ngã, nhưng còn đứng vững hẳn là nhờ người bố tỷ phú của cô ta vốn cưng chiều con cái.
Số tiếp theo của tờ tạp chí thời trang đăng ảnh của ả đối thủ đáng nguyền rủa nọ với bốn kiểu trang phục: 1/ mặc áo lông cáo màu hung sẫm, 2/ có ngôi sao kim cương trên trán, 3/ mặc bộ quần áo ngành hàng không (ủng cao, áo vét xanh da trời mỏng dính, đôi găng đính nhiều hạt ngọc cỡ trung và 4/ y phục dạ hội (với vô số đồ trang sức quý giá và một ít tơ lụa.
Elloska tiến hành tổng động viên. Sukin đi vay nợ của quỹ tương trợ. Người ta chỉ trao cho anh ta chục rúp không hơn. Nỗ lực mới quá cao đã lay chuyển tận gốc nền kinh tế gia đình. Đành phải phấn đấu trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Cách đây ít lâu lại nhận được ảnh cô ả Mỹ nọ chụp ở lâu đài mới của ả tại Florida. Thế là Elloska cũng phải kiếm cho ra đồ gỗ mới. Chị ta mua được ở phòng bán đấu giá hai chiếc ghế mền (Món hàng quá hời! Không thể nào bỏ qua cho đành!). Elloska lấy ngay món tiền ăn để mua ghế, chẳng cần hỏi chồng. Từ giờ đến kỳ lương còn mười ngày nữa, mà chỉ có bốn rúp.
Elloska mang ghế đi dọc phố Varsonofei để khoe. Chồng chị ta vắng nhà. Nhưng chỉ lát sau là anh ta về, lễ mễ xách theo một chiếc cặp tổ bố.
– Ông chồng rầu rầu đã về – Elloska nói rõ từng tiếng. Mỗi tiếng lăn cồng cồng như củ đậu.
– Chào Elloska, cái gì thế em? Ghế đâu ra thế này?
– Khô – khô!
– Không, hỏi thật đấy.
– Đ – đẹ – ẹp!
– Ừ. Khá đấy
– Nổi quá!
– Ai tặng chăng?
– Ô hô!
– Sao?! Lẽ nào em mua? Tiền đâu mà mua? Lấy tiền ăn ư? Anh đã bảo em hàng nghìn lần rằng...
– Enstulia! Bậy!
– Sao em có thể làm như vậy?! Nhà đào đâu ra tiền ăn bây giờ?
– Nghĩ thế à!
– Không xong đâu! Cô vung tay quá trán thế này...
– Đùa!
– Đúng, đúng, cô sống bất chấp...
– Đừng dạy tôi cách sống!
– Không, ta phải nói chuyện nghiêm chỉnh với nhau. Tôi lĩnh hai trăm rúp...
– Tăm tối!
– Tôi không nhận hối lộ, không ăn cắp và cũng không làm tiền giả...
– Khiếp khủng!
Sukin im lặng một lát, cuối cùng nói:
– Không thể tiếp tục sống thế này được nữa.
– Khô – khô! – Elloska đáp và ngồi xuống chiếc ghế mới mua.
– Tôi với cô phải chia tay nhau.
– Nghĩ thế à!
– Vì không hợp tính nết. Tôi...
– Nhóc con mập và đẹp.
– Đã bao lần tôi xin cô đừng gọi tôi là nhóc con!
– Đùa!
– Mà cô lôi đâu ra những tiếng lóng ngu ngốc ấy thế!
– Đừng dạy tôi cách sống!
– Ô, quỷ quái! – viên kỹ sư thốt lên.
– Bậy! Enstulia.
– Ta hãy chia tay nhau một cách êm thắm.
– Ô hô!
– Cô chẳng chứng minh được điều gì với tôi. Cãi nhau thế này...
– Tôi sẽ đánh anh như trẻ con.
– Không, thế này thì hết chịu nổi. Lý do của cô không thể ngăn tôi thực hiện một biện pháp bất đắc dĩ. Tôi đi thuê xe ngựa ngay bây giờ đây.
– Đùa!
– Đồ đạc thì chia đôi.
– Khiếp khủng!
– Cô sẽ nhận một trăm rúp mỗi tháng. Thậm chí một trăm hai. Nhà này cũng dành cho cô. Cô muốn sống thế nào mặc cô, còn tôi không thể...
