- 4 -

     ames Dean Hùng ngồi chờ ở văn phòng nội trú. Bà phước Giám thị lên lầu kiếm Tường Vi. Lát sau, bà trở xuống, bảo James Dean Hùng:
- Cô ấy đang sửa soạn.
Lợi dụng dịp này. James Dean Hùng hỏi:
- Thưa bà, chị cháu học hành tiến bộ không ạ?
James Dean Hùng gọi Tường Vi bằng chị vì sáng hôm qua, trong bức thư Trần Đại viết cho bà hiệu trưởng, Trần Đại giới thiệu với bà James Dean Hùng là em ruột hắn và em Tường Vi.
Bà giám thị tươi cười đáp:
- Chăm lắm, cô ấy mua đèn cầy thắp lén học. Tôi bắt gặp luôn nhưng không nỡ phạt. Giá cô ấy đọc tiểu thuyết thì nhất định tôi không tha.
- Thưa bà chị cháu có hay ra ngoài không ạ?
- Cô ấy chỉ ra khi đi học thêm. Tường Vi ngoan ngoãn dễ thương, bà hiệu trưởng cưng cô ấy nhất...
Bà giám thị nhìn James Dean Hùng:
- Còn cậu, cậu có chăm học như chị cậu không?
James Dean Hùng xoa bàn tay, ngượng nghịu:
- Thư bà, con... lười lắm ạ!
James Dean Hùng không sợ đánh nhau, không sợ những thằng côn đồ cầm dao nhưng nó sợ bà phước hiền từ lắm. Sự hiền hậu khiến nó chợt nhớ tới mẹ nó. Nhiều lúc, mẹ nó cũng yêu thương nó. Niềm yêu câm nín. Bây giờ nó mới hiểu. Thì nó đã dấn thân vào con đường du đãng bị cuộc đời ghê tởm. James Dean Hùng chỉ lo bà giám thị hỏi nữa. Chắc chắn nó sẽ lúng túng lắm. Tường Vi giải thoát cho nó.
Nàng đã hiện ra, lộng lẫy cơ hồ một danh ca trên sân khấu tân nhạc. Mấy tháng nay, James Dean Hùng không gặp Tường Vi. Con chim bồ câu của Trần Đại duyên dáng quá. Nét buồn tan biến trên khuôn mặt nàng. Cô nữ sinh, dường như, đã quên hẳn được một kỷ niệm tủi nhục. Tình yêu của Trần Đại thay đổi hẳn cuộc đời nàng. Tường Vi lại ham sống, hồn nhiên như thuở bùn chưa dấy vết lên tấm áo trắng của nàng.
James Dean Hùng đứng lên đón Tường Vi. Hai người xin phép bà giám thị rời khỏi nội trú. Ra tới cổng. Tường Vi hỏi ngay:
- Anh Đại bị bệnh gì hở anh Hùng?
James Dean Hùng không trả lời. Nó ngoắt tay kêu tắc xi. Tường Vi cau mày:
- Anh chưa nói cho tôi biết anh Đại bị bệnh gì à?
James Dean Hùng nói:
- Mời chị lên tắc xi đã.
James Dean Hùng mở cửa xe dục Tường Vi bước lên. Nó thừa lịch sự để đóng cửa lại rồi mới vòng sang bên kia mở cửa lên xe James Dean Hùng hỏi:
- Chị đã đọc thư của anh Trần Đại chưa?
- Tôi đọc rồi.
- Anh ấy có bảo anh bị bệnh gì không?
- Anh ấy chỉ bảo bị mệt.
James Dean Hùng gật đầu:
- Vâng, anh ấy bị mệt chị ạ! Sáng hôm qua tôi tới nội trú đón chị nhưng chị đi học thêm.
Tường Vi đưa tay vuốt tóc mai:
- Hôm qua anh Hùng mang thơ cho tôi à?
- Vâng.
Tường Vi trách nhẹ:
- Anh... có vẻ xa lạ với tôi quá...
James Dean Hùng thành thật:
- Thưa chị xa lạ gì ạ?
- Sao anh cứ “vâng” với “thưa” hoài thế?
James Dean Hùng cười. Ngày xưa tới quán “Gió Nam” uống cà phê. James Dean Hùng thường say mê ngắm đôi bàn tay đẹp như bàn tay bầy ở hiệu kim hoàn của Tường Vi. Có lần, James Dean Hùng đã nghĩ đến cả chuyện chinh phục Tường Vi nữa. James Dean Hùng không tha thiết giống Trần Đại nên nó đã để con chim xanh Tường Vi sập lồng bẫy Trần Đại. Trước đây James Dean Hùng gọi Tường Vi bằng “cô” như các chàng trai trẻ khác. Giờ thì nó cảm thấy nó không có quyền gọi thế nữa. Nó coi Trần Đại như anh nó thì nó có bổn phận phải kính trọng Tường Vi. Trần Đại luôn luôn ngỏ cho James Dean Hùng biết rằng, khi hoàn cảnh thuận tiện giúp hắn, hắn sẽ cưới Tường Vi làm vợ.
Tường Vi sẽ làm vợ Trần Đại thì Tường Vi phải là chị “chị dâu” của James Dean Hùng. Có ai gọi chị mình bằng “cô” bao giờ đâu. Thế mà, thưa gửi trước cho quen dần đi, Tường Vi lại còn trách móc.
James Dean Hùng giả vờ hỏi Tường Vi:
- Chị chưa biết gì à?
Tường Vi ngạc nhiên:
- Có chuyện lạ hở?
- Vâng.
Tường Vi nhăn nhó:
- Khổ quá, anh lại “vâng” rồi...
- Chị chưa để tôi trả lời đã vội trách. Tôi có người anh sắp lấy vợ. Tính tôi lỗ mãng lắm. Sợ nàng chị dâu tương lai của tôi chịu không nổi sự lỗ mãng của tôi, mách anh tôi đánh tôi thì tội nghiệp. Nên tôi đang cố gắng tập lễ phép với đàn bà con gái. Tôi nhờ chị để thực tập cái lý thuyết... lễ phép của tôi đó mà. Chị đừng coi là xa lạ nhé.
Tường Vi thấy chuyện của James Dean Hùng là lạ, tươi nét mặt:
- Anh ruột của Hùng sắp cưới vợ hở Hùng?
James Dean Hùng hơi ngạc nhiên. Nó nghĩ bụng “mình chưa nói mà con chim bồ câu của anh Trần Đại đã hạ mình xuống hàng đàn em rồi”. Tường Vi nghĩ khác, nàng muốn gọi Hùng bằng tên của nó để nó bớt khách sáo đi. James Dean Hùng đáp:
- Không phải anh ruột chị ạ!
- Anh họ à?
- Cũng không phải.
- Thế anh nuôi?
