Dịch giả: Di Li
Chương 8

     hi anh đến, Lucy vẫn còn đang ngủ và tôi thì đang pha cà phê. Tôi mở cửa cho anh vào, hoảng hồn khi nhìn ra phố. Qua một đêm, Richmond như biến thành kính hết cả. Tôi nghe tin tức trên đài nói rằng những cành cây gãy đã làm đứt đường điện ở một số vùng trong thành phố.
- Có gặp vấn đề rắc rối gì không? - Tôi hỏi khi đóng cửa lại.
- Phụ thuộc cô muốn hỏi việc gì. - Marino để túi đồ tạp phẩm xuống bàn, cởi áo khoác và đưa nó cho tôi.
- Đường sá ấy.
- Tôi xử lý được, nhưng vẫn phải lang thang ngoài đường tới tận nửa đêm. Mệt chết đi được.
- Được rồi. Tôi lấy cho anh ít cà phê nhé.
- Cô cháu gái đâu rồi?
- Đang ngủ.
- Yo! Chắc đang ngủ ngon lắm. - Anh lại ngáp.
Tôi bắt đầu làm món salát hoa quả trong căn bếp rất nhiều cửa sổ. Ngoài kia, dòng sông ánh lên lững lờ. Những mỏm đá cũng rực sáng. Trên các cành cây, tất cả bắt đầu lấp lánh trong nắng sớm, Marino tự rót một ly cà phê, thêm chút đường và kem.
- Cô cũng dùng một chút chứ? - Anh hỏi.
- Cà phê đen thôi.
- Giờ phút này thì đừng có kể cho tôi cái gì vội nhé.
- Tôi chưa bao giờ đưa ra bất cứ giả thuyết nào cả. - Tôi nói và lấy đĩa trong ngăn kéo - Đặc biệt là về đàn ông, những kẻ dường như luôn có chung một đặc điểm di truyền theo thuyết Menden khiến họ không thể nhớ những chi tiết quan trọng đối với phụ nữ.
- Thôi được rồi, tôi sẽ cho cô một danh sách những điều mà Doris không bao giờ nhớ tới, bắt đầu bằng việc cô nàng luôn sử dụng các dụng cụ của tôi và không bao giờ trả về chỗ cũ. - Anh bắt đầu nói về vợ cũ của mình.
Anh nhìn quanh như thể đang muốn hút thuốc. Tôi sẽ không để anh hút ở đây.
- Tôi đoán Tony chưa bao giờ pha cà phê cho cô. - Anh nói.
- Tony gần như chưa bao giờ làm cho tôi điều gì trừ việc thử khiến tôi mang bầu.
- Anh ta đã làm không tốt lắm trừ phi cô không muốn sinh con.
- Tôi không muốn có con với anh ta.
- Còn bây giờ thì sao?
- Tôi vẫn không muốn có con với anh ta. Đây! - Tôi đưa cho Marino một cái đĩa - Ngồi xuống đi.
- Đợi một phút. Đây sao?
- Anh còn muốn gì nữa?
- Chết tiệt, đây không phải đồ ăn. Còn mấy lát xanh xanh cùng với mấy hạt đen đen kia là cái quái gì thế?
- Quả kiwi tôi nhờ anh mua về mà. Tôi dám chắc là anh đã từng ăn rồi. - Tôi kiên nhẫn nói - Tôi còn có bánh vòng trong tủ lạnh đấy.
- Được, tuyệt thật. Cùng với pho mát kem. Cô có ít hạt thuốc phiện không?
- Nếu hôm nay anh phải kiểm tra chất gây nghiện thì sẽ dương tính với moóc phin đấy.
- Đừng có cho tôi thêm món gì không béo nữa. Cứ như ăn bột vậy.
- Bột tốt quá chứ sao.
Tôi nhân nhượng cho anh thêm ít bơ, để anh có cảm giác được sống một lát. Tôi và Marino còn hơn cả đồng nghiệp hay bạn bè. Chúng tôi dựa vào nhau theo cách mà không ai có thể giải thích được.
- Nào, giờ thì hãy kể cho tôi nghe cô đã làm đưọc những gì. - Anh nói khi chúng tôi ngồi vào bàn ăn được làm bằng một tấm kính lớn - Tôi biết cô đã thức cả đêm để làm gì đó.
Anh cắn một miếng bánh lớn và với tay lấy nước hoa quả. Tôi kể cho anh nghe về chuyến thăm bà Edddings và những dòng tôi đã viết rồi gửi fax cho những số mà tôi còn chẳng biết là ở đâu.
- Thật kỳ lạ là cậu ta đã gửi fax đến mọi nơi trừ văn phòng của mình.
- Anh ta có gửi hai cái fax tới văn phòng. - Tôi nhắc.
- Tôi cần phải nói chuyện với những người đó.
- Chúc may mắn. Hãy nhớ, họ đều là nhà báo cả.
- Đó chính là điều khiến tôi lo lắng. Với những kẻ rỗi hơi đó thì Eddings chỉ là một câu chuyện khác nữa mà thôi. Điều duy nhất bọn chúng quan tâm là chúng sẽ làm gì với những thông tin có được. Cái chết của cậu ta càng tồi tệ thì chúng càng thích thú.
- Vậy à, tôi không biết. Nhưng tôi e rằng những kẻ quen biết cậu ta ở đó sẽ rất cẩn trọng về những điều sẽ nói. Tôi không dám buộc tội họ, nhưng việc điều tra về một cái chết là điều mà nhiều người không muốn liên can đâu.
- Tình trạng cậu ta thế nào? - Marino hỏi.
- Hy vọng là hôm nay có kết quả. - Tôi nói.
- Tốt. Cô đã có xác nhận đó là chất cyanide, sau đó chúng ta có thể tìm hiểu nó được sử dụng như thế nào. Như vậy, tôi sẽ phải cố giải thích với chỉ huy của Đội A và tôi đang chưa biết mình sẽ làm cái quái gì với tụi Keystone Kops [1] ở Chesapeake. Tôi sẽ phải nói với Wesley đó là một vụ giết người và anh ta sẽ cuống lên tìm bằng chứng vì anh ta cũng như đang ngồi trên đống lửa.
Tôi lơ đễnh khi nghe nhắc đến tên Wesley. Tôi nhìn qua cửa sổ xuống dòng nước đang cuộn lên xô ào ạt vào những tảng đá lớn sẫm màu. Mặt trời khiến những đám mây xám rạng lên phía đằng đông. Tôi nghe thấy tiếng vòi nước chảy phía phòng của Lucy ngủ.
- Có vẻ công chúa ngủ trong rừng đã dậy rồi. - Marino nói - Con bé có cần đi nhờ xe không?
- Tôi nghĩ hôm nay con bé sẽ chạy qua văn phòng đại diện. Chúng ta đi đi thôi. - Tôi nói thêm vì cuộc họp giao ban ở văn phòng tôi luôn bắt đầu lúc tám rưỡi.
Anh giúp tôi thu dọn bát đĩa và cho vào bồn rửa. Vài phút sau, tôi đã mặc áo khoác sẵn sàng, đeo túi y tế và túi xách cầm tay. Cô cháu tôi xuất hiện ở phòng khách với mái tóc ướt và áo khoác quấn chặt.
- Cháu vừa trải qua một cơn ác mộng. - Con bé nói với giọng mệt mỏi - Ai đó đã bắn chúng ta khi đang ngủ. Một viên đạn chín li vào gáy. Kiểu như một vụ cướp vậy.
- Ồ, thật sao? - Marino hỏi khi xỏ vào tay chiếc găng da thỏ - Thế súng của cháu để đâu? Vì điều đó sẽ không xảy ra nếu chú ở trong nhà.
- Lúc đó lại không có chú ở đấy.
Anh nhìn con bé một cách băn khoăn khi chợt nhận ra rằng nó thực sự nghiêm túc.
- Tối qua cháu đã ăn cái quái gì thế?
- Như một bộ phim vậy. Chắc hẳn đã kéo dài hàng tiếng.
Con bé nhìn tôi bằng đôi mắt thâm quầng và mất hết thần sắc.
- Cháu có muốn đến văn phòng với dì không? - Tôi hỏi.
- Không sao, cháu ổn mà. Điều cuối cùng mà cháu cảm thấy bây giờ là cứ như thể đang có hàng tá xác chết xung quanh mình.
- Cháu sẽ đến gặp vài cộng sự quen ở đây chứ? - Tôi lo lắng nói.
- Cháu chưa biết nữa. Chúng cháu sẽ lại tiếp tục làm thí nghiệm về hệ hô hấp ôxy tuần hoàn kín, nhưng cháu chưa chuẩn bị tinh thần để mặc một bộ đồ nhái mà chui vào trong cái bể bốc mùi clo ấy đâu. Cháu nghĩ cháu sẽ chỉ quanh quẩn ở đâu đó chờ xe rồi về thôi.
Tôi và Marino không nói chuyện nhiều trong lúc lái xe vào trung tâm. Những bánh xe to tướng của anh ma sát với mặt đường đóng băng tạo ra những âm thanh nghe phát ghê răng. Tôi biết anh cũng lo lắng cho Lucy. Lo lắng kể cả khi anh mắng con bé, mà nếu có ai đó định làm điều tương tự thì hẳn Marino sẽ hạ gục hắn bằng đôi bàn tay to khỏe ấy. Anh biết con bé từ khi nó mới mười tuổi. Chính Marino đã dạy nó bắn súng và lái xe bán tải.
