Dịch giả: Lê Khánh Trường
Chương 9
MÁI TÓC XOĂN CỦA CHA ĐÂU RỒI?

     rong lúc Ostap xem xét nhà dưỡng lão No2 thì Ippolit Matveevich bước ra khỏi căn hầm của lão quét vườn, cảm thấy cái đầu không tóc lạnh toát, ông bắt đầu đi thăm các đường phố của thành phố quê hương.
Dòng nước mùa xuân trong veo chảy trên mặt cầu. Những giọt băng trên mái nhà nứt vỡ, tan chảy, nhỏ tí tách dưới các mái hiên. Bầy chim sẻ bâu lấy những đống phân ngựa. Mặt trời lấp ló sau các mái nhà. Những con ngựa thồ hàng nặng nề gõ móng cồm cộp xuống mặt đường lát đá, tai cụp xuống như để lắng nghe tiếng gõ móng của chính mình. Trên các cột điện thoại ẩm ướt dán những mảnh giấy thông báo viết chữ nhòe nhoẹt “Dạy chơi ghi-ta theo hệ thống số” và “Dạy các bài học xã hội cho thí sinh chuẩn bị thi vào nhạc viện dân tộc”. Một trung đội hồng quân quân đội mũ bịt tai mùa đông đang vượt qua một vũng nước chạy dài từ cửa hàng Stargiko đến tận trụ sở Ủy ban kế hoạch tỉnh mà mặt tiền của tòa nhà được trang trí bằng các tượng thạch cao chạm khắc những con cọp, những trận thắng và những con rắn hổ mang.
Ippolit Matveevich vừa đi vừa hứng thú nhìn những người bộ hành đi ngược lại hoặc đi ngang qua. Ông đã sống ở nước Nga toàn bộ cuộc đời và từ cách mạng đến nay, đã thay hình đổi dạng, đã thay đổi sinh hoạt. Ông đã quen với chuyện ấy, vậy mà tưởng chừng ông chỉ mới quen với một điều trên trái đất – ấy là thị trấn N. Trở về thành phố quê hương lần này, ông cảm thấy mình chẳng hiểu điều gì cả. Thấy ông lạ lẫm và mất tự nhiên, tựa hồ ông là Nga kiều thật sự mới từ Pari tới. Ngày xưa, khi ngồi trên xe đi lại trong thành phố, thế nào ông cũng gặp người quen biết. Bây giờ ông đã đi qua bốn đoạn đường trên phố Các sự kiện Lenski, vậy mà không gặp một mặt quen. Họ đã biến mất, hoặc đã già nua đến mức không nhận ra nữa, mà cũng có thể là vì bây giờ họ mặc quần áo khác, đội mũ khác. Có thể họ đổi cách đi đứng. Dẫu sao ông không hề gặp một ai quen biết cả.
Ippolit đi, người rét run, mặt tái nhợt, vẻ lúng túng. Ông quên rằng mình cần tìm đến phòng nhà đất. Ông đi từ hè phố bên này sang hè phố bên kia và thường ngoặt vào những hẻm nhỏ, nơi mà bầy ngựa thồ cố tình gõ móng thật mạnh. Mùa đông còn ngự trị nhiều hơn ở các ngõ hẻm; đây đó vẫn còn băng. Cả thành phố đã đổi màu. Những ngôi nhà màu xanh nước biển đổi thành màu xanh lá cây, màu vàng đổi thành màu xám. Chòi canh cứu hỏa vắng tanh vắng ngắt, đường phố thì ồn ào hơn hẳn ngày xưa.
Trên đại lộ Đại Puskin, Ippolit kinh ngạc vì thấy có đường ray xe điện ngoằn ngoèo mà ngày xưa không hề có ở Stargorot. Ippolit không đọc báo nên không biết rằng đến ngày mồng một tháng năm này ở Stargorot người ta đang chuẩn bị khánh thành hai tuyến đường xe điện Vogzaluaia và Privoznaia. Lúc thì Ippolit có cảm tưởng ông chưa hề xa rời Stargorot, lúc thì ông lại ngỡ mình mới đặt chân đến đây lần đầu.
Với ý nghĩ ấy, ông đi tới phố Mác và Ang-ghen. Ở đây ông cảm giác thời ấu thơ, rằng góc ngôi nhà hai tầng có ban công dài kia sắp hiện ra một người quen cũ. Ippolit thậm chí dừng bước chờ đợi nhưng không thấy người quen bước ra. Ban đầu, từ ngôi nhà xuất hiện một anh thợ cắt kính bưng một hòm kính Bema và hộp mát-tít. Rồi đến một gã công tử đội mũ cát-kết vàng may bằng da quý. Tiếp sau là một tốp học sinh tiểu học đeo túi sách.