- Không phải nốt. Chị đã đọc Tam quốc chí chưa?
- Chưa. Tôi ghét truyện Tầu lắm.
- Ấy chết, ba tôi lại bảo rằng dù ghét Tầu cách mấy, hãy rán đọc bộ truyện Tam quốc, Thủy hử, Đông chu liệt quốc. Chị học chương trình Pháp hay Việt?
- Việt
- Thế thì càng nên đọc Tam quốc.
- Để làm gì?
- Để ít ra biết truyện ba anh em kết nghĩa vườn đào.
Tường Vi nhoẻn miệng cười:
- À, cái truyện ấy thì tôi biết.
James Dean Hùng nói:
- Tôi với anh tôi là thứ anh em vườn đào đấy chị Tường Vi ạ! Nhưng chúng tôi kết nghĩa ở “Snack bar”. Tinh thần là tinh thần vườn đào nhưng không trích máu, uống thề mà chỉ uống bia 33.
Tường Vi khen James Dean Hùng:
- Hùng có thể đi làm giáo sư Việt văn được đấy.
James Dean Hùng nhún vai:
- Thế mà tôi lại đi làm...
Nó vội vàng tiếp:
-... lại đi làm học sinh!
Người tài xế tắc xi hỏi:
- Xuống đâu hở cậu?
- Bô Na.
James Dean Hùng nhìn Tường Vi:
- Chị có muốn biết tên ông anh vườn đào của tôi không?
- Hùng thử nói xem.
- Trần Đại!
Tường Vi hơi sửng sốt:
- Anh ấy sắp lấy vợ à?
- Vâng.
Mặt Tường Vi biến sắc. James Dean Hùng không dám kéo dài câu chuyện nữa. Nó kết thúc ngay:
- Vâng, thưa chị, anh ấy sắp lấy chị đấy ạ!
Tường Vi thở phào trút nỗi lo sợ. Máu ở tim nàng lại dồn lên mặt. Hồng hào. Tim nàng vẫn còn đập mạnh. Niềm sung sướng bất chợt khiến nàng ứa nước mắt. James Dean Hùng nói:
- Bà chị dâu tương lai của Hùng không trách Hùng tội “xa lạ” nữa chứ?
Tường Vi nói lảng:
- Hùng nói chuyện hay quá!
- Nhưng vẫn thua anh Trần Đại.
Chiếc xe tắc xi đã dừng lại bên lề đường. Hai người xuống xe thả dọc trên vỉa hè đại lộ Lê Lợi. James Dean Hùng hỏi:
- Chị đã ăn sáng chưa?
- Chưa.
- Vậy Hùng mời chị đi ăn hủ tíu Nam Vang...
Tường Vi thắc mắc:
- Sao không thăm anh Đại trước?
- Đi ăn đã, rồi thăm anh Đại sau, hôm nay anh ấy bớt mệt rồi.
Tường Vi nhắc James Dean Hùng:
- Ăn sáng ở hẻm Casino hở?
- Không, hẻm Casino bây giờ tồi lắm. Cứ điểm “bún chả bún ốc” cuối cùng cả dân Bắc Kỳ đã bị đánh tan. Bậy quá.
Tường Vi hỏi:
- Ai đánh tan?
- Nghe nói mật vụ của ông Ngô Đình Nhu. Một nơi ăn uống đã đi vào lịch sử rồi mà người ta, vì muốn vừa lòng chủ, muốn tâng bốc công lao với chủ, đã hủy diệt cái di tích lịch sử đi. Hẻm Casino lại bán “bún chả bún ốc” nhưng sau cách mạng “bún chả bún ốc” ăn chẳng ngon lành gì. Để Hùng dẫn chị đi ăn hủ tíu khô.
- Rồi sau đó?
- Mời chị đi coi phim “Marqué par la haine”. Phim này hay lắm chị ạ! Hùng đã coi truyện phim ở “Ciné Revue”. Paul Newman cặp kè với Pier Angeli thì chê sao nổi. Hình như đang hoặc sắp đóng phim “Marqué par la haine” thì James Dean chết, Paul Newman đóng thay. Chị coi James Dean chưa?
- Một lần.
- Phim nào?
- “Géant”.
- Chị coi Paul Newman chưa?
- Vài lần.
- Phim nào chị ưng nhất?
- “Femmes coupables”.
- Hùng chưa coi “Marqué par la haine” nhưng nghe mấy đứa coi rồi thì đóng thế James Dean, Paul Newman đã làm những cô cậu ái mộ James Dean quên hẳn thần tượng của họ... Ta đi xem phim mới của Paul Newman chị nhé!
Tường Vi suy nghĩ một lát rồi nói:
- Anh Đại có dặn gì không?
- Anh ấy bảo chị phải xem phim của Paul Newman rồi về kể cho anh ấy nghe.
- Thật chứ?
- Bà chị dâu khó tính ghê.
Tường Vi hớn hở:
- Anh Đại đã dặn, ai dám cãi lời. Vậy mình đi ăn hủ tíu mau lên rồi đi xem “Marqué par la haine”.
Hai người tới sau sở Trường tiền cũ ăn hủ tíu khô. Sáng Chủ nhật, gọi được tô hủ tíu là cả một công phu. Phải chờ ít là hai mươi phút. Trong lúc ngồi đợi người bồi bưng hủ tíu ra, James Dean Hùng rút thuốc châm hút còn Tường Vi nghĩ tới Trần Đại.
Lúc ấy, dưới căn hầm ở Phú Lâm, Trần Đại đang thiêm thiếp ngủ. Năm Hòa Hưng và Quyền Tân Định canh giấc cho đàn anh. Chúng nó để ánh sáng dịu mắt và vặn những đĩa nhạc cổ điển thật nhỏ thay lời ru, ru Trần Đại ngủ. Đêm qua, bọn khốn kiếp nhảy đầm, ca hát khiến Trần Đại khó chịu không thể tả nổi. Đàn em hắn phải rinh hắn vào “hậu trường”, lấy bông nhét lỗ tai mà nhạc vẫn làm Trần Đại nhức óc. Mãi hai giờ khuya, bọn khốn kiếp lần lượt kéo nhau ra về. Trần Đại mới dễ thở đôi chút.