– Nổi lắm – Elloska nói, vẻ khinh bỉ.
– Tôi sẽ đến ở nhà Ivan Elekseevich.
– Ô hô!
– Anh ấy đi ra nghỉ ở ngoại ô và cho tôi mượn toàn bộ căn hộ đến suốt mùa hè. Tôi có sẵn chìa khóa đây rồi... Chỉ riêng bàn ghế là chưa có.
– Đ  – đẹ  – ẹp!
Năm phút sau Ernest Pavlovich quay lại với người lao công.
– Tủ quần áo tôi để lại cho cô vì cô cần nó hơn, còn cái bàn viết này thì xin cô làm ơn... Này bác, bác mang giùm một chiếc ghế này nữa. Trong hai chiếc, tôi lấy một. Tôi thiết nghĩ tôi có quyền làm thế chứ?!
Ernest Pavlovich gói ghém đồ dùng của mình vào một cái bọc lớn, dùng giấy báo bọc đôi ủng và quay ra cửa.
– Anh trắng cả lưng – Elloska nói to.
– Chào cô.
Anh ta hy vọng rằng lần này, dù chỉ lần này thôi, cô vợ sẽ bỏ cái lệ chỉ dùng những từ ngữ khô như thói quen của cô ta. Elloska cũng cảm nhận được toàn bộ tầm quan trọng của giây phút này. Chị ta nhăn trán căng thẳng, thử tìm những từ thích hợp với sự chia ly. Và đã tìm thấy ngay:
– Anh đi tắcxô? Đ  – đẹ  – ẹp!
Viên kỹ sư lao như bay xuống cầu thang.
Buổi tối hôm ấy, Elloska và Fima Sobak ngồi chơi với nhau. Họ thảo luận một sự kiện vô cùng quan trọng đang đe dọa phá vỡ nền kinh tế thế giới.
– Hình như sắp tới người ta sẽ mặc quần ống loa – Fima nói và rụt cổ vào vai như gà mái.
– Tăm tối.
Và Elloska kính cẩn nhìn Fima Sobak. Mađờmoaden Fima nổi danh là một cô gái có văn hóa: vốn từ ngữ của cô ta lên đến gần một trăm tám chục từ. Đã thế cô ta lại biết một từ mà Elloska có nằm mơ cũng không nghĩ ra. Đó là thuật ngữ đầy hàm súc: tình dục đồng giới. Fima Sobak hiển nhiên là một văn hóa gia.
Câu chuyện sôi nổi kéo dài quá nửa đêm.
Mười giờ sáng hôm sau, vua mánh tới phố Varsonofiev. Cậu bé lang thang chiều qua chạy đằng trước để chỉ nhà.
– Đúng nhà này chưa? Không xạo chứ?
– Chú ơi, thật đó... Đây, cổng đây.
Ostap cho cậu bé một rúp tiền công xứng đáng.
– Chú phải cho thêm cháu mới phải – cậu bé nài thêm theo kiểu dân đánh xe ngựa.
– Đến tết tao sẽ cho. Thôi chào cậu cả nhớ dai.
Ostap gõ cửa mà vẫn hoàn toàn chưa biết mình sẽ bước vào nhà vì duyên cớ gì. Về khoản nói chuyện với chị em phụ nữ thì hắn chẳng lo.
– Ô hô? – Có tiếng hỏi sau cửa.
– Tôi đến có chút việc – Ostap đáp.
 Cửa mở ra. Ostap bước vào căn phòng mà sự bày biện của nó chỉ có thể là tác phẩm của một sinh vật tư duy như loài chim gõ kiến. Trên tường treo la liệt bưu ảnh, búp bê và thảm treo tường kiểu Tam-bốp. Trên cái phông sặc sỡ, hoa cả mắt ấy, thật khó nhìn rõ nữ chủ nhân bé nhỏ. Chị ta mặc chiếc áo choàng may lại từ cái áo của Ernest Pavlovich và một tấm lông.
Ostap lập tức hiểu nên xử xự như thế nào trong xã hội thượng lưu. Hắn lim dim mắt và lùi lại một bước.
– Lông đẹp quá chừng! – Hắn thốt lên.
– Đùa! – Elloska dịu dàng nói. – Lông chuột Mêhicô đấy.