Bỗng Ippolit Matveevich cảm thấy nóng nực ở hai lòng bàn tay và lạnh toát trong bụng. Đang tiến thẳng về phía ông là một người lạ có khuôn mặt hiền từ, hai tay nâng niu chiếc ghế như một cây đàn violonsel, Ippolit đột nhiên nấc lên mấy cái nhìn kỹ, lập tức nhận ra chiếc ghế của mình.
Phải rồi! Đích thực đây là chiếc ghế bọc vải hoa Ăng-lê, thứ vải hoa đã xỉn đi trong bão táp cách mạng; đích thực chiếc ghế chân cong làm bằng gỗ hồ đào. Ippolit tưởng đâu sét đánh ngang tai.
– Mài dao kéo đe-e-ê! Ai mài dao kéo đe-e-ê! – Một giọng nam cất lên bên cạnh.
– Ai mua báo “Tin tức”, tạp chí “Thích đùa”, “Ni-va đỏ” đây!...
Ở đâu đó trên cao có tiếng kính vỡ. Một chiếc xe vận tải của công trường nào đấy chạy qua rầm rầm. Tiếng còi ré lên của anh chiến sĩ công an. Cuộc sống sôi sục, trào cả ra ngoài. Không nên để mất thời gian.
Bằng bước nhảy của một con báo, Ippolit Matveevich áp sát kẻ lạ mặt và lẳng lặng giằng lấy chiếc ghế. Kẻ lạ mặt kéo chiếc ghế theo chiều ngược lại. Ippolit bèn dùng tay trái giữ chặt chiếc chân ghế, còn tay kia ráng sức gỡ các ngón tay của kẻ lạ mặt đang bám riết chiếc ghế ra.
– Bớ kẻ cướp, – kẻ lạ mặt thì thầm và càng giữ chặt ghế hơn.
– Bỏ ra, bỏ ra – Ippolit vừa nói liến láu vừa tiếp tục gỡ các ngón tay của kẻ lạ mặt.
Người ta xúm lại đông dần. Đã có ba nhân vật đứng ngay bên cạnh quan sát tình huống xung đột với một thái độ cực kỳ thích thú.
Thấy vậy, cả hai sợ hãi nhìn quanh, rồi không nhìn nhau, song cũng không buông tay ra khỏi chiếc ghế, vội vã dấn bước, tựa hồ chẳng có chuyện gì xảy ra.
“Thế là cái quái gì nhỉ?” – Ippolit tuyệt vọng nghĩ.
Còn kẻ lạ mặt nghĩ gì thì ta không biết, chỉ thấy dáng điệu người ấy vô cùng kiên quyết.
Họ đi mỗi lúc một nhanh và thấy một cái hẻm vắng, rãi đầy sỏi cát cùng vật liệu xây dựng, họ cùng rẽ vào đó như theo một mệnh lệnh ban ra. Tới đây, sức lực của Ippolit tăng lên gấp bốn.
– Buông ra! – ông hét lên, chẳng e ngại gì nữa.
– Ôi, cứu tôi với! – Kẻ lạ mặt kêu lên khe khẽ.
Và vì hai tay của hai người đều bận giữ chiếc ghế, cho nên họ bắt đầu dùng chân chọi nhau. Ủng của kẻ lạ mặt đóng cá sắt nên thoạt đầu Ippolit bị nhiều cú đau nhoi nhói. Nhưng ông nhanh chóng thích nghi bằng cách lúc nhảy sang phải lúc sang trái, như đang nhảy điệu cra-cô-vi-ắc, để tránh đòn của đối phương và cố hạ đối phương, bằng cách đá vào bụng. Nhưng chiếc ghế làm ông vướng víu, không đá được vào bụng kẻ thù. Ông bèn sút vào đầu gối kẻ lạ mặt, khiến y sau đó chỉ còn vận động được một bên chân trái.
– Ôi giời ơi! – Kẻ lạ mặt khẽ rên rỉ.
Lúc này Ippolit nhận ra rằng kẻ lạ mặt đánh cắp chiếc ghế của ông không phải ai khác, mà chính là vị cố đạo của nhà thờ Flor và Lavr, tức cha Fêđor Vostrikov.