Vết thương của Trần Đại được bác sĩ Niệm săn sóc nên nó không còn hành hạ Trần Đại nữa. Theo lời bác sĩ Niệm, nội nhật tuần sau Trần Đại có thể chạy nhảy được như cũ. Cả buổi chiều hôm qua Trần Đại đã “đấu” với bác sĩ Niệm đủ mọi chuyện. Hắn nằm trên ghế bố thuật lại quãng đời du đãng của hắn cho bác sĩ Niệm nghe. Trần Đại khéo tả những trận đấm đá khiến bác sĩ Niệm say mê theo dõi. Đối với hắn du đãng là lý trưởng của những thằng bị cuộc đời lãng quên và muốn chôn chúng một hố với chó chết vô thừa nhận. Cũng như tổ quốc, dân tộc hạnh phúc, độc lập, dân chủ tự do là lý tưởng của những nhà chính khách. Trần Đại thản nhiên công nhận lý tưởng của hắn là chính đáng. Hắn tự hỏi bao nhiêu lần hắn đã làm cho non sông này điêu đứng chưa? Chưa một lần nào. Thế nhưng bất cứ đứa nào, khi kết án du đãng cũng nhai lại các công thức cũ rích là du đãng làm ung thối xã hội. Cái xã hội Việt Nam này, có du đãng hay chẳng có du đãng, nó đã ung thối rồi. Những đứa tạo ra tình trạng ung thối là những đứa lên án du đãng nặng nhất. Chúng nó dùng du đãng để che lấp mọi tội lỗi của chúng. Du đãng bị hất hủi, xua đuổi khỏi cuộc đời một cách tàn nhẫn. Đã đi vào bóng tối của đồi trụy, du đãng càng tiến sâu vào rừng đêm mù tịt. Du đãng lạc lõng trong xã hội ích kỷ, đạo đức giả, thối nát... Và du đãng nổi loạn đánh chém, hiếp dâm, cướp ngày, tống tiền để trả thù xã hội. Xã hội lại bai bải cái mồm kết án du đãng. Du đãng lại trả thù nặng hơn. Cái vòng lẩn quẩn cử thế kéo dài năm này tháng nọ. Xã hội chỉ vẽ giùm du đãng con đường dẫn vào trại Tế Bần. Những con đường đi Nông Sơn heo hút. Chứ tuyệt nhiên, xã hội không vẽ giúp du đãng con đường đi vào mái nhà cũ, tình thương yêu của gia đình.
Trần Đại bộc lộ hết sự căm phẫn của hắn. Hắn cho bác sĩ Niệm biết rằng hắn không dung tha bọn du đãng cướp của người nghèo, hiếp đáp kẻ ốm yếu. Song hắn không thể chấp nhận những giải pháp hời hợt, lừa dối mà xã hội đặt ra để thanh toán du đãng. Du đãng có tự ái của du đãng. Chúng nó muốn níu lấy sợi dây của người lôi chúng nó lên khỏi giếng tội lỗi nhưng lại bằng lòng giết chết đời mình bằng tội lỗi nếu người cứu nó cứ quát mồm chửi bới nó. Trần Đại xả một mạch “tâm lý” du đãng. Bác sĩ Niệm lắng tai nghe. Một đôi lần, bác sĩ Niệm tỏ ỷ muốn biết lý do gì Trần Đại đã trở thành tên du đãng ngoại hạng. Thì Trần Đại chỉ mỉm cười. Hắn đã hỏi:
- Tại sao bác sĩ trở thành bác sĩ?
- Tại vì tôi thích nghề thuốc.
- Tại sao tôi trở thành du đãng? Tại vì tôi không thích trở thành một cái gì cả!
Bác sĩ Niệm chịu hàng. Ông ta nắm chặt tay Trần Đại tri kỷ:
- Anh đã chửi vào mặt tôi tàn tệ. Anh đã bắt bí tôi đủ thứ. Nhưng không hiểu tại sao tôi mến anh thế!
Trần Đại đùa bỡn:
- Bác sĩ có thích làm du đãng không?
- Tôi đánh đấm kém lắm.
- Cần gì đánh đấm.
- Không đánh đấm sao gọi là du đãng?
- Đánh đấm là du đãng hạ cấp.
- Thế nào du đãng thượng cấp?
- Là nổi loạn chống đối, và chửi bới tuốt tuột...!
- Thí dụ?
- Chống lại bản thân mình, giai cấp mình, xã hội mình, thế giới mình, tổ chức mình và tư tưởng mình. Như thế gọi là du đãng tâm hồn. Bác sĩ có muốn làm du đãng, tôi khuyên nên chọn nghề... du đãng này. Bằng không, cứ thản nhiên chấp nhận cuộc đời hèn mọn, nổi loạn làm chi cho mệt xác.
- Sao lại chống lại tổ quốc?
- Vì tổ quốc có còn gì đâu mà chả chống. Hai tiếng này hết thiêng rồi. Nó đã trở nên vô nghĩa, rỗng tuếch từ lúc đất nước mình sản sinh ra những thằng nửa người nửa ngợm đòi đem vinh quang cho tổ quốc. Nó ô uế từ lúc có những cuộc họp bàn đưa tổ quốc lên nấc thang tột cùng của huy hoàng ở các ngã Ba. Thí dụ ngã Ba chuồng chó. Chống lại tổ quốc là rửa sạch một vết ô uế mà bọn khốn nạn đã vấy đầy “mình” tổ quốc, bác sĩ dám chống không?
- Tôi không ước mơ ảo vọng đó.
- Tôi thì ước mơ lắm.
- Tại sao anh không giúp tổ quốc?
- Vì tôi là du đãng. Là du đãng dẫu hành động cao thượng cách mấy vẫn chỉ là hành động du đãng. Bác sĩ hiểu chưa? Tuy thế, tôi chưa đến nỗi tuyệt vọng. Trên đời còn bác sĩ. Dù chỉ một mình bác sĩ biết tên du đãng Trần Đại không ăn cắp, cướp giật, tống tiền, tôi xin hứa sẽ cố gắng hết mình làm một việc gì thật phi thường để cuộc đời hết khinh tôi, hết khinh anh em tôi.
Trần Đại xả ga hăng quá. Mệt đừ, bác sĩ Niệm chích thuốc tăng sức cho hắn, bắt hắn uống thuốc an thần. Trần Đại thiếp đi một giấc dài. Tới tám giờ tối, tiếng nhạc, tiếng cười trỗi dậy. Hắn tỉnh ngủ. Nằm trằn trọc mãi đến khi bọn đợt sống mới chui hết khỏi hầm, hắn mới gọi James Dean Hùng giao phó việc đón Tường Vi, đưa nàng đi xem chiếu bóng rồi dẫn nàng về nơi hắn đang trú thăm.
Trần Đại thương Tường Vi côi cút ở nội trú cả tuần nên bắt James Dean Hùng phải dẫn nàng dạo phố phường cho khuây khỏa. James Dean Hùng đã nắm đúng vai trò.
Nó dụi điếu thuốc lá vừa cháy hết chừng một phần ba. Tường Vi cũng tạm quên nghĩ tới Trần Đại. Vì người bồi đã bưng hủ tíu ra. James Dean Hùng hỏi:
- Chị uống gì?
Tường Vi đáp:
- Hùng gọi dùm chai “bia lây”. Hùng uống gì?
James Dean Hùng cười hóm hỉnh:
- Chị quên rồi à?
