Dịch giả: Hà Tài
Chương 7

     dams ngồi mơ màng nhìn ngắm những đường nét hài hòa của vợ lúc đó đang dọn ăn. Mặc dầu lấy nhau đã lâu, ông vẫn thích ngồi ngắm vợ mà không thấy chán. Nhưng lúc này chưa phải để ngồi mơ mộng triền miên mặc dầu là thú vị thật. Ông lắc đầu và châm một điếu thuốc Pall Mall. Sylvia lên tiếng:
- Em đã chuẩn bị đá và rượu Scotch cho anh rồi đó. Bây giờ em lái chiếc xe Ford đi lại nhà bà Webston chơi bài cào đây.
- Em nhớ chớ đánh được bài nhé! Vì chồng bà sẽ xử vụ án sắp tới đây cho nên đừng làm bà ta nổi cáu với ổng.
Sylvia cúi xuống hôn nhẹ vào môi chồng. Nàng cười và nói:
- Chẳng sợ đâu! Bà ta chơi giỏi hơn em nhiều và như anh biết đó, bà ta chẳng có ảnh hưởng gì đối với ông chồng già nua cả.
Sau đó chưa đầy năm phút, Joe và Landon cùng đi vào phòng nghỉ riêng. Bill chạy xuống bếp mang lên một thùng nước đá và một chai rượu William Lawson rồi chuốc nhau một chầu nhừ tử. Vừa uống Bill vừa nói lẩm nhẩm:
- Thằng khốn kiếp đang chuẩn bị bản luận tội.
- Hãy từ từ xem sao đã! - Adams đáp lại - Cậu có ghé qua phòng làm việc của chánh án Himes không?
- Suốt cả buổi chiều, tại đó họ đã bàn cãi ầm ỹ. Lão Himes có vẻ sốt ruột, muốn giải quyết nhanh nên đã huy động cả bộ sậu của lão và cả của đại úy Carlting nữa. Nhưng khốn nạn thay! Mình cũng chẳng thu luộm được tin tức gì cụ thể cả. Tuy thế mình có thể khẳng định là ngày mai lão ta sẽ gặp ông trưởng tòa Webston và phiên tòa sơ thẩm sẽ vào ngày thứ Năm tuần này tức là ngày kia đấy.
- Sao họ làm vội vàng thế?
- Mình chẳng biết nữa. Nhưng bên ngoài người ta thì thầm rằng Himes sẽ tố cáo Angela can tội giết người có chủ định.
Nghe nói thế, Joe kêu lên:
- Thật lếu láo! Tại sao cô ta lại có thể giết chết một ông già đang hấp hối?
Bill nhún vai, miệng nhai lộp cộp những viên nước đá cho đến khi Adams chỉ cho anh ta chai rượu Scotch. Landon rót đầy cốc cho Adams.
- Lão Himes tính nết dữ dằn lắm. Lão lại dám chơi cả với John Adams, thật là đồ ngu! Lần này lão dám lao vào vụ này thì chắc là lão đã nắm được nhiều chứng cứ nhưng vì lão ranh ma nên lão chờ đến phiên tòa mới nói toạc móng heo ra chứ gì!
Adams rút quyển sổ con ở túi ra và nói:
- Cậu hãy nói cho mình biết Henry Lockwood là người thế nào?
