Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 17
HÃY TÔN TRỌNG NHỮNG CÁI ĐỆM GIƯỜNG HỠI BÀ CON!

     ida ơi, ta đi ăn trưa thôi!
– Em không muốn, Em ăn trưa từ hôm qua rồi.
– Anh chưa hiểu ý em.
– Em chả đi ăn thịt thỏ dỏm đâu.
– Ngốc nghếch quá!
– Em không thể xài món xúc xích không có thịt.
– Hôm nay em sẽ được ăn món sarlotka.
– Em chả thiết.
– Nói khẽ chứ. Họ nghe thấy thì phiền.
Thế là cặp vợ chồng trẻ chuyển sang nói thầm.
Hai phút sau, lần đầu tiên trong ba tháng chung sống, Kôlia hiểu rằng người vợ yêu thích món xúc xích làm bằng cà rốt, khoai tây và đậu ít hơn hẳn anh ta.
– Nghĩa là em thích ăn thịt chó hơn ăn chay hả? – Kôlia nói to – vì nóng nảy, anh ta đã quên những tay láng giềng hay nghe trộm.
– Nói khẽ chứ! – Lida quát to. – Sau nữa là anh đối xử với em quá tồi. Em thích ăn thịt! Đôi khi thôi. Như thế có gì là xấu.
Kôlia đớ người. Câu chuyện xoay chuyển bất ngờ đối với anh ta. Món thịt sẽ phá vỡ toàn bộ kế hoạch chi tiêu của anh ta. Vừa đi dạo dọc chiếc đệm trên đó Lida nổi nóng đang ngồi, anh chồng trẻ vừa nhẩm tính một cách tuyệt vọng.
Việc can-ke các bản vẽ ở văn phòng công ty “Teknosila” đem lại cho Kôlia Kalachov vào tháng nào may mắn nhất cũng không quá bốn mươi rúp. Về khoản thuê nhà thì Kôlia khỏi phải trả. Trong cái hẻm hoang vu này không có ban quản trị, còn tiền nhà ở đây chỉ là một khái niệm trừu tượng. Mười rúp chi cho việc Lida đi học lớp cắt may tổ chức tại trường trung cấp xây dựng. Một suất ăn hai người (món thứ nhất: canh suông và món thứ hai: thịt thỏ dỏm hoặc mì ống thật) mà hai vợ chồng chia đều mỗi người ăn đúng nửa suất ở nhà ăn tập thể kiêng cá thịt (nhà ăn này mang tên “Đừng biển thủ”) cũng đã bứt ra khỏi ngân sách gia đình của Kôlia mười ba rúp một tháng. Số tiền còn lại biến đi đâu không rõ, khiến Kôlia lúng túng tự hỏi. “Tiền đi đâu nhỉ” – anh ta vừa nghĩ thầm trong lúc kéo dài cây bút kẻ màu da trời để kẻ một đường dài và mảnh. Trong tình hình như vậy mà chuyển sang chế độ ăn thịt tức là tự hủy diệt. Vì thế, Kôlia thấy hăng máu lên:
– Em thử nghĩ, ai lại đi ăn thịt những cái xác súc vật bị giết chết bao giờ! Chỉ có những kẻ ăn thịt, người mạo danh văn hóa, mới làm như vậy. Tất cả các căn bệnh đều xuất phát từ thịt.
– Đương nhiên, – Lida rụt rè chế giễu, – chẳng hạn bệnh viêm họng...
– Đúng, đúng, bệnh viêm họng! Em tưởng không phải thế sao? Cơ thể con người bị mệt mỏi, suy yếu vì ăn thịt suốt đời làm sao còn khả năng chống nhiễm trùng được nữa.
– Ngốc quá nhỉ!
– Như thế mới hơi ngốc thôi. Ngu nhất là những kẻ chỉ cố tọng cho đầy dạ dày, chẳng quan tâm gì đến số lượng vitamin.
Kôlia chợt dừng lời. Kôlia thấy hoa mắt vì các thứ mì ống, cháo, vỏ khoai tây đã bị một khối cốt-lết thịt lợn to tướng nổi lên choán mất. Hình như tảng thịt này vừa mới nhảy từ trong chảo ra. Nó đang sôi lép bép và bốc thơm nghi ngút. Mẩu xương của tảng cốt-lết lòi ra như cán khẩu súng lục ngày xưa.