Tường Vi sực nhớ ra:
- À, Hùng thích cà phê phin đá.
James Dean Hùng so đũa và lau hộ Tường Vi. Nó nói:
- Cà phê ở đây chán chết. Ước gì uống ly cà phê phin đá do chị pha!
Tường Vi tủm mỉm cười:
- Sao Hùng không lại “Gió Nam”.
- Không có chị, cà phê “Gió Nam” cũng chán chết. Nhiều khi Hùng thường lẩn thẩn tự hỏi, chẳng biết duyên do ở đâu mà hễ quán nào cà phê ngon là y như quán ấy có một cô đẹp. Khi cô gái đẹp đi lấy chồng hay yêu ai, cà phê tự nhiên hết ngon. Kẻ nào trót yêu thầm cô gái đẹp còn cảm thấy cà phê đắng là đằng khác. Dù đã bỏ rất nhiều đường. Thôi mời chị dùng hủ tíu đi...
Tường Vi ăn hết tô hủ tíu. Nàng nhấc ly “bia lây” uống trán miệng rồi đập bàn tay khẽ trên mặt bàn.
- Gì thế chị?
- Tôi hỏi Hùng phải nói thật nhé!
- Dạ.
- Hùng dạ thì thôi tôi chả thèm nói nữa...
James Dean Hùng đưa tay vuốt mái tóc:
- Chị khó tính quá. Vậy thì thôi, không dạ.
Tường Vi nhìn thẳng đôi mắt vào James Dean Hùng:
- Hùng đã bỏ rất nhiều đường vào ly cà phê lần nào chưa?
James Dean Hùng bối rối. Nó bỏ thêm đường vô ly cà phê đá, khuấy liên hồi:
- Thưa chị đã có một lần.
- Ở đâu?
- Ở xa lắm. Hồi ấy Hùng chưa đi...
- Hùng chưa đi đâu?
James Dean Hùng suýt lỡ lời. Khi nỗi buồn dâng lên, chịu không nổi. Khi đốm lửa gia đình lập lòe chói mắt nó. James Dean Hùng hay “suýt lỡ lời”. Nó gượng gạo:
- Chưa vô Sài gòn trọ học.
Tường Vi hỏi:
- Tôi tưởng Hùng ở Sài gòn. Thế nhà Hùng ở đâu?
James Dean Hùng chớp mắt lia lịa, rồi khuôn mặt nó thờ thẫn đôi mắt nhìn vào đám đông cơ hồ nhìn vào sa mạc hoang vu. Nó nói nhỏ:
- Ở miền Trung chị ạ!
- Huế hay Nha Trang?
- Đà Nẵng.
- Tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết của nhà văn trẻ. Ông ấy tả miền Trung mơ mộng lắm. Tôi còn nhớ một câu...
- Chị đọc nghe xem đoạn văn đó có hình ảnh quê hương Hùng không?
- “... Ngày mai chàng đã về miền Trung, quê hương có những hàng cây dừa xanh mướt và đêm đêm có những con thuyền chở đầy trăng...”
Mặt James Dean Hùng nhếch mép cười. Tường Vi nhăn mặt:
- Hùng không tìm thấy hình ảnh quê hương mình hay sao mà cười khinh mạn thế?
James Dean Hùng nhún vai:
- Đâu có khinh nhà văn.
- Thế Hùng cười gì?
- Hùng cười vì nghĩ rằng nhà văn của chị phiệu quá!
- Phiệu sao?
- Phiệu vì ông ta chưa ra miền Trung.
Tường Vi lại hỏi:
- Vậy quê hương của Hùng thế nào?
- Không có thuyền chở trăng mà chỉ có thuyền chở cá và đau thương nghèo khổ.
- Ba Hùng làm gì?
- Buôn bán.
- Má?
- Nội trợ.
- Hùng đông anh em không?
- Vài đứa.
- Em gái Hùng nếu giống Hùng chắc đẹp lắm nhỉ?
Tường Vi lật từng trang dĩ vãng James Dean Hùng xúc động vô cùng. Cuộc đời cũ như hơi nước biển bốc lên thành mây tụ lại và đổ thành mưa sầm xuống tâm hồn James Dean Hùng. Nó nhớ những kỷ niệm thiếu thời. James Dean Hùng có ba đứa em. Hai đứa em trai nghịch ngợm nhất tỉnh. Đứa em gái thì hiền khô. Thuở còn nhỏ, James Dean Hùng đã cùng các em đi đánh lộn với bọn học trò trường tỉnh. Có trận được, có trận thua. Nhưng một lần và cũng là lần cuối cùng, James Dean Hùng bị ném viên đá trúng trán. Máu chảy đầm đìa. Hai thằng em khiêng anh về. Mẹ đi dạy học, cha đi vắng. Em gái nó đã săn sóc vết thương cho nó và khóc sướt mướt thương anh. James Dean Hùng hối hận, thề không đi đánh lộn nữa. Thế mà hôm nay... Vùng kỷ niệm đã bị bão cát phủ kín. Giọng James Dean Hùng sũng ướt thương nhớ:
- Vâng, nó xinh lắm và ngoan lắm chị ạ!
- Tên là gì?
- Là Phương.
- Gì Phương?
- Ngọc Phương.
- Tên hay quá nhỉ?
- Vâng.
- Một năm Hùng về Đà Nẵng mấy lần?
- Hai năm nay chưa về lần nào chị ạ?
- Nhớ nhà không?
- Nhớ lắm.
- Sao không chịu về?
- Vì xe lửa bây giờ hay gặp mìn lắm chị ạ! Hùng không sợ chết nhưng rất sợ bị què cụt.
James Dean Hùng có tâm sự riêng của nó. Nó nói sợ bị què, Tường Vi chẳng hiểu gì. Nàng nói:
- Ừ, què cụt khổ lắm. Nhà Hùng có giàn hoàng lan không?
- Không biết bây giờ có chưa? Hồi Hùng còn ở nhà thì không có.
- Những năm về trước, về Đà Nẵng, Hùng có hay mua quà cho Ngọc Phương không?
James Dean Hùng lắc đầu:
- Không.
Tường Vi trách:
- Sao Hùng tệ thế?
- Lỗi tại em gái Hùng chị ạ!
- Phương không thích quà à?
- Thích lắm.
- Tại sao Hùng không mua?
- Hùng vụng về cái chuyện mua quà tặng các cô kinh khủng. Mua gì em gái Hùng cũng chê. Hùng cáu sườn “cúp” luôn và từ nay về sau sẽ chẳng mua gì tặng nữa. Thôi, mình đi xi nê đi chị, nhường bàn cho khách kẻo họ chờ.
James Dean Hùng trả tiền rồi dẫn Tường Vi tới rạp Đại Nam. Đôi người, một trai một gái sóng bước trên vỉa hè Sài gòn như một đôi nhân tình mới gặp gỡ còn ngượng ngập chưa dám nắm tay nhau.