– Không thể như vậy được. Họ đánh lừa cô đấy. Loại lông này tốt hơn nhiều. Đây là lông beo Thượng Hải. Lông beo đó! Tôi biết rõ mà. Cô thấy nó lấp lánh dưới ánh nắng chứ! Như ngọc bích vậy! Như ngọc bích vậy!
Elloska đã tự tay nhuộm lông chuột Mêhicô bằng thuốc vẽ màu xanh, cho nên lời khen của vị khách khiến chị ta rất hài lòng.
Không để chủ nhân kịp tỉnh trí, vua mánh tuôn ra tất cả những gì hắn biết về lông thú. Sau đó chủ, khách bàn về tơ lụa, và Ostap hứa sẽ tặng cho cô chủ diễm lệ mấy cái kén mà hắn bảo là của ông chủ tịch Ban chấp hành nước cộng hòa Udơbêkistăng tặng.
– Anh bạn nhóc có cần thứ gì không? – Chủ nhân hỏi sau mấy phút làm quen.
– Chắc là cô ngạc nhiên về việc một người đàn ông lạ đến thăm cô sớm thế này?
– Khô – khô!
– Nhưng vì tôi có một chút việc rất tế nhị.
– Đùa!
– Hôm qua cô có tới phòng bán đấu giá và đã gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt.
– Bậy!
– Xin cô hãy rộng lượng! Nói tầm bậy với một phụ nữ kiều diễm là vô nhân đạo.
– Khiếp khủng!
Câu chuyện tiếp diễn cứ theo hướng đó và đôi khi có thể đem lại kết quả tuyệt diệu. Nhưng những câu khách sáo của Ostap mỗi một lúc một ngắn hơn, lơ lửng hơn. Hắn nhận ra rằng trong phòng không có chiếc ghế thứ hai. Đành phải lần mò dấu vết. Bằng nhiều câu hỏi đan quyện với nhau bởi thứ dây song của phương đông, Ostap đã biết được những sự kiện vừa xảy ra chiều tối hôm qua trong cuộc đời của nữ chủ nhân.
“Lại thêm một việc mới nữa, – Hắn nghĩ, – những cái ghế cứ bò đi lung tung như bầy gián.”
– Cô gái đáng yêu ơi! – Ostap bỗng nói. – Cô hãy bán cho tôi chiếc ghế này. Tôi rất ưa nó. Chỉ một phụ nữ tinh tế như cô mới có thể lựa được một vật dùng mỹ thuật như vậy. Cô hãy để lại cho tôi, tôi xin trả cô bảy rúp.
– Bậy nào, nhóc con – Elloska ranh mãnh nháy mắt.
– Khô – khô! – Ostap họa theo.
“Với con mụ này, phải hành động theo kiểu khác, – hắn quyết định. – Phải dùng hình thức trao đổi.”
– Cô em biết không, hiện giờ ở châu Âu và các gia đình giàu có ở Philađenphia người ta đã khôi phục một cái mốt cổ xưa là rót trà qua cái lọc bã trà. Vừa ép-phê, vừa lịch lãm.
Elloska dỏng tai nghe.
– Một ông bạn tôi làm công tác ngoại giao ở Viên mới về có tặng tôi một món quà thú vị.
– Chắc nổi lắm – Elloska nói.
– Ô hô! Khô – khô! Ta hãy trao đổi với nhau. Cô đưa tôi chiếc ghế, tôi đưa cô cái lọc bã trà. Được chứ?
Đoạn Ostap rút trong túi ra cái lọc bã trà mạ vàng.
Mặt trời lung la lung linh trong cái dụng cụ ấy như một quả trứng. Những con thỏ bé xíu nhảy nhót trên trần nhà. Cái góc phòng tối mờ chợt sáng bừng lên. Đồ vật này gây cho Elloska một ấn tượng đặc sắc chẳng khác gì cái vỏ đồ hộp với bộ lạc ăn thịt người Mumbo-Humbo. Trong trường hợp đó, người của bộ lạc ấy sẽ gào lên ầm ĩ. Còn Elloska thì chỉ khẽ rên rỉ:
– Khô – khô!
Không để chị ta sực tỉnh, Ostap đặt cái lọc bã trà xuống bàn, vớ ngay lấy chiếc ghế và sau khi hỏi nữ chủ nhân kiều diễm để biết địa chỉ chồng chị ta, hắn lịch thiệp cúi chào tạm biệt.