– Em nên nhớ rằng – Kôlia nói to, mỗi miếng cốt-lết thịt lợn làm người ta tổn thọ một tuần!
– Tổn thọ cũng được! – Lida nói – Món thịt thỏ dỏm làm người ta tổn thọ hẳn nửa năm kia. Hôm qua, lúc chúng mình ăn món cà rốt rán, em cảm thấy như đang hấp hối. Có điều là em chả muốn nói cho anh biết.
– Sao em không muốn nói?
– Em kiệt sức rồi. Lúc ấy em chỉ sợ khóc òa lên.
– Thế bây giờ em hết sợ à?
– Bây giờ thì em chả sợ quái gì nữa.
Lida khóc nấc lên.
– Lép Tônstôi, – Kôlia run run giọng, – cũng không ăn thịt.
– Vâng, – Lida nói, giọng ngạt vì nước mắt, – bá tước ăn măng tây.
– Măng tây không phải là thịt.
– Nhưng hồi viết “Chiến tranh và hòa bình”, ông ấy đã ăn thịt! Đã ăn, đã ăn, đã ăn! Và dạo viết “Anna Karenina” cũng đã xơi, đã xơi, đã xơi món thịt!
– Im đi!
– Xơi! Xơi! Xơi!
– Thế hồi viết “Bản Xônát Kreiser”, văn hào cũng xơi thịt chắc? – Kôlia hỏi một cách nham hiểm.
– ”Bản Xônát Kreiser” là một tác phẩm rất ngắn. Ví thử ông ấy ăn món xúc xích dỏm, liệu có viết nổi “Chiến tranh và hòa bình” không?
– Cuối cùng thì tại sao cô cứ đem ông Tônstôi của cô mà móc vào tôi?
– Tôi móc ông Tônstôi vào anh thật chứ? Tôi? Ai giơ ông Tônstôi ra trước?
Đôi bên đã hết xưng hô “anh anh, em em” với nhau. Các hộp bút bên cạnh tha hồ hoan hỉ. Lida vội kéo chiếc mũ đan màu xanh từ sau gáy lên phía trán.
– Cô đi đâu vậy?
– Mặc tôi. Đi có việc chứ đi đâu.
Đoạn Lida chạy ra.
“Cô ấy có thể đi đâu nhỉ” – Kôlia nghĩ và dỏng tai nghe.
– Chính quyền Xô viết để cho chị em phụ nữ nhiều dân chủ quá! – Hộp bút cuối cùng bên trái lên tiếng.
– Chắc đi ra sông tự tử! – Hộp bút thứ ba bình phẩm.
Hộp bút thứ năm châm bếp dầu lên và hôn nhau như lệ thường.
Lida xúc động chạy ra ngoài phố.
Đây là cái giờ trong ngày chủ nhật, khi những người hạnh phúc chở những cái đệm giường mua ở chợ đi trên phố Arbat.
Những đôi vợ chồng mới cưới và những người Xô viết có năng lực trung bình là khách hàng chủ yếu mua những tấm đệm lò xo. Họ chở chúng về nhà. Họ dựng chúng trên xe và dựng cả hai tay mà ôm giữ chúng. Làm sao họ lại không ôm giữ chúng, ôm giữ cái nền tảng hạnh phúc, bọc vải hoa màu xanh của mình kia chứ.
Hỡi bà con! Hãy tôn trọng cái đệm lò xo bọc vải hoa màu xanh! Đó là tổ ấm gia đình, là phần mở đầu và kết thúc của các thứ đồ đạc cần trang trí, là cái chung và cái hoàn chỉnh của không khí ấm cúng trong gia đình, là cơ sở của tình yêu, cha đẻ của cái bếp dầu! Ngọt ngào thay khi nằm ngủ trong tiếng kêu dân chủ của bộ lò xo dưới lưng! Đẹp đẽ thay giấc mơ của người nằm ngủ trên lớp vải màu xanh của đệm giường! Một sở hữu chủ của đệm giường được kính nể xiết bao!