- Này, tôi có điều muốn hỏi cô. - Cuối cùng anh cũng cất lời khi dòng xe cộ trên đường chạy từ từ qua trạm soát vé - Cô nghĩ Lucy có ổn không?
- Ai cũng có thể gặp ác mộng mà.
- Chào Bonita. - Anh chào cô soát vé và chìa tấm thẻ của mình ra cửa xe - Khi nào thì cô sẽ làm cái gì đó để xử lý kiểu thời tiết này chứ?
- Đừng đổ lỗi cho tôi, ông đại tá. - Cô trả lại thẻ và cánh cửa nâng lên - Anh đã bảo tôi là anh đang làm nhiệm vụ đấy.
Giọng nói vui vẻ của cô vọng theo khi chúng tôi lái xe đi, và tôi nghĩ thật buồn khi chúng ta đang phải sống ở cái thời đại mà ngay cả người soát vé cũng phải đeo găng cao su vì sợ bị chạm vào da thịt của ai đó. Tôi băn khoăn liệu rồi có đến một lúc nào đấy, tất cả chúng ta sẽ phải sống trong những cái bong bóng miễn dịch để không phải chết vì nhiễm virus Ebola hay AIDS không.
- Tôi chỉ nghĩ con bé cư xử hơi lạ một chút thôi. - Marino nói tiếp khi kéo cửa kính lên. Ngừng một lát, anh hỏi - Janet đâu?
- Đang ở nhà dưới Aspen, tôi nghĩ vậy.
Anh nhìn thẳng phía trước và tiếp tục lái xe.
- Sau tất cả những chuyện đã xảy ra ở nhà tiến sĩ Mant, tôi không trách Lucy vì cái tội nó lo lắng thái quá. - Tôi nói thêm.
- Khỉ thật, con bé luôn là người đi tìm kiếm những rắc rối. - Anh nói - Nó chẳng bao giờ biết than phiền cả. Đó là lý do tại sao trên Cục cứ để cho nó kiệt sức với vụ thí nghiệm liệu pháp thay thế hormon. Nào thì là bạn không được phép than phiền khi đối mặt với bọn phân biệt chủng tộc và khủng bố người da trắng. Vì thế nó không thể ốm chỉ vì gặp một giấc mơ tồi tệ chết tiệt nào đó.
Ra khỏi đường cao tốc, anh rẽ vào lối ra của đường số 7, đi vào những con phố trải đá cuội cũ kỹ ở Shockoe Slip, sau đó lái về hướng bắc vào đường 14 nơi tôi vẫn đến làm việc hàng ngày lúc còn ở thành phố. Phòng Giám định Pháp y của Virginia là một tòa nhà thấp được trát vữa stuco với những cửa sổ nhỏ thẫm màu, chúng luôn khiến tôi liên tưởng đến những đôi mắt tò mò, khó ưa. Tôi ngắm những khu nhà ổ chuột ở phía đông và khu bờ sông ở phía tây lơ lửng trên đầu là những con đường cao tốc và đường ray cắt ngang bầu trời.
Marino đã lùi xe vào bãi đậu đằng sau, ở đây có vô số xe trông rất ấn tượng, nhìn đã biết chất lượng của đường sá thế nào rồi. Tôi ra khỏi xe rồi tiến đến một cánh cửa xếp đóng kín. Tôi lấy chìa mở cửa, và lại tiếp tục mở một cửa khác nữa. Đi dọc hành lang xếp kín những chiếc xe cáng, tôi vào nhà xác, nghe thấy loáng thoáng tiếng người đang làm việc dưới sảnh. Phòng mổ tử thi ở ngay bên phòng lạnh, giờ đang mở toang cửa. Tôi bước vào trong khi Fielding, tay phó của tôi đang tháo các loại ống khác nhau và cả một ống dẫn nước tiểu ra khỏi xác một phụ nữ trẻ ở chiếc bàn thứ hai.
- Cô trượt băng để tới đây đấy à? - Anh ta hỏi và dường như chẳng ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi.
- Gần như là thế. Có thể hôm nay tôi sẽ phải mượn tạm chiếc xe cà tàng của anh vậy. Hiện giờ tôi không có xe.
Anh ta cúi xuống gần hơn xác nạn nhân, vẻ mặt hơi nhăn lại khi xem xét hình xăm một con rắn chuông uốn lượn quanh ngực trái đang sệ xuống của người phụ nữ, miệng con rắn như cố vươn đến núm vú của cô ta.
- Cô thử nói xem sao người ta lại có thể xăm cái thứ quái quỷ như thế này chứ? - Fielding nói.
- Tôi có thể khẳng định gã thợ xăm hình lãi to đây. - Tôi nói - Kiểm tra bên trong môi dưới của cô ta xem. Có thể cũng có một hình xăm ở đấy.
Anh ta kéo môi dưới ra và bên trong xuất hiện những chữ cái ngoằn ngoèo: “Mẹ mày”. Fielding nhìn tôi đầy kinh ngạc.
- Sao cô biết điều đó?
- Đây toàn là những hình xăm tự làm. Trông cô này giống như một tay đua và tôi đoán cô ta cũng không xa lạ gì lắm với các trại giam.
- Đúng vậy. - Anh ta với một cái khăn sạch và lau mặt.
Anh bạn đồng nghiệp lực lưỡng của tôi lúc nào trông cũng như sắp xé nhỏ đối thủ của mình vậy, và luôn mồ hôi mồ kê nhễ nhại trong khi những người khác còn chưa thấy ấm lên một chút nào. Nhưng anh ta là một chuyên gia giỏi của tòa án. Con người này rất dễ chịu và chu đáo, và tôi tin vào lòng trung thành của anh ta.
- Có thể cô ta đã dùng quá liều. - Anh ta giải thích trong khi vẽ lại hình xăm trên bản báo cáo. - Tôi nghĩ năm mới của cô ta hơi quá vui vẻ.
- Jack, anh đã làm việc với cảnh sát Chesapeake bao nhiêu vụ rồi? - Tôi hỏi.
Anh ta vẫn tiếp tục vẽ.
- Cũng ít thôi.
- Không có vụ nào gần đây à?
- Tôi thực sự không nghĩ vậy. Sao, có chuyện gì vậy? - Anh ta thoáng nhìn tôi.
- Tôi đã có một cuộc gặp gỡ khá kỳ lạ với một trong những thám tử của họ.
- Trong vụ Eddings ấy à? - Anh ta bắt đầu lau qua cái xác, mái tóc dài màu đen xõa ra trên mặt bàn sáng bóng.
- Đúng vậy.
- Cô biết không, thật kỳ lạ nhưng Eddings cũng chỉ mới gọi cho tôi. Chưa đầy một ngày trước khi cậu ta chết. - Fielding vừa nói vừa tháo tất dài ra.
- Cậu ta muốn gì? - Tôi hỏi.
- Lúc ấy tôi đang làm việc trong này nên không đời nào lại chịu nói chuyện với cậu ta cả. Giờ thì tôi ước gì mình đừng làm thế. - Anh ta trèo lên một cái thang đứng và bắt đầu chụp ảnh bằng một chiếc máy Polaroid - Cô ở lại thành phố lâu không?
- Tôi chưa biết.
- Vậy à, nếu cô cần tôi giúp gì ở Tidewater, tôi sẽ cố gắng. - Đèn flash lóe sáng và anh ta đang chờ cho ảnh ra - Tôi không biết đã kể cho cô nghe chưa nhưng Ginny lại có thai và có lẽ rất muốn được đi đâu đó. Cô ấy đang thích ra biển. Hãy cho tôi biết tên của tay thám tử mà cô đang lo ngại, tôi sẽ để mắt đến hắn ta.
- Tôi đang ước sẽ có ai đó làm như vậy. - Tôi nói.
Máy ảnh lại lóe sáng, và tôi nghĩ đến căn nhà của Mant. Thật không thể tưởng tượng được nếu để cho Fielding và vợ anh ta ở đó, hay thậm chí là chỉ ở gần đó thôi.
- Dù sao thì cô ở đây cũng tốt. - Anh ta nói thêm - Chỉ hy vọng tiến sĩ Mant không định ở lại nước Anh luôn.
- Cảm ơn. - Tôi xúc động nói. - Có thể chỉ cần anh làm thay vài lần một tuần.
- Không vấn đề gì. Cô lấy cho tôi cái máy Nikon được không?
- Cái nào?
- Cái N-50 với ống kính rời. Tôi nghĩ nó ở trong ngăn tủ đằng kia. - Anh ta chỉ cho tôi.
- Chúng ta sẽ lên lịch sau. - Tôi nói trong khi lấy giúp anh ta chiếc máy ảnh - Nhưng anh và Ginny không cần phải ở nhà tiến sĩ Mant đâu. Về chuyện này anh phải tin tôi mới được.
- Cô gặp chuyện gì à? - Anh ta kéo ra một bản in và đặt xuống.
- Marino, Lucy và tôi khởi đầu một năm mới với mấy cái bánh xe bị rạch nát.
Anh ta hạ máy ảnh xuống nhìn tôi, có vẻ bị sốc.