Căn hầm chỉ còn Trần Đại và Tường Vi. James Dean Hùng kéo bọn đàn em chuồn hết. Ánh sáng mờ nhạt và nhạc “Blue” huyền ảo làm cho Tường Vi liên tưởng tới một hộp đêm ở Paris trong một phim nàng đã xem. Khác vài điểm nhỏ: Không có hai nhạc sĩ da đen thôi kèn “Saxo” và rất nhiều kẻ phóng túng đứng, ngồi nghe, hút thuốc lá khói um cả hầm. Căn hầm này chỉ có hai người đang yêu nhau.
Tường Vi ngồi trên ghế bố của Trần Đại. Hắn vẫn nằm. Nàng đưa bàn tay tươi mát ấp lên ngực hắn. Trần Đại cảm thấy mạch máu của hắn chạy nhanh hơn. Và, nếu bất thần, cơn sốt kéo lên hành hạ hắn, khỏi cần bác sĩ Niệm, đôi bàn tay của Tường Vi cũng đủ xua đuổi cơn sốt. Hắn bảo người yêu:
- Em bật dùm anh một que diêm đi...
Tường Vi làm theo lời hắn. Nàng bật diêm. Điếu “Havatampa” đã ngậm sẵn, Trần Đại mồi lửa. Hắn hít một hơi dài, nhả vòng khói tròn:
- Em còn thích khói thuốc của anh không?
- Dạ, bao giờ em cũng thích.
- Em kể truyện phim “Marqué par la haine” cho anh nghe đi.
- Thưa anh...
- Gì thế em?
Tường Vi phân vân một lát. Trần Đại đoán dược ý nghĩ của nàng. Hắn nói:
- Em muốn biết cái lý do của vết thương à?
Tường Vi khép nép:
- Dạ không.
- Thế em đang nghĩ gì?
Tường Vi càng phân vân. Tim nàng đập mau. Đôi tai ran ran nóng:
- Thưa anh...
- Gì em?
- Anh đừng khinh em nhé!
Trần Đại dập tắt điếu “Havatampa”. Hắn nắm tay Tường Vi, vuốt ve bàn tay thon mềm của người yêu như kẻ đi khám phá kho tàng trong rừng thẳm vừa tìm được ngọc ngà. Bàn tay Tường Vi đan lấy bàn tay Trần Đại. Hắn nâng niu còn hơn kẻ khám phá kho tàng nâng niu chuỗi kim cương óng ánh. Trần Đại nói trong hơi thở:
- Anh quý mến em...
Đôi mắt Tường Vi chớp mau:
- Thưa anh...
- Em nói đi em!
- Thưa anh ngồi trên ghế của anh khó chịu quá. Anh...
Tường Vi chưa nói hết ý. Trần Đại gở tay hắn khỏi tay nàng:
- Em kéo cái ghế thấp kia lại gần đây mà ngồi.
Tường Vi lắc đầu:
- Em không thích ngồi, em muốn... Em muốn nằm bên anh...
Trần Đại cắn môi suy nghĩ. Rồi hắn nắm bàn tay người yêu:
- Tường Vi.
- Dạ.
- Em còn nhớ bài thơ của anh không?
- Em có chép và đã học thuộc lòng.
- Em đọc đoạn chót cho anh nghe xem nào.
Tường Vi khe khẽ đọc:
Nhà anh ở bao giờ
Mùa xuân hoa đua nở
Anh thôi đời đi trọ
Sẽ nghĩ chuyện làm thơ
Chép kín mười quyển vở
Anh đan một chim lồng
Nhốt kín chim trong đó.
Trần Đại âu yếm nói:
- Anh chưa đan xong chiếc lồng để nhốt chim bồ câu của anh mà. Chẳng lẽ anh nhốt chim vào cái lon sữa bò để chim chết ngạt hay sao?
Tường Vi nũng nịu:
- Chim không cần lồng “sơn nhiều màu sặc sỡ” đâu anh ạ.
Trần Đại cười:
- Nhưng chim của anh đâu có sống bằng hoa. Chim bồ câu ăn thóc và cần uống nữa. Anh chưa có tiền mua thóc nuôi chim. Thôi chim rán đợi anh có sự nghiệp đã.
- Đợi đến bao giờ?
- Chim lại quên lời hứa rồi. Hãy nghĩ đến con cháu ta, cuộc đời không có quyền ghê tởm con chúng ta...
Trần Đại ngừng lại giọng hắn trầm xuống:
- Em ạ! Anh nhơ bẩn lắm không còn sạch sẽ và cao thượng với bất cứ một mối tình trai gái nào. Nên anh hối tiếc và thèm thuồng tình yêu chân thật, cao quý. Em đã cho anh sự cao quý để anh biết rung động và xúc cảm khi ve vuốt bàn tay em. Anh yêu em. Anh yêu em. Em biết chưa? Tâm hồn anh đã ngủ chung với tâm hồn em. Anh thỏa mãn rồi. Chúng ta còn trẻ, đừng để ngày vui biến vụt rồi lại chở vào đời mình những tảng dĩ vảng tủi nhục, đau buồn... Tường Vi em chiều lòng anh chứ?
Nước mắt Tường Vi ứa ra. Cảm động. Nàng đã tưởng thoát khỏi căn chuồng gia đình hôi hám, xuống đời nếu gặp may cũng chỉ may phần nào thôi. Nàng không dám ngờ, cuộc đời chưa đến nỗi bẩn thỉu nhơ nhớp lắm vì cuộc đời còn có Trần Đại, James Dan Hùng và những người bạn trẻ khác của Trần Đại.
Trần Đại săn sóc nàng hơn cả cha ruột nàng. Hắn là hậu thân của mẹ nàng. Nhiều lúc Tường Vi ngỡ rằng nàng phải chiều chuộng Trần Đại thế nảo cho người yêu nàng vừa lòng. Nhưng mỗi lần nàng thực hiện ý định là mỗi lần Trần Đại làm cho nàng cảm động phát khóc.
Tường Vi gỡ nhẹ bàn tay ra khỏi bàn tay Trần Đại. Nàng lấy khăn thấm nước mắt. Đôi mắt chưa khô hẳn, nàng nhìn Trần Đại. Khuôn mặt Trần Đại lúc ấy đẹp như một nhân vật đẹp trai trong tiểu thuyết diễm tình. Tường Vi xoay người. Nàng quỳ xuống sàn hầm, nhích lên một phút, nhẹ nhàng đưa hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt người yêu. Khuôn mặt nàng cũng thấp dần, thấp dần như một khối sắt nặng bị nam châm hút. Hai khuôn mặt đau khổ sát gần nhau. Những giọt nước mắt của Tường Vi lại ứa ra, rơi rụng trên khuôn mặt Trần Đại. Và khi Tường Vi đặt chiếc hôn lên trên trán người yêu, nàng hôn cả những giọt nước mắt của nàng. Bây giờ, nước mắt đã biến vị, không còn chất cay đắng nữa.