- Ông cụ sinh năm 1908. Gia đình có ba anh em. Ông là anh cả. Ông bố kinh doanh nhỏ, bị phá sản trong cơn khủng hoảng kinh tế năm 1929. Năm mười bảy tuổi Henry bỏ học và lao vào đời. Từ một nhân viên thuộc hạ dần dần ông phất lên cũng giống như tiểu sử những nhà triệu phú khác làm nên từ hai bàn tay trắng. Ông đã làm đủ nghề: bán báo, đưa sữa, bồi phòng, hầu bàn... và gì gì nữa. Mình không nhớ hết. Rất có thể ông ta cũng đã tham gia vào các vụ buôn lậu nhưng vì chưa bao giờ bị bắt bớ, tù tội nên ông tổng biên tập tòa báo yêu cầu mình bỏ qua chi tiết đó trong tiểu sử của một công dân đáng tôn kính đã từ bỏ đúng lúc con đường tà đạo để đi vào chính đạo. Nhưng chắc chắn là nhờ buôn lậu rượu Whisky mà ông ta có vốn để tậu một nhà máy nhỏ sản xuất dụng cụ điện vào thời kỳ khế ước mới của Tổng thống Roosevelt. Xí nghiệp sống lay lất đến năm 1941 thì Lockwood gặp vận may nhận được nhiều đơn đặt hàng khá lớn của hải quân Mỹ. Đến cuối thế chiến thứ hai, Henry Lockwood đã có được ba nhà máy với năm ngàn công nhân. Thành công nhất của ông ta là sau đó ông chuyển nhanh sang kinh tế thời bình. Nhờ nắm được kỹ thuật sản xuất các loại động cơ điện cỡ nhỏ mà ông mạnh dạn lao vào sản xuất dụng cụ gia đình và từ hai mươi năm nay không ngừng phát triển, như máy xay cà phê bằng điện, máy gọt vỏ và thái hoa quả, máy mài dao kéo và các thứ dụng cụ điện nhỏ khác... Chưa biết chừng ngay trong nhà bếp của cậu cũng có một thứ gì đó do nhà máy ông ta sản xuất.
- Hiện nay công việc làm ăn vẫn vững chứ?
- Khỏi phải nói!
- Ông ta bị bệnh từ bao giờ nhỉ?
- Khoảng hai năm nay. Mới đầu, ông coi thường. Cho đến khi ông quyết định vào nằm bệnh viện thì cái chứng bệnh ung thư tiền liệt tuyến đã di căn. Nhờ hóc môn và hóa dược mà ông trụ được đến hai mươi tháng nhưng thể trạng ngày càng suy sụp nên ông quyết định ra viện để về chết ở nhà.
- Đoạn sau thì mình biết. Bây giờ cậu nói về mặt tình cảm của ông cụ xem sao!
Landon rú lên và nói:
- Nếu cậu nghĩ ông ta là người độ lượng và vô tư thì cậu nhầm to. Trong công việc, ông ta khét tiếng là cứng rắn hơn vỏ bọc chiến hạm. Muốn trở thành triệu phú mà hỷ xả nhân đạo làm sao được!
- Về mặt gái thì sao?
Bill bật cười to.
- Về mặt này thì chúa tể! Ông bạn Joe của ta đây so với ông ta thì chỉ đáng học trò!
- Cậu nói rõ hơn nữa đi! Mình cũng là người giàu tình cảm đấy.
- Mình dám đoán chắc với cậu ông già này thì khác. Suốt cuộc đời ông ta, lúc nào cũng có ít nhất hai cô nhân tình và cũng chỉ được vài ba năm rồi lại thay, vì thế ông ta tuyển nhân viên trẻ luôn. Về cuối đời, ông ta đặc biệt thích gái mơn mởn cơ!
- Bê bối thế cơ à?
- Thế mà không sao. Cho đến nay chẳng thấy cô nào kiện tụng, kêu ca ông ta cả.
Nói nhiều quá, Bill lại đòi uống nữa, mà Adams thì chưa chịu buông tha cho.
- Bây giờ thì cậu nói về những người cùng ở chung nhà với ông cụ đi!
- Tuy tình cảm khô cằn nhưng ông già lại muốn làm ra vẻ gia trưởng: Người em thứ hai của ông làm ở hãng bảo hiểm và sống yên lành. Ông này đã tham gia chiến đấu ở Thái Bình Dương, tại một văn phòng ở Trân Châu cảng và sau khi giải ngũ một năm thì cưới một cô bạn đồng sự. Vợ chồng sinh được hai người con trai là Edward và Bruce. Cách đây sáu năm, cả hai vợ chồng chết trong một tai nạn ô-tô, thế là ông già Lockwood đem cả hai người con về nuôi trong nhà. Người anh là Edward tốt nghiệp kỹ sư ở trường Đại học Los Angeles và bổ túc thêm hai năm ở viện kỹ thuật Massachusetts. Sau đó, cách đây ba năm, anh ta trở về làm việc ở nhà máy của ông bác, được đề bạt nâng cấp rất nhanh và gần đây khi ông già đi nằm viện thì anh ta thay thế luôn.