- Chết tiệt nhỉ. Cô nghĩ đó là sự tình cờ à?
- Không, tôi không nghĩ vậy.
Tôi vào thang máy lên tầng trên và mở khóa phòng làm việc. Hình ảnh cây ớt Giáng sinh của Eddings khiến tôi xúc động mạnh. Tôi không thể cứ để nó trên kệ tủ nên vội bê ra ngoài nhưng rồi cũng chẳng biết chuyển đi đâu. Tôi đi lòng vòng một lúc, bối rối và chán nản, cuối cùng tôi đặt nó lại chỗ cũ, vì cũng không thể quẳng nó đi hay bắt một nhân viên nào khác chịu thay ký ức về nó.
Nhìn qua ô cửa kế bên của Rose, tôi không ngạc nhiên khi cô ấy không ở đó. Thư ký của tôi tiến bộ khá nhiều trong những năm qua và không thích lái xe vào trung tâm ngay cả trong những ngày đẹp trời nhất. Treo áo khoác lên, tôi thận trọng nhìn quanh, hài lòng khi thấy dường như tất cả đều theo đúng trật tự trừ công việc lau dọn do nhóm lao công thực hiện. Có lẽ phải vài tiếng nữa họ mới đến. Nhìn chung thì chẳng có kỹ sư giám sát vệ sinh nào muốn làm việc trong tòa nhà này cho dù họ được sự chỉ định của chính phủ. Chỉ có vài người là làm được lâu nhưng cũng chẳng có người nào chịu xuống khu nhà xác cả.
Tôi được thừa hưởng khu văn phòng này từ sếp cũ, nhưng ngoài mấy tấm ván ghép ra thì chẳng có gì. Nhìn cứ ngỡ phải trở lại thời kỳ u ám khi các chuyên gia về bệnh học của tòa án như ngài Cagney tiền nhiệm vừa nốc rượu bourbon với cảnh sát và các giám đốc nhà tang lễ, vừa khám nghiệm tử thi bằng tay không. Người tiền nhiệm của tôi chắc cũng không lo lắng quá nhiều về các nguồn ánh sáng thay thế và tế bào DNA.
Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn thấy căn phòng này sau khi ông ta qua đời, khi ấy tôi đang được phỏng vấn cho vị trí đó. Tôi cũng đã xem những đồ lưu niệm mà ông ta tự hào trưng ra, và khi nhìn thấy một trong số đó là bộ ngực bằng Silicon đã từng được cấy vào một người đàn bà bị cưỡng hiếp và giết chết, tôi chỉ muốn lại trốn về Miami.
Tôi không nghĩ ông sếp cũ sẽ thích căn phòng hiện tại, vì trong phòng không được hút thuốc, và những kẻ có hành vi thiếu tôn trọng hoặc tự cao tự đại sẽ không được phép bước qua cửa. Những đồ đạc bằng gỗ sồi này không phải của nhà nước mà là của tôi. Tôi cũng trải một tấm thảm Ba Tư dệt máy màu sắc sáng sủa để giấu đi cái sàn lát gạch. Có thêm mấy cây ngô đồng trang trí, còn thì tôi không quan tâm đến vấn đề nghệ thuật, giống như một bác sĩ tâm thần học, tôi không muốn có thứ gì khiêu khích ở trên tường cả, nói thẳng ra thì tôi cần tất cả không gian có thể để đặt tủ lưu trữ hồ sơ và sách, về những vật trưng bày, Cagney chắc cũng sẽ không hề ấn tượng với đám ô tô, xe tải và tàu hỏa đồ chơi tôi sử dụng để giúp những điều tra viên tái hiện các vụ tai nạn.
Tôi mất vài phút để xem qua hộp đựng tài liệu của mình với các giấy chứng tử dành cho những vụ cần đến giám định pháp y kẹp màu đỏ và kẹp màu xanh cho những tài liệu khác. Những báo cáo đang chờ ký nháy của tôi, và trên màn hình máy tính thông báo rằng tôi có thư. Tất cả những thứ này đều có thể gác lại, tôi nghĩ vậy và quay lại sảnh lớn xem còn ai ở đó không- Chỉ có Cleta, nhưng cô chính là người tôi cần gặp.
- Tiến sĩ Scarpetta. - Cô hơi giật mình - Tôi không biết chị đang ở đây.
- Tôi cho rằng trở lại Richmond vào lúc này là một ý tưởng hay. - Tôi nói và kéo ghế lại gần bàn.
- Tôi và tiến sĩ Fielding đang cố gắng bao quát cả Tidewater nữa.
Cleta đến từ Florence, Nam Carolina. Cô trang điểm rất đậm. Váy luôn ngắn cỡn bởi vì cô tin rằng hạnh phúc cũng đồng nghĩa với sắc đẹp, điều mà cô không bao giờ sở hữu. Cô ngồi thẳng trên ghế, đeo cặp mắt kính hai tròng, tay cầm một chiếc kính hiển vi và trước mặt là đống ảnh được sắp xếp theo mã số vụ án. Cạnh đó có chiếc bánh mỳ kẹp xúc xích đặt trên một tờ giấy, có lẽ được mua ở quán cà phê bên cạnh, và cả nước tăng lực Tab.
- Tôi nghĩ là băng đang tan. - Cô cho tôi biết.
- Tốt quá. - Tôi cười - Tôi rất vui khi thấy cô ở đây.
Trông cô có vẻ hài lòng khi lấy ra một tập ảnh nữa từ trong chiếc hộp.
- Cleta, cô còn nhớ Ted Eddings chứ?
- Ồ, có chứ. - Trông cô đột nhiên như sắp khóc - Anh ấy rất tử tế. Tôi vẫn không thể tin được điều đó. - Cô cắn môi dưới.
- Tiến sĩ Fielding bảo rằng Eddings đã gọi đến đây vào cuối tuần trước. - Tôi nói - Tôi không biết cô có nhớ việc đó không.
- Có chứ, chắc chắn đấy. - Cô gật đầu - Thực ra tôi không thể nào thôi nghĩ về điều đó.
- Cậu ta có nói chuyện với cô không?
- Có.
- Cô nhớ cậu ấy nói gì chứ?
- À, anh ấy muốn nói chuyện với tiến sĩ Fielding, nhưng máy ông ấy bận. Tôi cũng hỏi anh ấy có cần để lại lời nhắn không, và chúng tôi tán chuyện một chút. Chị biết anh ấy thế nào mà. - Đôi mắt sáng bừng lên và cô hơi ngập ngừng - Anh ấy hỏi có phải tôi uống nhiều xiro lắm hay không mà có giọng nói như thế. Rồi anh ấy mời tôi đi chơi.
Tôi nhìn đôi gò má ửng hồng của Cleta.
- Tất nhiên anh ấy không có ý như vậy đâu. Anh ấy vẫn luôn nói như vậy mà, chị biết rồi còn gì, lúc nào mà chẳng “Khi nào thì chúng ta sẽ gặp nhau đây?” nhưng anh ấy không có ý vậy đâu. - Cô nhắc lại.
- Nếu cậu ta làm vậy thì cũng không sao mà. - Tôi nhẹ nhàng nói.
- Nhưng anh ấy đã có bạn gái rồi.
- Sao cô biết? - Tôi hỏi.
- Anh ấy nói sẽ có dịp đưa bạn gái đến chơi, và tôi rất ấn tượng vì Eddings khá nghiêm túc khi nói về cô ấy. Tôi nhớ cô ấy tên là Loren, nhưng tôi không biết gì về cô ta cả.
Tôi nghĩ đến những câu chuyện riêng tư giữa Eddings và các nhân viên của tôi, nhưng thậm chí còn không ngạc nhiên bằng việc dường như cậu ta tiếp cận tôi dễ hơn hầu hết các phóng viên khác. Tôi không thể không liên tưởng đến cái điều rằng liệu có phải chính cái tài này của Eddings đã khiến cho cậu ta phải kết thúc cuộc sống hay không.
- Cậu ấy có nói gì với cô cái việc mà cậu ta đang muốn trao đổi với tiến sĩ Fielding không? - Tôi đứng dậy.
Cô ta suy nghĩ một lát, lơ đễnh hồi tưởng lại những hình ảnh mà cả thế giới chưa bao giờ được thấy.
- Chờ một chút. À tôi biết. Đó là chuyện gì đó về phóng xạ. Về những hệ lụy của nó nếu có ai đó chết vì phóng xạ.
- Loại phóng xạ gì? - Tôi nói.
- Tôi nghĩ anh ấy đang thực hiện phóng sự về máy sử dụng tia X-quang. Chị biết đấy, gần đây tin tức tràn ngập vì ai cũng sợ mấy thứ như bom thư.
Tôi không nhớ đã nhìn thấy bất cứ thứ gì trong nhà Eddings có thể cho thấy việc cậu ta đang nghiên cứu một phóng sự. Tôi quay lại phòng làm việc và bắt đầu với các loại giấy tờ và những cuộc điện thoại. Vài tiếng đồng hồ sau tôi mới ăn trưa ngay tại bàn làm việc. Đúng lúc ấy thì Marino bước vào.
- Ngoài đó thế nào? - Tôi hỏi, không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy anh - Anh có muốn tôi chia cho anh nửa cái sandwich cá hồi không?