Người bị mất đệm giường thật đáng thương. Anh ta không tồn tại nữa. Anh ta không nộp thuế, không có vợ, những người quen không cho anh ta vay tiền theo kiểu “Bao giờ trả cũng được”, các lái xe taxi ném theo anh ta những câu xúc phạm, các cô gái chế nhạo anh ta; các cô không ưa những anh chàng mơ tưởng hão huyền, những anh chàng duy tâm!
Người bị mất đệm giường phần đông viết những câu thơ đại loại:
Bura thoải mái nằm nghĩ trong nôi
Giữa tiếng chuông đồng hồ thánh thót.
Hoa tuyết bay ngoài trời
Và quạ bay như những niềm mơ ước!
Anh đứng trước ghi-sê điện báo mà sáng tác, làm cho những sở hữu chủ đứng đắn của đệm giường tới đây đánh điện phải tốn công chờ đợi.
Đệm giường làm đổ vỡ cả một đời người. Trong lớp bọc và bộ lò xo của nó ẩn giấu một sức mạnh nào đó có sức hấp dẫn cao và đến nay vẫn chưa được nghiên cứu. Người và đồ đạc cứ đổ xô đến theo tiếng vẫy gọi của lò xo đệm giường. Nhân viên phòng tài chính và các cô gái kéo đến. Họ muốn kết bạn với các sở hữu chủ đệm giường. Nhân viên phòng tài chính đến để kiểm tra pháp chế tài chính, vì lợi ích quốc gia. Còn các cô gái thì đến một cách vô tư, chỉ phục tùng các quy luật của tự nhiên.
Tuổi thanh xuân bắt đầu nở hoa. Anh nhân viên phòng tài chính, một khi thu thuế, như con ong hút nhụy hoa xuân, vo ve mừng rỡ bay về tổ của mình đặt ở quận nào đó. Người vợ và chiếc bếp dầu đã thay thế những cô gái bị đánh bật trở lui.
Đệm giường thật tham ăn. Nó đòi hỏi nhiều thứ lễ vật. Đêm đêm nó phát ra âm thanh của quả bóng rơi. Nó cần cái giá. Nó cần cái bàn đặt trên chiếc đế thô. Vì tiếng cọt kẹt của lò xo, nó đòi hỏi phải có rèm che, màn gió và bát đĩa. Nó thúc vào lưng con người và giục anh ta:
– Này ông, đi mua cối xay thịt và trục cán bột đi chứ!
– Này ông ơi, tôi xấu hổ thay cho ông đấy, đến bây giờ nhà ông vẫn chưa có thảm!
– Làm việc đi chứ! Tôi sắp giúp ông đẻ con cái! Ông cần có tiền sắm tả lót và xe nôi.
Đệm giường nhớ tất cả và làm tất cả theo ý riêng của nó.
Ngay đến nhà thơ cũng không thể thoát khỏi số phận chung. Kìa nhà thơ đang chở cái đệm giường vừa mua ngoài chợ về, đang sợ hãi ôm chặt lấy cái bụng mềm của cái đệm.
– Ta sẽ bẻ gãy đức kiên trì của ngươi, thi sĩ ạ! – Đệm giường nói. – Ngươi sẽ không cần chạy ra bưu điện làm thơ nữa. Và nói chung có đáng làm thơ không kia chứ? Bây giờ phục vụ đi! Và sai ngạch sẽ luôn luôn có lợi cho ngươi. Ngươi hãy nghĩ đến vợ con ngươi.
– Tôi chưa có vợ! – Nhà thơ quát to và lui bước trước ông thầy lò xo.
– Ngươi khắc có! Và ta không bảo đảm rằng đó sẽ là cô gái đẹp nhất trần gian. Thậm chí ta cũng không biết nàng có hiền hay dữ. Ngươi hãy chuẩn bị tinh thần. Ngươi sẽ có con.
– Tôi không thích trẻ con!
– Ngươi sẽ thích chúng!
– Bà dọa tôi đấy, bà đệm giường ạ!
– Im đi, đồ ngốc! Ngươi chưa biết hết mọi sự đâu! Rồi đây ngươi còn mua chịu đồ đạc ở cửa hàng đồ gỗ Mátxcơva cho mà xem.