Trần Đại gọi nhỏ, rất nhỏ:
- Tường Vi.
- Dạ.
- Thấm nước mắt đi em. Hãy để dành nước mắt khóc những niềm vui sau này em ạ!
- Vâng.
- Kể anh nghe phim “Marqué par la haine” đi.
Tường Vi đã đứng dậy. Nàng ngồi chỗ cũ. Bàn tay lại đan chặt lấy bàn tay Trần Đại:
- Phim hay lắm anh ạ! Giá có anh đi xem. Hùng bảo Hùng sẽ xem lại phim này vài chục lần nữa.
Trần Đại hỏi:
- Phim cao bồi à?
Tường Vi nhỏ nhẹ đáp:
- Không phải anh ạ! Phim xã hội. Người ta dịch cái “tít” sang tiếng Việt hay đáo để...
- Hay như thế nào?
- Như tên một cuốn tiểu thuyết rẻ tiền!
Trần Đại vỗ nhẹ vào lưng người yêu:
- Sao em so sánh kỳ khôi thế?
Tường Vi lý luận:
- Đôi khi sự kỳ khôi lại không kỳ khôi anh ạ! Nếu anh đi xem phim này anh mới thấy sự so sánh của em không kỳ khôi.
Trần Đại mỉm cười:
- Ừ, thì không kỳ khôi nữa. Vậy cái tên “Marqué par la haine” dịch sang tiếng Việt là gì?
Tường Vi đắm đuối nhìn Trần Đại:
- Thưa anh, là... “Yêu em quên hết hận thù”.
- Hay thật và cũng rẻ tiền thật.
Tường Vi trách yêu:
- Đấy, anh lại chế em rồi!
Trần Đại nghiêng minh:
- Đâu có... Em kể chuyện phim cho anh nghe đi!
Đôi mắt Tường Vi sáng ngời. Giọng nàng êm ái cơ hồ như điệu nhạc Hạ Uy Di:
- Phim thuật lại cuộc đời một võ sĩ anh ạ! Có tờ chương trình em lại làm mất rồi. Nhưng đại khái, thời thơ ấu của nhà võ sĩ vô địch là thời... du đãng. Ông ta đập lộn chí chóe. Vào tù ra khám như cơm bữa. Cuộc đời và nhà giam dạy ông ta căm thù và sự căm thù đó dồn trong quả đấm. Ông ta đấm ai người ấy chết liền. Vào quân đội “đấm” kỷ luật sắt. Lên võ đài “đấm”... theo luật hận thù. Có người biết sức mạnh tập trung trong trái đấm của nhà võ sĩ là sự hận thù. Anh ta khuyên nhà võ sĩ lợi dụng sức mạnh đó để tạo sự nghiệp. Ông ta thành công. Rồi gặp một người con gái lý tưởng, ông ta lấy cô này. Nhà võ sĩ “Yêu em quên hết hận thù” sinh con cái và trở thành võ sĩ vô địch danh tiếng khắp xứ.
Trần Đại hỏi:
- Ai đóng vai du đãng?
- Paul Newman anh ạ! Hùng bảo đáng lẽ vai này của James Dean.
- Ai đóng vai người con gái lý tưởng?
- Thưa anh, Pier Angelie.
Trần Đại nắm chặt tay Tường Vi. Khiến nàng kêu “ối”:
- Đau quá anh ơi...
Nhưng Trần Đại chớp mắt thật mau:
- Em nhìn anh xem khuôn mặt anh có giống khuôn mặt tên du đãng trong phim không?
Tường Vi ngạc nhiên:
- Sao anh lại hỏi em thế?
Trần Đại vẫn nghiêm nét mặt:
- Anh có giống tên du đãng không hở em?
Tường Vi nhoẻn miệng cười:
- Anh có là du đãng đâu mà giống?
Trần Đại cảm thấy mình hơi vô lý. Hắn buông tay Tường Vi ra:
- Anh không giống tên du đãng thật hở em?
Tường Vi lắc đầu:
- Không, anh không giống ai cả.
- Tại sao?
- Vì anh là Trần Đại, anh chỉ giống Trần Đại thôi.
Trần Đại lại xoay về chuyện phim:
- Tường Vi này, em có ghét tên du đãng trong phim không?
- Không.
- Tại sao?
- Vì em không hề thấy ông ta làm việc gì xấu xa cả.
Trần Đại nhặt điếu “Havatampa” hút dở lúc nãy. Hắn ngậm lên môi. Tường Vi bắt diêm cho hắn mời thuốc. Khói “Havatampa” quyến rũ vô cùng. Chồng đĩa nhạc “Blue” đã hết. Tường Vi toan chạy tới giàn máy lắp thêm đĩa. Nhưng Trần Đại kéo nàng lại:
- Cứ để máy chạy em ạ!
Tường Vi nhìn căn hầm một lượt rồi hỏi:
- Anh ở đây à?
- Không, anh tạm trú.
- Nhà này của ai?
- Của James Dean Hùng.
Tường Vi ngạc nhiên:
- James Dean Hùng ở Đà Nẵng cơ mà anh?
- Giang sơn này của riêng chú ấy.
Nghe Trần Đại gọi James Dean Hùng bằng “chú”, Tường Vi cười hóm hỉnh:
- Em biết chuyện rồi anh ạ.
Trần Đại sửng sốt:
- Chuyện gì? Chuyện gì hở em?
- Chuyện của anh và Hùng.
Trần Đại sửng sốt hơn:
- Chuyện anh là...
- Vâng anh là anh em “vườn đào” của Hùng.
Trần Đại thở phào. Rồi hắn tự trách hắn. Cần gì phải giấu diếm Tường Vi nữa. Và sửng sốt chuyện mình thật vô lý. Trần Đại hỏi:
- Chú Hùng còn kể cho em nghe chuyện gì nữa không?
- Chuyện gia đình Hùng.
- Chú ấy nói thế nào?
- Ba buôn bán, má nội trợ...
Trần Đại cười thầm James Dean Hùng “phiệu” chuyện mà Tường Vi cũng nghe nó. Đàn bà, con gái hay tin thật. Chẳng trách dễ bị lừa gạt. Trần Đại nói:
- Hùng còn quên chưa nói rõ em biết tại sao anh và chú ấy trở thành anh em “vườn đào” ở “Snack Bar”.
Tường Vi dục:
- Thì anh kể tiếp đi anh?
Trần Đại thở hai vòng khói tròn liền một lúc. Khuôn mặt hắn bỗng trở nên đăm chiêu:
- Em còn nhớ hôm Hùng “nện” Tony Hải ở quán “Gió Nam” nhà em chứ?