Đóng cả hai cửa, anh ngồi xuống mà vẫn mặc áo khoác, và vẻ mặt của anh khiến tôi sợ hãi.
- Cô đã nói chuyện với Lucy chưa?
- Từ lúc đi đến giờ thì chưa. - Tôi đặt bánh xuống - Sao vậy?
- Con bé gọi cho tôi. - Anh nhìn đồng hồ - Khoảng một tiếng trước. Muốn biết làm sao để có thể liên lạc được với Danny. Nó muốn hỏi về cái xe. Con bé có vẻ đang say.
Tôi im lặng nhìn anh một lát. Sau đó nhìn đi chỗ khác. Tôi không cần hỏi liệu anh có chắc chắn không vì Marino luôn hiểu vấn đề, và anh cũng biết khá rõ quá khứ của Lucy.
- Tôi có cần phải về nhà bây giờ không? - Tôi khẽ hỏi.
- Không. Tôi nghĩ con bé chỉ hơi lo lắng và sẽ gạt bỏ được nhanh thôi, ít nhất thì nó cũng không có xe để đi đâu được.
Tôi hít một hơi thật sâu.
- Vấn đề là, tôi nghĩ hiện giờ con bé được an toàn. Nhưng tôi nghĩ cô nên biết điều đó, bác sĩ ạ.
- Cảm ơn. - Tôi nói một cách nghiêm trang.
Tôi hy vọng xu hướng lạm dụng chất cồn của cô cháu gái là vấn đề mà con bé đã vượt qua được, vì tôi còn không thấy những dấu hiệu đáng lo ngại kể từ giai đoạn nó tự hủy hoại bản thân mình bằng cách lái xe trong tình trạng say khướt đến gần như ngã gục. Nếu không phải vậy thì qua thái độ kỳ lạ của con bé ở nhà sáng nay và theo như những gì Marino vừa nói, tôi cảm thấy đang có điều gì đó rất không ổn. Tôi không biết phải làm sao nữa.
- Còn nữa! - Anh nói thêm khi đứng dậy - Cô không muốn con bé quay lại học viện trong tình trạng này chứ?
- Không, tất nhiên là không rồi.
Anh ra về, còn tôi đứng lặng sau cánh cửa đóng im ỉm. Tất cả mọi ý nghĩ đều như dòng sông vẫn lờ đờ chảy phía sau khu nhà tôi ở. Tôi không biết mình đang tức giận hay sợ hãi nữa, nhưng khi nhớ lại những lần đưa rượu hay bia lon cho Lucy, tôi cảm thấy như bị phản bội. Tôi gần như tuyệt vọng khi nghĩ đến những thành quả mà con bé đạt được, và những gì mà nó sẽ đánh mất. Đột nhiên hình ảnh kia choán đầy tâm trí tôi. Tôi mường tượng tất cả những hình ảnh kinh khủng do một gã đàn ông muốn trở thành thần thánh vẽ ra, và tôi biết cháu gái tôi cùng với tất cả tài năng của mình cũng không thể hiểu được sự đen tối của sức mạnh đó. Nó không hiểu được sự độc hại của cuốn sách đó.
Tôi mặc áo khoác, đeo găng vì biết mình cần phải đi đâu. Tôi định báo cho trực ban biết rằng tôi có công chuyện phải đi thì chuông điện thoại vang lên. Tôi nhấc máy, đoán chắc là Lucy. Nhưng lại là giám đốc Sở Cảnh sát Chesapeake. Ông ta tự giới thiệu tên mình là Steels vừa từ Chicago đến đây.
- Tôi rất tiếc chúng ta phải nói chuyện với nhau theo cách này. - Ông ta nói với vẻ chân thành - Nhưng tôi cần nói chuyện với cô về một thám tử của chúng tôi là Roche.
- Tôi cũng đang cần nói chuyện với ông về anh ta. - Tôi nói - Có lẽ ông có thể giải thích chính xác cho tôi vấn đề của anh ta là gì.
- Theo như anh ta nói thì vấn đề là ở cô.
- Thật nực cười. - Tôi nói, không thể kiềm chế sự tức giận được nữa - Nói thẳng nhé, ngài Steels, thám tử của ông không ổn, anh ta thiếu chuyên nghiệp và là một vật cản trong vụ điều tra này. Anh ta sẽ bị cấm lai vãng đến phòng giám định của tôi.
- Cô biết Sở Nội vụ sẽ điều tra vụ này sát sao. - Ông ta nói - Và tôi cần cô có mặt để giải trình thêm một số vấn đề trước khi chúng tôi có thể nói chuyện với cô.
- Chính xác là tôi bị buộc tội gì?
- Quấy rối tình dục.
- Vụ này lỗi thời rồi. - Tôi mỉa mai - Tuy nhiên, tôi không thấy là tôi có quyền lực gì với anh ta vì anh ta làm việc cho ông, chứ không phải tôi, và theo định nghĩa thì quấy rối tình dục liên quan đến việc lạm dụng quyền lực. Nhưng vấn đề cần bàn cãi ở đây là vai trò đã bị đảo ngược trong trường hợp này. Thám tử của ông mới chính là người quấy rối tôi, và khi không được đáp ứng thì anh ta lại trở thành kẻ bị quấy rối.
Steels nói sau khi ngừng một lát.
- Có vẻ những lời cô nói đều nhằm chống lại anh ta.
- Những gì anh ta nói là đều là thứ rác rưởi, và nếu anh ta còn động vào tôi thêm một lần nữa, tôi sẽ xin lệnh bắt giữ.
Đầu dây bên kia im lặng.
- Giám đốc Steels! - Tôi nói tiếp - Tôi nghĩ vấn đề quan trọng bây giờ là tình trạng đáng báo động đang diễn ra ở khu vực kiểm soát của ông. Có lẽ chúng ta nên nói về Ted Eddings một chút chứ?
Ông ta hắng giọng.
- Tất nhiên rồi.
- Ông có vẻ biết rõ vụ này?
- Chắc chắn rồi. Tôi đã lập hồ sơ rất tỉ mỉ và biết rõ vụ đó.
- Tốt. Vậy tôi chắc ông cũng sẽ đồng ý rằng chúng ta nên điều tra vụ này với tất cả khả năng của mình.
- Tôi nghĩ ta nên nghiêm túc với tất cả những người đã chết, nhưng trong vụ Eddings, câu trả lời đã quá rõ đối với tôi.
Tôi nghe mà chỉ thấy tức giận.
- Có thể cô biết hoặc không biết việc cậu ta đang sưu tầm những di vật liên quan đến cuộc nội chiến. Rõ ràng đã từng có vài cuộc chiến không xa chỗ cậu ta lặn, và có thể người này đang tìm vài thứ gì đó như đạn đại bác.
Tôi biết Roche chắc hẳn đã nói chuyện với bà Eddings, hay tay giám đốc này cũng từng đọc những bài báo Eddings viết về các cuộc truy tìm kho báu dưới nước. Tôi không phải là nhà sử học, nhưng đủ trí khôn để phân biệt được một vấn đề hiển nhiên với cái điều đang trở thành một giả thuyết nực cười. Tôi bảo Steels:
- Trận đánh lớn nhất trên mặt nước ở khu vực của ông là giữa chiến thuyền Merrimac và Monitor. Và trận đó ở Hampton, cách xa đấy hàng dặm. Tôi chưa từng nghe thấy có vụ khiêu chiến nào ở đó hoặc gần khúc sông Elizabeth nơi có bến tàu cả.
- Nhưng thưa tiến sĩ Scarpetta, thực sự chúng ta không biết hết tất cả, có phải không? - Ông ta nói một cách thận trọng - Có thể con tàu nào đó bị cháy, rồi rất nhiều rác rưởi được tống xuống đây, hay bất kỳ vụ giết người nào có thể xảy ra trước đó. Chỗ đó không giống những nơi luôn được đặt máy quay hay hàng triệu phóng viên có thể xuất hiện. Chỉ có Mathew Brady [2] mới biết được chính xác mà thôi. Thêm nữa, tôi là một fan cuồng lịch sử và cũng đã đọc rất nhiều về cuộc nội chiến. Cá nhân tôi tin rằng Eddings đã lặn xuống đó để cào cả đáy sông lên mà tìm di vật. Cậu ta đã hít phải khí độc phát xuất từ máy móc của chính mình và cho dù có mang thêm gì trong tay, như máy dò kim loại chẳng hạn, thì trước sau rồi cũng sẽ lạc trong đám bùn lầy.
- Tôi đang nghi ngờ rằng đây có thể là một vụ ám sát. - Tôi quả quyết nói.
- Còn tôi thì không đồng ý với cô, dựa trên những điều tôi đã được báo cáo.
- Tôi đoán công tố viên sẽ đồng ý với tôi khi tôi nói chuyện với cô ấy.
Vị giám đốc không bình luận gì về điều đó.
- Tôi đoán là ông không định mời những người bên ủy ban Phân tích Điều tra Tội phạm tham gia vụ này chứ? - Tôi nói tiếp - Bởi vì ông đã cho rằng chúng ta đang xử lý một vụ tai nạn mà.
- Về điểm này, tôi không thấy có lý do gì để phải phiền đến FBI. Tôi cũng đã nói với họ như vậy.
- Vậy à, tôi thì lại thấy có quá nhiều lý do đấy. - Tôi trả lời, và đó là tất cả những gì tôi có thể làm để không gác máy luôn.