Ippolit Matveevich sững người.
– Cha mẹ ơi!, – Ông thốt lên và kinh ngạc buông tay ra khỏi chiếc ghế.
Cha Fêđor cũng tái mặt, buông cả hai tay. Không ai nắm giữ, chiếc ghế rơi phịch xuống chỗ mấy viên gạch vỡ.
– Râu ria của ông đâu rồi, ông Ippolit kính mến – nhà tu hành hỏi bằng giọng thật cay độc.
– Thế mái tóc xoăn của cha đâu? Cha có mấy mớ tóc xoăn kia cơ mà?
Một sự khinh bỉ chưa từng thấy toát ra từ lời lẽ của Ippolit. Ông nhìn cha Fêđor bằng một cái nhìn cao quý lạ thường, rồi cúi xuống kẹp nách chiếc ghế, quay mình định bước đi. Nhưng cha Fêđor đã hết lúng túng, đâu có để cho Ippolit chiến thắng dễ dàng như vậy. Miệng kêu: “Xin lỗi, đừng làm thế!” – cha lại chộp chiếc ghế. Thế trận ban đầu được khôi phục! Đôi bên hai tay nắm giữ chân ghế, quắc mắt nhìn nhau như hai con mèo hoặc hai lực sĩ quyền anh, nhùng nhằng kéo qua kéo lại.
Không khí im lặng căng thẳng kéo dài hàng phút.
– Thưa đức cha chí tôn chí kính, – Ippolit nghiến răng kèn kẹt, – vậy là cha muốn săn tìm tài sản của tôi.
Vừa nói, Ippolit vừa đá một miếng ra trò vào đùi đức cha đáng kính.
Cha Fêđor khéo léo né tránh và sút vào bẹn đối thủ khiến hắn gập người xuống.
– Đấy không phải là tài sản của ông.
– Thì của ai?
– Không phải của ông, không phải của ông.
– Thế thì của ai? Của ai?
– Không phải của ông.
Miệng vừa rít lên như thế, chân họ vừa phóng cước vào nhau.
– Vậy thì đây là tài sản của ai? – trong lúc tung cước vào bụng đức cha, nhà đô thống quý tộc quát to.
Nén đau, đức cha khẳng định quả quyết:
– Đây là tài sản đã quốc hữu hóa.
– Quốc hữu hóa?
– Phải, phải, đã bị quốc hữu hóa.
Họ nói nhanh lạ lùng, đến nỗi các từ ngữ luyến vào nhau.
– Ai quốc hữu hóa?
– Chính quyền Xô viết! Chính quyền Xô viết!
– Chính quyền nào?
– Chính quyền của nhân dân lao động.
– A-a-a! – Ippolit lạnh toát cả người – chính quyền của nông dân và công nhân phải không?
– Đúng thế!
– Hừm... ư... ừm!... Có lẽ, thưa đức cha chí tôn chí kính, đức cha là đảng viên chăng?
– Có thể lắm!
Đến đây thì Ippolit không chịu nổi nữa, nghe ba tiếng “có thể lắm” ông bèn nhổ một bãi nước miếng vào khuôn mặt đôn hậu của cha Fêđor. Cha Fêđor lập tức nhổ lại và cũng trúng mặt Ippolit. Chẳng biết lấy gì để lau nước bọt trên mặt, vì bốn cái tay đã bận nắm chiếc ghế cả rồi. Ippolit phát ra một tiếng như tiếng kẹt cửa và dùng hết sức bình sinh đẩy chiếc ghế về phía kẻ thù. Kẻ thù ngã chổng kềnh, kéo theo cả Ippolit đang thở phì phà phì phò. Trận giằng co tiếp diễn trong tư thế nửa nằm nửa ngồi.
Bỗng rắc một tiếng, cả hai chân trước của ghế cùng gãy. Quên hẳn nhau, hai đối thủ bắt đầu hành hạ khối gỗ hồ đào cất giữ của báu. Lớp vải hoa Ăng-lê bọc ngoài bị xé toạc phát ra âm thanh nghe như tiếng kêu thảm thiết của chim hải âu mất bạn. Thành ghế cũng bị lột trần. Mặt ghế với những khuy đồng được bóc xé. Bốn bàn tay thọc ngay xuống lớp lò xo và đám len nhồi. Mấy cái lò xo bị động chạm khẽ rên rỉ. Năm phút sau, cả chiếc ghế tan tành chỉ còn là những mảnh, mẩu. Lò xo mỗi cái quăng một phía. Gió thổi các túm len hôi hám bay phất phơ. Mấy cái chân gãy nằm dưới hố; kim cương chả thấy một hạt.