– Tôi sẽ giết bà, hỡi bà đệm giường!
– Đồ chó con! Nếu ngươi dám làm điều đó, láng giềng của ngươi sẽ tố giác ngươi với ban quản trị nhà ở.
Vậy là mỗi ngày chủ nhật, những người hạnh phúc cứ đi tới đi lui trong thành phố Mátxcơva giữa tiếng reo hò của những cái đệm giường.
Nhưng dĩ nhiên, không riêng số người ấy thấy ngày chủ nhật ở Mátxcơva đẹp. Chủ nhật còn là ngày của các viện bảo tàng.
Ở Mátxcơva có một loại người đặc biệt. Họ chẳng hiểu gì về hội họa, họ không quan tâm đến kiến trúc và không ưa các hiện vật cổ xưa. Loại người này đến các viện bảo tàng chỉ vì đấy là các tòa nhà tuyệt đẹp. Họ lang thang trong các căn phòng sáng trưng, đưa cặp mắt ghen tị nhìn những cái trần nhà trang trí đẹp mắt, sờ tay vào những thứ “cấm sờ”, miệng không ngừng lẩm bẩm:
– Chà chà! Xưa kia người ta sống mới sướng chứ!
Họ chẳng cần biết các bức tường được trang trí bởi bàn tay nhà họa sĩ Pháp Puvi De Shavannei. Họ cần biết người chủ cũ tốn bao nhiêu tiền để xây biệt thự này. Họ leo cầu thang, nơi có các bức tượng đá cẩm thạch ở thềm nghỉ, và hình dung ngày xưa có bao nhiêu đầy tớ đứng đây, tiền công hàng tháng và tiền puộc-boa mà mỗi đầy tớ được nhận là bao nhiêu. Trên bệ lò sưởi có đặt đồ sứ, nhưng họ chả để ý đến nó, họ chỉ nghĩ rằng lò sưởi là thứ bất lợi và tốn kém quá nhiều củi. Ở phòng ăn, nơi thường được bọc ốp gỗ sồi, họ không thèm chú ý tới những vật chạm trổ tuyệt diệu. Họ bị dằn vặt bởi ý nghĩ: lão thương gia chủ nhà này ngày xưa đã ăn những món gì và hết bao nhiêu tiền tính theo thời giá đắt đỏ bây giờ.
Ở bất cứ viện bảo tàng nào cũng có thể tìm thấy những kẻ như vậy. Trong lúc các đoàn tham quan đi xem kiệt tác này đến kiệt tác kia, thì loại người này cứ đứng giữa phòng, chẳng nhìn cái gì, cứ rầu rĩ lẩm bẩm.
– Chà chà! Ngày xưa người ta sống mới gớm chứ!
Lida vừa chạy ngoài phố, vừa nuốt nước mắt. Các ý nghĩ đuổi cô dồn dập. Cô nghĩ đến cuộc sống hạnh phúc và nghèo đói của mình.
“Giá như có thêm một cái bàn và hai chiếc ghế, thì thật là đầy đủ. Và cả bếp dầu cũng phải có. Phải tổ chức cuộc sống chứ.”
– Thật chẳng ra thể thống gì hết! – Cô nói lên thành tiếng.
Cái đói nổi lên cồn cào.
– Được, được lắm. Chính mình đã biết mình phải làm gì rồi.
Đoạn Lida đỏ mặt mua của bà bán rong một cái bánh mì kẹp giò. Dù cô đói đến mấy đến mấy, song ăn ngay ngoài đường cũng bất tiện. Gì thì gì chứ cô cũng là một sở hữu chủ đệm giường và cũng hiểu chân tơ kẽ tóc của cuộc sống. Cô ngoảnh mặt lại đàng sau rồi rẽ vào cổng một cái biệt thự hai tầng. Ở đây, với cảm giác cực kỳ thích thú, cô bắt đầu xử lý cái bánh vừa mua. Miếng giò hết ý. Một đoàn tham quan đi vào cổng. Lúc ngang qua chỗ Lida đứng bên tường, đoàn người cứ nhìn nhìn cô.
“Kệ cho họ nhìn!” – Lida nổi cáu nghĩ thầm.