- Mẹ kiếp! - Tôi lầm bầm khi giật mạnh lấy túi đồ và đi thẳng ra cửa. Xuống đến phòng giám định, tôi với chùm chìa khóa treo trên tường và đi bộ ra bãi đậu xe, mở khóa cửa chiếc xe tải màu xanh sẫm thường được dùng để chở thi thể. Nó không hoàn toàn giống xe tang, nhưng cũng không phải loại xe mà mọi người muốn nhìn thấy đậu bên lối vào nhà hàng xóm. To kềnh càng, cửa sổ kính đen, lại còn được che thêm bằng những tấm mành kiểu vẫn được dùng trong nhà tang lễ, và thay vì có ghế ngồi phía sau thì chỉ có một lớp gỗ dán với các chốt để giữ cáng không bị trượt khi di chuyển. Giám sát phòng giám định còn treo vài túi thơm trên kính chiếu hậu, và mùi bách hương ngọt ngào lan tỏa khắp xe.
Tôi hạ cửa sổ một chút và lái xe vào phố Main. Thật dễ chịu khi lúc này đường sá chỉ còn hơi ướt át chút thôi, và đang vào giờ cao điểm nhưng cũng không quá tệ. Cảm giác không khí lạnh ẩm ướt phả lên mặt thật tuyệt và tôi biết mình sẽ phải làm gì. Đã quá lâu rồi tôi không bước vào khu nhà thờ nằm trên đường về. Bởi vì tôi chỉ nghĩ đến nó vào những lúc bị hoảng loạn như thế này, khi đời đã đẩy tôi đi xa đến tận cùng. Đến ngã tư đường Three Chopt và đại lộ Grove, tôi rẽ vào bãi đậu xe của nhà thờ Thánh Bridget, được xây bằng gạch và đá phiến. Giờ thì người ta không còn dám để cửa không khóa vào ban đêm nữa vì thế giới này đang biến thành một thứ luôn nguy hiểm như vậy. Giờ này những kẻ nghiện rượu lang thang có thể chui vào đây nhưng tôi biết mình sẽ không bao giờ bị quấy rầy gì.
Bước qua cửa ngách, tôi tự chúc phúc bằng cách nhúng tay vào nước thánh rồi đi vào gian thờ bày biện những bức tượng thánh đang canh giữ thập giá và hình ảnh Chúa Jesu đóng đinh hiển hiện trên ô kính màu rực rỡ. Tôi chọn hàng ghế cuối cùng và cầu cho những ngọn nến được thắp sáng, cho dù lễ nghi này đã lâu rồi không còn ai nhớ đến nữa. Quỳ gối trên băng ghế, tôi cầu nguyện cho Eddings và mẹ cậu ta. Tôi cầu nguyện cho cả Marino và Wesley nữa. Còn cá nhân tôi, từ sâu thẳm nhất, tôi cầu nguyện cho cháu gái mình. Sau đó tôi nhắm mắt ngồi yên lặng và cảm thấy sự căng thẳng dần dịu lại.
Mãi gần sáu giờ tôi tôi mới đứng dậy. Tôi dừng lại ở ngoài hành lang và nhìn thấy lối đi sáng trưng dần vào thư viện dưới sảnh. Tôi không biết tại sao mình lại bị hút theo hướng ấy nhưng tự nhiên trong đầu nảy ra ý nghĩ rằng một cuốn sách xấu xa có thể bị ngăn chặn bởi một cuốn sách linh thiêng khác, và rồi chỉ trong nháy mắt, cuốn giáo lý kia sẽ bị một thầy tu làm cho vô hiệu. Lúc bước vào, tôi nhìn thấy một phụ nữ đứng tuổi đang xếp lại mấy cuốn sách lên giá.
- Có phải tiến sĩ Scarpetta đấy không? - Bà ta hỏi, vẻ vừa ngạc nhiên vừa hài lòng.
- Chào chị. - Tôi hơi lúng túng vì không thể nhớ nổi tên của bà ta.
- Tôi là Edwards.
Tôi nhận ra người đàn bà này làm việc công ích cho nhà thờ và hướng dẫn những người mới cải đạo Công giáo, mà tôi nghĩ một ngày nào đó mình cũng phải thỉnh giáo bà vì chẳng mấy khi tôi đi lễ nhà thờ. Bà ta thấp người và hơi đẫy đà. Chưa nhìn thấy các bà phước bao giờ nhưng từ nhỏ đến giờ tôi vẫn cứ nghĩ rằng một bà phước tốt bụng chắc trông giống như vậy.
- Tôi không thấy chị đến đây vào giờ này mấy. - Bà ta nói.
- Tôi chỉ vừa mới đến đây sau giờ làm. Tôi e rằng mình đã bị lỡ mất buổi cầu nguyện buổi tối.
- Chủ nhật mới có lễ cầu nguyện chứ.
- Dĩ nhiên rồi.
- Tôi rất vui vì đã nhìn thấy chị ở đây đúng vào phiên tôi làm việc.
Ánh mắt nấn ná trên khuôn mặt tôi và tôi biết bà ta đang thử đoán xem tôi cần gì. Tôi đưa mắt nhìn khắp giá sách.
- Tôi có thể giúp chị tìm thứ gì đó được không? - Bà ta hỏi.
- Một cuốn sách giáo lý. - Tôi đáp.
Bà ta đi ngang phòng và rút một cuốn sách từ trên giá rồi đưa nó cho tôi. Đây là một cuốn sách vừa dày vừa nặng và tôi tự hỏi không biết có phải mình đã quyết định đúng hay không, vì lúc này tôi đã kiệt sức rồi và nghĩ Lucy chắc cũng chẳng còn tâm trạng nào để đọc.
- Tôi còn giúp gì cho chị được nữa không? - Bà ta ân cần.
- Có lẽ tôi cần phải nói chuyện với cha cố một lúc.
- Cha O’Connor đang đến thăm bệnh viện. - Đôi mắt bà tiếp tục thăm dò - Liệu tôi có thể giúp chị theo cách tương tự được không?
- Chắc chắn rồi.
- Chị có thể ngồi luôn ở đây. - Bà ta gợi ý.
Chúng tôi kéo ghế ra khỏi chiếc bàn gỗ mộc. Nhìn nó tôi lại liên tưởng đến quãng thời gian còn cắp sách đến trường giáo khu ở Miami. Đột nhiên tôi chợt nhớ ra cái điều tuyệt vời đang chờ đợi tôi ở những trang sách kia, vì tìm hiểu mọi thứ luôn là điều mà tôi yêu thích, và bất cứ ý nghĩ nào vượt thoát ra khỏi ngôi nhà của mình là một điều vô cùng hạnh phúc với tôi. Tôi và bà Edwards ngồi đối diện như những người bạn nhưng mãi mà tôi chưa thốt được thành lời bởi vì hiếm khi tôi lại muốn nói thẳng thế này.
- Tôi không thể đi sâu vào chi tiết bởi những khó khăn của tôi lại liên quan đến công việc mà tôi đang làm. - Tôi mở đầu.
- Tôi hiểu. - Bà ta gật đầu.
- Vì vậy tôi chỉ nói vắn tắt rằng vụ án của tôi đang liên quan đến một cuốn giáo lý của quỷ. Không phải thờ quỷ, nhưng là một thứ gì đó rất tội lỗi.
Bà ta không nói gì mà chỉ tiếp tục nhìn sâu vào mắt tôi.
- Mà Lucy thì... cô cháu gái hai mươi ba tuổi của tôi ấy, nó đã đọc cuốn sách đó.
- Và vấn đề chị đang gặp phải là hệ quả của cuốn sách ấy? - Bà Edwards hỏi.
Tôi hít thở sâu và tự nhiên cảm thấy mình ngốc nghếch.
- Tôi biết điều này nghe có vẻ kỳ quặc.
- Dĩ nhiên là không kỳ quặc tí nào. - Bà ta nói - Chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp sức mạnh của tà ác và nên tránh nhồi nhét những thứ đó vào đầu bất cứ khi nào.
- Không phải lúc nào ta cũng tránh được đâu. - Tôi nói - Nhưng hiếm khi nào tôi lại đọc được một thứ như thế. Tôi đã gặp ác mộng, còn cháu gái tôi đang trở nên bất thường sau khi đọc cái cuốn sách ấy. Chủ yếu là tôi lo lắng cho nó. Đó là lý do tại sao tôi đến đây.
- “Nhưng hãy cứ tiếp tục làm những điều mà nhà ngươi biết và nhà ngươi được đảm bảo”. - Bà ta trích dẫn một câu nào đó và mỉm cười - Chỉ đơn giản thế thôi mà.
- Tôi không chắc là mình hiểu được câu này. - Tôi đáp.
- Tiến sĩ Scarpetta, chẳng còn cách nào khác cho những gì mà chị vừa chia sẻ với tôi đâu. Tôi không thể đặt tay lên người chị để đẩy lùi bóng tối và xua ác mộng đi được. Cha O’Connor cũng không thể làm điều đó. Chúng ta cũng không có bất cứ nghi thức nào có thể làm được điều chị muốn. Chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện chọ chị, và dĩ nhiên là chúng tôi sẽ làm như thế. Còn những gì chị và Lucy phải làm lúc này là lấy lại niềm tin. Chị cần phải làm bất cứ điều gì khiến chị có thể lấy lại được sức mạnh trước đây.