– Sao, tìm thấy chưa? – Ippolit thở hổn hển, hỏi.
Cha Fêđor, người dính đầy sợi len, lặng thinh phủi quần áo.
– Cha là đồ áp-phe! Ippolit quát to – Tôi sẽ vả vỡ miệng cha ra!
– Đâu có dễ, – đức cha trả lời.
– Người dính đầy lông len thế này thì cha đi đâu được bây giờ?
– Tôi đi đâu thì dính dáng gì đến ông?
– Nhục quá đấy cha ơi! Cha là quân ăn cắp!
– Tôi chả ăn cắp của ông cái gì!
– Tại sao cha biết chuyện này? Cha lợi dụng bí mật xưng tội cho lợi ích riêng tư chứ gì? Đẹp mặt đức cha quá nhỉ?
Ippolit xì một tiếng rõ dài, rời bỏ con hẻm, vừa đi vừa phủi tay áo bành tô. Ở ngã tư giữa phố Các sự kiện Lenski và phố Eroleep, Ippolit nhìn thấy vị thành viên ký hợp đồng đang đứng nghiêm người về phía Ippolit, ghếch chân lên thuê đánh giày. Ippolit chạy lại chỗ hắn. Vị giám đốc kỹ thuật đang khẽ hát bài “Simmi”.
Ngày xưa bầy lạc đà làm như thế
Làm như thế, ngày xưa bầy dê núi
Bầy dê núi làm như thế,
Còn bây giờ cả thế giới.
Cả thế giới cùng nhảy điệu “Simmi”
– Tìm ra phòng nhà đất chứ? – Ostap hỏi và nói luôn. – Hượm đã, rồi hãy kể, ông đang xúc động thì phải.
Sau khi cho chú bé đánh giày bảy cô-pếch, Ostap kéo tay Ippolit đi dọc phố. Tất cả những gì Ippolit xúc động kể lại đều được Ostap chăm chú lắng nghe.
– Thế hả! Râu lão ta thưa và đen chứ gì? Đúng rồi! Lão ta mặc áo bành tô cổ lông cừu phải không? Tôi hiểu rồi. Đúng là chiếc ghế lão ta mua ba rúp sáng nay ở nhà dưỡng lão.
– Thôi anh cứ để tôi kể nào...
Rồi Ippolit thông báo cho giám đốc kỹ thuật mọi hành động đê tiện của cha Fêđor.
Ostap sầm mặt lại.
– Hỏng, – hắn nói – Một đối thủ nguy hiểm. Ta phải nhanh tay hơn nó. Còn cái khoản vả vào mõm nó thì làm lúc nào chẳng được.
Trong lúc hai người ăn chiều ở quán nhậu “Stenka Razin”, khi Ostap biết được phòng nhà cửa trước kia nằm ở đâu và bây giờ ngôi nhà ấy là của cơ quan nào, thì trời vừa tối.
Những con ngựa màu vàng lại trở thành màu nâu, Những giọt nước trong veo đóng băng giữa lúc đang rơi và rơi tanh tách xuống đất. Ở các quán nhậu và ở tiệm ăn “Fenike”, giá bia đã tăng lên vì trời đã tối. Trên đại lộ “Đại Puskin” đèn điện bật sáng, và một đôi thiếu niên tiền phong kết thúc chuyến đi chơi đầu tiên trong mùa xuân đang trên đường về nhà với tiếng trống bập bùng.
Những con cọp, những trận thắng và những con rắn hổ mang đắp trên tòa nhà ủy ban kế hoạch tỉnh sáng lên bí hiểm dưới ánh trăng đang len vào thành phố.
Trên đường quay về với tay Ostap bỗng nhiên trở nên im lặng, Ippolit nhìn những con cọp và rắn hổ mang trên tòa nhà ủy ban kế hoạch tỉnh. Ngày xưa đây là sở điền địa của tỉnh, và người ta rất tự hào về bầy rắn hổ mang, coi chúng là một thắng cảnh của Stargorot.
“Nhất định mình sẽ tìm ra” – Ippolit nghĩ khi ngắm kỹ trận thắng miêu tả bằng thạch cao.
Những con cọp dịu dàng quật đuôi, những con rắn hổ mang vui vẻ thu mình lại, và tâm hồn Ippolit Matveevich tràn ngập niềm tin.