- Dạ, còn nhớ.
- Hôm ấy, chú Hùng đã là em của anh rồi.
Tường Vi đùa:
- Thảo nào anh cứ tỉnh bơ đi.
- Hùng khỏe lắm. Anh quen chú ấy, mến chú ấy từ lần gặp chú ấy trị một tên chúa đảng đánh giầy. Hoàn cảnh của Hùng hơi hơi giống hoàn cảnh của anh. Chú ấy bị gia đình hất hủi, bỏ nhà vào Sài Gòn. Anh cũng bị gia đình hất hủi bỏ nhà đi tạo lấy sự nghiệp.
Tim Tường Vi đau nhói. Nàng thương Trần Đại quá:
- Anh bị gia đình hất hủi?
- Hơn thế nữa, xã hội và tổ quốc ghê tởm anh. Tường Vi, anh vẫn đợi em hỏi về “thân thế và sự nghiệp” của anh nhưng mà em không thèm hỏi. Tại sao thế?
- Em cần gì biết dĩ vãng anh. Em chỉ cần biết hiện tại của anh. Mà hiện tại anh đang săn sóc em, đang giúp em tin tưởng để sống, đang mở cửa để em đi vào tương lai tươi đẹp. Và, anh đang... yêu em... Em không cần biết gì hơn nữa.
- Em sợ biết rõ em thất vọng à?
- Với anh, em không sợ gì cả. Dù anh thế nào đi chăng nữa, em vẫn kính trọng anh, vẫn yêu mến anh.
- Em không sợ yêu nhầm một tên giống như tên du đãng trong phim “Marqué par la haine” à?
Tường Vi rút nhẹ bàn tay khỏi bàn tay Trần Đại. Nàng mở rộng lòng bàn tay đặt lên trán người yêu. Năm ngón tay búp mang mơn man trên khuôn mặt tên du đãng ngoại hạng. Đôi mắt hắn nhắm lại để tận hưởng những cảm giác êm ái của người tình. Trần Đại mường tượng ra bàn tay của mẹ hắn. Những lần Trần Đại ốm nặng, đêm khuya mọi người đi ngủ cả, trừ có mẹ hắn còn thức. Mẹ thức để mở rộng bàn tay xoa đầu vuốt trán cho con trai. Tuy biết mẹ mình có nhiều lầm lỗi nhưng khi bàn tay mẹ đặt lên trán mình. Trần Đại lại thương mẹ vô cùng. Mấy năm bỏ nhà đi hoang, Trần Đại đã mất hẳn những cảm giác thiêng liêng và êm ái đó. Bây giờ bàn tay Tường Vi đem trả những cảm giác cũ mà Trần Đại tưởng như không thể nào tìm thấy nữa. Hắn nhắm mắt và muốn nhắm mắt tới chết trong cảm giác kỳ thú này. Tới lúc Tường Vi nói:
- Thưa anh không, em tin rằng em không nhầm...
Trần Đại mới mở mắt. Hắn ôm lấy bàn tay Tường Vi ấp vào ngực mình. Tường Vi xoay thế ngồi, nhỏ nhẹ:
- Anh cho em nằm bên anh nhé!
Trần Đại ném mẩu thuốc lá còn kẹp giữa hai ngón tay. Hắn nhìn Tường Vi. Bốn con mắt gặp nhau cùng long lanh.
- Em không sợ nát áo à?
- Thưa anh không ạ! Em chỉ sợ nát tâm hồn và cô đơn suốt đời thôi anh ạ!
- Anh đâu nỡ để em cô đơn.
- Thế anh cho nằm bên anh, nghe anh kể chuyện đời anh, anh nhé!
Trần Đại im lặng không trả lời. Tường Vi thản nhiên ngã người xuống ghế nhỏ. Trần Đại xích vội về một bên. Đôi nhân tình đã chín trái đau khổ, vết thương đời đã mưng mủ trong tim, giờ mới biết lòng ấm êm cơ hồ đôi trẻ mồ côi nằm vất vơ bên lề đường gặp người từ bi đắp giùm tấm mền bông.
Trần Đại kê tay mình làm gối cho người yêu. Hắn chợt nhớ mấy câu thơ của Huy Cận:
Hồn anh đã chín mấy mùa thương đau
Tay anh em hãy dựa đầu
Để anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
Trần Đại hỏi Tường Vi:
- Em muốn nghe chuyện đời anh à?
- Vâng.
- Chuyện đời anh buồn làm em ạ!
- Buồn bằng đời em không?
- Buồn hơn nhiều.
- Em yêu anh, em yêu cả cuộc đời buồn tủi của anh.
Trần Đại trầm giọng:
- Không biết đoạn kết của cuộc đời anh như thế nào? Có đẹp như đoạn kết của người võ sĩ trong phim không?
Tường Vi an ủi người yêu:
- Mỗi cuộc đời có một kết luận. Em hy vọng kết luận của đời mình sẽ là một kết luận hay anh ạ!
- Nhưng cuộc đời du đãng...
- Anh là...
- Anh là du đãng, em ạ!
Trần Đại nâng đầu của Tường Vi lên và rút cánh tay làm gối của mình ra. Hắn toan ngồi dậy nhưng chân hắn còn đau, chưa đủ sức ngồi dậy một mình. Tường Vi ngạc nhiên. Nàng hiểu ngay sự kiện. Tường Vi nắm lấy tay Trần Đại, kéo xuống và gối đầu lên như cũ. Trần Đại không kháng cự. Lúc ấy, hắn không còn là một tên du đãng ngoại hạng nữa. Tay hắn như tim hắn, mềm nhũn. Giọng Trần Đại thống khổ:
- Anh là du đãng, là du đãng, là du đãng em hiểu chưa?
Tiếng nói của Tường Vi ngọt ngào đáp:
- Thưa anh, em biết rồi ạ!
Trần Đại mệt mỏi:
- Em biết rồi à? Em biết rồi em nghĩ sao về cái thằng du đãng Trần Đại.
Tường Vi thấy thương Trần Đại gấp ngàn vạn lần. Vết thương đời quả thật mưng mủ trong trái tim Trần Đại. Vết thương sắp vỡ, vỡ một cách tủi nhục. Nhưng Tường Vi không muốn nó vỡ. Nàng muốn nó xẹp xuống và thôi hành hạ người nàng yêu. Tường Vi đặt tay trên ngực Trần Đại, thì thầm:
- Ngoan nghe anh, đừng hận thù nữa...
Trần Đại van nài:
- Tường Vi, Tường Vi nghĩ gì về anh?
Tường Vi ghé sát tai người tình:
- Em yêu anh, em yêu anh, em yêu anh...
Trần Đại hỏi:
- Dù biết anh là du đãng?