- Đó chính là lý do tại sao hôm nay tôi đến đây. - Tôi nhắc lại.
- Tốt. Hãy bảo Lucy trở lại với tôn giáo và cầu nguyện. Cô bé nên năng đến nhà thờ.
Rõ là cái ngày chẳng ra sao, tôi nghĩ bụng khi lái xe về nhà. Nỗi lo lắng của tôi càng dâng lên khi tôi bước vào nhà. Mới chưa đến bảy giờ tối nhưng Lucy đã lên giường rồi.
- Cháu ngủ đấy à? - Tôi ngồi xuống trong bóng tối và đặt tay lên lưng con bé - Lucy?
Nó không trả lời và tôi cảm thấy may mắn làm sao khi xe của chúng tôi vẫn chưa sửa xong. Tôi cứ sợ nó đã quay trở lại Charlottesville rồi. Tôi sợ nó lại lặp lại tất cả những lỗi lầm kinh khủng trước đây.
- Lucy? - Tôi gọi lần nữa.
Nó chậm chạp lật mình lại.
- Gì vậy ạ?
- Dì chỉ xem cháu có sao không thôi mà? - Tôi nói giọng nghèn nghẹt.
Tôi nhìn thấy nó chùi mắt và chợt nhận ra rằng không phải nó ngủ mà là đang khóc.
- Sao vậy cháu? - Tôi hỏi.
- Chẳng sao cả.
- Dì biết chắc chắn có chuyện gì đó và đã đến lúc chúng ta phải nói chuyện với nhau. Cháu không còn là mình nữa và dì muốn được chia sẻ.
Nó không trả lời.
- Lucy, dì sẽ ngồi đây cho đến khi nào cháu chịu nói chuyện với dì.
Nó lại im lặng thêm một lúc nữa và tôi có thể nhìn thấy mí mắt nó chuyển động khi ngước nhìn trần nhà.
- Janet đã kể với họ. Janet đã kể cho cha mẹ cô ấy. Họ thuyết phục cô ấy cứ như thể họ hiểu cảm giác của cô ấy hơn cả bản thân Janet. Cứ như là cho dù thế nào thì cô ấy cũng sai rồi. - Giọng nói của con bé trở nên giận dữ và nó kê thêm một đống gối để nửa nằm nửa ngồi - Họ muốn cô ấy đến gặp chuyên gia tư vấn.
- Dì rất tiếc. - Tôi nói - Dì không biết sẽ phải nói gì ngoại trừ đây là vấn đề thuộc về họ chứ không phải liên quan đến cháu và Janet.
- Cháu không biết được cô ấy sẽ làm gì. Việc chúng cháu cứ phải lo che giấu ở Cục đã đủ tồi tệ lắm rồi.
- Cháu phải đủ mạnh mẽ đúng như bản thân cháu.
- Cháu thành ra thế nào cũng được. Lúc này thì cháu chẳng còn biết thế nào nữa. Cháu ghét chuyện này. Sao mà khổ thế. Chẳng công bằng tí nào. - Rồi nó dựa đầu vào vai tôi - Tại sao cháu lại không thể giống như dì được? Tại sao mọi thứ lại không thể dễ dàng với cháu được?
- Dì không chắc cháu có muốn như dì không nữa. - Tôi nói - Cuộc sống của dì chắc chắn chẳng dễ chịu gì, hầu như chẳng có gì là dễ dàng cả. Cháu và Janet có thể làm một công việc gì đó ở bên ngoài nếu cả hai thống nhất được. Và nếu như các cháu thực sự yêu nhau.
Nó hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra.
- Không được tự hủy hoại mình nữa. - Tôi đứng dậy khỏi giường - Cuốn sách đâu rồi?
- Trên bàn ấy,
- Trong phòng dì á?
- Không, cháu để đằng kia.
Chúng tôi nhìn nhau. Đôi mắt nó sưng lên. Nó sịt mũi thật to rồi lại xì mũi.
- Cháu có hiểu rằng ngốn những thứ này tai hại đến thế nào không hả?
- Dì cứ nhìn những gì mà dì phải ngốn quanh năm ngày tháng ấy. Rõ là liều thân.
- Không. - Tôi nói - Liều thân là dấn bước nhưng không phải cứ đứng nguyên ở đó. Cháu phải để cao sức mạnh của kẻ thù cũng ngang bằng với sự khinh miệt nó. Nếu không thế, cháu sẽ thất bại, Lucy ạ. Giờ thì tốt hơn hết cháu nên đọc thứ này.
- Cháu hiểu. - Nó nói khẽ và với cuốn Kinh Thánh tôi để dưới chân giường - Cái gì đây? Cháu phải đọc hết trong tối nay à?
- Dì mượn của nhà thờ đấy. Dì nghĩ cháu cũng muốn đọc.
- Quên nhà thờ đi. - Con bé nói.
- Tại sao?
- Bởi vì nó đã quên cháu rồi. Cháu nghĩ loài người cứ thích coi cháu là cái giống lầm lạc cơ. Cứ như thể cháu nên xuống đi ngục hay bị tống cổ vào tù vì cháu như thế này. Đó là những gì mà cháu muốn nói đấy. Dì không biết cảm giác bị cô lập là như thế nào đâu.
- Lucy, hầu như cả cuộc đời dì bị cô lập. Thậm chí cháu còn không biết khái niệm bị phân biệt đối xử là gì mãi cho tới khi cháu là một trong ba phụ nữ ở lớp học trường Y. Ở trường luật nữa chứ, học viên nam sẽ không đời nào cho mượn vở nếu như cháu bị ốm và nghỉ học. Đó là lý do vì sao dì chẳng ốm bao giờ. Đó là lý do vì sao dì không bị say xỉn và nằm bẹp trên giường. - Tôi nói gay gắt vì biết rằng cần phải như thế.
- Chuyện này thì có khác chứ.
- Dì nghĩ rằng cháu cứ muốn tin rằng nó khác nên cháu mới có thể tha thứ và hối tiếc cho chính bản thân mình. Đối với dì thì cái người đang tìm mọi cách để quên và chối bỏ là cháu chứ không phải nhà thờ cũng không phải là xã hội. Thậm chí cũng không phải là cha mẹ của Janet, những người chỉ đơn giản là chưa hiểu ra vấn đề. Dì cứ nghĩ cháu mạnh mẽ hơn thế này cơ.
- Cháu rất mạnh mẽ.
- Ồ, dì nghe đủ rồi. Đừng có đến nhà dì rồi say xỉn và trùm mền thế này để cho dì phải lo lắng cả ngày hôm nay. Rồi đến khi dì cố gắng giúp đỡ, cháu lại tẩy chay dì và tất cả những người khác.
Nó chỉ im lặng nhìn tôi, rồi cuối cùng cũng cất lời.
- Có phải dì đến nhà thờ là vì cháu không?
- Dì đến là vì chính bản thân dì. Nhưng cháu là phần chính của cuộc nói chuyện.
Nó tung hẳn chăn ra.
- Một bác sĩ giám định pháp y lại đi tụng ca Chúa Trời. - Nó vừa nói vừa đứng dậy.
- Cuốn Kinh Thánh ấy viết bằng ngôn ngữ cổ. Nhưng hồi còn ở Đại học Virginia cháu cũng phải học một khóa tôn giáo rồi. Dì có muốn ăn tối không?
- Cháu muốn ăn gì?
- Cái gì dễ ăn một chút đều được. - Nó lại gần ôm choàng lấy tôi - Dì Kay, cháu xin lỗi.
Xuống bếp, việc đầu tiên của tôi là mở tủ lạnh nhưng nhìn thứ gì cũng không thấy có hứng thú. Vị giác giờ đã ra đi theo sự yên ổn của đầu óc rồi. Tôi ăn một quả chuối và pha cà phê. Khoảng tám rưỡi tối, máy điện đàm trên mặt quầy bar réo vang khiến tôi giật mình.
- Đơn vị 600 gọi trạm 1. - Giọng Marino vang lên.
Tôi nhấc máy và trả lời.
- Trạm 1 đang nghe.
- Cô có thể gọi cho tôi vào một số điện thoại này được không?
- Đưa số cho tôi. - Tôi nói, cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Đường dây điện đàm của văn phòng tôi bị giám sát, nên bất cứ khi nào có vụ gì đặc biệt nhạy cảm, các thám tử thường cố gắng tránh điều này. Marino đưa cho tôi một số điện thoại công cộng. Anh nhấc máy.
- Có chuyện gì vậy? - Tôi không để phí thời gian.
- Tôi không gọi đến phòng giám định pháp y vì biết cô muốn chúng tôi báo tin cho cô đầu tiên.
- Chuyện gì vậy?
- Mẹ kiếp, tôi thực sự xin lỗi. Nhưng chúng tôi dang giữ Danny.
- Danny ư? - Tôi bối rối.
- Danny Webster. Nhân viên ở văn phòng Norfolk của cô.
- Anh nói anh đang giữ cậu bé là có ý gì? - Nỗi sợ hãi bóp nghẹt lấy tôi - Cậu ta đã làm gì vậy?