Joe nhếch mép cười, nói:
- Leo thang nhanh đấy.
- Cháu của ông chủ mà lại! Tuy nhiên, ai cũng công nhận là anh ta làm việc giỏi. Ngay từ khi học ở đại học, anh ta chỉ biết lao đầu vào thi cử.
- Có vợ chưa?
- Chưa. Và cũng chẳng thấy cô bạn nào thân tình cả. Anh ta vẫn thường chê trách chuyện trai gái của ông bác.
- Còn Bruce thì sao?
- Anh này thì lại khác. Học hành chẳng ra sao, trường nào cũng bị đuổi. Tin gần đây nhất là ông già Lockwood định đưa anh ta vào nhà máy làm việc để giáo dục dần.
- Bruce có chuyện lôi thôi với cảnh sát không?
- Đã hai lần, ông bác hắn ta đã phải can thiệp để dập mấy vụ đánh nhau bị thương. Hắn nhập bọn với một nhóm thanh niên càn quấy nhiễm tư tưởng phát xít. Cái nhóm vớ vẩn đó mệnh danh là “Con quỷ đen”. Và dĩ nhiên là nó không tránh khỏi những cuộc va chạm với các nhóm khác có chính kiến cực tả nhiều hơn.
Adams ngồi trâm ngâm một lúc lâu trước quyển sổ tay ghi chép chi chít những sự kiện rồi thở dài nói:
- Bây giờ đến lượt thân chủ của mình, Angela Winters thế nào?
Bill mỉa mai:
- À! Về cô này thì chắc hẳn là Joe biết rõ hơn mình nhiều. Cô ta hai mươi bảy tuổi, con một. Ông bố là đại úy Winters quân nhân chuyên nghiệp bị chết ở Việt Nam năm 1966. Bà vợ là Ethel chết bốn năm sau vì bệnh ung thư vú. Lockwood cũng lại đưa cô bé về nuôi và cho ăn học ở Đại học Los Angeles. Cô thôi học đã hai năm và trở về làm việc ở xí nghiệp của ông bác. Không có vấn đề gì lớn cho đến khi cô nghỉ việc để về chăm lo phục vụ cho ông bác bị ốm nằm liệt giường.
- Chỉ có thế thôi ư? - Adams hỏi lại, hơi thất vọng.
Sau giây phút tự đấu tranh bản thân, Joe nói:
- Mình biết một chi tiết bổ sung thêm nhưng mình muốn là chỉ biết giữa bọn mình với nhau thôi. Cho nên mình đề nghị là nếu cậu còn muốn giữ tình bạn giữa bọn mình với nhau thì cậu không được công bố gì trên báo chí cả.
Landon gật đầu đồng ý vì anh biết rằng lúc này mà giả câm giả điếc thì sau này có khối đề tài còn béo bở giật gân hơn. Joe kể tóm tát về những chuyện bê bối của Angela hồi còn ở Los Angeles và sau đó đến việc anh ta khóa miệng tên Kruger. Nghe xong, Adams thở dài nói:
- Mình biết cái tính sôi nổi, bộc trực của cậu. Mình chỉ mong sao cái thằng tống tiền ấy nó chịu nằm im, mà không đi tìm gặp ông chánh án. Cậu có tiếp xúc với Baker, cái cô y tá phục vụ ban ngày cho ông già Lockwood không?
Joe bực dọc nói:
- Mình mất cả nửa buổi chiều rình trước nhà cô ta mà không tài nào gặp được. May có một bà láng giềng cho mình biết là vào khoảng hai giờ chiều, có một chiếc xe cảnh sát đến mang cô ta đi và giữ luôn cả ngày.