Tường Vi đáp:
- Anh không là du đãng. Anh lả anh của em, là người yêu của em, thương em, hy sinh cho cuộc đời em, cho tương lai em, hạnh phúc em. Anh là người trời sinh ra để che chở em.
Trần Đại dằn giọng:
- Nhưng anh là du đãng...
Nước mắt Tường Vi ứa ra:
- Anh gắt gỏng với em hở anh? Em đã nói rồi mà, em cần gì biết anh là ai. Anh là du đãng em vẫn kính trọng và yêu mến anh cơ mà. Nhưng cuộc đời có thể gọi anh là du đãng, có thể ghê tởm du đãng thì mặc kệ cuộc đời. Anh cũng bắt em ghê tởm anh hay sao?
Tường Vi nức nở. Những tiếng nấc nghẹn ngào của nàng khiến mối hận thù của Trần Đại đang sôi bỏng, mát dần... Phút chốc, đôi mắt hắn cũng rớm rớm lệ. Khuôn mặt hắn hiền đi và hắn hối hận:
- Tường Vi.
- Dạ.
- Em đừng khóc nữa.
- Dạ.
Trần Đại rút mùi xoa thấm nước mắt cho Tường Vi:
- Em...
- Dạ.
- Em tha thứ cho anh...
Tường Vi thổn thức:
- Anh có lỗi gì đâu?
- Anh có nhiều lỗi lắm.
- Không, anh chẳng có lỗi gì cả...
- Anh đã lừa dối em.
- Anh lừa dối em bao giờ?
- Anh không nói cho em biết anh là du đãng hôm mới gặp em.
- Dẫu anh nói, em vẫn yêu anh. Em nói thật đấy anh ạ! Đôi mắt anh tha thiết lắm. Người ta bảo đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Em đã đi vào tâm hồn anh qua đôi mắt anh.
Trần Đại vuốt ve bàn tay Tường Vi:
- Em an ủi anh hở?
- Thưa anh, em yêu anh... Nếu anh cho phép em nói từ giờ đến chết em yêu anh, em yêu anh, em yêu anh...
Trần Đại mỉm cười:
- Thôi, anh không dám để em chết vì nói yêu anh đâu. Anh có lỗi, lỗi ấy là đã gắt gỏng với em.
Tương Vi nói:
- Thưa anh lỗi ấy tại cuộc đời đấy ạ! Cuộc đời ghê tởm du đãng. Anh là du đãng tuy không giống du đãng khác nhưng anh bị ghê tởm lây. Anh đâm ra ghê tởm cuộc đời để trả thù. Và anh nghĩ rằng em cũng chỉ là người của cuộc đời...
- Tường Vi...
- Thưa anh, anh để em nói hết... Em đâu phải là người của cái cuộc đời ghê tởm anh. Chúng ta có một cuộc đời khác anh ạ! Anh em mình cùng có tâm sự khổ đau. Cái thể xác em nào có trắng...
- Tường Vi, em đừng nói thêm nữa. Anh van em, anh xin lỗi em...
- Anh có lỗi gì đâu?
- Anh có nhiều lỗi...
- Em nhắc lại anh chẳng có lỗi gì cả, lỗi tại cuộc đời khốn nạn này cả. Cuộc đời khốn nạn tạo ra nhiều hoàn cảnh khốn nạn, khiến người ta có nhiều ỷ nghĩ khốn nạn. Chúng ta trót sống trong cuộc đời, ít nhiều cũng bị nó chi phối; nhưng anh em mình may mắn hơn mọi người, biết rõ sự khốn nạn của nó để cùng ghê tởm nó...
Tường Vi say sưa chửi bới cuộc đời. Bỗng nàng hỏi:
- Chân anh làm sao thế? Ngã à?
Trần Đại thở dài:
- Bị bắn!
Tường Vi ngồi nhổm dậy. Nàng kéo ống quần Trần Đại cao lên một chút, mơn man gần vết thương của hắn:
- Ai bắn anh?
- Cảnh sát.
- Anh đã làm gì chúng nó?
- Anh chẳng làm gì.
- Sao chúng nó dám bắn anh?
- Vì anh là du đãng. Đối với cảnh sát, du đãng là những con chó ghẻ cần bắt hết để nhốt vào trại Tế Bần. Anh nổi tiếng lắm em ạ! Mỗi thằng cảnh sát đều giữ một tấm hình anh. Một hôm xấu trời nào đó, chúng nó sẽ thộp cổ anh và đối xử với anh như con chó.
- Anh đã làm gì nên nông nỗi?
- Anh chưa làm gì cả. Anh thề chưa đi tống tiền, bắt địa, ăn cắp...
- Em biết, em biết...
- Anh đỗ tú tài Pháp hẳn hoi, anh muốn làm công chức khó gì! Nhưng anh đã chọn nghề du đãng. Vì anh nghĩ có nhiều nỗi oan ức, pháp luật không rõ, luật sư chỉ là bọn cãi chầy giùm tội lỗi. Anh cũng có thầy học làm luật sư. Thầy anh rất tốt. Nhưng nói chung bọn luật sư chỉ cần tiền. Vậy thì, du đãng có bổn phận xử những vụ pháp luật bị bọn thợ cãi dùng mưu mô che đậy. Du đãng chỉ có một thứ luật: Luật rạch mặt! Anh thích rạch mặt bọn đạo đức giả bọn trí thức lưu manh kiểu bác sĩ Niệm. Anh thấy thú vị việc anh làm nhưng cảnh sát không thú vị. Và chúng nó lùng bắt anh.
Tường Vi không ngờ du đãng lại có “triết lý” tuyệt hảo đến thế. Nàng hỏi:
- Nguyên nhân nào xui anh làm du đãng?
- Nhiều lắm.
- Kể em nghe đi anh!
- Gia đình, học đường, xã hội, tổ quốc... Nhưng Tường Vi ơi!
- Dạ!
- Em biết làm gì?
- Biết để theo anh làm du đãng!
Trần Đại phá ra cười, nỗi lo ngại mất người yêu đã tiêu tan. Trần Đại mời mọc:
- Tường Vi...
- Dạ.
- Em nằm cạnh anh đi.
- Dạ.
- Anh sẽ kể em nghe chuyện đời anh.
Tường Vi nũng nịu:
- Anh kể thật hay anh nhé.
Trên chiếc ghế bố nhỏ, đôi nhân tình nằm bên nhau. Ánh sáng của ngọn đèn xanh mờ, hiu hắt... Họ nằm bên nhau như đôi bạn trai. Trần Đại nghĩ lại chuyện mình. Tường Vi chờ đợi nghe người yêu kể lể. Giàn hát máy hết đĩa, vẫn chạy đều... Không ai thèm tắt. Bất thỉnh lình Trần Đại nói:
- Anh cố nhớ lại, đúng đời anh như thế này...