Tôi hình dung ra cậu bị bắt giữ đúng lúc đang lái chiếc xe của tôi. Hoặc cậu ấy đã làm hỏng nó. Marino nói:
- Bác sĩ, thằng bé chết rồi.
Sau đó là im lặng.
- Ôi, Chúa ơi! - Tôi dựa vào quầy và nhắm nghiền mắt lại - Ôi lạy Chúa tôi, có chuyện gì xảy ra vậy?
- Xem nào, tôi nghĩ tốt nhất là cô nên đến đây ngay.
- Anh đang ở đâu?
- Sugar Bottom, chỗ đường tàu cũ ấy. Chiếc xe hơi của cô giờ đã trở thành chướng ngại vật ở công viên Libby Hill rồi.
Tôi không hỏi thêm câu gì, chỉ bảo Lucy rằng tôi phải đi ngay bây giờ và có thể sẽ về rất muộn. Tôi chộp lấy túi đồ y tế và khẩu súng lục bởi vì đã quá quen với đám lưu manh lúc nào cũng vạ vật dưới đường hầm rồi, và tôi không hiểu nổi điều gì đã dụ Danny vào tận trong ấy. Danny và cậu bạn lẽ ra phải lái chiếc xe của tôi và Lucy đến văn phòng, ở đó sẽ có người nhận xe ở cửa hậu và đưa họ ra bến xe buýt. Chắc chắn khu Churchill Hill cũng không xa văn phòng là mấy, nhưng tôi không thể tưởng tượng được là Danny lại lái chiếc Mercedes của tôi đi bất kỳ chỗ nào khác ngoài cái nơi tôi bảo cậu bé đưa đến. Cậu ta cũng đâu phải kiểu người lạm dụng lòng tin của tôi đâu.
Tôi lái xe vội vã dọc theo đường West Cary, qua những công trình xây gạch khổng lồ lợp mái đồng và ngói ác đoa, lối vào bị chặn bởi những cánh cổng sắt đen chạm trổ cao lừng lững. Việc dạo chơi trong khu vực sang trọng nhất thành phố này bằng một chiếc xe nhà xác có vẻ hết sức phi lý trong khi một nhân viên của tôi đang nằm chết ở đó. Tôi còn bị dằn vặt vì đã để Lucy ở nhà một mình thêm lần nữa. Tôi cũng không thể nhớ được là mình đã bật hệ thống báo động hay chưa. Tay tôi run lên và tôi ước gì lúc này mình được một điếu thuốc.
Công viên Libby Hill nằm trên một trong bảy quả đồi của thành phố Richmond, giá bất động sản khu vực này luôn ở mức cao nhất. Những dãy nhà cũ kỹ kiểu Hy Lạp thời Phục Hưng đã được gìn giữ một cách xuất sắc bởi những người đủ dũng cảm để duy trì một phần lịch sử của thành phố từ những mục ruỗng và tội ác đang ngày ngày tỏa ra như chiếc vòi bạch tuộc. Đối với hầu hết chủ nhân của những ngôi nhà này, cơ hội mà họ đang nắm giữ sắp xuất hiện rồi. Còn tôi biết mình không thể nào sống gần những khu nhà dự án hay các khu vực đình trệ, nơi mà ngành kinh doanh chính chỉ có thể là ma túy. Tôi không muốn phải xử lý công việc ngay cả với những hàng xóm của mình.
Những chiếc xe cảnh sát nháy đèn xanh đỏ đậu dọc hai bên hè phố Franklin. Đêm tối đến nỗi giờ tôi có dựng thêm chiếc bục đá granite cho một chú lính chì đứng đối diện với bức tượng ngài James thì cũng chẳng ai biết. Chiếc Mercedes của tôi bị vô số cảnh sát và các nhóm phóng viên truyền hình vây quanh. Những bóng người nổi rõ dưới cổng vào. Khi chầm chậm lái xe qua, tôi cũng không chắc rằng chiếc xe có bị hư hại hay không nhưng cửa ghế lái đang mở và đèn trong xe được bật sáng.
Đi về phía đông qua đường 29, có một con đường thoai thoải dẫn xuống cái nơi được gọi là Sugar Bottom. Cái tên này bắt nguồn từ khi những gái điếm vẫn phục vụ cho các quý ông vùng Virginia hoặc giả từ những chuyện nhảm nhí nào đó. Tôi không chắc lắm. Những ngôi nhà đã được sửa chữa bất ngờ hiện ra bên cạnh các căn nhà ổ chuột và mấy túp lều tạm lợp giấy dầu. Xuống đến lưng chừng đồi thì rừng cây rậm rạp hiện ra, ngay đoạn đường hầm bị sụt lở từ hồi đầu thế kỷ.
Tôi nhớ mình đã từng bay qua khu vực này trên chiếc trực thăng của cảnh sát liên bang. Miệng hầm đen ngòm bị cây cối che phủ, đường ray ngập bùn đến tận bờ sông. Tôi lại nghĩ tới đoàn tàu cùng những người lao động vẫn còn bị kẹt bên trong và thêm lần nữa, không hình dung nổi vì sao Danny lại tình nguyện đến đây như thế. Cậu ấy vẫn còn bị thương đầu gối kia mà. Tôi đậu xe thật sát chiếc Ford của Marino và tức thì bị các nhà báo vây lấy.
- Tiến sĩ Scarpetta, có phải chiếc xe ở trên đồi là của bà không? - Một phóng viên nữ vội vàng áp sát tôi - Tôi biết chiếc Mercedes này đã đăng ký tên bà. Nó màu gì vậy? Có phải màu đen không?
Cô ta cứ dai dẳng thế trong khi tôi chẳng nói năng gì.
- Bà có thể giải thích tại sao nó lại ở đó không? - Một phóng viên nam lại kéo micro đến sát mặt tôi.
- Bà đã lái xe đến đó à? - Một người khác hỏi.
- Chiếc xe bị mất trộm phải không? Có phải nạn nhân đã lấy cắp chiếc xe đó của bà không? Bà có nghĩ chuyện này liên quan đến ma túy không?
Những giọng nói chồng chéo lên nhau bởi vì không ai muốn chờ đến lượt mình mà tôi thì chẳng nói câu gì. Đúng lúc đó có vài cảnh sát nhận ra tôi, họ liền nhảy vào can thiệp.
- Thôi nào, tránh ra đi.
- Các anh nghe thấy tôi nói gì rồi chứ.
- Để cho bà ấy đi qua nào.
- Nhanh lên. Bà đang cần phải có mặt ở hiện trường. Tôi hy vọng mọi sự đều ổn đối với bà.
Đột nhiên Marino nắm lấy cánh tay tôi.
- Một đám sóc rừng. - Anh vừa nói vừa liếc nhìn bọn họ - Cẩn thận mà bước đấy nhé. Cô sẽ phải đi qua những bụi cây rất rậm mới vào được đường hầm đấy. Mà cô đi giày gì thế?
- Tôi đi được mà.
Đó là một lối mòn rất dài và dốc thoải dẫn từ đường cái. Ánh sáng quét qua quét lại để dò đường, cắt qua những vạt cỏ giống như bóng trăng in trên một ô cửa âm u. Rừng cây xung quanh chìm trong bóng đêm đen đặc, thi thoảng mới bị lay động bởi những cơn gió nhẹ.
- Cẩn thận đấy. - Anh nói - Chỗ nào cũng toàn bùn và rác rưởi.
- Rác gì thế?
Tôi bật đèn pin rồi rọi thẳng lên lối mòn chật hẹp và lầy lội đầy những thủy tinh vỡ, giấy mủn, giày vứt đi, khiến cho những bụi gai và các loại cây mùa đông sáng rực lên.
- Dân cư xung quanh đây đang cố gắng biến nơi này thành một bãi rác. - Anh nói.
- Thằng bé không thể đi vào đây được với cái đầu gối đang bị thương như thế. - Tôi nói - Giờ cách tốt nhất để đi vào đó là thế nào?
- Là để tôi bế.
- Không, tôi cần phải tự đi vào.
- Ồ, cô sẽ không xuống đó một mình được đâu. Tôi không biết liệu còn kẻ nào lẩn khuất dưới đó hay không nữa.
- Có máu đấy. - Tôi rọi đèn pin. Vài giọt máu rớt trên lá khô cách chỗ tôi đứng khoảng hơn một mét
- Nhiều lắm.
- Rải rác lên tận đường cái à?
- Không, hình như chỉ từ đây thôi. Nhưng chúng tôi phát hiện ra có máu rải rác trên lối mòn dẫn xuống chỗ cậu ta.
- Được rồi. Đi tiếp thôi. - Tôi nhìn quanh rồi bắt đầu bước đi hết sức thận trọng. Những bước chân của Marino ở phía sau có vẻ nặng nề hơn.
Cảnh sát đã chăng băng vàng quanh các thân cây, cố gắng khoanh vùng khu vực càng rộng càng tốt vì hiện giờ chúng tôi chưa thể biết được hiện trường sẽ kéo dài đến đâu. Tôi không nhìn thấy cái xác mãi cho đến khi thoát ra khỏi đảm cây bụi chằng chịt và gặp một bãi đất trống chỗ đường ray cũ bắt ra tận bờ sông phía nam và biến mất vào trong cái miệng đang ngoác ra của đường hầm dẫn về phía tây. Danny Webster nằm nghiêng, nửa người bên kia vướng trong mớ chân tay một cách kỳ cục. Một vũng máu lớn loang dưới đầu cậu ta. Tôi nghiên cứu kỹ mọi thứ bằng chiếc đèn pin và thấy cả áo len cùng quần jean của cậu ta lấm lem đầy bùn đất và cỏ, thêm ít lá khô và những vụn rác linh tinh khác cũng dính vào mái tóc đẫm máu.
- Nó bị lăn từ trên đồi xuống. - Tôi vừa nói vừa xem xét kỹ những chiếc đai của cái bo chân màu đỏ đã bị lỏng ra và những vụn bẩn két vào miếng băng dán - Thằng bé đã chết hoặc gần chết trước khi bị lăn từ trên cao xuống.
- Ừ, tôi cũng nghĩ nó bị bắn ở trên ấy. - Marino nói - Câu hỏi đầu tiên của tôi là trong lúc đang cố gắng tìm cách thoát thân thì nó đã bị chảy máu chưa. Và có phải nó cố gắng chạy càng xa càng tốt rồi gục ngã và lăn xuống đây hay không?
- Có lẽ nó cũng hy vọng có cơ hội để trốn thoát. - Một xúc cảm len vào giọng nói của tôi - Anh có nhìn thấy cái bo chân của thằng bé không? Anh có hình dung được là nó di chuyển chậm đến thế nào trong con đường rừng ấy không? Anh có biết nhích từng tí một với một cẳng chân bị thương là như thế nào không?
- Cái lũ chó chết đó chơi trò bắn cá trong thùng. - Marino nói.
Tôi không đáp lời anh khi rọi đèn xuống bãi cỏ và những đám rác bẩn chồng chất lên tận đường cái. Những vệt máu đỏ thẫm lấm lem trên những vỏ sữa hộp đã bị bạc trắng bởi mưa nắng và thời gian.
- Cái ví của nó đâu rồi?
- Vẫn ở túi quần sau. Có mười một đồng lẻ và các loại thẻ vẫn còn nguyên. - Marino nói, ánh mắt đột nhiên tránh đi chỗ khác.
Tôi chụp ảnh, rồi quỳ gối cạnh cái xác để có thể quan sát kỹ hơn phần đầu đầy thương tích phía sau. Tôi chạm vào cổ thằng bé, vẫn còn hơi ấm, trong khi máu chảy ra đã bắt đầu đông lại. Tôi mở túi đồ y tế.
- Này. - Tôi mở một mảnh nilon và đưa cho Marino - Cầm cái này hộ tôi để tôi đo nhiệt độ nhé.
Anh che cái xác để tránh những ánh mắt xung quanh trong lúc tôi cởi quần jean và quần đùi của thằng bé, cả quần trong lẫn quần ngoài đều lấm láp. Mặc dù hiện tượng kẻ sắp chết vãi phân và nước tiểu là không phổ biến nhưng thỉnh thoảng điều này cũng xảy ra như là một phản ứng của cơ thể trước cơn sợ hãi tột cùng.
- Cô có nghĩ nó dính dáng gì tới ma túy không? - Marino hỏi.
- Tôi chẳng có lý do gì để nghĩ như thế. Nhưng tôi cũng không phủ nhận.
- Giả dụ như mức sống của nó có vẻ vượt quá thu nhập chẳng hạn? Ý tôi là, mỗi năm nó kiếm được bao nhiêu tiền?
- Thu nhập của thằng bé khoảng 21.000 đô-la một năm. Tôi không biết nó chi tiêu có quá mức thu nhập không. Nó vẫn sống ở nhà cùng cha mẹ.
Nhiệt độ cơ thể là 34,7°C, tôi để cái nhiệt kế lên nắp túi để đo nhiệt độ của môi trường xung quanh. Tôi thử chuyển dịch cánh tay và cẳng chân, mới chỉ có những phần cơ nhỏ là bắt đầu bị cứng lại như ngón tay và mi mắt. Còn thì hầu hết mọi bộ phận trên cơ thể Danny vẫn ấm và mềm như đang còn sống. Khi cúi thấp xuống gần sát cậu ta, tôi có thể cảm thấy mùi nước thơm mà cậu vẫn dùng và tôi biết mình sẽ luôn nhận ra thứ mùi này, mãi mãi. Sau khi chắc chắn rằng tấm nhựa đã được lót hẳn dưới lưng cái xác, tôi lật cậu ta lại và máu trào ra nhiều hơn khi tôi bắt đầu tìm thêm những vết thương khác.
- Người ta gọi điện cho anh lúc mấy giờ? - Tôi hỏi Marino, lúc này đang bước rất chậm về phía đường hầm, cố gắng dùng đèn pin dò dẫm qua những bụi cây và dây leo mọc lằng nhằng.
- Một người ở gần đây nghe thấy tiếng súng nổ ở khu vực này liền quay số 911, lúc ấy là bảy giờ năm phút tối. Chúng tôi đã tìm thấy chiếc xe của cô và mười lăm phút sau thì tìm được thằng bé. Rồi chúng ta nói chuyện với nhau hai tiếng đồng hồ trước. Như thế có kịp cho cô không?
- Mọi thứ gần như đóng băng hết cả rồi. Quần áo của nó bắt đầu nặng dần và cơ thể thì đang giảm dần nhiệt độ. Nhưng vẫn còn kịp. Lấy hộ tôi mấy cái túi ở đằng kia được không? Thế còn cậu bạn đi cùng lái xe hộ Lucy thì sao nhỉ?
Tôi lồng chiếc túi vào hai bàn tay Danny rồi cuốn chặt cổ tay bằng một cuộn băng keo để giữ lại những chứng cứ dễ bị xóa sạch như vết đạn, sợi vải hay tế bào dính dưới móng tay trong trường hợp cậu ta đã phải vật lộn với kẻ thủ ác. Nhưng tôi cho rằng trường hợp này đã không xảy ra. Dù cho có bất cứ chuyện gì thì tôi vẫn nghĩ Danny sẽ răm rắp làm theo những gì mà cậu ấy được bảo.
- Lúc này chúng tôi không biết bất cứ thông tin nào về cậu bạn kia. - Marino nói - Tôi sẽ cử một nhóm xuống văn phòng của cô để kiểm tra về việc này.
- Ý kiến hay đấy. Dù sao chúng ta vẫn chưa biết được cậu bạn kia có liên quan gì tới chuyện này hay không.
- 100 đang gọi. - Marino nói vào máy bộ đàm trong lúc tôi bắt đầu chụp thêm ảnh.
- Đang nghe 100. - Đầu dây bên kia đáp lại.
- Điều bất cứ đơn vị nào hiện đang có mặt ở khu vực có phòng giám định pháp y ngã tư đường 14 và Franklin về đó.
Danny bị bắn từ phía sau. Nếu không chạm vào thì vết thương cũng đang khép lại. Tôi chưa kịp hỏi Marino về mấy cái vỏ đạn thì chợt nghe thấy một thứ tiếng ồn mà tôi biết rất rõ đó là tiếng gì.
- Ôi không. - Tôi kêu lên khi tiếng ồn đó càng lúc càng ầm ĩ hơn - Marino, đừng để cho bọn họ đến gần chứ.
Nhưng quá muộn rồi. Chúng tôi ngước lên nhìn chiếc trực thăng săn tin đang lượn vòng sà thấp xuống. Ánh đèn sáng quắc quét qua đường hầm và mặt đất khô cứng đã đóng băng, quét qua cả tôi đang quỳ gối, máu và óc vẫn còn đang dây ra hai bàn tay. Tôi nhắm mắt lại để đỡ chói mắt. Cánh quạt của chiếc trực thăng khiến cây cối rung chuyển và lá cây cùng bụi đất bị cuốn lên mù mịt. Tôi không nghe thấy Marino vừa chửi thề vừa vung vẩy chiếc đèn pin lên bầu trời một cách giận dữ. Còn tôi thì cố gắng che kín cái xác bằng cả thân mình.
Tôi bọc đầu Danny vào một túi nhựa rồi quấn mảnh vải quanh người cậu trong khi đội quân của kênh truyền hình số 7 đang cố gắng phá hủy hiện trường vì sự vô tâm và dốt nát của họ. Cửa máy bay bắt đầu mở ra và bóng những gã quay phim nổi rõ trong đêm tối, cùng lúc những ánh đèn chĩa vào tôi để phục vụ cho bản tin lúc 11 giờ. Rồi sau đó chiếc trực thăng rút lui, tiếng cánh quạt lại vù vù như sấm.
- Mẹ kiếp chúng bay. - Marino hét lên, tay giơ nắm đấm - Tao phải đá đít cho chúng bay rơi xuống mới hả.
Chú thích:
[1] Keystone Kops: Một nhóm cảnh sát bất tài trong loạt phim câm hài hước hồi đầu thế kỷ XX. Tác giả ám chỉ “những cảnh sát bất tài” - ND.
[2] Mathew Brady (1822-1896): Là một trong những phóng viên ảnh người Mỹ nổi tiếng nhất thế kỷ XIX. Ông được biết đến với những tấm chân dung chụp người nổi tiếng và ảnh tư liệu tường thuật cuộc nội chiến của Mỹ. Ông cũng được coi là cha đẻ của khái niệm ảnh báo chí. - ND.